Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 26 Từ Canh Ngọ, Lê Tương Dực đế, Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) đến Kỷ Mão, Lê Chiêu Tông, Năm Quang Thiệu thứ 4 (1519)

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 26

Từ Canh Ngọ, Lê Tương Dực đế, Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) đến Kỷ Mão, Lê Chiêu Tông, Năm Quang Thiệu thứ 4 (1519) gồm 10 năm.

Canh Ngọ, Tương Dực đế, Năm Hồng Thuận thứ 2 (1510). (Minh, năm Chính Đức thứ 5).

Tháng Giêng, mùa xuân. Phong quan tước cho bọn Nguyễn Văn Lang cấp bậc cao thấp khác nhau.

Nhà vua đã lên ngôi, bàn luận công trạng, những người bình định họa loạn, phong cho Nguyễn Văn Lang làm Nghĩa quốc công.

- Lê Quảng Độ làm Thiệu quốc công.

- Lê Phụ làm Lượng quốc công.

- Lê Bá Lân làm Uy quốc công.

- Trịnh Duy Đại làm Lại quận công2345 .

- Trịnh Hựu làm Thọ quận công.

- Lê Mậu Chiêu làm Diên quận công.

- Nguyễn Hoằng Dụ làm An Hòa hầu.

- Trịnh Duy Sản làm Mỹ Huệ hầu.

- Nguyễn Bá Tuấn làm Lễ bộ thượng thư, Do Lễ bá.

- Lê Tung làm Lại bộ thượng thư, Đôn thư bá.

- Nguyễn [Thì] Ung làm Đô ngự sử ở Ngự sử đài, Lương Văn bá.

- Đàm Thận Huy làm Hình bộ thượng thư, Lâm Xuyên bá.

- Lương Đắc Bằng làm tả thị lang bộ Lại

Lại hạ chiếu cho các huyện Yên Ninh, Yên Mô, Phụng Hóa và Gia Viễn thuộc trấn Sơn Nam, phàm người nào có quân công trong khi theo hầu xa giá ở xã Tiêu Viên và Bảo Đà đều được ban thưởng tùy theo công trạng khác nhau.

Lời chua- Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 17- 18, 25- 28 ).

Phụng Hóa: Tên huyện, thuộc phủ Thiên Quan, tỉnh Ninh Bình.

Gia Viễn: Tên huyện, thuộc phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

Bảo Đà: Tên xã. Xem Uy Mục đế, năm Đoan Khánh thứ 5 (Chb. XXV, 36 ).

Yên Ninh: Nay thuộc huyện Yên Khánh.

Yên Mô: Nay là huyện Yên Mô. Cả hai đều thuộc tỉnh Ninh Bình.

Tiêu Viên: Tên xã, thuộc huyện Hoài An, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội2346 .

Trịnh Hựu: người xã Kim Bôi huyện Vĩnh Lộc.

Trịnh Duy Đại: Người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương.

Trịnh Duy Sản: Em Duy Đại.

Nguyễn Hoằng Dụ: Con Nguyễn Văn Lang.

Nguyễn Bá Tuấn: Người xã Đại Lạc, huyện Vũ Ninh, Bá Tuấn, sau đổi tên là Bá Thuyên, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.

Lê Tung: Người xã Yên Cừ, huyện Thanh Liêm, nguyên họ Dương, tên là Bang Bản, sau được ban cho họ của vua, đổi tên là Tung, đỗ tiến sĩ khoa Giáp Thìn (1484) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Đàm Thận Huy: Người xã Ông Mặc, huyện Đông Ngàn, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) năm Hồng Đức..

Bắt đầu đặt chức đề lãnh ở 4 cửa thành.

Đặt chức chưởng đề lãnh, đồng đề lãnh và phó đề lãnh, đều dùng chức quan trong hàng võ hàm tòng nhất, nhị phẩm để quản lãnh việc quân ở 4 cửa thành: Phàm những việc tuần phòng nã bắt kẻ gian, tra hỏi kiện tụng và các việc ngăn cấm hỏa tai, việc cầu cống đường sá đều do viên đề lãnh chịu trách nhiệm.

Tháng 2. Sai sứ thần sang nhà Minh.

Nhà vua sai bọn Đàm Thận Huy, Hình bộ thượng thư, Nguyễn Văn Thái, Đông các hiệu thư, và Lê Thừa Hưu, Binh khoa cấp sự trung, sang nhà Minh xin phong tước.

Lời chua - Nguyễn Văn Thái: Người xã Tiền Liệt, huyện Vĩnh Lại, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.

Lê Thừa Hưu: Người xã Đông Ninh, huyện Hưng Nhân, đỗ tiến sĩ khoa Kỷ Mùi (1499) năm Cảnh Thống.

Tháng 4, mùa hạ. Bọn hoạn giả Nguyễn Khắc Hài nổi loạn, bị giết chết.

Nhà vua mới lên ngôi, lòng người chưa ổn định. nguyễn Khắc Hài, thái giám trong cung, ngầm có chí bạn nghịch. Một đêm, vào trống canh hai, nhà vua ra chơi cung Trùng Hoa, rồi lại đi chơi các điện Vạn Thọ, Kính Thiên và Cẩn Đức cùng bầy tôi theo hầu làm thơ xướng họa. Sau, Nguyễn Lĩnh, bầy tôi trong điện, lại rước nhà vua đến chơi ao sen. Lúc ấy bọn Khắc Hài ở trong cung lẻn ra, rước Hoa Khê vương tên là Tùng lập làm vua giả. Nhà vua được tin có biến động, bèn hạ lệnh cho bọn Thọ quận công Trịnh Hựu đem quân đánh dẹp, đuổi đến phường Đông Hà giết được Khắc Hài và quá nửa đồ đảng của hắn. những đồ đảng còn sót lại sang qua sông chạy lên núi Tam Đảo. Trịnh Hựu sai tì tướng đuổi đánh, giết hết bọn này.

Lời chua - Vạn Thọ và Kính Thiên: Đều xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb, XV, 14 ).

Cẩn Đức: Xem năm Quang Thuận thứ 6 (Chb, XIX, 33 ).

Núi Tam Đảo: Xem Lê Nhân Tông năm Thái Hòa thứ 7 (Chb, XVIII, 18 ).

Đông Hà: Tên phường, thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2347 .

Đại xá.

Đặt vệ quân Thiên Võ và Thánh Oai.

Đặt hai vệ Thiên Võ và Thánh Oai, ban thứ ở trên vệ Cẩm Y và Kim Ngô. Đổi hiệu lệnh lực sĩ làm thể sát lực sĩ; các vệ quân này đều túc trực ở điện Kim Quang.

Đặt lại tu Thường Xuyên xá nhân. Hồi đầu năm Quang Thuận (1460- 1469) đặt ti Thường Xuyên xá nhân; Khoảng năm Cảnh Thống (1498- 1504) bãi bỏ; đến nay đặt lại ti này.

Lời chua - Vệ Thiên Võ: Có 8 ti sở thuộc là lực sĩ các ti., Thân tả, Khâm Võ, Hải giá, Khu điện, Thần Nhuệ, Phụng Nhật, Minh Oai và Hùng Tài.

Vệ Thánh Oai: Có 8 ti sở thuộc là lực sĩ các ti: Quyền Hựu, Bảo Oai, Thừa Hà, Chiết Điện, Hiệu Dũng, Quang Đao, Sắc Thiên, và Chính Lực. Chia ra tả và hữu túc trực điện Kim Quang.

Cẩm Y, Kim Ngô, Hiệu Lệnh lực sĩ và Thường Xuyên xá nhân: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb, XX, 31, 33 ).

Ai Lao xin phụ thuộc vào nước ta. Nhà vua từ chối không nhận.

Cục Mông, người Ai Lao, sai sứ thần đến Nghệ An dâng thư xin nộp giấy cam kết để được phụ thuộc vào nước ta. Nhà vua mới lên ngôi, e rằng họ có ỳ dòm ngó nước ta, nên hạ chiếu chỉ từ chối.

Lời chua - Ai Lao: Xem Triệu Việt vương năm thứ hai (Tb. IV, 9, 10 ).

Nghệ An: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb, XXI, 16, 21, 23 ).

Tháng 8, mùa thu. Sao Thái Bạch đi ngang trời.

Tháng 10, mùa đông. Khởi phục2348 Lương Đắc Bằng kiêm chức Đông các học sĩ vào chầu Kinh Diên2349 . Đắc Bằng từ chối không phụng mệnh.

Trước kia, Đắc Bằng giữ chức Lại bộ tả thị lang, vì có tang xin cáo quan về. Đến nay cho khởi phục. Đắc Bằng lấy cớ chưa đoạn tang, cố ý từ chối; nhân dâng 14 kế hoạch về việc trị bình. Đại lược nói: "Tôi nghe các vua thánh đời xưa không vì thiên hạ đã thái bình mà xao nhãng lòng răn sợ; bầy tôi hiền đời xưa không vì cớ vua mình đã là bậc thánh triết mà quên nhãng lòng khuyên can. Vì thế, nên đời Ngu Thuấn đã là thời đại thịnh trị yên vui, mà Bá Ích trình bày lời khuyên can thì nói: "Chớ ưa thích nhàn rỗi, chớ đắm đuối vui chơi, trong bụng chớ lúc nào trễ biếng công việc, chớ việc gì để bê trệ "2350 . Lời nói của Bá Ích tỏ ý lo lắng như việc nguy vong sắp xảy đến nơi. Đế Thuấn thu nhận lời nói nầy mà ngăn ngừa những việc đáng ngăn ngừa; do đấy mà Đế Thuấn thành một bậc đại thánh. Đời Hán Văn Đế, nhân dân đã giàu có lại đông đúc, mà Giả Nghị dâng bài sách, quả quyết nói: "Tình thế hiện nay không khác gì đốt lửa ở dưới đống củi (mà người nằm lên trên ), thật đáng sa nước mắt, thật đáng đau lòng2351 . Lời nói của Giả Nghị sợ hãi như họa loạn đã nảy mầm ra. Văn Đế thu nhận lời nói ấy, mà lo lắng những việc đáng lo lắng; do đấy mà Văn Đế thành một ông vua hiền.

"Bởi vì, người bầy tôi dâng lời nói, nếu không ân cần, không thống thiết, thì không sao giúp được trí sáng suốt của ông vua thu dùng lời nói của mình, người làm vua nghe lời khuyên, nếu không vui nhận, không ôn hòa thì không sao mở được con đường dâng lời can ngăn của bầy tôi trung trực.

Nay bệ hạ là bậc đức nhân rộng rãi, độ lượng cao cả, không ưa việc giết hại người, cho nên khôi phục được sự nghiệp đức Cao Tổ2352 cứu sống được tính mạng muôn dân. Nhân dân trong nước, như đương bị treo ngược mà có người cởi dây cho mình, không ai là không vươn vổ lên kiễng chân lên, ngửa mặt để trông mong thành hiệu của chính thể mới, múa hát thịnh trị trong thời thái bình.

Nhưng, từ khi bệ hạ lên ngôi tới nay, khí hậu chưa được hòa thuận, can qua chưa được dẹp yên, kỷ cương trong triều chưa chấn chỉnh, chính lệnh về quân ngũ chưa sửa sang. Cứ xem ít lâu nay tai biến thường xảy ra, đá ở núi bị sụt lở, tôi e rằng như thế là khí hậu trời đất chưa được điều hòa; kẻ gian tà vụng trộm phát sinh, bọn phản nghịch ngấm ngầm trỗi dậy, tôi e rằng như thế thì dân sự chưa được an ninh. Thế mà bầy tôi trong triều biết mà không nói, họ tự cho kế của họ là hay lắm, nhưng đối với quốc kế thì sao ?

Là một bầy tôi cố cựu, tôi tự xét lấy làm hổ thẹn, vì đạo nghĩa người bầy tôi là phải cùng nước chung sự vui buồn. Nay dầu tôi đương ở trong lúc xô gai, tang ba năm chưa đoạn, mà bệ hạ vì nghĩa công, bỏ tình riêng, đặt tôi vào hàng quan hầu chực bên cạnh. Ý bệ hạ là muốn cho tôi có những bàn luận, những mưu mô, để bổ ích cho thiên hạ, giúp rập đời thái bình. Nếu tôi không nói, chỉ trơ trơ theo đuôi người khác, thấy người ta tiến cũng tiến, lui cũng lui, cẩu thả để dung thân, ăn phí hoài bổng lộc, thì tôi sẽ thiếu sót cả trung lẫn hiếu, còn lấy gì để báo đáp ơn huệ của bệ hạ mà hết chức phận người làm tôi được nửa ? Mỗi lần tôi nghĩ đến công việc trong lúc này, thì suốt đêm không ngủ, đến bửa không ăn, tấm lòng kẻ hèn hạ báo đáp ơn vua không thể nào nguôi đi được.

Tôi xin có 14 chính sách về việc trị bình, xin kính cẩn tâu bày dâng nộp:

- Hết lòng răn sợ, để dập tắt biến cố tai dị.

- Dốc làm điều hiếu thảo, để khuyến miễn lòng trung hậu.

- Xa bỏ hát hay sắc đẹp, để giữ vững căn bản lòng người.

- Trừ bỏ kẻ gian nịnh, để nguồn gốc phong hóa được trong sạch.

- Dè dặt ban quan tước, để kính cẩn về phép tắt khuyên răn.

- Lựa chọn bổ dụng công bằng, để con đường làm quan được trong sạch.

- Dùng tiền tài có tiết độ, để khuyến miễn phong tục sẻn nhặt, mộc mạc.

- Khen thưởng người tiết nghĩa, để trọng đạo cương thường.

- Cấm ăn của đút, để trừ bỏ thói tham ô.

- Sửa sang vũ bị, để vững vàng hình thế thành hào.

- Lựa chọn người can ngăn ở Ngự sử đài, để cổ vỗ chí khí người mạnh dạn dâng lời nói thẳng.

- Giảm nhẹ việc lực dịch, để hài lòng mong nuốn của dân.

- Hiệu lệnh đúng đắn, để thống nhất ý chí bốn phương.

- Cẩn thận phép tắc, để mở thịnh trị đời thái bình

"Bấy nhiêu chính sách tôi dâng tâu, dám mong bệ hạ soi xét.

Tôi lại nghe: cổ ngữ nói: "Sô nghiêu chi ngôn, thánh nhân trạch yên ", nghĩa là dầu lời nói của người tầm thường như người hái rau hái củi, nhưng người thánh trí cũng chọn lọc mà dùng; kinh Thư nói: "Tri chi phi gian, hành chi duy gian ", nghĩa là biết được điều phải không khó, thực hành được điều phải mới là khó. Xin bệ hạ chớ cho lời nói của tôi là viễn vông, mà lựa chọn thi hành, răn những điều nên răn, lo những điều nên lo, như thế thì may ra có thể thuận hòa được trời đất, có thể yên vui được lòng người và có thể tiến lên đời thái bình được ".

Nhà vua nhận lời.

Gia phong Lê Quảng Độ chức Bình chương quân quốc trọng sự, thái tể thái sư, giữ tất cả chính quyền trong nước.

Hồi đầu triều Lê, theo chế độ cũ nhà Trần, đặt chức tướng quốc, gia phong bình chương quân quốc trọng sự. Khoảng năm Hồng Đức (1470 - 1497) thánh Tông định lại tên quan, bãi bỏ chức ấy; đến nay lại đặt và gia phong thái tể thái sư.

lời cẩn án: - Theo mục "Chức quan chí " trong lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì chức tể tướng: về hồi triều nhà Đinh xếp đặt như thế nào không thể khảo cứu rõ được. Đến Lê Đại Hành mới đặt chức tổng quản giữ mọi công việc trong nước, có lẽ đây là chức tể tướng lúc bấy giờ. Triều Lý, Thái Tổ gọi là tướng công; Thái tông mới đặt chức phụ quốc thái úy nắm chính quyền trong nước, tức là tể tướng; Nhân Tông gia phong phẩm trật của tể tướng là bình chương quân quốc trọng sự, thì chức trách và danh phận càng thêm long trọng. Triều nhà Trần, Thái Tông đổi làm tả hữu tướng quốc kiêm thụ kiểm hiệu đặc tiến khai phủ nghi đồng tam ti bình chương sự; từ năm Kiến Trung (1225 - 1231) trở đi, đều dùng thân vương trong họ tôn thất giữ chức này và gia phong quốc công; còn những người hiền tài ở họ khác, họ xa, dầu được cất nhắc vào địa vị giữ chính quyền cũng chưa từng bao giờ được dự vào hàng bình chương cả. Như thế là có ý chú trọng về việc thân yêu người thân thích của mình; sau đó, họ ngoại chuyên quyền, đi dần đến chỗ thay đổi ngôi vua2353 . Lê Thái Tổ lúc đầu cũng đặt chức bình chương, sau khi bình định cả nước mới đặt chức tướng quốc và gia phong phẩm trật là kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự, chức trách và danh phận cũng theo như triều nhà Trần; Lê Thánh Tông định tên quan, mới bỏ chức bình chương tướng quốc, không xếp đặt thành tên quan nữa. Đến nay đặt lại chức bình chương phụ tướng, lại có danh xưng là thái tể thái sư. So với trước kia thì chức trách và danh phận của quan bình chương có phần thêm long trọng; nhưng do đấy mà kẻ cường thần chuyên giữ mệnh lệnh trong nước2354 , con đường suy loạn bắt đầu từ đây. Dựng điện Thiên Quang.

Tân Mùi, năm thứ 3 (1512). (Minh, năm Chính Đức thứ 6 ).

Ngày mồng một, tháng giêng, mùa xuân. Nhật thực.

Tháng 2. Nhà vua đi tuần du Tây Kinh.

Nhà vua hạ lệnh cho Thụy quận công Ngô Bính và Kim nguyên bá Trịnh Bá Quát ở lại Kinh thành, trấn giữ Đông Kinh. Lúc ấy có Thân Duy Nhạc, trước giữ chức đoán sự trong vệ Cẩm Y, cùng bọn Ngô Văn Tổng dấy quân làm loạn ở các huyện Yên Phú, Đông Ngàn, và Gia Lâm thuộc Kinh Bắc, bọn Ngô Bính và Trịnh Bá Quát sai quân đi đánh, bắt được bọn Duy Nhạc, đóng củi giải đến chỗ hành tại, giết chết.

Lời chua - Tây Kinh: Xem Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 3 (Chb. XV, 26 ).

Kinh Bắc: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 18, 28 ).

Đông Ngàn: Tức Cổ Pháp, xem Lê đế Long Đĩnh, năm Cảnh Thụy thứ 2 (Chb. VII, 6 ).

Gia Lâm: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ nhất (Chb. VII, 34 ).

Yên Phú: Huyện Yên Phong xưa, thuộc phủ Bắc Giang, khoảng niên hiệu Hồng Đức đổi làm Yên Phú, thuộc phủ Từ Sơn, đến đời Lê Chiêu Tông sau đây khoảng niên hiệu Quang Thiệu (1516 - 1522 ) lại đổi làm Yên Phong.

Thân Duy Nhạc: Người xã Đại Liễn, huyện Vũ Ninh, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1508) năm Đoan Khánh đời Uy Mục đế.

Trong tháng ấy (tháng 2 ), nhà vua trở về cung.

Nhà vua về đến bến Thúy Ái, lúc ấy gió nổi lên mạnh quá, thuyền nhà vua bị tròng trành.

Tháng 4, mùa hạ. Sách Đại Việt thông giám đã biên soạn xong.

Trước đây, Vũ Quỳnh, Binh cộ thượng thư, Quốc Tủ giám tư nghiệp kiêm sự quan đô tổng tài, phụng chiếu biên tập sách Đại Việt thông giám, chép từ Hồng Bàng thị đến mười hai sứ quân làm Ngoại kỷ, từ Đinh Tiên Hoàng đến năm thứ nhất Lê Thái Tổ bình định được cả nước làm Bảnkỷ, trình bày rõ ràng theo sự biên niên các triều đại, gồm 26 quyển. Đến nay, biên tập xong, dâng nộp. Sau nhà vua hạ lệnh cho Lê Tung làm bài "Tổng luận ".

Lời chua - Vũ Quỳnh: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường Yên, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn2355 năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Phong Mạc Đăng Dung tước Vũ Xuyên bá.

Lúc ấy, người giữ việc xem xét khí tượng phần nhiều nói là ở phương đông có khí sắc thiên tử. Nhà vua sai nguyễn Văn Lang đi Đồ Sơn để trấn yểm. Đăng Dung cũng dự vào cuộc đi này mà chung quy không ai nhận biết cả.

Lời chua - Đồ Sơn: Tên xã, thuộc huyện Nghi Dương, phủ Kiến Thụy, tỉnh Hải Dương.

Ban phát Trị Bình bảo phạm (khuôn phép quý báu về việc trị bình ) cho trong nước.

Sưu tầm điền lệ đời trước, trích lấy những điều gì có quan hệ đến chính trị, phong tục biên tập làm Trị bình bảo phạm:

- Người bầy tôi thờ vua nên giữ lòng trung thành lương thiện, không nên a dua để mong được vua dung nạp, cầu may tiến lên chức vị, ăn hại bổng lộc triều đình.

- Người trong hoàng tông và bầy tôi có công nên dạo bảo con cháu hiểu biết lễ phép, không nên cậy thế kiêu ngạo, lấn áp ngược đãi với dân thường, hoặc đón đường chặn lối, ăn cướp tài sản của dân.

- Các nha môn trong kinh và ngoài các đạo nên giữ mình đứng đắn để dẫn đầu cho liêu thuộc, kính cẩn chăm chỉ chức phận, không nên theo ý muốn của mình, buông thả tình riêng mà trễ bỏ việc công.

- Bộ Lại nên kính cẩn giữ lẽ công bằng, phải cân nhắc từng người trong khi bổ dụng, phải cẩn thận dè dặt trong việc cấp phát danh vị hoặc đồ dùng2356 để cho con đường làm quan được trong sạch.

- Giám sinh, nho sinh, và sinh đồ2357 phải noi theo khuôn phép nhà trường, luyện tập học hành, mong trở thành người tài giỏi, để bổ ích cho công việc trong nước.

- Các quan đề điệu, giám thí và giám khảo2358 nên thể theo ơn đức chí ý của triều đình, giữ lòng công bằng, cốt sao lấy được người có tài thực học, để nhà nước dùng.

Trị bình bảo phạm gồm 50 điều, ban hành trong cả nước.

Tháng 5. Gia phong Lê Phụ chức tả bình chương quân quốc trọng sự, nhập nội kiểm hiệu thượng tướng2359 ; Nguyễn Văn Lang chức khai phủ nghi đồng tam ti bình chương quân quốc trọng sự thừa tướng thượng tể2360 .

Tháng 11, mùa đông. Trần Tuân ở Sơn Tây nổi loạn, nhà vua sai Trịnh Duy Sản đi đánh, giết được Trần Tuân.

Tuân, người xã Quang Bị, huyện Bất Bạt, là cháu Trần Cẩn, một viên Thượng thư đã mất, Tuân là người hung hãn chiếm cứ các động ở ven núi vùng Hưng Hóa, tụ tập quân vô lại2361 kể hàng vạn người, tung ra cướp bóc các nơi. Lúc ấy quân của Tuân di chuyển về mặt Sơn Tây, nhân dân ở kinh thành náo động, tranh nhau bồng con bế cái chạy đi nơi khác lánh loạn. Nhà vua sai Mỹ Huệ hầu Trịnh Duy Sản đem quân tiến đánh, bị thua, Duy Sản rút quân về giữ ở xã Đông Ngạc và phường Nhật Chiêu. Quân của Tuân nhân khí thế đương mạnh, muốn tiến sát vào kinh thành. Nguyễn Văn Lang sai quân thân tín ở 6 Vệ Điện Tiền chuẩn bị thuyền của vua, muốn rước vua lánh vào Thanh Hoa; một mặt điều động những người làm thợ tại các sở, bày hàng trận ở Đông Hà, để tỏ cho bên địch biết có quân phòng bị giữ kinh thành. Đến đêm, toán quân này tự nhiên sợ hãi tan vỡ.

Duy Sản thu thập toán quân tan vỡ lại còn được hơn 30 người, họ xé áo làm dấu hiệu, thề đánh nhau với giặc. Hôm ấy, trời đã gần tối, quân của Duy Sản chợt kéo đến trại lũy Trần Tuân. Tuân, mình mặc áo bào đỏ, ngồi trên giường. Duy Sản xông thẳng vào đâm chết. Quân trong trại bèn tan vỡ. Các toán quân nơi khác không biết là Tuân đã chết, cứ tụ hợp như cũ. Nhà vua được tin báo, bèn sai Nguyễn Văn Lang đốc thúc tướng sĩ các dinh hội hợp với toán quân của Duy Sản, nổi trống hò reo tiến đánh, phá tan được bọn này, đuổi đến địa phận xã Thụy Hương và Quả Động, chém giết không biết bao nhiêu mà kể.

Lời chua - Sơn Tây, Hưng Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 18, 19, 27, 30 ).

Bất Bạt: Tên huyện, thuộc phủ Quốc Oai, tỉnh Sơn Tây.

Đông Ngạc2362 Thụy Hương2363 Quả Động2364 : Đều tên xã, nay thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

Nhật Chiêu: Xem Uy Mục đế, năm Đoan Khánh thứ 5 (Chb. XXV, 37 ).

Phong Trịnh Duy Sản tước Nguyên quận công.

Nhà vua xét công những người đánh được Trần Tuân, tiến phong Trịnh Duy Sản tước Nguyên quận công; những binh sĩ nào theo Duy Sản đánh giặc chém giết được nhiều người, đều giao cho chức đô chỉ huy đồng tri. Việc xét quân công, cứ người nào cắt được nhiều tai giặc thì trao cho chức trọng, bắt đầu từ đây.

Trước kia, quân của Trần Tuân tiến sát đến kinh thành, dân chúng phần nhiều bồng con bế cái chạy lánh nơi khác, duy có đại học sĩ là bọn Đỗ Nhạc 11 người vẫn ứng trực ở triều đường, nay nhà vua hạ sắc lệnh cho được dự vào việc nghị thưởng để biểu dương họ.

Lời chua - Đô chỉ huy đồng tri: Theo điển lệ quan chức triều Lê, thì đô chỉ huy đồng tri phẩm trật tòng tam phẩm về hàng quan võ.

Định thể lệ thuế vàng và bạc.

Theo thể lệ cũ, đồng niên trong nước, thuế vàng: vàng mười hạng tốt (thập thành sắc Kiêm kim ) 460 lạng; vàng nộp để thay thế voi công2365 20 lạng, vàng 10 hạng thường (thập thành sắc kim ) 2863 lạng; thuế bạc 4930 lạng. Đến nay định thể lệ; vàng mười hạng tốt 449 lạng 5 phân 4 hào 6 ly; vàng mười hạng thường 2901 lạng 6 đồng 9 phân 5 ly 1 ti; bạc mười (thập thành hoa ngân ) 6125 lạng 9 đồng 8 phân 8 hào 4 ly.

Lời phê - Lúc ấy đất đai chưa mở rộng, làm gì có số vàng nhiều như thế ? chưa chắc đã đúng sự thật. Lời chua - Kiêm kim: Thứ vàng tốt, giá vàng này cao gấp đôi giá vàng thường.

Nhâm Thân, năm thứ 4 (1512). (Minh, năm Chính Đức thứ 7 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Hạ lệnh cho bọn Đỗ Nhạc tuần hành địa phương Sơn Tây và Hưng Hóa đánh bọn Nguyễn Nghiêm, dư đảng của Trần Tuân, hết thẩy đều bình định được.

Tháng 3. Truy lục dụng con cháu những bầy tôi có công khai quốc.

Tờ chiếu nói: Con cháu những bầy tôi có công khai quốc, người nào càn chìm đắm trong hàng quân ngũ thì được phép đem cáo mệnh hoặc sắc văn của ông cha đệ trình để xét thực. Nếu xét thấy là người biết chữ sẽ cho sung vào học sinh quán Chiêu văn; người không biết chữ cho sung vào tuấn sĩ vệ Cẩm Y.

Người thân thích trong hoàng tộc, nhà vua còn phải để tang ti ma2366 , nếu người nào chưa được thừa ấm, sẽ chiếu theo thể lệ sung vào tuấn sĩ vệ Cẩm Y, hoặc người nào trước đã sung vào các vệ, nay đều gọi về cho sung vào tuấn sĩ để tỏ lòng ưu đãi quyến chú.

Lời chua - Học sinh, tuấn sĩ: Đều xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 8 (Chb. XXIII, 5 ).

Bọn Lê Hi, Trịnh Hưng và Lê Minh Triệt ở Nghệ An nổi loạn. Nhà vua sai tướng đi đánh, giết được bọn này.

Bọn Hi và Hưng dấy quân ở Nghệ An. Nhà vua hạ lệnh cho bọn Khang quận công Trần Nghi và Đông các hiệu thư Trần Dực đi đánh. Binh thuyền của bọn Trần Nghi tiến vào Nghệ An, Hi và Hưng chia quân ra các đạo đằng trước đằng sau đánh khép lại. Thế lực của bọn Trần Nghi không sao địch nổi, phải đi thuyền vượt ra biển, gặp sóng gió đổ thuyền, toàn quân bị chết, Trần Nghi và Trần Dực đều chết đuối ở biển. Bọn Lê Hi nhân thế thắng, tiến quân đến sát huyện Lôi Dương. Nhà vua lại hạ lệnh cho Nguyên quận công Trịnh Duy Sản thống lãnh quan quân, Đỗ Nhạc tán lý việc quân, đem binh sĩ đi đánh, chém được Minh Triệt,, bắt được bọn Lê Hi và Trịnh Hưng đóng cũi đưa về Kinh sư, rồi giết chết.

Trước kia được tin bọn Lê Hi xâm phạm sát đến huyện Lôi Dương, nhà vua vội vàng hạ lệnh cho trăm quan hội bàn, điều động họp tập dân tứ chiếng phân phối phụ thuộc vào sổ binh lính các xứ để phòng bị việc đánh dẹp. Đến nay đã đánh tan được giặc, nên buông thả cho bọn này trở về làng cũ.

Lời chua - Lôi Dương: Xem Bình Định vương năm thứ nhất (Chb. XIII, 2 ).

Trần Dực: Người xã Ngải Lăng, huyện La Sơn, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.

Tứ Chiếng: Xem Lê Thế Tông năm Quang Hưng thứ 20 (chb. XXX, 21 ).

Hạn hán; dân bị nạn đói to.

Khởi công dựng đại điện và cửu trùng đài.

Trước đây, Vũ Như Tô một người thợ ở Cẩm Giàng, xếp cây mía làm thành kiểu mẫu cung điện lớn trăm nóc, dâng lên nhà vua; nhà vua bằng lòng phong cho Như Tô làm đô đốc đứng trông nom việc dựng hơn trăm nóc cung điện lớn có gác, lại khởi công làm cửu trùng đài. Mặt trước điện đào hồ thông với sông Tô Lịch, vòng quanh khuất khúc, mở thông cửa cống. Nhà vua bất thần ngự thuyền Thiên Quang đi chơi xem suốt ngày đêm. Quân sĩ trong Ngũ phủ làm việc xây đắp chưa được thành công, lại bắt quân sĩ các nha môn ở trong và ngoài kinh thành làm việc lấp hồ, san đất, khi nhà vua đi chơi, thấy người nào làm vừa ý thì thưởng cho thẻ bài vàng hoặc bạc. Có khi công việc đã làm xong rồi lại thay đổi làm lại; sửa sang xây dựng hết năm này sang năm khác. Quân và dân phải đi làm việc bị bệnh dịch, chết mất khá nhiều.

Lời chua - Vũ Như Tô: Ngưòi xã Minh Quyết, huyện Cẩm Giàng.

Sông Tô Lịch: Xem thuộc Đường, Mục Tông, năm Trường Khánh thứ 4 (Tb. IV, 31 ).

Tháng 10, mùa đông. Truy trả lại quan chức Ngự sử đài đô ngự sử cho Dương Trực Nguyên.

Trước đây, nhà vua dấy quân từ Tây Đô tiến đến núi Thiên Kiện, Uy Mục đế sai Ngự sử đài đô Ngự sử Dương Trực Nguyên giữ chức tán lý việc quân đem quân đi chống cự, vì đánh không được, Trực Nguyên phải tử trận2367 . Đến nay, nhà vua khen Trực Nguyên là người trung, nên truy trả lại quan chức.

Lời chua - Núi Thiên Kiện: Xem Trần Dụ Tông, năm Đại Trị thứ 6 (Chb. X, 17 ).

Dương Trực Nguyên: Người xã Thượng Phúc, huyện Thượng Phúc, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Quý Dậu, năm thứ 5 (1513). (Minh, năm Chính Đức thứ 8 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Thừa tướng thượng tể Nguyễn Văn Lang mất.

Nguyễn Văn Lang là em Trường Lạc hoàng thái hậu. Văn Lang thông hiểu thao lược, sành sỏi phép dụng binh, giỏi cả việc suy nghiệm thời trời, sức có thể đánh được hổ. Trước đây, nhà vua dấy quân ở Tây Kinh, Văn Lang sướng xuất việc nghĩa trước nhất, kéo quân về bình định được Đông Đô; vì có công lớn, được phong tước Nghĩa quốc công. Đến nay Văn Lang mất, được tặng phong tước Nghĩa Huân vương, việc táng, việc lễ đều được dùng lễ nghi của vua chúa và được đúc tượng bằng loại kim.

Sứ thần nhà Minh sang nước ta.

Nhà Minh sai Trạm Nhược Thủy, Hàn Lâm viện biên tu, làm chánh sứ và Phan Hi Tăng, Hình khoa cấp sự trung, làm phó sứ, mang sách thư phong nhà vua tước An Nam quốc vương và ban cho một cỗ mũ bì biền2368 , một cặp áo thường phục. Sau khi Hi Tăng đã yết kiến nhà vua rồi, ra bảo với Nhược Thủy rằng: "Quốc vương dong mạo đẹp nhưng lệch mình, tính đa dâm, trông như tướng con lợn, chả bao lâu nữa sẽ bị loạn vong ". Khi sứ thần ra về, nhà vua tiễn đưa hành lý khá hậu, nhưng họ đều không nhận. Sau đó, nhà vua sai Nguyễn Trang, Lễ bộ hữu thị lang, Nguyễn Si, Hàn Lâm viện kiểm thảo, và Trương Phu Duyệt, Lễ khoa cấp sự trung, sang nhà Minh đáp lễ và tạ ơn.

Lời chua - Nguyễn Trang: Người làng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai, đỗ tiến sĩ khoa Canh Tuất (1490) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Nguyễn Si: Người làng Lý Hải, huyện Yên Lãng, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1508) năm Đoan Khánh đời Uy Mục đế.

Trương Phu Duyệt: Người làng Kim Đâu, huyện Thanh Miện, đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1505) năm Đoan Khánh.

Tháng 2. Dựng điện Mục Thanh và làm hai nhà Giáp Đường ở phía đông và phía tây điện.

Trước kia, sắp đặt bài vị thờ tiên tổ như thế này:

Điện Phụng Tiên: ở giữa thờ Thái Tổ Cao Hoàng đế, bên tả thờ Tuyên Tổ hoàng đế, bên hữu thờ Hiển Tổ hoàng đế, phía đông bên tả chỗ đặt bài vị Tuyên Tổ thì thờ Thái Tông, Thánh Tông và Túc Tông, phía tây về bên hữu chỗ đặt bài vị Hiển Tổ thì thờ Nhân Tông, Hiến Tông và Đức Tông.

Nhà Hiếu Kính: về phía đông thờ Hiếu Chiêu đại vương và Quận Ai vương, về phía tây thờ Trung Dũng vương.

Đến nay, ở đằng trước điện Phụng Tiên dựng điện Mục Thanh và làm hai nhà Giáp Đường ở bên đông và bên tây điện ấy. Bên đông gọi là nhà Chương Đức, để thờ Phụ Chiêu Hiếu đại vương, Quận Ai Vương, Lương Vương, Đường Vương, Diễn Vương, Ứng Vương, và Triệu Vương; bên tây gọi là nhà Chiêu Huân, để thờ phụ Trung Dũng Vương, Cung Vương, Tống Vương, Phúc Vương, Quảng Vương, Trấn Vương, Nghĩa Vương và Kinh Vương.

Lời cẩn án - Thiên "Vương chế " trong sách Lễ Ký chép: "Thiên tử có bảy miếu thờ tiên tổ; ba miếu thờ hàng chiêu2369 , ba miếu thờ hàng mục2370 , cùng với miếu thờ ông thái tổ là bảy miếu ". Giải thích lễ nghi chép ở trên, Chu tử dẫn lời bàn của Hán Nho2371 để giải nghĩa rằng: "Bảy miếu thờ tiên tổ của thiên tử: miếu ông thái tổ ở phương bắc, ông tổ nào là vị vua được phong trước nhất thì thờ ở miếu ấy; bên tả miếu ấy là miếu thờ hàng chiêu; bên hữu miếu ấy là miếu thờ hàng mục, theo thứ tự mà hướng mặt về phương nam. nói riêng về nhà Chu, họ lấy ông Hậu Tắc là vị vua được phong đầu tiên làm thái tổ. Bài vị của thái tổ dẫu trăm dời cũng không di dịch, còn về hàng chiêu, hàng mục nếu đã xa đời quá thì thay đổi bài vị đi. Về bên hàng chiêu, nếu bài vị ông vua đời thứ hai mà thay đổi đi, thì đem bài vị ông vua đời thứ sáu thờ phụ vào hàng ấy; về bên hàng mục, nếu bài vị ông vua đời thứ ba thay đổi đi, thì đem bài vị ông vua đời thứ bảy thờ phụ vào hàng ấy. Chỉ có Văn vương và Vũ vương bắt đầu chịu mệnh trời làm thiên tử, công lao đáng được tôn kính, thì dầu xa đời nhưng vẫn không thay đổi bài vị, bởi thế, nên về sau nhà Chu lại dựng thêm hai miếu thờ Văn vương và Vũ vương làm "miếu bất diêu "2372 , mà những bài vị thờ ở miếu bên cạnh không được dự thờ ở miếu ấy. Từ đời nhà Hán, nhà Đường trở về sau, mỗi đời có một chế độ riêng, châm chước thêm bớt, theo thời để thay đổi cho thích hợp, nhưng ý nghĩa chính thì đều không vượt qua nghi lễ đã nói trên. Nhà Lê, về miếu thờ tiên tổ không rõ ràng, thứ tự hàng chiêu, hàng mục không phân biệt. Trước kia dựng một điện Phụng Tiên, thờ Thái Tổ ở giữa; Tuyên Tổ ở phía tả, Hiển Tổ ở phía hữu; bên đông về phía tả chỗ thờ Tuyên Tổ thì thờ Thái Tông, Thánh Tông, và Túc Tông; bên tây về phía hữu chỗ thờ Hiển Tổ thì thờ Nhân Tông, Hiến Tông, và Đức Tông. Này, người con đầu thánh trí đến đâu cũng không bao giờ lại hưởng lễ trước cha. Nay một điện Phụng Tiên, ở giữa dùng để thờ Thái Tổ, mà hai bên tả và hữu thì thờ hai ông tổ, như thế chả phải thờ tự một cách trái ngược à ? Huống hồ Thánh Tông là con Thái Tông mà cũng đặt bài vị ở bàn thờ về phía đông; Hiến Tông đối với Nhân Tông là về hàng cháu2373 mà cùng đặt bài vị ở bàn thờ về phía tây. Thế là nghi lễ gì ? Miếu hiệu Đức Tông, mãi sau này mới được truy tôn, lúc còn sống chưa từng ở ngôi vua bao giờ, cũng đem thăng lên miếu điện, cùng tôn thờ ngang với các vua khác. như thế có hợp lễ không ? Lại còn một việc này nữa: đằng trước điện Phụng Tiên có một nhà Hiếu Kính, chia ra bên đông bên tây để thờ các vị được phong tước vương, thì việc này lại rất là lầm lẫn càn rỡ. Còn như việc Tương Dực đế dựng điện Mục Thanh ở đằng trước điện Phụng Tiên, làm nhà

giáp đường ở bên đông, bên tây điện ấy, rồi lại đem thờ phụ các tước vương về ngành thứ, để cùng tế tự chung trong lễ tiết hàng năm, thì việc thất lễ này là do thất lễ từ trước để lại, không cần phải biện luận làm gì nữa! Lời chua - "Đế hệ truyện " trong Thông Sử của Lê Quý Đôn chép:

Hiến Tổ tên húy là Thinh, sinh ra Tuyên Tổ, Tuyên Tổ tên húy là Khoáng, sinh ra Thái Tổ. Chiêu Hiếu đại vương tên là Học, con trưởng của Tuyên Tổ và là anh của Thái Tổ. Quận Ai Vương tên là Tư Tề, con trưởng của Thái Tổ. Cung Vương tên là Khắc Xương, trước phong là Tân Bình vương, Nghi Dân đổi phong là Cung vương. Trung Dũng vương tên là Thạch, con của Chiêu Hiếu đại vương. Lương Vương tên là Thuyên, Đường vương tên là Cảo, Diễn vương tên là Thông, Ứng vương tên là Chiêu, Triệu vương tên là Thoan, Tống vương tên là Tung, Phúc vương tên là Tranh, Quảng vương tên là Táo, Trấn vương tên là Hình, Nghĩa vương tên là Cảnh, Kinh vương tên là Kiện; đều con của Thánh Tông. Đức Tông tức Kiến vương Tông, năm Quang Thiệu thứ 2 (1517) đời Chiêu Tông, truy tôn làm Kiến hoàng đế, miếu hiệu Đức Tông2374 .

Tháng 6, mùa hạ. Có thủy tai lớn.

Nước phá vỡ đê ở phường Yên Hoa và thông sang Tây Hồ.

Lời chua - Phường Yên Hoa: Nay là phường Yên Tĩnh, ở huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2375 .

Tây Hồ: Tức Lãng Bạc. Xem thuộc Hán, năm Kiến Vũ thứ 18 (Tb. II, 11 ).

Bổ dụng Nguyễn Mậu làm hiến sát Sứ ở Thanh Hoa.

Hàn lâm viện kiểm thảo Nguyễn Mậu là người nghiêm thẳng. Nhà vua thường sai người hái lấy hoa gạo, Mậu dâng sớ can, làm trái ý nhà vua, vua sai viên trung sứ đánh đòn. Đến nay cho thăng chức hiến sát sứ ở Thanh Hoa.

Lời chua - Nguyễn Mậu: Người làng Du La, huyện Thanh Hà, đổ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.

Giáp Tuất, năm thứ 6 (1514). (Minh, năm Chính Đức thứ 9 ).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua đi tuần du Tây Kinh.

Nhà vua tự mình cày ruộng tịch điền, cái cày bị gãy.

Tháng 5, mùa hạ. Sao Thái Bạch xuất hiện ban ngày.

Có thủy tai lớn.

Mực nước tràn lên quá cao, hồ ao trong kinh thành có thứ rắn lớn xuất hiện đến 20 ngày, nhà vua phải cho đốt pháo, mở cờ, đánh trống để khu trừ, sau thứ rắn ấy mới đi.

Đắp thành chặn ngang sông Tô Lịch.

Nhà vua thích mở mang việc thổ mộc; đắp thành rộng hàng mấy ngàn trượng bao bọc cả điện Tường Quang, quán Chân Vũ và chùa Kim Cổ Thiên Hoa; thành đắp từ phía đông nam đến phía tây bắc, chặn ngang sông Tô Lịch, bên trên đắp hoàng thành, bên dưới mở cửa cống, xây bằng gạcg đá, dùng sắt chắn suốt bề ngang. Lại làm thuyền chiến để đi chơi hồ Tây, bắt phụ nữ cỡi trần bơi chèo để vui chơi thỏa thích.

Lời chua - Điện Tường Quang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ nhất (Chb. XIX, 5 ).

Quán Chân Vũ: Thuộc phường Thụy Chương, huyện Vĩnh Thuận tỉnh Hà Nội2376 .

Chùa Thiên Hoa: Nay không rõ ở đâu.

Giết hơn 10 người trong họ tôn thất.

Vì nghe lời tâu bịa đặt của hiệu úy là Hữu Vĩnh (không rõ họ ), nhà vua giết 15 người vào hàng tước vương, tước công trong họ tôn thất. Lại triệu cung nhân của Mẫn Lệ2377 và cung nhân triều trước để tư thông.

Ất Hợi, năm thứ 7 (1515). (Minh, năm Chính Đức thứ 10 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Phùng Chương ở Sơn Tây nổi loạn. Nhà vua sai Tướng đi đánh, dẹp yên được.

Phùng Chương chiếm cứ núi Tam Đảo nổi loạn. Nhà vua hạ lệnh cho Thụy quận công Ngô Bính và Nguyên quận công Trịnh Duy Sản làm đô tướng, đô ngự sử Phạm Khiêm Bính giữ chứ tán lý quân vụ, đem quân đi đánh. Chương bị thua chạy trốn.

Lời chua - Phạm Khiêm Bính: Người làng Lãm Sơn, huyện Quế Dương, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.

Tháng 2. Nhà vua xem tập trận ở Định Công, rồi vào chơi nhà Lê thị là vợ Uy Mục đế.

Lời chua - Định Công: Tên xã, thuộc huyện Thanh trì, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Nội2378 .

Tháng 8, mùa thu. Có thủy tai lớn đến mãi tháng 9.

Đặng Hân và Lê Hất ở Thanh Hoa nổi loạn. Nhà vua sai quân đi đánh, dẹp yên được.

Bọn Hân và Hất nổi loạn ở huyện Ngọc Sơn thuộc Thanh Hoa. Nhà vua hạ lệnh cho tướng thống lĩnh quân sĩ và dùng Đỗ Nhạc giữ chức tán lý quân vụ, đi đánh, dẹp yên được.

Lời chua - Ngọc Sơn: Tên huyện, thuộc phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa.

Bính Tý, năm thứ 8 (1516). (Từ tháng 4 trở đi thuộc Lê Chiêu Tông năm Quang Thiệu thứ nhất - Minh, năm Chính Đức thứ 11 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Trần Công Ninh ở Yên Lãng nổi loạn. Nhà vua tự làm tướng đi đánh, dẹp yên được.

Công Ninh, vụng trộm chiếm cứ Yên Lãng. Nhân lúc ấy quân các vệ họp cả ở kinh thành, nhà vua bèn hạ lệnh cho Đỗ Nhạc ở lại giữ kinh thành, rồi thân hành đem văn võ đại thần và đô đốc trong năm phủ theo hầu, tiến quân đóng hành tại ở Nhị Hà, ra lệnh cho các tướng qua sông tiến đánh, quân giặc bị thua to. Sau, luận bàn công đánh giặc của tướng sĩ, đều trao cho quan chức cao thấp khác nhau.

Lời chua - Yên Lãng: Tên huyện, thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây2379 .

Nhị Hà: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb, II, 13 ).

Tháng 3. Có thủy tai lớn.

Trần Cao, người Thủy Đường, nổi loạn.

Cao làm Thuần Mĩ điện giám thấy lời sấm nói: "Phương đông có khí sắc thiên tử ", bèn ngầm lập mưu làm việc trái phép, dụ dỗ họp tập nhữnh người bỏ làng trốn tránh, giả mạo xưng mình là chắt huyền tôn của vua Thái Tông nhà Trần và là ngoại thích của Quang Thục hoàng hậu. Hắn cùng với con là Cung và đồ đảng của bọn Phan Ất dấy quân ở chùa Quỳnh Lâm, chiếm cứ các huyện Thủy Đường và Đông Triều thuộc Hải Dương. Cao mặc áo màu đen, quân sĩ đều trọc đầu, tự xưng là "Đế Thích giáng sinh "; nhân dân nhiều người đi theo, quân sĩ có đến hàng vạn.

Lời chua - Chùa Quỳnh Lâm: Ở xã Hà Lôi, huyện Đông Triều.

Thủy Đường: Xem Đế Duy Phường, năm Vĩnh Khánh thứ 2 (Chb. XXXVII, 16 ).

Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất (Chb. XII, 25 ).

Thuần Mĩ điện giám: Không khảo cứu được. Minh sử thông giám kỷ sự chép; Cao giữ chức xã đường thiêu hương quan, không biết có đúng không ?

Trần Cao: Người làng Dưỡng Chân, huyện Thủy Đường.

Quang Thục hoàng hậu2380 : Người làng Động Bàng, huyện An Định.

Phan Ất: Người Chiêm Thành, có một tên nữa là Đồng Lợi, nguyên là gia nô của Trịnh Duy Đại.

Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua tự làm tướng đi đánh Trần Cao, Cao chạy đến Trâu Sơn. Nhà vua hạ lệnh cho bọn Phùng Trấn, Trịnh Khổng Chiêu và Trịnh Ngạc đem quân đi đánh; bọn này đánh không thắng được, bị tử trận.

Quân sĩ của Cao kéo từ các huyện Tiên Du, Quế Dương và Gia Lâm, xâm phạm đến bến Bồ Đề, vì mắc sông không qua sang được. Nhà vua thân ngự điện Tường Thọ chỉ huy các tướng là Lại Thúc Mậu Nguyễn Khắc Nhượng và Trịnh Hồng thống lĩnh quan quân, đi dò sang sông đánh ở làng Lâm Hạ. Trần Cao bị thua to, chạy đến Trâu Sơn. Nhà vua hạ lệnh cho Định quận công Phùng Trấn, Diên hưng bá Trịnh Khổng Chiêu và Phú Lộc bá Trịnh Ngạc đem quân đuổi đánh. Phùng Trấn và Khổng Chiêu mắc vào trong trận giặc đều chết. Trịnh Ngạc bị bắt, Trần Cao muốn đem quan chức trao cho Ngạc, nhưng Ngạc không chịu khuất phục, mắng chửi ầm ỹ, rồi bị chết. Nhà vua lại hạ lệnh cho An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ đi đánh, Hoằng Dụ đem quân đóng ở dinh Bồ Đề.

Lời chua - Điện Trường Thọ: Tức điện Quỳnh Vân, chưa rõ đích xác ở chỗ nào.

Tiên Du: Xem Thục An Dương Vương năm thứ 48 (Tb. I, 16 ).

Gia Lâm: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ nhất (Chb. VII, 34 ).

Huyện Quế Dương: Thuộc phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Trâu Sơn: Sử cũ chép chữ "Trâu " là "Ngạc ", thuộc xã Trâu Cầu, huyện Quế Dương, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Lâm Hạ: Tên xã, thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Nguyên quận công Trịnh Duy Sản giết nhà vua ở hồ Chu Tước; thừa chỉ Nguyễn Vũ cũng bị Duy Sản giết.

Duy Sản vì thường can ngăn, làm trái ý vua nhà vua tức giận, sai đánh bằng trượng. Duy Sản bèn cùng Lê Quảng Độ, Trình Chí Sâm bàn mưu bỏ vua này lập vua khác. Họ chuẩn bị sửa soạn binh thuyền khí giới, hội hợp ở bến Thái Cực, nói phao là đem đi đánh giặc; rồi nhân ban đêm họ đem quân Kim Ngô hộ vệ hơn ba ngàn người vào cửa Bắc Thần. Lúc lửa cháy, nhà vua ngờ là giặc kéo đến, đi lẻn ra ngoài cửa Bảo Khánh; lúc tờ mờ sáng, đi qua cửa Thái Học đến hồ Chu Tước ở phường Bích Câu, gặp Duy Sản, nhà vua hỏi "giặc ở đâu ". Duy Sản không trả lời, quay mặt đi đằng khác và cười ầm lên. Nhà vua quay ngựa chạy sang mặt tây, Duy Sản sai võ sĩ tên là Hạnh đâm nhà vua ngã ngựa rồi giết đi.

Khâm Đức hoàng hậu cũng tự nhảy vào đống lửa để chết. Quân sĩ đai hai thi thể về táng ở lăng Ngự Thiên. Duy Sản truất nhà vua làm Linh Ẩn vương. Nhà vua ở ngôi 8 năm, hưởng thọ 24 tuổi.

Vũ, người làng Thiên Mỗ, huyện Từ Liêm, bắt đầu đi theo quân khởi nghĩa2381 của nhà vua, sau làm quan Binh Bộ tả thị lang, rất được nhà vua yêu quý. Thi hội khoa Giáp Tuất (1514), văn của Vũ không trúng cách, nhà vua cho phép thi lại, bèn cất nhắc cho đỗ nhị giáp tiến sĩ. Làm quan, thăng dần đến Hình bộ thượng thư Kiêm Bảo Thiên điện đông các đại học sĩ Hàn Lâm viện thừa chỉ vào chầu Kinh Diên, ngày đêm Vũ ở trong nội điện uống rượu, đánh bạc, bị người đời khinh rẽ. Đến lúc nghe có binh biến, hắn bảo con hắn rằng: "Ăn lộc của vua, phải chết với hoạn nạn của vua ", rồi vội vàng đi theo nhà vua, nên cũng bị Duy Sản giết.

Lời chua - Bến Thái Cực: Thuộc phường Thái Cực, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2382 .

Phường Bích Câu: Thuộc huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2383 .

Hồ Chu Tước: Thuộc phường Bích Câu.

Ngự Thiên: Xem Lý Anh Tông, năm Đại Định thứ 17 (Chb. V, 8 ).

Khâm Đức hoàng hậu: Truyện Hậu Phi [trong thông sử] của Lê Quý Đôn chép. Hậu họ Nguyễn, con gái viên quản lãnh ở làng Văn Giang. Về sau đặt tên thụy là Đôn Tiết.

Trình Chí Sâm: Người làng Khúc Phố, huyện Vĩnh Xương, đỗ đồng tiến sĩ khoa Đinh Mùi (1487) năm Hồng Đức đời Lê Thánh Tông.

Hạnh: Sử cũ không chép rõ họ.

Trịnh Duy Sản rước tên Y, con trưởng của Cẩm Giang vương, vào triều đường lên ngôi vua, rồi đem đi Tây Kinh.

Duy Sản họp tôn thất và đại thần bàn định lập Quang Trị, con Mục Ý vương, nhưng Vũ Tá hầu Phùng Mại tranh luận, nên lập tên Y là tằng tôn (chắt ) của Thánh Tông và là con của Cẩm Giang vương Sùng. Tường quận công Phùng Dĩnh sai lực sĩ giết Phùng Mại ở nhà nghị sự, bèn lập Quang Trị mới 8 tuổi, lập làm vua được 3 ngày, chưa kịp đổi niên hiệu, thì Trịnh Duy Đại rước vào Tây Kinh.

Nguyễn Hoằng Dụ đóng quân ở Bồ Đề, được tin Duy Sản bạo nghịch giết vua, liền đem quân qua sông, đốt hết phố xá trong kinh thành, chém Vũ Như Tô ở ngoài cửa thành. Lúc ấy Như Tô đương coi làm mấy nóc nhà đại điện chưa xong thì bị giết, mọi người đều chỉ trích chê cười, có người nhổ nước bọt vào thây của hắn.

Bấy giờ Duy Sản lại cùng Lê Nghĩa Chiêu và tôn thất, đại thần những người vào hạng có công, hạng cố cựu rước tên Y lập làm vua. Y mới 14 tuổi. Bọn Duy Sản và Chiêu Nghĩa thấy kinh thành đã bị tàn phá, bèn cùng nhau rước vua về Tây Kinh. Quang Trị sau bị Duy Đại giết.

Lời chua - Mục Ý vương: Tên là Doanh, con của Kiến vương Tân, và là em của Cẩm Giang vương Sùng.

Trần Cao xâm phạm vào kinh thành. Đô lực sĩ Thiết Sơn bá Trần Chân dấy quân đánh Cao, nhưng không thắng được.

Nhà vua đã về Tây Kinh, Lê Quảng Độ bỏ chạy, đầu hàng Trần Cao. Nhân dân rối loạn, tranh nhau lấy vàng bạc của cải và đồ vật, vì thế cung điện kho tàng thành ra trống rỗng.

Nhân đấy Trần Cao sang qua sông, bèn vào chiếm cứ kinh thành, tiếm xưng niên hiệu là Thiên Ứng, ngự triều xưng làm vua, dùng Lê Quảng Độ xếp đặt công việc trong nước. Trần Chân họp tập thống suất bọn dũng sĩ cũ cùng con em trong nhà, binh tráng trong làng được mấy ngàn người, đóng ở chợ Hoàng Hoa, để mưu tính công việc đánh giặc. Trần Cao được tin, sai đồ đảng là Phan Ất từ làng Bảo Đà huyện Thanh Oai tiến quân; Trần Chân từ làng Dư Dụ huyện Thanh Đàm đem quân đón đánh. Trần Chân tiến đến xạ đôi (mô đất để tập bắn ) cố sức đánh nhau với Phan Ất, khí giới đều hết phải lấy mảnh cong mảnh lọ để ném. Răng và miệng Trần Chân bị thương nặng, Chân lại thấy rằng toán quân của mình chơ vơ khó có thể đánh lâu được, bèn nhân đêm rút quân đến chợ Hoàng Hoa.

Lời chua - Chợ Hoàng Hoa: Thuộc trại Ngọc Hà, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội.

Thanh Oai: Xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 31 ).

Thanh Đàm: Tức Long Đàm, xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 14 (Chb. 6, 26 ).

Dư Dụ: Tên xã, thuộc huyện Thanh Đàm.

Xạ Đôi: Ở trại Giảng Võ, huyện Thuận Xương, tỉnh Hà Nội2384 .

Trần Chân: Người xã La Khê, huyện Từ Liêm, là con nuôi Trịnh Duy Sản.

Nhà vua tự làm tướng đánh Trần Cao. Cao thua chạy. Nhà vua về Đông Kinh, đổi niên hiệu và đại xá cho trong nước.

Nhà vua từ Tây Kinh thống suất quân ứng nghĩa ở 3 phủ Thiệu Thiên, Hà Trung và Tĩnh Gia, phân phối sai: Nguyên quận công Trịnh Duy Sản do đường Thiên Quan và Ứng Thiên tiến quân; An Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ do đường Trường Yên và Lỵ Nhân tiến quân; ở chính doanh thì Phú bình hầu Nguyễn Văn Lự và Vĩnh hưng hầu Trịnh Tuy thống lĩnh quân thủy, quân bộ đều tiến, kéo thẳng đến Đông Kinh, đưa tờ hịch đi các quận huyện. Nhà vua đến Tiêu Viên, trước hết có Trần Chân đến hành tại bái yết; ở Sơn Nam thì có bọn phó tướng An Tín bá Trịnh Hi, đề sát Lê Sạn, tán lý Lê Dực và ký lục Trương Huyền Linh cũng nỗi dậy, đem quân tiếp tục tiến đến, vây ngoài cửa Đại Hưng. Trần Cao đem quân lên cái lầu ở trước cửa vẫy cở bắn súng để chống cự quan quân. Một lúc thấy quân tam đóa2385 từ Mộng Kiều (cầu Muống ) tiến vào cung Thụy Quang, Trịnh Hi lui dần quân đến xã Hồng Mai, gặp các quân thủy, quân bộ của bọn Hoằng Dụ và Duy Sản, Trịnh Hi lại cùng bọn này đều tiến, bốn mặt vây thành. Trần Cao đóng thành cố giữ, Duy Sản lại tiến đánh góc tây bắc thành. Lúc ấy Hà Công Chân, một đảng giặc ở Sơn Tây, cũng đem quân tiến sát đến chân thành, chợt gặp Duy Sản, Duy Sản ra sức cố đánh, Công Chân thua trận, bị chết, Lê Liễn tả kiểm điểm, đánh nhau với giặc bị chết ở Dịch Vọng. Trần Cao mở cửa thành chạy, qua sông Thiên Đức, lẩn lút ở Lạng Nguyên.

Lúc ấy, nhà vua đóng ở Thanh Đàm, bọn Nguyễn Ung và Đỗ Nhạc rước vua về Đông Kinh, hạ chiếu đại xá cho trong nước, đổi niên hiệu, lấy năm ấy là năm Quang Thiệu thứ nhất, quan quân lại bắt được đồ đảng Trần Cao là Phan Ất ở Đông Triều, đóng củi đưa về Kinh sư, đem chém ở phường Đông Hà.

Lời chua - Thiệu Thiên, Hà Trung và Tỉnh Gia: Đều tên phủ thuộc tỉnh Thanh Hóa.

Thiên Quan: Tên phủ, xem Bình Định vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 25 ).

Ứng Thiên: Tên phủ, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 18 ).

Trường Yên: Tên phủ. xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11 ).

Lỵ Nhân: Tên phủ, xem Lý Nhân Tông, năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 6 (Chb. IV, 14 ).

Cửa Đại Hưng, sông Thiên Đức: Đều xem Lý thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 10, 11 )

Mộng Kiều: Thuộc phường Kim Liên, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2386 .

Cung Thụy Quang: không rõ ở đâu.

Hồng Mai: Tên xã, thuộc huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2387 .

Dịch Vọng:Tên xã, thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2388 .

Lạng Nguyên: Không rõ ở đâu, có thuyết nói Lạng Sơn, có lẽ là ở đây.

Nguyễn Văn Lự: Người Gia Miêu ngoại trang, huyện Tống Sơn, là em Nguyễn Văn Lang.

Trịnh Tuy: Người xã Thủy Chú, huyện Lôi Dương, em họ Trịnh Duy Sản.

Lê Sạn: Người xã Vạn Phúc, huyện Thanh trì.

Lê Dực: Người xã Đại Định, huyện Thanh Oai, Sạn và Dực đều đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất (1502) năm Cảnh Thống đời Lê Hiến Tông.

Quân Tam Đóa: Tức hạng quân cắt tóc, nhưng vẫn để lại ba chỏm ở trên đầu.

Nhà vua hạ lệnh cho bọn Trịnh Duy Sản, Phạm Khiêm Bính và Trịnh Tuy đi tuần hành bình định xứ Hải Dương và Kinh Bắc.

Nhà vua hạ lệnh cho Trịnh Duy Sản chỉ huy quân thủy, quân bộ các dinh, và Khiêm Bính giữ chức tán lý việc quân, đi tuần hành bình định xứ Hải Dương; Trịnh Tuy, Lại Thúc Mậu và lực sĩ Đàm Cử đi tuần hành bình định xứ Kinh Bắc.

Lời chua - Đàm Cử: Người xã Lãm Sơn, huyện Quế Dương.

Tháng 11, mùa đông. Nhà vua lại hạ lệnh cho bọn Trịnh Duy Sản, Nguyễn Hoằng Dụ, Trịnh Hồng và Nguyễn Khắc Nhượng đem quân đi đánh Trần Cao. Vì bại trận, Trịnh Duy Sản bị Trần Cao giết.

Bọn Duy Sản và Hoằng Dụ tiến quân đóng ở Chí Linh. Duy Sản cùng Trần Cao chống cự với nhau ở chỗ giáp giới xã Nam Giãn. Thấy tên Hạnh, một tì tướng, bị chết ở mặt trận, Duy Sản nổi giận, tiến sát đến nơi, các tướng can ngăn, Duy Sản không nghe, bèn chia đường cùng tiến, tự mình dẫn đầu sĩ tốt. Bên giặc tung quân kỳ binh2389 ra đánh cướp. Duy Sản bị Trần Cao bắt được, đem giết đi, Trần Cao tiến quân thẳng đến Bồ Đề. Nhà vua sai Thiết Sơn bá Trần Chân ra đón đánh, phá tan được. Cao lại lẩn lút ở Lạng Nguyên không dám ra, truyền ngôi cho con là Cung tiếm niên hiệu là Tuyên Hòa. Sau Trần Cao cạo đầu làm sư, trốn tránh được thoát.

Lời chua - Chí Linh: Tên huyện, xem Trần Nhân Tông, năm Thiệu Bảo thứ 4 (Chb. VII, 28 ).

Nam Giản: Tên xã, thuộc huyện Chí Linh.

Đinh Sửu, Lê Chiêu Tông Thần hoàng đế năm Quang Thiệu thứ 2 (1517). (Minh, năm Chính Đức thứ 12 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Truy tôn đế hiệu cho ông và cha.

Nhà vua truy tôn: ông là Kiến vương Tân làm Đức Tông Kiến hoàng đế, cha là Trang định đại vương Sùng làm Minh Tông Triết hoàng đế; rồi hạ lệnh cho Đàm Thận Huy, thượng thư bộ Lễ, định những chữ húy thờ ở miếu. Lại truy tôn Mẫn Lệ công làm Uy Mục đế, Linh Ẩn vương làm Tương Dực đế.

Lời chua - Chữ húy thờ ở miếu: gồm 20 chữ.

Tháng 7, mùa thu. Nguyễn Hoằng Dụ và Trịnh Tuy hai người sửa soạn binh lính đánh lẫn nhau.

Trước đây, Hoằng Dụ và Trịnh Tuy đều phụng mệnh vua đánh giặc, kịp lúc về kinh sư, vì nghe lời con em gièm pha, hai người thành ra hiềm khích, Hoằng Dụ thác là có bệnh không vào chầu, đóng quân ở phường Đông Hà, Trịnh Tuy đóng quân ở ngoài thành Đại La, hai người cùng nhau chống cự. Nguyễn Quán Chi, một viên quan trong Lục Khoa2390 , đem việc ấy tâu bày. Nhà vua dùng sự tích Giả, Khấu, Liêm, Lạn2391 để dụ bảo, nhưng không giải hòa được.

Nguyễn Văn Lự cùng Trịnh Duy Đại hẹn nhau cùng vào chầu để tâu vua xin đứng hòa giải. Khi đến trước điện. Văn Lự lấy tờ sớ bí mật trong tay áo đưa ra, nói Trịnh Tuy cùng Trịnh Duy Đại bàn mưu với nhau lập Nguyễn Tùng là con Nguyễn Trinh, làm ngụy chúa, định làm việc bạo nghịch lớn. Bấy giờ nhà vua sai bắt Duy Đại cùng đồ đảng của hắn là bọn Trịnh Bá Quát đều đem chém.

Ngày hôm ấy, Hoằng Dụ cất quân đánh Trịnh Tuy ở quãng phường Khúc Phố - Phục Cổ ba lần đánh đều không thắng được. Nguyễn Thế Phó, đồ đảng của Tuy, trúng mũi tên phải rút lui. Tuy bèn bỏ chạy.

Trần Chân là người có nghĩa cũ với Tịnh Tuy, cất quân đánh Hoằng Dụ, lại mật hạ trát cho con em các doanh2392 ở Sơn Tây cùng đánh, Hoằng Dụ lánh chạy vào Thanh Hoa. Trước kia, khi Hoằng Dụ và Trần Chân đánh nhau đương hăng, gặp lúc trời đã xế chiều, trên không bỗng có đám mây năm sắc xuất hiện ở phương đông, mà mây vàng bay đầy trời, người ta đều lấy làm kỳ quái.

Lời chua - Phường Đông Hà: Xem Tương Dực đế, năm Hồng Thuận thứ 2 (Chb. XXVI, 4 ).

Thành Đại La: Xem thuộc Đường, năm Hàm Thông thứ 7 (Tb. V, 10 ).

Vĩnh Xương: Tên huyện, nay đổi làm Thọ Xương, thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2393 .

Khúc Phố, Phục Cổ: Đều tên phường, thuộc huyện Thọ Xương.

Nguyễn Trinh: Người xã Trịnh Mỹ, huyện Lôi Dương là bố phò mã Điển quận công Nguyễn Mậu Tuyên.

Nhà vua sai các tướng đuổi đánh Nguyễn Hoằng Dụ.

Lúc ấy, tuổi vua thì thơ ấu, thế nước thì nguy ngập, các tướng nắm giữ binh quyền đánh chém lẫn nhau. Trần Chân đã đuổi được Nguyễn Hoằng Dụ, cầm quân bảo vệ kinh sư. Nhà vua sai viên tướng mới đầu hàng là bọn Nguyễn Công Độ đem quân bộ và Mạc Đăng Dung đem quân thủy đuổi Hoằng Dụ. Hoằng Dụ chạy vào Thuần Hựu. Quan quân bèn đào mả bố Hoằng Dụ là Nguyễn Văn Lang đem chém đầu. Hoằng Dụ đem quân chống lại và viết thư đưa cho Đăng Dung. Đăng Dung nhận được thư, đóng quân lại không đánh nữa, nhân đấy, Hoằng Dụ được toàn vẹn rút quân.

Lời chua - Thuần Hựu: Tên huyện. Theo Thanh Hoa sách, hồi đầu triều Lê, huyện này gọi là Thuần Hựu, sau đổi làm Thuần Lộc, rồi lại đổi làm Phong Lộc; bản triều, năm Minh mạng thứ 2 (1821) đổi làm Hậu Lộc, thuộc phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 12 nhuận, mùa đông. Lê Quảng Độ nhận tội, nhà vua sai đem giết đi.

Trước đây, Trần Cao đem quân xâm phạm vào cung khuyết, Quảng Độ lấy danh phận là thái sư Thiệu quốc công, đón Trần Cao, xin đầu hàng, được Cao ủy thác cho giữ công việc trong nước. Đến nay, bọn tướng trấn thủ là Hà Phi Chuẩn và Nguyễn Lỗ bắt được Quảng Độ đưa về kinh sư; bầy tôi trong triều ở các khoa các đạo thay đổi nhau làm sớ hặc tâu. Vì thế, bèn đem giết đi.

Dân bị đói lớn.

Năm ấy, trong nước bị đói to, nhân dân chết đói, thây nằm chồng chất lên nhau. Các huyện Đông Triều Giáp Sơn thuộc Hải Dương và huyện Yên Phong, Tiên Du, Đông Ngàn thuộc Kinh Bắc, nạn đói càng dữ hơn.

Lời chua - Tiên Du: Xem Thục An Dương Vương năm thứ 48 (Tb, I, 16 ).

Đông Ngàn: Tức châu Cổ Pháp, xem {Tiền} Lê đế Long Đĩnh, năm Cảnh Thụy thứ 2 (Chb. II, 6 ).

Yên Phong: Tức Yên Phú, xem Tương Dực đế, năm Hồng Thuận thứ 3 (Chb. XXVI, 10 ).

Giáp Sơn: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 37 ).

Đông Triều: Xem Trần Đế Ngỗi, năm Hưng Khánh thứ nhất (Chb. XII, 25 ).

Mậu Dần, năm thứ 3 (1518). (Minh, năm Chính Đức thứ 13 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Gia phong Mạc Đăng Dung làm Vũ Xuyên hầu.

Tháng 7, mùa thu. Mưa to, gió lớn, sét đánh, nhiều người bị chết.

Giết Thiết Sơn bá Trần Chân. Bọn Hoàng Duy Nhạc, đồ đảng của Trần Chân, nổi loạn, nhà vua đi Gia Lâm.

Trước đây, sau khi đã đuổi được Hoằng Dụ, Trần Chân nắm hết quyền binh trong tay, đến Mạc Đăng Dung cũng phải sợ, hỏi lấy con gái Trần Chân cho con trai mình là Đăng Doanh. Lúc ấy có người hiếu sự làm câu sấm rằng: "Trần hữu nhất nhân, vì thiên hạ quân, thỏ đầu hổ vĩ, tế thế an dân " (họ Trần có một người, làm vua thiên hạ, đầu thỏ đuôi hùm, giúp đời yên dân ). Vì cớ ấy, quốc cữu2394 Chử Khải, cùng bọn Thọ quốc công Trịnh Hựu. Thụy quận công Ngô Bính mưu tính với nhau rằng: "Trần hữu nhất nhân " tức là Trần Chân, "thỏ đầu hổ vĩ " tức là cuối năm Dần, đầu năm Mão2395 . Bọn này sợ năm Mão sẽ có biến loạn, nên khuyên nhà vua toan tính sớm đi.

Đến nay nhà vua cho triệu Trần Chân vào trong cung cấm, hạ lệnh đóng các cửa thành rồi sai lực sĩ bắt, Trần Chân chạy đến trên thành, người giữ cửa bắt được đem chém. Lúc ấy, bộ tướng của Chân là bọn Hoàng Duy Nhạc, Nguyễn Kính và Nguyễn Áng được tin Chân bị giết, liền đem quân xông vào cửa Đại Hưng, bị người giữ cửa chống cự, không vào được. Nhà vua thống suốt quân sĩ tuần hành trong thành, sai đem đầu Trần Chân giơ lên cho mọi người biết, bọn Kính và Áng rút lui tụ hợp ở Yên Lãng, rồi lại xâm phạm sát vào kinh thành. Đương đêm nhà vua phải chạy đi Gia Lâm lánh nạn, sáng hôm sau đến Dương Quang, vào nhà đô lực sĩ Đàm Cử, quá trưa chưa có cơm ăn, dân chúng tranh nhau đem dâng bánh khoai.

Lúc ấy, Trịnh Tuy đóng ở Sơn Nam, có hơn vạn quân, được tin nhà vua chạy ra ngoài thành, quân sĩ đều giải tán bỏ đi. Do đó, bọn Duy Nhạc đem đồ đảng cướp bóc thả cửa, trong kinh sư thành ra trống rỗng. Nhà vua cho triệu Hoằng Dụ đem quân đánh giặc, nhưng Hoằng Dụ chần chừ, không đem quân đến.

Lời phê - Công việc lúc bấy giờ như thế, không giết Trần Chân, cũng không ngăn ngừa được loạn lạc. Lời chua - Dương Quang: Tên xã, thuộc huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh.

Gia Lâm: Xem Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ nhất (Chb. VII, 34 ).

Nguyễn Kính: Người xã Dị Nậu, huyện Thạch Thất.

Tháng 8, sao Thái Bạch đi ngang trên không.

Nhà vua hạ lệnh cho Phạm Kiêm Bính trưng thu, cấp phát lương thực tiếp tế cho quân ăn.

Lúc ấy, Phạm Khiêm Bính, thừa tuyên sứ ở Kinh Bắc đến hành tại bái yết; nhà vua hạ lệnh cho Khiêm Bính trưng thu cấp phát lương thực để tiếp tế cho quân ăn.

Mạc Đăng Dung, xin nhà vua dời đến Bồ Đề; giết bọn Chử Khải và Trịnh Hựu 3 người.

Nhà vua ở Dương Quang, hạ lệnh triệu Đăng Dung ở Hải Dương. Khi Đăng Dung đến, vào bái yết nhà vua, rồi đóng quân thủy ở sông Nhị. Đăng Dung lấy cớ rằng vua ở Dương Quang hơi xa, xin dời đến Bồ Đề để quân thủy hộ vệ chầu chực cho được thuận tiện. Đăng Dung lại mật dụ Kính và Áng. Họ đều nói: "Việc giết chết Thiết Sơn bá2396 , là do lời gièm pha của Chử Khải, Trịnh Hựu và Ngô Bính; nay nếu giết ba người ấy đi, thì vua tôi lại như cũ, không dám có mưu toan gì khác cả ". Đàm Cử cũng tán thành việc này. Vì thế nhà vua bèn giết bọn Chử Khải 3 người, mong lại có thể ngăn ngừa được hoạn nạn, nhưng bọn Kính và Áng lại càng kiêu ngạo hoành hành, nắm lấy binh quyền không chịu giải tán.

Tháng 9. Đăng Dung giết đô ngự sử Đỗ Nhạc và Thiêm đô ngự sử Nguyễn Dự, rồi xin nhà vua dời đến Bảo Châu.

Đăng Dung lại lấy cớ rằng nhà vua ở Bồ Đề gần địa phận của giặc, xin dời đến Bảo Châu. Nhạc và Dự đều can. Đăng Dung sai đồ đảng của mình là Đinh Mông bắt Nhạc và Dự đem giết ở ngoài cửa bắc chỗ hành doanh xã Xuân Đỗ, bầy tôi ai cũng run sợ. Đăng Dung bèn rước vua đi Bảo Châu. Từ đấy quyền binh trong triều đình, ngoài biên trấn, về hết trong tay Đăng Dung.

Lời chua - Bảo Châu: Thuộc huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2397 .

Xuân Đỗ: Tên xã, thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh.

Nguyễn Dự: Người xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1508) năm Đoan Khánh đời Uy Mục đế.

Bọn Trịnh Tuy và Nguyễn Si làm phản. Nhà vua hạ chiếu với Nguyễn Hoằng Dụ đem quân về cứu viện.

Sau khi nhà vua đã dời đến Bảo Châu, Trịnh Tuy và Nguyễn Si giao thông với giặc là bọn Nguyễn Kính, cùng nhau lập tên Bảng là con của Tĩnh Tu công Lộc, tiếm xưng niên hiệu là Thiên Đức, dựng hành điện ở xã Miêu Nha, huyện Từ Liêm, chia đặt quan thuộc. Lúc ấy, nhà vua ở Bảo Châu, chỉ có Trình Chí Sâm và Nguyễn [Thì] Ung đi theo. Nhà vua sai người dụ bảo Hoằng Dụ đem quân cứu viện. Hoằng Dụ đem quân Thanh Hoa ra cứu nạn nước. Nhà vua hạ lệnh cho Hoằng Dụ cùng với Đăng Dung thống lĩnh quân các đạo Thanh Hoa và Sơn Nam tiến đánh bọn Kính và Áng ở Sơn Tây. Hoằng Dụ đem quân đánh trước, nhưng không thắng lợi, Hoằng Dụ suy tính rằng mình không thể đánh phá được bọn này, bèn dẫn quân về Thanh Hoa, ít lâu sau thì chết, chỉ còn một mình Đăng Dung cầm cự nhau với bọn Kính và Áng.

Lời chua - Tĩnh Tu công Lộc: Con Cung vương Khắc Xương.

Bảng: Cháu Cung vương.

Do: Em tên Bảng.

Miêu Nha: Tên xã, ở huyện Từ Liêm, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội2398 .

Tháng 10, mùa đông. Hạ lệnh cho Đăng Dung thống lĩnh công việc các dinh quân thủy và quân bộ.

Nhà vua đi đến xã Xuân Đỗ, ban dụ tế Đỗ Nhạc, đô ngự sử đã bị chết.

Nhà vua từ Bảo Châu đi Gia Lâm, đến dinh Xuân Đỗ, tưởng nhớ đến Đỗ Nhạc và Nguyễn Dự dâng lời can trung thực, bị Mạc Đăng Dung giết chết, bèn hạ lệnh cho Lê Sạn, thượng thư bộ Lại, đem tờ dụ đến ban tế phẩm cho Đỗ Nhạc và cho 100 quan tiền để thăm viếng và an ủy; sau nhà vua tặng Đỗ Nhạc hàm thiếu bảo thượng thư Ngự sử đài đô ngự sử, tước Văn Trinh bá, tên thụy là Văn Tiết. Nhà vua cũng truy tặng hàm phó đô ngự sử cho Nguyễn Dự.

Kỷ Mão, năm thứ 4 (1519). (Minh, năm Chính Đức thứ 4 ).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua đến Bồ Đề, sai tướng đánh đuổi được bọn Trịnh Tuy.

Nhà vua lại đến Bồ Đề, Trịnh Tuy làm cầu phao tiến quân sang nửa phần cầu để khiêu chiến, quan quân phá đứt cầu phao, đánh tan được quân của Tuy. Tuy và Do rút quân về Yên Lãng, nhà vua sai các tướng đuổi đánh, nhân đêm, bọn Tuy chạy trốn.

Lời chua - Yên Lãng: Tên huyện, xem Tương Dực đế, năm Hồng Thuận thứ 8 (Chb. XXVI, 25 ).

Đại hạn từ tháng 3 đến tháng 4.

Tháng 5, mùa hạ. Mưa to.

Tháng 7, mùa thu. Nhà vua hạ lệnh cho Mạc Đăng Dung đánh bọn Lê Do và Nguyễn Si, bắt được đem giết đi.

Đăng Dung đốc suất các quân thủy, quân bộ vây Lê Do ở Từ Liêm, nhân gặp mưa to, Đăng Dung cho khơi nước vào trại quân của Do. Do cùng bọn Nguyễn Si, Nguyễn Áng chạy đến Ninh Sơn, quan quân bắt được đem giết đi. Trịnh Tuy chạy vào Thanh Hoa; bọn Nguyễn Kính và Hoàng Duy Nhạc đầu hàng, Đăng Dung xin tha tội cho bọn này và thu dùng họ làm người nanh vuốt cho mình.

Lời chua - Ninh Sơn: tức huyện Yên Sơn. Bây giờ, thuộc tỉnh Sơn Tây.

Từ Liêm: Xem Trần Thuận Tông, năm Quang Thái thứ 11. (Chb. XI, 31 ).

Tháng 9. Nhà vua trở về cung điện, đại xá cho trong nước, phong Mạc Đăng Dung làm Minh quận công.

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...