Sunday, September 27, 2020

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 14

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục - ghi chú 14

823 Người tân khách nuôi ở trong nhà để bàn hỏi về mưu kế. Còn có một nghĩa nữa: nuôi người văn học để dạy bảo con cháu trong nhà cũng gọi là môn khách.

824 Sau này truyền đến Pháp Loa và Huyền Quang gây thành thiền tông Trúc Lâm, đời gọi là Trúc Lâm tam tổi: - Đệ nhất tổ: Trần Thái Tông là Tái Thế Thích Ca; - Đệ nhị tổ: Pháp Loa là Ca Diếp; - Đệ tam tổ: Huyền Quang là Át Nan.

825 Theo tục nhà chùa, vị tăng nào ở liền với sư trưởng, để sư trưởng sai phái, gọi là thị giả.

826 Cái nhà nhỏ trên núi. Nhà nhỏ thờ Phật thông thường đều gọi là "am".

827 Tim, gan, lá lách, phổi và trái cật.

828 Vị trí hoành cách mô: phía trên giáp với phổi, phía dưới liền với buồng gan.

829 Công của nhà vua.

830 Doanh trại vua đóng quân.

831 Chỉ việc Anh Tông dụ dỗ chúa Chiêm Thành đầu hàng rồi bắt đem về nước.

832 Báo tin chiến thắng và dâng tù binh đã bắt được.

833 Chỉ việc thuyền bị đắm, Anh Tông phải trèo lên ngồi ở trốc mui thuyền.

834 Nay thuộc Thành phố Hà Nội.

835 Chu Vũ Vương Phát lên ngôi thiên tử, truy tôn tằng tổ là Cổ Công Đản Phủ làm Thái Vương ông nội là Quý Lịch làm Vương Quý.

836 Tống Thái Tổ là Khuông Dận lên làm vua, truy tôn cao tổ là Thiên làm Hi Tổ Văn Hiến hoàng đế, tằng tổ là Đĩnh làm Thuận Tổ Huệ Nguyên hoàng đế, ông nội là Kính làm Dực tổ Giản Cung hoàng đế, cha là Hoằng Ân làm Tuyên Tổ Chiêu Vũ hoàng đế.

837 Chức quan không đặt thường xuyên. Nhà Trần chỉ đặt chức Kinh lược sứ khi có việc.

838 Xem cửu quận ở Tiền Biên , quyển II, tờ 3.

839 Xem ngũ quản ở Tiền biên , quyển V, tờ 1.

840 Tục gọi là áo tràng vạt hoặc áo cổ tràng, vì cổ áo dài, khi mặc thì cổ áo hai bên khép vào với nhau. Áo này chỉ dùng trong lúc nghi lễ.

841 Viên quan chuyên giữ việc đàn hặc các quan trong triều và ngoài quận, dầu chức lớn hay chức nhỏ, nếu phạm lỗi, thì Ngự sử đài có quyền đem việc ấy ra đàn hặc.

842 Xem chữ "tể phụ" chua ở Chính biên , quyển VIII, tờ 35.

843 Cũng như tể phụ

844 Ông vua trong loài rồng. Theo kinh Hoa nghiêm : có rất nhiều Long Vương, Long Vương vào cũng có thần lực làm mây, làm mưa. Cho nên đời sau cần mưa, thường phải cầu đảo đến Long Vương.

845 Niên hiệu Trần Thái Tông (1251-1258).

846 Quả ấn của vua gọi là tỉ. Bảo tỉ: quả ấn quý báu (lời tôn kính).

847 Xem chua ở Chính biên , quyển VII, tờ 4.

848 Đời cổ, vua chúa đều có ruộng tịch điền, thiên tử một ngàn mẫu, vua chư hầu một trăm mẫu, lấy hoa lợi ruộng ấy cúng tế nhà tôn miếu. Vua chúa thường nhân mùa xuân ra cày mấy luống ở ruộng ấy làm mẫu mực, còn toàn nhờ vào sức dân, vì thế chữ "tịch" nhiều sách viết chữ "tạ" nghĩa là nhờ.

849 Thượng hoàng đây là Trần Anh Tông, con Trần Nhân Tông và Khâm Từ thái hậu. Tuyên Từ thái hậu là em ruột Khâm Từ, tức dì ruột Anh Tông, hai chị em cùng là hoàng hậu của Nhân Tông. Sau khi mẹ đẻ của Anh Tông là Khâm Từ mất, Anh Tông đối với dì ruột là Tuyên Từ rất có hiếu thảo (xem thêm Chính biên , quyển VIII, tờ 23).

850 Thượng hoàng đây là Trần Anh Tông, con Trần Nhân Tông và Khâm Từ thái hậu. Tuyên Từ thái hậu là em ruột Khâm Từ, tức dì ruột Anh Tông, hai chị em cùng là hoàng hậu của Nhân Tông. Sau khi mẹ đẻ của Anh Tông là Khâm Từ mất, Anh Tông đối với dì ruột là Tuyên Từ rất có hiếu thảo (xem thêm Chính biên , quyển VIII, tờ 23).

851 Thượng hoàng đây là Trần Anh Tông, con Trần Nhân Tông và Khâm Từ thái hậu. Tuyên Từ thái hậu là em ruột Khâm Từ, tức dì ruột Anh Tông, hai chị em cùng là hoàng hậu của Nhân Tông. Sau khi mẹ đẻ của Anh Tông là Khâm Từ mất, Anh Tông đối với dì ruột là Tuyên Từ rất có hiếu thảo (xem thêm Chính biên , quyển VIII, tờ 23).

852 Lăng của Trần Nhân Tông.

853 Binh phù hình con phi ngư. Phi ngư có tên riêng là cá vằn dao, ta thường gọi là cá chuồn. Giống cá ở biển, vây ở bụng rất dài, dùng làm "mái chèo" bay trên mặt nước.

854 Xem Chính biên , quyển VIII, tờ 27-28.

855 Chỗ ở khi còn làm thái tử, chưa lên ngôi vua.

856 Người nô bộc nhà quan.

857 Chỉ việc Phạm Ngũ Lão đối xử với binh sĩ.

858 Nay là xã Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

859 Tờ chứng thực về sở hữu ruộng đất.

860 Chỉ về việc Đặng Tảo chuyên chí chầu chực lăng tẩm, không yêu cầu gì. Ý nói chí Đặng Tảo và chí Nguyễn Trung Ngạn trái ngược nhau.

861 Lúc Anh Tông định xuất gia, có làm bài thơ "Chiêu ẩn" (rủ nhau đi ẩn) đưa cho Nguyễn Trung Ngạn. Trung Ngạn từ chối không phụng mệnh.

862 Niên hiệu Trần Thánh Tông (1258-1272).

863 Xem thêm Chính biên , quyển IX, tờ 9.

864 Xem thêm Chính biên , quyển VII, tờ 23.

865 Cũng như chức Tham tri chính sự. Người nào được phong chức Tham tri chính sự mà là Thân vương thì gọi là Tham thị triều chính.

866 Quốc Trấn là bố đẻ Lệ Thánh hoàng hậu (vợ Minh Tông). Lời phê này ý nói bố hoàng hậu mà phong Quốc Phụ Thượng Tể là không chính đáng, vì thế nên sau này Quốc Trấn nói về việc lập hoàng tử, không được Minh Tông nghe theo, và cũng nhân nói về việc lập hoàng tử, mà gây ra tai nạn đến nỗi Quốc Trấn phải chịu tử hình. (Xem thêm Chính biên quyển IX, tờ 26). Câu phê này dùng nguyên câu của Khổng Tử bảo học trò là Tử Lộ: "Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành". ( Luận ngữ đại toàn , quyển XIII, tờ 5).

867 Cơ quan giữ ấn của nhà vua. Có nhiệm vụ chuyển lệnh của vua tới các quan, tấu trình lên vua sự thi hành về việc chuyển lệnh của sảnh này, cùng điều khiển những công việc liên quan tới lễ nghi trong cung.

868 Chức phó của Trung thư sảnh. Có nhiệm vụ giúp vua ý kiến, lời khuyên những việc trọng đại, tuyên phụng mệnh lệnh.

869 Tức Tể tướng, quan đầu triều.

870 Lời nói khiêm tốn của những người làm quan đời xưa. Ý nói tài đức kém, nên dễ mắc sai lầm tội lỗi, cũng như nói chỉ chờ một ngày nào đó sẽ vướng vào tội lỗi.

871 Quan chế nhà Trần có Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh. Chức Hành khiển trước gia hàm Trung thư môn hạ Bình chương sự, sau lại đổi Hành khiển ti làm Trung thư sảnh, nên Hành khiển gọi là sảnh quan.

872 Viên chức ở Thẩm hình viện giữ việc xét xử kiện tụng hình ngục.

873 Chỉ vào Trần Anh Tông, xem thêm việc bắt chúa Chiêm Thành ở Chính biên , quyển IX, tờ 5.

874 Chỉ Quốc Trấn. Xem thêm việc đánh Chiêm Thành ở Chính biên , quyển IX, tờ 15.

875 Người trù bị để sau này sẽ nối ngôi vua.

876 Một thứ hình phạt nặng nhất: Trước hết chặt hai chân, hai tay, con trai thì xẻo ngoại thận đi, con gái thì đóng cọc vào âm hộ rồi mổ bụng, moi hết ruột gan ra, làm cho thân thể không mảnh nào dính vào nhau - có khi lại còn đem ngâm thành mắm. Ta gọi tội này là "tùng xẻo".

877 Tên một ông vua đời nhà Hạ. Thái Khang là cháu Hạ Vũ, con Hạ Khải. Vũ và Khải đều là vua hiền, đến Thái Khang là người thất đức, chơi bời vô độ, bị Hậu Nghệ đánh đuổi đi.

878 Tên là Quảng, giết anh, giết bố để cướp ngôi vua, khi làm vua làm nhiều điều tàn ác, sau bị Vũ Văn Hóa Cập giết.

879 Hai ông vua đời thượng cổ Trung Quốc, tương truyền là hai vị thánh quân đời Đường và Ngu.

880 Kiệt: vua cuối cùng đời nhà Hạ; Trụ: vua cuối cùng đời nhà Thương, là hai ông vua tàn bạo nổi tiếng.

881 Quyển lịch chuyên chép các công việc hằng ngày.

882 Hán Vũ Đế (140 - 88 tr.c.ng.), một ông vua có tài cao mưu giỏi về thời Tây Hán. Năm Nguyên Phong thứ 1 (110 tr.c.ng.), Vũ Đế kéo quân ra Trường Thành, lên lâu đài của Thuyền Vu (lâu đài này do chúa Thuyền Vu là Mạc Lặc dựng lên), rồi kéo quân đến Sóc Phương, tới Bắc Hà, số quân mười tám vạn, cờ quạt cắm suốt hơn ngàn dặm, sai sứ bảo chúa Thuyền Vu rằng: "Nếu dám chống cự lại, thì Thiên tử đã tự làm tướng, sẵn sàng đợi ở biên giới, nếu không thì phải đến thần phục ngay, sao lại cứ ẩn núp ở nơi Mạc Bắc cho rét mướt khổ sở làm gì?".

883 Nay là huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

884 Nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương.

885 Nguyên văn chép: "Vị vong nhân", nghĩa đen là "người chưa chết". Theo quan niệm ngày xưa, người đàn bà góa chồng tự xưng là vị vong nhân ( Tả truyện ), ý nói chưa chết theo chồng được.

886 Áo cà sa để mặc và cái bát để đựng thức ăn, hai bảo vật quan trọng nhất của nhà chùa. Đời sau dùng chữ "y bát " để tượng trưng thày chùa truyền kinh pháp cho đệ tử.

887 Nhật Duật là con Trần Thái Tông, bằng vai với Thánh Tông, nên Nhân Tông gọi là chú.

888 Niên hiệu Trần Nhân Tông (1279-1284).

889 Một danh tướng nhà Đường trong thời Đại Tông và Túc Tông. Chiến công của Tử Nghi đứng đầu các hàng tướng tá, giữ việc Tiết Độ Sứ ở Sóc Phương, được phong tước là Phần Dương vương; trong nhà lúc nào cũng đàn hát. Khi mất hưởng thọ 88 tuổi.

890 Lăng tẩm Trần Anh Tông, Thuận Thánh là vợ Anh Tông.

891 Những người chuyên môn về việc suy tính tướng số, nhâm, cầm, độn, toán, xem ngày, xem thiên văn, v.v... Theo thuyết nhà âm dương thì việc chọn ngày là quan hệ, vì cùng một việc, nếu chọn được ngày tốt thì công việc sẽ thuận lợi mà người chủ sự cũng gặp nhiều điều hay, nếu chọn phải ngày xấu thì sẽ trái lại.

892 Cơ quan coi về việc hình án như Toà án ngày nay.

893 Nguyên văn bằng chữ Hán, đây là bản dịch ra tiếng Việt.

894 Hoàng là lớn, là đẹp. Hoàng Việt là nước Việt to lớn, tươi đẹp.

895 Binh chế thời cổ, mỗi quân 12.500 người, thiên tử mới có sáu quân, còn vua các chư hầu, nước lớn được ba quân, nước vừa được hai quân, nước nhỏ có một quân.

896 Tuần: tuần hành; thú; trấn thủ. Vua các chư hầu trấn thủ đất đai do thiên tử phong cho. Thiên tử đi tuần hành đến đất đai đã phong cho vua chư hầu trấn thủ để quan sát, gọi là "tuần thú". Khi thiên tử đi tuần đến địa phương nào, thì vua các nước chư hầu ở địa phương ấy phải đến hành tại triều yết và dâng phẩm vật địa phương mình.

897 Sử Toàn thư VII, 6 chép việc đi đánh Ai Lao vào năm Giáp Tuất (1334); còn bài Bia ghi là năm Ất Hợi (1335).

898 Chỉ việc Minh Tông tỏ ý thương tiếc Đoàn Nhữ Hài.

899 Tước phong của Trần Khánh Dư.

900 Theo Toàn thư chép: "Thượng hoàng nói: Khánh Dư đi đánh Nam Nhung, đi đường bộ từ Nghệ An, mấy ngày mới đến sông Nam Nhung, bèn phạt gỗ đóng thuyền, thế là người giữ thuyền ở trong đất giặc, chứ không phải ...". Như thế có lẽ Hưng Hiếu vương xin thưởng cho quân sĩ giữ thuyền ở Nghệ An, vì thế Minh Tông mới nói người giữ thuyền lần này khác hẳn lần trước.

901 Chỉ việc Trần Minh Tông và Hưng Hiếu vương tranh luận về việc có hay không thưởng cho người giữ thuyền.

902 Chỉ việc không thưởng quan tước cho gia nô.

903 Chức quan đứng đầu cấp địa phương ở kinh sư thời xưa. Trước gọi là An phủ sứ.

904 Lúc lên ngôi vua mới mười tuổi.

905 Bài bàn ở tập chú trong thiên "Học Nhi" sách Luận ngữ .

906 Hạo là con thứ mười của Minh Tông.

907 Báo cáo tin buồn: Chúa Chiêm Thành mất.

908 Xem thêm Chính biên , quyển IX, tờ 22.

909 Trong sách Cương mục này chỉ chép "Đăng viên kiểm pháp quan" nhưng theo Toàn thư và mục "Quan chức chỉ" trong Lịch triều hiến chương đều chép "Đăng văn viện kiểm pháp quan", nên chúng tôi theo hai bộ sách dưới mà dịch là "Viện Đăng Văn".

910 Xem Chính biên , quyển IX, tờ 25-26.

911 Nguyên văn là "tứ trường".

912 Thứ vải chịu được lửa. Có nhiều thuyết: - Vải hỏa cán lúc giặt phải dùng bằng lửa, khi ở trong lửa đem ra giũ đi, trông óng ánh như tuyết (Liệt Tử) ; - Một thứ lá cây hoặc vỏ cây bị "lửa thiên nhiên" thiêu, nhưng không nát, người ta lấy lá ấy hoặc bóc lấy vỏ ấy ngâm đi dệt thành vải cũng có thể giặt bằng lửa được (Bảo Phác Tử) ; - Dệt bằng lông con Hoả thử (Chuột lửa) (Thập Châu Ký) . - Dệt bằng một thứ nhung đá ở núi Biệt Khiết Xích (Thú vật đi danh sớ) .

913 Một chức quan làm việc trong Viện Hàn lâm, có nhiệm vụ soạn thảo những chiếu, chế, cáo, chỉ của nhà vua.

914 Xem thêm Chính biên quyển X, tờ 39-41, việc chúa Chiêm Thành dâng 10 mâm vàng, Đỗ Tử Bình ăn chặn, trẩm đi, lại tâu với Trần Duệ Tông là chúa Chiêm Thành ngạo mạn. Duệ Tông tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành bị tử trận.

915 Nay thuộc huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình.

916 Tên gọi những nơi có phố xá buôn bán. Phẩm vật tập trung ở trang rồi mới tiêu thụ đi nơi khác.

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...