Tuesday, September 15, 2020

Việt Nam Sử Lược - Chương 1 Nhà Ngô

PHẦN III  

Tự Chủ Thời Đại 

(Thời Kỳ Thống Nhất)

CHƯƠNG I  

NHÀ NGÔ 

(939 - 965)

1. Tiền Ngô Vương

2. Dương Tam Kha

3. Hậu Ngô Vương

4. Thập Nhị Sứ Quân

1. TIỀN NGÔ VƯƠNG (939 - 965).

Năm kỹ hợi (939) Ngô Quyền xưng vương, đóng đô ở Cổ Loa (thuộc huyện Đông anh, tỉnh Phúc yên).

Ngô vương đặt quan chức, chế triều nghi, định phục sắc và chỉnh đốn việc chính trị trong nước, chí muốn dựng nghiệp lâu dài, nhưng chỉ làm vua được có 6 năm, đến năm Giáp Thìn (944) thì mất, thọ 47 tuổi.

2. DƯƠNG TAM KHA (945 - 950).

Ngô vương trước lấy con Dương diên Nghệ là Dương thị lập làm vương hậu; đến lúc mất, vương uỷ  thác con là Ngô xương Ngập cho Dương tam Kha là em Dương hậu. Dương tam Kha bèn cướp lấy quyền của cháu, tự xưng là Bình vương.

Ngô xương Ngập thấy biến, chạy trốn sang Nam sách (thuộc Hảidương) vào ẩn ở nhà Phạm Lịnh công ở Trà hương (huyện Kim thành). Tam Kha sai quân đi đuổi bắt. Phạm Lịnh công đem vào dấu trong núi. Dương tam Kha bắt em Ngô xương Ngập là Ngô vương Văn nuôi làm con nuôi.

Năm Canh Tuất (905) có dân ở tại thôn Thái bình (thuộc Sơn tây) làm loạn. Dương tam Kha sai Ngô xương Văn cùng với tướng là Dương cát Lợi và Đỗ cảnh Thạc đem quân đi đánh. Đi đến Từ liêm, Ngô xương Văn mưu với hai tướng đem quân trở về bắt Dương tam Kha.

Ngô xương Văn nghĩ tình cậu cháu không nỡ giết, chỉ giáng xuống làm Trương Dương công.

3. HẬU NGÔ VƯƠNG (950 - 965).

Ngô vương Văn bỏ Dương tam Kha đi rồi, xưng là Nam tấn vương và sai người đi đến làng Trà hương rước anh là Ngô xương Ngập về cùng coi việc nước. Ngô xương Ngập về xưng là Thiên sách vương. Cả hai anh em làm vua, sử gọi là Hậu Ngô vương.

Làm vua được ít lâu, Thiên sách vương đã toan giữ lấy quyền một mình, nhưng đến năm giáp dần (965) thì mất.

Thế lực nhà Ngô lúc bấy giờ mỗi ngày một kém, giặc giã nổi lên khắp cả mọi nơi. Nam tấn vương phải thân chinh đi đánh dẹp. Khi đi đánh giặc ở hai thôn Thái bình, không may bị tên bắn chết. Bấy giờ là năm Ất Sửu (965), Nam tấn vương làm vua được 15 năm.

4. THẬP NHỊ SỨ QUÂN (945 - 967).

Từ khi Dương tam Kha tiếm vị rồi, những người thổ hào ở các nơi như bọn Trần Lãm, Kiểu công Hãn v.v... đều xướng lên độc lập, xưng là Sứ quân. Về sau Nam tấn vương đã khôi phục được nghiệp cũ, nhưng mà các sứ quân vẫn không chịu về thần phục. Bởi vậy nhà vua cứ phải đi đánh dẹp mãi, mà không yên được.

Đến khi Nam tấn vương bị giặc bắn chết, thì con Thiên sách vương là Ngô xương Xí lên nối nghiệp, nhưng thế nhà vua lúc ấy suy nhược lắm, không ai phục tùng nữa. Ngô xương Xí về đóng giữ đất Bình kiều. Tướng nhà Ngô là Đỗ cảnh Thạc cũng giữ một chỗ xưng là Sứ quân.

Lúc bấy giờ trong nước có cả thảy 12 Sứ quân, gây ra cảnh nội loạn kéo dài đến hơn 20 năm. Mười hai Sứ quân là :

1. Ngô xương Xí giữ Bình kiều (nay là làng Bình kiều, phủ Khoái châu, Hưng yên).

2. Đỗ cảnh Thạc giữ Đỗ động  giang (thuộc huyện Thanh oai).

3. Trần Lãm, xưng là Trần Minh công giữ Bố hải khẩu (Kỳ bố, tỉnh Thái bình).

4. Kiểu công Hãn, xưng là Kiểu Tam chế giữ Phong châu (huyện Bạchhạc).

5. Nguyễn Khoan, xưng là Nguyễn Thái bình giữ Tam đái (phủ Vĩnh Tường).

6. Ngô nhật Khánh, xưng là Ngô Lãm công giữ Đường lâm (Phúc thọ, Sơn tây).

7. Lý Khuê, xưng là Lý Lang công giữ Siêu loại (Thuận thành).

8. Nguyễn thủ Tiệp, xưng là Nguyễn Lịnh công giữ Tiên du (Bắc ninh).

9. Lữ Đường, xưng là Lữ Tá công giữ Tế giang (Văn giang, Bắc ninh).

10. Nguyễn Siêu, xưng là Nguyễn Hữu công giữ Tây phù liệt (Thanh trì, Hà đông).

11. Kiểu Thuận, xưng là Kiểu Lịnh công giữ Hồi hồ (Cẩm khê, Sơn tây).

12. Phạm bạch Hổ, xưng là Phạm Phòng át giữ Đằng châu (Hưng yên).

Những Sứ quân ấy cứ đánh lẫn nhau, làm cho dân gian khổ sở. Sau nhờ có ông Đinh bộ Lĩnh ở Hoa lư đem quân đi đánh, mới dẹp xong cái loạn sứ quân, đem giang sơn lại làm một mối,và lập nên cơ nghiệp nhà Đinh vậy.

Toàn văn tác phẩm "Việt Nam Sử Lược" của Trần Trọng Kim 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...