Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 40 Từ Giáp Tý, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744) đến Kỷ Tỵ, năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749)

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 40

Từ Giáp Tý, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 5 (1744) đến Kỷ Tỵ, năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) gồm 6 năm.

Giáp Tý, năm (Cảnh Hưng) thứ 5 (1744). (Thanh, năm Càn Long thứ 9).

Tháng 2, mùa xuân. Có con cá lớn vào sông Cái.

Con cá, đầu như đầu voi, mình dài hơn 4 trượng, từ cửa biển Thần Phù vào cửa sông, rồi theo sông Châu Kiều ngược dòng bơi lên, đến miếu thờ tại khúc sông Thuần Lương, ở đấy 3 ngày, rồi lại bơi ra biển.

Lời chua-Cửa biển Thần Phù: Tức cửa biển Thần Đầu, xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 12 (Chb. I, 40).

Sông Châu Kiều: Ở địa phận xã Châu Cầu, huyện Kim Bảng.

Miếu Thuần Lương: Ở xã Hương Lâm, huyện Phú Xuyên. Cả hai đều thuộc Hà Nội3315 .

Tháng 3. Bổ dụng hoạn quan Hoàng Công Kỳ giữ chức trấn thủ Sơn Nam, kiêm thống lãnh mặt đông nam; triệu Nguyễn Công Thái về, lại vào phủ chúa giữ chức tham tụng.

Trước đây Công Thái ra trấn thủ Sơn Nam, có tài về việc vỗ về dân, chống giặc cướp, vì thế mà bọn giặc cỏ Hoàng Công Chất không dám quá hung ngược, dân địa phương tạm được yên ổn. Trịnh Doanh nghĩ công lao của Công Thái, cho triệu về kinh, bổ dụng Công Kỳ đến thay.

Bắt đầu cấp thái ấp cho bầy tôi trong chính phủ.

Cấp thái ấp cho tham tụng Đào Hoàng Thực và Nguyễn Công Thái, mỗi người 2 xã, gọi là ngụ lộc. Việc này sau thành thể lệ.

Lời chua-Ngụ lộc: Theo "Chức quan chí" trong lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì tham tụng được 2 xã, tiền 200 quan.

Sổ thuế tô, thuế dung ở lục cung đã làm xong.

Hồi đầu triều Lê, tài chính thuế khoá đều do bộ Hộ giữ, khoảng năm Vĩnh Thịnh (1705-1719) mới đặt chức quan lục cung, chia nhau thu các thuế lệ nội trấn và ngoại trấn. Sau vì lâu năm, sổ sách mục nát, Trịnh Doanh lại hạ lệnh cho sửa lại. Đến nay sổ ấy đã làm xong, dâng nộp. Phàm tiền tài, thóc gạo và thổ sản về thuế tô, thuế dung ở tứ trấn và phủ Trường Yên đều có số ngạch nhất định.

Lời chua-Lục cung: Xem Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (Chb, XXXV, 22, 23).

Phủ Trường Yên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11).

Nội trấn, ngoại trấn: Nội trấn là bốn trấn Sơn Nam, Kinh Bắc, Hải Dương và Sơn Tây. Ngoại trấn là Yên Quảng, Cao Bằng, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên và Lạng Sơn.

Tháng 5, mùa hạ. Bổ dụng Mai Thế Chuẩn làm đốc trấn Cao Bằng.

Trước kia, họ Mạc bị quan quân tiến đánh, dắt díu gia quyến chạy sang trú ngụ ở Quảng Tây. Đến nay, mầm móng còn sót lại, nhân thấy trong nước có việc nguy cấp, bèn tụ hợp quân chúng xâm phạm vào biên giới. Triều đình đã mấy lần sai quân đi đánh dẹp, bọn Đặng Công Diễn và Nguyễn Đình Bá cũng có phen đánh được, nhưng vì làm trái phương pháp vỗ yên dân, chống cự giặc, nên dân man sau lại hưởng ứng với giặc, thế giặc lại mạnh to lên. Chúng đi lại vùng Hưng Hóa, Thái Nguyên, Cao Bằng, Tuyên Quang làm lòng người náo động. Lê Hữu Kiều xin chọn bầy tôi nho học đi yên ủi vỗ về dân chúng. Vì thế, bèn cho Thế Chuẩn đi giữ chức này.

Lời chua-Mai Thế Chuẩn: Người xã Thạch Giản, huyện Nga Sơn3316 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường. Sau đổi sang chức quan võ làm hữu hiệu điểm quyền phủ sự.

Đặng Công Diển: Người xã Phù Đổng3317 , huyện Tiên Du.

Nguyễn Đình Bá: Người xã Bình Dân3318 , huyện Đông An. Cả hai đều đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

Mầm móng sót của họ Mạc: Gọi là "Giặc răng vàng" (sót tên). Năm ấy cướp phá Cao Bằng, đốc trấn Nguyễn Đình Bá đem quân tiến đánh, cả phá được giặc.

Cao Bằng: Tức Bắc Bình, trước thuộc Ninh Sóc, xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).

Hoàng Ngũ Phúc vây Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn. Hữu Cầu đi gấp đến Kinh Bắc, đánh chiếm được trấn thành.

Trước kia, Ngũ Phúc đánh Hữu Cầu ở Đồ Sơn, không thắng nổi, tì tướng là Trịnh Bá Khâm bị chết tại trận. Đến nay Ngũ Phúc lại tiến quân bao vây, Hữu Cầu phá vòng vây để ra, đi gấp đường đến Kinh Bắc, chiếm cứ sông Thọ Xương, đắp lũy ở hai bên bờ sông để giữ, từ Quế Nam đến Khê Kiều đều cắm kè bằng gỗ, bày la liệt hơn vài trăm thuyền chiến, đồn lũy liên lạc. Trấn thủ Trần Đình Cẩm tiến quân từ Thiết Sơn đến Trai Thủy, bị giặc đánh bại, tất cả quân lính đầu tan vỡ. Đình Cẩm lưu giữ Thị Cầu, giặc nhân thế thắng đuổi đánh, Đình Cẩm lại bị thua, giặc đuổi theo, bèn chiếm được trấn thành Kinh Bắc, tung lửa đốt doanh trại, Đình Cẩm cùng đốc đồng Vũ Phương Đề bỏ ấn tín chạy. Nửa đêm tin báo đến kinh, trong kinh thành nhốn nháo kinh sợ. Triều đình sai vệ binh chia nhau đóng ở trường tập bắn (xạ trường) và xã Vân Canh, xã Nhân Mục, cầu Yên Quyết (Cầu Giấy cũ) để phòng bị). Ngũ Phúc được tin Kinh Bắc thất thủ, bèn dẫn quân tiến đến đóng ở Vũ Giàng.

Lời chua-Sông Thọ Xương: Ở xã Thọ Xương, huyện Bảo Lộc3319 , hạ lưu thông với sông Lục Đầu.

Xã Quế Nham: Thuộc huyện Yên Thế3320 .

Xã Thiết Sơn: Thuộc huyện Yên Dũng3321 .

Trai Thị: Ở xã An Ninh, huyện Yên Dũng.

Xã Thị Cầu: Thuộc huyện Vũ Giàng3316 .

Những địa điểm trên, nay đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Xã Vân Canh: Thuộc huyện Từ Liêm.

Xã Nhân Mục: Thuộc huyện Thanh Trì.

Trường tập bắn (xạ trường): Ở trại Giảng Võ, huyện Thọ Xương3323 .

Cầu Yên Quyết: Ở địa phận xã Yên Quyết3324 , huyện Từ Liêm. Các địa điểm trên, nay đều thuộc Hà Nội.

Tháng 7, mùa thu. Hoàng Ngũ Phúc và Trương Khuông thu phục được thành Kinh Bắc.

Ngũ Phúc tiến quân đến Võ Giàng, Trịnh Doanh sai người quở trách rằng: "Bọn ngươi đi đánh dẹp hơn một năm, tiến sát đến Đồ Sơn đã năm sáu tháng mà phòng bị sơ ngỏ, để đứa giặc hung hãn dời khỏi được sào huyệt; rồi lại đến 7, 8 ngày sau mới đuổi theo, để cho đồ đảng của giặc xâm phạm một cách đột ngột, làm kinh sợ náo động cả lòng người. Như thế có xứng đáng với phận sự người tướng giữ ngoài biên trấn không? Nhà ngươi phải cố nghĩ tự mình hết sức để chuộc tội lỗi trước". Ngũ Phúc dâng tờ khải nói: "Hữu Cầu sau khi bị thua, phải trốn tránh, quân đã ít mà lại phân tán, thì cái thế đánh phá được chúng tưởng cùng dễ dàng. Nếu được quân sử dụng bằng voi giúp uy thế, tôi sẽ ngầm lùa voi xông ra đánh trận, làm cho chúng mặt trước mặt sau không cứu ứng lẫn được nhau, thì có thể bảo đảm được tất thắng. Vả lại, ý định của chúng chẳng qua chỉ muốn liên kết với bọn giặc cỏ, tiến quân quấy rối sông Nhị mà thôi. Nay tôi đóng ở Võ Giàng, nếu chúng muốn đem hết quân tiến lên mặt trước, lại sợ tôi đánh chặn ở mặt sau, cho nên chẳng qua chỉ liều chết cố thủ, không làm gì được".

Trịnh Doanh nhận được báo cáo của Ngũ Phúc, mừng lắm, bấy giờ lòng người mới được yên. Doanh lập tức sai Cổn quận công Trương Khuông cùng Ngũ Phúc họp quân tiến đánh, Hữu Cầu thua chạy, bèn thu phục được trấn thành. Nhân đấy, hạ lệnh cho các tướng chia làm 5 đạo đuổi đánh; Trương Khuông theo đường Yên Dũng đánh mặt trước, Nguyễn Trọng Thân đánh phía tả mặt trước, mà sau Vũ Tá Liễn đánh phía hữu mặt sau, Lê Lệ đánh phía tả mặt sau, Hoàng Ngũ Phúc chặn ngang dòng sông để phòng bị giặc chạy trốn. Những người giám quân thì đều dùng bọn đại thần thân tín của họ Trịnh.

Trận này, cả thảy năm đạo quân, có 10 đại tướng, 64 liệt hiệu, binh lính hơn 12.700 người. Trong số này chỉ có đạo quân của Lê Lệ đi đến đâu không đụng chạm tơ hào của dân. Dân Yên Thế xin dâng gạo một vạn3325 để làm lương cho lính. Trịnh Doanh đặc biệt khen ngợi, đem số gạo dâng ấy thưởng cho quân sĩ.

Lời chua-Nguyễn Trọng Thân: Sau đổi Trọng Điển, người xã Quế Ổ3326 , là con Nguyễn Trọng Uông.

Tháng 8. Dân chúng ở Hải Dương đến cửa khuyết xin triều đình xuất quân tiễu trừ giặc. Nhưng không được trả lời.

Lúc ấy giặc cỏ ở Hải Dương thấy triều đình đương bận việc đánh dẹp mặt bắc, nhân cơ hội sơ hở, bèn quấy rối cướp bóc các lộ Hồng Châu, Khoái Châu, đi đến đâu vơ vét nhẵn nhụi đến đấy. Bắt được nhân dân, chúng đặt ra từng đẳng hạng để sách nhiễu phải chuộc, chúng treo người lên cần tre, đổ nước vào mũi, làm đủ mọi sự ác ngược, hoặc bỏ hạt thóc vào trong mắt rồi khâu lại, hoặc trong nhà giam có rắn, rết và đỉa để làm cho người ta phải khổ sở, thậm chí lấy giáo xiên trẻ con, dùng lửa thiêu phụ nữ, rất là thảm khóc. Dân sở tại kéo đến cửa khuyết kêu về việc nguy cấp, xin triều đình sai tướng đem quân đến để cứu vớt lấy dân. Các quan trong chính phủ lấy cớ rằng giặc ở mặt bắc đương kịch liệt, chưa có thì giờ ngó tới mặt đông được, rồi bỏ ỉm tờ sớ ấy đi, không trả lời cho dân biết.

Lời phê-Như thế, sao gọi là cha mẹ dân được? Tháng 10, mùa đông. Nước sông Bồ Đề trở màu đỏ; nước sông Lễ chảy ngược dòng ba ngày.

Sông Bồ Đề và sông Ninh Giang, nước đỏ như son; nước sông Lễ chảy ngược dòng 3 ngày.

Lời chua-Sông Bồ Đề: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Sông Lễ: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 17 (Chb. VI, 32).

Tên Tương, tướng giặc, cướp huyện Yên Sơn. Thống lãnh Đặng Đình Quỳnh bỏ binh lính, chạy trốn. Triều đình sai Trịnh Đạc tiến đánh, phá được giặc Tương.

Trước đây, tên Tương chiếm cứ xã Vĩnh Đồng, huyện Mĩ Lương, thường lấp ló ở quãng huyện Yên Sơn và Thạch Thất, triều đình không để ý đến. Đến nay Trịnh Doanh sai tổng binh đồng tri Đặng Đình Quỳnh làm thống lãnh, hiệu thư Phạm Gia Ninh làm tán lý, đem quân đi đánh. Đình Quỳnh xuất thân là con nhà chỉ biết ăn trắng mặt trơn, không biết mưu mô làm tướng, vì lấy quận chúa (con gái chúa Trịnh gọi là quận chúa), bổng trở nên sang. Khi phụng mạng đi đánh giặc, Quỳnh dắt cả quận chúa và tì thiếp cùng đi, đóng ở xã Sơn Lộ huyện Yên Sơn, dùng chợ làm đồn đóng quân, không xếp đặt điểm canh phòng gì cả. Gia Ninh cũng vào trú ở nhà dân. Khi giặc kéo đến xã Tiên Lữ, Gia Ninh được tin, đến chỗ Đình Quỳnh, thì Quỳnh đã dắt quận chúa và tì thiếp trốn đi từ trước rồi. Giặc ập đến bao vậy, Gia Ninh sa vào tay giặc, bị chết. Trịnh Doanh lại sai đại tư đồ Doãn trung công Trịnh Đạc làm thống lãnh đi đánh. Tương bỏ trốn.

Vì cớ lấy quận chúa, nên Đình Quỳnh chỉ phải luận vào tội bãi chức. Việc này tướng sĩ không ai không bực tức.

Lời chua-Đặng Đình Quỳnh: Người xã Lương Xá3327 , huyện Chương Đức.

Phạm Gia Ninh: Người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm3328 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường.

Xã Vĩnh Đồng: Thuộc huyện Mĩ Lương3329 , tỉnh Sơn Tây.

Tiên Lữ và Sơn Lộ: Tên 2 xã, thuộc huyện Yên Sơn3330 , tỉnh Sơn Tây.

Thạch Thất: Tên huyện, thuộc Sơn Tây.

Tháng 11. Trương Khuông đánh nhau với Nguyễn Hữu Cầu ở Ngọc Lâm, bị bại trận. Đinh Văn Giai lại bị bại trận ở Xương Giang, đều cho triệu về; bổ dụng Hoàng Ngũ Phúc làm thống lãnh Bắc Đạo, trấn thủ Kinh Bắc, kiêm trấn thủ Hải Dương.

Trương Khuông cùng Ngũ Phúc, Vũ Tá Liễn hẹn nhau cùng đánh khép Hữu Cầu lại. Khuông tự đem quân bản bộ đánh mặt trước, dùng tướng bộ thuộc là Trịnh Phương, làm tiên phong. Hữu Cầu giữ nơi hiểm trở, đặt quân mai phục, bề ngoài phô trương quân gầy còm để làm ra sức yếu. Trương Khuông nhân thế sắc bén liều lĩnh tiến quân. Hữu Cầu giả vờ thua, bỏ đồn chạy, dử quân Trương Khuông vào trong chỗ hiểm trở. Tướng sĩ của Khuông bám nhau như xâu cá để tiến quân. Thình lình quân mai phục nổi dậy, Hữu Cầu thống suất hạng sĩ tốt liều chết ùa ra đánh, quân của Khuông thua to. Quan quân ở bốn đạo không phải đánh mà tự vỡ, thế giặc lại lớn lên, đài phong hỏa3331 báo thông về đến sông Nhị. Trịnh Doanh viết thư nghiêm khắc quở trách Trương Khuông và triệu về, bèn bổ dụng Đinh Văn Giai làm

thống lãnh thượng tướng quân, kiêm đốc suất quân bốn đạo, bồi tụng Ngô Đình Oánh làm tán lý, đem quân đi đánh.

Lúc ấy thế lực Hữu Cầu lừng lẫy, những giặc cướp khác nhân lúc sơ hở đều nổi dậy, bọn Hòa Dưỡng, Đàn Kiệt, Đoan Nhật (sót họ) tụ tập ở xã Bình Ngô, giao ước cùng dấy quân để đón Hữu Cầu, làm náo động cả nhân dân ở mặt bắc sông Cái.

Khi Văn Gia đã đến nơi, đóng quân lại, không tiến lên, nhiều người lấy làm nghi ngờ. Nhân đấy Hữu Cầu đặt mưu kế, đêm đến sai người khiêng một cái kiệu không về, một lát lại đi ra, Hữu Cầu bèn giả vờ mừng rỡ, nói dối bọn thủ hạ rằng: "Văn Gia đã ước hẹn xin hàng, nhưng nếu đến đầu hàng một cách rõ ràng, sợ liên lụy đến gia quyến, nên bí mật hẹn khi ra trận bị bắt, để che lấp miệng người ngoài. Nay mai giao chiến, các ngươi cứ theo hướng chỉ huy của ta mà bắt lấy hắn, thì lo gì không bình định được thiên hạ". Đồ đảng của Hữu Cầu tin lời. Kịp khi giao chiến, binh lính đã sắp thành hàng, quân của giặc tranh nhau nhằm chỗ voi có hiệu cờ của Văn Giai mà xông pha tiến vào không ai là không một mình địch nổi trăm người. Toán quân của Văn Giai đỗ ngã linh tinh. Giặc xúm quanh chân voi leo lên như đàn kiến. Văn Giai khí sắc không thay đổi, dùng phi thương chém bên tả, chém bên hữu, giết được giặc rất nhiều. Hai con hắn ở mặt trận sau la thét to mà tiến lên, quân giặc hơi lùi, bèn thu thập sĩ tốt còn sót lại kéo về doanh trại. Được tin báo, Trịnh Doanh giận lắm, nghiêm khắc quở trách.

Sau đó, giặc vây doanh trại Thi Cầu. Ngũ Phúc chia ra ba cách để tiến quân: Ngũ Phúc tự mình đem quân bản bộ đánh mặt trước, Đàm Xuân Vực đánh mặt tả, Nguyễn Danh Lệ đánh mặt hữu. Hữu Cầu bị thua, qua sông để chạy, bèn giải được vây. Trịnh Doanh lại triệu văn Giai về, bổ dụng Ngũ Phúc làm thống lãnh đạo Kinh Bắc, sau lại kiêm trấn thủ Hải Dương và cho Phạm Đình Trọng làm hiệp trấn Hải Dương. Còn Đinh Văn Giai và Ngô Đình Oánh khi về đến triều, đều bị giáng chức ba trật.

Lời chua-Ngọc Lâm: Tên xã, thuộc huyện Yên Dũng3332 .

Bình Ngô: Tên xã, thuộc huyện Gia Bình3333 . Cả hai đều thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Xương Giang: Thuộc huyện Bảo Lộc3334 , tỉnh Bắc Ninh.

Nguyễn Danh Phương, giặc vùng Sơn Tây, cướp phá Bạch Hạc. Văn Đình Ức đem quân bao vây, sau ra đóng ở xã Nghĩa Yên. Danh Phương vượt vòng vây ra, chạy về xã Thanh Lãnh.

Trước kia, Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển xướng xuất việc nổi loạn, Danh Phương cũng thúc giục dân chúng nổi bùng lên, số quân có hơn vạn, lẻn lút chiếm cứ Việt Trì, đến nay lấn cướp Bạch Hạc. Văn Đình Ức, đốc suất Sơn Tây, đem vệ binh ở kinh đến bao vây, bọn hào mục bản thổ đem quân đến họp hàng vài vạn người, thanh thế quân lính rất hùng mạnh. Sau đó, Đình Ức lại ra đóng ở xã Nghĩa Yên, Danh Phương bèn nhân ban đêm vượt vòng vây ra, lui về xã Thanh Lãnh.

Lúc ấy, các huyện vùng Sơn Tây phần nhiều khổ sở vì Danh Phương quấy nhiễu cướp bóc, đều muốn góp sức tiễn trừ, mà Đình Ức không chịu đánh gấp, để cho tên giặc Phương được vượt vây thoát thân. Từ đấy hắn bố trí đồn lũy, chiếm cứ nơi hiểm yếu, để kháng cự triều đình. Đó, đều do sự lầm lẫn ở trận này cả.

Lời chua-Văn Đình Ức: Người xã Lạc Phố, huyện Hương Sơn, đỗ tạo sĩ.

Nghĩa Yên: Tên xã, thuộc huyện Bạch Hạc3335 , tỉnh Sơn Tây.

Thanh Lãnh: Tên xã, thuộc huyện Bình Xuyên3336 , tỉnh Thái Nguyên.

Việt Trì: Tên thôn, thuộc xã Bạch Hạc, huyện Bạch Hạc.

Nguyễn Danh Phương: Người xã Tiên Sơn3337 , huyện An Lạc.

Ất Sửu, năm thứ 6 (1745). (Thanh, năm Càn Long thứ 10). Tháng giêng, mùa xuân. Giặc họ Mạc đánh chiếm Thái Nguyên. Lưu thủ Văn Đình Ức cùng thống lãnh Hoàng Ngũ Phúc đem quân tiến đánh, phá được giặc, thu phục lại trấn thành.

Trước kia, mầm móng học Mạc (sót tên) nhân trong nước xảy ra việc nguy cấp, chúng tự Long Châu lẻn về, họp tập bè đảng, quấy rối cướp bóc. Lê Hữu Kiều trấn thủ Vũ Nhai, vì có bệnh, xin về, Thái Nguyên bèn bị giặc Mạc đánh chiếm.

Trịnh Doanh bổ Đình Ức làm trấn thủ để thay Hữu Kiều. Đình Ức sang đò Dã Giang hội hợp với quân của Hoàng Ngũ Phúc, rồi theo đường xã Úc Kỳ đến thẳng Thái Nguyên, đánh phá, mầm móng họ Mạc bỏ trốn, bèn khôi phục được trấn thành.

Đình Ức là con Đình Dận, một người trẻ tuổi nhất trong các hàng tướng tá, đã có sức mạnh, lại nhiều trí mưu, cho nên đi đánh giặc nhiều lần lập được chiến công, danh tiếng ngang với Nguyễn Phan.

Lời phê-Cũng chỉ có danh tiếng hão3338 . Lời chua-Vũ Nhai: Châu Vạn Nhai xưa, xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 5 (Chb. II, 42, 43).

Ức Kỳ: Tên xã, thuộc huyện Tư Nông3339 , tỉnh Thái Nguyên.

Dã Giang: Ở xã Trung Dã, huyện Thiên Phúc.

Giặc Mạc vây Cao Bằng. Đốc đồng Trần Danh Lâm dẹp yên được. Phong cho Danh Lâm tước Tụ nhạc hầu.

Trước đây, mầm móng họ Mạc vây Cao Bằng hơn hai tháng. Trong thành hết lương, đốc đồng Trần Danh Lâm vỗ về sĩ tốt, hết sức chống giữ, lại tùy tiện trích bạc công mộ người đưa thư đến các thổ quan ở phủ Trấn Yên, Long Châu và Bằng Tường nhà Thanh, dùng đồ thưởng trọng hậu đút cho bọn này, hẹn ứng phó giúp về mặt ngoài. Vì thế, ai cũng vui vễ giúp sức: Họ bắt giữ vợ con giặc, chặn đường hái củi, lấy nước và tải lương. Giặc thấy thế, sợ hãi, phải rút lui. Danh Lâm lại đuổi đánh, phá tan được. Bốn châu thảy đều bình định. Lại chiêu tập an ủi dân phiêu tán, cho họ trở về yên nghiệp làm ăn. Tin thắng trận tâu về triều, Danh Lâm được thăng chức hai bậc, phong tước hầu.

Lời chua-Trần Danh Lâm: Người xã Bảo Triệu, huyện Gia Định3340 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường.

Trấn Yên: Xem Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 21).

Long Châu: Xem Trần Thánh Tông, năm Bảo Phù thứ 4 (Chb. VII, 17).

Bằng Tường: Xem Hồ Hán Thương, năm Khai Đại thứ 4 (Chb. XII, 14).

Bốn châu: Tức Thạch Lâm, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang.

Tháng 2. Phong cho Ma Thế Lộc, bầy tôi phiên trấn Thái Nguyên, được tước quận công.

Từ khi nơi biên giới bùng nổ việc binh nhung, bầy tôi ở phiên trấn nhiều người hết sức đánh dẹp. Thế Lộc là người có công lao nhất. Lưu thủ Văn Đình Ức xin gia ân khen thưởng để khuyến khích, cho nên có mệnh lệnh này.

Khởi phục Hà Huân và Nhữ Đình Toản cùng vào phủ chúa giữ chức tham tụng.

Trước kia, Hà Huân làm đốc đồng trấn Sơn Nam, vì tội uống rượu, bị bãi chức; Nhữ Đình Toản giữ chức tán lý việc quân, không có công trạng gì, khi thua trận. Toản bị giặc bắt3341 . Hai người này bị truất bỏ đã lâu. Đến nay, Trịnh Doanh muốn cất nhắc những người bị chìm đắm, lấy cớ rằng hai người này vốn có danh vọng được nhiều người mến phục, nhân đấy mới cất nhắc bổ dụng, cho cùng Trịnh Ngô Dụng, tả thị lang bộ Lại, cùng được tham dự công việc chính phủ. Trịnh Doanh thường triệu hai người vào phủ hỏi chính sách lớn về việc quân việc nước, họ trình bày phần nhiều hợp ý Trịnh Doanh.

Lời chua-Trịnh Ngô Dụng: Người xã Vân Trùy, huyện Hiệp Hòa3342 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

Tháng 4, mùa hạ. Trịnh Doanh bổ dụng Dương Công Chú và Nguyễn Hoàn giữ chức tả hữu tư giảng cho con là Trịnh Sâm.

Năm ấy, Trịnh Doanh cho con trưởng là Sâm ra ở ngôi thế tử, bèn bổ dụng phủ doãn Dương Công Chú và cấp sự trung Nguyễn Hoàn giữ chức tả hữu tư giảng.

Lời chua-Dương Công Chú: Người xã Lạc Đạo3343 , huyện Gia Lâm, đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường.

Nguyễn Hoàn: Người xã Hương Khê, huyện Nông Cống3344 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Hợi (1743) năm Cảnh Hưng.

Ban hiệu quốc lão cho Đào Hoàng Thực.

Hoàng Thực thi đỗ từ khoảng năm Chính Hòa (1681-1704), trước vì có lỗi bị khiển trách sau lại được khởi phục. Hoàng Thực nhiều lần giúp công việc nơi biên giới, bèn được tham dự chính sự lớn, những lời đã trình bày góp lại có đến vài trăm, đều là thiết thực và hợp ý chúa. Trịnh Doanh thường khen Hoàng Thực là hạng Ngụy Trưng, Lý Giáng3345 . Đến nay vì tuổi già xin từ chức, chỉ lấy địa vị quốc lão giữ việc chầu chực. Doanh y cho.

Lời cẩn án-Hoàng Thực ra làm quan từ năm Chính Hòa, trải thờ bốn đời vua, lúc ấy họ Trịnh chuyên quyền, vua Lê như người phụ thuộc, mà không thấy có bức thư nào khuyên can, không có kế sách nào để sửa chửa cho được đúng đắn, chỉ sau khi vào giữ việc trong chính phủ, những lời kiến nghị tâu bày của Hoàng Thực đại để đều là việc bắt thêm lính, tăng thêm thuế, chẳng những không ích lợi, mà hại cũng theo sau. Sách cũ nói: "Những lời trình bày góp lại có đến vài trăm". Chẳng qua cũng giống như thế cả. Còn như tìm ở Hoàng Thực lấy tờ sớ "xin tôn phò nhà vua" như Bùi Sĩ Tiêm3346 , lời nói "mặc triều phục trái lệ" như Vũ Duy Chí3347 , thì e rằng hai người kia mười phần, Hoàng Thực không được lấy một, Ngụy Trưng, Lý Giáng có phải hạng người như thế đâu? Trịnh Doanh khen Hoàng Thực là hạng Ngụy Trưng, Lý Giáng cũng không khác gì Tào Tháo khen Tuân Úc là Tử Phòng3348 .

Lời chua-Vũ Duy Chí: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, làm thượng thư bộ Lại, gặp tiết nguyên đán, Trịnh Tạc sai trăm quan mặc triều phục vào phủ lạy mừng. Duy Chí can là làm như thế không hợp lệ.

Tháng 7, mùa thu. Trịnh Doanh gia phong cho cậu là Vũ Tất Thận làm đại tư đồ, cho đổi họ tên là Trịnh Áo.

Doanh nhận thấy Tất Thận, một người cậu ruột rất thân3349 , nên ban cho họ và tên, để tỏ ra yêu quý khác thường. Sau lại sai quản lãnh chức hữu tông chánh trong Tông Nhân Phủ, để xét duyệt con cháu công thần trong các chi phái họ Trịnh, xem người nào đáng dùng được thì xin lệnh chỉ của chúa Trịnh rồi phân biệt cất nhắc.

Tháng 8. Hoàng Ngũ Phúc và phạm Đình Trọng đánh phá được Nguyễn Hữu Cầu ở thành Xương Giang. Bổ dụng Phạm Đình Trọng làm hiệp thống lãnh đạo đông bắc.

Hữu Cầu bị bọn Ngũ Phúc đánh bại, nhân đêm chạy trốn, sai đồ đảng là tên Thông (sót họ) đem hạng thuyền nhanh nhẹ chở các đồ quý trọng, thuận theo dòng nước để về vùng đông. Quan quân lại đón đánh, bắt được rất nhiều. Tên Thông bỏ thuyền chạy. Hữu Cầu lại ra Yên Quảng, chiếm cứ Hạc Động, nhờ vào biển để làm kiên cố, thường dùng hạng thuyền nhanh nhẹ cướp bóc vùng đông nam. Đình Trọng cùng Ngũ Phúc đem các tướng đi đánh, chém được bọn tên Thông hơn 10 người, quân nhu và ngựa chiến hết thảy đều bị quan quân bắt được.

Thông là người nhanh nhẹn, mạnh khỏe, có trí mưu, Hũu Cầu dựa vào Thông là người ruột thịt, nay Thông bị chết, thế lực Hữu Cầu thành ra cô đơn, chạy trốn lẫn lút, chỗ ở không nhất định, những người phục tòng cũng tan tác dần, sau cùng đều bị bắt. Như thế là phần nhiều nhờ ở công của Đình Trọng và Ngũ Phúc.

Lời chua-Hạc Động: Ở huyện Nghiêu Phong, tỉnh Quảng Yên.

Thành Xương Giang: Xem Bình Định Vương, năm thứ 2 (Chb. XIII, 12).

Tháng 12, mùa đông. Khôi phục lại chế độ phong tặng và phong ấm đời Hồng Đức.

Hồi đầu niên hiệu Hồng Đức, các quan về văn giai và võ giai, người nào được tước công, tước hầu, tước bá thì được triều đình phong cho ông bà, cha mẹ và con cháu; người nào chưa có tước thì theo phẩm trật để phong, từ nhất phẩm đến tứ phẩm, có đẳng cấp khác nhau. Sau khi trung hưng, bầy tôi về hàng võ cùng nội giám (hoạn quan), người nào làm quan đến nhất phẩm, nhị phẩm đều được dự phong tước, nên mới định lại: nhất phẩm, nhị phẩm thì theo tước để phong; tam phẩm, tứ phẩm thì theo chức để phong. Đến nay, bầy tôi trong chính phủ bàn luận xin: tước công, tước hầu, tước bá, người nào do đặc ân trao cho, sẽ được phép theo tước để phong tặng và phong ấm, ngoài ra điều theo như chế độ cũ. Trịnh Doanh theo lời.

Lời chua-Thể lệ tặng ấm: Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 83350 (Chb. XXII, 17, 19).

Nhất phẩm, nhị phẩm theo tước: Như bản thân viên quan là tước công hoặc tước hầu, tước bá thì phong tặng và phong ấm cho ông bà, cha mẹ, vợ con, và cháu đích tôn của viên quan ấy, vẫn theo thể lệ dùng tước như đời Hồng Đức.

Tam phẩm, tứ phẩm theo chức: Như bản thân viên quan là tam phẩm hoặc tứ phẩm thì phong tặng cho cha mẹ, nếu viên quan ấy về hàng võ thì phẩm trật của cha mẹ kém phẩm trật của viên quan ấy một bậc, về hàng văn thì kém hai bậc, còn như con cháu, thì chỉ cho làm hạng quan viên tử, quan viên tôn.

Hoàng Công Kỳ, trấn thủ Sơn Nam, bị giặc bắt.

Công Kỳ do hoạn quan xuất thân, nhưng cũng có chút tài cán mưu mô, đã mấy lần lập được chiến công, các quân sĩ đều nương dựa làm vững chắc. Khi trấn thủ Sơn Nam, Công Kỳ tiễu trừ được giặc cỏ, nên dân nhờ đấy được yên ổn. Nhưng Kỳ vốn có tính khinh địch. Lúc ấy vì doanh lũy mới xây đắp, Kỳ cưỡi voi đi xem xét, trù tính, lính theo hầu có độ vài mươi người. Quân mai phục của bọn Hoàng Công Chất, giặc ở Khoái Châu kéo đến đánh úp, bắt được. Công Kỳ không chịu khuất phục, bị chết.

Bính Dần, năm thứ 7 (1746). (Thanh, năm Càn Long thứ 11).

Mồng một, tháng giêng, mùa xuân, nhật thực.

Tháng 3. Sao Thái Bạch xuất hiện ban ngày.

Định rõ thể lệ tra hỏi khám xét kiện tụng.

Lúc ấy, người làm quan không có lương bổng thường xuyên, bổng lộc phải trông vào việc kiện tụng. Những việc tra khám, luận tội, hoặc giam giữ người can phạm, hoặc quan dưới đệ án văn lên quan trên, quan trên bác bỏ lời xét án của quan dưới, phần nhiều làm không hợp lý. Văn thư trong triều đường chính phủ, việc kiện tụng chiếm đến một nửa. Viên quan có trách nhiệm phải ứng phó luôn ngày không lúc nào rỗi, rất là đáng chán. Đến nay, hạ rõ cấm lệnh, việc gì cấp bách không tổn hại thì không được tố cáo, phát giác. Lệnh cấm này cốt mong để ngăn bớt kiện tụng, nhưng tập tục đã thành thói quen, chung quy không thể thay đổi được. Rồi thậm chí có việc giết người, làm hại người, nếu sự chủ không phát giác, thì quan dầu có biết cũng không bắt tội vào đâu được.

Vũ Khâm Lân, hữu thị lang bộ Lại, giữ chấm thi, nhân đấy, ra đầu bài hỏi: "Người làm quan, thấy có kẻ giết người giữa ban ngày, nhưng khổ chủ được của đút rồi, ỉm đi không tố cáo, nếu xét theo luật để trị tội hung thủ thì trái thể lệ, nếu ngồi nhìn không tra xét thì bỏ phép luật. Như vậy thì nên làm thế nào cho hợp lệ?". Câu hỏi này có ý chỉ trích lúc bấy giờ uốn nắn công việc sai lầm có phần thái quá. Nhưng sau đấy. Khâm Lân được giữ công việc trong chính phủ cũng không thể nào thay đổi được.

Phong Nguyễn Hữu Cầu tước Hương Nghĩa hầu, rồi cho triệu về triều, nhưng Hữu Cầu không đến.

Hữu Cầu bị Đình Trọng đánh dồn, vì thua luôn, nên thế lực mòn mỏi. Nhân sai đồ đảng tên là Hựu đem nhiều bạc đút lót cho người quyền thần là Đỗ Thế Giai và nội giám Nguyễn Phương Đĩnh, để xin đầu hàng. Trịnh Doanh y cho, hạ lệnh cho Hữu Cầu cùng đảng giặc là bọn Hoàng Phùng Cơ đều được phép rửa hết tội trước, ban cho hiệu là Ninh Đông tướng quân và phong tước Hương Nghĩa hầu, còn tướng hiệu của Cầu đều được thăng làm quan, lại ban thưởng rất hậu, rồi hạ lệnh triệu về kinh sư. Nhưng thực ra Hữu Cầu không có ý đầu hàng, hắn thường lấy cớ bị Đình Trọng ngăn đón để tố cáo về triều. Trịnh Doanh sai thiêm tri Nguyễn Phi Sảng đem lệnh chỉ đến phủ dụ và triệu về, mặt khác dụ bảo Đình Trọng hoãn lại đừng đánh Hữu Cầu vội.

Trước kia, Hữu Cầu nhiều lần bị Đình Trọng đánh bại, bèn đào mã mẹ Đình Trọng quẳng xuống sông, Đình Trọng khóc lóc tố cáo với Trịnh Doanh, thề quyết chí giết Hữu Cầu, Doanh rất khen chí khí Đình Trọng. Nay Phi Sảng đem dụ chỉ đến, Đình Trọng nói: "Người làm tướng ở ngoài chiến trường, có khi không chịu nhận mệnh lệnh của vua. Tôi với Hữu Cầu không cùng đội trời chung, tôi đã từng nói ở trước chúa thượng. Nay ông tự nhận mệnh lệnh đi chiêu hàng, tôi tự nhận mệnh lệnh đi giết giặc, nếu gặp thế có thể đánh được giặc, thì tôi cũng không vì cớ ông đến chiêu hàng mà ngần ngại". Phi Sảng cùng bạn bè nghe câu nói ấy đều sợ thất sắc, nhân từ giả ra đi. Phi Sảng đến quân doanh Hữu Cầu, bày tỏ dụ chỉ của chúa Trịnh, lại đem câu nói của Đình Trọng bảo cho Hữu Cầu biết. Câu chuyện chưa nói dứt lời thì Đình Trọng ập đến đánh úp. Hữu Cầu sai người dẫn Phi Sảng theo đường tắt trở về, rồi ra đánh nhau, Đình Trọng đánh cho Hữu Cầu đại bại, Cầu phải bỏ trốn.

Trước kia, Đình Trọng nhận mệnh lệnh đi đánh giặc, chiêu mộ các người mạnh khỏe ở Thanh Hà, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại và Thượng Hồng làm nghĩa binh, đặt hiệu riêng là bốn cơ Thanh, Kỳ, Hồng, Vĩnh, mà dùng hai người thủ hạ để quản lãnh. Đến nay, Thế Giai gièm pha nói: "Đình Trọng cầm quân ở ngoài, đặt bộ ngũ riêng, chẳng khỏi không có ý khác", Trịnh Doanh biết Đình Trọng là người tự nguyện một lòng trung thành, nên bỏ lời Thế Giai đi, không hỏi, lại đặc chỉ ban cho bài thơ để yên ủi Đình Trọng.

Lời chua-Hoàng Phùng Cơ: Người xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc3351 .

Thanh Hà, Vĩnh Lại và Tứ Kỳ: Đều xem Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 19 (Chb. XXX, 14).

Thượng Hồng: Tức Hồng Châu xưa, xem Thuộc Đường, Chiêu Tuyên Đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb. V, 14).

Tháng 6, mùa hạ. Định thuế muối, đặt quan Giám tri diêm đạo.

Phép đánh thuế muối như thế này:

Mỗi bếp nộp thuế 40 hộc muối, mỗi hộc nộp tiền 180 đồng (tức 3 tiền bây giờ), thu về mùa đông và mùa hạ, trữ vào kho công sở tại. Lại đặt chức quan Giám tri diêm đạo, dùng bọn Phạm Doãn Vĩ và Vũ Khâm Lân chia nhau trông nom các đạo Thanh Hoa và Nghệ An, duy Sơn Nam thuộc về Hộ phiên trông nom. Sau đó, Lê Trọng Thứ, tả chính ngôn nói: "Đã có thuế ruộng, lại bổ thuế gia tô, nay lại đánh thuế cả bếp nấu muối, một hạng ruộng chịu ba thứ thuế, thì dân sẽ gánh vác thế nào nổi được?" Trịnh Doanh theo lời, hạ lệnh miễn thuế ruộng muối.

Tháng 8, mùa thu. Hạ lệnh cho các quan trong chính phủ bảo cử người giữ chức Thừa chính ti ở các trấn.

Trịnh Doanh bảo các quan trong chính phủ rằng: "Thừa chính sứ ti là giường mối của phủ huyện, quan hệ đến sự vui mừng đau khổ của dân. Vậy từ nay nếu chức quan trong ti Thừa chính sứ có khuyết ngạch, thì cho phép các ngươi bảo cử, cần chọn người xứng đáng".

Tháng 10, mùa đông. Định lại thuế điền trang ở Thanh Hoa.

Từ khi dụng binh đánh dẹp đến nay, đồng ruộng ở Thanh Hoa bỏ hoang rậm, thuế tô nộp vào kho phần nhiều kém ngạch cũ. Bèn hạ lệnh cho viên quan cai trị ở An Trường, khám xét sự thực, bổ thuế có từng hạng khác nhau.

Bổ dụng Vũ Khâm Lân làm công việc tham tụng.

Trịnh Doanh hạ lệnh cho các quan trong chính phủ rằng: "Điều tín là của quý trong nước, ta ngày đêm kính cẩn lo sợ, mong sao được đến trị an, thế mà chưa quét sạch bụi cát nơi tiên cảnh, chưa chữa khỏi bệnh đau khổ của dân, chỉ vì không giữ được điều tín mà thôi. Vậy từ nay, phàm những việc thăng quan, phong tước, thưởng công, phạt tội các việc quân cơ, dân chính, đều cho phép bầy tôi tham dự cơ mật bàn luận xác đáng, kỹ lưỡng chính chắn, rồi sẽ thi hành. Nếu người nào còn dám quen thói cũ giữ lòng riêng, thì dẫu là người thân hay người quý, hết thảy đều luận tội theo như pháp luật. Lại đem bảy điều sức rõ cho viên quan đề lãnh thi hành, để trong kinh kỳ được trang nghiêm sáng sủa".

Lời chua-Bảy điều: Cấm trong nhà dung túng cho bọn gian tế trú ngụ; cấm lính tuần hành trong thành làm sự càn bậy nhốn nháo; khánh buôn bán không được ngũ đêm ở trong thành; tám cửa thành khi mở khi đóng phải có giờ giấc. Còn các điều khác không khảo cứu được.

Đề lãnh: Tên quan.

Thi người tinh thông thuật số, bổ làm quan.

Phàm người nào có thể tinh thạo thuật số về thiên văn, tin gió, lục nhâm, thái ất, bói toán, bấm độn, nếu thi khảo được trúng sẽ bổ làm quan.

Đinh Mão, năm thứ 8 (1747). (Thanh, năm Càn Long thứ 12).

Tháng giêng, mùa xuân. Cấm dùng thủ đoạn ngang ngược bắt dân phu theo đi đánh giặc.

Lúc ấy, tướng sĩ đi đánh giặc, có nhiều người tạ sự, dùng thủ đoạn ngang ngược, để bắt dân phu, gọi là đánh giặc theo nghĩa vụ (nghĩa chiến), sự nhũng nhiễu không kể xiết, cho nên hạ lệnh cấm.

Tháng 6, mùa hạ. Lạc Hòn lại đến cống nạp.

Năm trước, Lạc Hòn cùng Cao Châu đến cống, nay lại sai sứ thần đến cống, và xin định 3 năm một lần cống voi khỏe3352 theo thể lệ trấn ninh và Cao Châu. Ngoài ra, thổ sản như sừng tê, vải hoa, chiêng đồng, sáp đồng, tùy theo có thứ gì cống thứ ấy, không phải lễ cống thường xuyên. Sau đó, lại dâng voi trắng, nhưng triều đình không nhận.

Lời chua-Trấn Ninh: Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 10 (Chb. XXIII, 30, 31).

Lạc Hòn: Xem Hi Tông, năm Chính Hòa thứ 21 (Chb. XXXIV, 48).

Cao Châu: Tức Trịnh Cao, xem Bình Định vương năm thứ 2 (Chb. XIII, 9).

Tháng 7, mùa thu. Ánh sáng sao Thái Bạch phạm vào sao Nam Đẩu.

Tháng 9. Định phép khảo công bằng việc trưng thu.

Viên quan có trách nhiệm trông nom việc thu thuế tuần ti, thuế bến đò, thuế muối, thuế quế và thuế tô của dân, triều đình hạ lệnh cứ cuối năm thi hành việc khảo công. Thể lệ khảo công nhằm vào sự thế khó hay dễ, tài lực đầy đủ hay hao hụt định ra 3 bậc: Trong mười phần người nào đạt được chín phần là thượng khóa, được sáu phần trở lên là trung khóa, năm phần trở xuống là hạ khóa. Thượng khóa được thăng một trật, hạ khóa phải giáng một trật, còn trung khóa thì miễn xét.

Trịnh Doanh cho đặt chuông và mõ ở cái điếm cửa phủ đường.

Trịnh Doanh đương hăng hái về công việc chính trị, hạ lệnh đặt chuông và mõ ở cái điếm về cửa phía tả phủ đường. Có người nào trình bày công việc hiện thời và người nào có tài nghệ mà tự mình tiến cử, thì đánh chuông; người nào bị bọn quyền quý ức hiếp và người nào có sự oan uổng chưa được bày tỏ, thì đánh mõ. Những người này đều phải làm đủ giấy tờ niêm phong kín. Lại phiên lập tức dâng lên để chúa biết.

Tháng 10, mùa đông. Khôi phục phép thi hương đời Bảo Thái (1720-1728).

Từ năm Tân Dậu (năm Cảnh Hưng thứ 2) (1741), khôi phục lại phép thi "tứ trường, thành ra người cậy thần thế, người dùng tiền tài, số người trúng tuyển nhũng lạm đến một nữa. Đến nay, bầy tôi trong chính phủ bàn luận, cho rằng từ khi mở ra lối thi "tứ trường" nhà quyền thế lấn át, áp bức học trò nghèo. Đem so sánh các phép thi, thì phép thi "sảo thông" còn tốt hơn phép thi "tứ trường" này. Xin bỏ phép thi "tứ trường", phục lại phép thi "sảo thông". Bèn hạ lệnh theo phép thi đời Bảo Thái3353 .

Thi phúc khảo cống sĩ.

Lúc ấy phép thi buông xổng, trễ tràng, người ít học mà là họ ngoại của nhà quyền thế, phần nhiều trúng tuyển nhũng lạm. Trịnh Doanh biết chuyện, hạ lệnh cho thi khảo lại ở Trung Sa. Các quan bàn luận, lấy cớ rằng, gặp lúc binh lửa, học trò bị thất học, nên lựa chọn một cách khoan hồng. Trịnh Doanh theo lời, mười phần chỉ thải đi hai ba phần thôi. Nguyễn Kỳ được đỗ đầu.

Lời chua-Nguyễn Kỳ: Người xã An Lão3354 , huyện Bình Lục, đến khoa Mậu Thìn năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748) sau đây, Kỳ đỗ tiến sĩ.

Trung Sa: Ở bờ phía nam sông Nhị, Hà Nội.

Mậu Thìn, năm thứ 9 (1748). (Thanh, năm Càn Long thứ 13).

Mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.

Xếp đặt lại vệ binh đổi làm cơ, đội.

Trước đây, phân phối vệ binh lệ thuộc vào các vệ, người đứng cai quản phần nhiều đem binh lính sung làm việc riêng, hoặc tha cho về mà bắt nộp tiền cỏ ngựa; về phần binh lính thì thường mướn người nghèo yếu đi thay. Kỷ luật lỏng lẻo, nói về thực dụng không có ích gì. Triều đình bèn hạ lệnh cho vệ binh đều lệ thuộc vào trấn, chia đặt từng cơ, từng đội, cứ 200 người làm một cơ, cho phép một nửa ở quân ngũ, một nửa về làm ruộng, thay đổi lẫn nhau. Người nào ở quân ngũ thì hàng tháng cấp cho 6 tiền làm lương ăn, chọn lấy người khỏe cho thao luyện diễn tập; sau lại cấp bội cho số lương, lúc có việc phải đi đánh dẹp thì cấp thêm cho cùng một hạng với ưu binh. Do đấy phép vệ binh bèn bãi bỏ.

Hạ lệnh: Trăm quan quyên nộp tiền thóc, sẽ trao cho chức phẩm cao thấp khác nhau.

Trịnh Doanh lấy cớ rằng, dùng quân đánh dẹp phải tiêu phí nhiều, bèn hạ lệnh quan văn, quan võ và những nội giám, tạp lưu, ai nộp tiền hoặc thóc sẽ trao cho chức phẩm cao thấp khác nhau.

Tháng 8, mùa thu. Sai đại thần là bọn Lê Hữu Kiều chia nhau giữ nơi xung yếu ở kinh thành.

Lúc ấy, giặc cỏ Sơn Nam chưa dẹp yên, mà bất thần giặc ở Sơn Tây tràn xuống. Nhân đấy, hạ lệnh cho bọn Lê Hữu Kiều, Hà Huân, Vũ Khâm Lân và Ngô Đình Oánh chia nhau giữ nơi xung yếu, ngày đêm tuần hành xem xét, dự định mưu kế ngăn ngừa chống chọi. Bầy tôi trong chính phủ lại dâng kế phòng thủ, đại lược xin trồng tre, trồng cây để hàng rào doanh trại được vững bền; đặt tám cửa thành để xét hỏi người ra vào; chọn đinh tráng ở phường, ở trại và vệ binh gần kinh kỳ để sung vào việc tuần cảnh; thượng lưu và hạ lưu phường Nhật Chiêu đều đặt đồn canh giữ; trong thành thì chia đặt các phòng cho quân sĩ. Trịnh Doanh theo lời, vì thế chia trong kinh kỳ làm 36 khu, gồm làm 9 điện, mỗi điện 4 khu, đặt một người làm điện chánh. Sau đó, sai bọn nội giám Nguyễn Phương Đĩnh và Nguyễn Đình Huấn, chia nhau đi các huyện chung quanh kinh kỳ chọn đinh tráng, đặt đồn lũy, để phòng bị giặc cướp bao vây.

Lời chua-Nguyễn Đình Huấn: Người xã Yên Thường3355 , huyện Đông Ngàn.

Nhật Chiêu: Xem Uy Mục đế, năm Đoan Khánh thứ 5 (Chb. XXV, 36).

Đặt tả pháp ti và hữu pháp ti.

Bắt đầu đặt tả pháp ti và hữu pháp ti, bổ dụng tham tụng Hà Huân và phó đô ngự sử Vũ Công Trấn nhận giữ, để được tùy việc chống cãi, đàn hặc tội lỗi, phát hiện sai lầm, uốn nắn việc lệch lạc cho được ngay thẳng.

Trần Cảnh xin nghĩ việc quan. Trịnh Doanh y cho.

Cảnh giữ chức tham tụng, vì tuổi già, xin thôi làm quan, được thăng chức thượng thư bộ Hình. Con cả của Trần Cảnh là tiến mới thi đỗ, cũng vinh quy ngày hôm ấy. Đời bấy giờ khen là vinh hiển.

Tháng 9, mưa to, nước sông tràn ngập, thóc lúa bị thối nát.

Tháng 9 nhuận. Nguyễn Cầu xâm phạm Sơn Nam. Sai Phạm Đình Trọng đi đánh.

Hữu Cầu đã xin hàng, nhưng vẫn cướp bóc không thôi. Trịnh Doanh sai hiệu lý Nguyễn Thế Khải vào trại quân Hữu Cầu dụ bảo triệt bỏ quân lính đi, Hữu Cầu không nhận mệnh lệnh. Sau đó, Hữu Cầu giao thông với giặc là tên Lân (sót họ), lẻn lút đến Duyên Hà đánh úp Sơn Nam, nhưng không thắng được. Đến nay, lại hợp sức với bọn giặc cỏ, tiến quân sát đến Sơn Nam. Trấn tướng Vũ Tá Sắt đánh nhau với bọn Hữu Cầu, không được thắng lợi. Trịnh Doanh nhận thấy Hữu Cầu vốn sợ Đình Trọng, nên sai Đình Trọng đi đánh.

Doanh lại dụ bảo Ngũ Phúc rằng: Hạ lộ Sơn Nam, nhân dân đông đúc, sản vật phong phú, tức là đất Quan Trung3356 Hà Nội3357 của nước nhà đấy. Nay đảng giặc đóng đầy ở cả đấy, thế đương nguy cấp. Nếu Sơn Đông tạm được bình định, thì nhà ngươi nên cùng Đình Trọng hợp sức tiến quân càn quét, để giữ lấy đất Quan Trung, Hà Nội ấy.

Lời chua-Vũ Tá Sát: Người xã Hà Hoàng, huyện Thạch Hà3358 .

Duyên Hà: Xem Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 6 (Chb. XXX, 6).

Nguyễn Hữu Cầu xâm phạm sông Bồ Đề. Phạm Đình Trọng đuổi đánh, Hữu Cầu thua chạy.

Hữu Cầu bị Đình Trọng đánh bại ở Cẩm Giàng, nhân đấy, hắn bàn với đồ đảng rằng: "Ta mới bị thua, tin thắng trận đưa về, tất nhiên ở kinh sư không phòng bị, ta đem quân đánh úp thế nào cũng thắng được". Hắn bèn nhân ban đêm đi gấp đường, hẹn trống canh năm đến bến Bồ Đề, lẻn cho quân sang sông, nhưng khi đến bến, thì trời đã sáng rồi. Trịnh Doanh tự làm tướng, chống cự ở bến sông phía Nam. Đình Trọng được tin, đem hết quân lính đuổi theo, lại đánh thắng được, Hữu Cầu bỏ trốn.

Trước kia, năm Canh Thân và Tân Dậu (1740-1741) liền hai năm mất mùa, kém đói, vùng Hải Dương lại kém đói hơn cả. Hữu Cầu cướp thuyền buôn lấy được thóc gạo, bèn đem chia cho dân; nhờ đấy nhiều người được cứu sống. Hữu Cầu lại đưa đẩy bằng mưu mô xảo quyệt, sai khiến bằng uy quyền võ lực, nhân dân người bị uy hiếp, người bị dụ dỗ, thành ra lâu ngày tự nhiên tín phục, cho nên Hữu Cầu tuy thường bị thua đau, chỉ một thân thoát nạn, những hễ giơ tay hô một tiếng, thì chốc lát lại sum hợp như mây, vì thế mà có thể tung hoành ở mặt đông bắc, làm tên giặc kiệt hiệt trong một đời.

Sai hoạn quan Đàm Xuân Vực trấn thủ Kinh Bắc.

Trấn Kinh Bắc thế giặc lan tràn, phó tướng Nguyễn Trọng Thân xin cho thêm quân. Các quan trong chính phủ lấy cớ rằng Kinh Bắc là thành lũy của Kinh Sư, thế mà mặt đông có giặc Hoàng Công Chất, mặt tây có giặc Nguyễn Danh Phương, hơn nữa ở Phương Nhãn và Bảo Lộc dân tình nhốn nháo nổi dậy, ba mặt có giặc xông pha như thế, cần phải phòng bị ngay. Nay vùng đông nam sự thế đã được tạm thư, nên chuyên giao cho Đình Trọng liệu lý vùng này, mà rút Ngũ Phúc và Xuân Vực về, để chuyển lên đánh vùng bắc. Trịnh Doanh bèn sai Xuân Vực trấn thủ Kinh Bắc, để làm thanh thế rộng ra đến Tây Bắc. Lại hạ lệnh cho Xuân Vực cùng bọn đô đốc Bùi Thế Đạt ứng tiếp lẫn nhau.

Lời chua-Bùi Thế Đạt: Người xã Tiên Lý, huyện Đông Thành3359 .

Phương Nhãn: Tức Long Nhãn, xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 6 (Chb. VII, 32, 33).

Bảo Lộc3360 : Tên huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh.

Sai Đinh Văn Giai trấn thủ Sơn Tây.

Trước đây, giặc ở Sơn Tây, đánh cướp Sơn Đông, Trịnh Doanh sai Hoàng Ngũ Phúc đem quân tuần hành Sơn Tây. Đến nay triệu về, bổ dụng Văn Giai thay làm trấn thủ. Dụ bảo rằng: "Sơn Tây là phên giậu của nước nhà, thế mà mặt bắc gần Danh Phương, mặt nam liền với Tương và Mật, thế giặc tràn lan, lòng người lo sợ. Vậy cho phép nhà người ở đấy được tùy tiện làm việc, để ta đở lo nghĩ về mặt tây". Tuy thế, nhưng Văn Giai tự giữ uy danh vọng của mình, gặp giặc nhiều khi cứ chểnh mảng không đánh. Vì thế, Danh Phương càng quấy rối cướp bóc dữ dội, dân vùng Sơn Tây phần nhiều bị cay đắng.

Hoãn tô ruộng tư cho Thanh Hoa và Nghệ An.

Kỷ Tỵ, năm thứ 10 (1749). (Thanh, năm Càn Long thứ 14).

Tháng giêng, mùa xuân. Miễn tiền thuế điệu và thuế thiếu các năm trước cho dân ở gần kinh kỳ.

Lúc ấy, triều đình thu lương, bắt lính làm phiền nhiễu luôn, các lộ Thường Tín, Ứng Thiên, Quốc Oai và Thuận An ở gần kinh kỳ, dân rất khổ về sự cung đốn, nên đặc ân miễn xá cho.

Lời chua-Thường Tín: Xem Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ nhất (Chb. XXXIII, 3).

Quốc Oai: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 5 (Chb. X, 16).

Ứng Thiên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 5 (Chb. II, 18).

Thuận An: Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 12 (Chb. X, 4).

Tháng 3. Có thủy tai lớn.

Nước tràn ngập, đê bị vỡ. Triều đình hạ lệnh tạm bắt dân phu bồi đắp, hoãn thu tiền gia tô.

Lê Duy Mật đem quân ra Sơn Nam, triều đình sai Văn Đình Ức và Mai Thế Chuẩn chống cự.

Duy Mật đem quân ra xã Kính Lão, đến huyện Hoài An, giặc Tương (sót họ) cũng đem hết quân tụ họp ở Kiệt Sơn, làm thanh thế xa rộng. Trịnh Doanh thấy Sơn Nam gần với khu vực kinh kỳ, bèn sai bọn đô đốc Văn Đình Ức và hiệu điểm Mai Thế Chuẩn chia quân chiểu theo địa thế phòng ngự, mà sai Lân trung hầu (tên là Lân sót họ), nhân đồn lũy của Duy Mật để sơ hở, đem quân xông lên đánh phá làm cho Ngọc Lân bị rối loạn.

Lời chua-Kính Lão và Kiệt Sơn: Đều tên xã, thuộc huyện Mĩ Lương3361 , tỉnh Sơn Tây.

Hoài An: Tên huyện, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 9).

Ngọc Lâu: Tên xã, xem năm Cảnh Hưng thứ 2 (Chb. XXXIX, 18).

Tháng 5, mùa hạ. Định rõ cách thức thưởng công.

Theo chế độ cũ về việc thưởng công: người có công nhỏ thưởng cho vàng lụa, công lớn phong cho tước hoặc ruộng đất. Gần đây, chuyên dùng quan tước thưởng công, rồi đi dần đến chỗ quá lạm. Lại theo chế độ cũ: hai ban văn và võ từ tam phẩm đến nhất phẩm, thứ tự xếp đặt cho thăng chức, đều gần giống nhau. Đến quãng năm Bảo Thái triều Dụ Tông, mới đem thứ tự về cấp bậc của ban võ rút bớt đi, thành ra so với ban văn (văn ban 27 bậc, võ ban 17 bậc) thì bên thăng chậm, bên thăng chóng khác nhau, cho nên bầy tôi về võ ban đều nhảy vọt lên phẩm trật cao, những viên quan quản lãnh binh lính phần nhiểu được phong tước hầu, tước bá. Đến nay bàn định cách thức thưởng công, dùng kim bài hoặc ngân bài làm hạn định thăng chức. Về võ giai từ quan tam phẩm trở lên, thứ tự về cấp bậc cũng như văn ban, còn việc trao tước thì do đặc ân của chúa ban cho. Từ đây, đổi dần được tệ cũ.

Lời chua-Kim bài và ngân bài: Điều lệ định cách thức thưởng công triều Cảnh Hưng đời cố Lê, mỗi một chiếc kim bài chuẩn cho thăng chức ba bậc; ngân bài hạng lớn và hạng trung đều chuẩn cho thăng chức một bậc.

Tháng 6. Tuyển đinh tráng Sơn Nam.

Lúc ấy, vì có việc đánh dẹp, nên các quan trong chính phủ bàn định bắt thêm lính để tăng thêm thế lực quân đội. Bèn hạ lệnh cho bọn Vũ Tá Quán tuyển lấy tráng đinh ở các huyện Nam Xang, Phú

Xuyên và Thượng Phúc sung vào quân ngũ, miễn cho thuế đinh suất, bắt phải tự sắm lấy khí giới để thao luyện diễn tập, hẹn khi nào dẹp yên được giặc sẽ tha cho về.

Lời chua-Vũ Tá Quán: Người xã Hà Hoàng3362 , huyện Thạch Hà, đỗ tạo sĩ.

Nam Xang: Xem Anh Tông, năm Chính Trị thứ 3 (Chb. XXVIII, 15).

Phú Xuyên: Xem Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (Chb. XXXVIII, 30).

Thượng Phúc: Xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 9).

Tháng 7, mùa thu. Sửa đắp, thành bằng đất ở thành Đại Độ.

Lúc ấy, trong nước nhiều nơi nguy cấp, Trịnh Doanh có chí luôn luôn mặc áo giáp, sẵn sàng ra mặt trận. Nhân bảo với tả hữu rằng: "Kinh sư là cỗi gốc cả nước, cung miếu của triều đình, dinh thự của trăm quan đều ở đấy, thế mà đường ngõ bốn mặt đi lại thông đồng, thành lũy không thể trông cậy được. Nay nơi biên cảnh có giặc, nếu một ngày kia lục sư3363 xuất phát, thì không thể không liệu lượng để lại một số binh lính để chống giặc và giữ kinh thành, mà nếu số quân giữ thành chống giặc để lại nhiều thì số quân đánh dẹp ở mặt trận ít đi, cho nên việc xếp đặt nơi hiểm để giữ quốc đô, từ đờicổ đến nay, bao giờ cũng thế. Nước Việt ta từ triều nhà Lý dựng kinh đô ở đây, đã từng đắp thành Đại La, nay có thể nhân vào thành ấy mà sửa đắp lại, để sau này, nếu có việc ở mặt ngoài, thì không phải lo nghĩ đến mặt trong nữa, như thế chả phải là kế mưu rất tốt: chỉ khó nhọc một lần mà được yên nghĩ mãi mãi đó ru?". Doanh bèn hạ lệnh: Xem xét địa thế trong kinh kỳ, liệu lượng công trình đắp đất, số dân phu phải làm; rồi bắt dân các huyện chung quanh kinh kỳ góp sức sửa đắp. Khi đắp xong, mở tám cửa, mỗi cửa đặt hai ô tả và hữu, phân phối binh lính canh giữ để phòng bị lúc yên ổn, lúc nguy cấp.

Lời chua-Đại Độ: Tức thành Đại La, nay ngoài tỉnh thành Hà Nội, bốn chung quanh vẫn còn lũy đất.

Khởi phục Trần Cảnh vào phủ chúa giữ chức tham tụng.

Trần Cảnh nói: "Nay bắt đinh tráng đắp thành đất, dùng sức dân đã nặng, mà người thừa hành lại làm phiền nhiễu thêm mất lòng dân, triều đình tuy có lòng thương yêu, nhưng đối với dân như thế, tôi e rằng không giữ được điều tín nghĩa. Vậy xin sức rõ cho viên quan có trách nhiệm nghiêm cấm bọn sai dịch và thời thường xét hỏi, để thi hành việc thưởng phạt". Trịnh Doanh theo lời.

Tháng 10, mùa đông. Hội hợp các đạo quân ở Bồ Đề.

Lúc ấy bọn Nguyễn Hữu Cầu, giặc vùng đông nam, cướp bóc không thôi, các đạo quân cầm cự với giặc đã lâu ngày mà chưa sao dẹp yên ngay được. Trịnh Doanh muốn tự đi thân chinh, bầy tôi đều có can ngăn. Doanh bèn hội hợp quan quân ba đạo ở bờ phía bắc sông Bồ Đề, hạ lệnh cho Hoàng Ngũ Phúc vẫn kiêm chức thống lãnh, Phạm Đình Trọng vẫn giữ chức hiệp thống lãnh đem quân đi đánh. Bọn Ngũ Phúc đã từng nhiều năm đi đánh dẹp, biết rõ được địa thế, địch tình, đến nay họ xem xét thời cơ chặn đánh, nhiều lần thắng trận, đồ đảng của giặc phần nhiều đến cửa quân đầu hàng, nên dần dần có cái thế làm cỏ được giặc.

Nguyễn Danh Phương cướp huyện Tiên Phong. Triều đình sai Nguyễn Phan đem quân đi đánh.

Danh Phương từ Bạch Hạc đến cướp xã Cổ Đô huyện Tiên Phong, thanh thế rất lừng lẫy. Hiệp trấn Sơn Tây và Hà Huân dâng thư cáo cấp. Trịnh Doanh hạ lệnh cho cai cơ Nguyễn Phan và phó đốc thị Bùi Trọng Huyến đi đánh, trấn thủ Đinh Văn Giai thì xem xét thời cơ, tìm phương pháp ứng tiếp.

Lời chua-Bùi Trọng Huyến: Người xã Tiên Mộc, huyện Nông Cống3364 , đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1739) năm Vĩnh Hựu triều Ý Tông.

Cổ Đô3365 : Tên xã, thuộc huyện Tiên Phong, tỉnh Sơn Tây.

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...