Sunday, September 27, 2020

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 46

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 46

3366 Nguyên văn chép: "xuất nạp tường thận". Riêng hai chữ "xuất nạp" còn có nghĩa là ban bố mệnh lệnh của vua ra ngoài hoặc đệ tấu sớ ở ngoài dâng nộp lên vua.

3367 Tức năm Bảo Thái thứ 3 (1722), một niên hiệu triều Dụ Tông, xem thêm Chính biên quyển XLI, tờ 23.

3368 Về niên kỷ Lê Hiển Tông, Cương mục chép đến đây mới là Canh Ngọ năm thứ 11. Thế mà lại chia Đoàn Chú đỗ hoàng giáp khoa Bính Thìn, tính từ Canh Thân năm Cảnh Hưng thứ nhất (1740) đến năm Canh Ngọ (1750) trong vòng 11 năm ấy chỉ có năm Mậu Thìn (1748), còn Bính Thìn là năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736). Tham khảo Lê sử bổ (sách chép tay không có tên tác giả), thì Đoàn Chú đỗ khoa Bính Dần năm Cảnh Hưng thứ 7 (1746). Vì sự sai nhau như thế, nên chưa rõ Đoàn Chú đỗ khoa nào.

3369 Hai huyện Tam Dương và Bình Xuyên nay hợp nhất thành huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc.

3370 Huyện Yên Lãng nay thuộc Vĩnh Phúc.

3371 Cương mục chua lầm. Phủ Lâm Thao mà cương mục chua ở Tiền biên quyển I tờ 13 là Lâm Thao thuộc tỉnh Thiểm Tây. Trung Quốc. Còn Lâm Thao chép ở đây là Lâm Thao nước ta, hiện nay thuộc tỉnh Phú Thọ.

3372 Nay là xã Vân Trường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

3373 Nay thuộc tỉnh Hà Nam.

3374 Nay thuộc xã An Khê, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

3375 Đất huyện Nam Đường, nay thuộc huyện Anh Sơn và huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

3376 Chỉ lời Nguyễn Phan bảo thủ hạ.

3377 Xem thêm chính biên quyển XL, tờ 12.

3378 Chỉ việc Trịnh Doanh sai Hữu Cầu thổi sáo, Danh Phương rót rượu trong bửa tiệc khao quân.

3379 Trước là huyện Kim Hoa, sau đổi là Kim Anh, nay là huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và một số xã thuộc huyện Mê LInh (Vĩnh Phúc).

3380 Nay thuộc tĩnh Vĩnh Phúc.

3381 Nay là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.

3382 Một câu trong thơ "thanh dáng", thiên tiểu nhã, sách Mao Thi. Nghĩa đen câu nàylà "con nhặng xanh kêu vo ve đỗ ở cái phên". Ý nói giống nhặng xanh thường làm cho thứ trinh sạch thành bẩn thỉu, để ví với bọn tiểu nhân hay gièm pha người, làm cho người tốt hóa ra xấu.

3383 Lê Niệm là một viên quan triều nhà Lê, từng làm quan triều Thái Tông, Nhân Tông và Thánh Tông, Thánh Tông phong Lê Niệm giữ chức bình chương quân quốc trọng sự.

3384 "Bắc cầu cho kiến bò qua". Đầu đề này dùng điển trong Tống sử. Nhà Tống Giao có tổ kiến, một hôm mưa to, kiến trong tổ bò ra, bị nước ngập, không có lối đi, Tống Giao dùng cành tra bắc cầu cho kiến bò qua.

3385 "Hình con trâu trong cái nghiên mài mực". Đầu đề này chưa rõ dùng điển ở sách nào. Tham khảo Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi , có bài "nghiễn trung ngưu", không rõ có phải đầu đề này dùng điển ấy hay điển nào?

3386 "Ông thuyền chài vào nguồn đào". Đầu đề này dùng điển của Đào Tiềm đời Tấn. Đào Tiềm có làm bài "đào hoa nguyên ký", nói về việc người thuyền chài ở Vũ Lăng vào rừng hoa đào, được gặp người đi lánh loạn từ đời nhà Tần. Lần sau người thuyền chài ấy lại tìm vào, thì không nhận được đường nữa.

3387 Nay là xã Tả Thanh Oai, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.

3388 Theo chế độ xưa, chiếu chỉ của vua ban ra, có điều gì không hợp lý, thì viên quan có trách nhiệm được niêm phong đệ hoàn mà xin cải chính lại.

3389 Nguyên văn chép lầm là "Hồng Đức nhị niên".

3390 Xem Chính biên quyển XX, tờ 6, ở đây chép lầm là "Hồng Đức nhị niên".

3391 Danh từ "các thần", triều nhà Nguyễn thường dùng để chỉ những viên quan trong nội các. Thời đại Lê Trịnh chưa đặt nội các, chữ "các thần" chép ở đây là chỉ những viên quan trong phủ liêu. Các thần kiêm giữ chức quan ở đông cung, như tham tụng Nguyễn Công Hãng làm sư phó Trịnh Giang, tham tụng Nguyễn Công Thái là phó sư Trịnh Sâm, v.v...

3392 Xem thêm Chính biên quyển XXXIII, tờ 4, 5.

3393 Xem thêm Chính biên quyển XXXIX, tờ 14, 15.

3394 Xem thêm Chính biên quyển XXXIX, tờ 31, và XL tờ 1.

3395 Xem thêm Chính biên quyển XXXIX, tờ 25, 26 và XL, tờ 25.

3396 Tức Đô tổng binh sứ ti, nói tắt, trong Đô ti có các chức tổng binh và phó tổng binh đặt từ năm Quang Thuận triều Lê Thánh Tông. Đến đời Lê trung hưng đã bỏ đi mà đặt là trấn thủ, lưu thủ v.v... (Xem lời chua của Cương mục Chính biên quyển XXXV, tờ 12). Vậy Đô ti chép ở đây có những chức quan gì và giữ nhiệm vụ gì, chưa khảo cứu được.

3397 Xem lời chua của Cương mục. Chính biên quyển XXXVII, tờ 27.

3398 Nay thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội (ở cuối phố Huế đầu phố Bạch Mai).

3399 Một lối viết khác lối viết thường, lấy bút kẻ từng đường nhỏ ở cạnh các nét chữ, còn trong nên từng nét thì vẫn để trắng.

3400 Bốn chữ này ý nói: người công thần được cùng nước cùng hưởng phúc lành.

3401 Nay là thôn Bộ Đầu, xã Thống Nhất, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây.

3402 Nay là xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

3403 Quan chế nhà Chu, tư khấu là một chức quan trong hàng lục khanh, giữ việc hình ngục. Thời Xuân Thu, nhiều nước có đặt chức quan này. Khổng tử từng giữ chức tư khấu dưới triều Định Công nước Lỗ.

3404 Nay thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

3405 Nay là xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...