Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 44 Từ Nhâm Thìn, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đến Bính Thân, năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776)

  K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 44

Từ Nhâm Thìn, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772) đến Bính Thân, năm Cảnh Hưng thứ 37 (1776), gồm 5 năm.

Nhâm Thìn, năm [Cảnh Hưng] thứ 33 (1772). (Thanh, năm Càn Long thứ 37.

Tháng giêng, mùa xuân. Nước Ai Lao đến cống nạp.

Lời chua-Ai Lao: Xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tb. IV, 9, 10).

Mồng một, tháng 3. Nhật thực.

Khởi phục Nguyễn Nghiễm lại vào chầu giữ chức tham tụng.

Mùa đông năm trước, Nguyễn Nghiễm lấy địa vị thượng thư bộ Hộ, giữ chức tham tụng, viện lệ thôi làm quan. Triều đình hạ chiếu cho thăng chức đại tư đồ, sai quan hộ vệ đưa về tận làng. Nay Trịnh Sâm nhận thấy Nghiễm là người có tài, bèn khởi phục bổ dụng.

Sai Lê Quý Đôn đi dò hỏi tình trạng dân Lạng Sơn.

Vũ Trần Thiệu đến cửa Nam Quan chờ nhận mệnh lệnh [nhà Thanh], khi trở về triều, nói hạt Lạng Sơn dân gian bị đau khổ. Triều đình bèn hạ lệnh cho Lê Quý Đôn đi xét hỏi. Nhân đấy, Quý Đôn trình bày tình trạng hà khắc nhũng nhiễu của viên đốc trấn Lê Doãn Thân. Doãn Thân phạm tội, bị bãi chức.

Lời chua-Trần Thiệu: Nguyên tên là Trần Tự, người phường Đại Lợi, huyện Thọ Xương3511 , đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1739) năm Vĩnh Hựu triều Ý Tông.

Doãn Thân: Người xã Đại Mão, huyện Siêu Loại3512 , đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748) năm Cảnh Hưng.

Lạng Sơn: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 35).

Tháng 5, mùa hạ. Bãi bỏ lệnh cấm nhân dân biên trấn tàng trữ binh khí.

Chế độ cũ, cấm dân gian tàng trữ binh khí riêng. Đến nay, Hoàng Đình Thể, lưu thủ trấn Hưng Hóa dâng nói: "Đất nơi biên viễn, binh lính do ở nông dân mà ra. Vả lại, binh khí do dân chế tạo, họ đều tự dùng để chống giữ, nay nhất luật cấm chỉ, e rằng bọn giặc cướp sẽ nhân chỗ sơ hở mà cướp bóc, thì không có gì phòng bị được". Vì thế, các ngoại trấn nơi biên viễn, đều bãi bỏ lệnh cấm trước. Duy trấn Yên Quảng vẫn theo lệnh cấm như các nội trấn.

Lời chua-Lệnh cấm tàng trữ binh khí: Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10, cấm nhân dân trong nước tàng trữ binh khí (Chb. XXI, 14).

Tháng 6. Trần Huy Mật, thượng thư bộ Lại, bị giáng chức làm thượng thư bộ Công.

Huy Mật chầu chực ở Kinh Diên, được nhà vua quý trọng, đem công chúa gả cho hắn tên là Hựu, nhưng Trịnh Sâm có ý ghét.

Trước đây sắc mệnh nội hoàng ban ơn nhiều đến hơn ngàn người. Lê Quý Đôn nhân nói về việc này. Sâm bèn sai Quý Đôn cùng Nguyễn Đình Huấn tra xét, rồi lấy cớ là Huy Mật không biết sửa chữa công việc cho đúng đắn, nên Huy Mật can tội bị giáng chức.

Lời cẩn án-Quan chế triều cố Lê, các quan trong kinh, về hàng đô ngự sử và tả thị lang, nếu người nào tại chức lâu năm mà có tư cách, đức vọng và chính trị, thì được thăng chức thượng thư trong ba bộ: bộ Binh, bộ Hình hoặc bộ Công, rồi chuyển lên thượng thư ba bộ: bộ Lại, Bộ Hộ hoặc bộ Lễ. Phẩm trật thượng thư trong sáu bộ đều tòng nhị phẩm, nhưng về chế độ bổng lộc thì thượng thư bộ Công lại kém một bậc, bổng lộc được cấp theo trật chánh tam phẩm (tòng nhị phẩm bổng lộc cả năm 62 quan, chánh tam phẩm bổng lộc cả năm 56 quan). Vì thế, từ bộ Lại chuyển sang bộ Công gọi là giáng chức. Lời chua-Nội Hoàng: Xem năm thứ 32 ở trên (Chb. XLIII, 35).

Tháng 7, mùa thu. Mặt trời có quầng hiện ra ba vòng, sắc xanh, trắng và đỏ.

Tháng 9. Sao Thái Bạch xuất hiện ban ngày.

Quý Tỵ, năm thứ 34 (1773). (Thanh, năm Càn Long thứ 38).

Tháng 3, mùa xuân. Bổ dụng Nguyễn Lệ, phó đô ngự sử, sung làm đồn điền sứ ở phủ Trường An.

Phủ Trường An, ruộng biển mỗi ngày một mở mang, chất đất màu mở ưa cấy lúa. Triều đình hạ lệnh cho Nguyễn Lệ xem xét địa thế, đắp đê ngăn nước mặn, mộ dân làm đồn điền nộp thóc. Nhân đấy, dựng kho ở Dục Thúy để chứa.

Lời chua-Trường An: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11).

Núi Dục Thúy: Xem năm thứ 24 ở trên (Chb. XLII, 16).

Tháng 4, mùa hạ. Hạn hán, có người bị chết nắng.

Tháng này hạn hán dữ dội, đầm hồ điều khô cạn, người đi đường có người bị chết nắng. Sâm hạ lệnh cho bầy tôi bàn luận tìm xét những chính trị thiếu sót; miễn cho dân tiền thuế gia tô, xá những thuế còn để thiếu lâu ngày, bãi việc xây dựng, xét hình ngục; lại hạ lệnh cho các trấn ti trình bày sự đau khổ của dân. Qua ngày hôm sau mưa to như dội nước xuống. Sau đó ban bố bảy điều nghiêm cấm trong kinh và ngoài trấn: 1. Lính đồn không được đánh thuế người buôn bán; 2. Nhân dân không được tố cáo ruộng ẩn lậu;3. Người cai quản không được đòi hỏi khám xét kiện tụng; 4. Nhà quyền thế không được chiếm bậy ruộng của dân; 5. Án nhân mạng không được hòa giải riêng với nhau; 6. Đê đường không khuyết liệt, đất bãi không bồi ra hoặc lỡ đi thì không được nhất luật khám xét đo đạc; 7. Chợ và bến đò, nếu chỗ nào trước kia không có thể lệ thu thuế, không được đánh thuế trái phép. Bảy điều trên này là theo lời tâu bày của các trấn ti.

Bổ dụng hoạn quan Phạm Huy Đĩnh giữ chức thự phủ sự, Lê Quý Đôn vào chầu giữa chức bồi tụng.

Trước kia, Trịnh Sâm ở Lượng Phủ, Huy Đĩnh rất được Sâm yêu, Quý Đôn lén lút giao kết chặt chẽ, Huy Đĩnh dắt díu Quý Đôn cùng làm việc, Quý Đôn lại càng thân mật với Huy Đĩnh. Phàm những việc dùng để xén bớt ức chế nội điện3513 , không việc gì không làm, nên người ta đều sợ khí thế quyền lực của Quý Đôn.

Chế độ hồi đầu triều Lê: hàng tháng, ngày mồng một và ngày rằm, cử hành lễ thường triều, trăm quan chiếu theo ban thứ vào chầu bái yết. Từ khi Trịnh Sâm chuyên giữ quyền chính trong nước, hạ lệnh cho phủ liêu và Ngự sử đài, cứ ngày mồng một hàng tháng vào phủ chúa bàn định công việc, gọi là "nhập các". Đến lúc Quý Đôn được vào giữ chính quyền trong phủ chúa, hễ đến ngày mồng một, ngày

rằm, các quan văn, võ thường thoái thác có bệnh cáo nghĩ, nên lễ thường triều chỉ có hoàng tử cùng bầy tôi nội điện vào chầu bái yết mà thôi, còn các quan không ai đến cả.

Hạ lệnh xét những người giả mạo nhận lạm quân công.

Từ năm Vĩnh Hựu (1735-1739) dùng quân đánh dẹp đến nay, nhân dân nhiều người mạo nhận quân công, được vượt bậc trao cho chức quan cao quý, thành ra ở dân gian số chức sắc ngang với số bạch đinh, người thật người giả rối loạn không phân biệt được, tệ tập gian trá dần dần lan rộng. Triều đình nhiều lần bàn định hạn chế bớt đi, nhưng chưa thể thi hành được. Đến nay, hạ lệnh tra xét kỹ càng để chỉnh lý lại, những người có quân công thì căn cứ vào quan tịch cấp trả lại văn bằng, ngoài ra, người nhân sự cầu may mạo nhận cáo sắc đều thu lại tiêu hũy. Trong số người được cấp văn bằng, mười phần chỉ còn lại hai ba phần.

Tháng 5. Khởi phục Nguyễn Bá Lân giữ công việc bộ Lễ.

Trước kia, Bá Lân vì già yếu, xin từ chức, Trịnh Sâm nhận thấy Bá Lân là bầy tôi cũ triều trước, am hiểu tinh tường về điển lệ cũ, nên cho vẫn ở nhà tận kinh thành để phòng khi hỏi han đến. Nay lại khởi phục bổ dụng.

Định rõ lệnh cấm đúc tiền vụng trộm.

Người nào tố cáo người đúc tiền trộm, mà xét ra là sự thực sẽ được thưởng chức hai tư.

Làm lại sổ hộ tịch.

Trịnh Sâm nhận thấy trong nước đã đi đến thái bình, số hộ khẩu ngày thêm nảy nở, muốn xét thực số đinh để sửa đổi lại ngạch đinh trong sổ, Quý Đôn lại ra sức tán thành. Sâm bèn hạ lệnh các đại thần bàn định phép làm dổ. Sâm nói: "Nhà nước lúc bắt đầu trung hưng, chiếu theo phép cũ, ba năm một lần làm sổ hộ; năm Cảnh Trị, mới lập ra phép bình lệ3514 không tính số đinh tăng lên hay sút đi, phép ấy thi hành hơn 50 năm, phần nhiều sai suyễn; năm Bảo Thái tiếp tục làm sổ3515 cũng chỉ dựa theo ngạch cũ, rồi sau không kế tiếp sửa lại, đến nay lại đã hơn 50 năm rồi. Bây giờ nên cân nhắc phép đời trước, châm chước việc ngày nay, tham khảo mọi mặt định thành điều lệ, xét thực số nhân đinh, sửa đổi lại sổ hộ, cho phép dân được tự liệu lượng nhân khẩu mà chịu số hộ, để cho đủ ngạch trong sổ". Vì thế hạ lệnh cho Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Phương Đĩnh và Lê Quý Đôn giữ công việc này. Nhưng Nguyễn Nghiễm và Phương Đĩnh chỉ làm cho đủ chức vị mà thôi, mọi công việc đều do Quý Đôn chủ trương hết. Quý Đôn kê cứu tra xét quá nghiêm khắc, nhân dân đều nghiến răng căm hờn, họ làm thư nặc danh dán ở cửa phủ chúa Trịnh xin bãi bỏ Quý Đôn đi mà dùng Ngũ Phúc, lời lẽ trong thư rất là khích thiết. Nhân đân, Trịnh Sâm thay đổi mệnh lệnh, cho Ngũ Phúc cùng Quý Đôn đều giữ công việc đôn đốc làm sổ. Ngũ Phúc xin thi hành theo điều lệ đời Cảnh Trị, đại để có nơi tăng, có nơi giảm, có nơi bình bổ vẫn như cũ. Số dân đinh hơi kém với ngạch đinh năm Bảo Thái, dân cũng cho là thuận tiện.

Quý Đôn lại cùng Phạm Huy Đĩnh tra xét vùng ven biển thuộc lộ Sơn Nam hạ, trích ra được hơn chín ngàn mẫu ruộng lậu thuế, đều đăng ký vào ngạch thuế bắt phải chịu tô. Nhân dân phần nhiều ta oán.

Lời chua-Sổ hộ: Phép tuyển duyệt đời cố Lê, từ khoảng năm Hồng Đức (Lê Thánh Tông) đến Vĩnh Thọ (Lê Thần Tông) kế tiếp làm sổ hộ, ba năm một lần tiểu tạo, sáu năm một lần đại tu, triều đình phái quan đi duyệt tuyển dân đinh, hạ lệnh cho các xã thôn kê khai hộ chính đinh và hộ trú ngụ, chia ra các hạng tráng, hạng quân, hạng lão, hạng cố (người không có sản nghiệp, phải đi làm thuê), hạng cùng (đàn ông không có vợ, đàn bà góa chồng, trẻ mồ côi, người trơ trọi một mình, những người này không nương tựa vào đâu được); còn hạng lão nhiêu, đốc tật, biệt tinh (người được miễn trừ dao dịch) và phiêu lưu thì để ngoài sổ; dân đinh đến tuổi trưởng thành thì biên tên vào sổ; người ngụ cư thì biên vào sổ phụ. Mỗi xã làm bốn bản sổ; một bản dâng lên triều đình, một bản nộp bộ Hộ, một bản đệ ti Thừa chính ở trấn và một bản để nộp ở huyện. Phàm những việc đánh thuế, tuyển lính đều kê cứu vào sổ này. Đến

khoảng năm Cảnh Trị (Lê Huyền Tông) triều đình thấy việc duyệt tuyển phiền phức, có ý chán nản, mới sai các quan chia nhau đi khám thực, thông tính nhân đinh điền sản các xã rồi liệu lượng quân bổ suất số, lập làm phép "bình lệ", từ sau người sinh ra không tính, người chết đi không trừ.

Nghiêm định rõ điều luật lính trốn.

Binh lính hai xứ Thanh Nghệ phần nhiều bỏ trốn, thiếu ngạch, bèn sai quan đi tra xét nã bắt. Trịnh Sâm hạ lệnh cho quân và dân hai xứ, đại lược nói: "Triều trước rộng tha dao dịch thuế khóa cho hai xứ, để nộp lính sung vào việc binh nhung, làm nanh vuốt của nước. Thế mà ít lâu nay, những người đã có tên thuộc vào sổ lính phần nhiều bỏ trốn, những xã còn thiếu ngạch lính trong sổ ít có xã chịu bổ sung, dân ngang ngạch trốn tránh cẩu thả, tập thành thói quen! Nay ủy cho viên đại thần giữ việc đốc thúc các quan ở trấn tra xét nã bắt, xã nào có lính trốn thiếu ngạch, đều phải chọn dân đinh để ứng tuyển. Nếu người nào dám gian trá, quyết không dung tha". Vì thế hạ lệnh cho viên quan giữ việc binh khai rõ thực số lính trong bộ thuộc của mình, nghiêm định rõ điều luật lính trốn, người nào che giấu sẽ xử theo tội nặng.

Tháng 7, mùa thu. Thủy tai lớn, vỡ đê Đông Trạch.

Nước lớn, vỡ đê Đông Trạch, các lộ Thường Tín, Ứng Thiên và Lỵ Nhân, hơn một ngàn nhà bị nước cuốn tan nát, thóc lúa bị ngập lụt.

Lời chua-Đông Trạch3516 : Tên xã, thuộc huyện Thanh Trì.

Ứng Thiên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 5 (Chb. II, 18).

Thường Tín: Xem Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ nhất (Chb. XXXIII, 3).

Lỵ Nhân: Tức Lợi Nhân, xem Lý Nhân Tông, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 6 (Chb. IV, 14).

Tháng 8, mùa thu. Hạ lệnh cho dân nộp của sẽ trao cho quan chức.

Lúc ấy, đê điều vỡ lỡ, việc sửa đắp đều khó nhọc, vừa phí tổn. Bầy tôi bàn định, cho rằng: "Công việc phiền phức trọng đại, tất phải lấy của lấy sức ở dân, nhưng muốn lấy, cần phải có đạo lý. Vậy nay nên dùng chức tước để chiêu mộ lấy của ở người giàu thì người giàu không tiếc của, dùng tiền của để chiêu mộ lấy sức ở người nghèo, thì người nghèo không tiếc sức, của cải sức lực đều đầy đủ, mới có thể hoàn thành công việc được". Trịnh Sâm theo lời, bèn hạ lệnh lấy của nhà giàu nộp vào để mộ dân đắp đê.

Tháng 9. Miễn một nữa thuế gia tô sang năm cho các lộ vùng Tây, vùng Nam và vùng Bắc.

Lời chua-Thuế gia tô: Xem năm Cảnh Hưng thứ 3 (Chb. XXXIX, 27).

Tháng 10, mùa đông. Lại hạ lệnh cấm tả đạo Hòa Lan.

Hạn định trong hai tháng người theo đạo Hòa Lan phải thay đổi hết tập tục cũ, người nào trái lệnh sẽ có tội. Về phần xã dân, nếu người nào cố ý dung túng sẽ bị tội lây, người nào cáo tố được sự thực sẽ tha dao dịch cho con cháu.

Lời chua-Tả đạo Hòa Lan: Tức Hoa Lang. Xem Huyền Tông năm Cảnh Trị thứ nhất (Chb. XXXIII, 5, 6).

Giáp Ngọ, năm thứ 35 (1774). (Thanh, năm Càn Long thứ 39).

Tháng giêng, mùa xuân. Ở kinh sư động đất.

Tháng 2. Nghệ An bị đói to.

Dân Nghệ An nhiều người chết đói. Triều đình hạ lệnh cho các quan giữ chính quyền bàn định thi hành việc phát chẩn, việc cứu giúp; giữ lại số tiền do nhà giàu trong trấn ấy đệ nộp để phát chẩn cho dân; tha các thuế tuần ti trong hạt để việc buôn bán được lưu thông; khoan dung việc đốc thúc lính bắt trốn; đình hoãn việc bắt xét các kiện tụng. Lại hạ lệnh cho ti Hiến sát dò hỏi tỉ mỉ về sự đau khổ của dân, rồi trình bày để triều đình rõ. Nhưng những việc ấy cũng chỉ là giấy má hão mà thôi.

Tháng 5, mùa hạ. Trịnh Sâm sai tướng là Hoàng Ngũ Phúc làm thống tướng, đem quân các đạo vào xâm lấn trong Nam.

Từ khi đã bình định được Hưng Hóa3517 và Trấn Ninh3518 , Trịnh Sâm quen mùi thắng trận, thích lập chiến công, mong làm việc trái với bổn phận. Hắn được tin Thuận Hóa ta có quyền thần là Trương Phúa Loan chuyên quyền, càn rỡ, hà khắc, bạo ngược, bị dân oán ghét; lại có bọn Nguyễn Văn Nhạc ở Tây Sơn nổi loạn tại Quy Nhơn, hắn muốn nhân sự sơ hở để thu lấy lợi lớn. Gặp lúc ấy. Bùi Thế Đạt, trấn thủ Nghệ An, cho trạm chạy văn thư về triều nói hiện trạng Thuận Hóa có thể đánh lấy được. Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm đều tán thành việc này. Trịnh Sâm bèn quyết chí đánh.

Bấy giờ Hoàng Ngũ Phúc vì tuổi già nghĩ việc về nhà, Sâm liền khởi phục ra làm đại tướng, mà bổ dụng Phan Lê Phiên và Uông Sĩ Điển giữ chức tùy quân tham biện, Đoàn Nguyễn Thục giữ chức đốc thị Nghệ An, thống lãnh tướng sĩ 33 doanh cùng quân thủy, quân bộ các đạo Thanh, Nghệ, vùng đông nam, số quân gồm ba vạn, tiến thẳng vào Nghệ An. Bọn Hoàng Phùng Cơ và Hoàng Đình Thể đều thuộc quyền chỉ huy của Ngũ Phúc. Một mặt hạ lệnh cho Nguyễn Lệ và Hoàng Đình Bảo lệ thuộc theo sự điều khiển. Sâm lại nhận thấy vùng Thuận Hóa luôn mấy năm mất mùa đói kém, lương ăn của lính không thể dựa vào dân được, bè trù tính phải tải lương, chia đặt ba trường sở lương thực: Trường sở Sơn Nam đặt ở Mỹ Lộc, dùng bọn Nguyễn Đình Diễn quản lãnh việc chi tiền, bắt tứ trấn đong thóc trong hạt giã thành gạo, hợp với số lương chứa trong kho, rồi do đường thủy tải vào Nghệ An; trường sở Nghệ An đặt ở Hà Trung, dùng bọn Đoàn Nguyễn Thục quản lãnh, bắt mua thóc gạo nhà giàu trong hạt, hợp với số lương của trường sở Sơn Nam, rồi tùy tiện hoặc theo đường thủy hoặc theo đường bộ tải vào Quảng Bình; trường sở Quảng Bình đặt ở Động Hải, sai bọn Ngô Dao giữ việc vận tải tất cả số lương, dự bị xếp đặt điều khiển để cung cấp lương thực cho binh lính.

Khi Ngũ Phúc đã hành quân, Sâm lại tự tay viết thư đưa cho, trong thư nói: "Ông đến Nghệ An, nên tùy cơ mà trù tính định liệu, trước hết đưa thư cho các tướng giữ biên giới, nói thác ra rằng: "Việc hành quân này chỉ cốt phòng bị giặc Tây Sơn chạy trốn". Nói như thế để thăm dò tình hình của họ. Nếu họ đã bình định được giặc Tây Sơn, thì lại đưa thư đề đạt ý chí rồi dẫn quân về, đừng làm cho họ sinh nghi, lại gây hấn khích ở nơi biên giới".

Lời chua-Sĩ Điển: Có một tên nữa là Sĩ Lãng, người xã Vũ Nghị, huyện Thanh Quan3519 , đỗ tiến sĩ khoa Bính Tuất (1766) năm Cảnh Hưng.

Đình Bảo: Có một tên nữa là Tố Lý, cháu Hoàng Ngũ Phúc, người xã Phụng Công, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Ninh3520 .

Ba mươi ba doanh: Nay không khảo cứu được.

Thuận Hóa, Sơn Nam, Mỹ Lộc, Nghệ An và Hà Trung: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17-18, 21-24, 33).

Quảng Bình: Xem Chân Tông, năm Phúc Thái thứ 6 (Chb. XXXII, 6).

Động Hải: Xem năm thứ 39 ở dưới (Chb. XLV, 10).

Tháng 6. Định thuế mỏ đồng Tụ Long.

Trước đây, mỏ đồn Tụ Long bị người phủ Khai Hóa xâm chiếm, khoảng năm Bảo Thái (1720- 1728) người nhà Thanh mới trã lại đất ấy. Đến nay định ngạch thuế, mỗi năm thu một đồng đỏ một vạn cân.

Lời chua-Việc người nhà Thanh trả đất: Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 9 (chb. XXXVII, 3, 4).

Tụ Long (Thịnh): Tức Tụ Long (rồng), xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 9 (Chb. XXXVII, 5).

Phủ Khai Hóa: Thuộc địa giới tỉnh Vân Nam nhà Thanh, tiếp giáp với châu Vị Xuyên nước ta.

Tháng 7, mùa thu. Hạ lệnh cho bọn Nguyễn Đình Huấn châm chước định thể lệ cấp tiền thóc cho các quân trong kinh, ngoài trấn.

Binh chế lúc bắt đầu trung hưng, vì lính thị hậu, thì nhưng nhất, kiệu nhất là hơn cả; thứ đến nội nhưng, nội kiệu; lại thứ nữa đến tứ nhưng, tứ kiện, tứ nội bộ, tứ nội thủy, các đội: Khuông, dực, chấn, thắng và các thuyền siêu, tuyển, ưu trạch, đều là thân quân.

Vì chế độ nuôi quân, thì nhưng nhất và kiệu nhất hàng năm mỗi người được tiền khẩu phần 15 quan; từ nội nhưng trở xuống sẽ bớt dần từ một quan đến tám quan là cùng. Ngoài ra, thuyền đội các doanh các cơ và lính tứ trấn là ngoại binh, mỗi người được 7 quan, cấp bằng thóc thì lấy tiền làm tiêu chuẩn. Cứ sáu tiền lấy một sọt thóc, mỗi sọt thóc định lệ là 70 bát quan đồng, đều chuẩn theo số phải chịu mà liệu lượng cấp cho lính lấy ở dân.

Về việc chia cấp, thì khẩu phần của thân binh được cấp đều là dân xã trù phú, họ bắt ức dân đong nặng, mỗi sọt thường đến hơn 100 bát, còn ngoại binh thì lệ định cấp tiền đã ít, lại phần nhiều được cấp vào dân xơ xác bần cùng, hoặc có xã không thể nào nộp được. Vì thế nên thân binh thường thừa ăn, mà ngoại binh thì khổ sở thiếu thốn.

Đến nay, hạ lệnh cho Nguyễn Đình Huấn và Phạm Huy Đĩnh chiếu theo ngạch lính và số đinh, bớt chỗ nhiều, thêm cho chỗ ít, châm chước cân nhắc, san sẽ lại, cốt làm cho được quân bình, nhưng cũng không thể nào thay đổi hết tệ cũ.

Lời cẩn án-Binh chế đời cố Lê như thế này: - Vệ sĩ binh ở nội điện (có ti thị kiệu, vệ cẩm y, các đội kim ngô và tả hữu loan giá ti, các đội tả hữu trực và đội thiên hùng). - Các đội bộ binh thị hậu (có đội nhưng nhất, đội nội nhưng, các đội tứ nhưng, các đội tứ nội bộ, các đội tứ nội khuông, tứ nội dực, tứ chấn và tứ thắng, các cơ tứ thị trung, tứ thị nội, cơ thiên hùng, cơ trung hùng, đội thiện bảo, các đội tứ trung mã, tứ nội mã). - Các đội thuyền thủy binh thị hậu (có thuyền kiệu nhất, thuyền nội kiệu, các thuyền tứ kiệu, các thuyền tứ nội thủy, các thuyền siêu nhất, tuyển nhất ưu nhất, trạch nhất, các thuyền tứ siêu, tứ tuyển, tứ ưu, tứ trạch, tuyền trung hậu, thuyền cận hậu, các cơ vệ tả và vệ hữu). Trên đây đều là thân quân thị hậu. - Các doanh cơ, đội, ngoại binh (có các cơ tả tượng, hữu tượng, tiền tượng, hậu tượng, các đội tứ trung tượng, tứ nội tượng, các doanh trung khuông, trung tiệp, trung thắng, trung dũng, trung hùng, trung nhuệ và trung dực, các cơ tả khuông, hữu khuông, tiền khuông và hậu khuông, các cơ tả dực, hữu dực, tiền dực và hậu dực, các cơ tả nhuệ hữu nhuệ, tiền nhuệ, hậu nhuệ, tả thắng, hữu thắng, tiền thắng, hậu thắng, tả tiệp, hữu tiệp, tiền tiệp, hậu tiệp, tả hùng, hữu hùng, tiền hùng, hậu hùng, các đội khuông tả, thắng tả, hữu tả, dũng tả, khuông hậu, các đội nhuệ tả, nhuệ hữu, các cơ thiện tả, thiện hữu và tiền hòa quân doanh, tả hòa quân doanh). - Thuyền đội ngoại binh (có các đội tiền nhất, hậu nhất, tiền trung, hậu trung, tiền nội, hậu nội thủy, các đội phấn trung, thiện trung, tương trung, đằng trung, các đội

phấn tiểu, thiên tiểu, tương tiểu, đằng tiểu, các thuyền tả, hữu tiền, hậu và thập hàng, các đội tả dũng, hữu dũng, tiền dũng, hậu dũng). Các cơ đội Thanh Hoa (có cơ nội trấn, cơ trấn nội, cơ nhất hùng, các đội tả trấn, hữu trấn, tiền trấn, hậu trấn các đội tứ hùng, cơ hùng trung). - Các đội phủ An Trường (có các đội kiên nhất, kiên nhì, kiên tam, kiên tứ và kiên ngũ). - Các cơ đội xứ Nghệ An (có quân doanh ninh trấn, các cơ tả trấn, hữu trấn, tả ninh, hữu ninh, tiền ninh, hậu ninh, các đội ninh tả, ninh hữu, ninh tiền, ninh hậu, các đội tứ hãn, các đội nhuệ tả, nhuệ hữu). - Các cơ đội châu Bố Chính (có cơ trung kiên, cơ trung chính, cơ trung bố, các đội tả chính, hữu chính, tiền kiên, hậu kiên, tả bố, hữu bố, đội tuần hải, các đội ninh nhất, ninh nhì, các đội nội tả, nội hữu, cơ trung trấn, cơ nhất tượng). Trên đây đều là ngoại binh. Tổng cộng 413 doanh, cơ, đội, thuyền. Chế lộc nuôi lính. Nhưng nhất, kiệu nhất, hàng năm khẩu phần tiền mỗi người 15 quan, thêm 6 tiền; nội nhưng, nội kiệu mỗi người 14 quan, thêm 6 tiền; tứ kiệu, tứ nội thủy, tứ nội bộ mỗi người 13 quan, thêm 6 tiền. Còn về khuông, dực, chấn, thắng, siêu, tuyển, ưu, trạch thì đều theo thứ tự bớt dần đến 8 quan là cùng. Ngoài ra, các doanh cơ, đội ngoại binh cùng các cơ đội châu Bố Chính hàng năm mỗi người được khẩu phần tiền 7 quan3521 . Số tiền này do Hộ phiên thống kê, rồi chia về dân xã cấp khẩu phần cho lính. Đội nhưng nhất và thuyền kiệu nhất được 5 xã, đội tứ nhưng được 4 xã, đội tứ nội bộ được 3 xã, khuông và dực được 6 xã, chấn và thắng được 4 xã, cơ thiên hùng được 9 xã, cơ trung hùng được 10 xã, thuyền tứ kiệu được 4 xã, thuyền tứ nội thủy được 4 xã, các thuyền siêu, tuyển, trạch, ưu đều được 4 xã, thuyền trung hậu được một xã, thuyền cận hậu được 4 xã, vệ tả và vệ hữu được 10 xã. Ngoài ra các đội thuộc các doanh, cơ ngoại binh được từ 10 xã, 9 xã đến 2 xã, 1xã không đều nhau. Trên đây là binh chế sau khi trung hưng, chép ở Lịch triều hiến chương đại lược như thế, còn mỗi dân xã phải chịu tiền hoặc thóc bao nhiêu, chia cấp cho thực số binh đinh bao nhiêu và lần này sửa định lại để châm chước cấp phát thế nào, không khảo cứu được, vậy hãy chép ở đây để phòng lúc tham khảo đến. Mồng một, tháng 8. Nhật thực.

Định thể lệ thuế phủ Trà Lân.

Ngạch thuế cũ của bốn huyện thuộc phủ Trà Lân mỗi năm phải nộp 190 lạng vàng và 500 cân diêm tiêu. Từ lúc Lê Duy Mật chiếm cứ Trấn Ninh, thuế khóa đã lâu không nộp; khi dẹp được Duy Mật rồi, chiêu tập được nhân dân trở về, đến nay liệu lượng ấn định thể lệ thuế khóa, mười phần chỉ thu hai phần.

Lời chua-Trà Lân: Tức Trà Long, xem Bình Định vương năm thứ 7 (Chb. XIII, 17).

Bốn huyện: Tức Kỳ Sơn, Hội Ninh (nay đổi Hội Nguyên), Vĩnh Khang (nay đổi Vĩnh Hòa) và Tương Dương.

Trong sông Kỳ Hoa có hòn đá lớn tự nhiên dời đi nơi khác.

Hòn đá lớn từ trong sông dời lên núi Cấp Dẫn, đi qua đến đâu đều có dấu vết đến đấy.

Lời chua-Kỳ Hoa: Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 7 (Chb. XXXVI, 27).

Cấp Dẫn: Tên xã, thuộc huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An3522 .

Nay xét trên núi Cấp Dẫn, có một hòn đá trắng lớn, nằm đè lên trên đá đen, có thể chứa được vài mươi người ngồi. Tương truyền hòn đá này từ trong sông dời lên. Lúc bấy giờ có viên tự thừa (sót họ tên) người trong xã làm ký rằng: "Cấp Dẫn chi thạch, chúng hắc độc bạch, tự ti đăng cao, thư từ bất bách, thụy gia? dị gia? ký chi vi tích (Đá trên núi Cấp Dẫn, các hòn khác đều sắc đen, chỉ có một hòn sắc trắng, hòn đá trắng này từ chỗ thấp dờ lên cao, dời đi thư thả không cấp bách, thế là điềm lành hay điềm dữ? vấy chép lại để làm ghi tích).

Tháng 10, mùa đông. Quân lính Hoàng Ngũ Phúc qua sông Gianh, tiến sát đến doanh lũy Trấn Ninh.

Quân lính của Ngũ Phúc đóng ở xã Hà Trung, bề ngoài mượn tiếng là đem quân giúp [Đường Trong], giết giặc, mà bề trong thì sai người lẻn lút liên kết với người biền lại3523 giữ biên giới của ta, rồi nhân đêm đem quân lẻn qua đò sông Gianh, sáng sớm hôm sau quân sĩ đều lên bờ, đóng ở xã Cao Lao, Tôn Thất Tiệp, trấn thủ doanh Bố Chính, sai cai đội là Quý Lộc (sót họ) và câu kê là Kiêm Long (sót họ) đến khao quân để làm cách hoãn binh. Ngũ Phúc sai người bí mật giao thiệp với hai người này. Kiêm Long nói: "Đường không đi thì không đến, chuông không đánh thì không kêu". Ngũ Phúc hiểu ý, bèn tiến quân, sai bọn Hoàng Đình Thể, tướng cầm quân ở một đạo khác, lẻn đem quân tiến sát đến doanh lũy Trấn Ninh. Do đấy cai đội mã quân là bọn Hoàng Văn Bật và Lê Thập Thí, tự làm người ứng tiếp bên trong, mở cửa đồn ra hàng. Quân sĩ của Ngũ Phúc vừa đánh trống vừa reo hò tiến vào. Tướng giữ đồn là Tống Hữu Trường bỏ chạy. Đồn lũy Trấn Ninh có tiếng là hiểm trở thiên nhiên, sau khi Ngũ Phúc đã kéo quân vào, bèn sang phẳng lũy ấy.

Trịnh Sâm thấy Ngũ Phúc đem đạo quân trơ trọi một mình đi vào quá sâu, e sẽ xảy ra sự bất trắc, bèn quyết kế thân đi tuần hành nơi biên giới để làm thanh thế viện trợ cho Ngũ Phúc; dùng bọn Nguyễn Đình Thạch, Nguyễn Hoàn, Nguyễn Đình Huấn và Lê Quý Đôn ở lại trấn thủ kinh thành, rồi chia binh sĩ làm bốn đạo quân: bổ dụng Phạm Huy Đĩnh làm tiền tướng quân, Trương Khuông làm hậu tướng quân, Nguyễn Nghiễm và Lê Đình Châu làm tả tướng quân và hữu tướng quân, còn Trịnh Sâm tự thống suất đại binh ở giữa để tiếp ứng. Tháng 11, Sâm tiến quân đến Nghệ An, đóng ở Hà Trung.

Tháng 12, sau khi đã vào Trấn Ninh, nhân đấy Ngũ Phúc tiến quân đóng ở xã Hồ Xá, làm tờ hịch kể tội trạng Phúc Loan lấn quyền, bưng bít người trên, và nói: việc hành quân này chỉ cốt trước hết trừ khử một Phúc Loan, sau nữa tiễu trừ bọn giặc kiệt hiệt, thực không có ý gì khác cả. Các tướng [Đường Trong] là bọn Nguyễn Cửu Pháp cùng nhau lập mưu bắt Phúc Loan đưa nộp quân doanh Ngũ Phúc. Ngũ Phúc bắt được Phúc Loan, mừng lắm, bèn hạ lệnh cho quân cuốn cờ, im trống, kéo lẽn đến huyện Đăng Xương, lại đưa thư nói: Giặc Tây Sơn chưa tiễu trừ xong, xin hội quân ở Phú Xuân để ứng tiếp.

[Đường Trong] lúc ấy Tôn Thất Tiệp làm thống binh, quản lãnh thuộc hà là bọn cai đội Đặng (sót họ) đem quân chống cự, chưởng cơ Nguyễn Văn Chính đem các quân thủy, quân bộ hội ở sông Bái Đáp. Ngũ Phúc mật sai bọn Hoàng Đình Thể và Hoàng Nghĩa Phát do đường núi sang qua ghềnh Trầm và nghềnh Ma, rồi mặt trước mặt sau đánh khép lại. Văn Chính cố sức đánh, bị chết trận, các quân đều tan vỡ.

Lời phê3524 -Bên trong, nếu không có bầy tôi lộng quyền, quan lại gian trá, thì bên địch dầu hiểm giảo ngàn phần cũng không làm gì được. Việc này đáng đau đớn tức giận đến ngàn đời! Lời chua-Cửu Pháp: Người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là con Công Thần Nguyễn Cửu Thế.

Văn Chính: Người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nhập tịch ở Thừa Thiên, là con quận công Nguyễn Công Phú. Đầu năm Gia Long, truy tặng tả quân Đô đốc quận công, được xếp vào hàng thờ ở miếu Hiển trung trung tiết công thần.

Nghĩa Phác: Người xã Hoàng Vân3525 , huyện Kim Động.

Trấn Ninh: Nay là Trường Thành Nhật Lệ, ở huyện Phong Lộc3526 , trên từ núi Đâu Mâu, dưới đến cửa biển Nhật Lệ.

Sông Gianh (Linh Giang): Xem Chân Tông, năm Phúc Thái thứ 6 (Chb. XXXII, 6).

Xã Cao Lao: Thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Hà Trung: Xem Thần Tông, năm Vĩnh Tộ thứ 9 (Chb. XXXI, 24).

Xã Hồ Xá: Thuộc huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị.

Huyện Đăng Xương: Thuộc tỉnh Quảng Trị.

Hai ghềnh Trầm và Ma: Ở địa phận xã Cổ Bi, huyện Quảng Điền.

Sông Bái Đáp: Nay là sông Phú Lễ, ở địa phận xã Phú Lễ, huyện Quảng Điền.

Ất Mùi, năm thứ 36 (1775). (Thanh, năm Càn Long thứ 40).

Tháng giêng, mùa xuân. Hạ lệnh cho bồi tụng Nguyễn Hoàn quyền tạm làm lễ tế nam giao.

Hàng năm tế nam giao, nhà vua thân hành đến lễ. Đến nay, vì Trịnh Sâm đi quân thứ chưa về, nên hạ lệnh cho Nguyễn Hoàn quyền tạm tế thay.

Sâm bổ dụng Hoàng Ngũ Phúc lãnh chức Đại Trấn phủ.

Sâm ở Hà Trung, sai Nguyễn Quỳnh đem cho Ngũ Phúc 100 lạng vàng và viết thư dặn bảo rằng: "Nay đã bình được Thuận Hóa rồi, còn Quảng Nam cũng nên lần lượt bình định nốt. Việc này, nếu không phải tay nguyên lão, không ai có thể đương nổi trách nhiệm. Vậy phàm điều khiển các việc, vỗ về hay đánh dẹp, đều cho phép được tùy tiện thi hành". Lại ban cho tướng sĩ 5 ngàn lạng bạc. Bèn để Ngũ phúc ở lại giữ chức Đại Trấn phủ. Sâm dẫn quân về.

Lời chua-Nguyễn Quỳnh: Người xã Lai Thạch, huyện La Sơn3527 , đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1772) năm Cảnh Hưng.

Thuận Hóa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 23, 24, 33, 34).

Tha tô thuế cho trấn Thuận Hóa.

Trịnh Sâm sai sứ thần dụ bảo nhân dân Thuận Hóa; Tha cho tô thuế; đình hoãn việc bắt phu tráng vào nộp quân phu; cho phép kỳ lão hào mục ở dân gian đều được giải bày đều lợi hại về tình trạng của dân cùng đem cơ mưu về quân sự nên đánh nên giữ thế nào tâu lên để triều đình rõ.

Bổ dụng Nguyễn Lệ giữ chức tham lãnh chức Nghệ An.

Lệ là người có văn học, thêm vào đấy lại biết mánh khóe khôn khéo. Lúc Trịnh Sâm ở Lượng phủ, Lệ rất được Sâm yêu, lúc Sâm đã được lên nối ngôi, cất nhắc Lệ cùng với cha là Nghiễm cũng giữ công việc trong chính phủ. Lệ thường sắp xếp cảnh giả ở vườn, ở sân của họ Trịnh, lại trang điểm cho

hầu gái vào chầu để chúa Trịnh vui thích. Đến nay giữ chức Tham lãnh, bèn hạ lệnh cho mua vét hết thóc nhà giàu để cung cấp lương quân lính. Theo chế độ cũ, người đã giữ chức Tham lãnh, thì không bao lâu sẽ thăng lên giữ chức Đốc suất. Sau khi Lệ đã được mệnh lên giữ chức, thủ hạ của hắn cậy thế làm càn, nhân dân nhiều người ta oán. Trịnh Sâm nghe biết tình tệ ấy, cho triệu về triều, giáng chức ba bậc.

Tháng 2. Nguyễn Văn Nhạc, giặc Tây Sơn, cướp xứ Quảng Nam.

Tiên tổ Văn Nhạc, người huyện Hưng Nguyên, xứ Nghệ An, khoảng năm Thịnh Đức (niên hiệu Lê Thần Tông) (1653-1657) bị quân ta3528 bắt được đem về, cho ở tại huyện Tuy Viễn thuộc phủ Hoài Nhân, kế tiếp vài đời, đến Nguyễn Nhạc được giữ chức Biện lại ở tuần Vân Đồn. Vì đánh bạc tiêu mất tiền công. Nhạc bèn trốn vào Tây Sơn làm trộm cướp, những người vô lại và người nghèo đói phần nhiều phụ theo, vì thế thủ hạ có đến vài ngàn người. Nhạc cùng em là Văn Huệ, Văn Lữ chia nhau quản lãnh, rồi đi đánh cướp đồn ấp, viên tướng giữ trấn không sao kiềm chế được.

Văn Nhạc là người nhiều cơ mưu trí tuệ. Một hôm, tự ngồi vào trong cũi, rồi sai đồ đảng luân chuyển báo đi rằng: "Bắt được Văn Nhạc đem giải nộp trấn doanh". Viên tướng giữ trấn không ngờ là sự trí trá, bèn mở cửa doanh thu nhận. Đếm hôm ấy, đồ đảng của Nhạc lén đến ngoài thành, Nhạc liền phá cũi mà ra, mở toang cửa thành, đốt doanh trại, giết tướng giữ trấn, bèn chiếm cứ thành Quy Nhơn. Hào mục bản thổ đua nhau nổi dậy hưởng ứng với Nhạc, thế giặc càng ngày càng bùng lên. Đến nay, Nhạc sai đồ đảng là Tập Đình (tên người nhà Thanh) đem quân theo đường biển vào cửa biển Đại Chiêm, Nhạc đem quân đi tắt ra nguồn3529 Thu Bồn, đến cướp Quảng Nam. Bọn Nguyễn Cửu Du, tướng giữ Quảng Nam, bị thua trận. Lúc ấy, xa giá Huệ Tông Hiếu Định hoàng đế ta chạy vào Gia Định, lập Mục Vương làm thái tử xưng là đông cung3530 ở lại trấn phủ Quảng Nam, đóng ở xã Câu Đê, để chống cự lại. Văn Nhạc định mưu dựa vào danh nghĩa để lừa dối dân chúng, bèn sai bọn Lý Tài (người nhà Thanh) rước đông cung về Hội An.

Hoàng Ngũ Phúc bèn vượt núi Hải Vân, từ đồn Trung Sơn và xã Câu Đê tiến quân. Văn Nhạc phân phối sai Tập Đình làm tiên phong, Lý Tài làm trung quân, đón đánh quân của Ngũ Phúc ở Cẩm Sa. Quân của Tập Đình đều người Quảng Đông, đầu đội vải đỏ, cổ đeo giấy vàng, giấy bạc, tay cầm lá chắn bằng mây và siêu đao lớn, cỡi trần xông pha đánh chém, thế rất mạnh tợn. Đội tiền quân của Ngũ Phúc không thể địch được, tước Quế Vũ bá (sót họ tên), nha hiệu của Ngũ Phúc, bị chết tại trận. Bấy giờ thuộc tướng là Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ đem kỵ binh nhanh nhẹn vào phá trận, Ngũ Phúc lùa quân ồ ạt tiến đánh. Tập Đình thua chạy. Văn Nhạc và Lý Tài lui quân giử ở Bản Tân.

Lời chua-Cửu Du: Người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là con Nguyễn Cửu Phá. Khoảng năm Minh Mệnh (1820-1840) truy tặng: Kiệt tiết công thần tả quân đô thống chưởng phủ sự, Thăng Bình (trước là Thăng Hoa) quận công, được liệt vào hàng thờ ở miếu Trung Tiết.

Đồn Trung Sơn, xã Câu Đê, xã Cẩm Sa: Đều thuộc huyện Hoà Vinh.

Nguồn Thu Bồn: Nay thuộc huyện Quế Sơn3531 .

Cửa biển Đại Chiêm, Phố Hội An: Thuộc huyện Diên Phước3532 . Các huyện kể trên, đều thuộc tỉnh Quảng Nam.

Núi Hải Vân: Ở chỗ giáp giới hai huyện Phú Lộc và Hòa Vinh, phía nam gọi là Hải Vân quan, lại gọi là "thiên hạ đệ nhất hùng quan", phía bắc gọi là Hải Sơn quan, đấy là chỗ giáp giới Thừa Thiên và Quảng Nam.

Bản Tân: Ở chỗ giáp giới hai huyện Hà Đông thuộc tỉnh Quảng Nam và Bình Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Thành Quy Nhơn: Tức thành Đỗ Bàn xưa, ở huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định, nên cũ vẫn còn.

Tháng 5, mùa hạ. Hoàng thái hậu Đào thị mất.

Thái hậu người xã Bảo Vực, huyện Văn Giang, tên thụy là Nhu Thận.

Đặt hiệu quân tứ trấn.

Từ lúc Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển đứng đầu nổi loạn, rồi bọn Hữu Cầu , Danh Phương kế tiếp nổi lên, triều đình bắt kén lính ở tứ trấn, cứ năm suất đinh lấy một lính đặt làm vệ binh. Sau khi đã dẹp được bọn giặc cướp, đều bãi đi, cho về làm ruộng; lúc đi đánh Trấn Ninh lại bắt ra lính, đánh dẹp xong lại cho về. Đến lúc Trịnh Sâm đem quân vào Hà Trung, lại chiểu theo ngạch cũ bắt lính để bảo vệ kinh thành. Đến nay, vì ít công việc, nên bãi cho về, rồi bàn định thi hành phép kén chọn, chiểu theo trong số hộ, cứ mười suất đinh lấy một người, phân phối đặt thành hiệu quân: Sơn Nam hiệu thấp phấn, Kinh Bắc hiệu ngũ uy, Sơn Tây hiệu Ngũ Chấn, Hải Dương hiệu nhất dũng và nhị kiên, tất cả 23 cơ. Lúc trong nước có việc sẽ bắt ra lính, miễn cho tiền thuế dung, lúc không có việc sẽ cho về, lại thu tiền dao dịch theo từng hạng. Phép này, có lẽ phỏng theo phép phủ binh đời nhà Đường3533 .

Sâm phong cho Nguyễn Hoàn tước Hoàn quận công.

Lúc Trịnh Sâm làm thế tử, Nguyễn Hoàn sung chức Tư giảng. Sâm thường viết bởn mấy chữ "Thượng thư, quốc sư, Hoàn quận công" đưa cho Hoàn. Đến nay Hoàn đem những chữ ấy dâng lên, Sâm bèn ban cho tước này.

Khởi phục Ngô [Thì] Sĩ giữ chức hiệu lý trong3534 viện Hàn Lâm.

Sĩ nổi tiếng về văn học. Lúc Trịnh Sâm ở Lượng Phủ, tư giảng Nguyễn Hoàn tiến cử Sĩ giữ công việc tùy giảng. Một hôm, Sâm sai làm bài phú lấy đầu đề là "Phượng hoàng danh", rồi Sâm thân hành phê duyệt. Sâm yêu văn từ rộng rãi. Khi Sâm đã nối ngôi, Sĩ được bổ giữ chức Hiến sát sứ Thanh Hoa, sau lại thăng chức Tham chính Nghệ An. Vì thiên tư về việc khảo hạch học trò, nên bị bãi chức3535 . Lúc Sĩ làm quan ở Thanh Nghệ, đi đến đâu đều có thơ đề vịnh. Khi hành quân vào Nam. Sâm thấy thơ, rất trọng tài của Sĩ. Cho nên nay từ chỗ bị bãi về nhà được khởi phục ra làm quan.

Lời chua-Phượng hoàng danh: Chép ở "Hán tuyên đế kỷ" trong sách Thiếu Vì.

Hạ lệnh cho bọn Nguyễn Hoàn trông coi việc biên soạn Quốc sử.

Quốc sử, từ Hi Tông năm Vĩnh Trị trở về sau chưa biên chép thành sách. Đến nay, triều đình hạ lệnh cho bọn Ngô [Thì] Sĩ, Phạm Nguyễn Du, Ninh Tốn và Nguyễn Sá cùng biên soạn, mà bổ dụng bọn bồi tụng Nguyễn Hoàn, Lê Quý Đôn và phó đô ngự sử Vũ Miên quản lãnh công việc.

Lời chua-Phạm Nguyễn Du: Còn một tên nữa là Vi Khiêm, người xã Đăng Điền, huyện Chân Lộc, sau đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1779) năm Cảnh Hưng thứ 40.

Ninh Tốn: Người xã Côi Trì, huyện Yên Mô, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1778) năm Cảnh Hưng thứ 39. Sau này, Ninh Tốn thờ nhà Tây Sơn, làm quan Thị trung đãi chiếu, Binh bộ thượng thư.

Nguyễn Sá: Con Nguyễn Hoàn, người xã Hương Khê, huyện Nông Cống.

Nguyễn Văn Nhạc xin hàng, Hoàng Ngũ Phúc dâng biểu xin cho Văn Nhạc làm tiền phong tướng quân, giữ chức hiệu trưởng Tây Sơn.

Từ sau khi thua trận ở Cẩm Sa, đồ đảng của Văn Nhạc phần nhiều ly tán. Lại được tin Kinh quận công Tổng Phúc Hợp, lưu thủ doanh Long Hồ, từ trong Nam thống lãnh binh sĩ tiến ra càn quét Phú Yên, Nhạc sợ lắm. Lúc ấy, quân của Ngũ Phúc tiến đén đóng ở Châu Ổ. Nhạc bèn sai thuộc hạ là bọn Phan Văn Tuế đem vàng lụa đến xin hàng và xin làm tiền khu. Ngũ Phúc tin lời, nhân dâng biểu xin cho Văn Nhạc làm tiền phong tướng quân, giữ chức hiệu trưởng Tây Sơn. Rồi sai người gia khách giữ công việc thư ký là Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc, ấn, cờ và kiếm ban cho Văn Nhạc.

Lời chua-Phúc Hợp: Người huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hoá, là dòng dõi công thần Tống Phúc Trị. Đầu năm Gia Long, được liệt vào hàng thờ ở miếu Trung tiết công thần; năm Minh Mệnh truy phong trung đẳng thần, thờ ở miếu Hội Đồng.

Hữu Chỉnh: Người xã Đông Hải, huyện Chân lộc3536 .

Châu Ổ3537 : Ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi...

Tháng 8, mùa thu. Gió lớn, nước sông dấy lên.

Sâm tự tôn phong mẹ là Nguyễn thị làm quốc mẫu.

Từ khi ở Hà Trung về kinh, Trịnh Sâm lăng loàn áp bức vua Lê càng quá. Đến nay yêu cầu nhà vua sách phong cho mẹ hắn là Nguyễn thị làm quốc mẫu.

Tháng 10, mùa đông. Mở khoa thi hội các cống sĩ. Cho bọn Ngô Thế Trị và Phan Huy Ích 18 người đỗ đồng tiến sĩ xuất thân; xử tội Đinh [Thì] Trung đày đi Viễn Châu; giam Lê Quý Kiệt vào ngục.

Quý Kiệt con Quý Đôn. Kỳ đệ tứ khoa thi này, Quý Kiệt cùng Đinh [Thì] Trung đổi quyển cho nhau để làm bài. Việc bị lộ, Đinh [Thì] Trung phải tội lưu đi Yên Quảng, Quý Kiệt phải trở về làm dân. Đinh [Thì] Trung nhân phát giác bức thư riêng của Quý Kiệt và cáo tố là do Quý Đôn chủ sự. Trịnh Sâm lấy cớ Quý Đôn là bậc đại thần, bỏ đi không xét, mà luận thêm tội Quý Kiệt, bắt giam cấm ở ngục ở cửa Đông.

Lời phê-Hai người cùng một tội mà xử phạt khác nhau, sao gọi là công bằng thỏa đáng được? Xét hành trạng của Quý Đôn, không có một điều gì đáng khen. Lời chua-Thế Trị: Người xã Hội Phụ, huyện Đông Ngàn.

Phan Huy Ích: Con Phan Cận, người xã Thu Hoạch3538 , huyện Thiên Lộc, sau thờ Tây Sơn, làm quan đến Thượng thư bộ Lễ.

Đinh [Thì] Trung: Người xã Ngọc Bôi, huyện Đông Sơn3539 .

Tháng 12. Trịnh Sâm triệu Hoàng Ngũ Phúc về Kinh, bổ dụng bọn Bùi Thế Đạt vào thay.

Ngũ Phúc đóng quân ở Châu Ổ lâu ngày, lúc ấy phát sinh bệnh dịch, quân sĩ nhiều người chết, bèn bí mật trù tính rút quân về. Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Lệnh Tân đều muốn lui quân ở Quảng Nam, đặt quan trấn giữ. Ngũ Phúc không theo lời cho người chạy thư về triều xin về Thuận Hóa, để Quảng Nam đấy rồi sẽ tính sau. Trịnh Sâm y cho. Do đấy, hai phủ Thăng Bình và Điện Bàn lại bị Văn Nhạc chiếm cứ. Sau, vì Ngũ Phúc có bệnh phải triệu về triều, bèn sai Bùi Thế Đạt và Nguyễn Đình Đống trấn giữ thay, mà dùng bọn Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điển và Nguyễn Lệnh Tân giúp việc. Sau đó, bổ dụng Lê Quý Đôn và Nguyễn Mậu Dĩnh giữ chức Hiệp đồng, xếp đặt công việc trong quân, cho phép cứ 10 ngày một lần đề đạt tình hình về triều. Lại bổ dụng Ngô Phúc Oánh giữ chức lưu thủ đồn Động Hải, Phan Cận giữ chức Hiệp đồng.

Lời chua-Ngô Phúc Oánh:: Người xã Trảo Nha3540 , huyện Thạch Hà.

Phan Cận: Có một tên nữa là Huy Áng.

Châu Ổ3541 : Xem trên (tờ số 27 ở trên).

Thăng Bình và Điện Bàn: Tên hai phủ, thuộc tỉnh Quảng Nam.

Bính Thân, năm thứ 37 (1776). (Thanh, năm Càn Long thứ 41).

Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Sâm quyền tạm cử hành lễ tế nam giao.

Vì nhà vua chưa hết tang thái hậu, nên Trịnh Sâm thay nhà vua cử hành lễ tế nam giao. Ngày hôm ấy, các quan văn võ lạy mừng ở phủ đường, Sâm ban cho 300 quan tiền.

Xá tô cho ruộng ở ven biển.

Vì mùa thu năm trước, gió bão quá mạnh, nước biển lên cao, các ven biển về vùng Sơn Nam, Hải Dương và Yên Quảng, ruộng lúa bị ngập nát. Ty Hiến sát đem tình trạng ấy tâu bày, bèn hạ lệnh xá tô ruộng năm nay có nơi nhiều nơi ít khác nhau.

Mở trường đúc tiền ở Thuận Hóa.

Triều đình hạ lệnh mở trường ở phía hữu trấn doanh, đem súng đồng, khí dụng và tiền tệ đã bắt được mà không thể dùng được đúc hơn ba vạn quan tiền "Cảnh Hưng thuận bảo". Lại mộ người khai mỏ vàng ở núi đất xã Nam Khố, công việc làm vài tháng, không lấy được vàng bèn thôi.

Lời chua-Xã Nam Phố: Thuộc huyện Phú Vinh phủ Thừa Thiên.

Thuận Hóa: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 23, 24, 33, 34).

Rút bớt điền lộc.

Hồi đầu quốc triều (triều Lê), thế nghiệp điền lộc đều có quy chế nhất định. Sau khi trung hưng, bổng lộc hoặc thưởng cấp đều lấy ở kho công, ít khi dùng ruộng công để cấp. Từ năm Bảo Thái (niên hiệu Dụ Tông), Long Đức (niên hiệu Thần Tông) đến nay, việc ban cho mỗi ngày một nhiều, còn như tự sự, huệ lộc, sứ lộc, ngụ lộc và bách công ngụ lộc đều cấp bằng ruộng, có khi cấp phát quá lạm, cho nên một nữa thuế ruộng thuộc về tư gia, mà kho công không có của thừa để tích trữ. Bầy tôi trong triều bàn định, cho rằng việc điều động quân lính chi phí khá nhiều, cần nên giảm bớt việc cấp phát. Bởi thế, những điền lộc nào không hợp với quy chế đều bớt hết đi, còn điền lộc nào vẫn được cấp thì cấp thay bằng tiền công, mỗi mẫu mỗi năm cấp cho hai quan.

Lời chua-Thế nghiệp điền lộc: Xem Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 8 (Chb. XXIII, 20-25).

Tự sự: Phàm bầy tôi trong họ tôn thất và quan văn quan võ từ tam phẩm trở lên, có công tham dự vào việc bàn định mưu kế, giữ yên biên giới, và các chức thị giảng, thị nhũ3542 , phụng sứ, trấn thủ, thống lãnh cùng người chẳng may bị chết khi chiến trận, những người này được đặc ân ban cho tự điền: nhất phẩm ba xã, tiền 120 quan; tòng nhất phẩm 3 xã, tiền 108 quan; chánh và tòng nhị phẩm 2 xã; chánh và tòng tam phẩm 1 xã, mỗi trật đều bớt dần đi 12 quan. Các quan văn quan võ và nội giám từ ngũ phẩm trở lên, không có công lao như đã kể trên, mà được dự vào ngũ ngũ phủ phủ liêu cùng nội sai phủ liêu, tri phiên và phó thiêm cũng ban cho tự điền có từng bậc khác nhau; nhất phẩm 60 quan; nhị phẩm 50 quan; xuống đến ngũ phẩm, mỗi trật đều bớt dần đi 10 quan.

Huệ Lộc: Các hoàng thân và hàng nhất, nhị phẩm đều được cấp một xã, tiền 60 quan, gạo 150 bát; tam phẩm một xã, tiền 40 quan, gạo 100 bát. Quan viên thôi việc về, từ nhất phẩm trở lên (chánh và tòng nhất phẩm cũng thế) được cấp dân lộc 4, 5 xã, sử tiền 400 quan (mỗi quan 6 tiền, gọi là sử tiền, 400 quan sử tiền, tứ 240 quan thực tiền bây giờ, dưới đây cũng thế); nhị phẩm, dân lộc 2, 3 xã, sử tiền 300 quan hoặc 250 quan; tam phẩm, dân lộc 1, 2 xã, sử tiền 200 quan hoặc 150 quan; tứ phẩm 1 xã, sử tiền 150 quan; ngũ phẩm 1 xã, sử tiền 100 quan. Còn gạo không có số nhất định.

Sứ Lộc: Chánh sứ một xã, tiền 120 quan, gạo 300 bát; phó sứ một xã, tiền 100 quan, gạo 250 bát.

Ngụ Lộc: Tham tụng 2 xã, tiền 200 quan, gạo 350 bát; bồi tụng 1 xã, tiền 100 quan, gạo 300 bát; tả tư giảng một xã, tiền 60 quan, gạo 300 bát; hữu tư giảng một xã, tiền 40 quan, gạo 250 bát.

Việc cấp phát kể trên đều chuẩn theo số tiền, số gạo mà cấp thay cho điền lộc như thế nào cùng bách công ngụ lộc, chưa khảo cứu được.

Lời phê-Cấp phát rất rối ren nhũng lạm, mà chung quy thực số bổng lộc rất ít, cho nên lấy tiền kiện tụng rất nhiều. Xếp đặt chính trị, không hợp thể thống. Lạc Hòn đến cống nạp.

Man Lạc Hòn đã lâu bỏ việc cống nạp. Đến nay sai bầy tôi là bọn Thiêu (Thiều) Mang Khoa đem voi đực và sản vật địa phương nhờ viên quan châu Quy Hợp xin cho vào chầu ở kinh sư. Triều đình y cho.

Lời chua-Lạc Hòn: Tên Man, xem Hi Tông, năm Chính Hòa thứ 21 (Chb. XXXIV, 48).

Châu Quy Hợp: Xem Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 6 (Chb. XVIII, 8).

Hạ lệnh cho lục bộ tiếp tục biên soạn Hội điển.

Đầu niên hiệu Long Đức3543 , hạ lệnh chia cho các bộ thuộc tập hợp các tài liệu về chính sự lịch triều, rồi chia ra từng môn loại, biên soạn thành sách, nhan đề là Quốc triều hội điển3544 . Đến nay lại hạ lệnh chiểu theo niên thứ tiếp tục biên soạn.

Tháng 3. Mộ dân khai khẩn ruộng bỏ hoang.

Hạ lệnh cho các trấn mộ dân khai khẩn ruộng bỏ hoang, mỗi người được nhận 5 mẫu ruộng, nhà nước cấp cho ngưu canh, điền khí và 15 quan tiền3545 , mỗi năm thu thóc 250...3546 , dựng kho ở sở tại để chứa số thóc ấy.

Tháng 6, mùa hạ. Bãi bỏ thể lệ ti Hiến sát các lộ hàng năm đi dò hỏi tình trạng ở dân gian.

Theo thể lệ cũ, ti Hiến sát các trấn cứ đến cuối năm, đi khắp trong hạt, xét hỏi tình trạng đau khổ của dân, rồi đem sự thực mật tâu để triều đình biết. Nhưng, về sau, quan không thân hành đi, chỉ phái nha lại đến từng làng, sinh sự hạch sách làm phiền nhiễu dân, mà những lời tâu bày đều là việc tầm thường cả, thành ra chưa đề đạt được tình trạng của dân mà lại tăng thêm cái tệ nha lại nhũng nhiễu. Đến nay, hạ lệnh: ty Hiến sát vẫn ở lỵ sở, cho phép dân đem tình trạng giãi bày, không được phái lại dịch về làng như trước nữa.

Tháng 7, mùa thu. Hạn hán. Dân bị nạn đói.

Lúc ấy, mất mùa, dân bị đói, giá gạo cao, mà ruộng chiêm thì khô nẻ, công việc làm ruộng không được tiện lợi. Người sang trọng phải nhòm từng cửa để xin làm thuê hoặc vay mượn mà cũng không đắt, họ hợp nhau ăn cắp, ăn trộm3547 , nhân dân không được yên nghiệp làm ăn.

Tháng 8. Sâm bổ dụng Phạm Ngô Cầu giữ chức trấn phủ.

Trịnh Sâm lấy cớ rằng Quảng Nam chưa bình định được, mà lòng dân Thuận Hóa lại chưa thỏa thuận phục tùng, hơn nữa Bùi Thế Đạt ở trấn không thi thố được việc gì cả, bèn triệu bọn Thế Đạt, Quý Đôn và Lê Phiên về, còn các cơ, các đội trong 13 quân hiệu hiện đóng ở đấy cũng nhất luật triệu về, mà sai Tạo quận công Phạm Ngô Cầu, trấn thủ Sơn Nam, lãnh chức trấn phủ Thuận Hóa thay Bùi Thế Đạt, cho phép Ngô Cầu được tùy tiện thi hành mọi công việc, để bọn Nguyễn Mậu Dĩnh và Nguyễn Lệnh Tân ở lại giúp việc, đổi sai binh lính 10 doanh, cơ, đội đến thú thủ. Lại sai Vũ Trần Thiệu, tả thị lang bộ Lại, đi dụ bảo và ban tiền bạc cho tướng sĩ có từng đẳng hạng khác nhau.

Tháng 10, mùa đông. Hạ lệnh: nếu ai có giấy tờ niêm phong tâu bày việc mất, viên quan có trách nhiệm phải lập tức đề đạt, theo như thể lệ cũ.

Thể lệ cũ ở công đường chính phủ treo một quả chuông, phàm người nào có tình trạng u ẩn hoặc có điều oan ức mà muốn giãi bày, thì được phép làm giấy tờ niêm phong cẩn mật, rồi đánh chuông dâng nộp, viên quan trong Lại phiên nhận phong thư ấy lập tức dâng nộp để chúa rõ. Gần đây, công việc trình bày phần nhiều phù phiếm càn rỡ, không thiết thực, mà viên quan có trách nhiệm cũng để chậm trễ hoặc nhãng quên đi, nên dầu có người bị oan uổng uất ức cũng ít khi được tự đề đạt lên trên được. Vì thế, nay bàn định đổi hẵn tình tệ ấy, nếu người nào để chậm trễ sẽ có tội.

Bỏ bớt ti Thừa chính sứ và quan châu, quan huyện ở trấn Thái Nguyên.

Trước kia, các trấn đều đặt ba ti (ti Trấn thủ), ti Thừa chính, và ti Hiến sát), chia nhau làm các công việc. Nay Trịnh Sâm nhận thấy trấn Thái Nguyên nhân dân ít, công việc đơn giản, vả lại đất ấy ở nơi biên viễn, nhiều rừng núi, bèn hạ lệnh bỏ bớt ti Thừa chính, công việc ti này giao về ti trấn thủ nhận giữ. Sau đó, đô ngự sử Lê Quý Đôn lại xin đem sáu huyện châu thuộc trấn này là Thông Hóa, Cảm Hóa, Bạch Thông, Văn Lãng, Vũ Nhai và Đại Từ cũng bỏ bớt đi. Trịnh Sâm theo lời.

Lời chua-Thông Hóa: Tên phủ, thuộc trấn Thái Nguyên3548 .

Cảm Hóa3549 : Tên huyện, xem Lý Thái Tông, năm Thiên Cảm Thánh Võ thứ nhất (Chb. III, 11).

Văn Lãng: Xem năm Cảnh Hưng thứ 2 (Chb. XXXIX, 18).

Vũ Nhai và Đại Từ: Đều xem Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 17 (Chb. XXX, 7).

Châu Bạch Thông3550 : Xem Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 22 (Chb. XXX, 29).

Tháng 11. Không mưa. Hạ chiếu trưng cầu lời nói trung trực.

Tháng 12. Vì hạn hán, hạ chiếu tha các tiền thuế còn bỏ thiếu và tiền thuế điệu; đình hoãn mọi công việc thổ mộc.

Lúc ấy, đã lâu không mưa. Sâm cầu đảo ở chùa Báo Thiên, nhân đấy tha cho các lộ những tiền thuế còn bỏ thiếu từ năm Mậu Tý (1767) đến năm Nhâm Thìn (1771); lại tha tiền thuế điệu sang năm cho dân ở ven đường, đình hoãn mọi công việc đắp đê và đào sông.

Lời chua-Chùa Báo Thiên: Xem Lý Thần Tông, năm Thiên chương bảo tự thứ 5 (Chb. IV, 32).

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...