Sunday, September 27, 2020

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 40

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 40

2970 Một danh từ để gọi chung con gái vua chúa.

2971 Nguyên văn chép: "Lao bồn địa", không rõ có phải tên đất Lao Bồn hay còn một nghĩa khác nữa. Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, thì trong sử liệu chỉ có Bồn Man hoặc Tôn Bồn Man, không có chỗ nào là Lao Bồn cả. Bồn Man: Hồi đầu triều Lê, họ Cầm vẫn được nối đời làm tù trưởng. Dưới triều Lê Thánh Tông, Cầm Công cấu kết với Lão Qua chống Công, lấy đất Bồn Man đặt phủ Trấn Ninh (xem thêm Chính biên quyển XXIII tờ 28, 31).

2972 Từ đây cho hết niên kỷ Lê Dụ Tông, Sử Cương mục không chỗ nào chép việc này. Tham khảo Lịch triều tạp kỷ, thì năm Vĩnh Thịnh thứ 14, Trịnh Cương đem người con gái tôn thất gả cho triều phúc, thổ tù Ai Lao. Cương hạ lệnh cho bọn nội giám (hoạn quan) Kiều Hữu Luân đem quốc thư cùng đi với sứ thần Ai Lao hộ vệ đưa người con gái ấy đến nước Ai Lao. Khi đưa đến phủ Trấn Yên (tức Trấn Ninh) phải báo ngay Phì Xà (phong tục người Man gọi là tù trưởng Phì Xà), tức Triều Phúc đem dân phu đón rước. Khi đến đầu biên giới Ai Lao, phải đợi Triều Phúc thân đến đón tiếp, sẽ hộ vệ đưa đến kinh thành Ai Lao, rồi ban cho quốc thư và tuyên truyền dụ bảo ân tín của triều đình, để lễ hôn nhân được long lọng.

2973 Cương mục chua lầm. Theo thể lệ phong ấm triều Lê, thì con gái của hoàng tử phong quận thượng chúa, con gái của hoàng thái tôn mới phong là quận chúa.

2974 Nơi nào ruộng đất tốt, cày cấy thuận tiện, phong tục thuần hậu, ít kiện tụng, trong hạt ít xảy ra trộm cướp, nhân dân không bị phiêu lưu. Nói tóm lại: Công việc nhẹ nhàng không vất vã bận rộn như những nơi tối yếu khuyết, yếu khuyết, trung khuyết, gọi là giản khuyết. Xem thêm chú thích số 1 tờ 19 trong cuốn này.

2975 Xem thêm Chính biên quyển XXXIV, tờ 38.

2976 Một danh từ để gọi quan chức có quyền trông coi các viên quan phủ huyện. Ở đây chỉ Hiến sát và Thừa chính.

2977 Thú: tức thái thú, một danh từ để gọi viên tri phủ, lệnh: tức lệnh doãn, một danh từ để gọi viên tri huyện.

2978 Nay sông theo thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ, sông Đà thuộc địa phận tỉnh Hòa Bình.

2979 Huyện Bạch Hạc nay là huyện Vĩnh Tường tĩnh Vĩnh Phúc.

2980 Ba Lạt: Viết theo Hán văn. Riêng về chữ "Lạt" nguyên văn trong cương mục chua như thế này: "Trong tự điển và Khảo dị, bổ đi đều không có chữ này, ngờ là chữ "lạt" vì là cửa biển nên chấm thủy ở bên cạnh.

2981 Địa phận phủ Lý Nhân nay thuộc tỉnh Hà Nam.

2982 Xem thêm Chính biên quyển VI, tờ 31.

2983 Nay là huyện Đông Sơn tỉnh Thanh Hóa.

2984 Quan: đàn ông không có vợ. Quả: đàn bà không có chồng. Cô: trẻ con mồ côi. Độc: người già không có con, không thể nương tựa vào đâu được. Phế tật: một mắt bị mù, một chi thể bị hỏng.

2985 Trịnh Vĩnh, con cả Trịnh Căn. Trịnh Bính con cả Trịnh Vĩnh, đều mất sớm, xem thêm Chính biên quyển XXXIV, tờ 50.

2986 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXIII, tờ 21.

2987 Câu này Sử Cương mục chép không được rõ ràng, vì chỉ nói "theo chế độ cũ" thì không hiểu chế độ cũ thế nào. Tham khảo Lịch triều tạp kỷ chép: "Các quan hai ty Thừa chính, Hiến sát ở Tuyên Quang và Lạng Sơn cũng nên bắt phải đến lỵ sở làm việc, nhất luật theo chế độ cũ". Chép như thế có phần rõ hơn.

2988 Tức đô tổng binh sứ ty, nói tắt.

2989 Xem thêm Chính biên quyển XXX,9,10,28; XXXIII,28; XXXIV,21,22.

2990 Đất huyện Hương Sơn cũ, nay thuộc hai huyện Hương Sơn và Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh.

2991 Xem Chb. XXIII, tờ 29, 31.

2992 Năm Cảnh Trị thứ nhất, triều đình nhà Lê mới bắt đầu sai sứ thần là bọn Lê Hiệu, Dương Hạo và Đồng Tôn Trạch sang giao hảo với triều đình nhà Thanh, việc này sử Cương mục và sách Việt thuật cũng chép như nhau. Còn lễ cống, thì ngoài phẩm vật đã chép trong sử Cương mục, sách Việt thuật còn cho ta biết những phẩm vật này: 60 cân trầm hương, 148 cân tốc hương, 30 cân giáng chân hương, 50 kiện bạch truật hương, 8000 nén hương đen và 200 tấm lụa thổ màu trắng. Nay trong chiếu chỉ của vua nhà Thanh chỉ nói miễn cho tê giác và ngà voi. Vậy thì còn những phẩm vật nói trên không rõ có được miễn hay không, mà trong chiếu chỉ không thấy nói đến. Sách Việt thuật lại còn cho ta biết; lúc ấy nhà Thanh vừa nhận lễ cống của vua Lê lại vừa nhận lễ cống của Mạc Kính Diệu ở Cao Bằng nữa.

2993 Nay thuộc xã Vạn Thắng, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây.

2994 Nay thuộc xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

2995 Nay thuộc huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

2996 Tỉnh Hải Dương.

2997 Trùng Quán: nay thuộc xã Vân Đức, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

2998 Đất huyện Đông Ngàn cũ, nay thuộc các huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh), Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, (Hà Nội).

2999 Thời đại phong kiến chia địa phương nhiều việc hoặc ít việc để bổ quan, họ định 4 tiêu chuẩn là: xung, phiền, bì, nan. a. Xung : Địa phương gần kinh kỳ, nhiều việc sai phái;- Thuyền bè, xe cộ tụ họp, nhân vật phức tạp, thường sinh sự đánh nhau và trộm cắp;- ven biển, ven rừng, nhiều chỗ hiểm trở, trộm giặc thường lẩn lút cướp bóc của dân;- Địa giới tiếp giáp trấn khác hoặc bộ lạc người Man, trộm cướp bất thần vượt qua biên cảnh để quấy rối;- Địa phận có đường cái, nhiều cầu cống, thường phải chuyển đệ giấy tờ và tài sản công;- Địa phận có đê công, phải khẩn cầu để phòng trong khi mưa nhiều, nước lũ. b. Phiền: Đất rộng người nhiều, việc binh lượng nhiều hơn hạt khác; phải khó nhọc về việc bắt bớ thúc giục;- Kiện tụng nhiều, phải bận rộn về việc tra hỏi về án từ. c. Bì: Đất nhiều sỏi đất hoặc chua mặn, cày cấy tốn công, hoa lợi được ít;- Đất nhiều nơi khô rắn hoặc trũng thấp, động có mưa, nắng, hoa mầu đã bị tổn hại, do đấy mà thuế khóa khó thu được đầy đủ. d. Nan: Dân nhiều người du thủ du thực, thường sinh trộm cướp;- Dân nhiều người điêu toa, lại dịch nhiều người giảo quyệt, xui nguyên giục bị, chia thành bè đảng, làm hại lẫn nhau, để đến nổi sinh nhiều án mạng;- Bọn hào cường tạ sư đục khoét, để đến nổi binh trốn, thuế thiếu, phải bận rộn về sự bắt bớ mà vẫn không được đủ ngạch. Địa phương nào có cả bốn tiêu chuẩn kể trên, gọi là tốt yếu khuyết: có ba trong bốn tiêu chuẩn ấy gọi là yếu khuyết; có hai trong bốn tiêu chuẩn ấy gọi là trung khuyết; có một hoặc không có tiêu chuẩn nào gọi là giản khuyết (Đại nam hội điển sự lệ quyển XIII, tờ 7, 8).

3000 Tỉnh Thanh Hóa.

3001 Nay thuộc xã Phù Chẩn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

3002 Xem thêm Chính biên quyển XXXIII, tờ 29.

3003 Xem chú thích ở Chính biên quyển XIX, tờ 12.

3004 Tỉnh Nghệ An.

3005 Lại bộ, Hộ bộ, Lễ bộ, Binh bộ, Hình bộ và Công bộ.

3006 Đại lý tự, Thái thường tự, Quan lộc tự, Thái bộc tự, Hồng lô tự và Thượng bảo tự.

3007 Một danh từ để gọi những văn thư tấu sớ dâng lên triều đình, vì e có sự tiết lộ, nên khi dâng nộp, bỏ văn thư tấu sớ vào một cái bao rồi gói kín lại, gọi là phong sự.

3008 Nay là xã Lãng Ngâm, huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

3009 Nay là huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

3010 Nay là một phần của huyện Gia Lương, tỉnh Bắc Ninh.

3011 Nay là một phần của huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.

3012 Xem thêm Chính biên quyển XV, tờ 13.

3013 Xem thêm Chính biên quyển XIX, tờ 29.

3014 Xem thêm Chính biên quyển XXXII, tờ 23.

3015 Xem thêm Chính biên quyển XXXII, tờ 29.

3016 Trên chép: Thái sư, thái úy, thái phó, thái bảo, và thiếu sư, thiếu úy, thiếu phó, thiếu bảo, thế là bốn chức "thái" và 4 chức "thiếu", ở đây lại chép "tam thái, tam thiếu". Vậy còn một chức nào đó trong các chức kể trên không liệt vào danh từ "tam thái, tam miếu". Theo sự nghiên cứu của chúng tôi, thì đời cổ Trung Quốc: Thái sư, thái phó, thái bảo gọi là "tam công", thiếu sư, thiếu phó, thiếu bảo gọi là "tam cô". Triều Lê không dùng danh từ "tam công, tam cô" mà gọi là "tam thái, tam thiếu". Lại phần dưới (tờ 29) trong lời cẩn án này chép: "thái tử tam thái, và thái tử thái úy, tam thiếu và thiếu úy". Như vậy, đủ rõ thái úy không đúng trong "tam thái" và thiếu úy không đúng trong "tam thiếu".

3017 Xem thêm Chính biên quyển XXII, tờ 15, 24 về quan chế đời Hồng Đức.

3018 Tức thái tử, thái sư thái phó, thái tử thái bảo.

3019 Đời cổ chia một ngày một đêm ra 100 khắc. Muốn biết thì giờ, họ dùng một cái hồ bằng đồng, đáy hồ khoan một lỗ nhỏ, giữa hồ đựng một cái cây nhỏ có ghi 100 khắc để làm tiêu chí. Đem nước đổ đầy vào hồ, nước trong hồ sẽ theo lỗ nhỏ mà rỏ dần đi từng giọt, nước rỏ bớt dần đi, thì số ghi ở cái cây đựng giữa cái hồ cũng lộ dần ra. Trông vào số ghi đã lộ ra ấy sẽ biết lúc ấy là giờ gì (tý hay sửu...).

3020 Phỏng vào quãng cuối 3 giờ.

3021 Tức hoạn quan.

3022 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXII, tờ 37.

3023 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển VIII, tờ 38.

3024 Một nhân vật nổi tiếng thời Tam quốc. Tháo làm thừa tướng nhà Hán, nhưng choán hết quyền bính và uy hiếp Hán đế. Tháo được ăn lộc bốn vạn hộ của bốn huyện. Tháo nói: "Tôi không có tài đức gì xứng đáng với bổng lộc đã được phong, xin trả lại ba huyện". (Thông giám tập lãm quyển XXVII, tờ 8).

3025 Một danh từ để gọi chức quan đặt tạm thời. Ở đây chỉ viên quan giữ việc trông coi, về đồng và quế (Xem thêm lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXVII, tờ 27).

3026 Phạm nhân bị giữ ở chỗ bị đày theo thời hạn đã định trong án văn và phải làm mọi việc nặng nhọc.

3027 Xem thêm lời chua cận châu, viễn châu và ngoại châu, Chính biên quyển XV, tờ 10.

3028 Tháng 2: trọng xuân; tháng 5: trọng hạ; tháng 8: trọng thu; tháng 11: trọng đông.

3029 Một bộ sách gồm 13 thiên do Tôn Võ người thời Xuân Thu biên soạn.

3030 Chữ này Cương mục in lầm: "nội khóa" đúng ra phải là "tứ khóa" nghĩa là bốn kỳ thi: trọng xuân, trọng hạ, trọng thu và trọng đông.

3031 Xem lời chua của Cương mục, Chính biên quyển XXXIV, tờ 8.

3032 Người học trò nào được đi thi hương, mà chưa vào học ở trường hương học, gọi chung là đồng sinh.

3033 Một danh từ để gọi các viên quan quyền cao chức trọng, đời phong kiến như tể tướng, thừa tướng... viên quan này có nhiệm vụ bàn định thi hành mọi việc chính trị trong nước, nên gọi là chấp chính. Ở đây chỉ phủ liêu trong phủ chúa Trịnh.

3034 Xem thêm Chính biên quyển XXXVI, tờ 10, 11, về phần mục có giải nghĩa 3 thứ thuế tô, dung và điệu của Trịnh Cương.

3035 Theo truyền thuyết: Đường Nghiêu (2357 tr. CN), Ngu Thuấn (2255-2208 tr. CN) hai ông vua đời thượng cổ Trung Quốc, lúc ấy chia trong nước làm chín châu là: Ký, Duyện, Thanh, Từ, Ứng, Dự, Lương, Kính , Dương.

3036 Tức bốn trấn giáp kinh kỳ Thăng Long. Lúc này vị trí Thái Nguyên giáp trấn Kinh Bắc và Sơn Tây.

3037 Nguyên văn chép: "Châu thập hữu nhị sư". Câu này có 2 giải nghĩa:

3038 Tức Thái Trừng cũng gọi là Thái Trầm, học trò Chu Hy, Thái là một nhà đạo học đời Tống làm "tập truyện" sách Thượng thư.

3039 Chưa khảo cứu được tiểu sử.

3040 Nay gồm các huyện Phú Lương, Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Bình, phổ Yên (Thái Nguyên) và một phần huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc).

3041 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3042 Nt.

3043 Nay là một phần huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

3044 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3045 Nt.

3046 Nay thuộc tỉnh Lạng Sơn.

3047 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3048 Nay thuộc tỉnh Thái Nguyên.

3049 Nay gồm các huyện Ngân Sơn, Ba Bể (Cao Bằng) và Na Rì, Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Cạn).

3050 Nay gồm các huyện Ngân Sơn (Cao Bằng) và Na Rì (Bắc Cạn).

3051 Nay gồm các huyện Ba Bể (Cao Bằng) và Bạch Thông, Chợ Đồn (Bắc Cạn).

3052 Hán Văn Đế theo kế của Triều Thổ chia quân ngũ làm 5 hạng: một hạng chuyên đánh giữ ở đường rừng núi hiểm trở một hạng chuyên đánh giữ ở nơi đồng bằng, hai hạng quân lính này thường phối hợp với nhau để ngăn cản rợ hung nô xâm lấn.

3053 Nhà Đường chia trong nước làm 634 phủ, quân lính ở phủ đều lệ thuộc vào các vệ: Tả vệ, và Hữu vệ, mỗi vệ quản lĩnh quân lính 60 phủ, còn các vệ khác quản lĩnh quân lính từ 50 đến 40 phủ.

3054 Theo Chính biên quyển XV, tờ 19, thì số quân trong lúc đánh giặc Minh tất cả 35 vạn, sau khi trong nước đã bình định, cho 25 vạn về làm ruộng; số quân ấy so với số quân chép ở đây có phần chênh lệch. Ở trên (quyển XV) chép theo số quân trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên; ở đây, chép theo số quân ghi trong "Binh chế chí" (Lịch triều hiến chương) của Phan Huy Chú, không rõ sách nào chép đúng.

3055 Xem thêm Chính biên quyển XV, tờ 5.

3056 Xem thêm chú thích số 1, tờ 34 trong cuốn này.

3057 Hai người này đều giữ chức đại nông thừa, dưới triều Hán Vũ Đế (140-89Tr.C.N) đều trông coi việc muối và sắt ở trong nước.

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...