Friday, September 18, 2020

Điển tích - S

 

S

SA ĐÀ 

Sa đà là vấp ngã, vì hờ hững mà bỏ mất thời giờ.

Sa đà còn có nghĩa bị mất đà không kiềm chế được mà rơi theo hay bị cuốn hút theo một việc gì.

Xót thay cho kẻ vì ta,

Liễu gầy trăng lạnh sa đà bấy lâu.

(Hoa Tiên Truyện).



SA ĐÀ

Sa Đà là một bộ lạc thuộc biệt bộ Tây Đột Quyết. Trong đời nhà Đuờng, có tù trưởng là Chu Gia Chấp Nghi về làng, được cho theo họ là Lý, họ của vua Đường. Sau có Lý Tồn Húc diệt nhà Hậu Lương lên làm vua Trung Quốc tức là Hậu Đường.

Bây giờ ở Tân Cương có nơi sa mạc tên là Dặc Xa Địa, tức địa phương Sa Đà bấy giờ.

Đọc rồi mới biết rằng là:

Biên quan có nước Sa Đà động binh.

(Nhị Độ Mai).



Vừa mừng cá nhảy đợt ba,

Lại thêm chinh tiễu Sa Đà hành biên.

(Hoa Tiên Truyện).



SA TRƯỜNG 

Sa: Cát. Trường: Một bãi đất rộng lớn.

Bãi cát rộng lớn, về sau dùng để chỉ bãi chiến trường, tức là nơi đôi bên đánh nhau.

Lý Bạch đời Đường có câu: Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu, Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi  , , nghĩa là say nằm bãi cát đừng cười nhé, chinh chiến xưa nay mấy kẻ về.

Hổ mình nầy bị chốn sa trường,

Nên thất thế thẹn trang danh tướng.

(Nhạc Hoa Linh).



Lâm sa trường công phá giới biên,

Đáo chiến địa tồi phong hãm nhuệ.

(Nhạc Hoa Linh).



SÁCH CÓ GÁI HIỀN

Tức trong sách có gái hiền mặt đẹp như ngọc.

Bởi sách Nho ngày xưa có câu: Thư trung hữu nữ nhan như ngọc  , tức là trong sách có gái, mặt đẹp như ngọc nhằm khuyến khích người ta ham đọc sách. Nếu có chí, siêng năng đọc sách ắt thành đạt thì sau này sẽ tìm được người vợ đẹp.

Xem: Thư trung hữu nữ nhan như ngọc.



Sau dầu danh tạc bia son,

Trời dành trong sách có con gái hiền.

(Dương Từ Hà Mậu).



SÁCH YÊU 

Sách: Đòi hỏi. Yêu: Yêu cầu.

Sách yêu hay yêu sách, tức là đòi hỏi một điều kiện gì đó.



Vừa rồi việc lớn lễ thành,

Pháp lan lại tới hứng hành sách yêu.

(Hạnh Thục Ca).



SÁCH LỖ

Sách của nước Lỗ, tức là nói quyển Kinh Xuân Thu của Khổng Tử.

Tương truyền Đức Khổng Tử đang chép Kinh Xuân Thu thì nghe tin có người thợ săn bắt được một con kỳ lân què chơn trái, Ngài thắc mắc “Kỳ lân ra làm gì thế ?”. Ít hôm sau nghe tin kỳ lân bị giết chết, Ngài bưng mặt khóc mà than rằng: Đạo Ta cùng vậy (Ngô Đạo cùng hỹ ).

Nhạc thiều tiếng dứt khôn trông phụng,

Sách Lỗ biên rồi khó thấy lân.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



SAI NHA 

Sai: Khiến làm việc gì. Nha: Nơi quan làm việc.

Sai nha là những người làm tay sai cho quan phủ hoặc quan huyện.



Hàn huyên chưa kịp giãi dề,

Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao.

(Truyện Kiều).



Một ngày lạ thói sai nha,

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

(Truyện Kiều).



SÀI LANG 豺狼

Sài: Chó sói. Lang: Chó sói.

Sài Lang là chó sói, một loại chó rừng, mõm nhọn, đuôi rậm, chuyên ăn thịt thú, rất hung dữ, dùng để chỉ những người có lòng dạ hung hiểm, tham tàn.



Nghe lời nàng mới ngán xong,

Rằng sao quân tử ra lòng sài lang.

(Truyện Trinh Thử).



Người Đường lại ra người Đường,

Sài lang lại thói sài lang ra lòng.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



Sài lang thói dữ chút răn,

Đất thành giao lại, quan quân tha về.

(Hạnh Thục Ca).



Căm thay mấy đảng sài lang.

Cậy tài Yên quốc giúp an Hàn triều.

(Nhạc Hoa Linh).



SÀI TRIỆU TRỊNH 

Tức là Sài Vinh, Triệu Khuôn Dẫn, Trịnh Ân, ba người cùng kết nghĩa anh em với nhau tại Huỳnh Thổ Ba. Sài Vinh lớn tuổi nhứt là đại ca, Triệu Khuôn Dẫn là nhị ca, còn Trịnh Ân là tam đệ.

Sài Triệu Trịnh, ba anh em vào cuối đời Đường, đồng phò tá Quách Ngạn Oai lên ngôi, tức là vua Thái Tổ nhà Hậu Chu. Quách Ngạn Oai không con, nên Sài Vinh là cháu được truyền ngôi lại. Sau đó, Triệu Khuôn Dẫn nhờ có công đánh phá quân Khiết Đan, nên khi Sài Vinh chết, chư tướng đồng phò Triệu Khuôn Dẫn lên làm vua, đó là Thái Tổ nhà Tống.

Sài, Triệu, Trịnh cũng nguyền như thế,

Mà nên mưu đủ kế đồ vương.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SÁI ĐẬU THÀNH BINH 

Sái đậu: Rải hạt đậu. Thành binh: Biến thành những tên lính.

Trong chiến tranh thời xưa, những đạo sĩ pháp thuật cao cường, có thể dùng những hạt đậu biến thành binh lính, thuật đó gọi là “Sái đậu thành binh”.



Pháp hay sái đậu thành binh,

Bện hình làm tướng phá thành Diêm Vương.

(Lục Vân Tiên).



SÁM HỐI 

Hai chữ sám hối là danh từ kết hợp cả tiếng Sanskrit và tiếng Hán. Sám do chữ Phạn sám ma, là hối hận điều lầm lỗi. Hối: Tiếc vì đã làm điều lỗi, xin tha thứ.

Sám hối có nghĩa là xin thú nhận những lỗi lầm đã phạm và xin nguyện ăn năn sửa đổi tội lỗi, từ nay về sau không tái phạm nữa.

Trong bài tụng Sám hối bên Phật giáo có bốn câu: Tội tánh bổn không do tâm tạo, Tâm nhược diệt thời tội diệc vong. Tội vong, tâm diệt lưỡng câu không, Thị tắc danh vi chân sám hối  , . , . Nghĩa là:Tánh của tội vốn là không, do tâm tạo. (vì tâm ý là chủ động) Động cơ tâm đã diệt rồi thì tội cũng theo đó mà mất. Tội hết, tâm diệt rồi cả hai đều không. Thế mới gọi là chân sám hối (Sám hối chân thật).



Lòng hay sám hối qui y

Ăn chay niệm Phật sau thì siêu sinh.

(Hứa Sử Tân Truyện).



Ăn năn sám hối tội tình,

Xét câu minh thệ gởi mình cõi thăng.

(Kinh Tận Độ).

Người ở thế mấy ai khỏi lỗi,

Biết lạc lầm sám hối tội căn.

(Sám Hôi Kinh).



Thấy rõ lòng ngươi Ta phải đuổi,

Về lo sám hối kịp ngày giờ.

(Đạo Sử).



SÀM NGÔN 

Sàm: Nói gièm, nói xấu để làm hư cái hay, cái tốt của người khác. Ngôn: Lời nói.

Sàm ngôn nói gièm, nói xấu người khác.



Nghĩ rằng thương nát dân trời,

Vậy nên tuyệt vực lánh lời sàm ngôn.

(Lưu Nữ Tướng).



Bởi Trạng Nguyên vô ý bị cầm,

Nên Tạ tặc sàm ngôn vu cáo.

(Nhạc Hoa Linh).



SANG GIÀU NHƯ MÂY

Bởi câu “Phú quý như phù vân  ”, tức là sang giàu như mây nổi, nghĩa là giàu sang chẳng khác gì một đám mây trôi nổi trên bầu trời, khi tan khi tụ, không được lâu dài, bền vững.

Trong sách Luận Ngữ có câu: Bất nghĩa nhi phú thả quí ư ngã như phù vân  nghĩa là bất nghĩa mà giàu sang, đối với ta như đám mây nổi.

Sang giàu chẳng khác như mây,

Khi tan khi hiệp đổi xây không thường.

(Kinh Sám Hôi).

 

SÁNG TAI HỌ ĐIẾC TAI CÀY

Đây là một câu tục ngữ nói về con trâu hay bò lười, khi người bảo nó nghỉ thì nó nghe ngay, khi bảo nó cày thì nó lờ đi như là điếc. Câu này ví với người không thích làm việc, chỉ thích chơi.



Sáng tai họ, điếc tai cày,

Mà lòng ta tưởng đến người đào thơ.

(Truyện Trinh Thử).



SÀNG ĐÔNG

Bởi chữ “Đông sàng  ”, chỉ chàng rể.

Do điển: Quan Thái Úy Khước Giám sai người đi qua nhà Vương Đạo để kén rể, nơi đó có lắm học trò giỏi. Khi trở về, người ấy nói: Ở nơi chái hướng đông nhà Vương Đạo có đông người. Khi nghe tin chọn rể thì cậu nào cũng ra bộ ganh đua nhau. Chỉ có một người dường như không nghe biết gì cả. Khước Giám bảo đó là người đáng chọn. Người được chọn ấy tức là Vương Hy Chi, có tài viết chữ đẹp và thơ hay.

Xem: Đông sàng.



Khéo thay lời nói hữu tình,

Sàng đông rày mới là đành có nơi.

(Hoa Tiên Truyện).



Gồm trong tứ đức vẹn mười.

Cửa Vương Đạo dễ mấy người sàng đông.

(Quan Âm Thị Kính).



SANH BẤT PHÙNG THỜI 

Hay “Sinh bất phùng thời”.



Sanh: Sinh. Bất phùng thời: Không gặp được thời.

Sanh bất phùng thời tức là được sinh ra không có vận may, chẳng gặp được thời tốt.



Vì câu: Sinh bất phùng thời,

Dẹp nghề cửa Khổng theo phần kỹ lưu.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



SANH CẦM 

Sanh: Sống. Cầm: Bắt được.

Sanh cầm tức là bắt sống.



Truyền tam quân mai phục sơn trung,

Ngã dụ địch sanh cầm lão tướng.

(Nhạc Hoa Linh).



SANH DỤC 

Hay “Sinh dục”.

Sinh dục là sinh thành dưỡng dục, tức là sinh đẻ và nuôi dưỡng. Ý chỉ công lao sinh dưỡng của cha mẹ.

Hiếu nhạc thân thìn dạ chớ quên,

Đền sinh dục thay phiền cho vợ.

(Phương Tu Đại Đạo).



SANH KÝ TỬ QUY 

Hay “Sinh ký tử quy”.



Sinh ký: Sống gởi. Tử quy: Chết trở về.

Sinh ký tử quy là sống gởi thác về, tức là coi đời như một nơi ở tạm tấm thân, còn chết mới thật là nơi quê hương ở vĩnh viễn.

Sách Hoài Nam Tử chép: Võ Vương đi kinh lý miền nam, sắp qua sông, gặp rồng vàng đội thuyền lên khỏi mặt nước. Mọi người trên thuyền đều lo sợ, riêng Võ Vương vẫn vui vẻ, cười mà rằng: Trẫm vâng mệnh trời tận tâm tận lực mưu hạnh phúc cho dân, sống gửi thác về, có hề chi mà sợ! Nhà vua vẫn điềm nhiên, con rồng cúi đầu, vẫy đuôi rồi lặn xuống nước biến mất.

Sanh ấy tử là qui,

Diệu quyền cơ tạo chẳng gì gọi hơn.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SANH LY 

Hay “Sinh ly”.

Sống phải khổ vì chia lìa nhau.

Con người và những kẻ thân yêu thường gặp cái khổ là “Tử biệt sinh ly  ”, tức là chết thì vĩnh biệt, còn sống thì có lúc phải chia lìa nhau.



Nghe ra xiết nỗi bồi hồi,

Ấy ai mưu hiểm, giục người sinh ly?

(Nhị Độ Mai).



Sinh ly đòi rất thời Ngâu,

Một năm còn thấy mặt nhau một lần.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



SANH LY TỬ BIỆT 

Sanh ly: Sống, chịu cảnh chia lìa. Tử biệt: Chết phải thọ khổ ly biệt.

Sanh ly tử biệt là hai cảnh khổ của con người mà ai cũng phải gánh chịu. Lúc sống thì đành chịu cảnh phân ly, khi chết thì cam đành cách biệt.



Hay sợ khổ sanh ly tử biệt,

Nên tìm phương dứt tuyệt nợ đời

(Nữ Trung Tùng Phận).



SANH LINH 

Hay “Sinh linh”.



Sanh: Sự sống. Linh: Linh hồn.

Sanh linh như chữ “Vạn linh” là sự sống của tất cả các linh hồn nơi cõi trần, nghĩa là những người đang sống nơi cõi thế gian.



Dìu dắt sanh linh lo tế độ,

Thiên niên danh tạc chốn Vân Ðài.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Cao Ðài đứng chủ cả sanh linh,

Bến khổ bầu Tiên rưới thế tình.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Vui vớt sanh linh nơi bể khổ,

Vui Trời rưới khắp đủ ân Thiên.

(Đạo Sử).



SANH MÔN 

Hay “Sinh môn”.



Sinh: Sống. Môn: Cửa, đường lối.

Sinh môn là đường lối, hay cửa sống, tức là cái ngõ thoát khỏi sự chết.



Trời đà mở lối sinh môn,

Rồng về biển, cọp về non bao giờ?

(Nhị Độ Mai).



SANH NGÃ CÙ LAO 

Hay “Sinh ngã cù lao”.

Sinh ngã cù lao tức là cha mẹ sinh và nuôi nấng ta rất khó khăn, nhọc nhằn.

Bởi trong Kinh Thi có câu: Ai ai phụ mẫu sinh ngã cù lao  , , nghĩa là thương thay cha mẹ, sinh ra ta khó nhọc.



Chữ rằng: Sinh ngã cù lao,

Bể sâu khôn ví,Trời cao khôn bì.

(Gia Huấn Ca).



SANH NHAI 

Hay “Sinh nhai”.



Sinh: Sự sống. Nhai: Bờ nước, chỗ cuối cùng.

Sinh nhai có nghĩa là sự nghiệp để sinh sống, hay làm ăn sinh sống.

Trang Tử nói: Ngô sinh dã hữu nhai  , nghĩa là đời sống của chúng ta có bờ, tức là có giới hạn đã định sẵn.

Đây tới sáng xôn xao với thế,

Nhẫng đua chen kiếm kế sinh nhai.

(Kinh Thế Đạo).



Muốn lấy đạo làm đao hại thế,

Toan dùng văn gọi kế sanh nhai.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Sĩ, nông, công, cổ sanh nhai,

Ngư, tiều, canh, mục làm bài bảo thân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SANH NHẬT 

Hay “Sinh nhựt”.



Sinh: Sinh ra. Nhật: Ngày.

Sinh nhật là ngày mà mình được sinh ra.



Vả từ quê Vị khơi chừng,

Ngày sinh nhật mợ, sang mừng cũng hay.

(Hoa Tiên Truyện).



SANH TỬ CHỚP NHOÁNG

Sanh tử tức là sống chết, chỉ một quảng đời của con người, từ lúc sinh ra cho đến lúc chết. Còn dùng để chỉ hai sự kiện lớn của con người nơi thế gian: Việc sống và việc chết.

Chớp nhoáng, hay đường sấm chớp, là một đường ánh sáng lóe lên do sấm sét tạo thành. Nói một khoảng thời gian rất ngắn.

Sanh tử chớp nhoáng tức là sống chết của con người nhanh lẹ như lằn chớp nhoáng: Lóe lên rồi tắt.



Việc sanh tử như dường chớp nháng,

Bóng quang âm ngày tháng dập dồn.

(Sám Hối Kinh).



SANH THÀNH 

Hay “Sinh thành”.

Sinh đẻ và nuôi dưỡng cho thành người.

Do Kinh Dịch có câu: Thiên sinh chi, địa thành chi  , , nghĩa là trời sinh ra vạn vật, đất hoàn thành nên vạn vật. Dùng để nói cái công đức của cha mẹ ví như trời đất có công nuôi dưỡng vạn vật.

1.- Trong văn học:

Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

(Truyện Kiều).



Vầng mây giăng bạc trên đầu,

Ba năm chưa trọn một câu sinh thành.

(Lục Vân Tiên).

2.- Trong kinh sách Cao Đài:

Chữ hiếu phải lo vẹn phận người,

Sanh thành đạo trọng há đâu chơi.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Biết ơn nuôi dưỡng sanh thành,

Tìm cha lại bỏ một mình thiếp côi.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Có đâu lẽ cho trai cho gái,

Phải nhớ câu nặng ngãi sanh thành.

(Phương Tu Đại Đạo).



Với hình hài mình đã sanh thành,

Thì chữ đạo chữ tình cân đúng giá.

(Phương Tu Đại Đạo).



SÁNH PHƯỢNG

Phượng là chim trống, ví với người chồng.

Sánh phượng tức nói được người chồng tốt.

Do tích vợ chồng quan Đại phu Ý Thị của nước Trần muốn gả con gái cho Kính Trọng ở nước Tề, bèn bói một quẻ rằng: Hai trẻ sánh duyên như chim phượng và chim hoàng sánh bay, tiếng hót vang vang.



Trai anh hùng, gái thuyền nguyên,

Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng.

(Truyện Kiều).



SẢNH ĐÌNH 

Sảnh: Ngôi nhà chính, hay chỉ nơi làm việc quan. Đình: Cái sân.

Sảnh đình là sân trước nơi làm việc của quan.



Nghe lời như cởi niềm tây,

Tạ từ thôi lại dạo ngay sảnh đình.

(Hoa Tiên Truyện).



SẢNH ĐƯỜNG 

Sảnh: Ngôi nhà chính, hay chỉ nơi làm việc quan. Đường: Nhà làm việc.

Sảnh đường là nhà để các quan làm việc.



Vội mừng ngỡ tiểu tướng công,

Nào ngờ Đỗ Tử vào trong sảnh đường.

(Nữ Tú Tài).



Móc mưa nhuần gội chập chùng,

Bể sôi, chợ họp người trong sảnh đường.

(Hoa Tiên Truyện).



SAO DỜI VẬT ĐỔI

Dịch từ chữ “Vật hoán tinh di  ”.

Sao dời vật đổi dùng để chỉ vạn vật trong vũ trụ hay việc đời thường đổi thay.

Vương Bột nhà Đường có câu thơ: Nhàn vân đàm ảnh nhật du du, Vật hoán tinh di kỷ độ thu  , , nghĩa là mây lơ lửng đầm nước lồng bóng, ngày tháng dằng dặc trôi, vật đổi sao dời qua mấy độ.

Xem: Vật đổi sao dời.

Đã mấy độ sao dời vật đổi,

Nào vương cung đế miếu ở đâu nào.

(Thơ Nguyện Công Trứ).



Việc trong trời đất biết chi,

Sao dời vật đổi còn gì mà trông.

(Lục Vân Tiên).



Than rằng: Đất rộng trời cao,

Sao dời vật đổi biết bao nhiêu lần.

(Thỉnh Cô Hồn Văn).



SAO KHUÊ

Bởi chữ “Khuê tinh  ” là một ngôi sao trong nhị thập bát tú, đứng đầu trong bảy sao ở phương Tây.

Sao Khuê thường được dùng để chỉ về văn chương.

Nghìn thu gặp hội thăng bình,

Sao Khuê sáng vẻ văn minh giữa trời.

(Quốc Sử Diễn Ca).

SAO PHÚC

Bởi chữ “Phúc tinh  ” là sao phúc, tức ngôi sao đem lại phúc đức cho con người.

Phúc tinh còn được hiểu như là người cứu vớt dân chúng khỏi cảnh lầm than, khốn khổ và đem lại điều sung sướng cho người.

Xem: Phúc tinh.



Điềm lành sao phúc một thì,

Đôi bên đồng chí một kỳ đồng khoa.

(Sơ Kính Tân Trang).



SÀO DO 

Tức là Sào Phủ, Hứa Do, hai vị cao sĩ đời Thượng cổ, không màng danh lợi.

Vua Nghiêu định nhường ngôi lại cho Hứa Do, ông nghe đến danh lợi, bèn ra bờ sông Dịch để rửa lỗ tai. Lúc đó có Sào Phủ, là bậc hiền sĩ, đang dắt trâu xuống dưới dòng định cho uống nước, thấy Hứa Do đang rửa lỗ tai, bèn hỏi duyên cớ, Hứa Do thuật chuyện lại, Sào Phủ kéo trâu lên trên dòng nước cho uống và nói: Dưới dòng nước bẩn, dơ miệng trâu.

Xem: Sào Phủ, Hứa Do.



Mặt đất đùn, này thóc, này rau,

dầu lòng Cô Trúc,

Mặt nước chảy, nọ dòng, nọ bến,

mặc chí Sào Do.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



Sào Do như có đương thời,

Bảo nghe trong núi có người ngâm thơ.

(Côn Sơn Ca, Viên Dao dịch).



SÀO HỨA 

Tức là Sào Phủ, Hứa Do, hai vị cao sĩ đời Thượng cổ, không màng phú quý, lợi danh.

Xem: Sào Do.

Lâm tuyền thanh vắng bạn Sào, Hứa,

Lễ nhạc nhàn chơi đạo Khổng Chu.

(Quốc Âm Thi Tập).



Êm lòng Sào, Hứa chơi khe biếc,

Mát mặt Di, Tề ngó núi xanh.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



SÀO PHỦ 

Sào Phủ là một cao sĩ đời Thượng cổ, chẳng thích danh lợi, không màng phú quý. Ông vào tận thâm sơn cùng cốc, leo lên cây mà sống, nên người đời mới gọi là Sào Phủ.

Sào Phủ định dẫn trâu xuống dưới dòng cho trâu uống nước, gặp Hứa Do đang rửa lỗ tai vì nghe đến chuyện danh lợi, ông bèn dẫn trâu lên, không cho trâu uống nước nữa, nói: Ta định cho trâu uống nước, nhưng chỉ sợ bẩn miệng trâu mà thôi.

Xem:Sào Phủ Hứa Do.



Nào ông Sào Phủ đi đâu,

Hang sâu còn vết dắt trâu rõ ràng.

(Hương Sơn HànhTrình).



Sánh vai Sào Phủ ẩn danh xưa,

Vì nẻo lợi danh cũng đã thừa.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



SÀO PHỦ HỨA DO 

Hai vị hiền sĩ thời vua Nghiêu, không thích quyền uy, danh lợi.

Vua Nghiêu nghe tiếng Hứa Do là người hiền, định nhường ngôi lại cho, Hứa Do từ chối. Lần khác, vua Nghiêu mời Hứa Do làm Tổng trưởng coi chín châu, Do không muốn nghe chuyện ấy, ra bờ sông Dịch để rửa lỗ tai. Lúc đó có Sào Phủ, cũng là bậc hiền sĩ, đang dắt trâu xuống dưới dòng định cho uống nước, thấy Hứa Do đang rửa lỗ tai, bèn hỏi duyên cớ, Hứa Do thuật chuyện lại, Sào Phủ kéo trâu lên trên dòng nước cho uống và nói: Dưới dòng nước bẩn, dơ miệng trâu.

Quán rằng: Nghiêu, Thuấn thuở xưa,

Khó ngăn Sào Phủ, khôn ngừa Hứa Do.

(Lục Vân Tiên).



Chẳng hay người ấy tên chi?

Chẳng phen Sào Phủ, cũng bì Hứa Do.

(Dương Từ Hà Mậu).



SÁT KHÍ 

Sát: Giết. Khí: Không khí.

Sát khí là cái không khí phủ đầy sự chém giết. Hoặc nói những gì biểu lộ sự chém giết.



Ngất trời sát khí mơ màng,

Đầy sông kình ngạc, chật đường giáp binh.

(Truyện Kiều).



SÁT NHÂN VÔ KIẾM 

Sát nhân: Giết người. Vô kiếm: Không gươm.

Sát nhân vô kiếm tức giết người chẳng gươm đao.



Đọc thấy chữ “Sát nhân vô kiếm”,

kẻ tri cơ đã biết phải chừa.

(Văn Tế Thuốc Phiện).



SÁT SINH 

Hay “Sát sanh”.

Sát sanh là sát hại sinh vật, tức giết hại mạng sống của các loài vật. Theo Phật giáo, sát sanh là một hành vi phạm vào điều thứ nhứt của ngũ giới cấm.

Cho nên mới ở buông lung,

Sát sanh ác nghiệp, quen lòng làm ngang.

(Hứa Sử Tân Truyện).



SÁT THÂN THÀNH NHÂN 

Làm một việc gì có hại đến bản thân của mình để làm nên điều nhân nghĩa.

Luận Ngữ có câu: Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân hữu sát thân dĩ thành nhân  , , , nghĩa là người chí sĩ, kẻ có lòng nhân, không cầu để được sống nếu phải làm hại kẻ khác. Nhưng lại giết thân mình để làm được điều nhân.

Ý muốn nói: Mình sống mà hại kẻ khác thì không làm, mà phải liều chết để làm điều nhân.



Gà biết chữ xả sinh thủ nghĩa,

Heo đặng câu sát thân thành nhân.

(Lục Súc Tranh Công).



SÁU CÁI ẤN VÀNG

Tô Tần, người Lạc Dương, đời Đông Châu, tự là Quý Tử, có tài du thuyết. Lúc còn hàn vi, sang du thuyết đất Tần, không được trọng dụng, về nhà bị vợ và chị dâu khinh bỉ. Sau Tô Tần lại đi các nước du thuyết, được các nước nghe theo kế hợp tung, tức là kết hợp các nước nhỏ để chống lại nước lớn là Tần. Tô Tần lúc ấy được các nước phong làm Tể tướng, đeo ấn vàng của sáu nước, danh tiếng lừng lẫy. Khi đó về nhà, cả nhà quý phục, Tô Tần hỏi: Cớ sao ngày trước khinh, mà ngày nay trọng như vậy? Chị dâu đáp: Bởi ngày nay thấy chú đeo sáu cái ấn vàng được người trọng.



Chị dâu sợ em vì sáu cái ấn vàng;

Tôi hiền sợ giặc vì một đôi ngọc trắng.

(Sãi Vãi).



SÁU CUNG

Bởi chữ “Lục cung  ”, chỉ chỗ ở của các bà Hoàng hậu và Cung phi. Sau nói chung chỗ ở của đàn bà, còn gọi là nội cung.

Châu Lễ: Dĩ âm lễ giáo lục cung  , nghĩa là lấy lễ thuộc về đàn bà để dạy trong lục cung.

Kho tàng ngày một tiêu hao,

Bán khoa mua tước tiền vào sáu cung.

(Quốc Sử Diễn Ca).



SÁU CHỮ DI ĐÀ

Bởi chữ “Lục tự Di Đà  ”.

Sáu chữ Di Đà, là sáu chữ “Nam Mô A Di Đà Phật”. Đây là hồng danh của Đức Phật A Di Đà.

Người Phật tử tu tập theo pháp môn Tịnh Độ Tông dùng sáu chữ này để làm công phu hằng ngày. Khi người trì niệm danh hiệu Phật thì chỉ chuyên nhứt niệm danh Phật, không để một niệm nào khác chen vào, rồi nương theo niệm này cầu vãng sanh về cõi Tịnh độ của A Di Đà Phật.



Chuyên trì sáu chữ Di Đà,

Làm lành bỏ dữ, phận mà chẳng lơi.

(Hứa Sử Tân Truyện).



SÁU DẬT

Dật là ẩn dật, vượt hẳn. Sáu dật tức là sáu vị ẩn sĩ, vượt hẳn thế nhân, ý muốn nói sáu người ẩn dật cùng kết giao với nhau, cùng uống rượu ngâm thơ ở Trúc Khê mà đời gọi là “Trúc khê lục dật  ”. Đó là các vị Lý Bạch, Khổng Sào Phủ, Hàn Chuẩn, Bùi Chính, Trương Thúc Minh và Đào Miến.



Đã ngoài sáu dật quy linh,

Phương đông lại rạng tiểu tinh một nàng.

(Sơ Kính Tân Trang).



SÁU LỄ

Hôn lễ ngày xưa gồm có sáu lễ: 1- Lễ nạp thái, tức đưa lễ vật dạm hỏi; 2- Lễ vấn danh, tức hỏi tên họ; 3- Lễ nạp cát, tức báo hai tuổi của trai gái có hợp nhau không; 4- Lễ nạp trưng, tức là trao sính lễ; 5- Lễ thỉnh kỳ, tức hẹn ngày cưới; 6- Lễ thân nghinh, tức rước dâu. Xem: Lục lễ.



Sửa sang sáu lễ nên xuê,

Họ hàng mới nhóm, toan về phụng chiêm.

(Dương Từ Hà Mậu).



Bày ra sáu lễ sẵn sàng,

Các quan đi họ cưới nàng Nguyệt Nga.

(Lục Vân Tiên).



Tôi về thưa với mẹ cha,

Chạy cho sáu lễ đem qua cưới nàng.

(Ca Dao Việt Nam).



Dầu đòi bọng ba heo sáu lễ,

Gái chọn chồng như thể chọn cha.

(Phương Tu Đại Đạo).



SÁU THAO BA LƯỢC

Bởi chữ “Lục thao tam lược  ”.

Sáu thao là tên cuốn sách binh pháp của Thái Công Vọng soạn, chia thành Văn thao, Võ thao, Long thao, Hổ thao, Báo thao và Khuyển thao.

Ba lược là sách do Hoàng Thạch Công soạn. Sách này theo Sử Ký chép, Hoàng Thạch Công đã trao cho Trương Lương ở cầu Hạ Bì.

Sáu thao ba lược là nói những người giỏi về binh pháp, điều binh khiển tướng.

Xem: Tam lược lục thao.



Dạy gắng học sáu thao ba lược,

Hầu có ngày rộng bước phong vân.

(Phương Tu Đại Đạo).



SÁU TRẦN

Do chữ “Lục trần  ” là sáu loại Trần Cảnh, còn được gọi là lục ngoại nhập, gồm có: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp.

Sáu trần còn được gọi là Lục tặc, tức sáu tên giặc, vì nếu chúng ta không biết giữ gìn, bảo hộ thân tâm thì sáu trần có thể làm cho con người đắm say mà tạo ra các ác nghiệp.

Xem: Lục Trần.



Hằng xem thủy nguyệt sơn vân,

Một tính tròn sáng, sáu trần sạch không.

(Hứa Sử Tân Truyện).



SẮC CHỈ 

Sắc: Bản văn của vua hay vị nguyên thủ nói với dân chúng. Chỉ: Mệnh lệnh của vua.

Sắc chỉ dùng để nói chung về mệnh lệnh của vua ban xuống cho dân chúng.



Năm mây bỗng thấy chiếu trời,

Khâm ban sắc chỉ đến nơi rành rành.

(Truyện Kiều).



SẮC KHÔNG 

Sắc là hình sắc, hình thể, thể chất, vật chất. Sắc phát hiện khi hội đủ những nhân duyên và tuỳ những nhân duyên ấy mà trụ một thời gian, rồi tiêu diệt mất. Sắc vốn vô thường, tương đối, lệ thuộc.

Không, không có nghĩa không có cái gì hết, mà có nghĩa là các pháp tuy có nhưng chúng vô thường, biến chuyển vì do có đủ nhân duyên hợp lại mà thành, nên không có thật, không có tự tánh cố định. Về phương diện chân lý tương đối thì tất cả các pháp đều hiện hữu, nhưng về mặt chân lý tuyệt đối thì mọi sự vật đều không, không có thực tánh.

Xem: Sắc sắc không không.



Sư khen rằng: Kẻ Nho phong,

Đã say đến chữ sắc không đấy mà!

(Quan Âm Thị Kính).



Vốn đà ngộ chữ sắc không,

Trả lời thề trước ra công độ đời.

(Hứa Sử Tân Truyện).

Đừng sợ khó, khó nên công,

Công khó may gìn chữ sắc không.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).

Vun nền đạo hạnh khá rèn lòng,

Gặp hội đành vui chữ sắc không.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI

Dịch từ câu “Quốc sắc thiên hương  ”, tức là sắc đẹp nhứt nước, hương thơm của trời, ý chỉ người đàn bà con gái đẹp tuyệt trần.

Xem: Quốc sắc thiên hương.

Than ôi! Sắc nước hương trời,

Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây?

(Truyện Kiều).



Con người sắc nước hương trời,

Quá thương khi đã ngỏ lời để đâu.

(Nhị Độ Mai).



Khen cho sắc nước hương trời,

Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa.

(Thơ Hồ Xuân Hương).



SẮC PHONG 

Sắc: Bản văn của vua ban xuống quần thần và dân chúng. Phong: Vua ban đất đai hoặc tước lộc.

Sắc phong là mệnh lệnh của vua ban tước lộc hay đất đai. Đối với Tôn giáo, Sắc phong do Thượng Đế hay Phật ban cho.



Tới khi cù đủ gạt vi rồng,

Còn đợi một ngày tiếp sắc phong.

(Đạo Sử).



SẮC RƯỢU

Bởi chữ “Tửu sắc  ”, nghĩa là rượu và sắc đẹp.

Theo y học Đông phương, người mà sắc dục quá độ thì hại thận, rượu uống quá nhiều thì hại tim, vì vậy phải gìn giữ về tửu sắc.

Gửi trình dễ dám khuyên đâu,

Sắc phòng thương thận, rượu hầu thương tâm.

(Gia Huấn Ca).



SẮC SẮC KHÔNG KHÔNG 

Sắc: Tất cả những gì có hình tướng. Không: Chẳng có gì cả.

Sắc sắc không không là chữ nhà Phật. Sắc là nói hết thảy những cái có hình tướng, hiện rõ ra ngoài. Không là hư không, chẳng có gì cả.



Sinh sinh hoá hoá, cơ huyền tạo mờ mờ,

Sắc sắc không không, bụi hồng trần phới phới.

(Văn Tế Nguyễn Biểu).



Tưởng câu sắc sắc không không,

Dám đâu còn bận chút lòng gió trăng.

(Truyện Phan Trần).



Ấy nhân duyên, ấy tao phùng,

Dẫu đâu sắc sắc không không, nghĩ gì.

(Mai Đình Mộng Ký).



Ơn lòng nhắm liễu thăm hoa,

Biết đâu sắc sắc vẫn là không không.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



SẮC TỨ TU TRÌ 

Sắc tứ: Mệnh lệnh của vua ban cho. Tu trì: Tu sửa và gìn giữ.

Sắc tứ tu trì tức là được vua ban sắc xuống cho phép tu hành.



Linh San am quê ngụ,

Sãi sắc tứ tu trì.

(Sãi Vãi).



SĂN HƯƠU

Do Sử Ký chép rằng: Kỷ cương nhà Tần bị mất, vùng Sơn đông loạn lạc, các miền khác đều có giặc giã. Các anh hùng hào kiệt tụ tập nhiều như quạ. Nhà Tần mất con hươu, cả thiên hạ cùng đuổi bắt nó. Bấy giờ ai tài cao, nhanh chân thì sẽ bắt được trước.

Săn hươu tức rượt bắt hươu, dùng để chỉ việc tranh giành thiên hạ, hay ngôi vua.

Xem: Đuổi hươu.



Chẳng lo đuổi thỏ săn hươu,

Rồng còn uốn khúc ở ao đợi thì.

(Truyện Trinh Thử).

 

SẮN BÌM

Dây sắn dây bìm là loại dây mọc lan hay mọc leo lên gửi thân vào một cây khác, nên thường được ví với phận người vợ bé, vợ mọn.

Sắn bìm chỉ người lẻ mọn.

Xem: Cát luỹ.



Sắn bìm chút phận cỏn con,

Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng?

(Truyện Kiều).



SẮT CẦM 

Cây đàn sắt và cây đàn cầm, thường dùng để đàn hòa nhau, được ví với vợ chồng.

Trong hôn nhân, sách thường có câu: Sắt cầm hảo hiệp  , nghĩa là đàn sắt đàn cầm âm thanh hoà hợp với nhau, chỉ vợ chồng đẹp đôi.

Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,

Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Công rằng: Ta cũng thương thầm,

Tủi duyên con trẻ sắt cầm dở dang.

(Lục Vân Tiên).



Sắt cầm bỗng dở dang nhau,

Say đâu với đứa trong dâu hẹn hò.

(Quan Âm Thị Kính).



SẮT CẦM HẢO HỢP 

Sắt cầm: Tên hai loại đàn, chỉ vợ chồng hoà hợp nhau. Hảo hợp: Hoà hợp tốt với nhau.

Sắt cầm hảo hợp ý nói vợ chồng hoà hợp tốt đẹp với nhau. Trong hôn nhân, người ta thường dùng câu: “Loan phụng hoà minh, sắt cầm hảo hợp  , ” để chúc cho nhau.



Ước trao chỉ Tấn tơ Tần,

Sắt cầm hảo hợp, lựa vần Quan thư.

(Thanh Hoá Quan Phong).



SẮT ĐÁ

Do chữ “Thiết thạch  ” tức sắt đá, là hai loại vật chất cứng và bền, dùng để ví với tấm lòng kiên định, không điều gì có thể lay chuyển được.

Xem: Thiết thạch.

U minh đôi ngả khơi chừng,

Một niềm sắt đá biết rằng thấu không?

(Hoa Tiên Truyện).



Sau cho sắt đá một lòng,

Miệng hùm chớ sợ, vảy rồng chớ ghê.

(Nhị Độ Mai).



Đừng mượn hơi hùm run nhát khỉ,

Lòng ta sắt đá, há lung lay.

(Thơ Phan Văn Trị).



Tu luyện tua bền lòng sắt đá,

Ðá bền cũng phải đổ về Thu.

(Đạo Sử).



SẮT ĐANH

Cũng như chữ “Sắt đá”, “Sắt đanh” hay “Sắt đinh” là những vật cúng rắn, dùng để chỉ tấm lòng chắc chắn, bền chặt, không bao giờ thay đổi.

Xem: Sắt đá.

Song thu đã khép cánh ngoài,

Tai còn đồng vọng mấy lời sắt đanh.

(Truyện Kiều).



SẮT MÀI NÊN KIM

Bởi câu tục ngữ “Có công mài sắt có ngày nên kim” ý nói có chí dồi mài, trau luyện ắt có ngày cũng thành công.

Do điển: Lý Bạch lúc học chưa thành tài, đã muốn bỏ dở sự nghiệp. Một hôm, Lý Bạch đi đường gặp một bà già mài cái dùi sắt. Bạch hỏi mài để làm gì, bà già đáp mài để làm cây kim. Nghe vậy, Lý Bạch liền tỉnh ngộ, trở về tiếp tục học hành lại. Sau trở thành một đại thi hào đời nhà Đường.

Xem: Mài sắt.



Say sưa kinh sử chớ khuây,

Sắt mài ắt hẳn có ngày nên kim.

(Gia Huấn Ca).



SẮT SON

Sắt son là bền cứng như sắt, màu đỏ như son, ý nói lòng chẳng phai lợt như màu son đỏ, và bền cứng như sắt đá.

Lòng sắt son là lòng bền chặt, trước sau như một, không bao giờ thay đổi.

Xem: Son sắt.



Kể chi những sự đã rồi,

Sắt son ghi tạc một lời từ đây.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Mảnh tiên tạc lấy sắt son,

Tấc lòng đem hỏi, nước non mượn bàn.

(Mai Đình Mộng Ký).



Nhơn nghĩa gắng gìn dạ sắt son,

Thờ cha kính mẹ hiếu lo tròn.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Tuy là khác thửa đồng bào,

Mà trong sanh tử một màu sắt son.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SÂM THƯƠNG 

Sao Sâm và sao Thương, còn gọi là sao Hôm, sao Mai, hai ngôi sao ấy lặn mọc không bao giờ thấy nhau. Dùng để chỉ sự xa cách hai nơi.

Do điển: Vua Cao Tốt có hai người con, con trưởng là Yên Bá, con thứ là Thật Trầm. Hai người ở chung thì cứ tranh đua, gây sự nhau mãi. Vua bèn cho Yên Bá sang xứ Thương Khâu ở phương đông mà làm vua đất Thương; còn Thật Trầm sang xứ Đại Hạ làm chúa đất Sâm. Do tích này, người ta mới đặt hai ngôi sao lặn mọc khác nhau tên là sao Sâm và sao Thương.

Sâm thương chẳng vẹn chữ tòng,

Tại ai, há dám phụ lòng cố nhân?

(Truyện Kiều).



Xưa sao hình ảnh chẳng rời,

Bây giờ nỡ để cách vời Sâm thương.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Giải kia lầm giắt chữ đồng.

Tủi duyên ấy, để nỡ lòng Sâm thương.

(Quan Âm Thị Kính).



SÂN ĐÀO

Sân đào là sân nhà của ông Đào Tiềm, một hưu quan đời Tấn, không vì năm đấu gạo mà phải chịu khom lưng làm quan, ông trả áo mão cho triều đình, bỏ về nhà, viết bài “Qui khứ lai từ  ” rất nổi tiếng.

Xem: Đào Tiềm.

Mười năm theo việc vương kỳ,

Sân Đào mấy lớp, Đông ly bỏ rèm.

(Nhị Độ Mai).



SÂN ĐÀO LÝ

Đào lý là mận đào dùng để chỉ các ông quan có tài năng. Do tích Địch Nhân Kiệt đời Đường tiến cử lên vua ba mươi người, đều là những người tài năng lỗi lạc. Người đương thời khen rằng: Thiên hạ đào lý tận tại công môn  , nghĩa là đào lý (Chỉ bậc hiền tài) trong thiên hạ hầu hết ở tại cửa nhà ông mà ra.

Xem: Cửa mận đào.

Sân đào lý mây lồng man mác,

Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



SÂN ĐIỀN TỬ KINH

Tức là cây tử kinh trước sân nhà họ Điền.

Theo Tục Tề Hài Ký: Trước sân nhà anh em Điền Chân đời Hán, có trồng một cây tử kinh rất tươi tốt. Ba anh em dự định chặt cây đó chia làm ba, chưa kịp chặt thì cây đã khô héo. Điền Chân buồn bã, bảo các em rằng: Cây từ một gốc mà sanh ra, thế mà ta định chặt làm ba thì nó đã khô chết. Còn ba anh em ta sinh ra từ một bà mẹ, sao lại có thể chia rẽ nhau. Hai người em nghe xong rất cảm động, nguyện thương yêu và đoàn kết lại với nhau.

Thơm tho dòng Đậu cành đan quế,

Áp áp sân Điền khóm tử kinh.

(Hồng Đức Quốc Âm).



SÂN HOÈ

Sân có trồng cây hoè. Chỉ nhà cha mẹ hay anh em.

Do tích Vương Hựu đời nhà Tống có trồng ba cây hoè trước sân nhà rất xum xuê, mà sau này các con ông đều làm quan vinh hiển.

Sân hòe đôi chút thơ ngây,

Trân cam, ai kẻ đỡ thay việc mình?

(Truyện Kiều).



Nền nhân nhờ bóng sân hòe,

Cũng may tới cửa ngựa xe với ngươi.

(Quan Âm Thị Kính).



Phận đành cho ả họ Tào,

Mong sân hoè được thanh cao là mừng.

(Truyện Trinh Thử).



SÂN LAI

Sân nhà của Lão Lai Tử. Nghĩa bóng: Chỉ sân nhà cha mẹ.

Sách Nhị Thập Tứ Hiếu chép: Lão Lai Tử người nước Sở, thời Xuân Thu, thờ cha mẹ rất có hiếu, năm bảy mươi tuổi còn bày trò như trẻ con, mặc áo năm màu sặc sỡ ra sân nhảy múa để làm vui cho cha mẹ.

Dám thưa: Dạy thế sao đành,

Sân Lai sáu kỷ, song huỳnh mười thu.

(Hoa Tiên Truyện).



Sân Lai cách mấy nắng mưa,

Có khi gốc tử đã vừa người ôm?

(Truyện Kiều).



SÂN NGÔ

Sân ngô tức là sân có trồng cây ngô đồng.

1.- Chỉ sân trồng cây ngô đồng:

Nửa năm hơi tiếng vừa quen,

Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng.

(Truyện Kiều).

2.- Chỉ nơi trường học đào tạo ra được nhiều tài giỏi hiển đạt.

Do điển: Nhà họ Hàn có tám người con trai đều học hành thành tài, thi đỗ ra làm quan. Người đương thời ca tụng là “Hàn thị bát đồng  ”, nghĩa là nhà họ Hàn có tám cây ngô đồng.



Nẻo hạnh làu soi gương nguyệt thắm,

Sân ngô rạng vẻ cảnh thu đưa.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Nhành vàng tuy chẳng đượm sân Ngô,

Cái miệng trung trinh giống Ðổng Hồ.

(Đạo Sử).



Ấy là nơi thiếp đến thường,

Thăm chàng đang học nơi trường sân ngô.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SÂN PHONG

Bởi chữ “Phong đình  ”, sân trồng cây phong, tức cây bàng, một loại cây vào mùa thu lá đỏ, có vẻ đẹp nên thường được trồng ở sân chầu của vua.

Do vậy, “Sân phong” dùng chỉ sân chầu của vua.

Xem: Phong đình.



Sân phong lựa mặt sai quan,

Lại sai Dương tướng giữ giàng việc biên.

(Hoa Tiên Truyện).



Bách quan đóng chặt sân phong.

Tiếng chen xe ngựa, vẻ lồng cân đai.

(Nhị Độ Mai).



SÂN QUẾ HOÈ

Sân quế do tích “Yên Sơn ngũ quế  ”.

Đậu Võ Quân đời Ngũ Đại, người đất Yên Sơn, có năm người con đều học giỏi, đỗ đạt vinh hiển. Người đương thời gọi là “Yên Sơn Ngũ Quế” để chỉ năm người con vinh hiển của ông như năm cành quế thơm.

Sân hoè, do tích Vương Hựu đời nhà Tống có trồng ba cây hoè trước sân nhà rất xum xuê, mà sau này các con ông đều làm quan vinh hiển.

Sân quế hoè chỉ nhà có con hiển đạt.

Xem:Yên Sơn ngũ quế, Sân hoè.



Tình cờ chiếm được bảng xuân,

Ấy là phú quý đầy sân quế hoè.

(Thanh Hoá Quan Phong).



SÂN SI 

Sân: Giận dữ, sân hận. Si: Si mê, ngu si, mê muội.

Sự nóng giận nổi lên do những cái gì không làm cho mình thích ý. Giáo lý nhà Phật nói: Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai  , , nghĩa là khi tâm khởi lên một niệm sân thì trăm muôn cửa chướng ngại mở ra. Trong Kinh cũng có nói: “Một niệm lửa sân đốt tan cả rừng công đức”.

Theo Phật, từ sân hận con người bị đưa đến ngu si, mê muội. Si thường khiến con người không biết chánh tà, tội phước, thiện ác, rồi đưa đến tội lỗi, lầm lạc.

Ấy là những gái hung đồ,

Xúi chồng tranh cạnh hồ đồ sân si.

(Kinh Sám Hối).



Khi dạy răn đòn bọng chớ sân si,

Hình vua chúa có khi còn phải kém.

(Phương Tu Đại Đạo).



SÂN TUYẾT

Sân tuyết chỉ trường học Nho gia.

Bởi tích hai người học trò của Trình Di là Du Thù và Dương Thì buổi đầu đến yết kiến thầy. Hai ông thấy thầy đang ngồi lim dim đôi mắt nghĩ ngợi. Hai người cứ đứng yên chờ, không dám động. đến khi thầy mở mắt, hai người mới về, bước ra ngoài tuyết đóng một thước. Do vây, người ta dùng “Sân tuyết”, hay “Cửa tuyết” để chỉ trường học của họ Trình.

Xem: Cửa tuyết.



Bâng khuâng một mối viễn hoài,

Khi trong sân tuyết, khi ngoài trời tây.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



SÂN TRÌNH

Như chữ “Cửa Trình”, tức là Sân nhà họ Trình, danh Nho đời nhà Tống, dùng để chỉ trường học của Nho gia. Họ Trình có hai anh em:

Anh là Trình Hạo, tự Bá Thuần, đỗ Tiến sĩ, làm quan Giám sát Ngự sử, nghiên cứu tinh thông về bách gia chư tử và đạo Thích, đạo Lão.

Em Trình Di là người nghiên cứu bất cứ điều gì cũng cùng cực lý lẽ, bình sanh lấy chân thành làm gốc. Về sau, Trình Di chú thích về Kinh Dịch và Kinh Xuân Thu, mở thành một học phái. Hai anh em họ Trình cùng học một Thầy là Chu Đôn Hy.

Xem: Cửa Trình.

Theo thầy nấu sử sôi Kinh,

Tháng ngày bao quản sân Trình lao đao.

(Lục Vân Tiên).



SÂU DÂN MỌT NƯỚC

Nghĩa từ chữ “Đố quốc hại dân  ”.

Sâu dân mọt nước là nói người không có ích lợi gì cho nhân quần, xã hội, chỉ là loài phá hại như sâu phá hại mùa màng, mọt đục khoét cây cối.

Sâu dân mọt nước bạo tàn,

Mua quan bán chức nhộn nhàng cân đai.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SẤU TỬ 

Sấu: Ốm. Tử: Chết.

Sấu tử tức là làm cho chết dần chết mòn.



Nước cơm cấm chẳng cho đưa,

Làm cho sấu tử chẳng chờ sắc ban.

(Hạnh Thục Ca).



SẦU BI 

Sầu: Buồn rầu. Bi: Thương xót.

Sầu bi là buồn rầu đau xót.



Nguyệt Nga luống những sầu bi,

Xẩy đâu Bùi Kiệm tới khi về nhà.

(Lục Vân Tiên).



Bá tước công khanh ý vị gì?

Mà đời dám đổi kiếp sầu bi.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



SẦU TUÔN ĐỨT NỐI

Tức là nỗi buồn bã dài dằng dặc, tuôn ra như sợi chỉ khi đứt khi nối lại, tức là lúc khuây bớt, lúc nổi lại.



Lại càng ủ dột nét hoa,

Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.

(Truyện Kiều).



SẦU THÀNH 

Sầu: Buồn phiền. Thành: Bức thành.

Sầu thành là nỗi sầu khổ chồng chất như cả bức thành vây bọc, không thoát ra được.



Bá Kiều chiết liễu đến nay,

Nhớ lời cảm nghĩa sầu xây nên thành.

(Lưu Nữ Tướng).



SẦU TRƯỜNG 

Sầu: Buồn rầu. Trường: Khúc ruột.

Sầu trường là lòng buồn bã dường như ruột cuộn khúc lại.



Lòng ngán ngẫm buồn tênh mọi nỗi,

Khúc sầu trường bối rối đường tơ.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



SEN KHÔNG NỆ BÙN

Hoa sen là loài hoa quân tử, sinh trưởng nơi bùn lầy, nhưng không tanh hôi mùi bùn, nên người ta thường lấy hoa sen biểu trưng cho kẻ anh hùng, liệt nữ không ngại thử thách, gian nguy, vẫn giữ lòng trung trinh tiết liệt.



Miễn nàng tiết sạch giá trong,

Vàng không thẹn lửa, sen không nệ bùn.

(Truyện Phan Trần).



SEN MUỐNG MỘT BỒN

Sen là thứ cây quý hiếm, tượng cho người quyền quý, quân tử; muống là thứ rau tầm thường, tựa kẻ hèn kém, tiểu nhân.

Hai loại thực vật đó đều sống vượt trong nước, nên được trồng chung một đìa, ý nói người sang kẻ hèn, người quý kẻ tiện chung một nơi lẫn lộn nhau.

Ai cho sen muống một bồn,

Ai từng chanh khế sánh phồn lựu lê.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SEN VÀNG

Bông sen bằng vàng, như chữ “Gót sen”, chỉ bước chân người đẹp đi.

Do tích đời Nam Bắc triều bên Tàu, Đông Hôn Hầu nước Nam Tề khi làm vua rất yêu quý bà Phan Phi, làm hoa sen bằng vàng lót xuống đất cho nàng đi, rồi nói rằng: Quý phi đi, mỗi bước chân nở một cái hoa sen. Từ đấy, lấy chữ “Sen vàng”, “Gót sen” để nói đến bước chân của người đàn bà đẹp.

Xem: Gót sen.



Sương in mặt, tuyết pha thân,

Sen vàng lãng đãng như gần như xa.

(Truyện Kiều).



Giác Duyên lên tiếng gọi nàng,

Buồng trong vội dạo sen vàng bước ra.

(Truyện Kiều).



SĨ NÔNG CÔNG CỔ 

Ngày xưa dân chia làm bốn hạng, gọi là tứ dân, gồm có: Sĩ là người đi học hay làm quan, nông là người làm ruộng, công là người làm thợ, cổ là thương buôn.



Sĩ, nông, công, cổ sanh nhai,

Ngư, tiều, canh, mục làm bài bảo thân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SIÊU PHÀM 

Siêu: Vượt lên trên. Phàm: Bình thường, thế gian.

Siêu phàm là vượt lên trên người thường. Theo tôn giáo, siêu phàm là siêu thoát khỏi cõi phàm gian.



Dầu đoạt vị ở an Thiên cảnh,

Dầu tái sanh mở cảnh siêu phàm.

(Kinh Thế Đạo).



Siêu phàm chẳng khó đó đời ôi,

Chẳng quá ba phen cứ nhịn lời.

(Đạo Sử).



Vâng lời Thánh ắt đặng siêu phàm,

Trần thế là chi để dạ tham.

(Đạo Sử).



SIÊU SINH 

Hay “Siêu sanh”.



Siêu: Vượt lên trên. Sinh: Sống.

Siêu sinh là vượt ra ngoài cuộc sống thế tục, tức linh hồn siêu thăng lên cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.



Hào quang chiếu diệu Cao Đài,

May duyên nay đã gặp ngày siêu sanh.

(Kinh Thế Đạo).



SIÊU SINH TỊNH ĐỘ 

Siêu sinh: Vượt ngoài cuộc sống trần tục để sống miên viễn ở cõi thiêng liêng. Tịnh độ: Cõi thanh tịnh, trang nghiêm vi diệu, chỉ cõi Phật, còn gọi là Phật độ.

Siêu sinh tịnh độ là hồn được vãng sinh lên cõi Phật độ, tức là về cõi Tây Phương Cực Lạc.



Nhờ phép Phật siêu sinh tịnh độ,

Phóng hào quang cứu khổ độ ưu.

(Thập Loại Chúng Sinh).



SIÊU THĂNG 

Siêu: Vượt lên trên. Thăng: Lên.

Siêu thăng là hồn vượt ra ngoài cảnh trần tục, để thăng lên Thiên cảnh, tức chỉ sự đắc đạo.



Siêu thăng thoát cả một nhà,

Từ nay phúc đẳng hà sa vô cùng.

(Quan Âm Thị Kính).



Tiêu diêu định tánh nắm phan,

Do theo Cực Lạc đon đàng siêu thăng.

(Kinh Thế Đạo).



Ngân Kiều Bát Nhã qua bờ,

Đưa duyên để bước kịp giờ siêu thăng.

(Kinh Thế Đạo).



Ngồi mà lóng tiếng đờn vô cực,

Phước siêu thăng đặng thất nơi ta.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SINH CA 

Hay “Sanh (Sênh) ca”.



Sinh (Sênh): Tên một loại nhạc khí, dùng để thổi. Ca: Hát.

Sanh ca tiếng ống sanh và tiếng ca hát, tượng trưng cho nhạc cụ và tiếng hát.



Sênh ca mấy khúc vang lừng,

Cái thân Tây Tử lên chừng điện Tô.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



SÍNH NGHI 

Sính: Đêm lễ vật đến hỏi vợ. Nghi: Lễ.

Sính nghi là cái lễ đem vật phẩm đến họ nhà gái trong hôn lễ.



Rằng: Mua ngọc đến Lam Kiều,

Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?

(Truyện Kiều).



Mẹo lừa đã mắc vào khuôn,

Sính nghi rẻ giá, nghinh hôn sẵn ngày.

(Truyện Kiều).



Sính nghi ước kịp ngày mai,

Ai mau chân trước, định lời hứa anh.

(Quốc Sử Diễn Ca).



SO THIỆT TÍNH HƠN

So thiệt tính hơn là so sánh thiệt hơn, suy xét lợi hại, tức tính toán một cách kỹ lưỡng.

Theo Mạnh Tử, con người đừng nên so thiệt tính hơn, bởi vì: Nhất ẩm nhất trác sự giai tiền định, vạn sự phân dĩ định, phù sanh không tự mang, vạn sự bất do nhân kế giảo, nhất sanh đô thị mệnh an bài  , , , , , nghĩa là một hớp uống một miếng ăn đều do nơi tiền định. Muôn việc cũng thế, đều đã chia định hết thảy. Với kiếp phù sinh con người lo gì cho uổng công, muôn việc không phải bởi người so thiệt tính hơn mà nên, một đời người đều là có mạng số đã an bài rồi.

Lòng đừng so thiệt tính hơn,

Ngày đêm than thở dạ hờn ích chi.

(Kinh Sám Hối).



SÓC CẢNH 

Sóc: Hướng bắc. Cảnh: Bờ cõi.

Sóc cảnh là nói miền đất ở phương bắc.



Than ôi! Trời đông phố vận ra sóc cảnh,

trải bao phen gian khổ mới có ngày nay.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



SON PHẤN

Tức là son thoa môi và phấn dặm mặt, là hai thứ đồ trang điểm của phụ nữ.

Son phấn dùng để chỉ người đàn bà con gái.

Phận bạc cũng liều son với phấn,

Mình vàng âu dễ trắng thay đen.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



Son phấn thà cam dày gió bụi,

Đá vàng chi để thẹn non sông?

(Thơ Tôn Thọ Tường).



Nấu kinh sử ra mùi son phấn,

Cầm bút nghiên đặng thắm má đào.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Để chuông mõ dựa kề son phấn,

Chất nhơn tình chồng cận kệ kinh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SON SẮT

Son sắt là đỏ như màu son, bền cứng như sắt. Ý chỉ lòng chẳng phai lợt như màu son đỏ, bền cứng như chất sắt.

Lòng son sắt là lòng trung thành không thay đổi, trước sau như một.

Xem: Sắt son.



Dấn thân cho nước, son sắt một lòng,

Nối nghĩa cùng thầy, tuyết sương mấy độ.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



Xếp ngọn bút, đau lòng son sắt,

Giã đàn văn, lánh mặt phong sương.

(Thơ Tản Đà).



Chung hiệp rán vun nền đạo đức,

Bền lòng son sắt đến cùng Ta.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Nào khi ước giữ niềm son sắt,

Nào thề non nắm chặt dải đồng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Son sắt một lòng vẹn tiết trinh,

Dầu Trời xem xét tấm lòng mình.

(Đạo Sử).



SONG ĐÀO 

Song: Cửa sổ. Đào: Hoa đào.

Song đào là cửa sổ được trang trí bằng the, lụa màu hồng đào.



Vội mừng làm lễ rước vào,

Đài sen nối sáp song đào thêm hương.

(Truyện Kiều).



SONG ĐƯỜNG 

Song đường là hai ngôi nhà lớn, tức xuân đường và huyên đường dùng để chỉ cha mẹ.

Xem: Xuân đường và huyên đường.

Ở trên hiếu thuận song đường,

Lòng quỳ dám trễ, tay khương nào rời.

(Quan Âm Thị Kính).



Song đường tuổi hạc đã cao,

Xin thầy nói lại âm hao con tường.

(Lục Vân Tiên).



SONG HỒ

Song: Cửa sổ. Hồ: Giấy hồ.

Song hồ là cửa sổ có dán giấy hồ, một loại giấy trang trí cho đẹp và sáng để đọc sách.

Do vậy, chữ “Song hồ” dùng để chỉ phòng học.

Song hồ nửa khép cánh mây,

Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.

(Truyện Kiều).



Mưa hoa khép cánh song hồ,

Sớm khuya với bức họa đồ làm đôi.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Lâm ly ngọc bút song hồ,

Văn chương một áng điểm tô tuyệt vời.

(Thơ Bùi Kỷ).



Nay tuyết đóng song hồ động lãnh,

Đành cửa không gởi mảnh tâm hồn.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SONG HUỲNH 

Song: Cửa sổ. Huỳnh: Con đom đóm.

Song huỳnh là cửa sổ có ánh sáng đom đóm. Do điển Trác Dận đời Tấn nhà nghèo, không có tiền mua dầu thắp đèn phải bắt nhiều con đom đóm để lấy ánh sáng mà đọc sách.

Nghĩa bóng: Chỉ phòng học.

Xem: Huỳnh song.



Dám thưa: Dạy thế sao đành,

Sân lai sáu kỷ, song huỳnh mười thu.

(Hoa Tiên Truyện).



Một đèn một sách một đồng,

Một mình lăn lóc song huỳnh ngày đêm.

(Ngọc Kiều Lê).



Chừng trong chín vạn bằng trình,

Chẳng qua án tuyết song huỳnh mấy năm.

(Tây Sương).



SONG HUỲNH ÁN TUYẾT 

Song huỳnh là cửa sổ đom đóm, do tích Trác Dận đời Tấn nhà nghèo phải bắt đom đóm (huỳnh), lấy ánh sáng làm đèn mà học.

Xem: Huỳnh song.

Án tuyết tức là bàn có băng tuyết, do tích Tôn Khang siêng học nhà không đèn, mùa đông, phải nhờ ánh sáng của tuyết mà học.

Xem: Án tuyết độc thư.

Song huỳnh án tuyết chỉ sự siêng năng học tập.



Củi quế gạo châu,

kham khổ nằm chưng trường ốc,

Song huỳnh án tuyết,

dùi mài mến nghiệp thi thư.

(Thập Giới Cô Hồn).

 

SONG MAI 

Song: Cửa sổ. Mai: Cây bông mai.

Song mai là bên ngoài cửa sổ có trồng cây hoa mai. Nghĩa bóng: Chỉ phòng học, phòng đọc sách.



Nữ trung được mấy nầy ru!

Song mai biết mấy công phu tập rèn.

(Mai Đình Mộng Ký).



SONG NGA 

Song: Hai. Nga: Đẹp.

Song nga là cả hai cùng đẹp đẽ, nghĩa rộng chỉ sự phân vân bên nọ bên kia, chưa rõ chọn lựa như thế nào, ý nói lưỡng lự, chưa quyết định.



Song nga chưa biết làm sao,

Bồi hồi gan vượn xôn xao khúc tằm.

(Truyện Trinh Thử).



SONG PHI HUỲNH 

Song: Cửa sổ. Phi Huỳnh: Con đom đóm.

Song phi huỳnh là nói cửa sổ bên ngoài có đom đóm bay.

Hoặc còn dùng để chỉ phòng học, do điển Trác Dận đời Tấn, nhà nghèo đêm không có dầu đốt đèn, phải bắt đom đóm để lấy ánh sáng đọc sách.

Xem: Song huỳnh.



Vắng tanh nào thấy vân mồng,

Hơi thê lương lạnh ngắt song phi huỳnh.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



SONG SA

Song: Cửa sổ. Sa: Một thứ lụa, mỏng.

Song sa là cửa sổ có che màn bằng lụa sa.

Đồng nghĩa với song the.

Vắng nhà chẳng tiện ngồi dai,

Giã chàng nàng mới kíp dời song sa.

(Truyện Kiều).



Song sa vò võ phương trời,

Nay hoàng hôn, đã lại mai hôn hoàng.

(Truyện Kiều).



SONG THE

Song: Cửa sổ. The: Màn the.

Song the tức là cửa sổ có phủ màn the.



Mây Tần khóa kín song the,

Bụi hồng lẽo đẽo đi về chiêm bao.

(Truyện Kiều).



SÓNG GIÓ

Bởi chữ “Phong ba  ” là gió và sóng, dùng để chỉ cảnh gian nan, nguy hiểm như chiếc thuyền bị sóng gió vùi dập.



Sự đâu sóng gió bất kỳ,

Hiếu tình khôn lẽ hai bề vẹn hai!

(Truyện Kiều).



Sự đâu sóng gió nổi cơn đen,

Chín chữ cù lao phải báo đền.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



Nhiều cơn sóng dập gió thêm dồi,

Cái kiếp gì xem bạc quá vôi.

(Đạo Sử).



SÓNG THU

Bởi chữ “Thu ba  ” là sóng mùa thu, dùng để chỉ con mắt của người con gái đẹp, trong sáng như nước thu gợn sóng.

Xem: Thu ba.

Nhác trông thấy tiểu dịu dàng,

Sóng thu xui khiến cho nàng khát khao.

(Quan Âm Thị Kính).



Thẹn thùng khôn nói năng đâu,

Sóng thu một liếc, hạt châu đôi hàng.

(Nhị Độ Mai).



SÔ XIÊM

: Hay thô là một loại vải thô, xấu. Xiêm : Xiêm y, quần áo.

Sô xiêm là loại quần áo may bằng vải thô, vải xấu.



Nước non để bước ta bà,

Sô xiêm đem nhuộm màu dà gọi duyên.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SỐ HỆ 

Số: Vận mạng, số mạng. Hệ: Trói buộc vào.

Số hệ là mạng số đã ràng buộc sẵn từ trước.



Tôn sư bàn luận tai nàn,

Gẫm trong số hệ khoa tràng còn xa.

(Lục Vân Tiên).



SÔNG MÊ

Bởi chữ “Mê tân  ” là bến mê. Tiếng của nhà Phật, chỉ cảnh giới lầm lạc và mê muội của chúng sanh.

Xem: Mê tân.

Bè từ tế độ cũng ghê,

Chẳng thì sa chốn sông mê còn gì?

(Quan Âm Thị Kính).



Đố ai vượt khỏi lòng trần,

Sông mê chìm nổi, thế nhân đã đầy.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Duyên là đâu, nợ là đâu?

Chẳng qua biển khổ bắc cầu sông mê.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SÔNG NGÂN

Do chữ “Ngân Hà  ”, là dòng sông chia cắt Ngưu Lang và Chức Nữ.

Theo truyền thuyết, vợ chồng Ngưu Lang và Chức Nữ mắc tội với Trời, nên bị Trời phạt, mỗi người phải một bên sông Ngân Hà, mỗi năm chỉ được gặp nhau một lần vào đêm thất tịch (Mùng 7 tháng 7 âm lịch).

Trăm năm thề chẳng lòng phàm,

Sông Ngân đưa bạn cầu Lam rước người.

(Lục Vân Tiên).



Sầu vừa ngớt, ngớt lại sầu,

Sông Ngân thử bắc lấy cầu ô xem.

(Truyện Phan Trần).



Sông Ngân chưa bắc cầu Ô Thước,

Phận liễu còn e trận gió mưa.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



Chừ sao phụ nghĩa sơ giao,

Phòng toan ném gánh tâm đầu sông Ngân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SÔNG TIỀN ĐƯỜNG

Lấy điển từ nàng Tây Thi, người có nhan sắc tuyệt trần, sinh ra ở đất Việt. Vua Việt dùng kế mỹ nhân, đem nàng cống sang Ngô, làm cho vua Ngô mê đắm mà mất nước. Sau vua Việt đã đánh thắng Ngô, bắt Tây Thi bỏ vào một cái túi, vứt xuống sông Tiền Đường.

Xem: Tây Thi.

Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thuý Ái,

Sông Tiền Đường, cỏ áy bến Ô Giang!

(Thơ Tản Đà).



SÔNG TƯƠNG

Dịch chữ “Tương Giang  ”, chỉ sự thương nhớ giữa trai và gái, hay sự ly biệt giữa đôi lứa.

Do tích trong “Tình Sử” đời nhà Châu, Lương Ý yêu chàng Lý Sinh, sau phải xa nhau, nên có làm bài thơ “Tương Giang” (Sông Tương): Quân tại Tương giang đầu, Thiếp tại Tương Giang vĩ, Tương tư bất tương kiến, Đồng ẩm Tương Giang thuỷ  , . , . Nghĩa là: Chàng ở đầu sông Tương, Thiếp ở cuối sông Tương. Nhớ nhau mà chẳng thấy, Cùng uống nước sông Tương.

Xem: Tương giang.



Rằng: Chừng một đoạn sông Tương,

Người ta luống những mơ màng lòng xa.

(Hoa Tiên Truyện).



Sông Tương một giải nông sờ,

Bên trông đầu nọ, bên chờ bến kia.

(Truyện Kiều).



Gái mẹ dạy ân cần cho lắm,

Đừng để mình lụy đến sông Tương.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Đừng đứng dựa sông Tương nhắn khách,

Đừng trông trăng hỏi ngạch cung thiềm.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Sông Tương đổ ngọc làm Cam lộ,

Ðảnh giáp trao châu cất Phụng lầu.

(Thiên Thai Kiến Diện).



SÔNG THUÝ ÁI

Sông Thuý Ái là nơi tướng Ngô Cảnh Hoàn thua quân Tây Sơn chết và cũng là nơi bà Phan Thị Thuấn, ái thiếp của Hoàn trầm mình tự tử.

Do tích thời Lê mạt, bà Phan Thị Thuấn, vợ của Ngô Cảnh Hoàn hay tin chồng thua quân Tây Sơn chết tại sông Thuý Ái. Bà mặc đồ tang, đến bên sông Thuý Ái tế chồng xong, khóc suốt một đêm, rồi gieo mình để chết theo chồng, lưu lại một tấm gương quý báu về lòng tiết liệt, thuỷ chung.

Vua Tự Đức có bài thơ khen Bà Phan Thị Thuấn như sau: Trượng phu tử sự diệc hà bi, Nhược chất hùng tâm vị dị khuy? Giang thượng thung dung thân khốc điện, Khiết thân dĩ định trạc liên y  , ? , . Bản dịch của Lam Giang: Không buồn phu tướng chết trung, Trong thân liễu yếu, chí hùng ai hay? Bên sông tế điện trọn ngày, Nước trong xin gửi thân này trung trinh.



Châu Nam Hải, thuyền chìm sông Thuý Ái,

Sông Tiền Đường, cỏ áy bến Ô Giang!

(Thơ Tản Đà).



SÔNG VÀNG DÒNG XANH

Sông vàng dòng xanh tức là Hoàng Hà dòng nước xanh trong. Ý nói cảnh thái bình, do câu: Hà thanh hải yến  (Sông trong biển lặn).

Bởi sông Hoàng Hà thường là đục, bỗng trở lại trong vào năm Giáp Dần đời vua Tần Trang Tương (247 trước TL), ứng điềm có Thánh nhân ra đời: Đó chính là năm Lưu Bang (Tức vua Hán Cao Tổ) được sanh ra tại đất Phong Bái.

Nước sông vàng lẻo lẻo dòng xanh;

Dân con đỏ hây hây nhà rạng.

(Sãi Vãi).



SÔNG VÀNG HAI TRẬN

Chỉ việc Quan Vân Trường hai lần xuất trận chém Nhan Lương và Văn Xủ ở sông Hoàng Hà (Tức sông Vàng) để tạ ơn Tào Tháo đã đối xử tốt, rồi quay về với Lưu Bị.

Xem: Quan Công.

Núi đất ba lời gìn nghĩa Hán,

Sông vàng hai trận trả ơn Tào.

(Dương Từ Hà Mậu).



SỐNG KHÔNG NÊN ĐẠO

Sống không nên đạo là sống mà không làm nên người hiền lương, tức là không giữ trọn được nhơn luân đạo đức, không lợi ích cho nhơn quần xã hội, hay không trọn người tu hành.



Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,

Dầu oan gia tội báo buộc ràng.

(Kinh Tận Độ).



SỐNG THỪA

Bởi chữ “Dư sinh  ” là sống thừa, tức là cuộc sống không có ích lợi gì cho ai hết.

Ví dụ trong truyện Kiều, thân nàng Kiều bị vùi dập trong vũng lầy, tưởng rằng mình đã chết rồi, ai ngờ vẫn còn với cuộc sống thừa, không lợi ích cho ai hết.

Chút thân quằng quại vũng lầy,

Sống thừa, còn tưởng đến rày nữa sao?

(Truyện Kiều).



SƠ GIAO 

: Ban đầu. Giao: Qua lại với nhau.

Sơ giao là lần đầu tiên giao tình với nhau.



Niềm ân ái thân hòa làm một,

Nghĩa sơ giao khắc cốt ghi xương.

(Kinh Thế Đạo).



Chừ sao phụ nghĩa sơ giao,

Phòng toan ném gánh tâm đầu sông Ngân.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Chồng vợ ví keo sơn gắn chặt,

Càng thương nhau thường nhắc lúc sơ giao.

(Phương Tu Đại Đạo).



SỢ GIÁ MỎNG

Do câu “Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lý bạc băng  , , , nghĩa là nươm nớp lo sợ như tới vực sâu, như đạp giá mỏng. Do tích vua Cao Tông nhà Thương gặp vận nước suy vi, thường lo sợ, như khi đến chỗ vực sâu hoặc đi trên giá mỏng.

Xem: Giá mỏng.

Sợ giá mỏng, nước nhà cơ bại;

sợ móc nhiều, thân gái mình gầy.

(Sãi Vãi).



SỢ MÓC NHIỀU

Con gái đời vua Châu Văn Vương giữ nết kiên trinh, đi đâu cũng e sợ con trai cường bạo xâm hại tiết trinh, nên làm bài thơ “Hàn lộ  ” để nói thác vì sợ đường nhiều sương móc.



Sợ giá mỏng, nước nhà cơ bại;

sợ móc nhiều, thân gái mình gầy.

(Sãi Vãi).



SỢ TRỜI SẬP MÁI

Nước Kỷ là một nước nhỏ trong thời đại Xuân Thu, sau bị nước Sở diệt.

Xưa có một người nước Kỷ lo sợ trời sập, ý muốn nói hoạ hoạn chưa tới mà mình cứ lo trước, lo sợ một cách vẩn vơ.

Thuyền họ Trương ở khô,

còn sợ sóng tràn bờ;

Đất nhà Kỷ vốn hẹp,

hãy sợ trời sập mái.

(Sãi Vãi).



SỚM ĐÀO TỐI MẬN

Mận đào là hai loại trái cây, trong văn chương thường được ví với trai và gái, như ca dao Việt Nam có câu: Gặp đây mận mới hỏi đào, Vườn hồng đã có ai vào hay chưa? Mận hỏi thì đào xin thưa, Vườn hồng có lối, nhưng chưa ai vào.

Sớm đào tối mận là chỉ tình trai gái gần gũi nhau.

Sớm đào tối mận lân la,

Trước còn trăng gió sau ra đá vàng.

(Truyện Kiều).



Hỏi đến khách sớm đào tối mận,

Đon những trang ngọc cận hương thân.

(Nữ Trung Tùng Phận)



SỚM KHUYA

Sớm khuya tức là sáng sớm và đêm khuya, dùng để chỉ thời gian đêm ngày trôi qua đi.



Hiến Thành phụ ấu sớm khuya,

Khác nào Y Doãn, kém gì Chu Công.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



Cửa nhà coi sóc sớm khuya,

Thu va thu vén mọi bề mọi xong.

(Gia Huấn Ca).



Vì con nên phải sớm khuya,

Không dưng ai có đến chi chốn này!

(Truyện Trê Cóc).



SỚM NGÔ TỐI SỞ

Ngô ở đất Ngô huyện, thuộc tỉnh Giang Tô và Sở thuộc lưu vực sông Trường Giang ngày nay. Hai nước Ngô và Sở là hai nước mạnh trong thời Xuân Thu.

Sớm Ngô tối Sở dùng để nói nay ở nước này mai ở nước kia, đi lại khắp nơi.

Sớm Ngô tối Sở dầu vui vậy,

Rày Tấn mai Tần chẳng biết đâu.

(Sơ Kính Tân Trang).



SỚM THĂM TỐI VIẾNG

Sớm thăm tối viếng nói về đạo làm con đối với cha mẹ. Sách Lễ Ký viết: Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh  , , , nghĩa là phàm theo lễ của người làm con, mùa đông lo cho cha mẹ ấm, mùa hè lo cho cha mẹ mát, buổi tối lo mền chiếu, buổi sáng thăm hỏi cha mẹ có mạnh giỏi không.



Trước là thờ phụng tiền nhân,

Sớm thăm tối viếng ân cần đỡ anh.

(Gia Huấn Ca).



SƠN HÀ 

Sơn hà tức non sông, chỉ quốc gia.

Trong một nước không nơi nào lại chẳng có núi sông, nên hai chữ sơn hà hay núi sông dùng để chỉ đất đai trong một nước.

Cổ thi có câu: Nhất thốn sơn hà nhất thốn kim  , nghĩa là một tấc non sông một tấc vàng.



Một phen thay đổi sơn hà,

Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?

(Thập Loại Chúng Sanh).



Ứa mặt ướm nâng nền thổ võ,

Bền lòng chờ đợi bến sơn hà.

(Đạo Sử).



SƠN HẢI 

Sơn: Núi. Hải: Biển. Sơn hải là núi cao và biển cả.

Sách có chữ “Sơn cao hải thâm  ” nghĩa là non cao biển sâu, dùng để ví với công đức lớn lao của cha mẹ.



Đến nay tuổi đã trưởng thành,

Cám công sơn hải,thiệt tình trân cam.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



SƠN HÀO HẢI VỊ 

Sơn hào: Thức ăn ở núi. Hải vị: Mùi vị ở biển.

Sơn hào hải vị là những món ăn thức uống ở rừng và ở biển, chỉ các món ăn ngon quý.



Đủ mùi những thức cao lương,

Sơn hào hải vị bữa thường đổi trao.

(Gia Huấn Ca).



SƠN KHÊ 

Sơn: Núi non. Khê: Khe nước.

Sơn khê là núi và khe, tiếng dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.



Phong trần đến cả sơn khê,

Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Mấy chòm len lỏi sơn khê,

Dòng ngăn thú dật, vách che bụi trần.

(Mai Đình Mộng Ký).



Mang một bầu tách dặm sơn khê,

Tới Dương quận thăm tìm bạn cũ.

(Nhạc Hoa Linh).



SƠN QUÂN 

Sơn: Núi non. Quân: Vua.

Sơn quân là vua ở trong núi. Có hai nghĩa:

- Chỉ Thần núi hay sơn thần.

- Chỉ loài cọp.

Sách Thuyết Văn viết: Hổ sơn thú chi quân  , nghĩa là cọp là vua các loài thú trên núi.

Sơn quân ghé lại một bên,

Cắn dây mở trói cõng lên ra đàng.

(Lục Vân Tiên).



SƠN PHỦ 

Tên một vị hiền thần của vua Tuyên Vương nhà Châu, đó là Trọng Sơn Phủ. Ông là người rất có tài và đức nên rất được vua Tuyên Vương tin dùng.

Kinh Thi có nói về ông: Cổn chức hữu khuyết, duy Trọng Sơn Phủ bổ chi  , , nghĩa là nếu nhà vua thiếu sót, duy có Trọng Sơn Phủ bổ khuyết cho.

Mau vá cổn hoàng công đệ nhất,

Dầu tài Sơn Phủ ắt chưa qua.

(Hồng Đức Quốc Âm).



SƠN THUỶ 

Sơn: Núi. Thuỷ: Nước.

Sơn thuỷ là nói về phong cảnh vừa có núi non, lại vừa có sông nước.



Nhác trông sơn thuỷ hữu tình,

Bút thần khôn vẽ bức tranh nào bằng.

(Hương Sơn Hành Trình).



SƠN XUYÊN 

Sơn: Núi. Xuyên: Sông.

1.- Sơn xuyên là sông núi, dùng để chỉ đường đi cách trở núi non, sông ngòi, tức dặm đường vất vả.



Trải qua mấy dặm sơn xuyên,

Phút đâu lố thấy gần miền Tùng san.

(Dương Từ Hà Mậu).

2.- Sơn xuyên còn dùng để chứng minh cho lời thề nguyền, lòng thành thật.

Chiếc thân đứng giữa cõi người,

Trên trời nhật nguyệt, dưới trời sơn xuyên.

(Tự Tình Khúc).



SUY VI 

Suy: Sa sút dần. Vi: Hèn mọn.

Suy vi là sa sút một cách thấp hèn, suy sụp.



Gẫm xem việc nước suy vi,

Cũng vì hối hoá tiền kia thông đồng.

(Hạnh Thục Ca).



Khi vận thới lung lăng chẳng kể,

Lúc suy vi bày lễ khẩn cầu.

(Kinh Sám Hối).



SUỐI GIẢI OAN

Giải oan tức cởi bỏ những nỗi oan nghiệt.

Suối giải oan là một mạch nước trong và mát ở khoảng giữa lối từ chùa Ngoài vào động Hương Tích.

Này suối Giải oan, này chùa Cửa võng,

Này am Phật tích, này động Tuyết quynh:

(Hương Sơn Phong Cảnh).



SUỐI NAM

Khe suối ở phương nam, chỉ người con dâu hiền thảo và đảm đang, nên thường nói là: Dâu Nam giản.

Do bài “Thái tần  ” trong Kinh Thi khen ngợi người đàn bà đảm đang, đi hái rau tảo rau tần mọc ở khe suối về cúng bái tổ tiên.

Xem: Nam giản.



Lạ lùng quốc sắc thiên hương,

Suối nam chưa gặp đông sàng trao tơ.

(Ngọc Kiều Lê).



SUỐI TẦN

Suối tần là suối có rau tần, do bài thơ “Thái Tần  ” trong Kinh Thi nói về người con gái hiền thảo và đảm đang đi hái rau tần, rau tảo ở khe suối phương nam (Nam giản).

Xem: Suối nam.

Suối Tần tuy hãy còn không,

Dòng câu trót thả lá hồng đôi nơi.

(Ngọc Kiều Lê).



SUỐI VÀNG

Do chữ “Hoàng tuyền  ”, tức là suối vàng để chỉ cõi Âm phủ, vì người ta thường tin rằng ở dưới Địa phủ có chín ngọn suối vàng, cũng vì thế người ta còn gọi Âm phủ là “Cửu tuyền  ”, nghĩa là chín suối.

Xem: Hoàng tuyền.

Gọi là gặp gỡ giữa đàng,

Hoạ là người dưới suối vàng biết cho.

(Truyện Kiều).



Suối vàng rưới một giọt tình,

Nén hương, tờ giấy, chén canh cũng là!

(Nhị Độ Mai).



Phận mình đã mắc tai nàn,

Cảm thương họ Lục suối vàng bơ vơ.

(Lục Vân Tiên).



Bời lời lòng những luống lo toan,

Lo đến Tổ tông chốn suối vàng.

(Đạo Sử).



Mẹ dầu phải suối vàng nhắm mắt,

Vui thấy con đáng mặt làm trai.

(Nữ Trung Tùng Phận).



SƯ KHOÁNG 

Sư Khoáng là một nhạc sư nước Tấn đời Xuân Thu, tự là Tử Dã. Lúc đầu Sư Khoáng học rất lâu mà không giỏi, buồn tình cho rằng: Nghề không tinh vì lòng không chuyên nhất, lòng không chuyên nhất vì con mắt hay nhìn, bèn lấy thuốc tự xông cho mù mắt. Về sau Sư khoáng rất giỏi về việc phân biệt âm thanh, tương truyền ông có thể nghe âm thanh mà biết được việc lành dữ.



Há lo tiếng nhạc khó thông,

Như ông Sư Khoáng mà xông mắt mù.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



SƯ MIỆN 

Sư Miện là một nhạc sư nhà Châu, mù cả hai mắt. Khi Khổng Tử học nhạc với Sư Miện, tỏ ra rất kính trọng, yêu mến ông. Có một hôm dự tiệc, Khổng Tử dìu dắt Sư Miện, tới thềm thì hô: Thềm đây, tới chiếu thì hô: Chiếu đây để Sư Khoáng biết. Đây là ý kính trọng người mù của Khổng Tử.



Nhớ xưa Đức Khổng thánh nhân,

Kính ông Sư Miện vân vân chiếu thềm.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



SƯ TÂN 

: Thầy học. Tân: Khách.

Sư tân tức là vừa là thầy, vừa là khách.



Sinh rằng: Chút phận gia thần,

Ân lòng đãi lễ sư tân bấy chầy.

(Nhị Độ Mai).



SỨ ĐIỆP TIN ONG

Sứ điệp, bởi chữ “Điệp sứ  使” nghĩa là con bướm làm sứ giả để truyền tin tức.Tin ong là ong truyền báo tin xuân cho muôn loài hoa.

Sứ điệp tin ong dùng để chỉ kẻ đem tin mối lái về hôn nhân. Xem: Tin ong sứ điệp.

Mặc ai sứ điệp tin ong,

Dành nơi nghiêm kính khôn lòng nhỏ to.

(Tây Sương).



SỨ HỒNG

Hồng, cũng như loài chim nhạn, thường mang tin tức đến nên được gọi là “Sứ hồng”.

Xem: Tin nhạn.

Nửa gối mơ màng tin điệp đến,

Năm canh mong mỏi sứ hồng bay.

(Lâm Tuyền Kỳ ngộ).



SỨ TINH 使

Sao sứ giả.

Do tích: Vua Hoà Đế đời nhà Hán, sai sứ giả đến Ích Châu do thám mà không cho quan Thứ sử châu ấy là Lý Trấp biết. Khi đến Ích Châu, viên sứ giả ghé nhà Lý Trấp, Trấp bảo: Triều đình đã phái hai ông làm sứ giả đến đây phải không? Hai người thất kinh hỏi: Sao ông biết? Trấp chỉ lên trời nói: Có hai “Sứ tinh” hướng về đất Ích Châu.

Đào Hoàng nối dựng sứ tinh,

Tân xương, Cửu đức, Vũ bình lại chia.

(Quốc Sử Diễn Ca).



SỨ TRỜI

Sứ trời bởi chữ “Sứ tinh 使 ” là sao sứ giả.

Do điển đời nhà Hán, Vua Hoà Đế sai hai người đến Ích Châu do thám mà không cho quan thứ sử châu ấy là Lý Trấp biết. Trấp xem thiên văn thấy hai sao sứ về Ích Châu nên biết trước.

Xem: Sứ tinh.



Sứ trời sớm giục đường mây,

Phép công là trọng, niềm tây sá nào.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



SỬ KINH 

Sử: Sách ghi chép những việc đã xảy ra từ một thời đại nào cho đến thời đại nào. Kinh: Sách do Thánh hiền viết ra.

Sử kinh tức nói chung về sử sách và kinh truyện.



Dấu nhà sẵn lối thi thư,

Sử kinh võ vẽ văn thơ học đòi.

(Bất Phong Lưu Truyện).



SỬ MÃ

Tức Sử ký Tư Mã Thiên, một bộ sử ký nổi tiếng, được truyền tụng từ trước đến nay, chép từ đời vua Hoàng Đế đến đời vua Hán Võ Đế.

Xem: Mã sử.

Kinh Lân mong dẹp tôi con loạn,

Sử Mã khôn ngăn mọi rợ bầy.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



SỬ XANH

Do chữ “Thanh sử  ”.

Đời xưa khi chưa có giấy, người ta chép sử vào từng mảnh tre, mà cái cật tre vốn màu xanh, cho nên gọi là “Sử xanh” (hay thanh sử).

Cảo thơm lần giở trước đèn,

Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.

(Truyện Kiều).



Mấy nơi lệnh tộc công khanh,

Lá hồng xuôi ngược sử xanh dập dìu.

(Lưu Nữ Tướng).



Lan đài dừng bút thảnh thơi,

Vâng đem quốc ngữ diễn lời sử xanh.

(Quốc Sử Diễn Ca).



SỰ VONG NHƯ SỰ TỒN 

Sự Vong: Thờ người chết. Sự tồn: Thờ người sống.

Do sách Nho có câu: Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn  , , nghĩa là thờ người chết như khi còn sống, thờ người mất cũng như lúc còn.

Sự vong như sự tồn nghĩa là thờ người lúc mất như thờ người còn sống.

Phu thê phong hoá chi nguyên,

Sự vong như thể sự tồn kẻo quê.

(Truyện Trinh Thử).



SỬA DÉP RUỘNG DƯA

Bởi câu “Qua điền bất nạp lý  ”, nghĩa là dưới ruộng dưa không xỏ giầy. Đây là một phép thận trọng của người xưa, bởi vì ngang ruộng dưa mà xỏ giầy, khiến người ta nghi bẻ trộm dưa.

Nghĩa bóng: Nên tránh điều hiềm nghi.

Câu trên lấy ý từ tục ngữ Trung Hoa: Qua điền bất nạp lý, lý hạ bất chỉnh quan  , , nghĩa là trên ruộng dưa không mang giầy, dưới cây mận không sửa mũ.



Ngán thay sửa dép ruộng dưa,

Dẫu ngay cho chết, cũng ngờ rằng gian.

(Quan Âm Thị Kính).

 

SỬA MŨ DƯỚI ĐÀO

Bởi câu: “Lý hạ bất chỉnh quan  ”, nghĩa là dưới cội cây mận (Cây đào) chớ nên sửa mũ.

Sửa mũ dưới đào sẽ khiến người ta hiềm nghi bẻ trộm quả. Phép cẩn trọng của người xưa.

Xem: Sửa dép ruộng dưa.



Rằng: Nay sửa mũ dưới đào,

Vả trong lễ cấm, phép nào chẳng kiêng.

(Hoa Tiên Truyện).



SỬA ÁO NÂNG KHĂN

Sửa áo nâng khăn tức là chỉnh khăn áo cho chồng, ý nói người vợ có bổn phận lo lắng, săn sóc cho chồng.

Bổn phận người đàn bà xưa còn được gọi là chấp cân trất, phụng cơ trửu , , nghĩa là cầm khăn lược, nâng thúng chổi.

Tưởng tơ tóc cùng nhau trọn đạo,

Theo tùng phu sửa áo nâng khăn.

(Kinh Thế Đạo).



SỬA DẢI

Sửa: Chỉnh. Dải: Trang phục của quan thời xưa có những dải lụa cột vào áo hay mão thả thòng mối xuống, làm cho vẻ uy nghi.

Sửa dải tức là chỉnh sửa những dải lụa trên áo và mão trước khi chầu vua hay ra công đường. Đây chỉ bổn phận của người vợ hiền thời xưa chăm sóc cho chồng theo đạo “sửa túi nâng khăn”.

Do tích: Châu Công Đán là con của vua Văn Vương, theo phò tá và trợ giúp cho Võ Vương. Vợ là một mạng phụ đảm đang, hiền thục, thường ngày ngoài việc lo lắng và săn sóc cho chồng, bà còn giúp chồng chỉnh sửa áo mão trước khi Châu Công vào chầu vua; lo tháo dải và xếp cất áo mão khi Châu Công triều bái trở về nhà.

Đã cùng gánh chung tình hòa ái,

Tua đúc cơm, sửa dải làm duyên.

(Kinh Thế Đạo).



SỬA TÚI NÂNG KHĂN

Nói về cái bổn phận của người vợ, khi có chồng phải về nhà chồng lo sửa túi nâng khăn, tức là lo lắng, săn sóc cho chồng.



Hoặc là tài tử giai nhân,

Thì công sửa túi nâng khăn cũng đành.

(Bần Nữ Thán).



Phỉ chí vén mây bắn nhạn,

Bõ công sửa túi nâng khăn.

(Tiễn Chồng Đánh Giặc).



SỬA TRẤP NÂNG KHĂN

Như thành ngữ “Sửa túi nâng khăn”, nói cái bổn phận của người đàn bà có chồng phải lo lắng, săn sóc cho chồng.

Xem: Sửa túi nâng khăn.

An bề sửa trấp với nâng khăn,

Ðã đính nghĩa nhau cũng tiếng rằng.

(Đạo Sử).



SỨC PHI VĂN QUÁ 

Tô điểm hay trau chuốc lời nói bên ngoài để che đậy cái xấu xa, tội lỗi của mình.



Tu sắc lành để mà a ý khúc tùng,

Tu lời khéo để mà sức phi văn quá.

(Sãi Vãi).



SƯƠNG BAY SÁU THÁNG

Bởi chữ “Lục nguyệt phi sương  ” là sáu tháng sương bay.

Do tích trong Châu Thư chép: Ông Trâu Diễn nghe vua Chiêu Vương nước Yên chuộng kẻ sĩ, bèn từ nước Lương đến nước Yên. Vua Yên Chiêu Vương chống gậy tre ra đón, rồi cất cung Cát Thạch cho Diễn ở, lấy lễ thầy trò mà đối đãi. Vua Chiêu Vương băng, vua Huệ Vương nghe lời gièm pha, bắt Trâu Diễn cầm ngục, oan không thể giải bày. Trâu Diễn ngửa mặt lên trời mà khóc! Bấy giờ trời bỗng nhiên sương rơi, sáu tháng mới dứt.

Do điển trên, sách mới có câu: Trâu Diễn hạ ngục, lục nguyệt phi sương  , , nghĩa là ông Trâu Diễn bị cầm ngục, sáu tháng sương rơi.

Xem: Trâu Diễn.

Sương bay sáu tháng bởi người oan,

Bổn tánh phàm nhân ít hiểu nhàn.

(Đạo Sử).



SƯƠNG KHUÊ 

Sương: Người đàn bà chồng chết, người đàn bà goá. Khuê: Cái buồng trong của phụ nữ.

Sương khuê là cái phòng riêng của người đàn bà goá chồng.

Người cung phi trong Cung Oán Ngâm Khúc coi như người đàn bà goá chồng, mặc dù chồng (Nhà vua) vẫn còn sống.

Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả,

Điệu thương xuân khóc ả sương khuê.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



SƯƠNG NGỌN CỎ

Bởi chữ Hán “Thảo đầu lộ  ” tức là sương trên ngọn cỏ dễ tan biến, dùng để chỉ không bền bỉ, không vĩnh viễn.



Phú quý liều, sương ngọn cỏ,

Công danh gửi, kiến cành hoè.

(Thơ Nguyễn Trãi).



SƯƠNG SAO

Bởi chữ “Tinh sương  ”.

Mỗi năm có một mùa sương rơi và mỗi độ sao về, vì vậy sương sao dùng để chỉ một năm hoặc nói ngày tháng thay đổi.

Xem: Tinh sương.



Thoi đưa ngày tháng sương sao,

Ngô vừa rụng lá lại đào nẩy hoa.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Nhớ chàng trải mấy sương sao,

Xuân từng đổi mới, Ðông nào còn dư.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



SƯƠNG TUYẾT 

Sương: Nước từng hạt đọng lại trên lá cây ngọn cỏ. Tuyết: Băng tuyết.

Sương tuyết chỉ sự lạnh lùng của sương rơi, tuyết phủ và nói cảnh gian nan, khổ cực của mùa sương tuyết.

Nghĩa bóng: Chỉ thời gian.

Một đêm sương tuyết lạnh lùng,

Khỏi chăng ? hay đã mắc vòng trần ai?

(Nhị Độ Mai).



Dãi dầu sương tuyết chi sờn,

Miễn cho cứu đặng người hiền gian nguy.

(Nhạc Hoa Linh).

 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...