Sunday, September 27, 2020

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 22

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 22

1662 Thuận Châu (nay là huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La) này khác với Thuận Châu là tên đất cùng với Hóa Châu do nhà Trần đặt cho Ô Lý của Chiêm Thành cũ, khoảng năm 1293-1331 (Xem Chính biên I, 28).

1663 Nguyên văn chép là "tục tự".

1664 Xem Chính biên XVII, 20 và XXIII, 28.

1665 Thổ quan ở miền dân tộc thiểu số.

1666Cương mục không chép rõ Gia phả này là của nhà họ Bạc trên đây hay là của nhà Hà An Lược.

1667 Việc năm Bính Thìn, 1436 (xem Chính biên XVI, 33).

1668 Nguyên văn chép Cương mục là "Thạch khánh đồ" (Chính biên XVII, 2). Nhưng đến Chính biên XX, 14, Cương mục lại chép là "Thạch bản đồ". Và nhiều sách khác cũng chép là "Thạch bản đồ". Đó có lẽ là vì chữ "khánh" và chữ "bản" tự dạng chữ Hán hơi giống nhau, nên dễ gây ra lầm lẫn. Nay theo sự khảo cứu của chúng tôi, thì chữ "khánh" có lẽ đúng hơn: một là vì Nguyễn Trãi khi dâng "Thạch khánh đồ" (bản đồ vẽ khánh đá) gắn liền với việc tâu bày về nguyên lý âm nhạc, sau khi Nguyễn Trãi vâng chiếu chỉ soạn nhã nhạc; hai là vì chính Việt sử thực lục (nằm trong bộ Toàn thư ) là bản sử tương đối xưa hơn, chép rõ là "Thạch khánh đồ" (quyển XI, tờ 35b). Vậy có thể tạm khẳng định rằng những chỗ chép là "Thạch bản đồ" đều không đúng.

1669 Tên là Thinh, cụ (tằng tổ) của Lê Thái Tông.

1670 Tức Nguyễn Thị, là vợ của Thinh và là cụ bà của Lê Thái Tông. Xem thêm Chính biên XV, 6-7.

1671 Tên là Khoáng, ông nội của Lê Thái Tông.

1672 Tức là Trịnh Thị, là vợ của Khoáng và là bà nội của Lê Thái Tông. Xem thêm Chính biên XV, 6-7.

1673 Tức Thái Tổ Lê Lợi, cha của Lê Thái Tông.

1674 Tức Phạm Thị Trần, người làng Quần Lai thuộc huyện Lôi Dương, Thanh Hóa, là vợ lẽ của Lê Lợi và là mẹ đẻ của Lê Thái Tông. Xem thêm Chính biên XVI, 14; Toàn thư XI, 1.

1675 Hai chữ "tiễn thủ" đây có lẽ là "thủ tiễn" mà Cương mục in lầm. Vì tham khảo các sách chỉ thấy có "thủ tiễn" nghĩa là tên bắn bằng tay. Xem chú giải ở Chính biên XV, 14.

1676 Thuộc tỉnh Hà Tây.

1677 Theo quan niệm sử thuần phong kiến, nhà Hồ (1400-1406) không được kể là chính thống nên bị chép là nhuận Hồ hoặc ngụy Hồ. Xem thêm chú giải số 2 ở Chính biên XIII, 1.

1678 Trong tháng 4 mùa hạ này có việc rất quan trọng mà Cương mục lược bỏ là: "nhà vua muốn xem thủ chiếu và thơ văn của họ Hồ (tức Hồ Quý Ly). Nguyễn Trãi lặt lượm sao lục được vài mươi bài thơ văn bằng nôm của họ Hồ, đem dâng vua" ( Toàn thư XI, 38).

1679 Nguyên văn là "bãi ưu hí".

1680 Xem chú giải số 2 ở Chính biên III, 23.

1681 Thờ năm thần. Về ngũ tự, có nhiều thuyết, đây chỉ nêu hai thuyết cần hơn: thuyết thứ nhất, ngũ tự là: câu mang (thần cây cối), nhục du (thần loài kim), huyền minh (thần nước), chức dung (thần lửa), và hậu thổ (thần đất). Thuyết thứ hai, ngũ tự là: thần cổng, thần giếng, thần cửa, thần bếp và thần nhà giữa.

1682 Sâu cắn lúa.

1683 Một chức quan đặt không thường xuyên.

1684 Một chức quan coi giữ sổ sách quân dân ở một đạo.

1685 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1686 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1687 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1688 Xem Chính biên XVI, 5, 7, 13 và Chính biên XVII, 8.

1689 Về việc Lê Thái Tông nổi giận với Lê Sát, rồi vào cung, sai mật báo cho chọn Đinh Cảnh An biết việc Lê Sát cố chấp, không theo ý vua.

1690 Chức Tả bộc xạ được đặt từ thời Trần hàm nhị phẩm, tương đương với Hành khiển thượng thư tức là chỉ dưới Tể tướng. Đầu thời Lê gọi là Thị trung bội xạ chỉ dành cho Đại thần giữ then chốt rất quan trọng. Cương mục chép Lê Văn Linh đang làm Tham đốc bị giáng xuống làm Tả bộc xạ có lẽ chép nhầm. Bởi vì Tham đốc là chức quan võ nằm trong một vệ dưới chức Đề đốc hàm nhị phẩm.

1691 Niên hiệu Lê Thái Tổ, 1428-1433. Xem thêm Chính biên XV, 20-22.

1692 Người dân thường, không có chức tước phẩm trật gì.

1693 Chiêu Nghi là một cấp bậc vợ lẽ của vua, ở trong hàng tam chiêu (chiêu nghi, chiêu dung và chiêu viên) thuộc bậc cửu tần (chín cung tần), dưới hậu và hoàng phi (xem Chính biên XVIII, 16-17).

1694 Chức quan ở Ngự sử đài, giữ việc can ngăn.

1695 Nguyên văn "biên khánh", thứ nhạc khí gồm 16 chiếc khánh cùng treo vào một giá bề dài và bề ngang đều giống nhau, chỉ khác là có cái mỏng, cái dày để hợp với 12 chính luật và 4 bội luật (theo Từ Nguyên , trang 1175).

1696 Nguyên văn "biên chung". Thứ nhạc khí gồm 16 cái chuông cùng treo vào một giá, chia làm hai đợt, ăn khớp với 12 chính luật và 4 bội luật. Chuông lớn và chuông nhỏ đều hình chầy, phía dưới phẳng miệng. Cứ theo dày hay mỏng mà xếp thứ tự, cao độ 7 tấc 5 phân thời xưa (theo Từ Nguyên , trang 1175).

1697 Đàn cầm xưa có 5 dây, sau dùng 7 dây: dài 3 thước, 6 tấc cổ. Dùng ngón tay mà gảy theo 13 ký hiệu, phát ra 13 âm thanh (theo Từ Nguyên , trang 997).

1698 Đàn sắt, xưa có 50 dây, sau đổi làm 25 dây; mỗi dây có một trụ. Khi đánh đàn thì làm di động ở trên hay dưới để cho âm thanh phát ra trong, đục, bổng, trầm khác nhau (theo Từ Nguyên ).

1699 Thứ nhạc khí xưa làm bằng vỏ quả bầu, trong xếp 13 chiếc ống nhỏ, thành hàng quây tròn, thổi ở một cái vòi có cựa (theo Từ Nguyên , trang 1127).

1700 Cái tiêu xưa làm bằng trúc, hạng lớn: 23 ống, hạng nhỏ: 16 ống, khác với cái tiêu ngày nay chỉ có một ống (theo Từ Nguyên , trang 1141).

1701 Nhạc khí xưa, thất truyền đã lâu. Mỗi thuyết một khác: người nói có 6 lỗ, người nói có 8 lỗ, người nói có đáy, người nói không đáy, người nói có một ống, người nói có cả hai ống để thổi... (theo Từ Nguyên ).

1702 Nhạc khí xưa, giống cái đoản địch (sáo ngắn) có ba lỗ (theo Từ Nguyên ).

1703 "Chúc" làm bằng gỗ, đóng như cái đấu vuông, trên thách, dưới thu sâu 1 thước 5 tấc cổ, ba mặt đều bưng ván gỗ, đáy ván giữa làm lồi lên như mặt trống để đập gõ. Khi đánh, dùng cái ván có cán dài, gọi là cái "chỉ" mà rập thành tiết tấu. Nhạc khí này dùng để giáo đầu trước khi tấu nhạc (theo Từ Nguyên , trang 759).

1704 Thứ nhạc khí, làm giống hình con hổ đang phục, trên lưng có 27 cạnh khía khấp khểnh để gõ bằng dùi gỗ, điểm xen khi ngừng khúc nhạc (theo Từ Nguyên , trang 664).

1705 Cái huân, nặn bằng đất, to bằng quả trứng ngỗng, trên thót dưới phình, trong rỗng miệng có một lỗ để thổi, thành phía trước có 4 lỗ, thành phía sau có 2 lỗ (theo Từ Nguyên , trang 353).

1706 Trì, một nhạc khí xưa, thổi ra tiếng để hòa hợp nhịp nhàng với cái "huân" (theo Từ Nguyên ).

1707 Nhạc khí xưa, chế bằng kim loại, gồm có 16 tấm hình chữ nhật, xếp nghiêng thành hai hàng cùng treo chung vào một giá. Khi dùng chiếc dùi đồng nhỏ mà gõ thì tùy theo từng tấm dày mỏng phát ra âm thanh trong, đục khác nhau ( Từ Nguyên , trang 681).

1708 Thứ đàn cổ, thất truyền đã lâu. Thuyết cũ cho rằng nó giống cây đàn sắt nhưng nhỏ hơn, gảy bằng phím gỗ (theo Từ Nguyên , trang 1135).

1709 Đàn tì bà có 4 dây, đầu cong, cổ dài, mặt phẳng, lưng tròn, bụng trên thót dưới phình như hình lá đề. Mặt đàn có bốn "tượng" và 13 "phẩm" để theo đó mà điều tiết thanh âm trong hay đục (theo Từ Nguyên , trang 998).

1710 Ống sáo xưa, làm bằng trúc, dài 1 thước 8 tấc cổ (theo Từ Nguyên , trang 1127).

1711 Về nghĩa "lỗ bộ", có nhiều thuyết khác nhau nhưng có thể nói tóm là những nghi trượng khi vua trẩy như áo giáp và lá chắn để quân lính dùng đi dàn trước mặt mà hộ vệ, hay là nước muối dùng rảy đường cho khỏi bụi. Những thứ này đều được ghi chép vào sổ, nên gọi lỗ bộ. Ở Việt Nam, những đồ như dùi đồng, phủ việt và bát bửu đều gọi là lỗ bộ.

1712 Kiệu chạm chín con rồng.

1713 Kiệu chạm bảy con rồng.

1714 Xe người kéo.

1715 Xe đi nhanh.

1716 Sở làm mũ.

1717 Chức quan ở Ngự sử đài, giữ việc can ngăn.

1718 Làng La Phù nay thuộc huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

1719 Xem chú giải ở Chính biên I, 9.

1720 Một trong mười hai luật mà người xưa dựa vào thời tiết để đánh dấu mười hai tháng. Hoàng chung thuộc tháng trọng đông (tháng 11 âm lịch).

1721 Tức là thanh chung (chuông xanh), xích chung (chuông đỏ), hoàng chung (chuông vàng), cảnh chung (chuông ghi công) và hắc chung (chuông đen). Theo Từ Nguyên trang 76.

1722 Một trong mười hai luật tính theo thời tiết mười hai tháng âm lịch. Di tân thuộc tháng trọng hạ (tháng 5 âm lịch).

1723 Theo nhà Phật số 108 là số lượng phiền não. Khi lần tràng hạt, mỗi lượt gần hết 108, tức là qua được 108 cái phiền não.

1724 Chỗ ngồi cao, có trang sức bằng vàng, hoặc thiếp vàng.

1725 Cấm mọi người qua lại, dành đường để vua trẩy vào cung.

1726 Nguyên văn "sắc quyến". Riêng chữ "quyến" theo Từ Nguyên trang 1166, tả lại đồ dệt bằng tơ sống, dày, thô và rão; còn theo Việt Nam tự điển , trang 460, thì là lụa mỏng mà trắng.

1727 Một chức vị của vợ lẽ vua. Theo chế độ đời Tùy Văn Đế, thì tu dung được xếp vào hàng chín cung tần. Ở Việt Nam, dưới triều Lê Thánh Tông (1460-1497), tu dung là một trong tam tu (tu nghi, tu dung, tu viện) chức vị ở dưới tam chiêu (chiêu nghi, chiêu dung, chiêu viện) và trên tam sung (sung nghi, sung dung, sung viện). Cả ba cấp tam chiêu, tam tu và tam sung này để kể là cửu tần (xem thêm Chính biên XXIII, 16, 17).

1728 Nguyên văn là "sắc quyến". Xem chú giải ở trên (Chính biên XVII, 14).

1729 Trần thị cùng gia quyến Lê Sát đều bị sung công làm nô tì khi Lê Ngân phải tội, do đó nàng bị nhà vua chia phát cho nhà Lê Ngân.

1730 Nguyên văn là "nữ vu", tức là bà đồng trông nom về việc thờ phật Quan âm ở nhà Lê Ngân mà Cương mục ở đoạn trên (chỗ khám nhà Lê Sát) bỏ sót, không chép.

1731 Ý Tự Đức muốn chỉ về việc nhà Lê Ngân thờ Phật để cầu phúc cho con gái là Huệ phi Nhật Lệ.

1732 Xem Chính biên XV, 5.

1733 Xem Chính biên XIII, 32.

1734 Nay thuộc xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

1735 Về việc Lê Thái Tông hạ chiếu tự trách mình, cho trăm quan điều trần việc nước.

1736 Quốc hiệu của Triệu Đà.

1737 Nguyên văn là "cơ mi". Xem chú giải số 3 ở Tiền biên IV, 24.

1738 Nguyên văn là "lục sự". Xem chú giải số 3 ở Chính biên IX, 34.

1739 Xem chú giải số 3 ở Chính biên III, 27.

1740 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1741 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1742 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1743 Nay đều thuộc tỉnh Sơn La.

1744 Đây dịch theo nghĩa của nguyên văn Cương mục . Còn Toàn thư XI, 51b chép là "... Cầm Man, Cương Nương đẳng...". Như vậy, Cương Nương cũng như Cầm Man, là một dân thiểu số ở đương thời.

1745 Thước cổ Việt Nam. Hiện nay, 1 thước ta độ 40 công phân (0m40); còn thước đời Lê thế nào, không rõ.

1746 Nguyên văn là "tế ma bố". Theo Cương mục , chỉ là một thứ vải gai nhỏ. Nhưng theo Toàn thư XI, 52a thì là vải nhỏ và vải gai vì chép: "Tế ma bố tịnh trường nhị thập tứ xích".

1747 Nguyên văn là "tiêu bố". Theo Từ Nguyên , tiêu ma là một thứ gai, có thể dệt làm vải.

1748 Xem chú giải số 2 ở Chính biên X, 18.

1749 Ý nói ở đời Lê, trước kia, đã chép Lê Thái Tông chính mình đi đánh Cầm Man (Kỷ Mùi, 1439, xem Chính biên XVII, 18); đến đây lại chép đi đánh và giết được Hà Lai.

1750 Hồi kháng chiến (1946-1954), thuộc tỉnh Tuyên Quang. Nay là huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái.

1751 Xem chú giải ở Chính biên XVI, 9.

1752 Theo các từ thư, "thứ phụ" chỉ có nghĩa là vợ của hàng con thứ. Đây có thể có nghĩa là người đàn bà thường dân, không còn chức tước phẩm trật thuộc hàng vợ vua ở hàng cung nữa.

1753 Xem chú giải số 5 ở Chính biên VI, 30.

1754 Xem chú giải số 5 ở Chính biên VI, 30.

1755 Xem chú giải số 5 ở Chính biên VI, 30.

1756 Nay là thôn Bối Khê, xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Tây.

1757 Tục gọi núi Hun.

1758 Thân mẫu Nguyễn Trãi tên là Thái, con gái của Trần Nguyên Đán.

1759 Nay thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

1760 Tổ thứ hai trong Trúc lâm tam tổ, dưới Điều ngự giác hoàng, trên sư Huyền Quang. Xem thêm chú giải số 2 ở Chính biên IX, 1.

1761 Hán văn là Lệ Chi Viên.

1762 Hải Triều: tên làng. Nay là xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

1763 Nay là huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

1764 Nguyễn Trãi ( Cương mục theo quốc tính chép là Lê Trãi), mất ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuất, Đại Bảo thứ 3, tức ngày 19 tháng 9 năm 1442.

1765 Báo tin buồn về việc Lê Thái Tông chết.

1766 Xin phong vương cho Lê Nhân Tông.

1767 Xem Toàn thư XI, 56.

1768 Lời tỏ bày sự việc bằng giấy tờ.

1769 Làng Hoàng Chung nay thuộc xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.

1770 Tháng 8, năm Nhâm Tuất (1442).

1771 Xem chú giải ở Chính biên I, 37.

1772 Tức là Tuyên từ hoàng thái hậu, tên là Nguyễn Thị Anh, người Bố Vệ, huyện Sơn Đông thuộc Thanh Hóa, là vợ lẽ của Lê Thái Tông được phong Thần phi, và là mẹ của Lê Nhân Tông (xem thêm Chính biên XIX, 7).

1773 Đồ mặc tốt lành, trái với tang phục.

1774 Chức quan của Bùi Hanh.

1775 Nay là thôn Đại Lan, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

1776 Đỗ đầu thi hội.

1777 Nay là thôn Thanh Liễu, xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.

1778 Lương Xá nay là xã Chi Lăng, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.

1779 Nay là huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.

1780 Hú họa ưa may, không có thực tài.

1781 Xem chú giải ở Chính biên XV, 10.

1782 Xem chú giải số 7 ở Chính biên XVII, 19.

1783 Chức Tham tri coi giữ sổ sách công việc quân và dân ở đạo Hải Tây.

1784 Một tên khác của Lê Nhân Tông dùng để ngoại giao với Minh.

1785 Minh Anh Tông (1436-1449).

1786 Đoạn này đáng lẽ đặt riêng vào "Lời cẩn án" mới phải, nhưng Cương mục lại đặt liền ngay dưới chỗ "Lời chua" về Cổ Lũy.

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...