Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 39 Từ Tân Dậu, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) đến Quý Hợi, năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743)

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 39

Từ Tân Dậu, Lê Hiển Tông, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741) đến Quý Hợi, năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), gồm 3 năm.

Tân Dậu, Hiển Tông Vĩnh hoàng đế, năm Cảnh Hưng thứ 2 (1741). (Thanh, năm Càn Long thứ 6).

Tháng giêng, mùa xuân. Tế nam giao.

Lời chua-Nghi lễ tế nam giao: Xem Kính Tông, năm Thận Đức thứ nhất (Chb. XXXI, 2).

Bắt đầu chia Sơn Nam làm thượng lộ và hạ lộ. Sơn Nam cùng Sơn Tây và Kinh Bắc đều đặt chức chưởng đốc.

Trịnh Doanh nhận thấy trộm cướp vẫy vùng ở Hải Dương, lòng người lo sợ; muốn giữ vững phiên trấn bảo vệ kinh kỳ, lấy uy quyền để trấn áp giặc cướp, bèn chia Sơn Nam làm thượng lộ và hạ lộ, hạ lệnh cho Trịnh Trụ, Ngô Đình Oánh, Trương Nhiêu và Nguyễn Đức Huy chia nhau làm chưởng đốc; lại sai Nguyễn Quý Cảnh và Phạm Nguyễn Bảng chưởng đốc Sơn Tây; Nguyễn Huy Nhuận và Trần Đình Cẩm (có sách chép: Miên) chưởng đốc Kinh Bắc. Các viên quan kể trên đều giữ công việc quân và dân thuộc hạt mình. Nhân đấy, Doanh hạ lệnh cho các viên quan kể trên làm công việc:

- Tính theo số hộ, cứ 3 suất đinh lấy một người sung làm hương binh;

- Xem xét nơi hiểm trở đặt đồn lũy canh phòng, để ngăn ngừa trộm cướp;

- Cấm quan lại hà khắc, bạo hoạnh, tướng sĩ cướp bóc của dân;

- Dân chúng có người nào biết tập hợp nhau, đốc suất nhau để hết sức đánh giặc theo với chính nghĩa, thì các quan kê tên người ấy tâu bày.

Lời chua-Ngô Đình Oánh: tên cũ là Đình Chất, người xã Tả Thanh Oai3269 , huyện Thanh Oai, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) năm Bảo Thái triều Lê Dụ Tông.

Trương Nhiêu: Người xã Như Kinh3270 , huyện Gia Lâm, là em Trương Thị, tổ mẫu (bà) Trịnh Doanh.

Nguyễn Đức Huy: Tên cũ là Hoành, người xã Nguyên Xá, huyện Thụy Nguyên3271 , đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái.

Chưởng Đốc: Tên quan, nhân có việc mới đặt, không phải tên quan nhất định.

Sơn Nam thượng lộ, Sơn Nam hạ lộ, Sơn Tây, Kinh Bắc: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17, 18, 25, 28, 34, 35).

Khôi phục chế độ cũ về khoa thi hương.

Lúc nhà Lê mới trung hưng, thể lệ thi hương thế này: Ở xã khảo hạch học trò, lấy số người trúng tuyển đệ lên huyện, xã lớn 20 người, xã vừa 15 người, xã nhỏ 10 người, căn cứ vào xã lớn, xã nhỏ làm định hạn. Ở huyện thi khảo lại, chọn lấy người nào thông hiểu nghĩa lý văn chương liệt vào hạng học trò thi đủ thể văn bốn kỳ, thứ hai là hạng thi đủ thể văn ba kỳ. Đến khi vào thi hương, thi kỳ đệ nhất, đệ nhị và đệ tam, chỉ cốt lấy những người làm được đủ quyển, không ai bị đánh hỏng; đến kỳ đệ tứ mới có sự lấy người giỏi, bỏ người kém. Vì thế, người có văn học ít khi bị bỏ rơi. Đến quảng giữa đời trung hưng, đổi làm hạng sảo thông, quyển văn thi ba kỳ trước3272 , không kỳ hạng sảo thông hoặc thứ thông đều một loạt đưa quan trường xét duyệt, thành ra người có văn học phần nhiều bị sàng sẩy, đến kỳ đệ tứ không mấy người được dự thi. Đến nay bàn khôi phục lại chế độ cũ, tuy về phần con em nhà quyền thế, không khỏi không có sự lấy đỗ quá lạm, nhưng sĩ tử có thực học, người nào cũng được dự thi kỳ đối sách cả.

Lời cẩn án-Nhà Lê từ sau khi trung hưng, dưới triều Hi Tông năm Vĩnh Trị thứ 2 (1677), định thể lệ thi hương: Hễ năm nào đến khoa thi, thì các xã trưởng (do người có văn học hoặc sinh đồ đứng làm) ở phủ, ở châu và huyện khảo hạch học trò trong xã mình, lấy số người có thông hiểu nghĩa lý văn chương đệ lên huyện, số học trò đều theo hạn định xã lớn, xã nhỏ xã vừa. Huyện khảo hạch lấy người nào thông hiểu nghĩa lý văn chương liệt vào hạng học trò thi đủ thể văn bốn kỳ, huyện lớn 20 người, huyện vừa 15 người, huyện nhỏ 10 người, còn người thông hiểu vừa thì liệt vào hạng học trò làm đủ thể văn ba kỳ. Đến ngày vào trường thi, thì hạng học trò làm đủ thể văn bốn được vào thi chung với nho sinh và sinh đồ đã đỗ các khoa trước (quan viên tử thi trúng được ba kỳ gọi là nho sinh, thường dân thì trúng được ba kỳ gọi là sinh đồ), những quyển thi xếp riêng để đưa quan trường xét duyệt; Vì thế, người có văn học ít bị bỏ rơi. Đến năm Bảo Thái thứ 2 (1721) dưới triều Dụ Tông, bỏ thể lệ khảo hạch ở xã, hạ lệnh thay đổi, cho huyện khảo hạch hai lần: lần khảo thứ nhất, làm bài thơ và một vài câu văn sách, hoặc làm bài thơ, bài phú; lần sau, làm một bài văn sách. Thể lệ lấy người trúng tuyển: huyện lớn 200 người, huyện vừa 150 người, huyện nhỏ 100 người. Người nào thông hiểu luật làm thơ đều được sung tuyển, nhưng lộc lấy những người trội hơn, kê riêng ra một sổ, nộp ti Thừa chính ở trấn. Ti Thừa chính cùng ti Hiến sát hội đồng thi khảo: Trước hết thi một bài thơ3273 , hoặc bài thơ "Tuyệt cú"3274 , ba bốn câu về thể phú3275 cùng một hai câu văn sách; sau thi một bài văn sách. Người nào trúng luôn được gọi là sảo thông, người nào chỉ trúng kỳ khảo ở huyện gọi là thứ thông. Số trúng tuyển có chia ra hạng sảo thông và thứ thông. Nếu người thứ thông nào chưa phục tình, được phép vạch rõ đích danh người sảo thông, và tình nguyện cùng người ấy so đọ, để định người hơn, người kém. Đến khoa thi, thì ba kỳ đệ nhất, đệ nhị và đệ tam, không kể bài thi của sảo thông hay thứ thông, đều một loạt đưa quan trường xét duyệt. Người vào hạng sảo thông mà được dự trúng ba kỳ, gọi là "sảo thông sinh đồ", chỉ có "sảo thông sinh đồ" mới được vào thi kỳ đệ tứ. Nếu người "sảo thông" nào khi thi không trúng được ba kỳ, sẽ mất cả "sảo thông". Còn người vào hạng "thứ thông" mà dự trúng ba kỳ chỉ được là "sinh đồ", mà không được vào thi kỳ đệ tứ. Đến khoa sau, những sinh đồ này lại do hiệu quan ở phủ (tức viên quan giữ chức giáo dụ ở phủ). Khảo lại một lần nữa, đầu đề thi dùng một bài văn sách, gọi là "thi khảo người hay chữ". Người nào dự trúng mới được cùng hạng "sảo thông sinh đồ" vào thi đối sách kỳ đệ tứ. Vì thế, học trò tranh nhau nhận "sảo thông" là hạng hơn. Đến nay, bàn định khôi phục chế độ "tứ trường" đời Vĩnh Trị mà bãi bỏ chế độ "sảo thông". Do đấy, con em nhà quyền thế nào cậy thế lực, nào dùng tiền tài, thành ra

số trúng tuyển nhũng lạm có đến một nữa. Triều đình biết tai hại ấy, nên không bao lâu lại bãi bỏ chế độ "tứ trường", mà khôi phục chế độ "sảo thông" đời Bảo Thái. Đến năm thứ 11 (1750)3276 , theo lời bàn của tể thần3277 Đỗ Thế Giai, thay đổi phép thi, ở huyện khảo hạch hai lần, lấy số người trúng tuyển, huyện lớn 70 người, huyện vừa 60 người, huyện nhỏ 30 người. Người nào được trúng tuyển gọi là "cử tri". Ngoài ra, con trai từ 10 tuổi trở lên, được phép nộp tiền "thông kinh" mỗi người 3 quan, rồi nộp đơn ứng thí, được miễn khảo hạch. Thi hành việc này, chỉ cốt thu được nhiều tiền, mà không điếm xỉa đến người có học hay không có học. Dầu bọn đồ tể, lái buôn cùng trẻ con 3, 4 tuổi, khi đi thi, không câu nệ mượn người làm gà hoặc đem sách vỡ vào trường, hễ ai có tên ở kỳ đệ tam tức là hạng "sinh đồ", chỉ có một điều là không được vào thi kỳ đệ tứ. Đến khoa sau, trong số người này, nếu người nào thực có học lực, cũng chiếu theo thể lệ "khảo thi người hay chữ" ở phủ, được vào trường thi đối sách. Tệ hại thi cử đến thế là cùng. Chép cả ra đây, để nghi lại sự thay đổi phép thi cử trong một thời đại. Bọn Đặng Đình Luận, đốc lãnh trấn Hải Dương, đánh Nguyễn Tuyển ở Đông Triều, bọn này bị Nguyễn Tuyển bắt.

Thanh thế Nguyễn Tuyển rất lừng lẫy. Triều đình sai Đặng Đình Luận làm đốc lãnh thượng đạo Hải Dương, Trần Trọng Liêu và Nhữ Trọng Thai giữ chức hiệp đồng, đem quân đi đánh. Bọn này tiến quân đóng ở Đông Triều. Tuyển sai người xin hàng, Đình Luận tin lời, không phòng bị. Đêm đến, Tuyển đánh úp doanh trại. Đình Luận, Trọng Liêu và Trọng Thai đều bị bắt, Tuyển cho ở riêng một chỗ. Sau này Tuyển bị thua, bọn Đình Luận trốn về, đều bị lột hết quan chức và tước phẩm.

Lời chua-Đặng Đình Luận: Người xã Lương Xá, huyện Chương Đức3278 , là con Gia quận công Đặng Đình Lân.

Trần Trọng Liêu: Người xã Văn Giáp, huyện Thượng Phúc3279 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733) năm Long Đức triều Lê Thuần Tông.

Nhữ Trọng Thai: Người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An3280 , đỗ thám hoa khoa Quý Sửu (1733) năm Long Đức.

Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất (Chb. XII, 25).

Đong thóc ở Sơn Nam và Nghệ An.

Từ lúc dùng quân đánh dẹp đến nay, dân phải khổ sở về đói kém, chỉ có Sơn Nam và Nghệ An hàng năm được mùa, nhà giàu phần nhiều chứa thóc. Triều đình bèn hạ lệnh đong thóc ở Sơn Nam 150 vạn bát quan, ở Nghệ An 200 vạn bát quan, cứ 50 bát quan thóc trị giá một quan tiền, nhà giàu lấy làm đau đớn.

Lời chua-Bát quan: Bảy cáp là một bát, mỗi bát đếm được 84.000 hạt thóc.

Tháng 12. Hoàng Nghĩa Bá, thống lãnh trấn Hải Dương, đánh phá tan được Vũ Trác Oánh và Nguyễn Cừ. Nguyễn Tuyển chạy, rồi chết.

Hoàng Nghĩa Bá đem quân tiến đánh, phá tan được các đồn giặc ở Phao Sơn và Ninh Xá. Nguyễn Tuyển chạy, rồi chết. Nhân đấy, Nghĩa Bá tiến đánh bọn Vũ Trác Oánh và Nguyễn Cừ ở Gia Phúc, được thắng trận. Lại tập hợp quân thủy đuổi theo càn quét ở sông Bạch Đằng, đảng giặc bị tan tác. Trác Oánh không biết chết ở đâu, còn Nguyễn Cừ lẫn lút đến Lạng Sơn. Nhân đấy Nghĩa Bá xin kéo quân về.

Trương Khuông, đốc trấn Hải Dương, đánh nhau với giặc tên là Kình: Khuông bị bại trận; Nhữ Đình Toản, hiệp mưu, bị Kình bắt được. Nhân đấy, Đình Toản dụ Kình đầu hàng.

Trước kia Kình (sót họ) theo anh em Nguyễn Tuyển. Tuyển dùng làm tướng bộ thuộc. Đến khi Tuyển bị thua, Kình bèn tập tập hợp đồ đảng còn sót lại cướp bóc ở quãng Cẩm Giàng, Chí Linh, quân chúng có vài trăm người. Đốc trấn Trương Khuông cùng Đình Toản đem quân đuổi theo tróc nã. Bọn Khuông đánh nhau với Kình ở xã La Mát, bị bại trận. Nhữ Đình Toản, hiệp mưu, bị Kình bắt được. Kình vẫn kính trọng thanh danh Đình Toản, dùng lễ tân khánh để đối đãi. Nhân gặp cơ hội, Đình Toản đem sự họa phúc dụ dỗ. Kình bèn đến cửa quân đầu hàng.

Lời chua-Nhữ Đình Toản: Người xã Hoạch Trạch, huyện Đường An, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) năm Vĩnh Hựu triều Ý Tông.

Cẩm Giàng: Xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 5).

Chí Linh: Xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chb. VII, 28).

La Mát: Tên xã, thuộc huyện Đường Hào3281 .

Ưu binh nổi loạn, phá hũy nhà tham tụng Nguyễn Quý Cảnh.

Là một bầy tôi cũ ở tiềm để3282 Trịnh Doanh, Quý Cảnh rất được Trịnh Doanh thân yêu tin dùng. Lúc ấy, trong nước nhiều việc nguy cấp, ưu binh phải đi đánh dẹp luôn; triều đình dùng quan tước để thưởng công, tử chức thập trưởng trở lên đều ban cho sắc mệnh. Vì thế, ưu binh càng kêu ngạo, những người không được dự vào hạng quân công, lại xin tính xã để liệu lượng trao cho chức phẩm. Quý Cảnh lấy cớ là trái thể lệ, bác bỏ lời xin của ưu binh. Bọn này, nổi giận, sĩ nhục Quý Cảnh rằng: "Hương cống lên đến địa vị thượng thư, thì thể lệ nào?". Rồi họ bèn cùng đem nhau đến phá nhà, lùng tìm Quý Cảnh để giết, nhưng Quý Cảnh đã đi vội vào hầu trong phủ từ trước, nên được thoát nạn. Trịnh Doanh giữ Quý Cảnh ở trong phủ, rồi tra hỏi bắt giết người cầm đầu việc nổi loạn. Còn những người khác, đều bắt buộc vào khuông phép cấm đoán nghiêm ngặt. Nhưng ưu binh kêu ngạo, hung hãn đã thành thói quen, chung quy không thể nào kiềm chế được.

Lời chua-Ưu binh: Lính tuyển ở Thanh, Nghệ gọi là ưu binh.

Tính xã để liệu lượng trao cho chức phẩm: Ý nói lương bổng của ưu binh, có lệ ban cấp cho xã dân, hoặc một xã, hoặc hai xã không đều nhau; nay xin chiếu theo số xã dân đã được cấp nhiều hay ít mà liệu lượng trao cho quan chức phẩm trật cao thấp khác nhau.

Tháng 3. Dân Hải Dương bị đói, trích thóc ra để phát chẩn.

Năm ấy, dân Hải Dương bị nạn đói. Triều đình hạ lệnh trích số thóc đong ở Sơn Nam lấy 10 vạn bát quan phát chẩn cho dân nghèo. Sau lại hạ lệnh ban bố 4 điều răn bảo trong kinh và ngoài các trấn.

Lời chua-Bốn điều:1. Các thuyền buôn thóc gạo được thông hành mua bán, miễn cho việc nộp thuế; 2. Miễn tiền lễ tạ, tiền khám xét cho dân nghèo bị kiện; 3. Tôi tớ những nhà quyền quý không được thiện tiện đến nhà dân; 4. Không có chỉ bài cấp phát không được trái phép bắt dân làm việc chuyển đệ văn thư.

Đặt chức Tuần thủ ở bốn đạo thuộc Hải Dương.

Vì Hải Dương đã được bình định, nên chia làm bốn đạo: Thượng Hồng, Hạ Hồng, An Lão, và Đông Triều, mỗi đạo đặt một chức tuần thủ để chiếu theo địa phận vỗ về dân chúng. Bổ dụng Nhữ Đình Toản, Vũ Khâm Lân, Phạm Đình Trọng và Vũ Phương Đề đều giữ chức hiệp đồng.

Lời chua-Vũ Khâm Lân: Người xã Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1727) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

Phạm Đình Trọng: Người xã Khinh Dao, huyện Giáp Sơn3283 , đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1739) năm Vĩnh Hựu triều Ý Tông.

Vũ Phương Đề: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường An, đỗ tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) năm Vĩnh Hựu.

An Lão: Tên huyện, thuộc Hải Dương3284 .

Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất (Chb. XII, 25).

Tháng 5, mùa hạ. Lê lệ, đốc lãnh Sơn Tây, và Nguyễn Quai, hiệp đồng Tuyên Quang, đánh phá được Nguyễn Diên.

Trước kia, Diên cùng với chú hắn là bọn Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ nổi loạn. Khi Tuyển và Cừ bị hại. Diên tập hợp đồ đảng, quấy nhiễu cướp bóc vùng Sơn Tây. Trịnh Doanh hạ lệnh cho Lê Lệ đốc lãnh các đạo quân đi đánh, cả phá được Diên ở An Lạc. Diên lại sai đồ đảng đem binh thuyền theo thuận dòng sông xuôi xuống, hẹn đến ngày 13 tháng 6 qua bến đò Cốc. Nguyễn Quai. Hiệp đồng đạo Tuyên Quang, đánh úp, thuyền của Diên bị đắm hết.

Trước đây, Quai hỏi tù binh, biết được mưu kế của Diên, nhân đấy, Quai tuyển quân lính nhanh nhẹn, mang cờ đen, đội nón nan, giống như quân trang của Diên, rồi sai bọn này dùng thuyền đi trước. Quả nhiên Diên dẫn quân đến, trông thấy toán quân giả hiệu của Quai tưởng là quân mình kéo đến, thành ra không phòng bị gì cả. Lúc ấy, Quai thình lình đến đánh, Diên hoang mang sợ hãi bỏ chạy, quân nhu và khí giới vứt bỏ đi hầu hết.

Lời chua-Lê Lệ: Người xã Phú Hào, huyện Lôi Dương, dòng dõi Lê [Thì] Hiến.

Nguyễn Quai: Người xã Phúc Khê, huyện Hưng Nhân, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

An Lạc: Tên huyện, thuộc tỉnh Sơn Tây3285 .

Bến Cốc: Bến sông thuộc xã Vân Cốc, huyện Bạch Hạc, Sơn Tây3286 .

Bắt đầu cấp liêm điền cho các quan về hàng văn.

Từ sau khi trung hưng, về phần quan văn, triều đình chiểu theo phẩm trật cấp cho tùy binh có người nhiều người ít khác nhau: viên quan nhất phẩm được cấp 24 người, từ viên quan nhị phẩm đến ngũ phẩm, cứ mỗi phẩm trật rút dần đi 4 người, các viên quan ấy được thu tiền cố dịch3287 để làm bổng lộc. Đến nay, vì số hộ khẩu hao hụt, nên đều cấp thay bằng lộc điền: viên quan nhất phẩm được cấp 50 mẫu, từ viên quan nhị phẩm đến bát phẩm mỗi phẩm trật rút dần đi 5 mẫu. Việc này giao cho Hộ phiên tùy theo sự thuận tiện của từng người mà cấp ruộng, gọi là "liêm điền".

Kén thêm binh lính ở Thanh Hoa.

Lấy thêm lính ở Thanh Hoa, đặt làm bốn đội trấn tiền, trấn hậu, trấn tả và trấn hữu, mỗi đội 300 người, để canh giữ phủ An Trường.

Lúc bắt đầu trung hưng, thể lệ lấy lính ở Thanh Hoa và Nghệ An, cứ 3 suất đinh lấy một người. Năm Nhâm Dần (1722). (năm Bảo Thái thứ 3 triều Dụ Tông), định lại, cứ 5 suất đinh lấy một người. Đến nay lại chọn 6 suất đinh lấy một người, mà không kể số lính đương tại ngũ. Như vậy, thực ra là 3 suất đinh lấy một người.

Lời chua-An Trường: Tên xã, xem Trung Tông, năm Thuận Bình thứ 5 (Chb. XXVIII, 4).

Hạ Lệnh: Nhân dân, người nào chuyển vận thóc đi bán hoặc nộp thóc, sẽ được bổ làm quan.

Lúc ấy, dân vùng đông bắc hàng năm bị đói, triều đình hạ lệnh trích gạo công nấu cơm, cháo để phát chẩn cho dân. Lại mộ dân ở xứ khác, người nào có thể chuyển vận thóc đến bán hoặc nộp thuế ở nơi sở tại của mình, những người ấy đều dược triều đình cân nhắc để ban cho quan chức.

Tháng 6. Bọn (phụ) đạo là Thoan ở sách Đông Quang làm phản. Văn Đình Dận, lưu thủ trấn Tuyên Quang, tiến đánh, dẹp yên được.

Mùa xuân năm trước, bọn đạo Thoan và đạo Thiều ở sách Đông Quang nổi loạn, cướp bóc nhũng nhiễu, châu huyện không thể kháng cự được, giặc bèn đánh, phá xã Đại Đồng. Đến nay, lưu thủ là Văn Đình Dận tiến đánh, phá tan được, đồ đảng của giặc tan vỡ, đất nơi biên giới hết thảy đều được bình định.

Lời chua-Đông Quang: Tên sách, thuộc huyện Trấn Yên, Hưng Hóa.

Thoan và Thiều: Tên hai người.

Đạo: Tức phụ đạo, tên quan của thổ tù.

Đại Đồng: Trấn lỵ, Tuyên Quang, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 5 (Chb. XXVII, 2).

Tháng 7, mùa thu. Định điều lệ về quân chính.

Lúc ấy, binh lính phần nhiều bỏ trốn, thiếu ngạch, viên quan ở trấn thúc giục bắt bớ, làm phiền nhiễu dân. Triều đình bàn định: Cho phép chọn mỗi xã một người làm thủ dịch, xã nào hàng năm không khuyết ngạch lính, sẽ được thưởng; xã nào trong 10 năm hoàn toàn không có lính trốn, không thiếu ngạch lính, thì đều được tùy theo hạng định xã lớn hoặc nhỏ mà ban thương cho: xã lớn trao cho chức thiên hộ, xã vừa chức phó thiên hộ, xã nhỏ chức bá hộ.

Các binh lính đã đem phân phối vào đội ngũ rồi, mà bỏ trốn, thì do viên quan cai quản trách cứ tróc nã, người lính trốn sẽ phải phạt 60 trượng, nếu trốn lần thứ 2 sẽ phải luận vào tội đồ; nếu lại cố ý trốn mới giao viên quan ở trấn tróc nã đích thân và bắt cả những người chứa chấp lính trốn đều đem trị tội. Đến như khi theo đi đánh dẹp mà mướn người đi thay, hoặc bỏ trốn, hoặc khi ra trận mà ẩn núp trốn tránh ở một nơi, đều phải theo luật luận tội.

Bổ dụng tham tụng Nguyễn Quý Cảnh làm công việc bộ Lại.

Từ khi ưu binh nổi loạn3288 , Quý Cảnh giả thác có bệnh, xin từ chức, về ở nhà riêng, nhưng trên văn thư của chính phủ, Quý Cảnh vẫn ký tên như cũ. Đến nay lại có sắc mệnh này.

Tha tội cho Trịnh Tuệ và dùng làm tế tửu ở Quốc Tử giám.

Trước kia, Tuệ giữ chức thượng thư và tham tụng. Khi Trịnh Doanh nối ngôi, nhận thấy Tuệ vào bè đảng với Công Phụ, nên bắt giam vào ngục. Đến nay triều đình bàn luận, cho rằng Tuệ ở trong sổ tộc thuộc họ Trịnh, có lẽ không dự biết mưu phản nghịch, nên phân biệt xét rõ để lục dụng. Vì thế, Tuệ lại được bổ dùng.

Lại hạ lệnh cho bộ Hộ trông nom tài chính và thuế khóa. Nhưng chưa được bao lâu lại bãi bỏ.

Khoảng niên hiệu Hồng Đức, chia đặt 6 bộ3288 , việc chi thu về tài chính và thuế khóa đều quan hệ ở bộ Hộ. Sau khi trung hưng, phủ chúa Trịnh đặt 6 phiên, thu hết quyền bính của sáu bộ. Riêng về Hộ

phiên chuyên nắm giữ tài chính và thuế khóa. Kỳ hạn tính toán sổ sách, hoặc 10 năm, hoặc 50 năm, vì để lâu ngày, nên bọn lại điển giảo hoạt, nhân vin vào đấy để làm việc gian trá. Đến nay. Đến nay, bầy tôi bàn luận xin khôi phục chế độ cũ. Trịnh Doanh theo lời, bèn bổ dụng Lê Hữu Kiều giữ công việc bộ Hộ. Từ đấy tài chính mới có thống thuộc. Nhưng quyền lớn lọt vào tay bọn tín thần đã lâu, bộ Hộ cũng chỉ biết được con số hão mà thôi. Vì thế không bao lâu lại bãi bỏ.

Lời phê-Họ Trịnh gian ngoan lấn quyền, sợ người ngoài toan tính đến thân, cho nên phần nhiều dùng hoạn quan làm tai mắt, mà quên bẳng đi rằng cái tệ hoạn quan, cuối cùng sẽ đi đến chỗ nhiều việc, không thể ngăn cản được. Như thế là vì lòng riêng thì sinh ra mù quáng. Lời chua-Lê Hữu Kiều: Người xã Liêu Xá, huyện Đường Hào, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718) năm Vĩnh Thịnh triều Dụ Tông.

Sáu phiên: Quan thuộc trong phủ chúa Trịnh, xem Dụ Tông, năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (Chb. XXXV, 22, 23).

Tín thân: Tức nội giám (hoạn quan).

Trịnh Doanh phong cho chú là Trịnh Đạc tước Doãn Trung công.

Trước kia, Trịnh Doanh đi đánh giặc Ngân Già, người chú của Doanh là đại tư đồ quận công Trịnh Đạc ở nhà giữ kinh thành, đến nay bàn việc phong thưởng, bèn gia phong cho Đạc tước Doãn Trung công.

Đặt chức nông quan ở tứ trấn.

Mỗi trấn đặt một viên đại sứ và một viên phó sứ, chuyên giữ công việc đồng ruộng, thân hành đi khuyên bào nông dân. Lại đặt khuyến nông lại, để khuyên dân hết sức làm ruộng, tùy theo sự tiện nghi mà giúp đỡ dân. Hàng năm, cứ tháng trọng đông3290 , sai người đi xem xét dò hỏi, xem nơi nào ruộng nương bỏ hoang hoặc khai khẩn, thức ăn của dân đầy đũ hay thiếu thốn, để định việc cất nhắc hoặc truất bãi các quan chức địa phương. Lại bàn định việc đồn điền, có 3 sở đồn điền dùng lính kinh kỳ cày cấy, 7 sở dùng lính tứ trấn, 9 sở dùng lính binh trấn; ngoài ra, tùy theo sở tại nơi đồn ải chia làm 14 sở nữa, gồm 33 sở đồn điền. Những lính trước đóng ở đồn nào, nay đều giữ lại ở đồn ấy để tiện việc cày cấy. Từ đấy, binh lính đều biết làm ruộng, lương thực của quân không đến nổi quá cùng quẩn.

Hoàng Nghĩa Bá mất.

Nghĩa Bá vốn là người mạnh bạo, quả cảm, nhiều lần lập được chiến công, là một viên tướng nổi tiếng thời bấy giờ. Đến nay mất, đặt tên thụy là Trung Liệt, gia phong công thần.

Phạm Đình Trọng, hiệp đồng đạo Đông Triều, bắt được Nguyễn Cừ ở núi Ngọa Vân, đóng cũi đưa về kinh sư giết chết.

Trước đây, Cừ cùng Tuyển đứng đầu làm việc bạn nghịch, đồ đảng vây cánh rất nhiều. Cừ chiếm cứ Gia Phúc, Tuyển chiếm cứ Phao Sơn, hai bên làm thanh thế viện trợ lẫn nhau. Đến khi Tuyển bị bại, thế lực của Cừ mỗi ngày một cô đơn, từ lúc bị thua trận ở Gia Phúc và Bạch Đằng3291 , bè đảng tan tác bỏ đi. Vì đến bước đường cùng, Cừ trốn lên Lạng Sơn, nương nhờ thổ phi là Toản Cơ (sót họ). Đến nay, lại định mưu trở về vùng Đông, khi đi đến Đông Triều, hết lương ăn, quân chúng tan tác. Cừ cùng con lẻn đến núp ở nhà dân dưới núi Ngọa Vân. Hiệp đồng Phạm Đình Trọng và tuần thủ Nguyễn Thự bí mật dò la biết được, đóng củi đưa về kinh sư giết đi. Vì có công Đình Trọng đương thăng chức tả thị lang bộ Công. Nguyễn Thự thăng chức tổng binh đồng tri.

Lời chua-Sông Bạch Đằng: Xem Thuộc Tấn, Cao Tổ, năm Thiên Phúc thứ 2 (Tb. V, 19).

Gia Phúc: Xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 7 (Chb. XXVII, 4).

Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất (Chb. XII, 25).

Lạng Sơn: Xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 35).

Núi Ngọa Vân: Có một tên nữa là núi Yên Tử, xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (Chb. VI, 18).

Hạ lệnh: Từ quan tam phẩm trở lên đều đề cử một người có thể làm nổi công việc ở phủ, ở châu và ở huyện.

Tháng 8. Dân bị đói to. Triều đình bỏ thóc ra để phát chẩn.

Lúc ấy, luôn luôn xảy ra kém đói, nhân dân phần nhiều phiêu tán. Triều đình bèn hạ lệnh lấy thóc trong kho chia ra phát chẩn cho dân phiêu tán ở tứ trấn; trong kinh kỳ cũng cứ 10 ngày phát chẩn một lần.

Từ cuối năm Vĩnh Hựu, trộm giặc các nơi nổi dậy, vùng Hải Dương càng nhiều hơn, dân gian bỏ cả cấy cày, các thứ tích trử ở làng xóm hầu như hết sạch; chỉ có vùng Sơn Nam còn hơi khá một chút. Dân phiêu tán dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no, Nhân dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nổi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau; số dân còn lại mười phần không được một. Làng nào vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ mà thôi.

Tháng 9. Trịnh Doanh sai Đặng Đình Mật đánh úp và phá được Lê Duy Mật ở Sơn Tây. Duy Mật rút quân giữ ở Ngọc Lâu.

Trước kia, Duy Mật bỏ trốn ra ngoài, cùng với chú là Duy Chú ở đầu nguồn thuộc Thanh Hoa, quân chúng suy tôn Duy Chúc làm minh chủ3292 . Chưa bao lâu, Duy Chúc mất, Duy Mật bèn thống lãnh quân chúng, rồi do đường An Hóa, Phụng Hóa thuộc Thiên Quan, vượt qua Mĩ Lương và Minh Nghĩa, kéo ra quãng sông Đà, sông Thao. Trịnh Doanh sai Đặng Đình Mật thống lãnh đạo Thanh Hoa, đốc suất cả quân các đạo An Sơn, Mĩ Lương và Chương Đức tiến đánh. Đình Mật nhân lúc không ngờ, đương đêm tiến quân sát đến đồn lũy của Duy Mật, phá vỡ được ba trùng lũy cùng vài chục sở đóng quân. Duy Mật rút quân giữ huyện Văn Lãng thuộc Thái Nguyên, sau lại trở về Thanh Hoa dựng doanh lũy ở xã Ngọc Lâu, xưng hiệu là Thiên Nam đế tử.

Việc sai tướng đi đánh trận này, Trịnh Doanh thấy Đình Mật là con nhà thế trần, vừa thân thích, vừa có công. Muốn đãi ngộ Đình Mật hơn các tướng khác, bèn cho triệu đến trao cho thanh kiếm vàng và ban cho cờ tiết mao cùng phủ việt3293 của tướng quân. Một mặt khác, chọn ngày làm lễ bái yết cung miếu3294 , rồi mới sai đi đánh. Từ trước đến nay, triều đình sai tướng đem quân đi đánh dẹp, chưa bao giờ cử hành lễ này, Đình Mật cũng lấy làm cảm động phấn khởi, tự hết sức cố gắng, nên mỗi lần đi đánh đều lập được chiến công.

Lời chua-Đặng Đình Mật: Người xã Lương Xá, huyện Chương Đức, con Huân quận công Đình Gián và là cháu Ứng quận công Đình Tướng.

Thiên Quan: Xem Bình Định Vương, năm thứ 9 (Chb. XIII, 25).

An Hóa: Tên huyện, thuộc Ninh Bình.

Phụng Hóa: Tên huyện xem Tương Dực Đế, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 1, 2).

An Sơn: Tức Ninh Sơn, xem Chiêu Tông, năm Quang Thiệu thứ 4 (Chb. XXVI, 43).

Mĩ Lương: Xem Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 8 (Chb. XXIX, 14).

Minh Nghĩa: Tên huyện, thuộc Sơn Tây.

Văn Lãng: Tên huyện, thuộc Thái Nguyên.

Xã Ngọc Lâu: Thuộc huyện Thạch Thành, Thanh Hoa.

Đà va Thao: Hai con sông này ở địa phận hai tỉnh Hưng Hóa và Sơn Tây.

Tháng 10, mùa đông. Sai tham tụng Nguyễn Quý Cảnh và Vũ Công Tể làm chiêu phủ sứ các lộ.

Bọn Quý Cảnh chia nhau đi các lộ, khuyên dân làm ruộng trồng dâu, chiêu tập dân phiêu tán, mộ người làm ruộng, khai khẩn đất bỏ hoang, tìm bắt trộm cướp.

Lúc ấy, làng xóm tiêu điều tan tác, tính theo số xã thì nhân dân phiêu tán nhiều nhất có đến 1.730 làng, phiêu tán vừa có đến 1.961 làng.

Biểu dương dân trung nghĩa huyện Đại An và Nam Chân.

Trước kia, giặc Ngân Già nổi lên, đi đến đâu là ở đấy đổ vỡ, chỉ có các tổng An Giang, Hải Liêu thuộc huyện Đại An và Phương Để, Thần Lộ thuộc huyện Nam Chân hết sức đánh nhau và chống cự với địch, lại có công theo quan quân đi đánh giặc. Đến nay giặc đã dẹp yên, triều đình hạ lệnh ban cho biển ngạch "trung nghĩa" để biểu dương.

Lời chua-Đại An và Nam Chân: Tên hai huyện, xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18).

Tháng 11. Khởi phục3295 Trần Danh Ninh làm công việc Lễ phiên, vào phủ chúa giữ chức bồi tụng.

Trước đây, Danh Ninh xuất thân khoa bảng, giữ chức Hàn Lâm thị độc. Lúc ấy, gặp có tang mẹ, về ở nhà, Trương Khuông tiến cử là có thể dùng Danh Ninh giữ công việc trọng đại, vì thế, Trịnh Doanh hạ lệnh cho bỏ tình riêng để ra làm quan.

Lời chua-Trần Danh Ninh: Người xã Bảo Triện, ,huyện Gia Bình, đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu, năm Vĩnh Khánh3296 .

Ân xá.

Lúc ấy, vì tai dị và mất mùa, kém đói, triều đình bèn hạ chiếu tha thuế tô, thuế dung cho các lộ; triệt bỏ những sở tuần ty trái lệ ngạch; cấm tố cáo xằng, bắt bớ bậy những người trước theo giặc mà nay đã theo lệnh trở về. Tờ chiếu ân xá gồm 5 điều.

Nhâm Tuất, năm thứ 3 (1724). (Thanh, năm Càn Long thứ 7). Tháng giêng, mùa xuân. Hạ lệnh cho chưởng phủ Vũ Tất Thận và tham tụng Nguyễn Quý Cảnh chia nhau quản lĩnh hương binh ở các huyện gần kinh kỳ.

Vì chưa dẹp yên được bọn giặc cướp, các quân lính phải phân phối đi đánh phá càn quét, trong kinh vắng bóng binh lính. Các quan giữ chính quyền trong phủ xin tạm kén dân các huyện gần kinh kỳ, cứ 5 suất đinh kén lấy một người làm hương binh, tha dao dịch cho họ, duyệt tập theo như phép lính

chính thức. Bèn hạ lệnh cho Tất Thận và Quý Cảnh chia nhau quản lãnh, phân phối hương binh đóng ở ngoài kinh thành, để phòng bị việc bắt trắc xảy ra.

Nguyễn Đăng Hiển, tướng thủy đạo, đuổi bắt và giết được Toản Cơ ở Hoành Bồ.

Cuối năm Vĩnh Hựu, thổ tù Toản Cơ (sót họ) nổi loạn, đánh phá đoàn thành, đốc trấn Ngô Đình Thạc bị giết. Khi Trịnh Doanh nối ngôi, hạ lệnh cho Nguyễn Đăng Hiển, tướng thủy đạo, tiến quân đánh phá; Toản Cơ thua chạy ra Yên Quảng. Đến nay, đuổi bắt được ở Hoành Bồ, chém chết.

Lời chua-Hoành Bồ: Xem Hi Tông, năm Chính Hòa thứ 11 (Chb. XXXIV, 25).

Đoàn Thành: Xem Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (Chb. XXXVIII, 26).

Dân Thanh Hoa bị nạn đói. Triều đình bỏ thóc ra để phát chẩn.

Năm ấy, dân Thanh Hoa bị nạn đói, một uyển gạo trị giá một tiền. Triều đình hạ lệnh cho các quan trong tam ti3297 ở bản trấn, trích lấy 15 vạn bát quan thóc, chia nhau đi phát chẩn cho dân.

Tháng 3. Bổ dụng Nguyễn Ngọc Huyễn làm hữu thị lang bộ Hộ giữ chức bồi tụng.

Trước kia, Ngọc Huyễn làm đốc trấn Cao Bằng 7 năm, có tài về việc vỗ về dân chúng, chống cự giặc cướp, nên dân nơi biên giới được yên ổn làm ăn,, Trịnh Doanh rất trọng, phong cho tước hầu. Đến nay triệu về triều, bèn vào làm quan trong chính phủ.

Lời chua-Nguyễn Ngọc Huyễn: Người xã Bột Thái, huyện Hoằng Hóa3298 , đỗ tiến sĩ khoa Tân Sửu (1721) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

Sai bọn Lê Hữu Kiều, bồi tụng, dò la tìm hỏi tình hình ở các đạo thuộc Thanh Hoa và Nghệ An.

Trịnh Doanh bổ dụng Hữu Kiều giữ chức lưu thủ ở Thanh Hoa. Sau hạ lệnh cho Hữu Kiều cùng Hà Luân xét hỏi công việc và tình trạng trong hạt: Quan lại người hay, kẻ dở; dân gian đau đớn khổ sở; quan quân các đạo đánh dẹp, chống cự; tuần ti ở đường thủy và đường bộ. Lại hạ lệnh cho Đỗ Huy Kỳ đi dò la tìm hỏi tình hình ở Nghệ An.

Lời chua-Hà Luân: Người xã Kim Vực, huyện An Định, đỗ bảng nhãn khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

Tháng 3. Trịnh Doanh tự tiến phong đại nguyên soái, tổng quốc chính, thượng sư, Minh vương. Đặt cái ống để nhận đơn bí mật tố cáo, sau lại bãi bỏ.

Lúc mới được lập làm chúa. Trịnh Doanh phong là nguyên soái, Minh Đô vương. Đến nay giả thác mệnh lệnh nhà vua, tự tiến phong đại nguyên soái, tổng quốc chính, thượng sư, Minh vương.

Doanh hăng hái lưu ý xét hỏi công việc, đặt cái ống bằng đồng ở cửa phủ, hạ lệnh cho người có việc hoặc người bị oan ức làm tờ tố cáo bỏ vào trong ống, cứ 5 ngày người có trách nhiệm đem ống ấy tiến trình.

Lúc ấy, sĩ phu, dân chúng bí mật trình bày việc tham tàng và nhũng nhiễu của quan lại; nhưng khi xét nghiệm ra, phần nhiều không đúng sự thật.

Doanh dần dần sinh ra chán nản. Lê Trọng Thứ, tả chính ngôn, làm tờ khải nói: "Bây giờ lòng người không được như đời cổ, sự yêu ghét chưa chắc đã hết thảy được công bằng. Nếu muốn phân biệt rõ người hay kẻ dở thì nên cho các quan trình bày đầy đủ bằng lời nói, rồi thử thách công việc xem có đúng với lời nói không, xét sự thật, tìm công trạng, chứ không nên mở cửa cáo tố bí mật, chỉ làm thêm lòng gian trá về việc bới móc lẫn nhau, bè đảng với nhau mà thôi". Trịnh Doanh khen ngợi lời khải của Trọng Thứ, lập tức bãi bỏ cái ống đồng.

Tháng 4, mùa hạ. bỏ bớt ti Hiến sát sứ ở các lộ Tuyên Quang, Hưng Hóa và Yên Quảng.

Lúc ấy lấy cớ rằng dân ở ngoại trấn xơ xác, ít kiện tụng, nên bỏ bớt ti Hiến sát đi. Đem quan chức và công việc ở ti ấy lệ thuộc vào ti trấn thủ.

Trịnh Doanh hạ lệnh cho quan tam phẩm trở xuống lần lượt theo thứ tự vào phủ trình bày công việc.

Trịnh Doanh hạ lệnh cho quan tam phẩm trở xuống, mỗi người lần lượt theo thứ tự triệu hai người vào phủ, để hỏi về chính sự và cơ nghi về việc quân, việc nước. Lại hạ lệnh khảo xét quan văn quan võ về thành hiệu của công việc đã làm, để phòng bị sự lựa chọn bổ dụng.

Tháng 5. Mặt trời có quầng.

Người xem thiên văn đoán là tượng trưng bầy tôi lấn quyền, được trăm họ thân yêu quy phụ. Trịnh Doanh kính lễ để tế.

Định rõ thể lệ cất nhắc quan trong kinh, ngoài trấn.

Phàm cất nhắc trao chức cho quan trong kinh, ngoài trấn, căn cứ vào những điều lệ sau nay đã phân biệt khác nhau: Trúng trường khoa thi hội; Khảo trúng đầu bài do vua nghĩ soạn;-Tư cách về lâu năm và khó nhọc;-Nơi làm quan là nơi nhiều việc (phiền) hay ít việc (giản). Vì thế, những người cầu may mà được quân công, không được cất nhắc trao cho quan chức thực thụ.

Lời chua-Trúng trường: Ý nói người dự thi hội được trúng kỳ đệ tam đến ba, bốn, năm, sáu khoa.

Trúng khảo: Ý nói người được trúng cách trong các khoa thi sĩ vọng, hoành từ vá ứng chế.

Phiền giản: Ý nói phủ hoặc huyện có nơi thái phiền, nơi giản khuyết3299 .

Tháng 6. Sai Nhữ Đình Toản xét hỏi sự trạng ở Sơn Nam hạ lộ.

Trước đây, ở Sơn Nam hạ lộ, mỗi huyện đều đặt một chức phủ dụ, bổ dụng bọn Phạm Hữu Du nhận lĩnh chức này, để hiệp đồng với viên đồn ngự sứ vỗ về chiêu tập dân địa phương, phòng bị ngăn cấm giặc cướp. Đến nay, triều đình được tin bọn này hà khắc, nhũng nhiễu nhân dân, nhân đấy, sai Đình Toản đi dò xét.

Lời chua-Phạm Hữu Du: Người xã Quán Các, huyện Giao Thủy, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

Tháng 7, mùa thu. Đặt chức quan xét rõ hình ngục còn nghi ngờ.

Hạ lệnh cho tham tụng Nguyễn Ngọc Huyễn, đô ngự sử Ngô Đình Oánh, mỗi năm cứ bốn tháng quý3300 phân xử những hình ngục oan uổng cho được hợp lý.

Dân bị đói. Giảm bớt lễ cúng tế thường, đình hoãn việc xét hỏi tạp tụng.

Vì năm mất mùa, dân bị đói, sự chi dùng trong nước không đủ, nên hạ lệnh giảm bớt năm phần mười về các lễ tế ở điện và miếu tại Thanh Hoa. Lại lấy cớ rằng viên quan giữ trách nhiệm bắt bớ khám xét làm phiền nhiễu dân, bèn ra sắc lệnh: Các việc kiện, chỉ có án nhân mạng, án trộm cướp, hoặc ngang ngược ức hiếp về ruộng đất và đánh nhau, mới được nhận đơn khám xét, ngoài ra hết thảy các việc kiện khác đều đình hoãn.

Tháng 8. Sai Đỗ Huy Kỳ và Phạm Doãn Vĩ chia nhau kén lính Thanh và Nghệ.

Lê Hữu Kiều, lưu thủ Thanh Hoa, dâng tờ khải nói: "Thanh Hoa và Nghệ An mất mùa dân bị đói, số binh lính bỏ trốn và khuyết ngạch nhiều đến hơn vạn người, bọn quản suất bắt bớ thúc giục rất là phiền nhiễu cho dân; nếu có tìm bắt được, không phải người gian dối cũng là người nghèo khổ, vì thế mà vừa đến doanh trại lại bỏ trốn ngay. Nay không gì bằng chọn lấy viên quan thổ trước, ủy thác cho thân đi thăm hỏi tình trạng dân, rồi tùy tiện nghi mà đốc thúc lựa chọn, như thế là tiện hơn cả". Trịnh Doanh theo lời. Vì thế, hạ lệnh cho Huy Kỳ đi Thanh Hoa, Doãn Vĩ đi Nghệ An, chia nhau tuyển lính.

Lời chua-Thanh và Nghệ: Tên hai trấn, xem Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 17, 20-23, 33).

Đỗ Huy Kỳ: Người Thanh Hoa.

Phạm Doãn Vĩ: Người xã Thổ Hào, huyện Thanh Chương, Nghệ An, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1724) năm Bảo Thái triều Dụ Tông.

Vũ Công Tể mất.

Công Tể sở trường về văn học, có mưu mô, tài trí, gặp lúc việc quân việc nước bề bộn, biết tùy theo đường lối điều khiển xếp đặt. Trịnh Doanh rất làm trọng, bèn cất nhắc lên làm quan ở chính phủ, giao phó cho giữ việc then chốt trong nước. Công Tể lại hay tiến cử người, dầu người có một tài nghệ, cũng khen ngợi cất nhắc không bao giờ bỏ sót. Vì thế, người ta cũng vui lòng làm việc.

Trước kia, giặc Sơn Tây là Nguyễn Danh Phương, thanh thế ngày càng lừng lẫy, triều đình bàn muốn chiêu an, chỉ một Công Tể cho là không được, nhất quyết chủ trương đánh phá tiễu trừ. Về sau, quả như lời dự liệu của Công Tể. Đến nay mất, truy tặng hàm thiếu bảo.

Tháng 10, mùa đông. Đặt vệ binh ở tứ trấn.

Hồi đầu triều Lê, binh lính ở tứ trấn đều đặt các vệ, các sở. Đến lúc trung hưng, chuyên dùng lính Thanh, Nghệ làm ưu binh, còn lính ở tứ trấn chỉ giữ có ngạch hão mà thôi. Khoảng năm Bảo Thái (1720-1728), Nguyễn Công Hãng làm tướng lại tuyển lính tứ trấn, phân phối bổ vào đội ngũ, chưa bao lâu Công Hãng mất chức, phép ấy bèn bãi bỏ, đến nay, vì phải dùng lính đi đánh dẹp, không đủ lính để điều động sai phái, bèn tuyển dân tứ trấn, cứ 5 suất đinh lấy một người, được số lính 11.465 người, phỏng theo phép phủ vệ nhà Đường3301 , chia làm 20 vệ, ở vệ đặt chức tuần phủ và tuần thủ, chọn viên quan có tài cán mưu mô về hàng văn và hàng võ mỗi hàng một người để giữ các chức ấy, còn thuộc viên về hàng văn, hàng võ thì giữ chức phó nhị. Mỗi vệ đều chia thành hai phiên, hàng tháng thay đổi nhau để thường trực. Bình thường cứ cho một nửa số lính về nhà làm ruộng, người nào ở trong quân ngũ, quan sẽ cấp cho lương ăn hàng tháng. Lúc có việc phải tập hợp để điều động, thì sự sai phái đều tùy theo viên quan mà binh lính thuộc quyền (các tùy sở lệ sai bát), xong việc lại trã về vệ cũ.

Trước đây, bọn Đào Hoàng Thực giữ chính quyền trong phủ chúa bàn thi hành 3 điều: 1.phép phủ binh; 2. thu thêm tô ruộng; 3. lại thu tiền thuế điệu. Trịnh Doanh lấy cớ rằng việc binh là cần cấp hơn cả, cho nên thi hành trước.

Lời chua-Sở lệ sai bát: Ý nói lúc có việc mà binh lính phải ra trận đánh dẹp, hoặc thuộc quyền viên thống lãnh, hoặc thuộc quyền viên đốc lãnh, tùy theo công việc mà viên quan ấy sai phái.

Đặng Đình Mật đánh bại được Lê Duy Mật ở xã Thịnh Mỹ.

Trước kia, Duy Mật nhiều lần bị Đình Mật đánh bại, phải chạy đến Nghệ An, chiếm cứ động Cổ Nam, sau lại vội vàng đi Thanh Hoa, ra huyện Lôi Dương, phá đồn Bái Thượng, định mưu qua đò Lương Giang để về An Trường. Đình Mật cùng bọn Hà Huân, Nguyễn Nghiễm tiến quân, gặp ở xã Thịnh Mĩ, đánh bại được Duy Mật, Duy Mật chạy đến châu Lang Chánh.

Sau này bàn thưởng công, Đình Mật được tăng làm tham đốc, vẫn giữ chức thống lãnh, mà sai Nguyễn Ngọc Huyễn hiệp lực, để cùng toan tính việc đánh Duy Mật.

Lời chua-Nguyễn Nghiêm: Người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, đỗ tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731) năm Vĩnh Khánh triều Đế Duy Phường.

Thịnh Mĩ và Bái Thượng: Tên hai xã, đều thuộc huyện Lôi Dương.

Lang Chánh: Tên châu: Xem năm thứ 28 (Chb. XLIII, 14).

Động Cổ Nam: Thuộc châu Quang Hóa, ở chỗ giáp giới hai tĩnh Thanh Hóa và Nghệ An.

Lương Giang: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 2 (Chb. XI, 9).

Tháng 12. Bắt đầu thu thêm tiền tô ruộng.

Từ năm Bảo Thái trở về trước, duy ruộng công phải chịu tô, còn ruộng tư không phải chịu. Đến lúc Nguyễn Công Hãng giữ chính quyền, mới bàn đánh thuế theo từng hạng ruộng, chia ra ba hạng: nhất đẳng, nhị đẳng và tam đẳng. Đến nay vì việc chi dùng trong nước không đủ, bầy tôi trong phủ chúa xin tạm thời bổ thêm "tiền gia tô", mỗi mẫu đều nộp 30 đồng, thu vào hai mùa đông và hạ. Về sau, việc này bèn thành thể lệ nhất định.

Lời chua-Đánh thuế theo từng hạng ruộng: Ruộng nhất đẳng, mỗi mẫu 3 tiền, ruộng nhị đẳng mỗi mẫu 2 tiền, ruộng tam đẳng mỗi mẫu 1 tiền.

Quý Hợi, năm thứ 4 (1743). (Thanh, năm Càn Long thứ 8). Tháng Giêng, mùa xuân, khôi phục phép đánh thuế điệu đời Bảo Thái (1720-1729).

Theo chế độ cũ, các việc chi phí về bài, biểu, tế, khoán, đều chiểu theo từng hộ thu tiền3302 .

Bài là ngày sinh của vua chúa, ngày mồng một tháng giêng (âm lịch) hàng năm, các nha môn làm lễ bái vọng;

Biểu là phẩm vật nghi lễ dâng tờ biểu chúc mừng vua chúa. Phàm gặp những tiết lễ kể trên, các nha môn đều có hát xướng, yến tiệc.

Tế là tế ở cung miếu3303 vào các tiết tứ quý3304 ; tế đinh3305 ở quốc học và quận học; tế bách thần vào tiết mùa xuân; tế ma quỷ không có người cúng tế3306 .

Khoán là các việc đê, đường, cầu, cống, kho tàng, trường thi v.v...

Những lễ tiết và công việc về bài, biểu, tế, khoán đều chia bổ về đinh suất, mỗi năm hoặc 2 quan, hoặc 3 quan, không có ngạch nhất định, gọi là "tiền hộ phân".

Tiền bài và biểu thuộc về hai ty Thừa chính và Hiến sát; tiền tế thuộc về phủ huyện; tiền khoán thuộc về ti Trấn thủ. Còn việc thu nộp thì giao cho nha lại các huyện. Đến khoảng năm Bảo Thái, triều đình chán ghét về sự phiền phức vụn vặt, bèn đổi lại mà định làm phép điệu. Theo phép này, mỗi suất định hàng năm nộp 6 tiền, phòng theo ý nghĩa "mướn người làm việc" của đời cổ. Khi gặp việc chi tiêu về bài, biểu, tế, khoán, đều lấy tiền ở người có trách nhiệm giữ tiền. Nhưng sau vì kho tàng không đủ tiền, thành ra cầu cống, đường sá phần nhiều bỏ hũy hoại, vì thế lại bàn thu "tiền hộ phân". Rồi sau đó, nào bắt bớ, thúc giục, nào thu tiền, nộp tiền, tệ hại nảy ra hàng trăm mánh khóe. Trịnh Doanh biết tình tệ

ấy, nên năm trước, hạ lệnh cho bầy tôi đem việc thu số tiền này cùng bàn luận chung với chính sách binh lính và phép đánh tô ruộng, đến nay mới thi hành.

Tháng 2. Bổ dụng Hoàng Ngũ Phúc, hoạn quan, giữ chức đốc lãnh lính kỳ đạo.

Ngũ Phúc do hoạn quan xuất thân, là người có mưu kế. Trước kia hắn do chức tả thiếu giám, sung giữ chức nội sai trong Hình phiên. Vì thấy triều đình đương dùng quân đánh dẹp, bèn dâng 12 điều về binh pháp. Trịnh Doanh cho đem thi hành. Nhân đấy, sai thống lãnh kỳ binh đạo Hải Dương, cùng với viên thống tướng chánh đạo là Hoàng Công Kỳ hội đồng tiễu trừ Nguyễn Hữu Cầu ở Đồ Sơn.

Lúc Ngũ Phúc mới được nghe mệnh lệnh, rất lấy làm lo, vì từ trước chưa từng đi chiến trận bao giờ. Có người khách khuyên: "Nên vay một vạn quan tiền công, để mộ lấy những tay tráng sĩ". Ngũ Phúc nói: "Nay vay tiền công, một ngày kia bắt phải nộp trả, thì lấy tiền đâu mà trả được". Khách nói: "Tục ngữ có câu "Tướng vô tài, sĩ bất lai", nghĩa là người làm tướng mà không có của, thì không bao giờ dũng sĩ tìm đến. Nếu ông thật lòng theo kế của tôi, thì những tráng sĩ đều hết sức với ông, quyết chiến thắng được địch, từ đấy sẽ được vừa sang vừa giàu, có lo gì cái món tiền vạn quan? Nếu nhỡ ra vấp váp đến chỗ không thể nói được, thì còn ai trách cứ món nợ ấy vào đâu được nữa?". Ngũ Phúc cho là phải, bèn theo lời. Do đấy về sau, Ngũ Phúc nhờ vào sức sĩ tốt, lập được chiến công, là viên tướng nổi tiếng trong một đời.

Lời chua-Ngũ Phúc: Người xã Phụng Công, huyện Yên Dũng.

Thổ phỉ ở Cần Dinh đánh phá Đoàn Thành, đốc trấn Vũ Tá Vĩnh và đốc đồng Trần Công Hân đánh nhau với thổ phỉ, bị chết. Phiên mục là Nguyễn Đình Sính khôi phục được Đoàn Thành.

Lạng Sơn giáp với Kinh Bắc, núi non thung lũng hiểm trở, thổ phỉ (sót họ tên) Cần Dinh hô hào nhau tụ tập trong hang núi, rồi đem đồ đảng bao vây Đoàn Thành. Tá Vịnh đem sự nguy cấp báo cáo về triều. Triều đình hạ lệnh cho Trần Đình Cẩm, trấn thủ Kinh Bắc, đến cứu viện. Đình Cẩm không chịu tiến quân, lấy cớ rằng còn phải hội hợp quân để tiễu trừ giặc biển. Vì thế, bọn Tá Vịnh kiệt sức, Đoàn Thành vỡ, bọn này đều bị hại. Phiên mục là Nguyễn Đình Sính đem thổ binh đánh giặc, giặc thua chạy, bèn khôi phục được Đoàn Thành.

Lời chua-Trần Công Hân: Người xã Cổ Am, huyện Vĩnh Lại3307 , đỗ tiến sĩ khoa Quý Sửu (1733) năm Long Đức triều Lê Thuần Tông.

Nguyễn Đình Sính: Phiên mục Lạng Sơn.

Xã Cần Dinh: Thuộc huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang, tỉnh Bắc Ninh3308 .

Đoàn Thành: Xem Ý Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (Chb. XXXVIII, 26).

Giặc biển: Hữu Cầu hô hào dân chúng tụ hợp ở Đồ Sơn, cướp phá miền ven biển, nên gọi "giặc biển".

Tháng 3. Tha thuế tuần ti ở các lộ.

Lúc ấy, các sở tuần ti đánh thuế phiền nhiễu nặng nề, việc buôn bán phải sút kém dần đi. Trịnh Doanh muốn bỏ việc đánh thuế, Các quan trong chính phủ nói: "Thuế tuần ti đã có ngạch nhất định, nay chỉ nên ngăn cấm việc hà lạm sách nhiễu mà thôi". Trịnh Doanh nói: "Chính sách của vương giả ngày trước, chỗ họp chợ ở nơi quan ải chỉ xét hỏi người lạ mặt mà không đánh thuế. Nay, sau khi binh lửa, đồ ăn thức dùng của dân thiếu thốn, muốn được đủ dùng, chỉ nhờ vào sự buôn bán vận chuyển nơi có đến nơi không mà thôi, nên thực sự gia ơn, không nên chỉ làm việc hạ lệnh răn bảo". Bèn bãi bỏ thuế tuần ti năm ấy cho các lộ.

Lời chua-Tuần ti các lộ: Xem Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 4 (Chb. XXXVI, 12).

Hạ lệnh cho quan trong kinh, ngoài trấn đều dâng tờ thực phong3309 trình bày công việc.

Hạ lệnh quan võ từ tam phẩm trở lên đều đề cử một người có tài trí, mưu mô, mạnh dạn, quả cảm.

Tháng 5, mùa hạ. Bãi bỏ chế độ bổ quan văn giữ chức tuần phủ ở các vệ.

Trước kia, tuyển lính tứ trấn, chia ra các vệ, mỗi vệ đặt quan văn giữ chức tuần phủ, quan võ giữ chức tuần thủ, mỗi chức một người, để thống suất binh lính. Đến nay, tham tụng Lê Hữu Kiều nói: "Vệ binh mới đặt, kỷ luật còn thô lỗ, xin chỉ đặt một quan võ giữ chức tuần thủ, để thời thường thao luyện diễn tập binh lính, mà bỏ việc bổ quan văn giữ chức tuần phủ đi". Trịnh Doanh theo lời.

Ánh sáng. Sao Hỏa phạm vào vị trí sao Thái Vi.

Bãi chức tham tụng của Nguyễn Công Thái, cho ra trấn thủ Sơn Nam.

Trước đây, Công Thái trấn thủ ở Thanh Hoa, được triệu về giữ chức trong chính phủ. Công Thái cùng bọn Đỗ Thế Giai, Đàm Xuân Vực không hợp ý nhau. Gặp lúc ấy bọn Hoàng Văn Chất, giặc cỏ ở Sơn Nam, thanh thế đương mạnh tợn, bọn Thế Giai muốn hãm hại Công Thái, bèn nói với Trịnh Doanh là Công Thái có thể đương nổi sứ mạng trấn thủ Sơn Nam. Vì thế, mới có lệnh này.

Lời chua-Đỗ Thế Giai: Người xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, đỗ hương cống, vào hạng quan tiến triều3310 .

Đàm Xuân Vực: Hoạn quan, người xã Tương Trúc, huyện Thanh Trì.

Hoàng Văn Chất: Có một tên nữa là Công Thư, người huyện Thư Trì, tỉnh Nam Định3311 , có thuyết nói: người xã Vân Hoàng, huyện Phú Xuyên.

Tháng 6. Nguyễn Hữu Cầu, giặc vùng Hải Dương, cướp huyện Thanh Hà. Hoàng Công Kỳ cùng Hoàng Ngũ Phúc đánh phá được.

Trước đây, Nguyễn Cừ đã bị bại, đồ đảng của hắn là Nguyễn Hữu Cầu lại hô hào tụ hợp nhau lén lút chiếm cứ Đồ Sơn, rồi sai đồ đảng cướp bóc xã Lão Phong. Trịnh Bảng, đốc lãnh thủy đạo, đem quân và thuyền tiến đánh. Bên giặc đem ra hơn mười chiếc thuyền, khi thấy quan quân, giả vờ chạy trốn, Bảng đuổi theo đến cửa biển Giai Môn, giặc rút lui vào bến Cát Bạc. Gặp lúc ấy thủy triều cuồn cuộn giẫy lên, gió thổi mạnh, thuyền của quan quân cao lớn, chèo chở không thuận lợi, bèn đỗ ở bờ biển phía đông. Giặc nhân cơ hội ấy, đem hơn trăm chiếc thuyền nhanh nhẹn tiến ra đánh phá; quan quân tan vỡ. Trịnh Bảng trong mình trúng hơn mười vết thương, bị giặc bắt, Bảng chửi mắng không ngớt mồm, rồi chết.

Từ đấy, thanh thế Hữu Cầu ngày càng lừng lẫy, tự xưng là Đông Đạo tổng quốc bảo dân đại tướng quân, chiếm cứ ven biển Đồ Sơn và Vân Đồn làm nơi kiên cố.

Trịnh Doanh sai Hoàng Công Kỳ thống lãnh đạo bộ binh ở Hải Dương, Trần Cảnh thống lãnh đạo thủy binh, lúc ra đi, Trịnh Doanh thân hành trao cho mưu kế phương pháp. Sau đó, sai Công Kỳ thống suất số quân thuộc dưới quyền Trần Cảnh và các đạo quân của đốc lãnh Vũ Tá Liễn, gồm binh thuyền của 29 cơ, nghiêm hạn nhật kỳ tiến quân càn quét. Công Kỳ dâng tờ khải nói: "Giặc nương vào núi, dựa vào biển làm nơi kiên cố; vả lại nước biển khi lên khi xuống không nhất định, muốn phá Đồ Sơn, không tranh chiếm địa lợi trước là không được, mà muốn tranh chiếm địa lợi, cần phải dùng thủy binh. Vậy xin giữ quân thủy của đội Tứ Trạch lại để phòng bị việc điều khiển". Trịnh Doanh y cho. Công Kỳ cùng tướng thủy đạo là Nguyễn Công Hiển, góp sức nhau cùng càn quét, Hữu Cầu đánh nhau, bị bại trận, chạy trốn ra bãi biển, nhưng bọn Công Kỳ không lập tức đuổi bắt, Đăng Hiển lại tự dẫn đại binh về kinh sư.

Hữu Cầu biết Yên Quảng sơ hở yếu ớt, lại trở về chiếm cứ Đồ Sơn, thường ra cướp phá vùng đông nam, thế lực mạnh dần, không ai có thể chống cự được. Đến nay đem quân cướp huyện Thanh Hà. Công Kỳ bị vây đã hàng tuần, bèn sai người vượt ra ngoài vòng vây, về triều cáo cấp. Quân cứu viện chưa kịp đến, thì Hoàng Ngũ Phúc, đốc lãnh lính kỳ đạo thúc quân đến cứu. Khi quân của Ngũ Phúc đến huyện Vĩnh Lại, bị giặc chẹn lại, không tiến lên được.

Về phía Công Kỳ thì tán lý Vũ Khâm Lân bày mưu rằng: "Quân ở kinh sư chưa thể đến ngay, nếu cứ ngồi để đợi viện binh, thì làm thể nào có thể kịp được? Nay giặc đánh nhau với binh lính kỳ đạo, chúng tất dồn quân về mặt trước, nếu ta tranh cướp lấy mặt sau mà đem quân ra, hai đạo quân hợp sức lại để đánh, thì thế nào cũng phá được quân địch". Công Kỳ nghe theo kế ấy, bèn nhân đêm kéo ra cửa sông Ngư Đại, gặp quân giặc có ít, đánh thắng được, rồi hợp sức phá nhổ kè, tiến ra sông Ngư Đại, kéo về đóng ở sông Tranh, hội hợp với Hoàng Ngũ Phúc tiến đánh, phá tan được địch.

Lời chua-Bảng: Người trong tộc thuốc họ Trịnh.

Đồ Sơn: Tên xã, xem Tương Dực Đế, năm Hồng Thuận thứ 3 (Chb, XXVI, 11).

Lão Phong: Tên xã.

Giai Môn: Tên cửa biển.

Cát Bạc: Tên bến. Cả ba đều thuộc huyện Nghi Dương3312 , tỉnh Hải Dương.

Sông Ngư Đại: Ở xã Ngư Đại, huyện Thanh Hà3313 .

Sông Tranh: Ở địa phận xã Tranh Xuyên, huyện Vĩnh Lại3314 .

Vân Đồn: Tên châu.

Thanh Hà và Vĩnh Lại: Tên hai huyện, đều xem Thế Tông, năm Quang Hưng thứ 19 (Chb, XXX, 14).

Tháng 8, mùa thu. Thêm ngạch lấy đỗ ở trường thi hương.

Từ đầu năm Cảnh Hưng, luôn mấy năm binh lửa và mất mùa, khoa thi hương phải hoãn, đến nay lại cử hành. Triều đình hạ lệnh thêm ngạch lấy đỗ cống sĩ.

Lúc ấy, sĩ tử vào thi trường Nghệ An, đến kỳ đệ tam, người bất đắc chí đốt phá vi trong trường thi. Sau tra ra người cầm đầu đem giết, rồi cho thi lại kỳ đệ tứ.

Tháng 11, mùa đông. Sao Chổi xuất hiện.

Sao Chổi xuất hiện, hình dài hơn một trượng, 2 tuần mới lặn.

Sai Đinh Văn Giai và Nguyễn Đình Hoàn hội quân tiễu trừ giặc cỏ.

Từ khi Nguyễn Cừ, Nguyễn Tuyển nổi loạn, các huyện bị tàn phá luôn, bọn cường bạo tấp họp nhau đi theo giặc cướp bóc tứ tung. Một dãy phía bắc sông, làng xóm tan tác phiêu lưu, cỏ mọc ngập mắt. Đến khi Cừ và Tuyển bị bại, đồ đảng còn sót lại đều hô hào nhau tụ tập thành từng toán một, toán lớn vài ngàn người, toán nhỏ cũng không kém năm, sáu trăm người, đến đâu cướp bóc đấy, lấp ló ở nơi đồng nội sông chằm, không sao biết được tung tích. Lúc ấy người ta gọi là "giặc cỏ". Hoàng Văn Chất, một tay kiệt hiệt nhất.

Bọn thống lãnh là Trương Nhiêu và Lê Đoan Khải chia quân ra đuổi bắt, nhưng quân giặc chợt tan, chợt lại tụ họp, không thể dập tắt được. Vi nhiều lần bị quan quân đánh phá, chúng dâng thư xin hàng. Theo lời bàn luận của bầy tôi, thì đều không muốn chiêu an, chỉ có Nguyễn Đình Hoàn và Trần Huy Mật cố sức chủ trương cho chúng đầu hàng. Trịnh Doanh cũng chán nản việc dùng quân đánh dẹp, nhân

đấy trao cho chúng được quan tước và cho chiếu theo từng địa điểm mà cai quản lấy. Nhưng bọn Văn Chất nắm lấy quân chúng, không chịu giải tán. Bầy tôi trong chính phủ xin nghiêm hạn bắt chúng phải đến cửa khuyế đình. Bọn Văn Chất lại làm phản, chiếm cứ Khoái Châu, đến đâu đốt phá, cướp bóc đấy. Trịnh Doanh hạ lệnh giao trách nhiệm cho Đình Hoàn thống lãnh quân đạo đông nam, Trần Huy Mật làm tán lý, cùng trấn thủ Đinh Văn Giai, nghiêm hạn nhật kỳ hội đồng càn quét, sau đó, Văn Giai cùng Đình Hoàn phá tan được bọn Văn Chất ở Đỗ Xá. Gặp lúc ấy nước sông Nhị lên cao, Đình Hoàn xin khơi nước sông cho đỗ giội vào quân của Văn Chất. Trịnh Doanh không y cho, vì lấy cớ rằng làm như thế sẽ hại lây đến huyện lân cận.

Đình Hoàn tự nhận mình có chuyện trách khống chế mặt nam, thiện tiện tự ý càn bắt dân phu theo đi đánh giặc, làm náo động cả dân địa phương. Nghe được tin này, Trịnh Doanh giận lắm, nghiêm ngặt trách phạt Đình Hoàn và bãi đi ngay. Sau cho triệu Văn Giai về trình bày công việc quân cơ ngay trước mặt, rồi lại sai đến quân thứ. Nhưng giặc cỏ tung hoành bạo ngược càng ngày càng dữ, dân vùng Hải Dương, Kinh Bắc không ngày nào được yên.

Lời chua-Nguyễn Đình Hoàn: Người xã Hương Duệ, huyện Kỳ Anh, tỉnh Nghệ An.

Lê Đoan Khải: không rõ tiểu sử.

Khoái Châu: Tên phủ, xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long Ứng thứ 4 (Chb. V, 32).

Nhị Hà: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Đỗ Xá: Tên xã, thuộc huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...