Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 23 Từ Ất Mùi, năm Hồng Đức thứ 6 (1475) đến Giáp Thìn, năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đời Lê Thánh Tông

 K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XXIII

Từ Ất Mùi, năm Hồng Đức thứ 6 (1475) đến Giáp Thìn, năm Hồng Đức thứ 15 (1484) đời Lê Thánh Tông, gồm 10 năm.

Ất Mùi, năm Hồng Đức thứ 6 (1475) (Minh, năm Thành Hóa thứ 11).

Tháng giêng, mùa xuân. Quách Cảnh nhà Minh sang nước ta.

Tiền Năng, trấn thủ Vân Nam nhà Minh sai Quách Cảnh, Kim Ngô vệ chỉ huy sứ, theo đường sông Thao sang nước ta, nói phao là đuổi bắt người trốn tránh. Khi Quách Cảnh trở về, nhà vua sai bọn Lê Niệm, Hoàng Nhân Thiêm làm thơ, nhà vua tự mình làm bài tựa để tiễn hành. Bài tựa ấy nhà vua đứng tên tự xưng hiệu là "Thiên nam động chủ đạo am".

Lời cẩn án-Minh sử về truyện An Nam chép: "Năm Thành Hóa thứ 2 (1475), trung quan Tiền Năng, trấn thủ Vân Nam, là người tham lam càn giỡ, hắn sai chỉ huy Quách Cảnh đem sắc thư sang An Nam đòi lấy của báu. Lê Vương có ý muốn nhòm ngó Vân Nam, bèn mượn tiếng đưa giải những người phạm tội ở Long Châu thuộc Quảng Tây theo Quách Cảnh đi nhờ đường Vân Nam để vào kinh, đòi bắt hơn 600 phu, rồi lại cho quân kế tiếp đi theo sau, làm cho Vân Nam bị quấy rối nhiều quá. Quan chức bộ binh nói: "Vân Nam không phải là đường tiến cống, còn người Long Châu phạm tội thì phải giải giao cho Quảng Tây, không cần phải đưa vào kinh". Rồi bộ Binh bèn ra lệnh cho bầy tôi giữ biên cảnh, làm văn thư dụ bảo và phòng bị biên cảnh cho nghiêm ngặt. Việc chép trên này cùng với việc chép ở đây cũng ăn khớp với nhau, nhưng việc đưa giải người phạm tội và việc cho quân kế tiếp, thì Sử cũ bỏ sót không chép. Vậy hãy chép ra đây đề phòng khi khảo cứu. Lời chua-Vân Nam: Xem Bình Định Vương năm thứ 10.

Sông Thao: Xem Lý Nhân Tông, năm Hội Phong thứ 5 (Chb. IV, 2).

Tháng 7, mùa thu. Có thủy tai lớn, vỡ đê Tô Lịch.

Lời chua-Đê Tô Lịch: Bây giờ ở huyện Vĩnh Thuận.

Đặt chức quan hà đê và quan khuyến nông.

Nhà vua ra sắc lệnh cho trong nước sửa đắp đê điều và đường sá, đặt chức quan hà đê trông coi công việc này; lại đặt chức quan khuyến nông để đôn đốc dân về việc cày cấy.

Nhà vua ra sắc lệnh cho các quan thừc chính, hiến sát và phủ huyện: phàm ruộng cấy lúa mùa nào có thể giữ được nước lại để cấy lúa chiêm, thì sau mùa nước đã rút, các viên ấy trách cứ các quan hà đê và quan khuyến nông phải đi xem xét địa thế, đốc sức nhân dân bồi đắp bờ ruộng giữ lấy nước, để nhân dân có thể cày cấy được kịp thời vụ, không được tráo mắt ngồi nhìn sự đau đớn của dân để dân lâm vào cảnh khổ sở đói rét.

Bính Thân, năm thứ 7 (1476). (Minh, năm Thành Hóa thứ 12).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua ra nhà Thái Học, làm lễ thích điện đấng tiên sư.

Nhà vua tự mình làm lễ thích đấng tiên điện sư và sai văn thần chia nhau làm lễ tế ở hai bên bàn thờ đông vũ vả tây vũ2173 .

Nhà vua đi tuần du đến Lam Kinh, tháng 3 trở về cung.

Đại xá cho trong nước.

Từ mùa đông năm trước đến tháng 4 mùa hạ năm nay, không mưa.

Nhà vua thấy qua mùa này đến mùa khác không mưa, thân hành cầu đảo đấng thượng đế.

Tháng 8, mùa thu. Cung vương Khắc Xương phải giao xuống hình ngục, Khắc Xương chết.

Cung vương, con thứ ba của Lê Thái Tông, và là thứ huynh nhà vua2174 . Vương tính tình nhã nhặn, đạm bạc, đồ mặc và đồ dùng đều sẻn nhặt, có tiết độ, giữ mình kính cẩn như học trò. Năm Đại Bảo thứ 2 (1441), bắt đầu được phong là Tân Bình vương, đến lúc Nghi Dân cướp ngôi, đổi phong là Cung vương. Cuối năm Diên Ninh (1454-1459), sau khi đã truất ngôi Nghi Dân, đại thần là bọn Lê Lăng muốn rước về lập làm vua, nhưng Cung vương cố ý từ chối, đại thần bèn rước lập nhà vua. Nhà vua nghe được việc này, có ý không bằng lòng2175 . Sau khi Lê Lăng đã bị giết, nhà vua đối với Cung vương vẫn đem lòng ngờ ghét. Đến nay, có người tố cáo Cung vương mưu làm việc phản nghịch, nhà vua hạ chiếu bắt để trị tội, Cung vương vì lo sợ rồi chết.

Tháng 10, mùa đông. Sai sứ thần sang nhà Minh.

Trước đây, vua nhà Minh lập hoàng tử Hựu Xanh làm hoàng thái tử, sai Lễ bộ lang trung Trương Đình Cương đem sắc thư khuyên báo cáo và ban cho lụa hoa, lại khuyên nhà vua trả lại đất đai cho Chiêm Thành. Đến đây, nhà vua sai: Bùi Sơn, Vương Khắc Thuật và Chử Phong sang mừng việc lập hoàng thái tử; Lê Tấn, Ông Nghĩa Đạt sang tạ ơn việc ban cho lụa hoa; Nguyễn Tế sang nói về việc đất đai Chiêm Thành.

Lời cẩn án-Theo Minh Sử, Minh đế sai sứ sang khuyên Lê Vương trã lại đất đai cho Chiêm Thành. Lê Vương sai sứ thần sang tâu nói: "Chiêm Thành không phải là đất màu mở gì, lấy được đất nước ấy không thể ở được, bắt được dân nước ấy không thể sai khiến được. Nay vâng tờ mệnh chiếu bảo tôi trã lại đất đai cho nước ấy, vậy xin bệ hạ sai sứ thần của triều đình sang chia vạch rõ lại giới mốc đất đai, để cho dân ở biên cảnh hai nước được yên nghĩ, như thế tôi rất làm mãn nguyện". Việc chép trong Minh sử cùng việc chép về điều này có phần ăn khớp với nhau, cho nên phụ lục ở đây.

Lời chua-Ông Nghĩa Đạt: Người xã Phú Gia, huyện Từ Liêm, đỗ đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi năm Hồng Đức thứ 6 (1475).

Nguyễn Tế: Người xã Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, đỗ đồng tiến sĩ khoa Quý Dậu, Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 2 (1453).

Đinh Dậu, năm thứ 8 (1477). (Minh, năm Thành Hóa thứ 13).

Tháng 2 nhuận, mùa xuân. Đắp thành Đại La cho kiên cố thêm.

Lời chua-Thành Đại La: Xem Thuộc Đường, Ý Tông, năm Hàm Thông thứ 7 (Tb. V, 10).

Tháng 3. Định rõ lại thể lệ tuyển dụng con cháu của quan viên.

Theo chế độ cũ.

- Con trưởng và các con của quan văn, quan võ hàm nhất, nhị phẩm+con trưởng của viên quan hàm tam phẩm+cháu của tước công, tước hầu và tước bá, nếu người nào không thể theo học đường, cho sung vào tuấn sĩ vệ Cẩm Y, người nào có thể theo học được, cho sung vào nho sinh quán Chiêu Văn;

- Các con của viên quan văn, quan võ hàm tam phẩm+con trưởng và các con của viên quan hàm tứ, ngũ, lục, thất, bát phẩm+hai người con của viên quan hàm cửu phẩm+cháu của các viên quan hàm lục phẩm trở lên, nếu người nào không thể theo học được, cho sung vào quân vệ Vũ Lâm; người nào có thể theo học được, cho sung vào nho sinh cục Tú Lâm; người nào có tài làm lại điển, thì khảo hạch, rồi cho bổ sung lại điển các nha môn trong kinh và ngoài các đạo;

- Các con của viên quan hàm cửu phẩm+cháu của các viên quan hàm thất, bát phẩm, thì lựa chọn để bổ sung làm lính, cũng như con của bách tính.

Đến nay, vì có lời đề nghị của hàn lâm thừa chỉ là bọn Thân Nhân Trung, nên nhà vua chuẩn định: các con và cháu trưởng của tước công, tước hầu, tước bá2176 cùng con trưởng của viên quan văn, quan võ hàm nhị, tam phẩm trở xuống đến bát phẩm, người nào ít tuổi, chăm học, cho sung vào học sinh quán Chiêu Văn để học tập; bộ Lại lựa chọn làm chức tư huấn, điển nghĩa, để chuyên việc dạy dỗ; cứ ba năm một lần tâu bày một cách đầy đủ, đưa sang bộ Lễ thi khảo. Học sinh phải ám tả một bài kinh nghĩa, hai bài tứ thư nghĩa, ai trúng tuyển sẽ được bổ sung các chức về văn ban. Còn người nào tuổi đã lớn mà tư chất lỗ độn, muốn tập nghề võ thì do vệ Cẩm Y huấn luyện, mỗi ngày học sinh phải đến trường đua võ, tập các võ nghệ: bắn cung tên, phóng thủ tiễn2177 và đấu khiên2178 v.v... mỗi năm cứ đến tháng quý đông (tháng chạp âm lịch) vệ Cẩm Y phái quan đi khảo sát việc ganh đua võ nghệ của học sinh, đến năm thứ ba đưa sang bộ Binh thi khảo, ai trúng tuyển sẽ bổ vào các chức võ úy.

Nhà vua ra sắc lệnh: con các quan viên sung vào nho sinh cục Tú Lâm, mỗi ngày một nhiều. Vậy bộ Lại chọn trong viện Hàn Lâm, lấy ba người có học hạnh kiêm giữ chức tư huấn cục Tú Lâm để dạy bảo nho sinh học tập.

Nhà vua ra sắc lệnh định phép thi khảo cháu các quan viên: thí sinh phải làm một bài biểu, một bài toán, ai trúng tuyển sẽ dược ấm bổ.

Lời chua-Chiêu văn quán, Tú lâm cục: Điển lệ quan chế triều Lê: Chiêu văn quán và Tú Lâm cục đều thuộc viện Hàn Lâm, quan chức đều đặt một viên tư huấn và một viên điển nghĩa.

Định rõ lại chế độ cấp lộc cho các quan trong kinh và ngoài các đạo.

Trước đây, định thể lệ quan bổng và chế độ quan lộc của trăm quan đều tùy theo chức viei65c phiền hay giản, chia ra từng hạng: giản, thái giản; nhàn tản. Bổng lộc từ cao đến thấp theo thể lệ bớt dần đều có nhiều ít khác nhau. Đến đây, nhà vua định rõ lại chế độ cấp lộc cho các quan trong kinh và ngoài các đạo.

Tờ chiếu nói: Lộc để khuyến người có công, tùy theo công việc nặng hay nhẹ, những hoàng tông và công thần tuy không có hạng định về phẩm tước, mà cấp lộc còn có từng bậc khác nhau, huống chi các quan văn, quan võ trong kinh và ngoài các đạo chức việc không giống nhau, thì việc cấp lộc nên làm cho tỏ rõ việc nặng nhọc, việc nhàn rỗi. Vậy hoặc có người nào kiêm giữ một chức quan ngang với phẩm trật của mình, thì được cấp lộc theo chức phiền kịch; người nào chức thấp mà kiêm giữ một chức cao; thì được tính theo chức sở kiêm, mà bớt dần đến phẩm trật chính của mình, rồi tùy theo chức việc phiền hay giản mà định số lộc cấp phát; người nào chức cao mà làm (nguyên văn chép chữ "hành") công việc chức thấp thì được tính theo chức sở hành, mà tiến dần đến phẩm trật của mình, rồi tùy theo chức phiền hay giản mà định số lộc cấp phát. Đại khái, quan trong kinh, nếu giữ chức phiền kịch thì cấp bổng lộc tiến lên hai bậc, chức phiền kịch vừa tiến lên một bậc; chức giản dị lùi xuống một bậc, chức giản dị lắm lùi xuống hai bậc. Quan ngoài các đạo, nếu giữ chức phiền kịch thì bổng lộc lùi xuống một bậc, chức phiền kịch

vừa lùi xuống hai bậc; chức giản dị lắm lùi xuống ba bậc. Về phần thí quan2179 thì sau khi đã theo chức phiền hay giản để tính bổng lộc tiến hay lùi rồi, lại cấp lộc lùi xuống ba bậc nữa.

Lời cẩn án-Theo Chức quan chí trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì đời Hồng Đức định bổng lộc các quan có chế độ chức quan phiền hay giản, bổng lộc tiến hay lùi. Đại lược là bổng lộc bớt đi, phẩm trật thấp xuống, không để cho viên quan nào không có việc mà ăn không. Nhưng đấy chỉ là cấp tiền bổng lộc trong một năm mà thôi, ngoài bổng lộc ra lại cấp cho ruộng đất, bãi và thực tiền thay thế cho đầm nữa, chủ yếu cốt để cân nhắc người khó nhọc, người có tài năng, mà quyết định bổng lộc phẩm trật cho thích đáng. Phép tắc thể lệ thật là đầy đủ. Lời chua-Chế độ quan lộc: Theo Hồng Đức Thiên nam dư hạ tập, thì chế độ cấp lộc cho các quan trong kinh và ngoài các đạo như thế này:

Hoàng thái tử riền 500 quan; thân vương tiền 200 quan, kém hoàng thái tử 300 quan; tự thân vương 140 quan, kém thân vương 60 quan; hoàng tôn được phong quốc công 127 quan, kém tự thân vương 13 quan.

Quận công 120 quan; tước hầu 13 quan, tước bá 106 quan, hoàng tằng tôn phong tước hầu 99 quan, phong tước bá cùng phò mã đô úy 92 quan (bớt dần mỗi bậc đều 7 quan).

Chánh nhất phẩm 80 quan; tòng nhất phẩm 74 quan; chánh nhị phẩm 68 quan; tòng nhị phẩm 62 quan; chánh tam phẩm 56 quan (bớt dần mỗi bậc đều 6 quan).

Tòng tam phẩm 52 quan; chánh tứ phẩm 48 quan; tòng tứ phẩm 44 quan; chánh ngũ phẩm 40 quan, tòng ngũ phẩm 36 quan (bớt dần mỗi bậc đều 4 quan).

Chánh lục phẩm 33 quan; tòng lục phẩm 30 quan; chánh thất phẩm 27 quan; tòng thất phẩm 24 quan; chánh bát phẩm 21 quan; tòng bát phẩm 18 quan (bớt dần mỗi bậc đều 3 quan).

Chánh cửu phẩm 16 quan; tòng cửu phẩm 14 quan; giản nha môn 12 quan; thái giản nha môn 10 quan, nhàn tản nha môn 8 quan; thái nhàn tản nha môn 6 quan (bớt dần mỗi bậc 2 quan).

Kiêm: Nghĩa là hiện làm chức này mà kiêm giữ một chức khác nữa: có người kiêm chức ngang với phẩm trật của mình; có người phẩm trật cao mà kiêm chức thấp; có người phẩm trật thấp mà kiêm chức cao.

Hành: Nghĩa là người phẩm hàm cao làm chức vụ thấp.

Thí: Nghĩa là người phẩm hàm thấp mà thí sai làm chức vụ cao.

Tiền cấp: Ví dụ: Người hàm chánh nhị phẩm được tiến lên một cấp tức là tòng nhất phẩm, được tiến lên hai cấp tức là chánh nhất phẩm.

Thoái cấp: Ví dụ: Người hàm chánh nhị phẩm thoái xuống một cấp tức là tòng nhị phẩm, thoái xuống hai cấp tức là chánh tam phẩm, thoái xuống ba cấp tức là tòng tam phẩm. Ngoài ra cứ theo thể lệ này mà suy ra.

Tháng 4, mùa hạ. Hạ sắc lệnh cho các quan thừa chính, hiến sát và phủ, huyện phải hết lòng về việc làm ruộng.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho các quan thừa chính, hiến sát và phủ, huyện: nếu người nào khinh thường việc làm ruộng, như hạn hán mà không cầu đảo, nước lụt mà không khai thông, thấy việc có lợi cho việc nông mà không chấn hưng ngay, thấy việc có hại cho việc nông mà không trừ khử ngay, thấy tai biến mà không cầu cúng tống tiễn; những người ấy đều phải luận vào tội lưu.

Tháng 12, mùa đông. Cấm bầy tôi trong cung cùng các quan ở ngoài giao kết riêng với nhau.

Nhà vua ra sắc dụ: Bầy tôi trong cung và bầy tôi ở ngoài nếu giao kết riêng với nhau sẽ bị luận vào tội chết chém. Nếu viên quan cai quản không biết kiểm xét tâu hặc việc tư giao ấy sẽ bị luận vào tội lưu. Các ty vệ Cẩm Y, Kim Ngô, Thần Võ, Điện Tiền, Hiệu Lực, Tráng Sĩ cùng các quan văn quan võ, nếu không phải là người thân thuộc với nhau, mà mượn cớ dùng lễ vật biếu xén để hai bên giao kết với nhau, đều phải giao xuống đình úy trị tội.

Định tư cách của lại sử2180 .

Lại sử ở các nha môn trong kinh và ngoài các đạo, lấy giám sinh, nho sinh, sinh đồ và những người trúng tuyển kỳ thi viết chữ và tính toán để sung bổ.

Trong kinh: lại sử ở các nha môn bổ dụng những người có xuất thân, thì người lại ấy bắt đầu sung làm thư lại, làm việc ba năm sung làm đạt lại, lại một năm sung làm điển lại, sau làm việc một năm nữa, không phạm lỗi, được thăng lên đô lại.

Niên hạn các lại sử định như sau này:

- Làm án lại ở trực Kim Quang điện+hai vệ Cẩm Y và Kim Ngô+Ty Đình úy, phải 8 năm.

- Làm triều đường lại, phải 9 năm.

- Làm lại ở: bốn bộ Lại, Hộ, Binh, Hình+Đông các học sĩ+Ngự sử đài+ba khoa Hộ, Binh, Hình, đều phải 10 năm.

- Làm lại ở các nha môn: ty Thần võ+Hiệu lực+Điện tiền+Ngũ phủ+Đề lãnh+hai bộ Lễ và Công+viện Hàn Lâm+Sử quán+ba khoa Lại, Lễ và Công+lục tự+Kim quang môn đãi chiếu+ty Thông chính sứ+Nội vụ giám+Ngự dụng giám đều phải 11 năm.

Những người kể trên lại phải làm việc luôn ba năm trong một ban mà đều không phạm lỗi mới được sung vào hạng lại sử ở các nha môn bổ dụng người có xuất thân.

Còn như có người nào thi hội đã trúng được một, hai, ba kỳ thì viên quan có trách nhiệm liệu xét tài năng của họ mà tiến cử, sẽ chiếu theo thể lệ để cất nhắc, không câu nệ niên hạn.

Trong kinh: lại sử ở các nha môn bổ dụng người không có xuất thân, thì bắt đầu sung làm thông lại, làm việc 6 năm sung làm đề lại, làm việc 3 năm nữa thăng sung đô lại ở nha môn bổ dụng người có xuất thân.

Lệnh sử ở phủ thân vương, phủ công chúa và nha môn hoàng tử+quốc công+quận công+tước hầu+tước bá+tước tử+tước nam, thì bắt đầu sung làm á lệnh sử, làm việc ba năm mà không phạm lỗi, thăng sung thừa lệnh sử ở bản phủ hoặc bản nha, lại làm việc ba năm nữa thăng sung đô lại ở nha môn bổ dụng người có xuất thân.

Những lại sử nói trên, đều chuẩn theo niên hạn đã định liệt vào hạng xuất thân.

Những người lại ở nha môn các đạo bên ngoài, cũng như những người lại tại nha môn bổ dụng người không có xuất thân ở trong kinh.

Đến kỳ tuyển bổ quan chức, thì bộ Lại đưa công văn cho viên quan thượng ty từng nha, để viên quan ấy đề cử người thanh liêm, cần mẫn, lão luyện, thông thạo đáng được bổ dụng, rồi cho bộ Lại tâu bày đầy đủ dẫn vào triều đường để lựa chọn, sẽ cất nhắc bổ vào chức quan tá nhị ở châu, ở huyện; nếu có người thi hội đã được trúng một, hai, ba kỳ sẽ bổ làm quan chính thức ở châu, ở huyện cùng các chức kinh lịch, khố sứ, phó sứ.

Lời chua-Tư cách: Theo điển lệ quan chế trong cuốn Hồng Đức Thiên nam dư hạ tập.

Trong kinh: Nha môn bổ dụng người lại sử có xuất thân.

Hạng án lại: trực Kim quang điện 8 người-vệ Cẩm Y 23 người-vệ Kim Ngô 17 người-ty Đình úy 8 người-ty Hải Thanh lực sĩ 2 người+Trung thư giám hoa văn học sinh 100 người.

Hạng án lại: Trực Kim quang điện 8 người-vệ Cẩm Y 23 người-vệ Kim Ngô 17 người-ty Đình úy 8 người-ty Hải Thanh lực sĩ 2 người-Trung thư giám hoa văn học sinh 100 người.

Hạng lại "Triều đường 6 người+Đô đốc năm phủ đều 6 người-ty Điện tiền đô kiểm điểm 13 người-quân vụ thuộc bốn vệ Hiệu lực và bốn vệ Thần võ đều 8 người-Bộ đường ở ba bộ Lại và Binh đều 21 người-Bộ đường bộ Lễ 13 người. Bộ đường bộ Hình 17 người-Bộ đường bộ Công 15 người-Đề lãnh tứ thành quân vụ+Đông các học sĩ 8 người- Hàn lâm viện 9 người-Sử quan 8 người-ba khoa Lại, Lễ và Công đều 21 người-hai khoa Hộ và Binh đều 51 người-Hình khoa 32 người-ty Thuyên khảo thuộc bộ Lại 59 người-ty Bản tịch thuộc bộ Hộ 80 người-ty Độ chi 29 người-ty Nghi chế thuộc bộ Lễ 18 người-ty Võ khố 47 người-ty Quân vụ thuộc bộ Binh 100 người-ty Ngũ hình mỗi ty đều 30 người- thuộc bộ Công: ty Doanh thiện 19 người+ty công trình 11 người-Đề hình giám sát ngự sử 6 người-Thanh Hóa đạo giám sát ngự sử 7 người, 11 đạo giám sát ngự sử mỗi đạo 5 người, Quảng Nam đạo giám sát ngự sử 4 người-Đại lý tự 29 người-Thái thường tự 7 người-Quang lộc tự 8 người-Hồng lô tự 8 người-Thái bộc tự 12 người-Thượng bảo tự 18 người-Thông chính sứ ty 24 người-Kim quang môn đãi chiếu 3 người-Nội phủ giám 6 người-Ngự dụng giám 4 người-Thượng y giám 3 người-Tương tác giám 3 người-Huy văn điện 12 người.

Trong kinh: Nha môn bổ dụng người không có xuất thân:

Hạng lại: Ba ty Thần võ tráng sĩ, Du nỗ tráng sĩ và Thân tý tráng sĩ, mỗi ty 3 người-bốn vệ Thần võ+ty Điện tiền+ty Binh mã lang tướng ở bốn cửa hoàng thành và trung thành+kho Hàm thông đều 2 người-kho Thiên mộc, kho Trúc mộc, kho Tang phạt đều 11 người-kho Thiên Oai 2 người-kho Phong Trừ 6 người-Thái y đường và Tề sinh đường đều 11 người-Sở lương y 10 người-Tông nhân phủ 3 người-ty Thông sự 10 người+điện Trường quang 10 người+sáu sở: Bảo nguyên, Trúc mộc, Khí giới, Chưng Thổ, Yên Bí và Doanh tạo thuộc bộ Công mỗi sở 2 người-phủ Phụng Thiên 13 người-tư thiên giám 23 người-Hội đồng quán 2 người, ,hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức mỗi huyện 11 người-cục Thừa dụ 2 người-ty Thị mãi 5 người-Sở Lương y ở trực Kim Quang điện và các vệ Cẩm Y, Kim Ngô, Điện Tiền, Thần Võ, Hiệu Lực mỗi sở đều 3 người.

Hạng lệnh sử: phủ Thân vương 33 người-phủ thân công chúa 29 người-Hoàng tông công nha 25 người-Quốc công nha 23 người-Quận công nha 21 người-Hoàng tông hầu nha 19 người-Hầu nha 17 người-Hoàng tông bá nha 15 người-Phò mã đô úy nha 13 người-Hoàng tông tử và hoàng tông nam nha 11 người.

Hạng lại ở nha môn các đạo ngoài kinh thành:

12 xứ: Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Sơn Nam, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương, Tuyên Quang, An Bang, Thái Nguyên, Hưng Hóa và Lạng Sơn. Về ty Đô tổng binh sứ mỗi ty 2 người2181 ; ty Thừa chính sứ mỗi ty 52 người, ty Hiến sát sứ mỗi ty 17 người; xứ Quảng Nam: ty Thừa chính sứ 15 người, ty Hiến sát sứ 8 người. Sơn lăng giám 5 người; Lam sơn lăng 6 người. Sở thái bộc tự ở Thanh Hóa, Nghệ An và Thuận Hóa mỗi sở 2 người. Phủ, châu, huyện liệt vào hạng phiền kịch mỗi nha môn 8 người; phủ, châu, huyện liệt vào hạng giản việc mỗi nha môn 7 người; phủ, châu, huyện liệt vào hạng thái

giản mỗi nha môn 4 người. Các phủ: y học mỗi phủ 3 người; trường mậu dịch mỗi trường 4 người.

Định thể lệ truy phong và ấm phong.

Con trai, con gái trong hoàng tông đều được ấm phong; hoàng thái hậu, hoàng hậu, tam phi, cửu tần, lục chức và nữ quan trong cung đều được truy phong cho ông, bà, cha mẹ; các quan văn, quan võ từ hàng tòng phẩm trở lên được truy phong cho ông bà, cha mẹ và phong ấm cho con đều có cấp bậc khác nhau. Người được truy phong chỉ một bản thân người ấy được gia phong quan tước, không được trao cho quan chức, không được bổng lộc và không được viện lệ xin phong ấm.

Lời chua-Thể lệ truy phong và ấm phong: Theo mục Chức quan chí trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, hoàng trưởng tử tức là hoàng thái tử; hoàng tử đều phong là thân vương; hoàng nữ phong là công chúa.

Con trai trưởng của hoàng thái tử tức là hoàng thái tôn, con trưởng của thân vương tức là tự thân vương, các con trai thứ của hoàng thái tử và của thân vương đều phong tước công, con gái đều phong quận thượng chúa.

Con trai trưởng của hoàng thái tôn là hoàng tằng tôn, các con trai thứ đều phong tước bá, con gái phong quận chúa.

Con trai trưởng của tự thân vương và của công chúa đều phong tước hầu, các con trai thứ đều phong tước bá, con gái đều phong á quận chúa.

Con trai trưởng của tước hầu, tước bá đều phong tước tử, các con trai thứ đều phong tước nam, con gái phong quận quân.

Các con của tước tử, tước nam đều phong tá quốc sứ, con gái phong á quận quân.

Con trai của tá quốc sứ phong là phụng quốc sứ, con gái phong là huyện thượng quân.

Con trai của phụng quốc sứ phong là dực quốc sứ, con gái phong là huyện quân.

Con trai của dực quốc sứ phong là lượng quốc sứ, con gái phong là á huyện quân.

Hoàng thái hậu được truy phong tam đại: cha phong quốc công, mẹ phong quốc phu nhân, tổ phụ (ông) phong quận công, tổ mẫu (bà) phong quận phu nhân, tằng tổ phụ (cụ ông) phong tước hầu, tằng tổ mẫu (cụ bà) phong chính phu nhân.

Hoàng hậu được truy phong nhị đại: cha phong quận công, mẹ phong quận phu nhân, tổ phụ phong hầu, tổ mẫu phong chính phu nhân.

Tam phi tức là quý phi, minh phi và kính phi được truy phong nhị đại; cha phong tả đô đốc, mẹ phong đoan nhân, tổ phụ phong đô đốc đồng tri, tổ mẫu phong thuận nhân.

Cửu tần được truy phong nhất đại. Về hàng tam chiêu tức là chiêu nghi, chiêu dung, chiêu viên, cha phong đô đốc đồng tri, mẹ phong thuận nhân. Về hàng tam tu tức là tu nghi, tu dung và tu viên, cha phong đô đốc thiêm sự, mẹ phong thục nhân. Về hàng tam sung tức là sung nghi, sung dung và sung viên, cha phong đô đốc chỉ huy sứ, mẹ phong là trinh nhân.

Sáu chức cung giai và sáu cấp nữ quan đều được truy phong nhất đại. Sáu chức là tiệp dư, dung hoa, tuyên vinh, tài nhân, lương nhân, mỹ nhân và nữ quan cấp nhất, cha phong tổng tri, mẹ phong huy nhân; cấp hai, cha phong đồng tổng tri, mẹ phong thạc nhân; cấp ba, cha phong thiêm tổng tri, mẹ phong lệnh nhân; cấp bốn, cha phong

quản lãnh, mẹ phong cung nhân; cấp năm, cha phong phó quản lãnh, mẹ phong nghi nhân; cấp sáu, cha phong chánh võ úy, mẹ phong an nhân.

Tước công, tước hầu và tước bá được truy phong nhị đại; vợ, con và cháu trai đều được ấm phong:

- Quốc công: cha và ông đều phong quân công, mẹ và bà phong quận phu nhân, vợ phong quốc phu nhân, con trai trưởng phong trung trinh đại phu, các con thứ phong triều liệt đại phu, cháu trưởng phong hoằng tín đại phu.

- Quận công: Cha và ông đều phong tước hầu, mẹ và bà phong chánh phu nhân, vợ phong quận phu nhân, con trai trưởng phong triều liệt đại phu, các con trai thứ phong hoằng tín đại phu, cháu trưởng phong hiển cung đại phu.

- Tước hầu: cha và ông phong tước bá, mẹ và bà phong tự phu nhân, vợ phong chánh phu nhân, con trai trưởng phong hoằng tín đại phu, các con trai thứ phong hiển cung đại phu, cháu trai trưởng phong mậu lâm lang.

- Tước bá: cha và ông phong thái bảo, mẹ và bà phong liệt phu nhân, vợ phong tự phu nhân, con trai trưởng phong hiển cung đại phu, các con trai thứ phong mậu lâm lang, cháu trai trưởng phong mậu lâm tá lang.

Các quan văn, quan võ hàm nhất phẩm, nhị phẩm được truy phong nhất đại, vợ và con trai đều được ấm phong:

Võ giai-Hàm chánh nhất phẩm; cha phong tả đô đốc, mẹ phong đoan nhân, vợ phong huy nhân, con trai trưởng phong mậu lâm lang.

- Tòng nhất phẩm: cha phong đô đốc đồng tri, mẹ phong thuận nhân, vợ phong thạc nhân, con trai trưởng phong mậu lâm tá lang.

- Chánh nhị phẩm: cha phong đô đốc thiêm sự, mẹ phong thục nhân, vợ phong lệnh nhân, con trai trưởng phong cẩn sự lang.

- Tòng nhị phẩm: cha phong đô đốc chỉ huy sứ, mẹ phong trinh nhân, vợ phong cung nhân, con trai trưởng phong cẩn sự tá lang.

Quan võ hàm tam phẩm, tứ phẩm được truy phong nhất đại, vợ được dự phong, con không được dự.

- Chánh tam phẩm: cha phong tổng tri, mẹ phong huy nhân, vợ phong nghi nhân.

- Tòng tam phẩm: cha phong thiêm tổng tri, mẹ phong thạc nhân, vợ phong an nhân.

- Chánh tứ phẩm: cha phong đồng tổng tri, mẹ phong thạc nhân, vợ phong phụ nhân.

- Tòng tứ phẩm: cha phong quản lãnh, mẹ phong cung nhân, vợ phong tĩnh nhân.

Văn giai-Hàm chánh nhất phẩm: cha phong thiếu bảo, mẹ phong thuận nhân, vợ phong lệnh nhân, con trai trưởng phong mậu lâm tá lang.

- Tòng nhất phẩm: cha phong thái tử thiếu bảo, mẹ phong thục nhân, vợ phong cung nhân, con trai trưởng phong cẩn sự lang.

- Chánh nhị phẩm: cha phong đô ngự sử, mẹ phong trinh nhân, vợ phong an nhân, con trai trưởng phong cẩn sự tá lang.

- Tòng nhị phẩm: cha phong tả dụ đức, mẹ phong huy nhân, vợ phong tĩnh nhân, con trai trưởng phong tiến công lang.

- Chánh tam phẩm: cha phong tả trung doãn, mẹ phong thạc nhân, vợ phong túc nhân.

- Tòng tam phẩm: cha phong tham chính, mẹ phong lệnh nhân, vợ phong thân nhân.

- Chánh tứ phẩm: cha phong tự khanh, mẹ phong cung nhân, vợ phong phu nhân.

- Tòng tứ phẩm: cha phong tham nghị, mẹ phong nghi nhân, vợ phong cẩn nhân.

Định thể lệ cấp điền lộc.

Phàm những người hoàng tông, các quan văn, quan võ và tông phụ nữ quan đều được nhà vua định thể lệ cấp cho ruộng, đất, bãi trồng dâu, tiền mặt thay thế cho đầm (hồ hoặc đầm) và thổ trạch vườn ao, đều có đẳng cấp khác nhau. Những người được ban cấp sau khi chết phải chiêu số đã cấp trã lại quan. Nếu người nào có tài đức công nghiệp được vua đặc ân ban cho ruộng đất thế nghiệp để truyền cho con cháu, thì lúc bấy giờ sẽ xin chỉ chuẩn của nhà vua, không phải là thể lệ thường hành.

Lại nghị định chế độ quân cấp ruộng: Phàm công điền của dân đinh các xã, cứ 6 năm một lần, quan phủ, huyện hoặc châu phải kiểm điểm đo đạc, chia ruộng làm ba bậc: nhất đẳng, nhị đẳng và tam đẳng, rồi chiểu theo khoản thức kê khai số quan, quân, dân và số ruộng nhiều ít thế nào, chia từng hạng để quân cấp. Nếu ruộng nhiều thì lấy mẫu chia làm từng phần, ruộng ít thì lấy sào, thước chia làm từng phần. Quan viên từ nhị phẩm trở lên được cấp điền lộc ở nơi khác đã nhiều rồi thì không được cấp phần ruộng nữa; còn từ tam phẩm trở xuống người nào điền lộc ít, thì được quân cấp theo như thể lệ.

Lời chua-Điền lộc: Theo Hồng Đức, thiên nam dư hạ tập, thì:

Thân vương: thế nghiệp điền 600 mẫu, thế nghiệp thổ 40 mẫu, ruộng được vua ban cho 1.000 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 150 mẫu, đầm được ban cho trị giá thực tiền 80 quan, ruộng tế tự 300 mẫu, thực phong 500 hộ.

Tự thân vương và thế tử của thân vương: thế nghiệp điền 450 mẫu. thế nghiệp thổ 36 mẫu, ruộng được vua ban cho 500 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 110 mẫu, đầm được trị giá thực tiền 70 quan, ruộng tế tự 250 mẫu, thực phong 200 hộ.

Quốc công trở xuống không được số hộ thực phong.

Quốc công: thế nghiệp điền 400 mẫu, thế nghiệp thổ 34 mẫu, ruộng được vua ban cho 400 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 100 mẫu, đầm được ban cho trị giá thực tiền 60 quan, ruộng tế tự 200 mẫu.

Quận công: thế nghiệp điền 350 mẫu, thế nghiệp thổ 32 mẫu, ruộng được vua ban cho 300 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 90 mẫu, đầm được ban cho trị giá thực tiền 50 quan, ruộng tế tự 180 mẫu.

Tước hầu: thế nghiệp điền 300 mẫu, thế nghiệp thổ 30 mẫu, ruộng được vua ban cho 260 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 80 mẫu, đầm được ban cho trị giá thực tiền 40 quan, ruộng tế tự 160 mẫu.

Tước bá: thế nghiệp điền 200 mẫu, thế nghiệp thổ 28 mẫu, ruộng được vua ban cho 230 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 70 mẫu, đầm ban cho trị giá thực tiền 30 quan, ruộng tế tự 140 mẫu.

Quan văn, quan võ được phong tước công, tước hầu, tước bá: không có ban cho thế nghiệp thổ, còn ruộng thế nghiệp+ruộng được vua ban cho+bãi trồng dâu+đầm trị giá bằng tiền+ruộng tế tự cũng như hoàng tông.

Hoàng tông được phong tước tử, hàm chánh nhất phẩm trở xuống đều không có thế nghiệp điền, chỉ cấp cho thế nghiệp thổ 18 mẫu, ruộng được vua ban cho 100 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 30 mẫu, ruộng tế tự 70 mẫu.

Tước nam, hàm tòng nhất phẩm: thế nghiệp thổ 16 mẫu, ruộng được ban cho 80 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 20 mẫu, ruộng tế tự 60 mẫu.

Chánh nhị phẩm: thế nghiệp thổ được cấp 14 mẫu, ruộng được vua ban cho 60 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 20 mẫu, ruộng tế tự 50 mẫu.

Tòng nhị phẩm: thế nghiệp thổ được cấp 12 mẫu, ruộng được vua ban cho 50 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 10 mẫu, ruộng tế tự 40 mẫu.

Quan văn, quan võ hàm tòng nhị phẩm trở lên đều không có thế nghiệp thổ ra ngoài, về ruộng được vua ban cho+bãi trồng dâu+ruộng tế tự cũng như hoàng tông.

Hoàng tông hàm chanh tam phẩm trở xuống không có bãi trồng dâu, duy cấp cho thế nghiệp thổ 10 mẫu, ruộng được vua ban cho 40 mẫu, ruộng tế tự 35 mẫu.

Tòng tam phẩm: thế nghiệp thổ được cấp 8 mẫu, ruộng được vua ban cho 30 mẫu, ruộng tế tự 20 mẫu.

Chánh tứ phẩm: thế nghiệp thổ được cấp 6 mẫu, ruộng được vua ban cho 20 mẫu, ruộng tế tự 15 mẫu.

Tòng tứ phẩm: thế nghiệp thổ được cấp 4 mẫu, ruộng được vua ban cho 15 mẫu, ruộng tế tự 10 mẫu.

Quan văn, quan võ từ chánh tam phẩm đến tòng tứ phẩm đều không có thế nghiệp thổ, còn ruộng được vua ban cho và ruộng tế tự cũng theo như hoàng tông.

Bầy tôi có công được phong tước ngủ đẳng cùng quan văn, quan võ từ nhất phẩm đến cửu phẩm, ở trong kinh đô, đều được cấp thổ trạch và vườn ao.

Quốc công: thổ trạch 4 mẫu, ao 3 mẫu; quận công: thổ trạch 3 mẫu, ao 2 mẫu; tước hầu: thổ trạch 2 mẫu 5 sào, ao 1 mẫu 5 sào; tước bá: thổ trạch 2 mẫu, ao 1 mẫu 2 sào; tước tử: thổ trạch 1 mẫu 5 sào, ao 9 sào; tước nam: thổ trạch 1 mẫu 2 sào, ao 7 sào; nhất phẩm: thổ trạch 1 mẫu; nhị phẩm thổ trạch 8 sào; tam phẩm: thổ trạch 7 sào; tứ phẩm và ngũ phẩm: thổ trạch 6 sào; lục phẩm và thất phẩm: thổ trạch 5 sào và cửu phẩm: thổ trạch 4 sào.

Phụ nữ trong hoàng tông:

Thân công chúa: thế nghiệp điền 450 mẫu, thế nghiệp thổ 36 mẫu, ruộng được vua ban cho 600 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 100 mẫu; đầm được ban cho trị giá thực tiền 70 quan, ruộng tế tự 200 mẫu, thực phong 300 hộ.

Quận thượng chúa: thế nghiệp thổ 18 mẫu, ruộng được vua ban cho 80 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 20 mẫu, ruộng tế tự 60 mẫu.

Quận chúa: thế nghiệp thổ 16 mẫu, ruộng được vua ban cho 50 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 16 mẫu, ruộng tế tự 50 mẫu.

Á quận chúa: thế nghiệp thổ 14 mẫu, ruộng được vua ban cho 40 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 12 mẫu, ruộng tế tự 40 mẫu.

Quận quân: thế nghiệp thổ 12 mẫu, ruộng được vua ban cho 35 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 8 mẫu, ruộng tế tự 35 mẫu.

Á quận quân: thế nghiệp thế nghiệp thổ 10 mẫu, ruộng được vua ban cho 30 mẫu, ruộng tế tự 30 mẫu.

huyện thượng quân: thế nghiệp thổ 8 mẫu, ruộng được vua ban cho 25 mẫu, ruộng tế tự 25 mẫu.

Huyện quân: thế nghiệp thổ 6 mẫu, ruộng được vua ban cho 20 mẫu, ruộng tế tự 20 mẫu.

Á huyện quân: thế nghiệp thổ 4 mẫu, ruộng được vua ban cho 15 mẫu, ruộng tế tự 15 mẫu.

Phụ nữ trong hậu cung:

Những người về hàng tam phi: thế nghiệp thổ 30 mẫu, ruộng được vua ban cho 300 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 60 mẫu, ruộng tế tự 150 mẫu.

Về hàng tam chiêu cùng vợ hoàng thái tử: thế nghiệp thổ 24 mẫu, ruộng được vua ban cho 200 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 50 mẫu, ruộng tế tự 100 mẫu.

Về hàng tam tu: thế nghiệp thổ 21 mẫu, ruộng được vua ban cho 150 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 45 mẫu, ruộng tế tự 90 mẫu.

Về hàng tam sung: thế nghiệp thổ 20 mẫu, ruộng được vua ban cho 100 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 30 mẫu, ruộng tế tự 80 mẫu.

Sáu chức trong hàng nữ quan:

Cấp nhất: thế nghiệp thổ 18 mẫu, ruộng được vua ban cho 70 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 15 mẫu, ruộng tế tự 70 mẫu.

Cấp nhì: thế nghiệp thổ 14 mẫu, ruộng được vua ban cho 40 mẫu, bãi trồng dâu được ban cho 10 mẫu, ruộng tế tự 40 mẫu.

Cấp ba: thế nghiệp thổ 8 mẫu, ruộng được vua ban cho 30 mẫu, ruộng tế tự 30 mẫu.

Cấp bốn: thế nghiệp thổ 7 mẫu, ruộng được vua ban cho 25 mẫu, ruộng tế tự 25 mẫu.

Cấp năm: thế nghiệp thổ 6 mẫu, ruộng được vua ban cho 20 mẫu, ruộng tế tự 20 mẫu.

Cấp sáu: thế nghiệp thổ 5 mẫu, ruộng được vua ban cho 15 mẫu, ruộng tế tự 15 mẫu.

Về việc quân cấp ruộng công:

Người nào hàm tam phẩm được 11 phần, tứ phẩm được 10 phần, ngũ phẩm được 9 phần rưỡi, lục phẩm được 9 phần, thất phẩm được 8 phần rưỡi, bát phẩm được 8 phần, cửu phẩm được 7 phần rưỡi; từ cửu phẩm tạp lưu2182 trở xuống và sinh viên, lại dịch, binh lính, dân đinh, các hạng thợ, cùng người già, người có bệnh tật, người mồ côi cha, đàn bà góa, đều được cấp ruộng từ 7 phần đến 3 phần nhiều ít khác nhau.

Lời phê-Bấy giờ cương vực chưa được rộng lớn, mà ruộng đất ban cho nhiều đến như vậy, thì thuế công của quốc gia còn được bao nhiêu. Việc này e rằng chưa đủ tin được. Mậu Tuất, năm thứ 9 (14778). (Minh, năm Thành Hóa thứ 14).

Tháng 2, mùa xuân. Hạ chiếu cho ba ty Đô, Thừa, Hiến2183 xét người hay, người dở trong bộ thuộc mình rồi kê tên từng người tâu bày lên để vua rõ.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho ba ty Đô, Thừa, Hiến2184 các xứ phải xét kỷ các quan lại trong bộ thuộc của mình, hạng liêm khiết, hạng tham ô, hạng siêng năng, hạng lười biếng, và viên quan giữ việc học dạy bảo học trò, hàng năm có kén chọn để tiến cống hay không, tiến cống nhiều hay ít, đều phải kê tên những quan lại ấy tâu bày lên cho vua biết, để định sự truất bãi hoặc cất nhắc.

Nhà vua lại hạ lệnh cho trưởng quan các nha môn văn và võ trong kinh và các đạo ở ngoài phải xét bộ thuộc của mình, người nào hèn kém bỉ ổi không thể dùng được, thì đưa về bộ để xét thực, hoặc

đổi bổ sung vào chức quan giản việc hoặc bắt về nghĩ, sẽ lựa chọn người từng trải công việc và lão luyện, thông thái để thay thế. Nếu viên quan nào xét trái sự thật, thì các quan trong Lục khoa, Ngự sử và ty Hiến sát sứ được phép kiểm soát hoặc tâu để trị tội.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho các quan trong Lục khoa tra cứu từ năm Quang Thuận thứ 2 (1461) đến nay, viên quan nào phạm tội tham tang đã từng bị biếm chức hoặc giáng chức và các viên tướng hiệu nào vụng trộm thu tiền của quân sĩ từ 10 quan trở lên, đều bắt đầu phải thôi việc.

Tháng 8, mùa thu. Có thủy tai lớn .

Tháng 11, mùa đông. Hạ chiếu: chọn người có văn học, tài trí, kiến thức cất nhắc làm việc trong ty hình ngục.

Nhà vua hạ sắc lệnh cho các ty trong bộ Hình: nếu viên chức trong bộ Hình có người nào tài cán kiến thức nông cạn quê mùa, không am hiểu danh lệ hình luật, thì viên quan thượng ty lựa chọn đưa sang bộ Lại để bổ giữ chức khác, sẽ chọn những tiến sĩ hoặc người dự thi hội đã trúng ba kỳ mà có tài cán kiến thức hoặc do lại viên xuất thân thông hiểu danh lệ hình luật, những người ấy đã làm việc ở trong kinh hoặc các đạo bên ngoài đủ 2 lần khảo công2185 , để cất nhắc vào làm việc tại bộ Hình.

Nhà vua ra sắc lệnh: từ nay chức lang trung và viên ngoại trong bộ Hình có khuyết ngạch, thì Lục bộ, Ngự sử đài, Lục tự khanh và 2 ty Thừa chính, Hiến sát đều được đem viên chức trong nha môn mình đã từng 2 lần khảo công trở lên mà là người thanh liêm, lão luyện, thông thái am hiểu danh lệ hình luật thì đề cử, để bổ sung. Nếu đề cử không được người xứng đáng, thì Lục khoa và Ngự sử đài phải xét kỷ lưỡng rồi hặc tâu.

Tháng 12. Định thể lệ thưởng và phạt về kỳ thi "đô thí".

Phàm tước công, tước hầu, tước bá cùng các quan trong kinh, ngoài các đạo, viên quan nào có trách nhiệm quản lĩnh quân sĩ, thì hội hợp ở kinh sư để thi khảo về võ nghệ, gọi là "đô thí". Phép thi: mỗi lần thi bắn 5 phát tên bằng cung, 5 phát tên bằng tay2186 và đấu khiên2187 một đường. Ai được trúng từ 8 đến 10 lần là thượng cấp, trúng 6, 7 lần là trung cấp, trúng 4, 5 lần là hạ cấp, sẽ được theo cấp đã trúng mà định việc ban thưởng; nếu trúng 2, 3 lần sẽ không thưởng, không phạt; còn người trúng một lần cùng người không trúng lần nào, sẽ bị phạt tiền nhiều ít khác nhau.

Kỷ Hợi, năm thứ 10 (1479). (Minh, năm Thành Hóa thứ 15).

Tháng giêng, mùa xuân. Duyệt võ.

Lời chua-Duyệt võ: Theo sách Bắc kỳ tạp biên của Nhữ Bá Sỹ, Lê Thánh Tông thường duyệt võ ở núi Khán Sơn. Núi này ở phía tây nam thành Thăng Long.

Hạ lệnh cho Ngô Sĩ Liên biên chép sách Đại Việt sử ký.

Sách chép gồm 15 quyển: từ Hồng bàng thị đến Ngô sứ quân 5 quyển gọi là Ngoại kỷ; từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ 10 quyển gọi là Bản kỷ.

Lời phê-Lúc ấy gọi là văn minh, mà biên chép sách còn như thế. Như vậy có thật được như vậy không?2188 . Tháng 2. Nhà vua đi xem đánh cá ở Tây Hồ.

Lời chua-Tây Hồ: Xưa gọi là hồ Lang Bạc. Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 18 (Tb. II, 12).

Tháng 8, mùa thu. Nước Lão Qua xâm phạm vào biên giới. Nhà vua hạ lệnh cho các tướng đem quân đi đánh, phá tan được quân Lão Qua.

Cầm công, tù trưởng Bồn Man, ngầm mang lòng phản bội. Lão Qua liên kết và viện trợ cho Cầm Công, đem quân lấn cướp biên cảnh phía tây nước ta. Nhà vua sai các tướng đi đánh, hạ lệnh cho thái úy Lê Thọ Vực làm Chinh tây tướng quân, đi theo đường chính phủ Trà Lân; đô đốc Đông quân phủ Trịnh Công Lộ làm Chinh di tướng quân, đi theo đường An Tây; Trấn lỗ tướng quân Lê Đình Ngạn đi theo đường Ngọc Ma; Du Kỵ phó tướng quân Lê Lộng đi theo đường Thuận Châu và Mỗi Châu; Thảo tặc phó tướng quân Lê Nhân Hiếu đi theo đường phủ Thanh đô. Các tướng hội đồng quân 5 đạo cộng 18 vạn, đánh phá tan được. Nhân thế thắng, kéo vào thành Lão Qua, lấy được của báu. Vua Lão Qua phải chạy trốn. Các tướng bắt dân nước ấy và chiếm đất đai nước ấy đến sông Kim Sa giáp giới phía nam nước Miến Điện, rồi cho người đem tiệp thư về tâu nhà vua biết.

Lời phê-Thường hay khoa trương2189 . Lời chua-Lão Qua: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 3 (Chb. XI, 13).

Trà Lân: Tức Trà Long: Xem Bình Định Vương năm thứ 7 (Chb. XIII, 17).

Thanh Đô: Tên phủ xưa, nay đổi là Thọ Xuân, thuộc tỉnh Thanh Hóa.

An Tây: Tên phủ xưa, nay phụ thuộc vào phủ Điện Biên, thuộc tỉnh Hưng Hóa2190 .

Ngọc Ma: Xem Bình Định vương năm thứ nhất (Chb. XIII, 10).

Thuận châu: Nay thuộc phủ Gia Hưng, tỉnh Hưng Hóa2191 .

Mỗi Châu: Xem Lê Thái Tông, năm Thiệu Bình thứ 4 (Chb. XVII, 1).

Sông Kim sa: Theo mục Vân Nam chí trong sách Thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư thì, sông Kim Sa phát nguyên từ lưu vực phía tây nước Thổ Phồn, chảy đến nước Miến Điện rồi đỗ ra biển nam.

Miến Điện: Theo Đại Thanh nhất thống chí, Miến Điện, tên mộ Man quốc, năm Hồng Võ thứ 29 (1386) triều Minh, nước này mới quy phụ, triều Minh đặt Miến Điện quân dân tuyên úy sứ ty, phía đông đến Bát Bá tuyên sứ ty, phía nam đến biển, phía tây đến địa giới Mạnh Dưỡng, phía bắc đến địa giới Mạnh Mật tuyên phủ ty.

Tháng 10, mùa đông. Cầm Công ở Bồn Man làm phản, nhà vua tự làm tướng đi đánh, đi đến Thâu Bồ rồi trở về, tháng 12. Hạ lệnh cho tướng quân Lê Niệm đi đánh, dẹp yên được.

Họ Cầm nối đời làm phụ đạo Bồn Man. Nhà vua thấy rằng, đất ấy tiếp giáp với biên cảnh ngoại di, khó có người trấn thủ được, bèn chia đất ấy ra lập thành 7 huyện thuộc phủ Trấn Ninh, đặt quan phủ, quan huyện để giám sát cai trị. Đến đây, Lão Qua xâm phạm biên giới. Cầm Công nương dựa Lão Qua làm viện trợ cho mình, đánh đuổi các viên lưu quan2192 , chiếm cứ riêng đất ấy để chống lại quan quân; đến lúc các tướng đánh phá được Lão Qua, cho người đưa thư báo tin thắng trận. Cầm Công lại ngăn chặn, làm cho tiệp thư thông báo về kinh được. Bởi thế, nhà vua hạ chiếu thân hành đi đánh, quân nhà vua tiến đóng tại Phù Liệt, bèn sai Trần Bảo, phó đoàn sư vệ Cẩm Y, và Phạm Nhân Kính, đô chỉ huy thiêm sự, điều động cung cấp quân lương, lại dụ bảo Lê Thọ Vực các tướng: "Công trạng đánh phá Lão Qua như thế nào thì giao cho Trần Bảo đệ về tâu nộp". Tháng 11, xa giá đến Thâu Bồ đóng ngự doanh 4 ngày rồi trở về, sai tướng quân Kỳ quận công Lê Niệm thống lãnh 30 vạn quân, tiến đánh, phá tan được. Cầm Công bỏ chạy, bị chết. Tướng sĩ đốt thành của Bồn Man và thiêu hủy kho tàng tích trữ. Bồn Man xin

hàng. Nhà vua bèn phong người họ Cầm tên là Cầm Đông làm tuyên úy đại sứ, lại đặt các thổ quan để chia nhau cai trị.

Lời chua-Trấn Ninh: Đất Bồn Man xưa, hồi đầu triều Lê, họ Cầm nối nhau làm phụ đạo; đến Lê Thánh Tông chia đất này lập ra làm phủ Trấn Ninh, quản lãnh 7 huyện: Kim Sơn, Thanh Vị, Cảnh Thuần, Quang Minh, Minh Quảng, Quang Lang và Tư Thuận, cho họ Cầm nối đời làm tù trưởng. Cuối năm Vĩnh Hựu (niên hiệu Lê Ý Tông 1735-1739), Lê Duy Mật chiếm cứ, đến năm Cảnh Hưng thứ 31 (1770) mới dẹp yên được, lại cho họ Cầm được nối đời quản trị. Bản Triều, năm Gia Long thứ nhất (1802) đem đất ấy phong cho nước Vạn tượng; năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), nước Vạn tượng bị Tiêm La đánh phá, tù trưởng Chiêu Nội đem đất ấy quy phụ, mới chia đặt thành 8 huyện là: Khâm, Quảng, Liên, Cát, Khang, Xuy, Liêm, Mộc, phong cho Chiêu Nội làm Phòng Ngự sứ, quản trị công việc ở phủ, còn ở huyện thì đặt chức tri huyện người bản thổ để cai trị; đến năm Minh Mệnh thứ 9 (1826), Chiêu Nội phạm tội, bị giết, triều đình trao cho một viên tri huyện người bản thổ làm phòng ngự đồng trị, quản lý tất cả công việc trong phủ, năm thứ 15 (1838) mới đặt lưu quan làm tri phủ quản lĩnh 8 huyện.

Thâu Bồ: Nay không khảo cứu được.

Canh Tý, năm thứ 11 (1480). (Minh, năm Thành Hóa thứ 16).

Tháng giêng, mùa xuân, mưa đá.

Tháng 5, mùa hạ. Sao sa.

Tháng 6. Đại hạn.

Nhà vua ra dụ chỉ nói: Ít lâu nay bộ Hình cùng Thừa ty, Hiến ty, phủ huyện các xứ khám xét kiện tụng, phần nhiều theo bịng riêng của mình lấy tiền một cách nhảm nhí, hoặc văn án để đình trệ, hoặc kẻ trên người dưới suy tỵ lẫn nhau, gian trá trăm đường, không ai vì dân làm sáng tỏ lẽ phải trái; vì thế mà kẻ bị tội oan, người bị phạt lạm, để cho dân sầu khổ oán thán, đến nỗi trời làm hạn hán. Vậy từ nay đối với hình quan cùng các quan Thừa chính, Hiến sát, phủ, huyện, người nào nên tuyển dụng, người nào nên sa thải, các bầy tôi trong triều đều phải giữ lòng công bằng, cốt làm thế nào lựa chọn được người tốt để việc hình ngục đi đến chỗ công bằng thỏa đáng.

Tháng 11, mùa đông. Sai sứ sang nhà Minh.

Trước đây có xảy ra mấy việc như thế này:

- Nhà vua lấy cớ rằng tiếp giáp nơi biên cảnh thường bị bọn Sơn Man quấy rối, mới sai Hoàng Thế Cung sang châu Bằng Tường để do thám, bị viên tri châu ấy là Lý Quảng Ninh bắt giữ.

- Trần Ao, tổng binh đồng tri ở Bắc Bình, lấy cớ rằng ruộng xứ Ban Động ở xen vào đất châu Tư Lăng, mới sai liệt hiệu2193 Đào Phu Hoán đem 600 quân, mở cửa ải Thông Quang, trồng tre gỗ làm giậu ngăn, để phân biệt giới hạn, bị La Truyền, thổ tù nhà Minh, đến đánh, đốt phá giậu tre gỗ đã trồng.

- Lưu Doãn Trực, trấn thủ Lạng Sơn, tâu nói: người châu Tư Lăng nhà Minh kéo tràn sang địa giới châu Lộc Bình, cướp lấy súc vật của cải; viên quan coi giữ đất đai là Lê Đình Hoán không sao chống cự được.

Vì có những việc xảy ra ở trên, Lê Niệm và Lê Thọ Vực bàn rằng: Bọn kia với cũ, lấn cướp dân biên giới nước đưa sang Tư Lăng, trách họ về việc không biết ngăn cấm nhân dân để vượt biên cảnh sang cướp bóc; một mặt làm công văn kể hết mọi tình trạng về việc cướp phá từ trước, đến sau như thế nào, nhân tiện kỳ sứ thần nước ta sang sứ, sẽ đem công văn ấy trình quan tổng đốc Lưỡng Quảng khám xét tra hỏi.

Gặp lúc ấy nhà Minh có sắc văn đưa sang nước ta nói, gần đây, đươc tin viên trấn thủ Vân Nam nói, quốc vương An Nam, không vì cớ gì mà tự tiện điều động binh mã đánh phá nước Lão Qua, rồi lại đánh nước Bát Bá tức phụ; nếu trước kia vương có trót lầm lỗi như thế , thì nên rút quân ngay.

Nhà vua đem sắc văn ấy bảo với bầy tôi trong triều. Bọn Lê Thọ Vực cho là bây giờ nên dùng lời quyền biến tâu lại rằng: Vì nay trong nước tôi có người ở Đông Quan chạy trốn sang Lão Qua, cho nên sự sai binh lính đến biên cảnh đuổi bắt, không có liên can gì đến việc Lão Qua và Bát Bá cả.

Nhà vua bèn sai Hàn lâm thị thư Lương Thế Vinh nghĩ soạn biểu văn phúc tấu và đem việc La Tuyền đốt phá giậu rào bằng tre gỗ; việc Lý Quảng Ninh bắt phái viên của triều đình nước ta nói hết vào trong tờ tư, rồi sai bọn Nguyễn Văn Chất, Doãn Hoành Tấn và Vũ Duy Giao sung làm chánh phó sứ đệ lễ cống nạp hàng năm; khi đi, đem theo cả biểu văn phúc tấu để tùy từng khoản mà ứng đối.

Lúc ấy, từ bàn về việc bang giao, trước hết vua sai viện Hàn lâm nghĩ soạn, thứ nhì giao xuống cho các cơ quan ở Đông Các và bầy tôi trong triều xét duyệt, nếu có chỗ nào không hợp thì sửa đỗi lại ngay, vì thế người nhà Minh thường khen ngợi, cho là trong nước có nhân tài.

Truyện An Nam trong Minh sử chép: Nhà Minh, năm Thành Hóa thứ 15 (1479) mùa đông, Lê Vương sai hơn 800 binh lính vượt qua biên giới Mông Tự thuộc tỉnh Vân Nam, nói phao là bắt bọn trộm cướp, rồi thiện tiện lập dinh trại, dựng nhà cửa để ở. Viên quan giữ cảnh thổ ở đấy phải hết sức ngăn cản mới chịu rút lui. Sau khi Lê Vương đã phá được Chiêm Thành, chí tham vọng thêm to lớn, thân hành đốc suất chín vạn quân, mở hai đường núi; đánh phá Ai Lao; rồi xâm lấn Lão Qua lại phá tan được, giết chết ba bốn con viên tuyên úy Đèo Bản Nha Lan Chưởng, người con út của viên ấy là Phạ Nhã Trại phải chạy sang nước Bát Bá để thoát nạn. Lê vương lại chức lương thảo, luyện binh sĩ, ban sắc lệnh giả để lấy quân ở Xa Lý, bắt chúng đi đánh nước Bát Bá, tướng sĩ bị chết hại đến vài ba ngàn người, đều nói là bị sét đánh. Nước Bát Bá bèn ngăn cản đường về và đánh úp, giết chết được hơn vạn người, lúc ấy Lê vương mới dẫn quân về. Vua nhà Minh giao việc này xuống cho bầy tôi trong triều đình bàn luận, đình thần xin hạ lệnh cho ty Bố chính tỉnh Quảng Tây làm tờ hịch bảo Lê Vương thu quân về; còn về phần bầy tôi giữ đất đai ở tỉnh Vân Nam và hai tỉnh Quảng thì cứ việc giới nghiêm công việc phòng bị biên cảnh mà thôi. Sau đấy, Lê vương nói chưa từng xâm lấn nước Lão Qua bao giờ, và không biết bờ cõi nước Bát Bá ở chỗ nào. Lời nói của Lê vương rất trí trá, vua nhà Minh lại an ủi dụ bảo, Lê vương vẫn không chịu phụng mệnh.

Lời chua-Bằng Tường: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 11 (Chb. VI, 24).

Châu Tư Lăng: Xem Lý Thái Tông, năm Thông Thụy thứ 4 (Chb. II, 41).

Cửa Thông Quang: Ở xã Quang Lang, châu Ôn, nay đổi là đồn Quang Lang.

Châu Lộc Bình: Nay đỗi là huyện Lộc Bình, Quang Lang và Lộc Bình đều thuộc tỉnh Lạng Sơn2194 .

Bắc Bình: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 19).

Lạng Sơn: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19-20, 31).

Vân Nam: Xem Bình Định Vương năm thứ 10 (Chb. XIV, 10).

Lão Qua: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 3 (Chb. XI, 13).

Bát Bá tức phụ: Theo sách thiên hạ quận quốc lợi bệnh toàn thư thì Bát Bá tức phụ là tên một bộ lạc man di. Tương truyền tù trưởng bộ lạc này có 800 vợ, mỗi vợ quản lãnh một trại, nhân đấy mới đặt tên là Bát Bá tức phụ. Hồi đầu triều Nguyên đặt Bát Bá Tuyên úy ty; nhà Minh, năm Hồng Vũ thứ 24 (1391), tù trưởng nước ấy sang tiến cống, bèn lập Bát Bá đại điện Tuyên úy sứ ty; Khoảng năm Gia Tĩnh (1522- 1566) nước này bị nước Miến Điện kiêm tính.

Doãn Hoành Tấn: Người xã An Duyên, huyện Thượng Phúc2195 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Mậu Tuất năm Hồng Đức thứ 9 (1478).

Ban động: Nay không rõ ở đâu.

Tân Sửu, năm thứ 12 (1481). (Minh, năm Thành Hóa thứ 17).

Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua ra bài sách thi cống sĩ, cho bọn Phạm Đôn Lễ đỗ cập đệ và xuất thân đều khác nhau.

Trước đây, các cử nhân trong nước thi hội, lấy bọn Phạm Đôn Lễ 40 người được trúng tuyển; đến nay nhà vua thân hành ra bài sách hỏi về lý số, cho bọn Phạm Đôn Lễ, Lưu Hưng Hiếu và Nguyễn Doãn Địch 3 người đỗ tiến sĩ cập đệ2196 ; bọn Ngô Văn Cảnh 8 người đỗ tiến sĩ xuất thân2197 ; bọn Nguyễn Minh Đạo 29 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Nhà vua ra ngự ở điện Kính Thiên, quan Hồng lô truyền chế chỉ xướng danh, bộ Lễ đam bảng vàng treo ở ngoài cửa Đông Hoa, ty Mã Cứu dùng ngựa tốt đưa người đỗ trạng nguyên về nhà riêng. Thể lệ này từ sau vẫn được thi hành vĩnh viễn.

Lời chua-Phạm Đôn Lễ: Người xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên2198 .

Lưu Hưng Hiếu: Người xã Lương Hà, huyện Vĩnh Ninh.

Nguyễn Doãn Địch: Người xã Bạo Dương, huyện Thanh Oai.

Ngô Văn Cảnh: Người xã Yên Ninh, huyện Yên Dũng.

Nguyễn Minh Đạo: Người xã Xuân Canh, huyện Đông Ngàn.

Tháng 5. Lập đồn điền.

Nhà vua hạ chiếu nói: việc lập đồn điền là cốt để dồn hết sức vào việc làm ruộng, để cho sự tích trữ trong nước được dồi dào. Vậy hạ lệnh cho đồn điền các xứ định làm 3 bậc: thượng trung hạ.

Lời chua-Đồn điền: Theo Hồng Đức Thiên nam dư hạ tập, thì đồn điền có 43 sở.

Vĩnh Hưng, An Lộc, Thịnh Quang, Dịch Vọng, Quan La, Minh Tảo, Lạc Tràng, Bồng Hải, Phượng Vĩ, Liên Thúy, Đông Lạc, Thượng Liệt, Kim Quang, Hoa Mộc, Đan Nhiễm, Quy Mông, Lục (Liễu) Đàm, Đại Tảo, Phần Trì, Tư Mại, Nam Giản, Khám Lãng, An Trú, Phan Dương, Tây Tạ, Thiên Kiện, La Sơn, Vọng Doanh, Hoa Diệp, Cống Khê, Lương Sơn, Lôi Dương, Vĩnh Ninh, An Định, Tĩnh Ninh, Đức Quang, Anh Đô, Diễn Châu, Hà Hoa, Triệu Phong, Tân Bình, Thăng Hoa, Tư Nghĩa, mỗi sở đặt một viên chánh sứ và một viên phó sứ.

Tháng 6. Hạ chiếu: từ nay chức quan ở Đài, ở Hiến2199 phải do mọi người công cử.

Tờ chiếu nói: Bầy tôi trong kinh sư, ngoài các đạo, bắt chước thói xấu của nhau ăn tiền nhảm nhí, việc này tin chắc là vì chưa tìm được người xứng đáng giữ chức trách ngôn luận2200 , hoặc người thì xoê xoa xong việc, cho thế là hay, hoặc người thì đả kích người khác, rước lấy sự ghen ghét vào mình. Lề lối người làm quan, thành ra tham ô nhũng lạm, làm cho dân phải oán thán, vì thế mà can phạm đến khí hòa, sinh ra tai biến, tệ tục cần phải thay đổi. Vậy từ nay, đối với các chức trong Lục Khoa, Ngự sử đài và

Hiến sát sứ, người nào đáng phải thải đi, người nào đáng được cất nhắc lên để thay thế, các bầy tôi trong triều nên theo lẽ công bằng bàn luận việc lựa chọn, rồi làm bản tâu đầy đủ, sẽ cho thi hành, để bỏ hết tệ tục trước.

Tháng 10, mùa đông. Đào hồ Hải Trì.

Hồ này đào ở góc tây nam thành Thăng Long, giữa hồ có điện Thúy Ngọc, bên cạnh hồ dựng điện Giảng Võ, để thời thường luyện tập điểm duyệt binh.

Nhâm Dần, năm thứ 13 (1482). (Minh, năm Thành Hóa thứ 18).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du đến Tây Kinh. Định thể lệ tuyển cử quan chức ở ty Thừa chính.

Trước đây, quan chức ở 3 ty: Đô, Thừa, Hiến các xứ có khuyết ngạch, nếu thuộc về quan chức ở Đô tổng binh sứ ty hoặc Hiến sát sứ ty, thì do bầy tôi trong triều đình công đồng tuyển cử, còn quan chức thuộc Thừa chính sứ ty thì do bộ Lại đề cử.

Nhà vua nhận thấy Thừa chính sứ ty chức trách cũng nặng, việc lựa chọn nên cẩn thận, bèn hạ sắc lệnh: từ nay, nếu viên chức ở Thừa chính sứ ty có khuyết, cũng giao cho bầy tôi trong triều đình tuyển cử theo như thể lệ tuyển cử quan chức ở Đô tổng binh sứ ty và Hiến sát sứ ty.

Nhà vua ra sắc dụ: Hai ty Thừa chính sứ ty và Hiến sát sứ ty, trách nhiệi trao cho đã cao cả, công việc và quyền hạn cũng nặng nề, trong lúc cất nhắc tuyển dụng cần phải được người xứng đáng. Vậy hễ quan chức trong hai ty ấy có khuyết: nếu là chức tham nghị thì bổ dụng viên quan hàm lục phẩm trở lên, mà là người có độ lượng, kiến thức, tài cán và đức vọng; nếu là viên quan hiến sát thì bổ dụng các thuộc quan ở Lục khoa, Ngự sử đài, Quốc tử giám và Lục tự, mà là những người vào hạng liêm khiết, sáng suốt, lịch duyệt, lão luyện. Những quan chức kể trên, đều là những nngười đã đủ bốn lần khảo công, mới được tuyển cử cất nhắc; nếu người nào đề cử càn bậy, thì Lại khoa hặc tâu để trị tội.

Nhà vua ra sắc dụ: Từ nay quan chức trong kinh sư và ngoài các đạo nếu có khuyết ngạch, thì do viên quan trưởng đều được đề cử người mà mình đã biết rõ là quả có tài cán, kiến thức, liêm khiết và khả năng, sẽ cất nhắc trao bổ cho quan chức. Về phần các quan ở Lục khoa và Ngự sử đài thì phải công đồng ghi rõ việc bổ dụng ấy. Nếu sau này xét thấy người ấy là người bỉ ổi tham nhũng, làm quan không có công trạng gì, thì Lục khoa và Ngự sử đài đều được chiểu theo tên người đứng bảo cử, tâu hặc, để trị tội.

Tháng 8. Hạ lệnh ân xá cho trong nước.

Quý Mão, năm thứ 14 (1483). (Minh, năm Thành Hóa thứ 19).

Tháng giêng, mùa xuân. Sửa nhà Thái Học.

Hồi đầu triều Lê, nhà Thái học vẫn theo nếp cũ của nhà Trần, quy chế phần nhiều còn thiếu thốn. Đến nay, nhà vua hạ lệnh cho sửa rộng thêm ra. Đằng trước nhà Thái học dựng Văn Miếu. Khu vũ của Văn Miếu có: Điện Đại Thành để thờ tiên thánh; đông vũ và tây vũ2201 chia ra thờ các tiên hiền và tiên nho; điện Canh phục để làm nơi túc yết2202 ; một kho để chứa đồ tế khí và một phòng học để làm nhà bếp. Đằng sau nhà Thái học, dựng cửa Thái học, nhà Minh luân. Giảng đường phía đông và giảng đường phía tây thì để làm chổ giãng dạy các học sinh. Lại đặt thêm kho bí thư để chức ván gỗ đã khắc thành sách; bên đông, bên tây nhà Thái học làm nhà cho học sinh trong ba xá, mỗi bên ba dãy, mỗi dãy 25 gian, để làm chỗ nghĩ ngơi của học sinh; bên đông, bên tây mỗi bên đều có một nhà bia, quy mô có phần rộng lớn khang trang lắm.

Theo chế độ cũ, con cháu các quan viên, người nào thi hương dự trúng 3 kỳ, được sung vào hiệu sinh trong phủ mình, dự trúng bốn kỳ được sung vào giám sinh ở Quốc tử giám, còn quân hoặc dân nếu

có người nào ứng thí mà trúng tuyển cũng không được dự. Đến nay, nhà vua ra sắc lệnh: quân hoặc dân, nếu thi hương dự trúng 3 kỳ, được sung vào sinh đồ trong phủ mình, dự trúng 3 kỳ được sung vào học sinh trong Tăng quảng đường ở Quốc tử giám.

Phó đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm dâng sớ nói: "Giám sinh ở Quốc tử giám, nếu thi hội dự trúng 3 kỳ, được sung vào thượng xá sinh, dự trúng 2 kỳ, sung vào trung xá sinh, dự trúng một kỳ, sung vào hạ xá sinh; mỗi xá 100 người, mỗi người đều được cấp 9 tiền làm lương ăn học. Đến khi bổ dụng, do Quốc tử giám bảo cử và bộ Lại lựa chọn cất nhắc; học sinh trong 3 xá đều nhất luật như nhau, không có gì phân biệt. Xin từ nay, lương ăn học hàng tháng của các xá sinh, liệu lượng cấp phát theo từng cấp bậc: Thượng xá sinh, cấp thêm cho đủ một quan; trung xá sinh cấp cho 9 tiền; hạ xá sinh cấp rút xuống 8 tiền. Đến khi cất nhắc trao cho quan chức, thì: thượng xá sinh 3 phần; trung xá sinh 2 phần; hạ xá sinh một phần. Làm như thế, để cho cấp bậc các xá sinh có phân biệt khác nhau, mà nhân tài đều biết khuyến khích". Nhà vua chuẩn y lời tâu ấy.

Lời phê-Lương ăn học có ít, mà chia cấp bậc từng xá khác nhau, như thế cũng chưa chắc đã đúng. Lời chua-Quách Hữu Nghiêm: Người xã Phúc Khê, huyện Thanh Lan, đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1466) năm Quang Thuận.

Tháng 6, mùa hạ. Mưa to, gió lớn, nước sông dấy lên.

Tháng 11, mùa đông. Hạ lệnh cho bọn Thân Nhân Trung biên chép tập Thiên Nam dư hạ và Thân Chinh ký sự.

Nhà vua hạ lệnh cho bọn đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung, phó đô ngự sử Quách Đình Bảo, đông các hiệu thư Đỗ Nhuận và Đào Cử, Hàn lâm viện thị thư Đàm Văn Lễ biên tập chính sự Quốc triều (triều Lê) gồm 100 cuốn, khi biên tập xong, đề nhan sách là Thiên Nam dư hạ tập, nhà vua thân đề tựa; lại ghi rõ sự thực khi nhà vua thân đi đánh các mán Chiêm Thành và Lão Qua2203 , đặt tên sách là Thân chinh ký sự.

Lời phê-Sách chép chính sự mà đặt tên là "Dự hạ"2204 không hợp thể. Lời chua-Chiêm Thành; Tức Lâm Ấp, xem Thuộc tấn, Mục đế năm Vĩnh Hoà thứ 9 (Tb, III, 20-21).

Lão Qua: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 3 (Chb. XI, 13).

Giáp Thìn, năm thứ 15 (1484). (Minh, năm Thành Hóa thứ 20).

Tháng 2, mùa xuân. Ân xá.

Truy lập bia tiến sĩ.

Nhà vua nhận thấy từ năm Đại Bảo thứ 3 (1442) triều Thái Tông đến nay, về việc lập bia đá ghi tên những người đỗ tiến sĩ các khoa, thể lệ vẫn còn thiếu sót, mới hạ lệnh cho Lễ bộ thượng thư Quách Đình Bảo truy tìm biên soạn họ tên, khoa thứ những người đã thi đỗ tiến sĩ trong 9 khoa2205 để khắc vào trinh thạch2206 , kể từ khoa Nhâm Tuất (1442) năm Đại Bảo thứ 3 triều Thái Tông đến khoa Tân Sửu2207 (1481) năm Hồng Đức thứ 12.

Nhân thể, Đình Bảo tâu xin đổi trạng nguyên, bãng nhãn, thám hoa làm tiến sĩ cập đệ; chính bản làm tiến sĩ xuất thân; phụ bảng làm đồng tiến sĩ xuất thân, để cho hợp với thể chế ngày nay. Nhà vua chuẩn y lời tâu ấy. Hạ lệnh cho từ thần2208 là bọn: đông các đại học sĩ Thân Nhân Trung; đông các học sĩ Đỗ Nhuận; đông các hiệu thư Đào Cử; Đàm Văn Lễ, Ngô Luân, Lê Tuấn Nghiên; Hàn lâm viện thị thư Nguyễn Đôn Hậu, Lương Thế Vinh; Hàn lâm viện thị độc Nguyễn trùng Xác chia nhau biên soạn văn bia.

Lời chua-Đàm Văn Lễ: Người xã Lam Sơn, huyện Quế Dương, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469) năm Quang Thuận.

Ngô Luân: Người xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, đỗ đồng tiến sĩ khoa Ất Mùi (1475) năm Hồng Đức.

Nguyễn Trùng Xác: Người xã Kim Đôi, huyện Vũ Ninh, đỗ đồng tiến sĩ khoa Kỷ Sửu (1469) năm Quang Thuận.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua hạ chiếu lục dụng con cháu những bầy tôi có công.

Thái phó Lê Niệm tâu xin: Khoảng niên hiệu Thuận Thiên (1428-1433), những công thần khai quốc, làm quan đến nhất nhị phẩm trở lên, nay con cháu của họ hoặc có người nào chìm đắm trong hàng quân ngũ, thì đều do hai ty Thừa chính và Hiến sát được phép tâu bày đầy đủ, bộ Binh xét thức, nếu người nào có sức vóc khỏe mạnh cho sung vào ty Tuấn sĩ trong vệ Cẩm Y, người nào yếu đuối không thể dùng được thì cho miễn đao dịch bản thân người ấy. Lời tâu này được nhà vua chuẩn y.

Nhà vua hạ sắc lệnh: Những công thần khai quốc, từ chức đô đốc đồng tri trở lên, chẳng may bị chết trận, mà chưa được trao cho quan chức, cùng những người có họ tên đã được dự ghi trong sổ Lũng Nhai công thần mà quan chức chưa đến nhất nhị phẩm, thì con cháu những người ấy do bộ Lại được phép đề tâu, sẽ đều trao cho chức tản quan2209 về võ giai.

Lời chua-Lũng nhai: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. XV, 3, 4).

Bắt đầu dựng đàn Tiên Nông2210 và đài Quan canh2211 .

Trước đây, lúc nào nhà vua thân đi cày ruộng tịch điền2212 , lúc ấy mới tạm thời dựng hành điện2213 , quy mô thể chế chưa được đầy đủ. Đến nay, ở trên chỗ cao về bên hữu ruộng tịch điền, dựng đàn Tiên Nông cao 7 thước, rộng 36 thước, ở giữa hành điện làm nhà Quan canh, cao 5 thước, rộng 40 thước, đằng sai đài Quan canh lại dựng 5 gian hành điện và một dảy 3 gian nhà bếp.

Lời chua-Tịch điền: Ở xã Hồng Mai2214 .

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...