Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 41 Từ Canh Ngọ, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) đến Bính Tý, năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756)

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 41

Từ Canh Ngọ, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750) đến Bính Tý, năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756), gồm 7 năm.

Canh Ngọ, năm Cảnh Hưng thứ 11 (1750). (Thanh, năm Càn Long thứ 15).

Tháng giêng, mùa xuân. Hạ lệnh: Ban bố 12 điều hiểu thị trong kinh, ngoài trấn.

Trịnh Doanh hạ lệnh, đại lược nói: Thưởng người làm lình, phạt người làm dữ, là quyền lớn của vua chúa ngự trị trên đời. Ít lâu nay, vì chốn biên cương xảy ra nhiều việc, phải đánh dẹp mấy năm liền, nên dùng quan chức để thưởng người có công, dùng tài năng mà tha cho tội lỗi, thành ra chức tước và đồ khí dụng dần đến tiếm lạm, tệ tục ấy mỗi ngày một tăng lên. Nay cần phải chấn chỉnh lại, để cùng với sự việc đổi mới. Vậy ban bố 12 điều hiển thị trong kinh, ngoài trấn.

Lời chua-12 điều:

1. Viên đại thần vào hạng thân thích, hạng có công, tâu bày công việc, làm tờ niêm phong kín dâng nộp.

2. Viên chưởng phủ và tham tụng tùy từng việc mà dâng điều hay, ngăn điều dở.

3. Viên thống lãnh các đạo quân phải xếp đặt công việc kỷ càng cho hợp lẽ phải.

4. Viên ngự sử khi đàn hặc đứng đối diện với hàng nghi trượng.

5. Cấm nhà quyền thế ức hiếp người khác.

6. Viên thiêm sai khám xét kiện tụng phải theo lẽ công bằng.

7. Viên nội sai chi ra thu vào3366 phải rõ ràng cẩn thận.

8. Trăm quan phải kính cẩn làm đầy đủ chức phận.

9. Binh lính phải có kỷ luật, không được sinh lòng kiêu căng, lười biếng.

10. Dân phải theo lệnh trên, các hào mục trong làng không được quấy nhiễu dân.

11. Cấm sở tuần ti đánh thuế trái pháp.

12. Răn cấm lại dịch tiết lậu việc quan hoặc lười biếng bỏ việc.

Tháng 8, mùa thu. Lại thi hành phép ấm từ đời Bảo Thái.

Hồi đầu niên hiệu Bảo Thái3367 , chuẩn định: Con quan văn, quan võ vào học Quốc Tử Giám, nếu là con quan nhị phẩm, sẽ trao cho chức tự thừa, nếu là con quan tam phẩm sẽ trao cho chức tư vụ; khi mãn niên hạn sẽ được thăng chức viên ngoại hoặc tri phủ, nhưng sau, người được trao cho chức tư vụ đã mãn niên hạn, chỉ được thăng chức tự thừa. Đến nay lại thi hành phép cũ.

Tháng 11, mùa đông. Bắt đầu thu "tiền thông kinh".

Lúc bắt đầu trung hưng, số tiền do sinh đồ nộp đều cấp làm món tiền chi phí của hiệu quan trong huyện. Năm Bảo Thái thi hành việc đánh thuế điệu, khoản trường khoán trông vào tiền công, nên tiền minh kinh cũng nộp vào quan, để chi cấp cho sự cung đốn, sự cần dùng về công việc trường thi. Đến nay, vì dùng quân đánh dẹp, chi phí mất nhiều, tài dụng trong nước không đủ. Năm nào gặp khoa thi hương, thì hạ lệnh cho mỗi người nộp ba quan tiền, sẽ miễn phải khảo hạch và đều cho đi thi, gọi là "tiền thông kinh"" (đỗi chữ "minh" làm chữ "thông", có lẽ tránh hiệu Minh Vương của Trịnh Doanh). Đấy là theo lời bàn của Đỗ Thế Giai, một viên quan giữ chính quyền trong phủ chúa Trịnh.

Do đấy, người làm ruộng, người buôn bán, người đồ tể đều hớn hở nộp quyển đi thi. Ngày vào trường thi, học trò giày xéo lẫn lên nhau đến nỗi có người chết. Trong trường thi thì kẻ mang sách, kẻ mướn người làm gà, hành động thả cửa, quan trường cùng người gian trá làm như họp chợ. Phép thi như thế, thối nát quá chừng.

Lời phê-Chính sự đỗ nát không còn gì hơn nữa. Lời chua-Hiệu quan: Viên giáo dụ ở phủ hoặc huyện.

Tháng 12. Trịnh Doanh tự đốc suất đại quân đi đánh Nguyễn Danh Phương.

Danh Phương hiệu là Canh Ngọ, lại một niên hiệu nữa là Ngũ Thập, làm giặc ở vùng Sơn Tây. Khoảng đầu năm Vĩnh Hựu, giặc ở Sơn Tây là Tế và Bồng nổi loạn, khi Tế và Bồng bị bại, Danh Phương tập hợp quân chúng còn sót lại được vài vạn người, chiếm cứ xã Thanh Lãnh và thôn Việt Trì, lại chiếm cứ núi Độc Tôn thuộc huyện Tam Dương. Sau khi thua trận ở Bạch Hạc, Danh Phương chỉ dựa vào nơi hiểm trở đế cướp bóc vặt, không dám khinh thường đem quân ra. Đến lúc Hoàng Phùng Cơ đầu hàng, được triều đình sẵn lòng vỗ về yên ủi, Danh Phương thấy thế, cũng có ý muốn xin hàng. Hắn bèn dùng lễ vật rất hậu bí mật đút lót cho vợ chúa Trịnh là Nguyễn Thị (người xã Thịnh Mĩ huyện Lôi Dương) và hoạn quan Đàm Xuân Vực, Xuân Vực giúp hắn dâng tờ hiểu đầu hàng, Trịnh Doanh y cho. Nhưng khi triệu vào triều thì Danh Phương không nhận mệnh lệnh, lại làm phản, chiếm cứ núi Ngọc Bội làm sào huyệt, tự xưng là Thuận Thiên Khải Vân đại nhân, lập cung điện, đặt quan thuộc, cờ quạt, xe cộ và đồ dùng, tiếm lạm sánh với nghi vệ thiên tử. Nơi hắn ở gọi là đại đồn, sau đến đồn Hương Canh gọi là trung đồn, Úc Kỳ gọi là ngoại đồn, còn các đồn lẽ, lũy riêng lại nhiều gấp hai. Quân đóng ở đâu đều làm ruộng, chứa thóc, làm kế cố giữ. Lại tự tiện giữ mối lợi về chè, sơn, tre, gỗ ở miền thượng du và xưởng mõ ở Tuyên Quang, do đó mà thóc gạo của báu chứa cao như núi. Hắn chia quân chặn giữ nơi hiểm yếu, để kháng cự với quan quân. Triều đình nhiều lần sai quân đi đánh, thì hắn chở của để đút lót cho quan quân. Các tướng của hám lợi, cứ dung túng cho giặc để bảo toàn lấy thân. Vì thế nên thế giặc ngày càng vững vàng, hơn 10 năm trời, Danh Phương nghiễm nhên là một nước đối địch với triều đình.

Lúc ấy, quan quân các đạo hội họp càn quét, bắt được em hắn là Văn Bì và Văn Quảng, thình lình hắn đem quân ập đến bao vây xã Thanh Lãnh, quan quân hầu bị nguy khốn, liền thả Văn Bì và Văn Quảng để trã lại, hắn mới giải vây kéo quân đi. Ấy hắn kiệt hiệt đến như thế. Các huyện thuộc phủ Tam Đái, Lâm Thao và Đà Dương đều bị Danh Phương chiếm cứ, đi đến đâu cướp bóc, chém giết nhẵn nhụi, dân vùng phía tây bị kiệt hại rất tàn khóc.

Đến nay Trịnh Doanh tự đốc suất đại binh đi đánh, bèn hạ lệnh cho Hoàng Ngũ Phúc và Đỗ Thế Giai định 37 điều quân lệnh, chia binh sĩ làm bốn đạo quân, bổ dụng Hoàng Ngũ Phúc tạm trông coi việc quân. Nguyễn Nghiễm làm tán lý, Đoàn Chú làm hiệp đồng, hẹn ngày xuất phát.

Lời chua-Đoàn Chú: Người xã Phù Lỗ, huyện Kim Anh, đỗ hoàng giáo khoa Bính Thìn3368 , năm Cảnh Hưng.

Núi Ngọc Bội: Ở địa giới hai huyện Tam Dương thuộc Sơn Tây và Bình Xuyên thuộc Thái Nguyên3368 .

Thanh Lãnh: Tên xã.

Việt Trì: Tên thôn. Đều xem năm Cảnh Hưng thứ 5 (Chb. XL. 11).

Núi Độc Tôn: Xem Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 8 (Chb. XXXVI, 34).

Ức Kỳ: Tên xã, năm Cảnh Hưng thứ 6 (Chb. XL, 12).

Hương Canh: Tên xã, thuộc huyện Yên Lãng.3370 Tỉnh Sơn Tây.

Tam Đái: Xem ngang với Tống Thái Tổ, năm Kiến Đức thứ 4 (Tb. V, 29).

Lâm Thao: Xem An Dương Vương, năm thứ 37 (Tb. I, 13)3371 .

Phủ Đà Dương: Tức Đà Giang, thuộc Sơn Tây, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18).

Tân Mùi, năm thứ 12 (1751). (Thanh, năm Càn Long thứ 16).

Tháng giêng, mùa xuân. Phạm Đình Trọng bắt được Nguyễn Hữu Cầu ở Nghệ An.

Hữu Cầu lúc còn nhỏ là hạng đầu trộm, sau theo Nguyễn Cừ, tướng giặc Ninh Xá, Cừ gã con gái cho. Khi Cừ bị bại, Hữu Cầu lại hô hào tụ họp đồ đảng cướp bóc. Lúc ấy, Nguyễn Danh Phương chiếm cứ Sơn Tây, Nguyễn Diên chiếm cứ Nghệ An, Hoàng Công Chất chiếm cứ Khoái Châu, Lê Duy Mật chiếm cứ Ngọc Lâu, người nào cũng nắm trong tay vài ba vạn quân, riêng Hữu Cầu là kiệt hiệt hơn cả. Hữu Cầu lại là người mạnh khỏe, nhanh nhẹn, chiến đấu hăng, trí mưu quỷ quyệt trăm đường, nhiều lần bị mấy vòng vây, chỉ một mình một ngựa vượt vây xông ra, rồi vài hôm sau lại có quân chúng hàng vạn. Khi ra trận, một mình cưỡi ngựa, cầm siêu đao, đi lại như bay, quân sĩ không ai là không sợ hãi chạy giạt, đến các tướng cũng phải tránh uy phong của hắn, chỉ một mình Đình Trọng thề quyết chí giết cho bằng được, nên triều đình vững lòng dựa vào Đình Trọng. Đình Trọng cầm quân có kỷ luật, hễ trận nào Hữu Cầu gặp Đình Trọng liền bị thua. Các tướng lúc bấy giờ, Hữu Cầu chỉ sợ có Đình Trọng mà thôi.

Từ khi bị thua trận Bồ Đề, Hữu Cầu hợp lực với Hoàng Công Chất, đánh phá cướp bóc các huyện Thần Khê, Thanh Quan. Đình Trọng cùng Ngũ Phúc đốc suất binh sĩ đi đánh, sang đò Hoàng Giang qua huyện Nam Xang, đến huyện Bình Lục, đánh nhau với Hữu Cầu ở các sông Mã Não và Hương Nhi, quân giặc bị thua. Lại đuổi đến xã Quang Dực và Lộng Khê, đánh luôn mấy trận đều phá tan được, đảng giặc bị tan tác. Công Chất chạy vào Thanh Hoa, Hữu Cầu cũng trốn vào Nghệ An nương nhờ Nguyễn Diên. Diên giúp cho binh lính, lương thực, Hữu Cầu nương thân ở Nguyên Lãm.

Ít lâu sau, Đình Trọng đem đại binh đuổi theo đến nơi, quân của Hữu Cầu bèn tan vỡ. Hữu Cầu bị khốn quẫn bức bách, liền vượt ra biển, toan quayvề vùng đống. Vì gặp gió bão thình lình nổi lên, Hữu Cầu bèn cùng mấy chục thủ hạ lên bộ, tranh cướp lấy đường mà chạy, ẩn trốn trong núi Hoàng Mai, bị Phạm Đình Sĩ, thuộc tướng của Đình Trọng, bắt được, liền đóng cũi đưa về quân thứ Trịnh Doanh.

Lời chua-Phạm Đình Sĩ: Người xã Bắc Trạch huyện Chân Định3372 .

Hoàng Giang: Ở địa phận xã Vị Hoàng, huyện Mĩ Lộc, tỉnh Nam Định.

Nam Xang: Xem Lê Anh Tông, năm Chính Trị thứ 3 (Chb. XXVIII, 15).

Bình Lục: Tên huyện, thuộc Hà Nội3373 .

Mã Não và Hương Nhi: Tên hai xã, thuộc huyện Bình Lục.

Quang Dực: Tên xã, thuộc huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương.

Lộng Khê: Tên xã, thuộc huyện Phụ Dực tỉnh Nam Định3374 .

Hương Lãm: Tên xã, thuộc huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An3375 .

Hoàng Mai: Tên xã, thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Tháng 2, Nguyễn Phan đánh Nguyễn Danh Phương ở núi Ngọc Bội, Danh Phương bị thua to và bị bắt. Bình định được vùng Sơn Tây.

Trước đây, Danh Phương dựa vào hiểm trở, cố giữ để ngăn trở quan quân, lại coi thường các tướng, tưởng đại binh không thế nào đến được. Trịnh Doanh đi đường Thái Nguyên, lừa lúc không ngờ, đương đêm, đánh úp đồn Ức Kỳ, phá vỡ được, lại tiến quân sát đến đồn Hương Canh. Giặc đem hết quân ra chống cự, đạn bay như mưa. Quan quân không sao tiến lên được. Lúc ấy trong hàng các tướng, chỉ có Nguyễn Phan, vốn gọi là một viên tướng vô địch. Trịnh Doanh đem thanh kiếm trao cho Phan nói: "Nếu không phá được đồn này, lập tức phải xử theo quân pháp". Phan đem quân tiến lên, cỡi chiến bào, nhảy xuống ngựa, đánh nhau dưới đất. Phan ngoảnh lại bảo thủ hạ rằng: "Các quân sĩ đã nghi tên trong sổ quân lệnh, tự phải giữ phép quân. Bọn người đều là tôi tớ của ta, nay chính là lúc ta bỏ mình đền ơn nước, mà cũng chính là ngày các ngươi đền ơn ta. Vậy những ai có cha mẹ già, con bé, không nở dứt mối tình riêng, thì đều cho lui ra, còn thì đều nên cùng ta quyết liều chết để báo ơn nước, không nên sống uổng cái thân mày râu!". Mọi người nghe lời Phan nói, không ai chịu lùi. Phan tự xông lên trước quân sĩ, cố sức đánh, phá tan được. Danh Phương thu nhặt số quân còn sót lại giữ đại đồn Ngọc Bội. Đồn Ngọc Bội là sào huyệt của giặc, thế núi cao vót hiểm trở, giặc đã lấp cửa ngõ các đường tắt từ trước, bố trí một loạt súng ở trên núi để cố thủ. Trịnh Doanh lại sai Phan tiến đánh. Phan sai mọi người đều cầm gươm mác, người nào cũng được phép tự ý đánh chiếm, lại hẹn, hễ nghe tiếng súng thì nằm phục xuống, bằng không thì trèo đá mà vượt lên. Phan đem mọi người tiến lên trước, tam quân kế tiếp theo sau, quân sĩ tiến lên núi trông như đàn kiến. Quân giặc đỗ vỡ tan tành, Danh Phương lủi vào núi Độc Tôn. Quan quân lại đuổi theo đánh phá tan vỡ. Danh Phương cùng đồ đảng đốt doanh lũy, rồi nhân đêm chạy trốn. Quan quân đuổi theo, bắt được Danh Phương ở xã Tĩnh Luyện, huyện Lập Thạch.

Sau khi Danh Phương bị bắt, thì cái cũi nhốt Nguyễn Hữu Cầu chợt giải đến quân thứ. Trịnh Doanh bèn mở tiệc lớn ở quân thứ Xuân Hi để khao tướng sĩ. Trong khi yến ẩm, Trịnh Doanh sai Hữu Cầu thổi sáo, Danh Phương rót rượu, tam quân xúm quanh lại xem, tiếng vui mừng nổi lên như sấm, bèn kéo quân về kinh sư.

Trận này, từ lúc đem quân sang qua sông đến lúc thắng trận kéo về, chỉ có 43 ngày. Khi về kinh sư, đến cửa khuyết dâng công thắng trận, bèn làm lễ dâng tù binh ở Thái Miếu. Hữu Cầu lập mưu vượt ngục, bị lộ chuyện, liền đem giết cả với Danh Phương.

Lời phê3376 -Lời nói đáng kính đáng sợ như lúc còn sống, ngàn đời sau này còn có thể làm cho người ta cảm động phấn khởi. Thế mà trong sử bảo Nguyễn Phan cùng Văn Đình Ức danh tiếng ngang nhau3377 , nói như thế khác nào đem viên ngọc giả trộn lẫn với viên ngọc thật. Lời phê3378 -Một việc vui sướng ngàn đời. Nếu không có Trịnh Doanh, thì việc này cũng rất khó khăn. Lời chua-Núi Độc Tôn: Xem Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 8 (Chb. XXXVI, 34).

Xuân Hi: Tên xã, thuộc huyện Kim Anh3379 , tỉnh Bắc Ninh.

Tĩnh Luyện: Tên xã, thuộc huyện Lập Thạch3380 , tỉnh Sơn Tây.

Sai Nguyễn Quai và Dương Công Chú đi dụ bảo, yên ủi dân các lộ Tây Bắc và Thái Nguyên.

Bọn Nguyễn Quai bái từ ra đi, Trịnh Doanh bảo: "Dân gặp giặc cướp làm cay đắng đã lâu, nay nên để ý hỏi han yên ủi, các ngươi đi đến đâu cần tuyên truyền đức ý triều đình và đề đạt tình hình người dưới; những việc ăn uống đưa đón, nhất thiết chớ làm phiền đến dân". Bèn ban cho 300 quan tiền hành lý.

Lời chua-Tây: Tức Sơn Tây, Bắc: Tức Bắc Ninh, Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc. Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18, 19, 27, 28, 31, 32, 34, 35).

Hạ lệnh cho Trịnh Tuệ và Lê Sĩ Bàng khám hỏi kiện tụng.

Lúc ấy, Trịnh Tuệ giữ chức thừa chính trấn Sơn Nam, Sĩ Bàng giữ chức tham chính trấn Kinh Bắc. Trịnh Doanh hạ đặc chỉ triệu về kinh, rồi sai chầu chực ở điểm cửa tả, khám xét mọi việc kiện tụng.

Lời chua-Lê Sĩ Bàng: Người xã Nội Thiên Lộc, huyện Thiên Lộc3381 , đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) năm Vĩnh Hựu triều Lê Ý Tông.

Tháng 3. Thi lại cống sĩ mới đỗ ở lầu Ngũ Long.

Từ lúc có thể nộp tiền để đi thi, học trò quen thói đua nhau chạy chọt, quan trường lại coi thường kỷ luật, làm sự gửi gấp công khai, người thi đỗ phần nhiều không phải thực học, vì thế lời bàn tán bên ngoài rất là xôn xao. Trịnh Doanh nổi giận, bèn bắt thi lại, đánh hỏng hơn 200 người; quan trường đều bị biếm chức hoặc bãi chức, duy Vũ Công Trấn, giữ chức đề điệu trường thi Kinh Bắc, được miễn nghị.

Lúc thi lại, Trần Danh Ninh giữ chức chủ khảo, Ngô Đình Oánh và Trần Huy Mật vào hầu chúa Trịnh để ra đầu bài.

Nói về thi cử thời đầu triều Lê, văn chương quý mạnh mẽ, hồn hậu, đầu bài cũng cần những điều đại thể và cốt yếu. Đến khoảng năm Thiệu Bình (1434-1439), Hồng Đức (1470-1497), về đầu bài kinh nghĩa không bó buộc phải ra ở chương nào, thiên nào; về đầu bài tứ lục và thơ, phú không cần hết thảy phải ra ở sách Kinh hoặc sách Sử; về đầu bài văn sách không dùng những điển hiểm bí lờ mờ. Ví dụ như những đầu bài sau đây:

Bài kinh nghĩa"doanh doanh thanh dăng chỉ vu phàn"3382 ;

Bài chế "mệnh Lê Niệm vi bình chương"3383 ;

Bài biểu "Chiêm Thành cống tự".

Thơ phú thì có khi dùng điển sách ngoài để ra đầu bài như: bài "độ nghĩ kiều"3379 , bài "nghiễn trì ngưu"3380 , bài "ngư phủ nhập đào nguyên"3381 , v.v... Những bài này không phải người có sức học dồi dào phong phú, sâu rộng, thông hoạt, không thể làm được; văn sách cũng thế.

Từ lúc trung hưng trở về sau, ,thay đổi thế văn, một lần thay đổi thì dùng lối rập theo sáo cũ là quý, lại một lần thay đổi nữa thì dùng lối lựa từng lời, gọt từng câu là hay, thành ra thể văn ngày đi đến bạc nhược. Khoảng năm Chính Hòa (1680-1704) bàn khôi phục lại thể văn đời Hồng Đức, Vũ Thạnh và Ngô Vi Thực kế tiếp nhau đứng ra chấn chỉnh, nhưng chung quy cũng không sao bỏ được lối văn trước.

Đến nay, thi lại, bọn Ngô Đình Oánh ra đầu bài văn sách, lại chia ra hỏi về nhiều mục, Nhữ Đình Toản không ưa, bèn xin chỉ chuẩn ấn định: Văn sách về cổ văn thì hỏi đại lược việc phải việc trái; về kim văn thì hỏi công việc hiện thời. Thi hương, thi hội và thi đình đều theo thể văn đời Hồng Đức. Trịnh Doanh y theo.

Lời chua-Ngô Vi Thực: Người xã Tả Thanh Oai3387 , huyện Thanh Oai, đỗ tiến sĩ khoa Tân Mùi (1691) năm Chính Hòa triều Hi Tông.

Mồng một, tháng 5, mùa hạ. Nhật thực.

Tháng 6. Chấn chỉnh chức trách các quan giữ việc chính trị.

Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước gần được được bình định, cần phải chấn chỉnh chức trách các viên quan giữ việc chính trịm bèn hạ lệnh cho tham tụng Nhữ Đình Toản châm chước điển lệ các triều, xếp đặt quan chức phẩm trật thành từng loại, gọi là "Tấn thân thực lục". Lại ban hành 9 điều nói rõ chức trách công việc các quan trong kinh, ngoài trấn:

1. Giúp đỡ vua làm cho bụng nghĩ của vua được ngay thẳng.

2. Phân biệt, kèn chọn quan lại.

3. Bàn định chính sách đối với dân.

4.Định kỷ luật quân ngũ.

5. Xếp đặt việc chi dùng trong nước.

6. Sách tỏ về thể lệ kiện tụng.

7. Bàn định việc tính toán chi thu.

8. Việc thường, việc phạt phải cho đúng lẽ.

9. Hiệu lệnh phải tin thật.

Chín điều trên này răn bảo các quan giữ việc trong chính phủ, để tuỳ tài từng người mà trao cho chức việc, phân biệt bổ dụng các chức quan.

Nói về quan chế triều nhà Lê, từ lúc trung hưng thay đổi phép tắc:

Các quan đại thần trong chính phủ, thì xếp đặc chức chưởng phủ và thự phủ đứng đầu về võ giai, gọi là "ngũ phủ" tham tụng đứng đầu về văn giai, gọi là "phủ liêu". Các chức này đều là chức vị tể tướng, dưới đến bồi tụng và quyền phủ cùng được dự bàn chính sự. Còn liêu thuộc là thiêm sai, tùy sai theo làm công việc thăm hỏi, thì bổ dụng cả quan văn lẫn quan võ, duy quan văn giữ chức trong lục phiên, phụng lệnh làm việc văn thư;

Bầy tôi thân cận là nội sai tiểu ti, giữ công việc truyền đạt mệnh lệnh vua ra ngoài và nhận tờ sớ biểu của bên ngoài dâng nộp lên vua;

Các quan trong lục bộ nắm giữ đại cương của lục phiên;

Các quan trong lục khoa đàn hặc sự sai trái của lục bộ;

Các quan khanh trong lục tự đều giữ chức vụ của mình.

Ngự sử đài làm giường mối cho 13 đạo và các ti Đề Lãnh, Phủ Doãn trong kinh kỳ. Chức đề hành giám sát thuộc vào Ngự sử đài.

Quan ngoài các trấn thì đặt ba ti trấn thủ, Thừa chính và Hiến sát: ti Trấn thủ giữ việc cầm phòng trộm cướp; ti thừa chính làm tiêu biểu cho các quan phủ, châu và huyện noi theo; ti Hiến sát giữ việc đàn hặc quan lại trái phép từ Trấn Ti trở xuống và bọn quyền quý, cường hào, lại giữ việc xét hỏi các kiện tụng. Ba ti này đều thống thuộc vào Ngự sử đài.

Lại có Tông nhân phủ, Quốc Tử Giám, Kinh Diên, Sử Quán, Hàn Lâm, Đông Các, Tư Lễ, Tư Thiên Giám và Lệnh Sử, các nha môn đều có quan giữ từng công việc.

Từ lúc dùng quân đánh dẹp trở đi, phép tắc kỷ cương dần dần buông lỏng, trăm quan phần nhiều trễ tràng, đến nay đều chẩn chỉnh lại, làm cho chế độ cũ được sáng tỏ, để các quan trong kinh ngoài trấn đều răm rắp tuân theo giữ chức phận của mình. Tuy thế, nhưng tham tụng bồi tụng là gia thần của phủ chúa, thượng thư, thị lang là vị hão của triều đình; lục phiên nắm hết quyền của lục bộ, lục khoa không có trách nhiệm phong bác3388 . Còn lục tự, thông chính, dụ đức và thứ tử thì đều là chức quan nhàn tản, không giữ công việc theo với chức phận. Tên quan và sự thực lầm lẫn rối loạn, người có kiến thức lấy làm chê cười.

Lời chua-Ngũ phủ và phủ liêu: Xem Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ 2 (Chb. XXXIII, 13).

Lục bộ và lục khoa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 6 và thứ 7 (Chb. XIX, 31; XX, 6)3389 .

Lục tự: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú thì Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 73390 đặt lục tự, là Thượng Bảo, Quang Lộc, Hồng Lô, Thái Thường, Thái Bộc và Đại Lý, mỗi tự có đặt quan khanh (trật chánh ngũ phẩm) và thiếu khanh (trật chánh lục phẩm), là chức cơ vụ về hàng quan trong kinh (giữ chức việc gì nay không khảo cứu được).

Ty thông chính sứ (trật tòng tứ phẩm): Giữ việc tuyên truyền ơn đức của người trên mà đề đạt tình hình của người dưới.

Dụ đức: Chức quan ở đông cung, có Tả Dụ đức và Hữu Dụ đức (trật tòng tam phẩm) giữ việc hầu thái tử để bàn tán dẫn dụ nghĩa sách.

Thứ tử: Cũng là chức quan ở đông cung (trật tòng tam phẩm). Chức này mới đặt thêm từ năm Bảo Thái thứ 2 (1721) triều Dụ Tông, để giữ các việc tán lý và lễ nghi. Lúc ấy chính quyền thuộc về phủ chúa Trịnh, công việc then chốt trong triều đình đều về tay gia thần ở lục phiên, mà danh vị quan ở đông cung thường dùng "các thần3391 để kiêm lãnh, còn chức quan đều đặt có ngạch suông cho đủ vị mà thôi.

Mười ba đạo: Thanh Hoa, Nghệ An, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Yên Quảng và Cao Bằng.

Bắt đầu đặt hiệu Bình Đông và Bình Tây.

Theo chế độ cũ, việc tô thuế giao cho viên quan có trách nhiệm đốc thu, phần nhiều sách nhiễu thu quá lệ ngạch, dân có phần bị khổ sở. Đến nay, vì các lộ Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Tây, Sơn Nam nhiều năm bị binh lửa, dân phiêu tán mới trở về, nên chưa đặt quan thu thuế ở các lộ ấy, bèn đặt hai hiệu Bình Đông và Bình Tây ở kinh sư, sai quan thu thuế, mà dân được tự đem thuế đến nộp. Sau lại lấy cớ rằng dân lưu tán ở Thái Nguyên mới trở về tụ tập, viên quan có trách nhiệm đốc thu một cách hà khắc nhũng nhiễu, nên cũng hạ lệnh đặt hiệu theo thể lệ chung. Cho phép dân được tự đem thuế đến nộp. Các viên quan thuộc về lục cung, phải chiểu theo hàng ngày mà biên thu, ai để chậm trễ sẽ phải tội.

Lời chua-Hiệu Bình Đông: Sơn Nam và Hải Dương thuộc về hiệu này.

Hiệu Bình Tây: Sơn Tây và Kinh Bắc thuộc về hiệu này.

Quan chức trong lục cung: Xem Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (Chb. XXXV, 22, 23).

Lại ban bố rõ giáo điều đời Cảnh Trị3392 .

Năm Cảnh Trị thứ nhất (1663), Phạm Công Trứ giữ công việc trong chính phủ, phụng mệnh làm giáo điều gồm 47 mục, mỗi xã đặt một viên quan, cứ ngày đầu năm và ngày xã điền đem giáo điều đọc cho dân nghe. Từ khi trong nước nhiều việc, bỏ trễ nãi không nhắc đến. Đến nay hạ lệnh cho sức rõ lại, nhưng nhân dân có ý lơ là, coi như việc không đáng để ý đến.

Lời chua-Ngày xã điền: Tiết lập xuân, ngày "mậu" thứ năm là ngày xuân xã; tiết lập thu, ngày "mậu" thứ năm là ngày thu xã. Ngày xã, tế ông tổ sinh ra việc làm ruộng.

Nhâm Thân, năm thứ 13 (1752). (Thanh, năm Càn Long thứ 17).

Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Doanh triệu tham tụng đại thần hàng ngày vào phủ bàn luận công việc.

Sai bọn Vũ Công Trấn và Đỗ Duy Kỳ chiêu tập phủ dụ dân các lộ Tây và Nam.

Lúc nổi ra binh lửa, dân ở các nơi bị điêu tàn, các huyện Chương Đức, Mĩ Lương, Yên Sơn và Thạch Thất bị phiêu tán nhiều hơn cả. Triều đình bèn sai sứ thần chia nhau đi yên ủi chiêu tập nhân dân.

Lời chua-Chương Đức và Thạch Thất: Tên hai huyện, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 4, 9).

Yên Sơn: Tức Ninh Sóc, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 4 (Chb. XXVI, 43).

Mĩ Lương: Tên huyện, xem Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 8 (Chb. XXIX, 14).

Bọn Đàm Xuân Vực đánh giặc là tên Tương ở Sơn Tây, phá tan được.

Trước đây, Tương cùng Lê Duy Mật chiếm cứ xã Ngọc Lâu và Vĩnh Đồng, khi nào quan quân kéo đến thì chúng tan tác chạy ngay, khi quan quân đi rồi, chúng lại cướp bóc tứ tung. Đến nay, bọn Xuân Vực và Nguyễn Nghiễm đánh phá được. Tương thua trận, rồi chết, Duy Mật trốn biệt. Trịnh Doanh rất khen ngợi bọn Xuân Vực, sai Nguyễn Hoàn đến quân thứ, tuyên dương yên ủi tướng sĩ, thưởng cho 20 lạng bạc và 2000 quan tiền.

Lời chua-Ngọc Lâu: Tên xã, xem năm Cảnh Hưng thứ 2 (Chb. XXXIX, 18).

Vĩnh Đồng: Tên xã, xem năm Cảnh Hưng thứ 5 (Chb. XL, 8).

Tháng 5, mùa hạ. Núi Tản Viên sụt.

Núi sụt, chiều dài hơn 300 trượng.

Lời chua-Núi Tản Viên: Xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 7 (Chb. I, 34).

Tháng 7, mùa thu. Định thể lệ đánh thuế bảy tộc người Nùng ở Tuyên Quang.

Người Nùng đồng niên mỗi suất nộp 6 tiền, bảy tộc, mỗi nhà 7 quan. Lại bảy tộc có lệ đánh thuế nóc nhà hiện tại (kiến ốc chính thuế) cứ 3 năm nộp một kỳ, mỗi nhà hai lạng bạc.

Lời chua-Bảy tộc người Nùng: Sơn Trang bạch tộc, Sơn Trang hắc tộc, Sơn Tử bạch tộc, Sơn Tử hắc tộc, Đại Tiểu bản tộc, Bát Tiên tộc và Cao Lan tộc.

Mồng một, tháng 10, mùa đông. Nhật thực.

Quý Dậu, năm thứ 14 (1753). (Thanh, năm Càn Long thứ 18).

Tháng giêng, mùa xuân. Giảm số đinh cho phủ Kinh Môn và Nam Sách thuộc Hải Dương.

Số đinh ở hai phủ Kinh Môn và Nam Sách cứ 5 phần được giảm một phần. Sau đấy, vì Xuân Vực về kinh nói dân ở Thanh Hoa đau khổ, lại hạ lệnh cho ti Thừa chính khám xét số hộ, sẽ tùy nghi cho giảm.

Lời chua-Kinh môn: Tên phủ, thuộc Hải Dương.

Nam Sách (chính sách): Tức Nam Sách (số sách), xem ngang với Tấn, Tề vương, năm Khai Vận thứ 2 (T.b, V, 21).

Tháng 3, địa phận huyện Gia Viễn và Yên Mô trời mưa nước đen.

Lời chua-Gia Viễn và Yên Mô: Xem Tương Dực đế, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 2).

Bàn định về việc đồn điền.

Các lộ vùng Đông, Nam từng bị binh lửa, ruộng đất phần nhiều bỏ hoang. Trước đây, đã hạ lệnh cho quan sở tại đặt thêm lính đồn điền để khai khẩn3393 . Đến nay bàn định lấy quân lính đi đánh giặc đã được rút về, phân phối đi cày cấy ở các lộ, tích trử thóc lúa, để việc phòng bị nơi biên giới được đầy đủ.

Bổ dụng Mai Thế Chuẩn làm đốc trấn Lạng Sơn.

Thế Chuẩn đắp ruộng thêm thành Lạng Sơn, chu vi 577 trượng.

Khởi phục Nguyễn Công Thái giữ chức tham tụng.

Trước đây, Công Thái lại về kinh giữ chức trong chính phủ3394 , bọn Đỗ Thế Giai lại càng nghét. Công Thái nhân lấy cớ tuổi già xin thôi việc. Đến nay Trần Cảnh bị bãi, Trịnh Doanh lại khởi phục Công Thái để bổ dụng. Công Thái xin bỏ thể lệ nộp "tiền thông kinh" khoa thi hương, Trịnh Doanh y theo. Sau lại hạ lệnh kiêm giữ công việc ở Quốc Tử giám.

Tháng 4, mùa hạ. Mưa đá ở địa phận huyện Yên Sơn và Thạch Thất.

Mưa đá dữ dội ở địa phận huyện Yên Sơn và Thạch Thất thuộc Sơn Tây, thóc lúa bị tổn hại mất nhiều. Triều đình hạ lệnh liệu lượng giảm thuế điền.

Lời chua-Yên Sơn: Tên huyện, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 4 (Chb. XXVI, 43).

Thạch Thất: Tên huyện, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 4).

Tháng 6, hạn hán. Hạ lệnh bầy tôi văn võ đều dâng tờ khải niêm phong trình bày mọi việc.

Cho lính tứ trấn về nhà làm ruộng.

Trước đây, dùng quân đánh dẹp, triều đình chọn lấy dân tứ trấn sung làm vệ binh, sau lại phân phối cho lệ thuộc về bản trấn3395 . Đến nay, triều đình lấy cớ rằng trong nước đã gần được bình định, nên đều cho về làm ruộng, duy hàng năm làm lễ tế cờ, thì các binh lính ấy đến trấn để thao luyện diễn tập trong hạn 5 ngày, rồi lại cho về. Sau lại vì mấy năm bị mất mùa luôn, nên cũng bãi bỏ cả.

Miễn thuế thủy sản ở các đạo.

Thuế thủy sản ở các đạo phần nhiều không phải ngạch cũ, hoặc có hạng thuế chỉ đặt lạm trong nhất thời, sau bèn thành lệ, hoặc có nơi sản vật không phải là hạng có thường xuyên, mà quan sở tại nhất khái đốc thúc thu thuế, làm cho dân đau khổ không sao kể xiết! Triều đình biết tình tệ ấy, nên hạ lệnh tha cho.

Tháng 7, mùa thu. Trấn Ninh đến dâng sản vật địa phương.

Lời chua-Trấn Ninh: Xưa gọi là Bồn Man, xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 10 (Chb. XXIII, 30, 31).

Định phép đánh thuế vỏ quế.

Hạ lệnh cho Đô ti3396 hai trấn Thanh Hoa và Nghệ An trông coi, lấy tiền công chia cấp cho thổ tù, thuê người đi tìm bóc quế, số võ quế bóc được, đem nộp viên giám đương3397 cân và thu nhận.

Bãi bỏ trường đúc tiền ở các trấn.

Triều đình lấy cớ rằng các trấn đúc tiền phần nhiều quá lạm, lại mỏng mảnh, nên hạ lệnh bãi bỏ, duy trong kinh kỳ vẫn để hai trường đúc ở Nhật Chiêu và Cầu Giền, giao cho viên đại thần trông coi việc này.

Lời chua-Cầu Giền: Ở địa phận phường Bạch Mai, huyện Thọ Xương3398 .

Nhật Chiêu: Xem Uy Mục đế, năm Đoan Khánh thứ 5 (Chb. XXV, 37).

Tháng 10, mùa đông. Gió to, nước dẫy lên.

Ba xứ Đông, Nam và Bắc gió thổi mạnh, nước dẫy lên, thóc lúa bị mất, nhân dân bị đói. Triều đình hạ lệnh miễn tiền gia tô, còn đồn điền do lính các cơ các đội cày cấy, bàn định rộng ơn miễn cho.

Lời chua-Tiền gia tô: Xem năm Cảnh Hưng thứ 3 (Chb. XXXIX, 27).

Ba xứ: Tức Hải Dương, Sơn Nam và Kinh Bắc.

Hạ lệnh cho Ngự sử đài và ti Hiến sát các đạo làm tờ khải niêm phong trình bày công việc.

Trịnh Doanh hạ lệnh cho Ngự sử đài và ti Hiến sát các đạo rằng: "Gần đây những người trình bày công việc phần nhiều chỉ trích ra những việc nhỏ nhặt, còn đến việc quan lại tham nhũng, chính sự thiếu

sót cùng tình trạng u ẩn ở dân gian thì đều bỏ qua không nói đến. Như thế sao gọi là xứng chức được? Nay trong nước mới bình yên, dân lưu tán mới họp tập lại, ở dân gian tất có nhiều nổi oan uổng uất ức, các viên quan đều nên dâng phong thư cẩn mật, trong thư cần phải nói thiết thực đúng lẽ, để có thể thi hành". Doanh lại hạ lệnh cho Phạm Đình Trọng, đốc suất Nghệ An, trình bày việc cốt yếu về thay đổi điều tệ hại, để cứu dân ở trong hạt. Nhân đấy, Đình Trọng trình bày bốn việc, Doanh đều y theo.

Lời chua-Bốn việc: 1. Đốc thúc bắt lính trốn làm phiền phí cho dân; 2. Thu tiền phạt chuộc tội thêm làm nhiễu dân; 3. Con cháu công thần đã được miễn cả mọi khoản mà dân vẫn phải chịu khống; 4. Thợ đóng thuyền ở các xã, để cho ở lại doanh lũy bản trấn, miễn cho việc về kinh sư hoặc phái đi trấn khác.

Miễn cả các khoản, dân phải chịu khống: Nhà Lê từ năm Cảnh Trị (1663-1671) trở về sau, định lại phép tuyển duyệt dân đinh, người sinh ra không tính, chết đi không trừ, cho nên con cháu nhà công thần đều được trừ cả các khoản, mà số hộ thì dân vẫn phải khống thụ.

Tháng 12. Trịnh Doanh phong cho con là Sâm làm thái tử.

Các viên quan giữ chính quyền trong phủ nhiều lần xin dự bị lập thế tử, Trịnh Doanh theo lời, bèn tâu nhà vua xin làm đủ nghi lễ sách lập, bổ dụng Nguyễn Công Thái giữ chức sư phó để dạy Trịnh Sâm.

Giáp Tuất, năm thứ 15 (1754). (Thanh, năm Càn Long thứ 19).

Tháng giêng, mùa xuân. Ân tuất những tù bị giam.

Hạ lệnh cho bọn Vũ Công Trấn và Nguyễn Quai xem xét trong nhà ngục, phát chẩn cho tù bị đói, bị thiếu, người nào can tội nhẹ thì xét xử ngay và phân phối đi các nơi.

Phạm Đình Trọng, thượng thư bộ Binh, thái tử thái bảo, tước Hải quận công, giữ chức đốc suất xứ Nghệ An, mất.

Đình Trọng có tài cán trí mưu, sau khi thi đỗ, liền tham dự vào cơ mưu việc binh, vì có công đánh dẹp, nên từ chức hiệu thảo (chánh thất phẩm) thăng lên chức thị lang (chánh tam phẩm). Đến nay, lấy địa vị là thượng thư bộ Binh. Hải quân công, sung là đốc suất xứ Nghệ An. Khi mất, thọ 40 tuổi, truy tặng hàm thái bảo.

Đình Trọng cầm quân đánh giặc, từng thống lãnh quân các đạo, đi đến đâu giặc đều tan vỡ. Nói về công đánh dẹp, Đình Trọng là người chiếm giải nhất. Trịnh Doanh viết lối "phi bạch"3399 bốn chữ "văn võ toàn tài" ban cho, lại cho biển ngạch khắc chữ "đồng hưu công thần"3400 , phong cho thái ấo vài ngàn hộ.

Đình Trọng là một viên tướng có nho học, giữ vị vọng quan trọng, dầu ở nơi biên trấn mà sĩ phu không ai là không tưởng mến nghi phong thái độ.

Khảo xét công trạng các quan.

Hạ lệnh cho bọn Hoàng Ngũ Phúc, Trịnh Tân và Nguyễn Đình Thạch khảo xét hàng quan võ; bọn Nguyễn Huy Nhuận, Nguyễn Vĩ và Vũ Công Trấn khảo xét hàng quan văn: phân biệt rõ ràng theo thứ tự đẳng cấp, thay đổi nhau xét đi xét lại, bàn luận cho hợp lý, rồi sẽ xin chúa quyết định.

Lời chua-Nguyễn Đình Thạch: Con Nguyễn Đình Đống, em Nguyễn Đình Hoàn, người xã Hương Duệ, huyện Kỳ Anh, đỗ tạo sĩ.

Đặt quan khuyến nông ở các lộ.

Trước đây, triều đình lấy cớ rằng ruộng ở các lộ phần nhiều bỏ hoang, nên hạ lệnh quan sở tại cùng người đầu hàng chia nhau cày cấy. Có nhiều người lính canh khai khần, về sau, nào nhận tranh,

nào xâm chiếm, không thể nào xét rõ được. Đến nay trong nước gần được bình định, dân phiêu tán lần lượt trở về, bèn đem hết ruộng ấy trả lại cho dân, hạ lệnh cho quan đại thần giữ chức khuyến nông, chia nhau đi đốc suất, định lại cõi mốc, xét xử kiện tụng, quân bình mua bán. Duy ruộng công cùng ruộng người phạm tội, ruộng thừa đã tịch thu sung công thì tự quan cày cấy; những người đầu hàng cũng chuẩn cho trở về quê quán, giao trả lại điền sản. Lại tô thuế ở các đạo còn bỏ thiếu chồng chất từ năm Nhâm Tuất (1742) đến năm nay gồm 13 năm, đều được miễn.

Dân Cao Bằng bị đói. Triều đình xuất bạc trong kho để phát chẩn.

Dân Cao Bằng bị đói, hạ lệnh xuất 300 lạng bạc trong kho nội phủ phát chẩn cho dân. Nhân đấy, hạ lệnh cho ti Trấn thủ xét đúng sự thật về số dân trong hạt mà thổ tù hiện cai quản và số hộ khẩu bị lưu tán.

Tháng 3. Định phép tuyển bổ cất nhắc ở bộ Lại.

Các quan trong bộ Lại là bọn Nguyễn Vĩ và Dương Công Chú nói: "Từ trước đến nay phép tuyển bổ quan lại, khi theo cũ, khi đổi mới, không giống nhau. Vậy xin từ nay, những ấm tử của quan văn quan võ vào hạng nhất, nhị phẩm, lúc mới trao cho quan chức và lúc được thăng, nhất luật theo lệ định năm Nhâm Dần (1722) đời Bảo Thái. Các chức chánh hoặc tòng, đều xét thực chiểu theo tư cách và quân công, rồi trao cho giữ chức quan văn ở nội điện nhà vua hoặc phủ chúa; người nào thi hội dự trúng ba kỳ thì chuẩn thực trao cho chức tri huyện. Việc khảo xét công trạng các quan trong kinh, ngoài trấn đều định hạn 6 năm". Trịnh Doanh y theo.

Lời chua-Lệ định năm Bảo Thái: Con quan văn, quan võ vào học ở Quốc Tử Giám, người nào được viên quan trong giám bảo cử, nếu là con viên quan nhị phẩm sẽ được trao cho chức tự thừa (chánh thất phẩm), nếu là con viên quan tam phẩm sẽ được trao cho chức tư vụ (tòng thất phẩm), làm việc đủ niên hạn, sẽ được thăng chức viên ngoại hoặc tri phủ.

Tháng 6, mùa hạ. Nhà vua ra sông Nhị duyệt binh.

Trịnh Doanh lấy cớ rằng trong nước mới bình yên, bắt các quân lính phô trương sức mạnh, mời nhà vua ngự ra xét duyệt, trăm quan làm lễ chầu mừng. Bèn hạ lệnh cho thủy binh bày hàng chiến thuyền ở giữa sông, dung nghi quân sĩ rất tề chỉnh, bơi chèo ngược dòng nước, thuyền phóng đi như bay. Nhà vua rất bằng lòng, gần tối, xa giá trở về cung.

Lời chua-Nhị Hà: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Nước sông dẫy lên, đê xã Bộ Đầu và Võng Xuyên bị vỡ.

Đê xã Bộ Đầu và Võng Xuyên bị vỡ, dân cư và ruộng lúa phần nhiều bị ngập lụt. Triều đình hạ lệnh cho ti Hiến sát khám xét thực trạng dâng tâu, bàn định thi hành phát chẩn cứu đói.

Lời chua-Bộ Đầu3401 : Tên xã, thuộc huyện Thượng Phúc, Hà Nội.

Võng Xuyên: Tên xã, thuộc huyện Phúc Thọ, Sơn Tây.

Tháng 9, mùa thu. Lại cấm tả đạo Hòa Lan.

Trước kia, vào khoảng năm Nguyên Hòa (1633-1548) đời Lê Trang Tông, Y-Nê-Xu, người Tây Dương, mới đem đạo ấy vào vùng ven biển, thuộc huyện Giao Thủy, huyện Nam Chân, lén lút truyền giáo, gọi là "đạo thiên chúa" cũng gọi là "Thập tự giáo". Giáo lý này dùng thiên đường địa ngục để phân biệt báo ứng về điều thiện, điều ác, cũng gần giống đạo Phật, có thêm vào thuyết xưng tội, rữa tội nữa. Họ ngày đêm dụ dỗ, lừa dối, những người ngu xuẩn quê mùa bị họ làm mê hoặc đắm đuối, dầu có lệnh cấm, chết cũng không bỏ. Khoảng năm Cảnh Trị (1663-1671) và Chính Hòa (1680-1704), triều đình đã

nhiều lần ra cấm lệnh rõ ràng, nhưng vì lòng dân bị che lấp đã lâu, rút cuộc không thay đổi được. Đến nay lại bàn cấm đoán nghiêm ngặt hơn, nhưng cũng không thể nào ngăn cấm được.

Lời chua-Tả đạo Hòa Lan: Tức tả đạo Hoa Lang, xem Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ nhất (Chb. XXXIII, 5, 6).

Tháng 12, mùa đông. Lại thu thuế tô, dung và điệu ở các trấn vùng biên giới.

Trước đây các trấn vùng biên giới, vì dân bị điêu tàn, nên được miễn đánh thuế. Đến nay, lại bàn định trưng thu, thuế lệ kém một nữa phần thuế ở tứ trấn.

Lời chua-Phép đánh thuế tô, dung và điệu: Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 4 (Chb. XXXVI, 9, 12).

Tứ Trấn: Xem năm Cảnh Hưng thứ 5 (Chb. XL, 2).

Ất Hợi, năm thứ 15 (1755). (Thanh, năm Càn Long thứ 20).

Tháng 3, mùa xuân. Trịnh Doanh tự gia phong là thượng sư thượng phụ Anh Đoán văn trị võ công Minh Vương.

Trước đây, Doanh phong là đại nguyên soái, tổng quốc chính, thượng sư Minh Vương, nay vì công danh ngày càng lừng lẫy, muốn nhà vua gia phong vương hiệu đặc biệt. Bề ngoài Doanh làm ra nhún nhường, những bầy tôi vẫn cố xin mãi. Đến nay, nhà vua sai tham tụng Nguyễn Công Thái đem bảo sách phong Doanh làm thượng sư thượng phụ anh đoán văn trị võ công Minh Vương.

Tháng 4, mùa hạ. Hạn hán. Hạ chiếu cho trăm quan nói thẳng những điều thiếu sót lầm lỗi.

Lúc ấy, đã lâu không mưa, Trịnh Doanh xin nhà vua đặt đàn tràng cầu đảo ở trong cung. Nhân đấy, cho hoãn: Tiền thuế còn bỏ thiếu do hiệu Bình Đông, Bình Tây nhận thu; việc kiện tụng ở các nha môn thuộc trong kinh, ngoài trấn; lính trốn ở hai xứ Thanh và Nghệ. Lại hạ lệnh giảm thuế tô ruộng công, ruộng tư cho Nghệ An; ở tứ trấn, nơi nào còn thiếu tiền gia tô đều được miễn. Sau đó, hạ lệnh cho trăm quan nói thẳng những điều thiếu xót lầm lẫn.

Lời chua-Hiệu Bình Đông và Bình Tây: Xem năm Cảnh Hưng thứ 12 (tờ 14 trong cuốn này).

Tháng 5. Trấn Ninh đến dâng lễ cống.

Bức thư dâng lễ cống của man Trấn Ninh không xưng họ tên gì cả. Trong thư xin cho 6 năm một lần dâng lễ cống, và xin cấm chỉ sứ thần Ai Lao không được đi qua cảnh thổ của Trấn Ninh. Triều thần bàn luận, cho rằng phong tục người Man như thế, không nên quở trách quá, vì thế chỉ hỏi vặn sứ thần Trấn Ninh ngay trước mặt, dặn về bảo cho Bồn Xà biết: Từ sau cứ ba năm một lần dâng lễ cống, trong thư dâng lễ cống phải viết đủ họ tên người tù trưởng của Man; còn đường sứ thần đi nhất định y theo việc cũ.

Lời chua-Ai Lao: Tên nước, xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tb, IV, 9, 10).

Bồn Xà: Danh hiệu của tù trưởng người Man.

Tháng 10, mùa đông. Lại định rõ lệnh đắp đê.

Phàm việc đê đường: nếu là công trình nhỏ thì bắt dân bồi đắp khi việc làm ruộng đã được thư nhàn; nếu là công trình lớn thì trừ cho dân tiền thuế điệu.

Tháng 11. Đặt ti thưởng công, sau lại bãi bỏ.

Từ năm Vĩnh Hựu (niên hiệu Lê Ý Tông) (1735-1739), giặc cướp nổi lên như ong, những người theo đi đánh dẹp phần nhiều trao cho quân công một cách quá lạm, và ban thưởng một cách cầu may, danh phận và khí dụng rối ren lẫn lộn, bèn đặt ti thưởng công để tra xét lại. Sau vì Hoàng Ngũ Phúc và Đỗ Thế Giai cố sức ngăn trở, nên việc này lại bãi bỏ.

Tháng 12. Trịnh Doanh tự dựng cung miếu ở Cổ Bi.

Trịnh Doanh có ý muốn thiên đô, bèn hạ lệnh sửa sang xây dựng cung miếu ở Cổ Bi, nhân đấy Doanh đến xem.

Lời chua-Cổ Bi3402 : Tên xã, xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 8 (Chb. XXXVI, 34).

Bắt đầu chế áo cổn, mũ miện thờ ở Văn Miếu.

Nguyễn Huy Nhuận, viên quan giữ việc trong chính phủ, dâng lời nói: "Đấng thánh nhân là ông thầy của đế vương muôn đời, thế mà từ trước đến nay phẩm phục thờ ở Văn Miếu vẫn dùng mũ áo quan tư khấu3403 , như thế không phải tỏ lòng tôn sùng". Bèn hạ lệnh đổi dùng phẩm phục áo cổn, mũ miện. Dùng phẩm phục đế vương thờ ở Văn Miếu, bắt đầu từ đây.

Bính Tý, năm thứ 17 (1756). (Thanh, năm Càn Long thứ 21).

Tháng giêng, mùa xuân. Nước Ai Lao đến cống nạp.

Trước kia, đường đi cống của Ai Lao, do đường Trấn Ninh đi suốt đến Nghệ An, dân Trấn Ninh thường bị xứ thần Ai Lao hà hiếp quấy nhiễu, bọn Bồn Xà lấy làm khổ sở. Đến nay, Bồn Xà sai người cáo tố với triều đình, xin phái quan quân hộ tống, kiềm chế xứ thần Ai Lao, để khỏi bị họ làm khổ. Trịnh Doanh chuẩn y, cho rút bớt số phu trạm đệ, và sức răn bảo sứ thần Ai Lao không được quấy rối Trấn Ninh.

Tháng 3. Hạ lệnh cho Giáp Nguyễn Khoa, hoạn quan, trông nom việc thu tô của dân.

Trước đây, tiền gia tô, tiền thuế điệu ở các trấn, giao cho quan trong lục phiên trông coi thu nhận. Sau phần nhiều theo nhau ăn xén, ăn bớt, kịp lúc tính toán sổ sách, lại che giấu cho nhau để làm gian. Về phần dân, cũng lợi được tự mình đem thuế đến nộp, không bị người nào đốc thúc, nên bỏ thiếu rất nhiều. Trịnh Doanh lấy làm chán nghét, bèn thay đổi lại, sai hoạn quan Giáp Nguyễn Khoa đứng trông nom việc thu thuế.

Tháng 4, mùa hạ. Sai bọn Lê Quý Đôn đi dò la xét hỏi quan lại các lộ miền tây-nam.

Quý Đôn dâng nói: các quan ở phủ huyện, có bọn Nguyễn Duy Thuần thanh liêm, cần mẫn, bọn Trịnh Thụ tham nhũng, thối nát, gồm 13 người, hoặc thăng hoặc truất khác nhau.

Lời chua-Lê Quý Đôn: Người xã Duyên Hà3404 , huyện Duyên Hà, là con Lê Trọng Thứ. Quý Đôn lúc còn bé có tiếng là thần đồng, đỗ bảng nhãn khoa Nhâm Thân (1752) năm Cảnh Hưng.

Bãi chức tham tụng Nguyễn Công Thái.

Công Thái tính tình thẳng thắn, chân phương, đối với đồng liêu thường có điều hợp ý, có điều trái ý nhau, nhưng không bao giờ chịu uốn mình theo bạn. Sau khi lại vào phủ chúa giữ chức tham tụng, Trịnh Doanh đãi ngộ Công Thái bằng lễ độ đối với bậc cố lão, nên bị Đỗ Thế Giai không ưa. Công Thái để công việc chính trị đọng lại bề bộn, thường bị Trịnh Doanh vặn hỏi quở trách, bèn tự tỏ bày là già yếu, cố xin từ chức. Trịnh Doanh miễn cưỡng theo lời.

Trịnh Doanh bắt đầu hạ lệnh dẫn người được tuyển bổ vào yết kiến trong phủ.

Hạ lệnh cho bộ Lại, khi tuyển bổ cất nhắc người nào phải dẫn người được tuyển ấy vào phủ đường yết kiến, để đương đường hỏi về công việc chính trị, người nào có tài năng mới trao cho quan chức. Việc này định làm pháp thường hành. Doanh lại thân hành thi cống sĩ ở phủ đình, lấy đỗ bọn Ngô

[Thì] Sĩ 48 người. Trong số ấy, sau này có 12 người đỗ tiến sĩ và 3 người đỗ khoa thi hoành từ. Người ta khen khoa ấy tuyển được nhân tài xứng đáng.

Lời chua-Ngô [Thì] Sĩ: Người làng Tả Thanh Oai3405 , huyện Thanh Oai, khoa Bính Tuất (1766) năm Cảnh Hưng thứ 27 sau đây Thì Sĩ đỗ tiến sĩ.

Tháng 5. Bổ dụng tham tụng Nguyễn Huy Nhuận kiêm trông coi công việc Quốc Tử Giám.

Thăng chức cho Nguyễn Bá Lân làm thiêm đô ngự sử, vào chầu phủ chúa, giữ chức bồi tụng, kiêm giữ chức tế tửu ở Quốc Tử Giám.

Bá Lân là người có văn học, chất phát, thẳng thắn, mạnh dạn dám nói. Trịnh Doanh thường hỏi về chính sách dẹp giặc yên dân, lời nói của Bá Lân phần nhiều hợp ý, bèn thăng làm thiêm đô, vào chầu giữ chức bồi tụng. Doanh bảo Bá Lân rằng: "Nhà ngươi nên cố hết lòng hết sức, không điều gì biết mà không nói, cho xứng đáng với chức trách". Rồi lại cho cùng Nhữ Đình Toản kiêm giữ chức tế tửu ở Quốc Tử Giám.

Tháng 7, mùa thu. Định kỳ hạn thu tiền gia tô và tiền thuế điệu.

Tiền gia tô và thuế điệu ở các trấn, do viên quan ở lục cung đứng thu. Thuế mùa xuân nộp vào tháng hai, thuế mùa thu nộp vào tháng bảy, đều theo thể lệ đã chuẩn định của hiệu Bình Đông và Bình Tây, nếu để quá hạn sẽ giao viên quan ở trấn trách cứ trưng thu.

Tháng 10, mùa đông. Ở Nghệ An mưa to, nước dẫy lên.

Nghệ An nước ngập, lúa bị mất. Viên quan trong ti Hiến sát không đem việc này tâu bày, Trịnh Doanh ra lệnh vặn hỏi quở trách. Nhân đấy hạ lệnh: từ nay phàm trong hạt có tai biến hoặc giặc cướp, đều phải tâu bày để triều đình biết, không được giấu giếm.

Tháng 12 nhuận. Ai Lao xin hội binh đánh Trấn Ninh. Hạ chiếu dụ bảo hòa giải.

Ai Lao dâng tờ biểu nói: Trấn Ninh ngăn trở đường đi dâng lễ cống, nếu triều đình cho quân đến, thì họ sẽ xin đem quân hội đồng đánh phá. Vả lại, trong nước có hai thớt voi trắng, xin phái quan đến chọn lấy một và xin đem đồ quý báu trong nước dâng nộp một thể. Trịnh Doanh cùng bầy tôi bàn luận, cho rằng, tính tình người Man tráo trở, không thể tin được, trong bụng họ chỉ muốn làm cho hả giận với Trấn Ninh đấy thôi, có lẽ nào ta lại nhân mối lợi mà động lòng tham, bèn làm văn thư dụ bảo hòa giải. Lại dụ bảo thêm rằng: "Lễ cống hàng năm đã có lệ thường; còn như đồ quý báu xin dâng thì cho phép giữ lấy làm của báu trong nước; voi trắng thì được tự chọn để dâng nộp, không cần phái người đến làm gì". Một mặt khác, triều đình lại sai người đến dụ bảo Trấn Ninh nên hòa hiệp với Ai Lao, không nên gây hấn khích.

Cho phép bầy tôi về hàng võ người nào có quân công vẫn được cấp dân lộc.

Trịnh Doanh bảo thị thần rằng: Trước đây trong nước có việc nguy cấp, bầy tôi nhiều người phải khó nhọc, nhân đấy mà được thái ấp về quân công; nay dầu được thái bình, những người có quân công cũng nên được lưu ý nghĩ đến. Gần đây, nghe nói bộ Lại bổ dụng, phần nhiều lựa lọc bỏ đi, rồi lại bàn xén bớt cả dân lộc. Như thế không phải đạo đối đãi bầy tôi có công. Vậy từ nay bổ dụng, cất nhắc, không được hạn chế và bỏ đi, bầy tôi về hàng võ người nào có quân công vẫn cấp cho dân lộc.

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...