Sunday, September 27, 2020

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 13

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 13

710 Có người đọc là A Nhập Xích.

711 Thời đại Đông Tấn, Tam Tần vương là Bồ Kiên có số quân đến trăm vạn (quân chiến đấu bằng cung tên dáo mác hơn 60 vạn, quân cưỡi ngựa gần 30 vạn). Năm 383, Bồ Kiên đem quân đóng ở dọc sông Phì Thủy để đánh nhà Tấn, tướng nhà Tấn là Tạ Thạch đánh cho quân Bồ Kiên chết đến 7, 8 phần mười. Bồ Kiên trúng tên, phải bỏ chạy.

712 Tên một binh chủng, tức là quân thủy, dùng thuyền để chiến đấu ở dưới nước.

713 Tên một binh chủng, tức là quân thủy, dùng thuyền để chiến đấu ở dưới nước.

714 Người hầu cận ở bên cạnh vua chúa.

715 Khi nào vua ra ngoài hoàng thành đóng ở chỗ nào, chỗ ấy gọi là hành tại.

716 Tướng cầm quân đánh ở trên đường bộ.

717Phu: danh từ gọi những binh lính của giặc bắt được trong khi đánh nhau, tức là tù binh bấy giờ. Thời đại phong kiến, sau khi thắng trận trở về, đem tù binh báo cáo lên nhà thái miếu, gọi là lễ hiến phu.

718Tử: gỗ tử. Cung: cung điện. Tử cung: chỉ cái quan tài của bọn vua chúa, vì vua chúa lúc sống ở cung điện, nên khi chết, cái quan tài để xác đóng bằng gỗ tử, gọi là tử cung.

719 Dâng tâu chiến công đã đánh được giặc, cũng nghĩ như hiến phu.

720Xã: nơi thờ thần thổ địa. Tắc: nơi thờ thần bách cốc. Nhân dân trong một nước, cần thiết nhất là ruộng đất và thóc lúa, nên đời xưa dùng chữ "xã tắc" để tượng trưng quốc gia.

721Âu: cái chậu, cái ang hay cái bình. Kim âu: Cái âu đúc bằng loài kim, tượng trưng cho sự kiên cố không bao giờ sứt mẻ được.

722 Ý nói quân Nguyên là bọn tàn bạo thì không có lý gì chúng không xâm phạm đến quan tài ở Chiêu Lăng.

723 Ý nói về tiết tháng 9, ở Thiên Trường có nhiều quít và rươi.

724 Xem thêm việc Khắc Chung sang sứ bên dinh trại quân Nguyên (Chb. VII, 33-34).

725 Chỉ Ô Mã Nhi.

726 Chỉ việc dùi thuyền làm cho Ô Mã Nhi chết đuối.

727 Ban ân cho được mang họ cùng một họ với vua lúc đương thời.

728 Đỗ Hành, khi bắt được Ô Mã Nhi không dâng nộp Trần Nhân Tông mà đem nộp thẳng lên thượng hoàng (Thánh Tông) nên chỉ được phong tước quan nội hầu. ( Đại Việt sử ký toàn thư quyển V tờ 57), xem thêm Chính biên quyển VIII tờ 7.

729 Chỉ việc Trần Nhân Tông đối với gia đồng.

730 Ích Tắc là con Trần Thái Tông, chú ruột Trần Nhân Tông.

731 Bài thơ này có chép trong Đại Việt sử ký toàn thư và Hoàng việt thi tuyển, được nhiều thi gia thưởng thức.

732 Người xã Phủ Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bây giờ.

733Đại Việt sử ký chép tên là Bất Hốt Truật.

734 Lời phê, nguyên văn chép "thắng ư phanh Mặc, phong A đa hỉ". Chép thế là lầm, đáng lẽ là "phong Mặc, phanh A" mới đúng. Vì thế chúng tôi dịch đúng với điển cũ như thế này: Thời đại Chiến quốc, nước Tề có hai quan đại phu, một là Tống Thượng Hiền, đại phu ở đất Tức Mặc (nay thuộc tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc), và một là Mao Thức, đại phu ở đất A (tức huyện Chúc A, ở phía đông bắc tỉnh Sơn Đông). Thượng Hiền thường bị những người hầu cận vua Uy vương nước Tề gièm pha, Uy vưoơng cho dò xét thì đất Tức Mặc ruộng đất được mở mang, nhân dân đưoợc no ấm. Uy vương xét thấy như thế là Thượng Hiền không chịu mua chuộc những người hầu cận nên bị gièm pha, liền phong cho một vạn nhà để ăn lộc. Mao Thức thường được những người hầu cận vua khen ngợi, Uy vương cũng cho dò xét, thì thấy đất Chúc A ruộng đất bỏ hoang, nhân dân nghèo đói. Uy vương xét thấy như thế là vì Mao Thức đút lót người hầu cận để mua lấy tiếng khen, liền bắt mổ bụng Mao Thức và người nào trước kia đã tán dương Mao Thức ( Tăng bình lịch sử cương mục bổ , III, 3-4).

735 Xem chữ "hành tỉnh" chua ở Chính biên quyển VII tờ 30.

736 Thư nhi, có lẽ là một tiểu đồng chép sách hoặc giữ sách.

737 Bảy vì sao tụ họp thành sao Bắc đẩu, từ vì sao thứ nhất đến thứ tư là "đẩu khôi", từ vì sao thứ năm đến thứ bảy là "đẩu bính" ( Từ Hải tờ 203).

738 Tên huyện, bây giờ thuộc tỉnh Hồ Bắc.

739 Có âm nữa là "điền".

740 Trước kia ở Trung Quốc, những dân tộc ở biên giới các tỉnh Tứ Xuyên, Cam Túc, Vân Nam, Quý Châu, ... đều gọi chung là người Phiên. Ở nước ta thì có lẽ trước kia gọi những dân tộc miền núi là người Phiên; vì họ nói một thứ thổ âm riêng, nên gọi là "Phiên ngữ".

741 Chỉ Trần Quang Khải.

742 Tiếng đời Trần dùng chỉ nhà vua. Đây chỉ Trần Thánh Tông.

743 Chỉ Trần Quang Khải.

744 Binh phù bằng loài kim. Riêng chữ "phù" còn có nghĩa là điềm lành phản chiếu. Ban cho kim phù là có ý mong cho được bền bỉ cứng rắn như loài kim.

745 Nguyên văn là "úy thiên, sự đại". Bốn chữ này dùng điển trong sách Mạnh tử , nghĩa là: Giữ bổn phận mình là nước nhỏ mà phụng thờ nước lớn, là sợ uy trời.

746 Xem thêm chữ "hiếu hoàng" chép ở Chính biên quyển VII tờ 20.

747 Xem thêm Chính biên quyển X tờ 15 việc Trần Dụ Tông gá bạc.

748 Xem chữ "phù" chua ở Chính biên quyển VIII tờ 22. Vân phù: binh phù có hình sắc mây.

749 Theo quan điểm phong kiến, vua là con của trời (thiên tử), vua thất đức, thì trời hiển hiện ra điềm tai dị để răn bảo, nếu trời đã răn bảo mà vua còn không tu tỉnh, thì trong nước sẽ xẩy ra tai họa. Vì thế, mỗi khi gặp nhật thực, nguyệt thực, hoặc sao sa, sao chổi, ... thì vua sợ oai trời, lánh mình đến ở một cung bé nhỏ, không dám nghênh ngang ngự ở chính điện, và giảm bớt sự ăn uống, không dám xa xỉ. Làm như thế là để được trai khiết mà hối tội của mình, mong được lòng trời thương hại.

750 Cái hốt có tên riêng là "thủ bản", vua quan cầm trong lúc triều yết, có việc gì thì ghi chép vào hốt để khỏi quên. Đời cổ, hốt của thiên tử bằng ngọc, của vua chư hầu bằng ngà voi, từ đại phu đến sĩ làm bằng tre hoặc gỗ; về sau, đại phu và sĩ đều có thể được dùng hốt bằng ngà voi cả. Chiều dài chiều rộng cái hốt của từng cấp bậc đã có kích thước nhất định.

751 Trãi: Tên riêng một giống thú rừng, có sách giải nghĩa là thần dương, giống thú này có một cái sừng thẳng ở giữa trán. Đời cổ dùng nó để húc đánh những người gian tà nham hiểm, vì nó có linh tính phân biệt được người ngay, người gian.

752 Tức Ngự sử Trung thừa, chức quan đứng hàng thứ 2 ở đài Ngự sử có nhiệm vụ can gián, đàn hạc nhà vua.

753 Chỉ Trần Anh Tông.

754 Lời Hán Cao tổ bình luận đại tướng nước Nguỵ là Bá Trực "miệng còn hơi sữa" không thể địch được với Hàn Tín (đại tướng nhà Hán).

755 Chỉ việc Trần Anh Tông đi bộ ra ngoài cửa cung thành nói chuyện với một người học trò.

756 Tự nguyện đem thân mình quy y cửa Phật một cách khổ hạnh gọi là "xả thân". Phong tục này thịnh hành ở thời đại Lục Triều (Trung Quốc), Lương Vũ đế, Trần Vũ đế đều xả thân làm nô bộc cho nhà chùa. Lại cũng có người tự thiêu thân để cúng giàng vào chùa nữa ( Từ nguyên , tập mão, tờ 117).

757 Vua chúa đi ra ngoài cung điện, không muốn cho người ngoài biết, nên không có nghi trượng đón rước, chỉ đi với một số ít người dạo chơi nơi này nơi khác, gọi là "vi hành".

758 Vô lại có nhiều nghĩa, nhưng ở đây là chỉ hạng người chơi bời lêu lổng hoặc láu lỉnh giảo quyệt.

759 Xem thêm Chính biên quyển VIII tờ 27, việc Trần Anh Tông say rượu.

760 Tên gọi chung các kinh điển về Phật giáo do Hán nho dịch chữ Phạn ra chữ Hán hoặc những sách do các cao tăng ở phương đông trứ tác ra ( Từ Hải , trang 353).

761 Phỏng từ một giờ đến mười bảy giờ.

762 Ý nói Quốc Tuấn mất.

763 Một binh chủng chuyên dùng giáo mác đánh giặc, khác với trường binh là hạng binh lính đánh giặc bằng cung tên.

764 Ở địa phận tỉnh Giang Tây, tức là núi Đại Dũ, nơi xung yếu giữa hai tỉnh Giang Tây và Quảng Đông, trên núi trồng nhiều cây mai, nên gọi tên là Mai Lĩnh ( Từ Nguyên, Thìn tập, tờ 138 và Sửu tập, tờ 203).

765 Trường trận cũng như trường binh, xem chú thích trường binh, đoản binh ở trên.

766 Xem thêm Chính biên quyển VI tờ 16, 18.

767 Thượng phủ là một danh hiệu tôn xưng Thái Công Vọng. Thái Công Vọng họ Khương tên Thượng, là một hiền thần nhà Chu. Vũ Vương nhà Chu tôn làm sư - thượng phủ. Vũ vương diệt chúa Trụ nhà Thương, lấy được thiên hạ phần nhiều là nhờ ở mưu lược của Khương Thượng, sách Binh thư có 6 quyển nói về lục thao, tương truyền do Khương Thượng soạn.

768 Cuốn sách nói về phương lược cốt yếu, lý lẽ màu nhiệm của nhà binh.

769 Đem lý lẽ phải trái viết thành văn để hiệu triệu, để khuyên nhủ, để cổ động lòng trung nghĩa của người ta, gọi là bài hịch.

770 Bài hịch còn dài, nhưng Cương mục rút bớt đi.

771 Kỷ Tín: Bầy tôi Hán Cao tổ (Lưu Bang), khi Lưu Bang bị Hạng Vũ vây hãm ở Huỳnh Dương rất nguy cấp, Kỷ Tín phải ăn mặc giả làm Lưu Bang xông ra mặt trận, sau khi Hạng Vũ bắt được Kỷ Tín (Lưu Bang giả) rồi, mới giải vây thành Huỳnh Dương, nên Lưu Bang được thoát nạn, còn Kỷ Tín bị Hạng Vũ thiêu chết. ( Thông giám tập lãm , quyển XII tờ 5).

772 Do Vu tức Vương tôn Do Vu, người thời Xuân thu, bầy tôi nước Sở. Khi nước Sở bị chúa nước Ngô là Hạp Lư đánh, Chiêu vương nước Sở phải chạy đến Vân Mộng, trong lúc Chiêu vương nằm ngủ, có thích khách cầm giáo vào đâm, lúc ấy Do Vu ở bên cạnh, phải lấy thân mình chịu giáo thay thế. Do Vu bị ngọn giáo đâm trúng vai, mà Chiêu vương được thoát nạn. ( Xuân thu ngũ truyện , quyển XVI tờ 22).

773 Dự Nhượng người thời Chiến quốc, bầy tôi Trí Bá, Trí Bá bị Triệu Tương tử giết, Dự Nhượng lập mưu giết Tương Tử để báo thù cho Trí Bá: Hành thích lần đầu bị bắt, sau được tha. Dự Nhượng lấy sơn trát vào mình làm người hủi, nuốt than cho tiếng nói khác đi. Hành thích lần sau lại bị bắt, Dự Nhượng xin Tương tử cho đánh vào cái áo để trả thù. Khi người nhà đem cái áo của Tương Tử ra, Dự Nhượng nhảy lên kêu trời ba lần, vừa kêu vừa đánh vào cái áo, rồi tự sát. ( Bổ chính thiếu vị , quyển 111 tờ 5).

774 Thân Khoái người thời Xuân thu, một viên quan coi giữ ao cá của Tề Trang Công. Trang Công bị Thôi Trữ giết, Thân Khoái tự chết theo. ( Xuân thu ngũ truyện , quyển XI, tờ 64)

775 Kính Đức tức Uất Trì Kính Đức, người đời Tùy Đường, một tướng mạnh của Đường Thái Tông (Thế Dân). Kính Đức có biệt tài tránh gươm giáo, thường một mình một ngựa xông vào trận địa của giặc, giặc tập trung giáo lại đâm, Kính Đức đã không bị thương, lại còn cướp giáo giặc để đâm giặc. Khi Đường Thế Dân đem năm trăm quân ra trận địa, bị Vương Thế Sung đem hơn vạn quân ập đến bao vây, Đơn Hùng Tín cầm giáo đuổi đâm Thế Dân, Kính Đức phóng ngựa lại đâm Hùng Tín ngã ngựa, làm cho quân của Thế Sung bị tan vỡ và Đường Thế Dân thoát khỏi vòng vây. ( Lịch sử cương mục bổ , quyển XIX, tờ 3).

776 Nhan Cảo Khanh, bầy tôi nhà Đường. Thời đại Đường Minh hoàng, An Lộc Sơn làm phản, lúc ấy Cảo Khanh làm thái thú ở Thường Sơn khởi binh đánh Lộc Sơn, quân thua bị bắt, Lộc Sơn có ý muốn dụ Cảo Khanh đầu hàng, Cảo Khanh mắng lại rằng: "Ta là bầy tôi nhà Đường, vì nước đánh bọn phản nghịch, ta giận rằng không chém được đầu mày". Lộc Sơn sai đem hành hình, đến lúc gần tắt thở, Cảo Khanh vẫn còn mắng chửi Lộc Sơn. ( Thông giám tập lãm , quyển 55 tờ 37).

777 Xem "lời chua" của Cương mục .

778 -nt-

779 -nt-

780 -nt-

781 Bài hịch nhắc lại việc sứ nhà Nguyên là Sài Xuân, khi vào đến cửa Dương Minh vẫn ngạo nghễ không xuống ngựa; khi thượng tướng Trần Quang Khải đến sứ quán tiếp, Sài Xuân vẫn nằm dài không dậy.

782 Tể phụ là những viên quan quyền cao chức trọng, giúp vua điều khiển công việc trong cả nước.

783 Thế tổ nhà Nguyên tên là Hốt Tất Liệt.

784 Bài hịch nhắc lại việc Mông Cổ sai sứ sang bắt nước ta phải hàng năm cống nộp tiền tệ; sau lại sai sứ thần là Lương Tăng sang dụ vua Nhân Tông sang chầu, nếu không sang phải nộp vàng ngọc thay thế và cống nộp người hiền tài, người thợ, v.v...

785 Bát quái: tám quẻ trong kinh Dịch: Càn, khôn, tốn, khảm, chấn, đoài, ly, cấn. Các danh tướng đời cổ như Khương Thượng, Tôn Tẫn, Hàn Tín, Khổng Minh, Lý Tĩnh dựa vào tám quẻ bày ra trận đồ, mỗi quẻ là một cung theo hướng tám phương, còn trung ương là cung của thần Thái Ất đóng, hợp lại thành cửu cung.

786 Tức đền Kiếp Bạc, nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

787 Các viên quan chầu chực trong cung điện, các viên quan có văn học ở liền gần với vua.

788 Ba thứ khăn này không rõ kiểu chế thế nào, chúng tôi đã tra trong các từ thư đều không thấy có, nên cứ dịch theo nguyên âm của nguyên văn: Thanh toàn hoa cân, triều thiên cân, - bao cân.

789 -nt-

790 -nt-

791 Binh phù hình con rùa. Có ý mong cho được phù thụy sống lâu.

792 Nay là huyện Mai Châu tỉnh Hòa Bình.

793 Những người tôn sùng đạo giáo Lão Đam gọi là đạo sĩ.

794 Những đạo sĩ tự xưng là có pháp thuật sai sứ được quỷ thần, họ dùng mực và son viết thứ chữ riêng của đạo Lão theo lối chữ triện, chữ trựu, tục gọi là phù. Khi chữa bệnh thì họ cầm nén hương đã châm lửa viết thứ chữ ấy lên trên miệng cái bát có đựng nước, gọi là thư phù, rồi cho bệnh nhân uống nước ấy, gọi là phù thủy.

795Trai: Chai khiết. Tiếu: Cúng bái. Trước khi cúng bái để cầu đảo việc gì, người chủ sự phải ăn chay, ở riêng một nhà tĩnh mịch, răn chừa những việc dâm tà, ... đến ngày cúng, người đạo sĩ đặt dàn tràng cúng bái cầu đảo, gọi là trai tiếu.

796 Nay thuộc quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

797 Tức là Tể tướng.

798 Tức hoạn quan.

799 Theo chế độ đẳng cấp thời phong kiến, vua nước lớn đối với vua nước nhỏ tự xưng là thiên tử (con trời), nên tờ chiếu của nước lớn đưa đến nước nhỏ cũng xưng là thiên chiếu (tờ chiếu của trời).

800 Bóng sáng trong trẻo mát mẻ, ví như nghi dung đức độ của vua mình.

801 Mặt trời, tượng trưng dung nhan thiên tử.

802 "Mộc lạc" nghĩa đen là cây rụng, cây đổ, nên cho là tên có điềm không hay.

803 Cung điện thượng hoàng ở. Xem thêm Chính biên, quyển VI, tờ 9.

804 Tức khoa tiến sĩ, xem thêm Chính biên , quyển VI, tờ 12.

805 Xem "lời chua" của Cương mục .

806 -nt-

807 -nt-

808 Quan trường lấy một câu trong ngũ kinh hoặc tứ thư ra đầu đề, thí sinh theo đầu đề ấy mà phô bầy rộng ra cho rõ nghĩa, sau cũng gọi là bát cổ hoặc chế nghệ.

809 Xem "lời chua" của Cương mục .

810 Chiếu chỉ: như tờ chiếu cầu hiền, tờ chiếu ân xá, v.v... thí sinh phải làm thay lời của vua ban chiếu chỉ cho cả nước.

811 Chế sách: như chế sách hỏi về việc binh (khoa quý sửu đời Lê Hồng Đức); chế sách hỏi về mệnh lệnh, chính sự (khoa mậu thìn đời Lê Cảnh Hưng). Đầu đề chế sách tất phải có chữ "Hoàng đế chế sách viết" đứng ở trên đầu.

812 Bài biểu của bầy tôi dâng lên vua: như biểu tạ ân vua đã ban ân cho mình, biểu dâng sách đã biên soạn xong hoặc dâng phẩm vật địa phương, v.v... Thí sinh phải theo đầu bài làm thay lời người đứng tên dâng biểu.

813 Quan trường dùng một đề mục nào đó trong thư tịch, rồi viện dẫn những sự việc cổ đại, cận đại và hiện đại đặt ra nhiều nghi vấn để thí sinh trả lời. Đầu bài nào cũng hỏi cả cổ văn, kim văn, sự việc nước ngoài và sự việc bản quốc.

814 Nay là thôn Lũng Động, xã Nam Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương.

815 Nay là thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Tây.

816 Nay là xã Thổ Hoàng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

817 Niên hiệu Trần Thái Tông (1225-1232).

818 Xem thêm chữ "đông cung" chua ở Chính biên quyển V tờ 16.

819 Nguyên văn là "được thạch châm". Dược: Vị thuốc bằng loại thảo mộc. - Thạch: Vị thuốc bằng chất kim thạch. - Châm: Tên một thể văn. Nội dung bài châm trình bày lời hay lẽ phải để khuyên răn, cũng như vị thuốc để chữa bệnh nên gọi là "Dược thạch châm".

820 Tế quân là con gái Giang Đô vương, Hán Vũ đế đem vào trong cung trang sức làm công chúa, để gả cho chúa Ô Tôn là Côn Mạc. Vương Tường tên tự là Chiêu quân, cung nữ của Hán Nguyên đế. Nguyên đế đem gả cho chúa Hung Nô. Hai việc này đều cốt cầu hòa thân với hai nước kia để khỏi quấy nhiễu. Theo quan điểm thời phong kiến, con gái Trung Quốc mà gả cho Hung Nô, Ô Tôn là những nước mọi rợ, vì thế nên bị học giả phong kiến mỉa mai là kết hôn với bọn không phải loài giống mình là nhục nhã.

821 Kinh Dịch , kinh Lễ , kinh Xuân thu , kinh Thư và kinh Thi .

822 Người thời Hán Vũ đế, có tài biện luận, nói khôi hài, làm nhiều người thích nghe.

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...