Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 46 Từ Quý Mão, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), đến Bính Ngọ, năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786)

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 46

Từ Quý Mão, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 44 (1783), đến Bính Ngọ, năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786) gồm 4 năm.

Quý Mão, năm thứ 44 (1783). (Thanh, năm Càn Long thứ 48).

Tháng giêng, mùa xuân. Lập cháu trưởng là Duy Khiêm làm hoàng thái tôn, truất Duy Cận làm Sùng nhượng công.

Thái Tôn (cháu trưởng), con trưởng của Duy Vĩ, thái tử đã mất. Lúc thái tử bị nạn, thái tôn mới 6 tuổi, cùng với em là Duy Trù và Duy Chi đều bị bắt giam. Đến lúc binh lính tam phù nổi loạn, họ đem nhau rước thái tôn về nội điện, lòng người đều chú ý trông mong.

Trước đây, Duy Cận được lập làm hoàng thái tử, chính là do Trịnh thái phi Nguyễn Thị tán thành3625 . Đến nay thấy thái tôn trở về, Nguyễn Thị sợ Duy Cận mất ngôi thái tử, bèn sai hoạn quan là Liêm Tăng (sót họ) đến bắt ép thái tôn sang chầu, để toan bí mật giết đi. Thái Tôn từ chối không được, sa nước mặt khóc mà ra đi; khi đi đường bị quân tuần sát ngăn lại. Vì thế các quân lính dức lác ầm ĩ, yêu cầu tra cứu người lập mưu làm hại Thái tôn, họ lùng tìm Liêm Tăng không được, ngờ là Duy Cận chủ mưu. Lúc ấy, Duy Cận đương chầu Trịnh thái phi, nghi trượng để ngoài cửa phủ đường, quân sĩ đều đập phá tan nát. Duy Cận sợ, phải thay đổi quần áo đi lẻn về cung.

Trịnh Khải biết việc này là do thái phi gây ra, nhân dụ dỗ quân sĩ chớ làm huyên náo, rồi lập tức hạ lệnh cho bầy tôi trong triều xin nhà vua lập Duy Khiêm làm hoàng thái tôn. Lúc ấy Duy Khiêm 18 tuổi. Lại bắt Duy Cận làm tờ biểu nhường ngôi thái tử. Duy Cận bị truất làm Sùng nhượng công.

Tháng 2. Núi Tản Viên nứt toạc ra.

Chỗ nứt, sâu hơn 20 trượng.

Lời chua-Núi Tản Viên: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 7 (Chb. I, 34).

Tháng 6, mùa hạ. Sông Thiên Đức cạn hết nước.

Lời chua-Sông Thiên Đức: Ở giáp giới địa phận hai huyện Đông Ngàn và Gia Lâm, thuộc Bắc Ninh, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11).

Tháng 7, mùa thu, Trịnh Khải khởi phục Nguyễn Lệ giữ chức thượng thư bộ Lại làm công việc tham tụng, bổ dụng câu là Dương Khuông giữ chức quyền phủ sự.

Nguyễn Lệ, trước làm tư giảng của Khải, sau ra trấn thủ Sơn Tây; Dương Khuông là em thái phi Dương Thị. Trước kia, Lệ bị Ngô [Thì] Nhậm cáo tố, cũng bị bắt giam3626 . Sau khi Khải đã nối ngôi, hạ lệnh cho khôi phục triều ban. Đến nay, Lệ cùng Khuông cùng vào giữ công việc trong chính phủ, hai người này đều không có tài cán đức vọng, mà lại hay tự cậy mình là người có tài năng, nên người có kiến thức đều lấy làm lo ngại.

Lời chua-Dương Khuông: Người xã Phong Phú3627 , huyện Thạch Hà,

Tháng 12, mùa đông. Đổi trao cho Hồ Sĩ Đống giữ chức tham đốc quyền phủ sự.

Trước kia, Sĩ Đống vì có tang cha cáo quan về nhà. Trịnh Khải cho được khởi phục, sai đi xem xét công việc biên giới vùng Thuận Hoá, Quảng Nam. Sau đó triệu về triều, cho đỗi bổ sang võ giai, giữ chức quyền phủ sự.

Lời chua-Tham đốc: Thuộc về võ ban, hàm tòng nhị phẩm.

Giáp Thìn, năm thứ 45 (1784). (Thanh, năm Càn Long thứ 49).

Tháng giêng nhuận, mùa xuân. Binh lính tam phủ lại nổi loạn giết Nguyễn Triêm.

Từ khi bọn Nguyễn Lệ được giữ công việc trong chính phủ, ngày đêm mưu tính, chú ý về việc ức chế kiêu binh. Lúc ấy bổng có 4 quân sĩ giã xưng đồng đội, vay ức tiền của hiệu buôn ở phố Đông Hà, bị anh em trong bản đội phát giác. Bọn Nguyễn Lệ hạ lệnh lập tức xử trảm. Quân sĩ đều tức giận là giết người một cách quá đáng, nhưng đã trót phát giác rồi, chỉ phải cúi đầu nghe lệnh. Bọn Nguyễn Lệ thấy thế, cho là uy quyền của mình đã được vững vàng, bảo với nhau rằng: "Từ đây ta có thể cứ giữ pháp luật mà thi hành". Bấy giờ có tri huyện Mai Doãn Khuê muốn cầu công với họ Trịnh, bèn bão kín với Nguyễn Lệ rằng: "Bọn các công nghĩ kiêu binh có thể dẹp yên, nhưng không biết rằng họa hoạn xảy ra sẽ không thể nào nói xiết được. Tôi nghe họ nói xôn xao là: hoàng tự tôn do bọn họ rước về, nay hoàng thượng đương trong lúc mỏi mệt về sự siêng năng, mà tự tôn thì tuổi và đức đều đã trưởng thành, họ đương dự định tâu xin thi hành việc truyền ngôi, làm cho ngôi vua, ngôi chúa đều do tay quân sĩ quyết định, để tạo thêm công lao phi thường của họ. Trong bọn quân sĩ có người không được như ý sinh ra trách oán, lại muốn tôn phò nhà vua giữ quyền nhất thống, để giành lấy quyền bính nhà chúa. Nếu kế ấy mà họ thi hành được, tôi sợ rằng các công sẽ không có đất để nương thân!". Nguyễn Lệ lập tức đem lời nói ấy báo cáo về Trịnh Khải. Khải sai Doãn Khuê trích từng người trong quân sĩ mà phát giác, nhân đấy, Doãn Khuê cáo tố vu cho Nguyễn Siêu là cháu ngoại của Tứ xuyên hầu là Phan Lê Phiên có dự vào mưu ấy, khi giao xuống tra cứu thì không có tang chứng gì, nhưng Khải vẫn cho là tố cáo đúng, rồi phong cho Doãn Khuê tước bá, quản lãnh đội quân thị hậu và là giảng quan của hoàng tự tôn, cho ở nội điện để tiện dò xét.

Đến nay, quân sĩ có người cậy công rước hoàng tự tôn về, xin ban phong cho cha mẹ, họ đem nhau vào sân điện tâu bày để xin phong, nhà vua sai triệu vào nội điện, tuyên bố chỉ dụ yên ủi. Lúc ấy có người chạy đến báo cho Trịnh Khải biết, Khải lập tức triệu Nguyễn Lệ và Dương Khuông vào bảo rằng: "Mưu kế của kiêu binh tôn phò nhà vua không thể dập tắt được, nay chúng đương tụ họp ở nội điện, làm thế nào bây giờ?" Nguyễn Lệ xin phái quân đến bắt và giết đi. Khải lập tức hạ lệnh cho Nguyễn Triêm, thủ hiệu đội Nhưng Nhất, đi bắt, Nguyễn Triêm bước ra cửa phủ đường rút thanh kiếm, liếc lưỡi kiếm, và nói: "Sắc bén thay lưỡi kiếm! chém đầu kiêu binh thì ngọt xoét đây". Triêm bèn dẫn quân đến bao vây trên nội điện, bắt được 7 người, giao xuống tra hỏi. Bầy tôi bàn luận, cho rằng, nếu giết hết thì gây ra biến loạn, mà nếu không giết thì không thể nào răn cấm được. Ý họ muốn giết một vài người đầu sỏ đảng ác, để ức chế bớt lòng kiêu ngạo của quân sĩ đi. Duy có Dương Khuông quả quyết nói: "Không cần phải hỏi sự trạng làm gì, chỉ một việc quen mui tụ hội không chừa là phải chém đầu. Chúng cậy nhiều người mà sinh kêu ngạo không thể giết hết được, nhưng hễ có tên nào phạm tội thì không tha. Ví như một nắm đũa cứng không thể nào bẻ cả được, cứ rút tỉa lấy một vài cái mà bẻ, lâu ngày tự khắc phải hết". Bèn chiểu theo điều luật "vượt vào hoàng thành", đem chém tất cả.

Vì thế, quân sĩ tức giận, cùng tụ họp bàn định rằng: "Ngày nay mà có được triều đình này đều do công sức chúng ta, thế mà họ không lấy làm ơn, lại lấy làm oán. Nếu cái kế "bẻ đũa" của họ mà thi hành được, thì chúng ta sẽ không còn mống nào sống sót!". Họ hẹn nhau, ngày hôm sau sẽ khởi sự. Ngày rằm tháng ấy, quân sĩ đem nhau vây nhà bọn Nguyễn Lệ và Dương Khuông cốt bắt giết hai người này. Khuông và Triêm đều trốn vào phủ chúa Trịnh, Lệ ăn mặc giả dạng theo đường tắt chạy lên Sơn Tây. Quân sĩ tranh nhau phá hũy nhà cửa bọn này, rồi reo hò ầm ĩ vác siêu đao đi thẳng vào trong phủ lùng

xét bọn Khuông và Triêm. Trịnh Khải cùng Dương Thị đem tiền bạc ra để chuộc tính mạng cho Khuông. Quân sĩ lại lùng bắt Triêm, Trịnh Khải bất đắc dĩ bảo Triêm ra, quân sĩ lấy gạch đá đánh chết.

Sau đó bãi chức bọn Nguyễn Lệ và Dương Khuông.

Từ đấy, quyền bính về tay quân sĩ, chúng uy hiếp áp bức bọn quan lại, động một tý là dọa sẽ phá nhà, giết chết. Thậm chí đến việc thay đỗi tướng tá văn ban, võ ban cũng đều do miệng quân sĩ nói ra mới xong, công việc trong nước không thể xoay xở thế nào được.

Lời phê-Lúc này là thế giới nào, ngàn đời chưa từng nghe có việc như thế! Câu nói "chính danh"3628 của thánh nhân thật đáng tin là không phải lời nói vu khoát. Lời chua-Mai Doãn Khuê: Người xã An Đồng, huyện La Sơn3629 , Nghệ An, làm tri huyện Đông Thành.

Nguyễn Triêm: Người xã Phú Đa3630 , huyện Tiên Phong, đỗ tạo sĩ.

Tháng 2. Các trấn định mưu giết kiêu binh, nhưng không hành động được.

Nguyễn Lệ đến Sơn Tây, cùng em là trấn thủ Nguyễn Điều bàn mưu kế để giết kiêu binh. Điều bảo Lệ rằng: "Nay dân ở tứ trấn oán kiêu binh đến tận xương tủy, nếu nay lấy danh nghĩa là dấy quân giết kiếu binh, thì chỉ hô lên một tiếng, không chỗ nào là không hưởng ứng. Địa phận trấn này ở miền thượng du, trước kia anh trấn giữ ở đây lại kiêm trấn thủ Hưng Hóa, thổ tù đều là thuộc hạ cũ của anh; hơn nữa Hoàng Văn Đồng, phiên mục Tuyên Quang, giàu mạnh nhất nước, năm trước anh đã đi chiêu dụ, vốn được lòng hắn, nay đưa một lá thư hiệu triệu, có lẽ hắn theo lệnh ngay; Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Nam là viên tướng bách chiến; Trương Tuân ở Kinh Bắc và Trịnh Tự Quyền ở Hải Dương đều là tướng có mưu trí, nay lấy mệnh lệnh của chúa bí mật truyền bảo để họ chiêu mộ nghĩa sĩ, cố giữ doanh trại trong trấn, theo sự điều khiển của anh. Địa vị của anh là một viên tể tướng kiêm chức sư phó, nay chỉ huy các trấn để gỡ hoạn nạn cho nước, ai dám là người không theo? ta sẽ giao ước với họ cùng nhau khởi sự trong một ngày, kéo quân vào thành giết tên đầu sỏ của đảng kiêu binh mà buộc chúng vào kỷ luật, việc ấy tưởng chẳng khó khăn gì". Lệ nói: "Chú nói đúng, nhưng hiện nay chúa ở trong tay kiêu binh, ném chuột, có lẽ nào không ngại va chạm đến đồ vật hay sao?"3631 . Điều nói: "Việc ấy rất dễ, bây giờ nên sai người trình bày với chúa, mật báo cho Hoàng Phùng Cơ đem châu sư đến Thanh Trì, nói phao là đi tuần tiễu mặt sông, rồi ngầm dùng chiếc thuyền nhỏ để đón chúa, chúa ăn mặc giả dạng xuống thuyền, thuận dòng xuôi về Hiến doanh hành tại ở đấy. Bấy giờ các doanh trấn sẽ khởi sự, thì không quản ngại gì cả". Lệ lập tức làm tờ mật khải báo cáo với Trịnh Khải. Khải theo lời, mật hẹn Hoàng Phùng Cơ đến ngày 28 tháng giêng nhuận đem thuyền đón tiếp; ngày mồng một tháng 2, các trấn sẽ đem đại binh vào kinh thành, giết kiêu binh. Trong bọn quân sĩ có người biết được mưu ấy, họ bèn chia nhau ngày đêm canh giữ phủ chúa Trịnh rất nghiêm ngặt, Trịnh Khải không sao đi được. Vì thế, các trấn cũng bãi binh.

Từ đấy, quân sĩ mỗi khi ra ngoài kéo từng đàn hàng trăm hàng ngàn người, tung hoành nơi thôn xóm, tự ý cướp bóc thả cửa. Quân sĩ nào đi đường một mình, thường bị dân quê đón đường giết chết. Quân và dân coi nhau không khác gì giặc cướp thù hằn.

Lời chua-Nguyễn Điều: Em Nguyễn Lệ, con Nguyễn Nghiễm.

Trương Tuân: Người xã Như Kinh3632 , huyện Gia Lâm.

Thanh Trì: Tức Long Đàm, xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 14 (Chb. VI, 26).

Hiến doanh: Xem Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (Chb. XXXVIII, 39).

Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Bùi Huy Bích quyền làm công việc tham tụng (hành tham tụng); bọn Trương Đăng Quỹ và Trần Công Xán cùng giữ chức bồi tụng.

Quân sĩ tam phủ kiêu ngạo ngang ngược ngày một quá, mỗi khi chính phủ có xếp đặt việc gì, họ hợp nhau chê bai bàn tán, quan văn, tướng võ chỉ chịu bó tay. Huy Bích diều chỉnh thu xếp một cách thư thả, êm dịu, nên tình hình quân sĩ được tạm ổn định. Nhưng tình thế vỡ lỡ, chung quy không thể nào hàn gắn được.

Lời chua-Trương Đăng Quỹ: Người xã Thanh Nê3633 , huyện Chân Định, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) năm Cảnh Hưng.

Trần Công Xán (Tên cũ là Công Thước): Người xã Yên Vĩ3634 , huyện Đông An, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1722) năm Cảnh Hưng.

Tháng 10, mùa đông. Nước ở Hồ Tây sục sôi.

Đêm mồng một tháng ấy, nước ở Hồ Tây sục sôi, tiếng kêu như sấm, sáng hôm sau cá tôm chết hết, mùi tanh kinh người.

Lúc ấy, tai biến hiện ra luôn: cây cối trong phủ chúa Trịnh, ngày đêm đàn quạ vừa bay, vừa kêu; trước cửa phủ thành tự biết là điều không hay.

Lời chua-Tây Hồ: Có một tên nữa là Lãng Bạc, xem Thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 18 (Tb. II, 11).

Ất Tỵ, năm thứ 46 (1785). (Thanh, năm Càn Long thứ 50).

Tháng 3, mùa xuân. Bầy tôi dâng tôn hiệu.

Dâng tôn hiệu nhà vua là: Uyên úy khâm cung nhân từ đức thọ hoàng đế.

Từ ngày Trịnh Sâm chuyên giữ chính quyền trong nước, nghi lễ sóc vọng bỏ đã lâu ngày. Nay Huy Bích mới vào giữ việc trong chính phủ, bàn định tôn phò nhà vua để thu phục lòng người, bèn dâng tờ khải xin với chúa Trịnh: 1. Trăm quan dâng huy hiệu lên nhà vua; 2. Ngày mồng một và ngày rằm, các quan vào chầu mừng theo chế độ cũ.

Lời phê-Than ôi, cũng đã muộn rồi, còn làm gì được nữa! Thế mà còn nhận danh hiệu hão, thật là tối thời cơ. Đầm Thịnh Liệt nước đỏ.

Lời chua-Thịnh Liệt3635 : Tên xã, thuộc huyện Thanh Trì.

Tháng 4, mùa hạ. Mưa dầm. Hạ lệnh cho bầy tôi và thứ dân nói thẳng những điều thiếu sót lầm lỗi.

Lúc ấy, mưa mãi không thôi. Trịnh Khải hạ lệnh cho bầy tôi và thứ dân nói thẳng những điều hay, điều dỡ. Phạm Nguyễn Du Đông các đại học sĩ dâng tờ khải, đại lược nói: "Tôi trộm nghĩ việc cần kíp hiện nay có 4 tiết mục, mà chủ chốt thì căn bản chỉ ở trong lòng:

1. Đối với quân sĩ: Ít lâu nay chính lệnh về quân ngũ đỗ nát, lỏng lẻo. Vậy xin kê cứu điển lệ các triều trước tham khảo với việc tiện lợi ngày nay, chép thành một tập quân chính. Đại yếu như lúc ngày thường theo hầu xa giá, lúc có việc sai phái đi làm, lúc ở quân ngũ thao luyện diễn tập, lúc đến dân gian đốc thúc việc quân, đều có điều lệ, rồi dịch ra quốc âm, thời thường gia công dạy bảo, dùng phép tắt đề

tề chỉnh quân sĩ. Như thế ngõ hầu chính lệnh trong quân ngũ mới có thể nghiêm trang, mà tai hại ở dân mới có thể trừ được.

2. Đối với quan chức: Nhà nước đặt quan, trong kinh có Ngự sử đài, bên ngoài có ty Trấn thủ, ty Thừa chính, ty Hiến sát cho đến phủ và huyện, đều có chứa phận phải làm: Ba ty chia nhau xét việc kiện tụng của quân và dân, gần đây điều lệ ngày một thêm nhiều, bọn điêu toa dựa vào điều lệ mà xét xử một cách gượng ép, có khi một việc kiện mà chia ra cáo tố ở hai ty, dân bất đắc dĩ kêu cả lên ngự sử, ngự sử lại không có lý thu đạo3636 , chỉ dung túng người dưới theo ý riêng làm việc thiên tư, tiếng gọi là chiếu theo điều lệ, mà thực là trái với điều lệ. Vậy xin tập hợp rộng rãi huấn lệnh đã có sẵn của các triều, chép thành một cuốn sách quan phương3637 , ban bố cho các nha môn. Đại để việc kiện tụng trong một đạo từ huyện đến ty Thừa chính thuộc về Ngự sử, còn ty Trấn thủ chỉ cai trị bọn trộm cướp, ty Hiến sát chỉ cai trị bọn quyền quý và chỉ đàn hặc bọn quan lại. Mỗi năm tra khám bao nhiêu việc kiện tụng, làm thành danh sách trình Ngự sử đài chuyển đệ lên chính phủ. Ngoài ra, những phép tắc về sửa chữa bản thân, điều khiển lại dịch, cai trị nhân dân, tôn thờ người trên, việc nào cũng rõ ràng đầy đủ, để người thừa hành chức vụ nghi nhớ không quên, mà thi thố ra công việc chính trị. Về việc khảo xét công trạng, thì mỗi năm xét một lần gọi là tiễu khảo, để đôn đốc thúc giục; ba năm xét một lần gọi là đại khảo, để thi hành việc thăng thưởng hoặc truất bãi. Có như thế thì phép trong quan trường mới có thể ngay thẳng được.

3. Đối với dân: Hiện nay tập tục bạc bẽo, nói càn nói gỡ, xâm phạm đến người trên, tuyên truyền lời vu vơ, làm mê hoặc dân chúng. Vậy xin tham khảo điển lệ đời trước và các triều, chép thành một tập dân chính, từ phép tắc hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, kính mến người trên, yêu thương người dưới, cho đến nghi tiết cư xử, động tác, mỗi việc cần làm đầy đủ thành từng điều mục, rồi ban xuống cho ty Thừa chính, cho các dân xã sở tại được tùy tiện chọn bầu mỗi xã một hai người hương trưởng, hàng năm cứ lấy những ngày kỳ phước3638 , ngày xã điền3639 , họp dân lại đem phép ấy ra đọc mà dạy bảo khuyên răn. Nếu có người nào không theo lời dạy, thì kê tội lỗi trình bày lên quan, tội nhẹ thì xét xử ngay, tội nặng thì xét nghĩ rồi đệ hồ sơ lên quan trên. Nếu có người hiếu thảo, đức hạnh, tiết nghĩa, nghĩa phụ, thì phải đem sự việc đề đạt rõ ràng để biểu dương họ, làm cho dân biết mà khuyên làm điều lành. Có như thế, thì pháp lệnh mới có thể thi hành được.

4. Đối với sĩ tử: Nhà nước có trường quốc học để dạy hương cống, có trường phủ học để dạy sinh đồ. Đến trung gian mở nhiều đường ngang tắt cầu may, đặt ra phép "tam quán sinh đồ"3640 , lấy đỗ nhũng lạm, đến nỗi có người hương cống mà chưa thông nghĩa lý câu văn; vừa đỗ hương cống xong, liền ngấp nghé để chực làm quan, không được làm quan thì lui về làm đơn từ hoặc làm nha lại, hạng hương cống như thế, chiếm đến gần một nữa sĩ số trong cả nước; hạng sinh đồ lại còn kém hơn. Đến như hạng học trò mới học cũng không có người tiêu biểu để làm thầy. Vậy xin bớt số học quan ở các phủ huyện hợp lại làm một đạo, ở đạo có điện đại thành, có nhà giảng học, có nhà đôn đốc học nghiệp và có nhà chứa sách; các viên quan đề cử thì dùng quan văn vào hạng đại khoa mà có học lực, phẩm hạnh, đạo nghĩa để bổ ở mỗi đạo một người; viên quan này chuyên dạy hương cống, sinh đồ trong bản đạo và người mới học mà tình nguyện ở nhà trường học tập. Còn các viên trực giảng, trợ giáo trong nhà quốc học thì nên chọn kỹ bậc văn thần, cấp cho bổng lộc hậu thêm. Phàm hương cống, sinh đồ các đạo, người nào có thể về kinh học tập đều cho phép được vào học ở Quốc tử giám. Do đấy, hạ đặc lệnh ban bố khoa điều, dạy cho biết lễ nghĩa, mà phân biệt ra từng hạng. Phép này trước hết ở nhà Quốc học, rồi thi hành đến các đạo. Nếu có viên quan nào không làm tròn chức vụ, thì ngự sử cùng ty Hiến sát bản đạo

đàn hặc. Có như thế, ngõ hầu xây dựng được nền giáo dục, mà mới có hạng sĩ tử cao quý để đáp ứng với sự cầu hiền của triều đình.

Nhưng, mọi việc trong thiên hạ cỗi gốc là ở tâm tư, chưa có bao giờ tâm tư không ngay thẳng, mà lại có thể thi thố mọi việc được. Thế thì việc sửa chữa tâm tư lại là cỗi gốc của mọi người. Tôi trộm thấy vương thượng từ khi thân giữ chính quyền đến nay, một lòng tôn phò nhà vua, nào là kính thượng hoàng, nào là dâng tôn hiệu, đứng về mặt danh phận, vẫn biết rằng đã được chấn chỉnh mà nâng cao lên. Tôi càng mong từ nay lễ thường triều ngày sóc, ngày vọng3641 , vương thượng thân hành dẫn đại thần thân cận và có công cùng trăm quan văn võ chiểu theo điển lệ triều trước, thân ngồi giường ngự ở phía tả ngai rồng của hoàng thượng để nhận lễ thường triều của bách quan, làm cho sáu quân trông thấy, bốn biển biết tin, đều hiểu rõ đức tốt về việc tôn phò nhà vua của vương thượng, thì tự nhiên mọi người phát sinh lòng lành và kính cẩn, đối với danh phận run sợ mà không dám xâm phạm, tiêu tan được lòng lấn vượt áp bức, sum hợp lại tình chia rẽ lìa tan. Đấy là ý nghĩa thứ nhất đem một tâm tư để quan sát mọi tâm tư vậy".

Tờ khải của Phạm Nguyễn Du không được chúa Trịnh trả lời. Ít lâu sau, cho ra giữ chức đốc đồng ở Nghệ An.

Lời phê-3642 Đều là văn từ chiếu lệ mà thôi. Chứ một nước lại có hai vua à? Lời chua-Đông các đại học sĩ: Phẩm trật chánh tứ.

Sửa nhà thái học.

Lúc ấy, trong nước nhiều biến cố, nhà học bỏ đỗ nát. Bùi Huy Bích muốn xây dựng nền văn học để giữ vững lòng người, bèn xin cố sức sữa sang tu bổ. Huy Bích lại thường đến nhà Giảm giảng bàn sách vỡ, luyện tập văn bài, khen thưởng khuyến khích người nho học hiền tài, ức chế người cầu may thi đỗ. Vì thế, lúc ấy nhiều người ngợi khen.

Tháng 9, mùa thu. Phát sinh hoàng trùng.

Hoàng trùng đầy cả đồng nội, lúa mạ bị tổn hại hết.

Yên Quảng, giặc biển nổi dậy.

Thiêm Liên (sót họ), người Yên Quảng, hô hào tụ tập dân chúng ở ngoài biển, có vài trăm chiếc thuyền; tên Sơn (sót họ) người huyện Thần Khê, đem đồ đảng theo về với Thiêm Liên, thanh thế của giặc bùng dần mãi lên. Vì thế, dân ven biển vùng đông nam bị rối loạn.

Lời chua-Huyện Thần Khê: Đời Lê, thuộc trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Hưng Yên3643 .

Yên Quảng3644 : Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb, 16, 19, 29, 30, 35).

Bính Ngọ, năm thứ 47 (1876). (thanh, năm Càn Long thứ 51).

Mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.

Tháng 3. Dân bị nạn đói.

Thàng này, giá gạo cao vọt, dân trong kinh kỳ và tứ trấn bị đói to, thây chết nằm liền nhau. Trịnh Khải hạ lệnh chiêu mộ nhân dân, ai nộp của sẽ trao cho quan chức, nhưng không ai hưởng ứng. Bèn dùng sắc lệnh bắt ức nhà giàu để lấy tiền chia ra phát chẩn.

Tháng 5, mùa hạ. Nguyễn Văn Huệ đem quân vào cướp phá. Đồn tướng Hoàng Nghĩa Hồ, phó tướng Hoàng Đình Thể, tỳ tướng Vũ Tá Kiên và đốc thị Nguyễn Trọng Đang đều bị chết trong chiến trận; Phạm Ngô Cầu mở cửa thành ra hàng.

Trước đây, Văn Nhạc chiếm cứ Quảng Nam, sai người xin hàng và xin trấn thủ đất ấy. Trịnh Sâm thấy chỗ ấy vừa hiểm trở, vừa xa xăm, vả lại cũng ngại về việc dụng binh, nhân đấy mới trao cho Văn Nhạc trấn giữ. Sau đó, Văn Nhạc xưng là Thiên vương đặt ngụy hiệu là Thái Đức, triều đình nghe biết việc này cũng bỏ qua không hỏi đến. Trấn thủ Phạm Ngô Cầu là người tham lam nhút nhát, tham tụng Hồ Sĩ Đống từ Thuận Hoá về kinh, đã nhiều lần xin bổ viên tướng khác thay cho Ngô Cầu, nhưng việc này sau cũng im đi.

Ngô Cầu chuyên làm việc buôn bán, không sắm sửa khí giới phòng bị lương thực, quân và dân đều chán nản khinh thường. Nhân đấy, Văn Nhạc phong cho em là Văn Huệ làm Long nhương tướng quân, chỉ huy các quân thủy, quân bộ, Vũ Văn Nhậm3645 đem tả quân, Nguyễn Hữu Chỉnh đem hữu quân, chia đường cùng tiến, qua đèo Hải Vân. Tướng giữ đồn là Hoàng Nghĩa Hồ ra đánh, bị chết. Nhân thế thắng, quân của Nguyễn Huệ xông thẳng đến Thuận Hóa. Lúc ấy, Ngô Cầu đương đặt đàn chay lớn, chợt nghe tin giặc kéo đến, lúng túng, không biết thi thố cách nào. Trước đây, vì bức thư ly gián của Hữu Chỉnh, nên Ngô Cầu và phó tướng Hoàng Đình Thể vẫn nhị tâm với nhau, sĩ tốt sinh ra nghi ngờ lười biếng, không ai có lòng chiến đấu. Gặp lúc ấy nước thủy triều lên mạnh, giặc bèn cho châu sư3646 ồ ạt tiến sát đến dưới thành. Hoàng Đình Thể, một mình đem quân bản bộ đón đánh, thuốc súng và đạn đều hết. Ngô Cầu đóng cửa thành không cứu viện. Đình Thể cùng hai người con (một người là Đình Vị, còn một không rõ tên) và tì tướng là Vũ Tá Kiên dựa vào thành lũy để bày trận, đem hết sức lực chiến đấu hăng hái; hai người con phóng ngựa ra trận giết giặc, ngựa bị què, bèn đánh lối bộ chiến, bị trọng thương, chết tại mặt trận. Đình Thể cùng Tá Kiên đều chết, Văn Huệ lùa quân ồ ạt tiến lên. Ngô Cầu mở cửa thành xe quan tài3647 ra hàng, đốc thị Nguyễn Trọng Đang chết ở trong đám loạn quan. Giặc tung quân vào thành, chém giết thả cửa, hơn vài vạn tướng sĩ đóng ở đồn, chỉ còn được vài trăm người qua sông trở về Bắc Hà mà thôi. Do đấy tướng đóng ở các đồn Cát Doanh và Động Hải nghe được phong thanh đều chạy trốn.

Lời chua-Hoàng Nghĩa Hồ: Người thôn Hoàng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên3648 , tỉnh Nghệ An, đỗ tạo sĩ.

Vũ Tá Kiên: Người xã Hà Hoàng3649 , huyện Thạch Hà, đỗ tạo sĩ.

Nguyễn Trọng Đang: Người xã Trung Cần3650 , huyện Thanh Chương, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1769) năm Cảnh Hưng.

Cát Doanh: Ở địa phận xã Ái Tử3651 , huyện Đăng Xương, tỉnh Quảng Trị.

Động Hải: Xem năm Cảnh Hưng thứ 39 (Chb. XLV, 10).

Tháng 6. Nguyễn Văn Huệ cướp phá Vị Hoàng. Bọn Trịnh Tự Quyền và Đinh Tích Nhưỡng bị thua, bỏ chạy.

Văn Huệ hội hợp các tướng, bàn định lại cho quân tu sửa trường lũy Động Hải, vẫn giữ địa giới cũ ở La Hà. Nguyễn Hữu Chỉnh dâng lời nói: "Tướng công đánh một trận được đại thắng, uy danh chấn

động cả thiên hạ. Đường lối dụng binh, một là thời, hai là thế, ba là cơ hội, nếu có thể dựa vào ba điều ấy, thì đánh đâu mà không được. Nay ở Bắc Hà, quân lính thì kiêu ngạo, tướng súy thì lười biếng, triều đình lại không có kỷ cương gì. Tướng công mang uy thanh ấy, nhân lúc bên kia đã đỗ nát, nếu thực biết dùng danh nghĩa "phò Lê, diệt Trịnh" thì thiên hạ ai mà không hưởng ứng? Đấy là cơ hội và thời, thế đều không thể để nhỡ được". Văn Huệ cho là phải, bèn nói giả thác là mệnh lệnh của Văn Nhạc, rồi dùng Hữu Chỉnh làm tiền phong thủy quân, trước hết kéo quân ra cửa biển Việt Hải, vào cửa biển Đại An, kéo thẳng đến Vị Hoàng chiếm lấy kho lương. Văn Huệ tự thống suất đại binh, theo đường thủy, đường bộ tiếp tục xuất phát. Tướng giữ trấn Nghệ An và Thanh Hóa là bọn Bùi Thế Toại và Tạ Danh Thùy nghe được phong thanh, đều bỏ thành trốn. Hữu Chỉnh kéo quân đến Vị Hoàng, binh lính trong đồn trông thấy, sợ hãi, tan vỡ. Thóc lúa trong kho có hàng trăm vạn đều vào tay giặc. Văn Huệ tiếp tục kéo quân đến chiếm cứ lấy đất này.

Trước đây, được tin báo về tình hình của giặc, bầy tôi bàn định, đều nói: "Thuận Hóa vốn không phải đất đai của triều đình, trước kia tốn bao nhiêu công của mới lấy được, chung quy cũng chẳng ích lợi gì? Bây giờ chỉ nên bàn luận tìm cách đóng quân ở Nghệ An theo như việc cũ mà thôi". Vì thế, Trịnh Khải hạ lệnh cho Trịnh Tự Quyền làm thống tướng, đem hiệu quan và quân lính 27 cơ tiến ngay vào giữ lấy đầu địa giới Nghệ An để chống cự. Tự Quyền nhận được mệnh lệnh đã hơn mười ngày mà vẫn chưa thu xếp hành trang xong, còn quân sĩ thì chần chừ không có ý muốn đi, lại muốn thay đổi thống tướng khác. Kịp lúc Tự Quyền đem quân dời khỏi thành mới được 30 dặm, thì quân giặc đã đến Vị Hoàng rồi. Trịnh Khải lại hạ lệnh khác cho Tự Quyền vẫn đem các quân bản bộ tiến đến chống cự ở Kim Động, một mặt phi sức cho Đỗ Thế Dận, trấn thủ Sơn Nam, lập tức đem quân bộ tiến đến đóng ở bờ sông Phù Sa, rồi sai Đinh Tích Nhưỡng đốc lãnh các quân thủy đạo tiến thẳng đến giữ ở cửa Luộc. Các tướng hội hợp binh lính đón đánh.

Chợt có thuyền của giặc đương đêm từ hạ lưu nhân chiều gió tiến thẳng lên, thế rất sắc bén. Tích Nhưỡng liền sai các quân bày "trận chữ nhất" (-) chắn ngang sông, đạn súng và tên nỏ cùng một lúc bắn ra, trông xa thấy một chiếc thuyền giặc tan vỡ rồi bị đắm, còn các thuyền khác cứ nối nhau tiến lên không ngừng, mà trong thuyền vẫn im lặng không có tiếng người. Trong lúc hoảng hốt sợ hãi thì trời đã sáng rõ, mới biết những người chân sào đều người bù nhìn cả. Lúc ấy, thuốc súng và đạn của quan quân đều hết, đại đội châu sư của giặc vừa đánh trống vừa reo hò tiến lên, thanh thế kinh thiên động địa. Giặc lại dùng toán quân nhanh nhẹn sắc bén xông thẳng vào hàng ngũ quân Thế Dận, đem ống phun lửa loạn xạ, quân của Thế Dận kinh sợ tan vỡ. Toán quân của Đinh Tích Nhưỡng la ó om sòm, tranh nhau bỏ thuyền chạy. Toán quân của Trịnh Tự Quyền nghe tin, cũng sợ hãi rối loạn rồi tự tan vỡ. Giặc bèn đánh phá được trấn Sơn Nam, rồi đưa tờ hịch đi các lộ, bày tỏ danh nghĩa "diệt Trịnh, phò Lê".

Lời phê-Lúc ấy triều đình đã hết sức rối ren đỗ nát, giặc đã nhòm biết kẽ tóc chân tơ rồi, tiến thẳng quân mà đánh lấy có khó khăn gì. Lời chua-Đinh Tích Nhưỡng: Người xã Hàm Giang, huyện Cẩm Giàng3652 , dòng dõi Đinh Văn Tả.

Bùi Thế Toại: Người xã Tiên Lý, huyện Đông Thành3653 , con Bùi Thế Đạt, đỗ tạo sĩ.

Đỗ Thế Dận: Người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm3654 . (Chb. XLVI, 19).

Cửa Việt Hải: Xem Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ nhất (Chb. XVI, 8).

Cửa sông Luộc: Thuộc huyện Nam Xang, chỗ giáp giới hai huyện Tiên Lữ và Hưng Nhân tỉnh Hưng Yên3655 .

Vị Hoàng: Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 10 (Chb. XXXVII, 9). Nay là tỉnh thành Nam Định.

Sông Phù Sa: Thuộc địa phận xã Phù Sa, huyện Đông An3656 , tỉnh Hưng Yên. Khúc sông này là hạ lưu sông Nhị.

Nguyễn Văn Huệ xâm phạm đến Thăng Long. Hai viên Thiên tướng3657 , quân thủy là: Nguyễn Trọng Yên, quản lãnh đội Tiền ưu, Ngô Cảnh Hoàn, quản lãnh đội Tiền trạch cùng Mai Thế Pháp, thuộc tướng bộ binh, ra đánh đều bị chết tại trận. Trịnh Khải đánh nhau với giặc ở bến Tây Luông (Long), thua, chạy, bị bắt, Khải tự sát. Lý Trần Quán, Thiêm tri lại phiên, chết theo.

Sau khi trấn Sơn Nam đã bị phá, kinh thành Thăng Long rất sợ hãi, quan và quân đều lo toan việc chạy trốn, không có chí chiến đấu, mọi người bàn luận phân vân, không định được kế mưu đánh hay giữ. Nguyễn Lệ từ Nghệ An về kinh, khuyên Trịnh Khải: "Sai tướng giữ kinh thành, mà rước nhà vua chạy lên Sơn Tây, để lo tính công việc sau này. Nếu đánh nhau với giặc, thì kiêu binh không thể dùng được, việc nước thành ra hỏng mất". Khải toan theo lời Nguyễn Lệ. Kiêu binh hợp nhau lại dức lác ầm ĩ, cho là Nguyễn Lệ dắt giặc vào kinh thành, toan giết Lệ, Lệ chạy lên Sơn Tây.

Khải cho là tham tụng Bùi Huy Bích giữ công việc trong chính phủ không có công trạng gì; đến nay lại không có mưu mô gì cứu chửa được tình thế, trong bụng có ý chán ghét, bèn cho Huy Bích ra đốc chiến, mà triệu Trần Công Xán (tên cũ là Công Thước) vào phủ, bí mật bàn định mưu kế đánh giặc hoặc tránh giặc. Công Xán nói: "Giặc đem đại quân trơ trọi đi sâu vào đất ta, điều ấy binh gia lấy làm kiêng kỵ. Nay nên dữ chúng vào gần, rồi đánh một trận giết cho nhẵn nhụi. Còn như kinh sư là nơi cỗi rễ, không thể lìa bỏ mà đi xa được. Nếu tình thế quá ngặt nghèo, không thể làm thế nào được, thì cũng nên đánh một trận quyết liệt cuối cùng". Khải nhận là phải, bèn triệu Hoàng Phùng Cơ ở Sơn Tây về, sai làm tiền bộ.

Phùng Cơ cùng 8 người con (4 người là Thụ, Bồi, Truyền và Tình, còn không rõ tên) dẫn quân lính bản bộ đóng ở hồ Vạn Xuân; đội quân Tứ thị thủy dàn thuyền ở sông Thúy Ái. Khải đem hết quân trong thành, bày trận ở bến Tây Luông (Long). Lúc ấy, gió đông nam thổi mạnh, thuyền của giặc nhân chiều gió, kéo ập đến. Về phía chúa Trịnh, thì quân thủy tan vỡ trước. Hai viên thiên tướng là Nguyễn Trọng Yên, quản lãnh đội Tiền Ưu và Ngô Cảnh Hoàn, quản lãnh đội Tiền Trạch, cầm ngang siêu đao, đứng ở mũi thuyền, chống cự, bị chết. Giặc bèn kéo lên bộ. Toán quân của Phùng Cơ không kịp dàn thành hàng ngũ, bỏ chạy tan vỡ tứ tung. Thuộc tướng là Mai Thế Pháp phi ngựa lên đón đánh, giết được hơn 10 tên giặc. Bị giặc vây sát. Thế Pháp tự nhảy xuống sông; chỉ còn một mình Phùng Cơ cùng 8 người con dẫn vài chục thủ hạ cố sức chiến đấu. Thủ hạ và 6 người con đều bị giặc giết. Phùng Cơ cùng 2 người con cướp lấy đường mà chạy. Quân lính của giặc tiến đến bến Tây Luông (Long). Khải mặc nhung phục, ngồi trên bành voi, cầm cờ lệnh chỉ huy, nhưng quân sĩ nhìn nhau, không ai chịu tiến lên. Giặc tung quân ra chém giết, quan quân tan vỡ lung tung. Khải quay voi trở về thành, đến cửa Tuyên Võ, trông thấy ngoài phủ đã cắm hàng loạt cờ của giặc, bèn dẫn hơn trăm tượng binh3658 , hướng theo đường Sơn Tây chạy trốn. Bầy tôi, người thì bỏ trốn, người thì tan chạy, cũng không một người nào biết đến chúa cả.

Khi Trịnh Khải chạy đến xã Hạ Lôi, huyện Yên Lãng, quân sĩ tan tác hết. Lý Trần Quán, thiêm sai giữ công việc Lại phiên, trước đây vâng đem tờ hịch đi chiêu mộ nghĩa binh, chợt ở đấy, Trịnh Khải cùng Trần Quán gặp nhau. Trần Quán nói dối người học trò của mình là Nguyễn Trang rằng: "Đây là quan tham tụng bọ Bùi đi lánh nạn đến đây, anh khá hộ vệ đưa ngài đi qua địa giới huyện này". Trong bụng Trang biết đấy là chúa Trịnh, bèn cùng đồ đảng là Nguyễn Ba bắt giải nộp doanh trại giặc. Trần Quán được tin, vội vàng chạy đến, vừa lạy vừa khóc, nói: "Làm lầm lỗi chúa đến thế này là tội ở tôi". Nhân đem nghĩa lớn dụ bảo Trang, Trang nói: "Sợ thầy không bằng sợ giặc, yêu chúa không bằng yêu mình",

bèn giải Trịnh Khải đi. Khải dùng dao cắt cổ tự tử. Trang đem thi thể Khải nộp cho giặc. Văn Huệ sai sắm đủ áo quan khâm liệm tống táng; bổ dụng Trang làm trấn thủ Sơn Tây, phong là Tráng liệt hầu.

Trần Quán về nhà bảo với học trò rằng: "Ta là bầy tôi mà làm lầm lỡ chúa, tội ta đáng chết. Nếu không chết thì không giãi tỏ lòng này với trời đất được". Bèn sai người đào huyệt, đặt sẵn áo quan, Trần Quán mặc đũ mũ áo, tự nằm vào áo quan, cho vùi đất đi để chết.

Trước đây, Văn Huệ từ Vị Hoàng ngược dòng sông, kéo quân ra Bắc, quân thủy đạo của Đinh Tích Nhưỡng tan vỡ, Trịnh Khải được tin, hạ lệnh hết thẩy thủy quân ra đóng ở sông Thúy Ái để chống cự. Cảnh Hoàn là vì con nhà tướng, được giữ chức thiên tướng, lúc sắp ra đi, người em họ là Cảnh Trường hỏi về cái cớ đánh giặc, Hoàn nói: "Nhà ta đời đời đội ơn nước, nay giặc kéo đến, ta chỉ có đánh giặc mà thôi, ngoài ra không biết gì hết". Hoàn bèn ra đi, bày thế trận để đợi giặc. Một lát, thuyền của giặc tiến sát đến nơi, sĩ tốt tan vỡ bỏ chạy, Cảnh Hoàn cùng hai con cố sức đánh giặc, đều bị chết, được tin Cảnh Hoàn chết, cả nhà thương xót kêu gào, chỉ có Phan Thị Thuấn, vợ lẽ cưng yêu của Cảnh Hoàn, là người có nhan sắc, ngoài 20 tuổi, chưa sinh nỡ gì, vẫn nói cười tự nhiên, hàng ngày kiểm điểm tư trang và may áo cưới, có người chê cười, Phan Thị cũng không biện bạch gì cả. Gần bách nhật, thị nói với người trong họ để mời nhà sư làm chay cho Hoàn. Khi tan đàn chay, thị bèn ăn mặc lộng lẫy bước xuống thuyền, rồi quay lại bảo người trong họ rằng: "Công việc của thiếp xong rồi, từ đây thiếp xin chết theo tướng quân, hài cốt tướng quân không được mai táng, xin các ông hiểu thấu lòng thiếp, đừng mai táng cho thiếp làm gì". Thị bèn sai người chèo thuyền đến chỗ Cảnh Hoàn chết, rồi tự gieo mình xuống sông. Người đứng xem ở hai bên bờ sông không ai là không hãi hùng kinh dị. Sau con Cảnh Hoàn đem hài cốt thị về táng ở đồng làng. Khoảng năm Chiêu Thống truy xét đến những người tiết nghĩa, để cho phong tặng và tên thụy Cảnh Hoàn và Phan Thị đều được dự phong. Triều đình hạ lệnh cho dân sở tại lập đền thờ. Đến bản triều năm Tự Đức thứ 12 (1859) vâng sắc lệnh ban cho chữ: "Lê triều tiết liệt phu nhân Phan thị chi từ". (Đền thờ Phan Thị, người đàn bà tiết liệt triều nhà Lê), dựng bia ở phía đông đền ấy.

Lời phê-Lúc này, sao kiêu binh không lo tính để lập công3659 . Lời phê-Từ trước đến nay, trong nước mà có quyền thần chuyên chính, thì không đầy vài đời liền cướp lấy ngôi, chưa từng có bao giờ lại như nhà Lê, nhà Trịnh hai bên sứ song song từ trước đến sau như thế. Việc này cũng là việc lạ ngàn đời!, có lẽ kẻ kia3660 hiện trông thấy nhà Mạc không thể giữ ngôi vua được dài lâu, nên rất lấy làm răn sợ. Tuy chưa xưng tôn hiệu là vua, mà quyền bính hiệu lệnh trong nước đều thu hết vào trong tay mình, như thế cũng đã mãn nguyện rồi, lại còn mong muốn gì nữa? Đây là trí mưu khôn khéo, nghĩ ngợi sâu xa không thể nào giấu giếm được. Đến như thế tục thường truyền câu "Thờ phật ăn oản" cũng không ngoài sự xét đoán về thâm tâm họ Trịnh như thế. Lời phê-Người trước để lại ác nghiệt quá nhiều, làm cho Khải phải chịu sự liên lụy mà thôi, nhưng Khải cũng là người khảng khái không có gì đáng hổ thẹn3661 . Lời chua-Lý Trần Quán: Người xã Vân Canh3662 , huyện Từ Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) năm Cảnh Hưng.

Nguyễn Trọng Yên: Có sách chép là Trọng Diệu, người xã Linh Đường3663 , huyện Thanh Trì.

Ngô Cảnh Hoàn: Có sách chép là Phúc Hoàn, người xã Trảo Nha3664 , huyện Thạch Hà.

Mai Thế Pháp: Có sách chép là Thế Dương, người xã Thạch Giản, huyện Nga Sơn3665 .

Nguyễn Trang: Người xã Hạ Lôi3666 , huyện Yên Lãng.

Nguyễn Ba: Có một tên nữa là Na, người xã Vân Điềm, huyện Đông Ngàn3667 .

Bến đò Thúy Ái: Ở địa phận bãi Thúy Ái3668 , huyện Thanh Trì.

Bến Tây Luông: Ở địa phận thôn Hậu Lâu, huyện Thọ Xương3669 .

Hồ Vạn Xuân: Có một tên nữa là đầm Vạn Phúc, ở địa phận xã Vạn Phúc3670 , huyện Thanh Trì.

Đền thờ Phan phu nhân: Nay ở xã Thúy Ái3671 , huyện Thanh Trì.

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua ngự điện Kinh Thiên, nhận sổ sách quân và dân.

Trước đây, Văn Huệ đánh được Vị Hoàng, liền làm tờ mật tấu tỏ ý tôn phò. Lại sai tỳ tướng đem một cánh quân đi trước, đợi khi nào đại quân kéo đến Thăng Long, thì viên tỳ tướng ấy đem quân vào bảo vệ cung điện nhà vua.

Bấy giờ vua đương có bệnh, các hoàng tử hầu hạ nâng giấc ở trong nội điện, thấy ngoài cung điện có lính và voi, ngờ là giặc kéo đến uy hiếp, liền vực nhà vua dậy toan lánh đi chỗ khác. Chợt lúc ấy, viên tỳ tướng đệ dâng bản tâu, trước hết bày tỏ lễ ý xin thăm hỏi sức khỏe nhà vua, sau nữa xin định ngày sẽ vào triều bái yết. Nhà vua nhận được tờ tấu, mới yên tâm.

Hôm sau, Văn Huệ triều yết ở điện Vạn Thọ, nhà vua sai người mời vào, đặt một giường khác ở bên cạnh giường vua ngự để Văn Huệ ngồi. Văn Huệ rụt rè không dám ngồi, nhà vua ép mãi, Văn Huệ mới ngồi ghé vào cạnh chiếu. Huệ tâu nói: "Tôi vốn người dân áo vãi ở Tây Sơn, nhân thời cơ nổi dậy, tuy cơm áo triều đình không được bệ hạ ban cho, nhưng tôi ở nơi rừng rậm xa xăm, lâu nay vẫn kính mến thánh đức, ngày nay được thấy thiên nhan, mới đủ giãi bày tấm lòng thành thực. Vì họ Trịnh lăng loàn áp bức, không giữ đạo làm tôi, cho nên hoàng thiên mượn tay tôi đánh diệt họ Trịnh, để tỏ rõ uy quyền của bệ hạ, may mà được đến thành công đều do ở phúc đức của bệ hạ cả. Tôi chỉ mong thánh thể yên lành mạnh khỏe, ngự ngôi vua, trị thiên hạ, để kẻ bầy tôi nơi xa xăm đội phúc đức". Nhân đấy, Văn Huệ bày tỏ ý nghĩa tôn phò. Nhà vua bội phần an ủi.

Lúc ấy bầy tôi đều đã trốn tránh, chỉ còn vài người chầu chực trong nội điện ra ứng tiếp mà thôi. Nhân đấy, Nguyễn Hữu Chỉnh xin nhà vua hạ chiếu truyên triệu bọn Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điển, Trần Công Xán và bầy tôi hơn mười người, sau họ lục tục trở về, còn thì đều trốn tránh không chịu ra cả.

Trước đây, họ Trịnh chuyên giữ chính quyền trong nước, một người dân, một tấc đất, đều không do quyền triều đình. Nay Văn Huệ đã vào triều yết, bèn xin ngày cử hành nghi lễ đại triều, dâng sổ sách binh và dân để tỏ rõ ý nghĩa nhà vua nhất thống và Nguyễn Huệ tôn phò. Đến nay, nhà vua cố gượng dậy, ra ngự điện Kính Thiên nhận lễ, rồi ban hành chiếu thư về việc nhất thống để bá cáo cho trong kinh,

ngoài trấn biết. Lại sách phong Văn Huệ làm nguyên soái phù chính dực vận Uy quốc công. Sau khi Văn Huệ nhận sách phong, bèn nói riêng với Hữu Chỉnh rằng: "Ta cầm vài vạn quân, đánh một trận mà bình định được Bắc Hà, một tấc đất, một người dân, đều là của ta, nếu muốn xưng đế hay xưng vương việc gì mà ta không làm được? Còn như sắc mệnh nguyên soái quốc công đối với ta có hơn kém gì? Bầy tôi Bắc Hà lại muốn dùng danh vị hão để lung lạc ta hay sao? Đừng tưởng ta là người mọi rợ được chức tước ấy bèn lấy làm vinh dự đâu!". Hữu Chỉnh biết ý Văn Huệ không mãn nguyện, bèn bí mật khuyên nhà vua đem công chúa Ngọc Hân gã cha, Văn Huệ rất bằng lòng.

Lời phê-: "Chống hùm cửa trước, rước soái cửa sau"3672 , ôi cũng nguy hiểm lắm! Trịnh Doanh lập Hiển Tông để nương nhờ vào phúc đức, mà Hiển Tông từ trước đến sau, nhất thiết việc gì cũng do ở người khác. Nhiều lần gặp tai họa bất trắc xảy ra, chỉ vì không vướng vít với thất tình, mà được trọn đời an toàn, cũng là may mà thôi. Ngày Mậu Ngọ. Nhà vua mất. Hoàng thái tôn (cháu trưởng của nhà vua) Duy Khiêm lên ngôi, đổi tên là Duy Kỳ.

Trước đây, nhà vua bị bệnh. Văn Huệ xin dùng ngày rằm tháng 7 này, nhà vua ra ngự chính điện để nhận lễ chầu mừng về việc nhất thống, nhà vua cố gượng dậy ra coi chầu. Hôm sau, bệnh quá nguy kịch, sai triệu Văn Huệ, Văn Huệ nói: "Nay mai tôi sẽ trở về Nam, không dám can dự vào công việc nhà nước. Vả lại, trong quãng vua trước vua sau kế tiếp, tôi e sẽ bị người đời nghi ngờ". Văn Huệ bèn từ chối không vào. Ngày 17, Mậu Ngọ, nhà vua mất tại điện Vạn Thọ, ở ngôi 47 năm, hưởng thọ 70 tuổi.

Nhà vua là người nhân từ, trầm tĩnh. Lúc về già, gặp Trịnh Sâm áp bức, cũng chỉ ngậm miệng mà nhịn. Đến nay Tây Sơn tôn phò, nhà vua ngoài mặt tuy mừng mà trong bụng vẫn lấy làm lo. Khi bệnh nguy kịch, cho triệu Hoàng thái tôn đến bảo rằng: "Ta chỉ sớm tối sẽ trút bỏ gánh nặnng, bây giờ lo lắng việc nước là ở mình cháu, cháu phải nghĩ lấy". Thái tôn vừa lạy vừa khóc xin nhận mệnh lệnh. Nhà vua nói: "Binh lính xứ khác còn đóng ở đây, về việc truyền nối ngôi vua là việc trọng đại, cần phải thượng lượng bàn bạc với nguyên soái3673 , chớ nên làm tắt". Nói xong thì mất. Văn Huệ nhân hỏi công chúa về việc các hoàng tử, công chúa rất khen Duy Cận là người tốt. Văn Huệ muốn bàn luận lại về việc lập người nối ngôi, triều đình lo sợ, không biết làm thế nào được, các người trong họ tôn thất đều trách móc công chúa làm hại mưu kế lớn của xã tắc. Công chúa sợ, trở về xin với Văn Huệ, Văn Huệ nhận lời, bèn phò thái tôn lên ngôi hoàng đế, đổi tên là Duy Kỳ, kể từ sang năm là năm Chiêu Thống thứ nhất.

Tháng 8. Làm lễ an táng ở lăng Bàn Thạch.

Ngày 25 tháng trước, rước tử cung3674 (vua Hiển Tông) do đường thủy về táng tại Thanh Hoa. Văn Huệ mặc áo tang, thân hành đến nơi đình tạm ở bến sông để lạy đưa, lại sai bầy tôi là nội tán Trần Văn Kỷ và hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh mặc áo trắng hộ vệ chầu chực. Đến nay an táng ở lăng Bàn Thạnh.

Lời chua-Trần Văn Kỷ: Người xã Văn Trình, huyện Phong Điền3675 .

Lăng Bàn Thạch: Ở huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hóa.

Nguyễn Văn Nhạc đến Thăng Long, đem Văn Huệ về Nam. Nguyễn Hữu Chỉnh chạy theo về Nghệ An.

Trước kia, Nguyễn Văn Nhạc sai Văn Huệ đánh Thuận Hóa, chưa có ý định tiến ra Bắc Hà. Sau khi Văn Huệ đã lấy được Thuận Hóa, đưa thư về nói tiến thẳng quân ra để lấy Thăng Long. Văn Nhạc được nhận thư, không bằng lòng, sai người ngăn lại, nhưng không kịp. Đến lúc Văn Huệ đã lấy được Thăng Long. Văn Nhạc biết tin sợ lắm. Nhạc cho là vội vàng đem quân vào sâu như thế tất nhiên khó giữ được lâu. Hơn nữa Văn Nhạc nhận thấy Văn Huệ vốn là người giảo hoạt, hung tợn, nếu đắc chí, tất nhiên sẽ giữ lấy một nước để tự lo toan, rồi dần dà khó mà kiềm chế được. Vì thế, Văn Nhạc lập tức đem 500

tên lính thân cận đi vội ra thẳng Thuận Hóa, kén thêm binh tráng, rồi đi gấp đường ra Bắc, để làm đạo quân tiếp ứng, mà thực ra lại là để kiềm chế xem xét Văn Huệ.

Khi Văn Nhạc đã đến Thăng Long, nhà vua3676 đem trăm quan thân hành đón tiếp ở ngoài cửa Nam Giao. Văn Nhạc thúc quân rảo bước đi nhanh, mà sai người xin nhà vua về cung và đính ước ngày hôm khác sẽ cùng nhau hội kiến.

Lúc ấy, tướng sĩ Tây Sơn đóng lâu ở ngoài Bắc, nghĩ muốn trở về; tả quân Vũ Văn Nhậm cũng ghét Hữu Chỉnh lộng quyền khua múa, nhân đấy, Văn Nhạc bới xấu Hữu Chỉnh với Văn Huệ rằng: "Kẻ kia3677 lấy thân phận người tôi trốn tránh mà về đầu hàng với ta, trong bụng chỉ muốn được hả lòng với nước cũ, nên nhờ uy lực của ta để thành công. Nay nếu ta lại giam hãm mấy vạn người ở đây, để làm vây cánh cho nó, thì thật là dại dột quá chừng! Vả lại hắn thường nói: "Nhân tài Bắc Hà chỉ có một mình hắn". Thế thì không chi bằng ta bỏ hắn ở đây mà về Nam. Hiện nay người Bắc Hà oán ghét hắn ghi sâu vào xương tủy, ta mượn tay họ để giết hắn đi, khi hắn chết rồi, thì ta lấy Bắc Hà lại minh bạch chính đáng". Văn Huệ cho là phải, bèn có ý bỏ Hữu Chỉnh. Chợt lúc ấy, Văn Nhạc đến Thăng Long, ngày đêm bí mật bèn tính để rút quân về. Hữu Chỉnh không biết gì về việc ấy cả.

Sau đó vài ngày, Văn Nhạc sai người xin với nhà vua cùng nhau hội kiến. Nhà vua xin cắt đất để khao quân. Văn Nhạc nói: "Tôi tức giận về nổi họ Trịnh uy hiếp ức chế, nên đứng ra làm việc tôn phò. Nếu đất đai không phải của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không để, nhưng nếu là đất đai của nhà Lê, thì một tấc tôi cũng không lấy". Lại ước hẹn đời đời làm láng giềng giao hiếu với nhau. Nhà vua tin là phải, xin Văn Nhạc ở lại ít lâu để giúp đỡ, Văn Nhạc giả vờ nhận lời, sai Hữu Chỉnh chọn ngày lành cử hành đủ nghi lễ bái yết Thái Miếu. Hữu Chỉnh cũng nghĩ là Văn Nhạc chưa trở về Nam. Đêm 17 tháng này, giọt nước đồng hồ3678 xuống đến trống canh ba, Văn Nhạc, Văn Huệ sai người vào từ biệt với nhà vua, rồi bí mật ban phát ám hiệu, ngay đêm hôm ấy quân thủy, quân bộ nhất luật rút đi, của cải trong kho tàng đều bị vơ vét nhẵn. Đến sáng, Hữu Chỉnh mới biết, vội vàng, không biết thi thố thế nào, bèn cùng vài chục thủ hạ cướp lấy một chiếc thuyền buôn đi theo đuôi giặc. Người đô thành tranh nhau dùng gạch ngói để ném, Hữu Chỉnh tự tay đâm vài người mới được thoát thân. Khi theo đến Nghệ An, Hữu Chỉnh vào yết kiến Văn Nhạc. Văn Nhạc dùng lời khéo léo yên ủi dụ dỗ, rồi sai cùng với viên thủ tướng đóng giữ ở đấy là Nguyễn Duệ cùng nhau giữ châu thành này, tích trữ lương thực, luyện tập binh lính để đợi một ngày khác sẽ dùng đến, mà Văn Nhạc tự dẫn quân về Quy Nhơn.

Sau khi quân giặc đã rút đi, nhà vua lập tức triệu bầy tôi trong triều bàn luận rằng: "Giặc để lại cho ta một nước trống rỗng, nếu có sự nguy cấp, thì chống đỡ bằng cách nào?". Bèn viết thư triệu hết những người thế gia và bầy tôi cũ dấy quân vào bảo vệ hoàng thành. Vì thế, hào mục các nơi chiếm giữ châu quận, chiêu tập binh mã, đều mượn danh nghĩa "bảo vệ". Những hạng vô lại đánh giết lẫn nhau, trong nước thành ra rối loạn.

Lời chua-Thăng Long: Tức thành Đại La xưa, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 10).

Quy Nhơn: Xem năm Cảnh Hưng thứ 36 (Chb. XLIV, 24).

Nghệ An: Xem Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 17, 21, 22, 23).

Bọn Lê Hân, Lê Đình Hoán ở Nghệ An, hợp dân chúng đón đánh Nguyễn Văn Nhạc, nhưng không thắng được.

Quân của Nguyễn Văn Nhạc về đến Nghệ An, lúc ấy có Lê Hân, trước kia quản lãnh cơ Hậu Thắng, và Lê Đình Hoan trước kia quản lãnh cơ Hữu Oai, chiêu mộ hợp tập binh phu xã Nộn Liễu, huyện Nam Đường, đón đường chẹn nơi hiểm yếu, đánh chặn ngang ở núi Đại Huệ. Giặc tung quân tràn lên núi

để đi qua, dân binh thua to, bị giặc giết hết, mười phần chết đến tám chín phần, lại có Nguyễn Nhu Tiến, người xã Gia Hộ, huyện Đông Thành, tụ hợp dân chúng đón đánh ở cầu Tiên Lý, không thắng được, Như Tiến bị chết, Nguyễn Tài người xã Hà Hoàng, tự cắp dao găm, phục trong bụi ở đường núi Kỳ Hoa, định mưu giết giặc; toán quân đi trước của giặc thoáng trông thấy, liền tụm giáo đâm xỉa vào, Tài giấu mình chạy vượt ra, giặc đuổi theo không kịp. Tài lại cùng người anh là Tần ra vào địa phận huyện Kỳ Hoa, huyện Thạch Hà, gặp quân canh giữ của giặc mà đi lẻ loi, họ liền giết chết, trước sau giết được hơn mươi người, giặc cùng răn bảo nhau xa tránh. Sau Tài đánh nhau với giặc ở đồn Quy Hợp, bị trúng đạn chết; Tần cũng bị chết tại trận.

Lời chua-Lê Hân: Người xã Nộn Liễu, huyện Nam Đường sau theo Mẫn Đế (Chiêu Thống) chạy sang phương Bắc.

Lê Đình Hoán: Người xã Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, sau Tây Sơn nhiều lần cho triệu, nhưng không ra, rồi chết ở nhà.

Nguyễn Tài và Nguyễn Tần: Người xã Hà Hoàng, huyện Thạch Hà. Sau đây, đến năm Gia Long thứ nhất (1802) được biểu dương và xét đến con của hai người nếu đều cho làm hai đội miễn trừ thân thuế.

Xã Nộn Liễu: Thuộc huyện Nam Đường.

Xã Hà Hoàng: Thuộc huyện Thạch Hà.

Xã Gia Hộ: Nay thuộc huyện An Thành.

Núi Đại Huệ: Ở địa phận xã Sa Nam, huyện Nam Đường.

Đồn Quy Hợp: Xem Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chb. XVIII, 8).

Nam Đường: Tên huyện, thuộc tỉnh Nghệ An.

Đông Thành: Xem năm Cảnh Hưng thứ 20 (Chb. XLII, 5).

Kỳ Hoa: Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 7 (Chb. XXXVI, 27).

Thạch Hà: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 12 (Chb. I, 38).

Tháng 9. Trịnh Bồng tự lập làm nguyên soái yến đô vương.

Trước đây, Trịnh Khải bị thất bại rồi, thân thuộc là Trịnh Bồng lánh đến huyện Chương Đức, Trịnh Lệ lánh đến ở huyện Văn Giang, đều tự ý lẻn lút chiêu tập binh mã, để đợi cơ hội sơ hở (sẽ nổi lên). Gặp lúc quân Tây Sơn rút về, Trịnh Lệ bèn cùng người ngoại thích là Trương Tuân đem quân qua đò Thanh Trì, đến cung Tây Luông, Dương Trọng Khiêm, thiêm đô ngự sử, cũng đem hương binh đến họp, cùng nhau ủng hộ Trịnh Lệ vào phủ đường họ Trịnh, đương đêm, đánh trống trên lầu hội hợp trăm quan để lập Trịnh Lệ lên nối ngôi chúa, nhưng vì vội vàng, nên các quan không ai đến cả. Nhà vua được tin, hạ chiếu vặn hỏi Trọng Khiêm về cớ không xin mệnh lệnh, Trọng Khiêm xé tờ chiếu trước mặt sứ giả, rồi cùng Trịnh Lệ định mưu muốn hợp tập quân chúng để làm sự biến động. Gặp lúc ấy, Trịnh Bồng dâng tờ biểu xin về chầu, lời lẽ rất nhũn nhặn uyển chuyển, nhà vua bèn hạ chiếu triệu Trịnh Bồng. Bầy tôi trong triều thấy công việc của bọn Trọng Khiêm làm không thuận theo lẽ phải, nên đều bỏ Trịnh Lệ mà về với Trịnh Bồng. Khi Trịnh Bồng về đến cầu Nhân Mục, Trịnh Lệ sai Trương Tuân và Trọng Khiêm đem quân chống cự.

Lúc còn sinh thời Trịnh Sâm, Trọng Khiêm đã phát giác việc Trịnh Lệ mưu làm phản3679 , nay sợ bị Trịnh Lệ quở trách, bèn ngầm sai gia tướng là Nguyễn Mậu Nễ đón đường xin đầu hàng về với Bồng. Việc này, Trương Tuân không biết gì cả. Khi Trịnh Bồng đi gần đến Kinh Thành, Trương Tuân thấy đường đằng trước đều là quân của Trọng Khiêm, nên quân của Trương Tuân bèn đỗ vỡ lung tung. Tuân liền ủng hộ Trịnh Lệ chạy lên vùng Bắc. Còn Trịnh Khiêm lại e rằng không được nhà vua bao dung, nên không dám cùng Trịnh Bồng đều vào hoàng thành, cũng chạy lên Kinh Bắc.

Sau khi Bồng đã vào yết kiến, nhà vua yên ủi bội phần, muốn ban phong tước công và hậu cấp bổng lộc, mà không cho tham dự chính quyền. Bồng bèn họp quân đóng ở phủ đường họ Trịnh, dần dần chống lại với nhà vua. Triều thần e rằng khó có thể ức chế được, bèn bàn luận tâu xin nhà vua dựa theo tước vị lúc mới phong Trịnh Tráng (mà phong cho Bồng). Ý nhà vua không muốn phong như thế. Bồng lại vịn vào việc tần phong cũ. Nhà vua bèn sắc phong Bồng làm tiết chế thủy bộ chư quân, bình chương quân quốc trọng sự, thái úy. Côn quốc công, cấp cho 3.000 tên lính, 5.000 mẫu ruộng và 200 xã dân lộc, để phụng giữ việc tế tự nhà họ Trịnh. Hạ lệnh đem sắc thư ấy ban bố cho cả nước.

Lúc ấy, Đinh Tích Nhưỡng từ Hải Dương về kinh, muốn viện lệ phong tước vương cho Trịnh Bồng để tâng công với họ Trịnh. Triều đình cũng sợ thanh thế Tích Nhưỡng, nhân đấy, họ lại cùng nhau xin phong vương cho Trịnh Bồng. Nhà vua không chuẩn y, dụ bảo hai ba lần ở ngay trước mặt. Tích Nhưỡng cố xin mãi. Nhà vua nói: "Trước kia cơ nghiệp nhà ta giữa chừng đỗ nát, chính quyền do trong tay họ Trịnh, việc tế tự thì về quả nhân3680 . Đấy là một thời kỳ. Nhưng nay lòng trời oán ghét họa loạn, phó thác quyền bính cho một mình ta. Một nước hai vua, có lẽ nào cứ giữ làm thể lệ được?". Cách mấy hôm sau, Tích Nhưỡng dàn quân ở cửa điện, rồi tự vào sân điện Vạn Thọ, lạy phục xuống đất cố xin, nhà vua cũng không y cho. Hoàng thân và các đại thần sợ sinh ra biến loạn, vừa khóc vừa kêu xin. Tích Nhưỡng lại cùng triều thần làm tờ biểu xin phong tước vương cho Trịnh Bồng mà chính quyền thì do nhà vua giữ. Nhà vua bất đắc dĩ y theo, bèn sai Nguyễn Du đem tờ sắc phong cho Bồng làm nguyên soái, tổng quốc chính, Yến đô vương.

Trịnh Bồng nhu nhược, lười biếng, không biết tự lập, chính sự đều xuất phát từ tay Tích Nhưỡng, bọn tiễu nhân đua nhau ton hót phụ họa. Ngay giữa ban ngày, thủ hạ ra sức cướp bóc dân cư gần kinh thành, không có hiệu lệnh ngăn cấm. Mọi người đều cho là không còn hy vọng gì cả. Về phần nhà vua cũng phòng bị nghiêm ngặt, rồi bí mật hạ tờ chiếu cho trong nước làm việc cần vương. Được tin Hữu Chỉnh chiếm cứ Nghệ An, nhà vua bèn sai viên quan văn chức là Bùi Dương Lịch làm chiêu dụ sứ các phủ Đức Quang và Hà Hoa, lẻn đi chiêu dụ và dò xét tình hình.

Lời phê-Sự thế đã cùng quẫn quá chừng, mà còn a dua phụ họa. Thái độ của tiểu nhân gớm thật! rất đáng sợ mà lại rất đáng ghét3681 !. Lời chua-Nguyễn Du: Người xã Vân Xá, huyện Thanh Oai, đỗ tiến sĩ khoa Ất Tỵ (1785) năm Cảnh Hưng.

Bùi Dương Lịch: Người xã An Đồng, huyện La Sơn, khoa Đinh Mùi (1787) năm Chiêu Thống thứ nhất sau đây, Dương Lịch đỗ tiến sĩ.

Xã Nhân Mục: Thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội3682 .

Đức Quang: Nay là phủ Đức Thọ, thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Hà Hoa: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 2 (Chb. X, 35).

Trịnh Tráng: Lúc mới được phong là tiết chế thủy bộ chư doanh, kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, thái úy, Thanh quốc công.

Truy tặng quan tước cho bọn Lý Trần Quán có đẳng cấp khác nhau.

Nhà vua hạ lệnh truy tặng Lý Trần Quán hàm thượng thư bộ Binh, cho tên thụy là Toàn Trung. Hoàng Đình Thể hàm thái tểm, cho tên thụy là Hoàn Nghĩa, gia phong làm phúc thần. Còn bọn Nguyễn Trọng Đang, Vũ Tá Kiên và Ngô Cảnh Hoàn đều phong tặng có đẳng cấp khác nhau. Lại giết người dân bạo nghịch là Nguyễn Trang, bắt đem phanh thây để tế ở trước mồ Trịnh Khải.

Đổi định lại tên quan.

Nhà vua muốn cải cách tệ cũ: Đổi tham tụng làm bình chương sự; bồi tụng làm tham tri chính sự; thiêm sai làm thiêm thư Su mật viện sự; chưởng phủ, thự phủ, quyền phủ làm sư đường. Thay đỗi như thế để thu lấy quyền bính họ Trịnh. Mọi người bàn luận, chưa sao quyết định được. Còn Tích Nhưỡng thì đã trót xin nhà vua nắm chính quyền, nên không dám đem việc chính quyền thuộc về phủ họ Trịnh để thỉnh thác nữa.

Gặp lúc ấy, Hoàng Phùng Cơ từ Sơn Tây vào bảo vệ kinh thành, Tích Nhưỡng bí mật cấu kết với Phùng Cơ, rồi tâu nói: "Nhà vua cùng phủ chúa gắn bó với nhau như thân thể con người. Nay mới định tên quan, cũng nên giữ lại một ít danh hiệu cũ. Vậy xin: bình chương kiêm tham tụng; tham tri kiêm bồi tụng; thiêm thư kiêm thiêm sai; chưởng phủ, thự phủ, quyền phủ kiêm gia ngũ quân đô đốc; nghị sư đường vẫn đặt ở ngoài cửa phủ đường. Sắp xếp như vậy để cho quen thuộc với tai mắt thần dân trong nước. Về chính trị, phàm có bàn luận việc gì, thì trước hết làm tờ khải trình chúa Trịnh, rồi sau tâu bày đầy đũ để xin nghị định quyết đoán. Như thế sẽ không trái với điển chương cũ". Nhà vua xem tờ biểu, giận lắm, nói: "Các người dùng văn từ hão huyền để lừa dối trẫm, cần gì còn phải xin lại nữa?". Phùng Cơ đem trăm quan phục mãi ở sân điện đình, không đứng dậy. Nhà vua biết rằng bọn Phùng Cơ đều không thể trông cậy được, bèn nhận lời tâu. Do đấy, Trịnh Bồng mới thân giữ chính quyền, bổ dụng Hoàng Phùng Cơ làm trung quân tả đô đốc chưởng phủ sự, Đinh Tích Nhưỡng làm đông quân hữu đô đốc thự phủ sự. Phan Lê Phiên làm bình chương sự. Bùi Huy Bích và Phan Cận làm đồng bình chương sự kiêm giữ chức tham tụng, bọn Ngô Trọng Khuê và Ninh Tốn làm tham tri chính sự kiêm giữ chức bồi tụng. Phàm liêu thuộc trong phủ chúa hết thảy vẫn giữ như cũ. Phan Lê Phiên và Bùi Huy Bích cố từ chối không nhận chức.

Trịnh Bồng lại sai người triệu Dương Trọng Khiêm ở Gia Lâm, Bồng bảo Trọng Khiêm rằng: "Nhà ngươi lúc mới vào kinh thành, liền lấy việc phò lập nhà chúa làm điều trước nhất, dầu việc ấy không thành công, mà khí thế nhà chúa lại phấn khởi lên được, đấy là công sức nhà ngươi. Nay việc nước rối ren, nhà ngươi nên về ngay để cùng giúp sức". Ngay ngày hôm ấy. Trọng Khiêm về đến kinh thành, Trịnh Bồng cho Trọng Khiêm giữ bộ Hộ coi công việc tài chính, thuế khóa.

Từ đấy, chính quyền trong nước lại về tay họ Trịnh, nhà vua rất tức giận, mọi việc đều giằng co hạn chế, trong triều rối beng, không biết thế nào là chuẩn định.

Lời chua-Tả, hữu điếm: Trước kia Trịnh Cương đặt tả điếm và hữu điếm ở ngoài cửa phủ đường, để làm chỗ trăm quan tra khám kiện tụng. Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 4 (Chb. XXXVI, 12, 13).

Tháng 11, mùa đông. Trịnh Bồng làm phản, đem quân vây hoàng thành. nhà vua triễu Nguyễn Hữu Chỉnh vào bảo vệ. Trịnh Bồng chạy sang Kinh Bắc.

Dương Trọng Khiêm sợ rằng nhà vua sẽ báo lại sự tức giận trước kia, bèn khuyên Trịnh Bồng đem quân vây chặt lấy hoàng thành, bắt giết người triều thần nào theo về với nhà vua, rồi bàn định lập vua khác. Trịnh Bồng theo lời, liền bí mật sai Nguyễn Mậu Nễ và Bùi Nhuận nhân đâm đem quân xâm phạm vào cung khuyết. Được tin biến động, nhà vua lập tức cho triệu hoàng thân đem quân lính đã mộ được, phân phối bố trí để phòng bị chống cự. Đề lãnh Hoàng Phùng Cơ vốn không ăn cánh với Nguyễn Trọng Khiêm, vã lại nhà riêng ở trong hoàng thành, Phùng Cơ sợ rằng, nếu trong nội điện có xảy ra tai biến, sẽ đều phải mang tiếng xấu, liền đem quân bản bộ đuổi đánh. Mậu Nễ không dám tiến, vẫy quân rút lui. Nhà vua giận lắm, được tin Nguyễn Hữu Chỉnh mộ lính để bảo vệ, bèn ngầm thân viết thư để triệu Hữu Chỉnh.

Trước kia, Hữu Chỉnh theo Văn Nhạc trở về, rồi lưu lại ở Nghệ An, bèn nói thác ra rằng nhận được chỉ dụ bí mật của nhà vua, chiêu mộ binh dõng, ngày đêm luyện tập. Những hào mục sở tại nhiều người ghét Hữu Chỉnh, nhân đấy, họ ngầm suy tôn viên trấn thủ cũ là Bùi Thế Toại làm người đứng đầu, tụ tập quần chúng, rình lúc sơ hở, sẽ toan tính việc đánh Hữu Chỉnh.

Đến nay, Hữu Chỉnh nhận được mật chỉ, lập tức tung tờ hịch truyền ra các nơi, lấy danh nghĩa là tôn phò nhà Lê. Vì thế xa gần đều hưởng ứng, trong khoảng mười ngày, mộ được hơn vạn lính, đặt hiệu quân là Tứ đột và Tứ thành, bèn hội hợp đông đủ tướng sĩ, hẹn ngày xuất phát.

Bùi Thế Toại đón đánh Hữu Chỉnh ở Hoa Lâm, Thế Toại bị thua, bỏ chạy. Trịnh Bồng lại sai Lê Trung Nghĩa, đốc trấn Thanh Hoa, và Phan Huy Ích đốc thị, đem quân ra đánh. Quân hai bên gặp nhau ở xã Ngọc Giáp, huyện Ngọc Sơn, Trung Nghĩa đánh nhau, bị chết. Huy Ích bị bắt. Hữu Chỉnh vẫn coi thường Huy Ích, nên không thèm giết, mà mang đi theo, rồi thúc quân ồ ạt tiến lên.

Tin báo đến kinh thành. Đinh Tích Nhưỡng sợ lắm, từ biệt Trịnh Bồng đề về Hải Dương mộ quân, Bồng bèn cho Dương Trọng Khiêm giữ chức lưu thủ Thanh Hoa, đem quân chống cự. Khi Trọng Khiêm đi đến Bình Vọng, được tịn Hữu Chỉnh đã sang qua sông Thanh Quyết, sợ hãi, vội chạy lên Vùng Bắc. Sau khi Tích Nhưỡng đã ra đi, nhà vua bí mật dụ bảo hào mục bản thổ đánh bắt. Tích Nhưỡng bị thua, rút về Hàm Giang để tự thủ. Hoàng Phùng Cơ lâm vào thế trơ trọi một mình, nên bỏ Trịnh Bồng mà chạy về Sơn Tây. Quân của Hữu Chỉnh kéo đến Thăng Long, Trịnh Bồng qua sông sang KInh Bắc, chạy đến xã Dương Xá, sau lại dời đến xã Quế Ổ.

Trước đây Trịnh Bồng cùng nhà vua tranh nắm chính quyền, có người nói vói Bồn rằng: "Hữu Chỉnh ở Nghệ An, thế lực dần dà trở thành to mạnh, nên nhân ngay lúc này lòng người đương phấn khởi, thân cầm đại quân đi đánh, hễ diệt được Hữu Chỉnh, lấy lại Nghệ An thì có thể lập được công nghiệp trung hưng. Lúc ấy thành công trở về, quyền lớn quốc gia còn lọt vào tay ai được? Nay trong bụng không nghĩ đến giặc, mà hàng ngày chỉ nghĩ việc tranh quyền, vạn nhất Hữu Chỉnh lại kéo đến, sẽ lấy gì để mà chống cự? Trịnh Bồng không nghe lời, thành ra cuối cùng phải bại vong.

Hữu Chỉnh đến kinh thành, tướng của hắn là Hoàng Việt Tuyển cũng đem thủy quân đến, thanh thế binh lính rất lừng lẫy. Nhà vua ngự ra cung Tây Luông, thân hành duyệt binh, nhân đấy, hạ lệnh dẫn vào trong thành, phân phối bố trí nơi đóng quân.

Lời chua-Lê Trung Nghĩa: Hoạn quan, có một tên nữa là Mãn, người xã An Hoạch, huyện Đông Sơn3683 .

Phan Huy Ích: Người xã Thu Hoạch3684 , huyện Thiên Lộc, là con Phan Cận, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1775) năm Cảnh Hưng. Sau này, Huy Ích thờ nhà Tây Sơn, làm quan thượng thư bộ Lễ.

Nguyễn Mậu Nễ: Người xã Kim Sơn3685 , huyện Gia Lâm, đỗ hương cống.

Hoa Lâm: Tên xã, nay đỗi là Nho Lâm, thuộc huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An.

Ngọc Giáp: Tên xã, thuộc huyện Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Dương Xá: Tên xã3686 , thuộc huyện Siêu Loại.

Quế Ổ: Tên xã, thuộc huyện Quế Dương3687 -Dương Xá và Quế Ổ đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Sông Thanh Quyết: Thuộc địa phận xã Thanh Quyết, huyện Gia Viễn.

Tháng 12. Bổ dụng Nguyễn Hữu Chỉnh là Đại tư đồ, phong tước Bằng trung công.

Hữu Chỉnh vào chầu, nhà vua dụ bảo rằng: "Hiện nay giúp trẫm dẹp loạn, để đi đến thái bình, chỉ trông cậy vào nhà ngươi". Bèn bổ giữ chức Bình chương quân quốc trọng sự, Đại tư đồ, phong tước Bằng trung công; con là Nguyễn Hữu Du và thân thuộc là Nguyễn Khuê đều cầm quân, được phong tước hầu; tướng bộ thuộc là bọn Hoàng Viết Tuyển đều được thăng chức có từng đẳng cấp khác nhau.

Lời chua-Nguyễn Khuê: Người xã Đặng Xá, huyện Chân Lộc3688 ; là anh rễ Hữu Chỉnh, khoa Đinh Mùi (1787) năm Chiêu Thống thứ nhất, sau đấy, Nguyễn Khuê đỗ tiến sĩ.

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...