Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 36 Từ Nhâm Dần, Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 3 (1722) đến Đinh Mùi, năm Bảo Thái thứ 8 (1727)

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ 36

Từ Nhâm Dần, Lê Dụ Tông, năm Bảo Thái thứ 3 (1722) đến Đinh Mùi, năm Bảo Thái thứ 8 (1727), gồm 6 năm.

Nhâm Dần, năm thứ 3 (1722). (Thanh, năm Khang Hy thứ 61).

Tháng giêng, mùa xuân. Định thể lệ phong ấm cho công thần và quan văn, quan võ.

Lúc ấy, việc phong thế ấm cho công thần đời khai quốc và đời trung hưng, phần nhiều người giả mạo hoặc lạm dụng; thể lệ phong ấm cho con cháu quan văn, quan võ, cấp bậc chưa rõ ràng. Tham tụng Nguyễn Công Hãng bàn xin chấn chỉnh lại. Triều đình bèn chuẩn định:

Công thần khai quốc, thế thứ quá xa, nay cho một người chi trưởng được đời đời thừa ấm.

Lúc trung hưng đánh nhà Mạc và khoảng năm Thận Đức, Hoằng Định (1600-1618) tiến quân khôi phục Đông Đô, các công thần được dự vào hạng có công lao xét theo đẳng đệ, thế thứ hơi gần, nay cho con cháu đời đời đều được thừa ấm.

Đến như các bầy tôi văn võ không ở vào đời khai quốc và đời trung hưng, mà người nào vì có công trạng được dự vào hạng công thần, nay đều theo phẩm tước cao thấp mà chuẩn cho con cháu được thừa ấm hoặc 5 đời, hoặc bốn đời, hoặc ba đời, cho có phân biệt.

Ngoài ra, các quan từ nhị phẩm trở lên, nghị cho con va cháu được làm quan viên tử, quan viên tô,, và cho một người chắt trưởng (trưởng tằng tôn) là quan viên tôn nữa; quan tam phẩm, tứ phẩm, nghị cho con và cháu làm quan viên tử, quan viên tôn; quan ngũ phẩm, lục phẩm, nghị cho các con được làm quan viên tử và một người cháu trưởng làm quan viên tôn, còn các người cháu khác chỉ được miễn trừ sai dịch; quan thất phẩm, bát phẩm, nghị cho các con được làm quan viên tử; người mới được trao cho quan chức cùng cửu phẩm và tạp lưu3058 chỉ cho một con trai được miễn trừ.

Lời chua - Công thần đời khai quốc và đời trung hưng: Xem Lê Hy Tông, năm Vĩnh Trị thứ 2 (Chb. XXXIV, 6).

Công thần năm Thận Đức-Hoằng Định: Sử cũ chép, Lê Kính Tông, năm Thận Đức thứ nhất (1600), Phan Văn Ngạn làm phản, xa giá nhà vua chạy về Thanh Hoa; năm Hoằng Định thứ 2 (1601), quan quân đánh lấy lại Đông Đô. Trong thời gian ấy người bầy tôi nào có hai công trạng: theo loan giá về Thanh Hoa và tiến quân đánh bọn phản nghịch, được ban cho danh hiệu "công thần", thì con cháu đều được phong tước và tập ấm.

Bắt đầu hạ lệnh cho các quân nhân người nào có học thức, được dự thi hương.

Hạ lệnh: Các hạng binh lính, người nào có học thức, khi gặp khoa thi hương được nộp đơn xin thi đợi xét, nếu xét quả là người thông hiểu nghĩa lý văn chương, sẽ được phép cùng với học trò ứng thí, nếu gặp khoa thi võ và kỳ thi viết chữ, tính toán, cũng được phép thi khảo ở ngay kinh đô.

Tháng 3. Sai bọn Nguyễn Thành Lý, lưu trú trấn Hưng Hóa, đi kinh lý châu Chiêu Tấn.

Trước đây, Đèo Mỹ Lâm, thổ tù châu Chiêu Tấn thuộc Hưng Hóa, chiếm cứ Lai Châu, đánh phá châu Quỳnh Nhai, dân ở biên giới phần nhiều bị đốt phá cướp bóc. Triều đình sai Nguyễn Công Chính và Bùi Sĩ Tiêm đem quân tiến lên, được phép tùy tiện tiểu trừ hoặc yên ủi. Khi quân tiến đến Mai Châu, Công Chính mất, quân lính quay trở về. Đến đây, Đèo Mỹ Ngọc cùng bộ lạc của hắn đánh lẫn nhau. Triều đình sai Thành Lý tiến quân bình định bọn này. Người mẹ Mỹ Ngọc đem bạc và đoạn đến dâng xin cho Mỹ Ngọc đến trước cửa quân chịu tội; sau Mỹ Ngọc lại dựa vào sự viện trợ của huyện Kiến Thủy nhà Thanh, chần chừ không quả quyết. Quan quân tiến sát đến cảnh thổ. Mỹ Ngọc đem dân trong động trốn xa, quan quân đuổi theo không kịp. Thành Lý bèn dẫn quân về. Triều đình lấy cớ rằng Mỹ Ngọc là tù trưởng người Man ở ngoài cương vực, vì hiềm thù riêng3059 đánh lẫn nhau, nay sợ tội trốn tránh, bèn hạ lệnh chiêu tập vỗ về. Khi tập hợp được đảng này rồi, triều đình đều buông tha cho về.

Lời chua - Chiêu Tấn châu3060 , Lai Châu3061 và Quỳnh Nhai Châu3062 : thuộc phủ An Tây.

Mai Châu3063 : thuộc phủ Gia Hưng.

Các châu kể trên, nay đều thuộc tỉnh Hưng Hóa3064 .

Kiến Thủy: Tên huyện, thuộc tỉnh Vân Nam nhà Thanh.

Sĩ Tiêm: Người xã Kinh Lũ3065 , huyện Đông Quan, đỗ tiến sĩ khoa Ất Mùi (1715) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Tháng 7, mùa thu. Định phép bảo cử các quan văn, quan võ.

Các quan: từ tam phẩm trở lên do lệnh chỉ đặc biệt bổ dụng; từ tứ phẩm trở xuống nếu có khuyết ngạch, thì mỗi năm một kỳ giao cho các quan trong đô đường bảo cử, rồi xin lệnh chỉ xác định. Quan võ từ nhất phẩm đến tùng ngũ phẩm 91 người, quan văn từ nhất phẩm đến tùng ngũ phẩm 52 người, từ lục phẩm trở xuống, số viên chức không bó buộc theo hạn định.

Lời phê - Quá rộng rãi. Định thể lệ tặng phong và ban tiền tuất cho quan văn, quan võ.

Phàm tặng phong, ban tiền tuất và tiền về việc thờ tự cho các quan, đều chuẩn cấp theo chức phẩm hiện có.

Lời chua - Tặng phong: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú: Phàm tặng phong, chiếu theo với chức phẩm hiện có, đều được tặng phong lên một bậc. Ví dụ: hàm tòng phẩm được tặng hàm chánh phẩm v.v...

Tiền tuất: Chánh nhất phẩm, sử tiền3066 500 quan.

Tiền về việc thờ tự (tự sự tiền): Chánh nhất phẩm được 3 xã, sử tiền 200 quan. Các viên quan ở dưới, số tiền đều giảm dần, có nhiều ít khác nhau.

Tháng 10, mùa đông. Trịnh Cương hạ lệnh cho bọn Trịnh Quán giải tán binh quyền.

Lúc ấy các thân thuộc họ Trịnh nhiều người giữ binh quyền. Trịnh Cương ngại rằng giữ binh quyền trọng đại quá, e sẽ sinh biến cố khác chăng. Cương bèn hạ lệnh rằng: "Đấng vương giả sáng tỏ

đức mình, thân yêu người thân thuộc, là có ý muốn mở rộng lời giao ước của tông thống mà làm cho sổ sách tộc thuộc được nhiều người; nhưng nếu không nghĩ cách để vung trồng mà bảo toàn cho tộc thuộc cũng không phải là đạo thân yêu. Nhà ta tôn phò nhà hoàng đế, xây dựng cơ nghiệp tước vương, con cháu đều giữ binh quyền trọng đại, việc ấy đời sau noi theo đời trước, thành ra thói quen, cho nên thế lực ngang nhau, ngờ vực lẫn nhau mà sinh hấn khích, rồi đến nảy ra câu ca dao "đẩu túc"3067 , làm thành bài thơ "đậu ky"3068 , duyên cớ này ta đã biết được sâu sắc3069 , nên chỉ nghĩ mưu kế làm cho được lâu dài. Vậy các ông nên thể theo ý ấy. đều giải tán binh quyền trọng đại, chơi bời thỏa thích ở nơi phủ đệ, giữ tước vị, hưởng bổng lộc, để cùng nhau vui sướng trong đời thái bình. Ta tưởng yêu đương thân thuộc, hòa thuận họ hàng không còn gì thu xếp khéo hơn thế cả!" Bọn Trịnh Quán lạy tạ, xin giải tán binh quyền.

Lời phê - Được đằng này thì hỏng đằng kia, về sau tất nhiên phải mòn mỏi yếu đuối. Trịnh Cương bắt đầu đặt sáu quân doanh.

Lúc ấy bắt đầu trung hưng, quân doanh đại lược dựa theo chế độ cũ, đặt chức đô đốc ở ngũ phủ, chuyên dùng binh lính Thanh Nghệ chầu chực bảo vệ. Đến nay, lựa chọn đinh tráng ở bốn trấn và binh lính mới chọn ở Thanh Nghệ, phân phối cho lệ thuộc ngạch quân, bèn đặt sáu quân doanh là: Trung Dực, Trung Oai, Trung Thắng, Trung Khuông, Trung Nhuệ và Trung Tiệp, mỗi doanh 800 người, bổ dụng bọn Gia quận công Đặng Đình Lân và Thiêm quận công Trương Nhưng, cả thảy 6 người chia nhau thống lãnh.

Lời chua - Ngũ phủ quân: Theo "Binh chế chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì năm Quang Thuận thứ 7 (1466) Thánh Tông đặt Ngũ phủ quân.

Trung quân phủ quản lãnh Thanh Hoa và Nghệ An;

Đông quân phủ quản lãnh Hải Dương và An Bang;

Nam quân phủ quản lãnh Sơn Nam, Thuận Hóa và Quảng Nam3070 ;

Tây quân phủ quản lãnh Tam Giang và Hưng Hóa;

Bắc quân phủ quản lãnh Kinh Bắc và Lạng Sơn;

Trong quân đặt chức đô đốc, mỗi phủ đều có tả đô đốc và hữu đô đốc, phân phối binh lính các xứ cho lệ thuộc vào các phủ, còn hai xứ Thái Nguyên và Tuyên Quang thì lệ thuộc vào quận Phụng Trực.

Từ năm Thận Đức-Hoằng Định (1600-1618) về sau, đặt binh chế: các hiệu quân đóng ở kinh thành giữ việc chầu chực hộ vệ chuyên dùng quân ở ba phủ Thiệu Thiên, Hà Trung, Tĩnh Gia thuộc Thanh Hoa và quân bốn phủ Đức Quang, Diễn Châu, Anh Đô, Hà Hoa thuộc Nghệ An. Còn quân hai phủ Trường Yên, Thiên Quan và tứ trấn thì chỉ lấy người nào tình nguyện cùng người nào có thể đóng ở trại quân được mới cho lệ thuộc

vào đội ngũ. Ngoài ra chỉ để cho có ngạch lính, lúc có việc thì triệu tập, khi xong việc lại cho giải tán về làng.

Trương Nhưng: Người xã Như Kinh3071 , huyện Gia Lâm.

Được mùa to.

Lúc ấy, lúa vụ mùa đã chín, Trịnh Cương đi ra phía tây kinh thành xem dân gặt lúa, rồi ban cho trâu và rượu, lại bàn một bài từ về "phong niên"3072 để nghi nhớ. Phủ liêu là bọn Trịnh Quán và Nguyễn Công Hãng chúc mừng về năm được mùa. Trong lúc chúc mừng bọn Quán và Hãng hết sức ca tụng công đức chúa Trịnh.

Lời phê - Chả khác gì bầy tôi nhà Hán tán tụng Vương Mãng3073 . Miễn thuế tô cho ruộng tư của quan viên người nhiều người ít khác nhau.

Lúc ấy, ruộng tư của dân gian đã có lệnh khám đạc để đánh thuế tô, quan viên nào có ruộng, cũng phải tính mẫu nộp tô không khác gì dân thường. Triều đình bèn hạ lệnh, tùy theo phẩm trật hiện có của các quan cao hay thấp mà miễn cho thuế tô ruộng; viên quan nhất phẩm, nhị phẩm được miễn 50 mẫu, từ tam phẩm đến cửu phẩm, thì số ruộng được miễn tô cứ theo phẩm trật mà bớt dần mỗi trật 5 mẫu, để cho phân biệt3074 .

Bắt đầu cấp khẩu phần ruộng công cho binh lính tứ trấn.

Trước đây ruộng công ở tứ trấn chỉ cấp cho ưu binh Thanh Nghệ. Đến nay mới tuyển lính tứ trấn, nên dân xã nào có ruộng công, thì liệu lượng cấp khẩu phần cho lính có hạng nhiều hạng ít khác nhau.

Lời chua - Ruộng khẩu phần: Theo Tạp kỷ của Cao Lãng, năm ấy cấp khẩu phần ruộng công cho lính tứ trấn, liệu lượng cấp theo các cơ đội:

Lính theo chầu chực (tùy thị binh) và lính chèo thuyền lành nghề (thiện trạo binh) được cấp: Ruộng một mùa mỗi người 7 mẫu, ruộng hai mùa và ruộng màu mỡ mỗi người 6 mẫu.

Lính sử dụng thuyền để chiến đấu (thuyền binh) ở cơ đội các doanh, được cấp: Ruộng một mùa mỗi người 6 mẫu, ruộng hai mùa và ruộng màu mỡ mỗi người 5 mẫu.

Lính Theo hầu (tùy hậu binh) ở cơ đội các doanh được cấp: Ruộng một mùa mỗi người 5 mẫu, ruộng hai mùa và ruộng màu mỡ mỗi người 4 mẫu.

Còn các ruộng khác đều phải nộp theo ngạch thuế tô bằng tiền hoặc bằng thóc. Việc này đặt làm phép tắc nhất định.

Quý Mão, năm thứ 4 (1723). (Thanh, Thế Tông, năm Ung Chính thứ nhất).

Tháng giêng, mùa xuân. Định lại giới mốc châu, huyện.

Bản đồ cũ trong nước gồm 13 đạo, xét ra các xã dân thuộc về các phủ, huyện, cũng có nơi xa nơi gần không đều nhau. Năm ấy, làm sổ hộ, bèn hạ lệnh: tùy hình thế từng địa phương đổi lại cho lệ thuộc vào 13 thừa tuyên theo như chế độ cũ đời Hồng Đức.

Duy đổi lại: đem hai phủ Trường Yên và Thiên Quan trước thuộc Sơn Nam nay cho thuộc vào Thanh Hoa; về trấn Sơn Tây, thì đem phần huyện Bất Bạt trước thuộc phủ Đà Dương nay cho lệ thuộc vào phủ Quảng Oai; phần huyện Tam Nông nay cho lệ thuộc vào phủ Lâm Thao. Còn các xã, thôn khác phần nhiều thay đổi cho lệ thuộc vào các châu, huyện...

Lời chua-Mười ba thừa tuyên: Xem Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 21 (Chb. XXIV, 10, 11).

Thanh Hoa: Tức Thanh Hóa. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 21, 22, 23).

Trường Yên: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11).

Thiên Quang: Xem Bình Định Vương, năm thứ 9 (Chb. XIII, 25).

Quảng Oai, Lâm Thao: Tên hai phủ, nay đều thuộc tỉnh Sơn Tây3075 .

Tam Nông: Nay thuộc tỉnh Hưng Hóa3076 .

Thiệu Thiên: Nay là Thiệu Hóa.

Thanh Đô: Nay là Thọ Xuân. Cả hai đều thuộc tỉnh Thanh Hoa.

Bắt đầu cấp ruộng cho các trường học.

Trước đây, đã đặt trường học, nhưng chưa cấp học điền. Nay bàn định: Trường quốc học, cấp cho 60 mẫu; trường hương học: phủ lớn, cấp cho 20 mẫu, phủ vừa 18 mẫu, phủ nhỏ, 16 mẫu, để lấy hoa lợi ruộng ấy chỉ dùng vào dầu đèn.

Tháng 5, mùa hạ. Bắt đầu thi hành phép đánh thuế: tô, dung và điệu.

Trịnh Cương hạ lệnh rằng: "Đời Tam Đại3077 ngày trước, đặt chế độ thu lấy của cải của dân, hoặc theo phép cũ, hoặc đổi phép mới, không giống nhau, đấy là theo tình thế mà cứu chữa những điều tệ hại, nên phải như thế.

"Quốc triều (triều Lê) mở nước dựng nghiệp, định lệ ba năm một lần làm sổ hộ3078 , ruộng công nộp tiền hoặc thóc có ruộng nhiều ruộng ít khác nhau, ruộng tư cũng có lúc đánh thuế. Đến lúc bắt đầu trung hưng vẫn noi theo phép cũ, sau mới đổi làm phép "bình lệ"3079 . Phép đặt lâu ngày, sinh ra tệ hại: thuế ngoại ngạch linh tinh và khoa điều sai phái nặng gấp hai thuế chính cung, thành ra dân chúng mỗi ngày càng cùng quẫn, người bỏ trốn, người thiếu thuế mỗi ngày một nhiều. Xét rộng đến điển lệ đời xưa, chỉ có phép tô, dung và điệu của nhà Đường là hay hơn cả. Việc này đem bàn luận đã được sự hợp ý của nhiều người. Vậy cho theo thứ tự thi hành. Đại để là theo thời đặt phép đúng, để thích hợp với phương pháp cai trị, mà cũng là kính mong học được tấm lòng của tổ tiên mà thôi".

Lúc ấy, Trịnh Cương đang hăng hái lo toan việc trị nước, tham tụng Nguyễn Công Hãng ngày đêm mưu tính, nên những chế độ về việc binh, việc dân, việc tài sản và thuế khóa, phần nhiều được xây dựng xếp đặt.

Phép tô: Theo chế độ cũ thì ruộng công mỗi mẫu đồng niên nộp tiền có nhiều ít khác nhau: từ hạng nộp một quan đến hạng nộp tám tiền, 6 tiền. Nay ấn định: các ruộng công mỗi mẫu nộp 8 tiền. Số tiền này chia làm 3 phần, hạng ruộng hai mùa (nhị thục điền) nộp hai phần ba bằng thóc; hạng ruộng một mùa (nhất thục điền) nộp một phần ba bằng thóc. Đất bãi công theo chỗ hiện cày cấy được chia làm hai bậc, mỗi mẫu nộp một quan hai tiền. Bãi nào có trồng dâu thì thuế tô bãi ấy một nữa nộp bằng tơ, bãi nào không trồng dâu thì nộp thay bằng tiền.

Ruộng tư, trước không đánh thuế, nay định ruộng tư chia ra hạng hai mùa và hạng một mùa nộp thuế khác nhau; ruộng hai mùa mỗi mẫu nộp 3 tiền, ruộng một mùa mỗi mẫu nộp hai tiền.

Phép dung: Theo chế cũ, thuế thân mỗi suất đinh đồng niên tùy theo từng hạng để nộp tiền, từ 1 quan đến 1 quan 8 tiền. Nay định: mỗi suất đinh nộp 1 quan 2 tiền, sinh đồ, lão hạng và hoàng đinh nộp một nữa số tiền thuế ấy.

Phép điệu: Theo chế độ cũ, hàng năm các việc bài, biểu, từ tự, điện, miếu, đê đường, cầu cống, kho tàng và trường thi v.v... đều tính theo suất đinh, để tùy tiện chia nhau đóng góp đệ nộp, phần nhiều thu quá lệ ngạch, vả lại thắng thúc bắt bớ lung tung dân không sao chịu được sự phiền nhiễu. Nay định: Mỗi suất đinh mùa hạ và mùa đông nộp 6 tiền; quan trên dùng tiền ấy, đóng góp thay cho dân, gọi là tiền thuế điệu.

Lại định tiền thuế dung, thuế điệu ở cửa đình và giáo phường: tiền cửa đình lấy xã lớn, xã vừa và xã nhỏ làm định mức. Giáo phường ở tứ trấn chỉ nộp tiền thuế dung, giáo phường ở Thanh, Nghệ chỉ nộp tiền thuế điệu. Đem so sánh, thì thuế giáo phường ở Nghệ An bằng năm phần mười thuế giáo phường ở tứ trấn, Thanh Hoa lại càng nhẹ hơn.

Lời chua - Nhị thục: Hạng ruộng tốt, một năm cấy lúa được hai mùa.

Nhất thục: Hạng ruộng xấu, một năm cấy lúa được một mùa.

Nộp thóc một phần ba hoặc hai phần ba: Ý nói đem số 8 tiền thuế mà đồng niên mỗi mẫu ruộng công phải nộp chia làm ba phần đều nhau, ruộng hai mùa phải nộp hai phần bằng thóc, một phần bằng tiền, ruộng một mùa phải nộp một phần bằng thóc, hai phần bằng tiền.

Đất bãi công chia ra hai hạng: Ý nói bãi công nào có thể cày cấy được là bãi đã thành thổ, thì chia ra từng hạng để đánh thuế.

Bãi nào có trồng dâu thì một nữa nộp bằng tơ: Ý nói thuế tô đất bãi, mỗi mẫu một quan hai tiền, bãi nào có trồng dâu, thì 6 tiền nộp bằng tiền, còn 6 tiền nữa thì trị giá tơ mà nộp bằng tơ.

Lão hạng và hoàng đinh: Dân đinh đến 50 tuổi gọi là lão hạng, từ 17 đến 19 tuổi gọi là hoàng đinh.

Bài, biểu: Theo "Quốc dụng chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì hàng năm, phàm gặp các lệ tiết chính đán3080 , đoan dương3081 , vạn thọ3082 , khánh thọ, diên thọ3083 v. v... Ở nha môn các triều đều có bài, có biểu kính dâng lễ vật; ở các nha môn khác cũng có đặt yến tiệc, hát xướng.

Từ tự: Ý nói đàn tràng tế tự, như tế giao, tế xã tắc, tế đinh, tế tiên nông, tế gió mưa v.v...

Điện, miếu: Ý nói các lễ tiết giỗ ở thái miếu nhà Lê và cung miếu họ Trịnh.

Trước kia hàng năm phàm gặp các lễ tiết kể trên cùng các công việc như sửa đắp đê đường, cầu cống, sửa sang hoặc xây dựng kho tàng hoặc trường thi v.v... đều ra lệnh cho quan ở trấn và nha môn các phủ huyện, tùy theo số đinh ở các xã nhiều hay ít, chia nhau thu nộp, để cung ứng vào các lễ tiết và công việc ấy. Đến nay đổi làm phép điệu.

Tiền cửa đình: Xã lớn3084 đồng niên nộp 6 quan sử tiền3085 , xã vừa3086 , nộp 4 quan, xã nhỏ3087 nộp 2 quan, để đủ dùng vào việc chi phát cho các nhạc công trong giáo phường.

Đặt thêm sở tuần ty ở các trấn.

Nội trấn và ngoại trấn đều đặt thêm một sở tuần ty, phàm người buôn bán qua lại tùy theo thuyền bè lớn hay nhỏ, chở hàng nặng hay nhẹ, để liệu lượng đánh thuế một phần bốn mươi (1/40) so với hàng đã chở.

Lời chua - Tuần ty: Theo "Quốc dụng chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì năm Bảo Thái thứ 4 triều Lê Dụ Tông, các sở tuần ty cũ và mới có: tuần ty Ngã Ngung ở Thanh Hoa, tuần ty Khả Lưu ở Nghệ An, tuần ty Trình Xá ở Sơn Tây, tuần ty Cân Dinh ở Kinh Bắc, tuần ty Quán Tuần ở Hưng Hóa, tuần ty Tam Kỳ ở Tuyên Quang, tuần ty Thành Tuần ở Lạng Sơn, tuần ty Suất Tuần ở Yên Quảng, và hai tuần ty ở Cao Bằng và Thái Nguyên. Còn tuần ty ở Sơn Nam và Hải Dương bỏ sót không chép. Tên xã và huyện ở chỗ đặt các tuần ty đều không được rõ. Vậy hãy ghi ra đây để phòng khi khảo cứu.

Tháng 8, mùa thu. Trịnh Cương hạ lệnh cho phủ liêu chia nhau khám xét kiện tụng.

Lúc ấy giấy tờ về việc kiện tụng mỗi ngày một nhiều, Trịnh Cương bèn sai phủ liêu chia nhau xét hỏi. Dựng nhà trạm lớn ở ngoài cửa phủ chúa để làm nơi hỏi kiện.

Ngày Giáp Ngọ, tháng 9. Sao Chổi xuất hiện ở vị trí sao Nữ.

Lời chua - Theo "Thiên văn chí" trong Tấn thư, thì sao Nữ có bốn chòm sao ở phía đông sao Thiên Kỷ.

Tháng 10, mùa đông. Phát sinh hoàng trùng.

Sai sứ thần sang nhà Thanh.

Chánh sứ là Phạm Khiêm Ích sang mừng việc Thanh Thế Tông lên ngôi; phó sứ là bọn Nguyễn Huy Nhuận và Phạm Đình Kính sang dâng lễ tuế cống và tạ ơn việc nhà Thanh ban cho lụa hoa.

Lời chua - Phạm Khiêm Ích: Người xã Bảo Triện3088 , huyện Gia Định, đỗ thám hoa khoa Canh Dần (1710) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông. Khiêm ích nguyên trước họ Nguyễn, cháu Nguyễn Mậu Tài, nay theo về họ bố nuôi là họ Phạm.

Nguyễn Huy Nhuận: Người xã Phú Thị3089 , huyện Gia Lâm, đỗ tiến sĩ khoa Quý Mùi (1703) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.

Phạm Đình Kính: Người xã Vĩnh Lại3090 , huyện Thiên Bản, đỗ tiến sĩ khoa Canh Dần (1710) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Giáp Thìn, năm thứ 5 (1724). (Thanh, năm Ung Chính thứ 2).

Tháng giêng, mùa xuân. Trịnh Cương tạm quyền thay nhà vua cử hành lễ tế nam giao.

Theo chế độ cũ, đầu mùa xuân tế trời, nhà vua thân hành đến đàn Nam Giao làm lễ; chúa Trịnh cùng trăm quan đều dự vào bồi tế. Năm này, vì nhà vua đau chân nên Trịnh Cương tạm quyền thay vua vào tế. Vì lòng mong muốn quá cao, phụ thần3091 xin Trịnh Cương theo như nghi lễ mà nhà vua thân vào tế, nhưng Cương không dám nhận, sai đặt vị đứng tế ở sân điện Chiêu Sư, rồi Cương thắp hương lạy thay nhà vua mà thôi.

Tháng 2. Lại sai binh lính Thái Nguyên đi thú thủ Cao Bằng.

Trước đây, lính thổ ở Thái Nguyên hàng năm luân chuyển nhau đi thú thủ Cao Bằng, đến năm Bảo Thái thứ 2 (1721) vì nơi biên cảnh không xảy ra việc gì, nên bãi bỏ việc lính thú. Đến nay theo lời xin của Nguyễn Trù, đốc trấn Cao Bằng, nên lại hạ lệnh cho phiên thần3092 Thái Nguyên đem quân bản thổ luân chuyển đi thú, định lệ cứ mỗi năm một lần thay đổi.

Lời chua - Thái Nguyên: Tức Ninh Sóc.

Cao Bằng: Tức Bắc Bình, trước thuộc Ninh Sóc, Thái Nguyên và Cao Bằng, đều xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 19, 31, 32, 35).

Nguyễn Trù: Người phường Đông Tác huyện Thọ Xương, đỗ tiến sĩ khoa Đinh Sửu (1697) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông. Trù là người học hỏi rộng rãi, thường sửa định, chú giải các sách Sách học đề cương và Quần hiền phú v.v... lưu hành ở đời.

Mở đường sông ở Thanh và Nghệ.

Hạ lệnh cho ty trấn thủ Thanh và Nghệ An đi khám xét các sông trong hạt, chỗ nào nông cạn, chỗ nào ủng tắc, thì tùy theo trượng thước nông hoặc sâu, trù tính định ra công việc phải làm, rồi lấy dân xã tiếp cận sung vào làm việc, để cho đường thủy được lưu thông, dân những xã này sẽ được trừ tiền thuế điệu.

Giảm tô và thuế cho dân Thanh Hoa., Nghệ An và dân trong kinh kỳ có nơi nhiều, nơi ít khác nhau.

Thanh Hoa là nơi "thang mộc"3093 , Nghệ An là dân hưởng ứng theo việc nghĩa3094 , kinh kỳ liền sát dưới xa giá của vua chúa. Những nơi này phàm tô và thuế đều được rộng cho giảm nhẹ: ở Thanh và Nghệ duy tiền thuế điệu là theo thể lệ tứ trấn, tô ruộng được giảm một nửa. Thuế thân dung được miễn hết; ở kinh kỳ thuế tô, thuế dung và thuế điệu đều liệu lượng giảm bớt có khác với tứ trấn.

Lời chua - Giảm tô và thuế: Theo Tạp kỷ của Cao Lãng, thì năm ấy, Trịnh Cương hạ lệnh: Hai xứ Thanh và Nghệ; về thân dung của đinh suất, nhất luật rộng cho được miễn hết; tô ruộng công và tư đều được giảm một nửa so với tô ruộng ở tứ trấn, ruộng công miễn nộp thóc; tiền thuế điệu theo thể lệ ở tứ trấn. Phàm các việc khởi công làm điện phủ, cung miếu, cầu cống và đào sông ngòi v.v... trước vẫn dùng dân hai xứ ấy để cung ứng vào công việc hai xứ, nay trừ dân tạo lệ3095 đã đem cấp cho các bầy tôi có công hoặc thân thích vua chúa, theo thể lệ được miễn đi rồi, ngoài ta thu mỗi suất đinh 6 tiền, để cung ứng vào việc chi dùng phí tổn. Đến như ruộng công trong kinh kỳ, mỗi mẫu chuẩn định cho nộp thuế tô 6 tiền, miễn phải nộp thóc, ruộng tư, mỗi mẫu chuẩn định cho nộp thuế tô 2 tiền, thuế thân dung, mỗi suất đinh 8 tiền; thuế điệu, mỗi suất đinh 4 tiền. Người đinh nào đã chịu thuế dung, thuế điệu, ở quê

quán mình rồi, đều được miễn; các hạng thổ ở phố, mỗi năm mỗi thước phải nộp tiền 10 đồng. Việc này giữ làm thể lệ thường hành.

Tháng 4 nhuận, mùa hạ. Giáng chức: Trương Công Khải, thượng thư bộ Hình, làm tả thị lang bộ Lại; Hồ Phi Tích, tả thị lang bộ Lại, làm hữu thị lang bộ Lễ.

Lúc ấy, người huyện Đường Hào3096 vì việc kiện phải luận vào tội đồ, người ấy mổ bụng để kêu oan. Việc này giao xuống cho bầy tôi được tham dự xét hỏi, thì quả nhiên người ấy lý thẳng. Xét ra, Trương Công Khải, thượng thư bộ Hình, và Hồ Phi Tích, tả thị lang bộ Lại, trước kia giữ chức ở Ngự sử đài không biết làm cho tỏ lẽ phải, nên hai người này đều bị tội, phải giáng chức.

Lời chua - Trương Công Khải: Người xã Thiên Kiện, huyện Thanh Liêm, đỗ tiến sĩ khoa Ất Sửu (1685) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.

Hồ Phi Tích: Người xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Đôi, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) năm Chính Hòa.

Tháng 11, mùa đông. Bắt đầu thi bác cử, nhà vua đến xét duyệt.

Lúc ấy mới đặt khoa thi võ, lấy 4 năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu thi ở bản trấn, gọi là "sở cử", 4 năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thi hội ở kinh đô gọi là "bác cử". Năm này. Trịnh Cương rước nhà vua thân đến xét duyệt. Lấy đỗ bọn Nguyễn Công Tự 11 người. Từ đây về sau cứ 3 năm một lần thi, chúa Trịnh tự chuyên quyền Xét duyệt.

Lời chua - Sở cử và bác cử: Theo Lê sử tục biên thì phép thi "Sở cử" như thế này:

Trước hết hỏi sơ lược về Võ kinh, sau đó, kỳ đệ nhất, đệ nhịvà đệ tam, luôn 3 kỳ thi về võ nghệ. Người nào trúng cách, là viên sinh; quan viên tử, quan viên tôn trúng cách, là biền sinh. Lại thi về phương pháp mưu lược việc binh. Người nào trúng ngay được kỳ này, gọi là học sinh; quan viên tử, quan viên tôn trúng được, gọi là biền sinh hợp thức.

Phép thi "bác cử" như thế này:

Kỳ đệ nhất, hỏi sơ lược về ý nghĩa bảy bộ sách binh thư; kỳ đệ nhị, thi võ nghệ, kỳ đệ tam, hỏi sơ lược một bài văn sách. Người nào trúng tuyển được vào thi ở sân phủ Chúa, kỳ này người nào hợp cách được làm tạo sĩ. Nếu người nào trong hai kỳ đệ nhất, đệ nhị thi võ nghệ được tinh thông thành thạo, mà kỳ đệ tam bài văn sách không được hợp cách, thì chọn lấy người trội nhất gọi là tao toát, được cùng tạo sĩ bổ dụng như nhau.

Theo kiến văn lục của Lê Quý Đôn, thì năm Bảo Thái thứ 5 (1724) đặt trường thi bác cử ở sở Thịnh Quang. Kỳ đệ nhất, hỏi mười câu về ý nghĩa trong bảy bộ sách binh thư; kỳ đệ nhị, thi hai tao võ nghệ: trước hết thi cưỡi ngựa múa đầu mâu, sau thi đấu siêu đao, lăn lá chắn và múa gươm giáo, căn cứ vào sự so đọ được hay thua để định người hơn người kém, sau đó lại xét duyệt người nào có khí sắc hùng dũng được thăng lên một bậc, người nào kém phải trụt xuống một bậc; kỳ đệ tam, thi văn sách hỏi cách thao luyện và phương lược về phép bày trận để đánh kẻ địch, giữ thành trì. Lấy 11 người đỗ tạo sĩ xuất thân, trong số ấy có Vân Đình Dận và Hoàng Nghĩa Bá, sau này đều là viên tướng nổi tiếng. Khoa này định thứ tự cho tạo sĩ mới được trao quan chức lần đầu như thế này: người đỗ vào hạng ưu phân, chu trung được chánh lục phẩm, người đỗ trung hạng và thứ trung được tùng lục phẩm, người thứ thủ được chánh thất phẩm. Về điển lệ ban ân cho tạo sĩ cũng như tiến sĩ.

Theo Lữ trung tạp thuyết của Bùi (Huy) Bích thì khoa thi võ đặt ra, tệ hại lại càng quá. Đầu năm Hồng Đức triều Lê Thánh Tông thường xét duyệt võ nghệ, người trúng cách được bổ sung làm tuấn sĩ. Sau khi trung hưng, định thời kỳ xét duyệt ở trong phủ chúa, chọn người có phương pháp mưu lược và người có quân công ở các cơ hiệu, rồi liệu lượng tài năng để bổ dụng. Đến giữa năm Bảo Thái mới đặt hai khoa sơ cử và bác cử, sau dần dà đi đến chỗ gian lận xảo trá, người ta nhân bám vào đấy mà làm thành cái "chợ buôn bán thi cử".

Viên sinh: Cũng như người đỗ sinh đồ khoa thi hương.

Biền sinh: Cũng như người đỗ nho sinh khoa thi hương.

Học sinh: Cũng như hương cống.

Biền sinh hợp thức: Cũng như nho sinh trúng thức khoa thi hội.

Bảy bộ sách: Tức Lục thao tam lược của Thái Công3097 , Binh pháp của Hoàng Thạch Công3098 , Tôn Tử3099 , Ngô Tử3100 , Tư Mã3101 và vấn đáp của Uất Liêu Tử3102 , Lý Vệ Công3103 .

Xét duyệt khí sắc hùng mạnh: Dùng một cái dùi đồng, ngoài bọc rạ, đánh vào đỉnh đầu 3 lần, nếu người nào mắt không chớp, thân không rung động, là người ấy được.

Nguyễn Công Tự: Có sách chép Phạm Công Tự, người xã Cự Khánh, huyện Đông Sơn.

Đình Dận: Người xã Lạc Phổ, huyện Hương Sơn.

Nghĩa Bá: Người xã Hoàng Vân, huyện Kim Động.

Tiếp tục việc làm sổ hộ.

Trước đây, lệ định 3 năm một lần làm sổ hộ, lần trước đã làm từ năm Nhâm Dần (1722) đến năm sắp tới là Ất Tỵ (1725) nhằm đúng vào năm phải kế tiếp sửa lại sổ hộ, do đấy ấn định quy chế: Phàm các hạng nhân đinh, có người nào mới đến tuổi hoặc người nào chết đi, thì lần lượt kê khai họ tên những người ấy, để căn cứ vào đấy mà truy xét đối chiếu. Phép này đến năm Vĩnh Khánh (1729-1731) lại bỏ.

Tháng 12. Không mưa.

Lúc ấy, đã lâu không mưa, hạ lệnh đình chỉ công việc xây dựng, tha thuế bỏ thiếu cho các xứ: dân xã nào còn thiếu thuế vụ đông năm Tân Sửu (năm Bảo Thái thứ 2) và vụ hạ năm Nhâm Dần (năm Bảo Thái thứ 3), trước kia đã từng định kỳ hạn phải nộp mà chưa thể nộp được, nay nhất luật đều được tha.

Đo đất bãi ven sông, cấp cho dân sở tại.

Đất bãi ven sông, khi bồi khi lỡ không nhất định. Chỗ nào được sa bồi thì dân chỗ ấy ăn may nhận làm của mình, chỗ nào bị sụt lỡ, thì dân chỗ ấy mất mối lợi, do đấy tranh nhau nhận đất, sinh ra khiếu khống liên miên. Bèn hạ lệnh cho quan sở tại theo số mẫu ruộng và đất bãi bị lỡ nhiều hay ít của từng dân xã, khám xét rõ ràng, rồi liệu lượng cấp đất cho.

Lời chua - Theo lời chua trong Tạp kỷ của Cao Lãng, thì lúc ấy hạ lệnh cho viên huyện theo thể lệ làm sổ hộ, cứ 3 năm một kỳ khám đo đất bãi. Phàm dân xã nào chỉ có đất bãi không có ruộng ở trong đê mà đất bãi bị sụt lở đến một phần ba, thì lấy đất phù sa ở đối ngạn bên kia sông, liệu lượng chiếu theo ngạch cũ và đinh suất xã ấy mà cấp. Chỗ đất bị sút lở được trừ cho ngạch thuế cũ, còn chỗ đất mới được cấp đợi khi cày cấy thành thổ sẽ bắt đầu đánh thuế.

Định thuế thổ sản.

Lúc ấy thuế tô và dung đã định xong, còn các thổ sản thì tùy theo thổ nghi của từng nơi, định giá để đánh thuế, sẽ chuẩn trừ cho thuế tô, thuế dung có thứ nhiều thứ ít khác nhau.

Lời chua-Thổ Sản: Theo "Quốc dụng chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, thì thổ sản có các loại: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ và đồ ăn thức dùng, thập vật v.v... Sách ấy lại chua rằng: loài kim như bạc, đồng, sắt và chì; loài mộc như gỗ tứ thiết, gỗ hồng sắc; loài thủy như cá và nước mắm; loài hỏa như than gỗ, than đá; loài thổ nhu son và diêm tiêu. Đồ ăn thức dùng như rượu, mật, dầu và sơn. Thập vật như các hạng giầy và chiếu trơn v.v...

Ất Tỵ, năm thứ 6 (1725). (Thanh, năm Ung Chính thứ 3).

Tháng 4, mùa h5. Túc Tông Hiếu Ninh hoàng đế3104 ta nối nghiệp.

Tháng 6. Xá các thuế còn bỏ thiếu.

Lúc ấy dân gian điêu tàn xơ xác, thuế tô, dungvà điệu phần nhiều bỏ thiếu. Bèn phân biệt ra các hạng nghèo khổ và lưu tán, liệu lượng thi hành lệnh hoãn thu hoặc ân xá. Lại lấu cớ rằng thóc lúa các huyện ở Hải Dương bị hao tổn vì nước mặn tràn ngập, nên lượng tha thuế nộp bằng tiền hay bằng thóc về vụ hạ năm nay có nơi nhiều nơi ít khác nhau.

Tháng tám, mùa thu. Đổi tên sông Hát làm sông Vân Bảo: sông Tô Lịch làm sông Địa Bảo.

Hai con sông Hát và Tô Lịch là chi lưu của sông Nhị. Sở dĩ đỗi tên làm Vân Bảo và Địa Bảo là lấy cớ rằng để cho đối với tên sông Thiên Đức và Nguyệt Đức.

Lời chua-Sông Hát: Tức cửa sông Hát, xem Bình Định Vương năm thứ 9 (Chb. XIII, 31).

Sông Tô Lịch: Xem Thuộc Đường, Mục Tông, năm Trường Khánh thứ 4 (Tb, IV, 31).

Sông Thiên Đức: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ nhất (Chb. II, 11).

Sông Nguyệt Đức: Sông này có hai chi phái: một chi từ xã Ngọc Long, huyện Tư Nông thuộc Thái Nguyên, chảy qua hai huyện Hiệp Hòa và Đa Phúc; một chi từ xã Đam Xuyên, huyện Yên Lãng thuộc Sơn Tây3105 , chảy qua hai huyện Kim Anh và Đa Phúc, rồi hợp dòng ở địa phận xã Hương La huyện Yên Phong làm thành ngã ba sông, chảy qua huyện Quế Dương, rồi đỗ vào sông Lục Đầu.

Sông Nhị: Tức sông Phú Lương, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Tháng 10, mùa đông. Sai bọn tham tụng Nguyễn Công Hãng làm khuyến nông sứ3106 .

Lúc ấy, mới sửa định sổ điền, dân sở tại phần nhiều tranh nhau địa giới, đã lâu không giải quyết được. Bèn sai phủ liêu là Nguyễn Công Hãng, Lê Anh Tuấn, Trương Nhiêu, Đặng Đình Gián và nội giám là bọn Đỗ Bá Phẩm, Nguyễn Khuê làm khuyến nông sứ, chia nhau đi tuần hành 4 đạo, xem xét địa thế rộng hay hẹp, xa hay gần, nhân dân nhiều hay ít, rồi tùy theo sự tiện nghi mà phân xử, để nhân dân các xã đều được yên ổn với nhau. Lại xem xét rõ địa thế bắt dân đắp đê đắp đập, để theo thời tiết lấy nước vào ruộng hoặc tháo nước ra sông, phòng bị việc hạn hán hoặc ngập lụt; xét kỷ chỗ tốt chỗ xấu, chia ruộng ra làm ba bậc để định ngạch thuế. Lại thăm hỏi sự đau khổ ở dân gian, bàn định thi hành chính sách hợp thời để cứu vớt dân.

Lời chua-Bốn đạo: Theo Tạp kỷ của Cao Lãng, thì quan khuyến nông chia ra đi 4 đạo như sau: Một đạo về địa phận 6 phủ thuộc xứ Sơn Nam, một đạo về địa phận xứ Sơn Tây và kiêm cả địa phận phủ Ứng Thiên; một đạo về địa phận xứ Kinh Bắc và kiêm cả địa phận phủ Thường Tín; một đạo về địa phận xứ Hải Dương và kiêm cả địa phận phủ Khoái Châu.

Trương Nhiêu: Người xã Như Kinh, huyện Gia Lâm.

Đình Gián: Người xã Lương Xá, huyện Chương Đức.

Kiểm soát dân đinh bỏ làng trốn tránh.

Lúc ấy, làm lại sổ đinh nhiều người trốn tránh. Bọn Công Hãng xin chiếu theo sổ đinh truy nã, rồi xét xem người nào mạnh khỏe cho sung vào quân ngũ, người nào gầy yếu cho sung vào phu dịch. Ai biết được người trốn tránh mà cáo tố với quan sẽ được ban thưởng. Nhân dân phần nhiều bị khổ sổ.

Tháng 11. Định rõ lại phẩm phục quan văn, quan võ.

Trước đây đã định kích thước hình dạng áo khăn thường phục. Đến nay định rõ lại phẩm phục trăm quan: Phàm mũ đai dùng trong lúc đại triều ở cung điện vua Lê và chầu chực ở phủ chúa Trịnh, đến hành nghi, thường phục, đồ dùng đều có cấp bậc khác nhau.

Lời chua-Phẩm phục: Lê triều cố điển chép:

Triều phục: Từ quan nhất phẩm đến tam phẩm dùng màu hồng; tứ phẩm, ngũ phẩm dùng màu lục, lục phẩm trở xuống dùng màu xanh.

Mũ: Hoàng thân và vương thân mũ trang sức bằng vàng; quan nhất phẩm đến tam phẩm đội mũ phốc đầu3107 trang sức bằng bạc; tứ phẩm và ngũ phẩm, về hàng võ đội nón sơn trắng, về hàng văn, đội mũ phốc đầu trang sức bằng thau; từ lục phẩm trở xuống về hàng võ, đội nón sơn son, về hàng văn, đội mũ phốc đầu không trang sức; viên quan giữ việc hình pháp đội mũ giải trãi3108 .

Đai lưng: Hoàng thân và vương thân đai lưng trang sức bằng vàng; quan nhất phẩm, nhị phẩm dùng sừng con hoa tê, trang sức bằng bạc, bọc lụa đỏ, quan tam phẩm dùng đồi mồi, trang sức bằng bạc; đai lưng của đô ngự sử cũng như đai của viên quan hàm nhị phẩm; viên quan tứ phẩm, ngũ phẩm về hàng võ, đai thắt dùng màu tía; về hàng văn, dùng đồi mồi viền thau, bọc đoạn thâm; từ lục phẩm trở xuống, về hàng võ đai thắt dùng màu xanh, về hàng văn dùng gỗ tốc hương viền thau, bọc đoạn thâm.

Bổ tử: Quan nhất phẩm, nhị phẩm, về hàng văn, dùng hình con tiên hạc; về hàng võ, dùng hình con bạch trạch; tam phẩm, về hàng võ, dùng hình con sư tử, về hàng văn, dùng hình con cẩm kê; tứ phẩm về hàng võ, dùng hình con hổ, về hàng văn, dùng hình con công; ngũ phẩm, về hàng võ, dùng hình con báo, về hàng văn, dùng hình con vân nhạn; từ lục phẩm trở xuống, về hàng võ, dùng hình con voi, về hàng văn, dùng hình con bạch nhàn; viên quan giữ việc hình pháp dùng hình con giải trãi.

Các quan vào hầu phủ chúa Trịnh: quan văn, quan võ dùng mũ sa màu thâm, mặc áo thanh cát y3109 , thắt thao kép xâu hạt ngọc. Tùy theo phẩm trật cao hay thấp mà dùng phẩm phục khác nhau.

Thường phục: Quan nhất phẩm, nhị phẩm dùng các hàng gấm hoa; từ tam phẩm đến ngũ phẩm dùng các hàng gấm đoạn; từ lục phẩm trở xuống dùng các hàng là lượt; dân gian dùng the, là, vãi, lụa hàng tre.

Võng và kiệu: Quan nhất phẩm, nhị phẩm kiệu bảy đòn khiêng, từ tam phẩm đến ngũ phẩm, kiệu ba đòn khiêng; từ lục phẩm trở xuống, võng ba đòn khiêng, đòn khiêng dài dùng hình thẳng; thứ dân, đòn khiêng võng dùng bằng tre.

Đồ dùng: Từ nhất phẩm đến tam phẩm, mâm sơn son, bát và chén dùng đồ Trung Quốc bịt bạc; tứ phẩm, ngũ phẩm, bát và chén bịt thau; từ lục phẩm trở xuống, mâm sơn màu tía, bát và chén dùng đồ Trung Quốc không bịt; dân gian, bát và chén dùng đồ của ta.

Trịnh Cương hạ lệnh cho nhân dân được phép ca tụng hoặc chê bai việc tốt việc xấu của viên quan giữ việc cai trị dân.

Tham tụng Nguyễn Công Hãng làm tờ khải nói: "Các quan giữ việc cai trị dân, nhân phẩm không giống nhau, họ tự xử trong mình có người liêm khiết, người tham ô, thi hành chính sự có điều tốt điều xấu, nếu không phải phân biệt người hay người dở, thì làm thế nào nêu được sự khuyên răn? Mà nếu không căn cứ vào lòng dân thì làm thế nào biết được người hay người dở? Vậy nên cho phép dân sở tại yết bảng ghi chép những lời ca tụng hoặc chê bai, để xem cho biết viên quan nào tốt, viên quan nào xấu. Làm như thế, khiến người ta biết kiêng kỵ răn sợ, mài giũa cho thành người liêm khiết siêng năng. Nhưng những đều yết lên bảng tất phải suất phát từ lẽ công bằng, cả hạt đều cùng một giọng. Nếu người nào yêu ghét theo ý riêng của mình, sinh ra khen chê càng bậy, thì người ấy sẽ có tội".

Lời phê-Chưa chắc đã được như thế3110 , chỉ sinh nhiều việc mà thôi. Trịnh Cương dùng Nguyễn Công Hãng giữ chức bảo phó cho con hắn là Giang, lại cho Công Hãng được mở doanh Trung Nhuệ.

Bính Ngọ, năm thứ 7 (1724). (Thanh, năm Ung Chính thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Bọn Phạm Khiêm Ích từ bên nhà Thanh trở về nước.

Trước đây, bọn Khiêm Ích sang sứ bộ sang nhà Thanh, khi đến Yên Kinh, vua nhà Thanh cho triệu vào yết kiến ở điện Kiền Thanh, yên ủi thăm hỏi, rồi chính tay vua viết bốn chữ "Nhật nam thế tộ"3111 đặc ân ban cho. Năm ấy, viên quan thế sử3112 tâu lên vua nhà Thanh là mặt trời mặt trăng hợp bích, năm vì sao liên châu. Nhân đấy, bọn Khiêm Ích dâng thơ chúc mừng; vua nhà Thanh ngợi khen và dụ bảo, lấy cớ rằng quốc vương3113 yêu chuộng văn học, tôn trọng đạo Nho, nên thưởng cho ba bộ sách.

Sau này bàn luận công trạng phụng mạng đi sứ, thăng Khiêm Ích chức tả thị lang bộ Hộ, tước Thuật quận công; Nguyễn Huy Nhuận chức tả thị lang bộ Hình, tước Triệu quận công; Phạm Đình Kính chức hữu thị lang bộ Binh, tước Lại khê hầu.

Lời chua-Ba bộ sách: I. Bội văn vận phủ, 2. Uyên giám loại hàm, 3. Cổ văn uyên giám.

Lại tham khảo "Lịch chí" trong Tân Đường thư chép: Căn bản làm lịch, phải suy tính năm thượng nguyên, vì năm nào nhằm đúng năm thượng nguyên thì mặt trời, mặt trăng hợp bích, năm vì sao như liên châu. Sách ngũ đại sử chép: viên quan giữ về thiên văn suy xét, nhằm tiết đông chí, lúc nửa đêm ngày mồng một thuộc năm Giáp Tý, hễ thấy mặt trời, mặt trăng và năm vì sao đều hội họp ở Tý, thì năm ấy là thượng nguyên.

Tháng 2. Cử hành lễ duyệt binh một cách trọng thể.

Trước đây, bọn Công Hãng bàn: Việc lựa chọn binh lính đã thành ngạch nhất định. Nên hạ lệnh cho các lính mới tuyển ở tứ trấn và phủ Trường Yên, định vào đầu tháng giêng năm nay đến kinh thành để luyện tập thao diễn. Đến nay cử hành lễ duyệt binh trọng thể, có tế cờ đạo, xong rồi lại cho về làm ruộng.

Lúc ấy, lính mới tuyển ở các trấn tập hợp đến hơn vạn người, chúa Trịnh thấy hàng ngũ binh lính tề chỉnh, nên ban thưởng cho có nhiều ít khác nhau. Từ đây về sau, mỗi năm cứ tháng trọng xuân cử hành lễ đại duyệt. Việc này đặt thành thể lệ nhất định.

Lời chua-Cờ đạo: Theo Hội điển nhà Minh, thì cờ đạo liệt vào hạng được thờ tự. Khi nào thiên tử thân hành đi đánh dẹp hoặc sai tướng đem quân đi đánh, thì trước tế cờ đạo rồi sau mới xuất hành.

Thể lệ triều cố Lê: Hàng năm, chọn ngày tốt trong tháng 2, chúa Trịnh thống suất quan quân các doanh, trang bị đầy đủ nhung phục và khí giới, đặt đàn tràng cáo tế ở lầu Ngũ Long, chiểu theo phương hướng, mở cờ, bắn súng, làm chấn động dung nghi quân lính, gọi là tế cờ.

Nghệ An bị nạn đói.

Nghệ An, giá gạo thình lình cao vọt. Bèn hạ lệnh cho Trấn ty phát thóc trong kho Vĩnh khố chẩn cấp cho dân; những lính đã tuyển ở hai huyện Kỳ Hoa và Thạch Hà hiện đóng ở trấn đồn, mỗi người lính được cấp thóc 40 bát quan.

Lời chua- Vĩnh khố: Ở địa phận hai xã Vĩnh Yên và An Trường thuộc huyện Chân Lộc.

Kỳ Hoa: Nay là huyện Kỳ Anh. Kỳ Hoa và Thạch Hà đều thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

Đời cố Lê: ty trấn thủ xứ Nghệ An ở địa phận xã An Trường huyện Chân Lộc; hai ty Thừa chính và Hiến sát ở địa phận xã Triều Khẩu, huyện Hưng Nguyên; lưu đồn ở địa phận xã Hà Trung, huyện Hà Hoa.

Tháng 6, mùa hạ. Bổ dụng những người tiến triều3114 là bọn Nguyễn Công Đĩnh làm giám sát ngự sử.

Lúc đầu trung hưng, bổ dụng người làm quan, không theo tư cách, cũng không phân biệt môn phái và cấp bậc, như: Vũ Duy Chí lấy tư cách là duyện lại xuất thân mà làm đến thượng thư3115 , Trần Đăng Doanh và Vũ Phương Trượng chưa được vào hạng tiến triều đã tăng ngay đến thị lang, hoặc tự khanh. Khoảng năm Vĩnh Trị-Chính Hòa (1676-1704) bầy tôi ở phủ đệ chúa Trịnh, trong đó cũng có người được vào hạng tiến triều, vì lúc ấy triều đình còn chưa căn cứ vào tư cách để phân biệt người làm quan đúng

đường hoặc làm quan tắt, sự phân biệt cao thấp chỉ trông vào chức tước phẩm trật của người hiện được triều đình trao cho mà thôi. Đầu năm Bảo Thái, mới định thể lệ văn thuộc tốn phẩm3116 Đến nay, cất nhắc những người vào hạng tiến triều là Nguyễn Công Đĩnh, Nguyễn Khắc Trung và Vũ Doanh Quán đều thăng làm ngự sử. Những người này tuy vào bậc được mặc áo màu hồng, đeo ngọc, nhưng bọn sĩ phu cũng không cho là bậc danh dự quan vinh.

lời chua-Tiến triều: Theo quan chế triều cố Lê, phàm người nào vào hạng giám sinh trúng thức, chỉ được bổ tri huyện, sau thăng chức hữu tham nghị là cùng; nếu có người nào vào hạng trúng thường3117 mà có công trạng rõ rệt, lại được bầy tôi trong triều hiệp đồng bảo cử, thì cho được cất nhắc bổ dụng cũng như người đỗ tiến sĩ. Hạng người này được thăng đến chức tham chính hoặc thị lang trong 6 bộ trở lên. Những người ấy gọi là tiến triều.

Tốn phẩm: Theo "Chức quan chí" trong Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, đầu năm Bảo Thái định thể lệ: Những văn thuộc tiến triều, thì đặc chỉ bắt phải tốn phẩm. Nghĩa là về việc phong ấm và cất nhắcđều kém người đỗ tiến sĩ hai bậc.

Văn thuộc: Một danh từ để gọi gia thần trong phủ chúa Trịnh.

Phương trượng: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường Yên, em Vũ Duy Chí.

Đăng Doanh: Người xã An Lạc, huyện Đông Thành.

Khắc Trung: Có sách chép. Khắc Dụng.

Tháng 8, mùa thu. Bắt đầu đặt chức tuần phủ ở các trấn.

Bổ dụng trung úy Nguyễn Khắc Xứng làm tuần phủ trấn Sơn Nam. Còn các trấn Sơn Tây, Kinh Bắc và Hải Dương thì đều chọn một viên quan võ, người nào có thể làm nổi công việc để bổ dụng. Chức tuần thủ lệ thuộc vào trấn ty, phân phối đi tuần địa điểm trọng yếu và kềm chế trộm cướp trong hạt. Chức tuần thủ được đặt ra bắt đầu từ đây.

Lời chua-Trung úy: Quan chế triều Lê, trung úy thuộc về võ giai, hàm chánh ngũ phẩm. Nguyên văn chép: "Diên xưởng".

Sai Vũ Đình Ân. Đông các hiệu thư hội đồng với người nhà Thanh lập giới mốc ở núi Xưởng Chì3118 .

Trước đây, đất biên giới hai châu Vị Xuyên và Thủy Vĩ bị thổ ty phủ Khai Hóa nhà Thanh xâm chiếm gồm 120 dặm. Năm Ung Chính thứ 3 (1725), Cao Kỳ Trác, tổng đốc Vân Nam nhà Thanh, lại tâu với vua Thanh là cương giới An Nam có chỗ xâm lấn vào biên cảnh cũ của nội địa3119 , xin thi hành việc tra xét rõ ràng. Việc này triều đình nhà Lê đưa thư sang biện bạch; Khổng Dục Tuân, tổng đốc Quảng Tây, tâu bày đề đạt giúp, được vua nhà Thanh y cho. Triều đình bèn hạ lệnh cho bọn Hồ Phi Tích và Vũ Công Tể hội đồng với viên quan phái ủy nhà Thanh là Phan Doãn Mẫn đi đến nơi khám xét, hai bên vẫn giằng co nhau không giải quyết được. Đến nay có tờ dụ của vua nhà Thanh đưa sang, triều đình bèn sai Đình Ân đi hội đồng lập giới mốc ở dưới núi Xưởng Chì. Đất nước ta được nhà Thanh trả lại 80 dặm, còn 40 dặm là chỗ có xưởng đồng3120 , vẫn còn bị chìm đắm vào phủ Khai Hóa.

Lời chua-Việc phủ Khai Hóa xâm chiếm đất: Xem Lê Hy Tông, năm Chính Hòa thứ 9 (Chb. XXXIV, 20-21).

Đình Ân: Người xã Mộ Trạch, huyện Đường Yên, đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Thìn (1712) năm Vĩnh Thịnh triều Lê Dụ Tông.

Công tể: Người xã Hải Bối, huyện Yên Lãng, đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718) năm Vĩnh Thịnh.

Định rõ lại thể lệ phong tặng và phong ấm.

Phàm quan văn, quan võ, viên quan nào được triều đình phong tặng hoặc phong ấm cho cha mẹ, vợ con, nếu viên quan ấy có tước thì theo tước để phong, nếu không có tước thì theo chức quan. Việc này là theo lời xin của Trịnh Quán và Nguyễn Công Hãng.

Tháng 10, mùa đông. Thêm ngạch lấy đỗ ở trường thi Phụng Thiên.

Theo ngạch cũ, số lấy đỗ ở trường thi hương phủ Phụng Thiên, về hạng đỗ tam trường3121 trước lấy hơn một trăm người, nay tăng lên trong 150 người, về hạng đỗ tứ trường3122 trước lấy hơn 10 người, nay tăng lên trong 20 người. Số này định làm thể lệ lâu dài.

Giảm nhẹ phú thuế cho trấn Cao Bằng.

Đầu năm Vĩnh Thịnh, định thêm phép đánh thuế ở Cao Bằng, thuế khóa và dao dịch phiền phức nặng nề, đã nhiều lần bầy tôi phiên trấn về kinh bầy tỏ sự đau khổ chồng chất của dân. Do đấy, triều đình hạ lệnh, giảm bớt các sở tuần ty và các thuế phụ như các thuế đánh vào đầu trâu, thuế nộp hồng quả3123 và vãi thô v.v... Từ đấy, dân ở bốn châu3124 , mới dần dần được yên nghĩ.

Lời chua-Thuế ở trấn Cao Bằng: Theo tạp kỷ của Cao Lãng, thì các tuần ty ở Cao Bằng như Na Lữ, Án Lại, Khê Lực và Thẩm Toán 4 sở, nay đều triệt bỏ.

Thể lệ cũ, các thuế phụ như thế này:

Thuế đánh vào đầu trâu, phàm người nào giết thịt trâu bò, thì tính từng đầu con vật mà nộp thuế.

Thuế hồng quả, trước kia hàng năm phải dâng nộp 65 gánh. Hai thứ thuế này, nay đều được miễn.

Thuế vãi hoa của người thổ, trước kia hàng năm phải dâng nộp 57 tấm, nay cũng giảm bớt, chỉ phải nộp ở trấn 20 tấm, còn thì chuẩn cho nộp bằng sử tiền, mỗi tấm 8 quan.

Tháng 11. Thi lại những người đã đỗ hương cống ở lầu Ngũ Long. Nguyễn Công Cơ được thăng chức thiếu bảo.

Lúc ấy, việc thi cử phần nhiều nhũng lạm, con em nhà quyền thế được đỗ hương cống, ít người có tài thực học. Nguyễn Công Cơ nói về việc này, nên có lệnh phải thi lại, kết quả đánh hỏng 28 người, trong số ấy có: con trai tham tụng Lê Anh Tuấn, con trai Huân quận công Đặng Đình Gián, con nuôi Nội giám thiếu bảo Đỗ Bá Phẩm cùng cống sĩ ở các xứ. Những người này phải giao xuống pháp đình xét hỏi để trị tội nặng. Triều đình nhận thấy Công Cơ là người nói thẳng, nên cho thăng chức thiếu bảo.

Thanh Hoa bị nạn đói.

Triều đình bỏ ra 4 vạn quan tiền ở trong kho, giao cho bồi tụng Nguyễn Hiệu đi phát chẩn cho dân.

Lời chua-Nguyễn Hiệu: Người xã Lan Khê, huyện Nông Cống, đỗ tiến sĩ khoa Canh Thìn (1700) năm Chính Hòa triều Lê Hy Tông.

Đinh Mùi, năm thứ 8 (1727). (Thanh, năm Ung Chính thứ 5).

Tháng 5, mùa hạ. Bổ dụng thiếu bảo Nguyễn Công Cơ giữ chức thự phủ sự.

Công Cơ là người thẳng thắn, sáng suốt, nói năng quả cảm. Công Hãng có ý ghét, ở trong chính phủ, Công Cơ thường bị đè nén, xin đổi sang Võ Giai, bèn đều bổ giữ chức thự phủ sự.

Tháng 7, mùa thu. Trịnh Cương lập Duy Phường, con thứ nhà vua (hoàng thứ tử) làm thái tử.

Trước kia, con trưởng nhà vua là Duy Tường 28 tuổi, ra ở ngôi Đông Cung3125 đã hơn 10 năm, Duy Phường là em 19 tuổi, do Trịnh Thị sinh ra. Trịnh Cương có ý muốn bỏ người này lập người khác nhưng khó tìm được lời lẽ gì để nói; Cương cùng bọn tham tụng Nguyễn Công Hãng bàn luận về việc phong chức ban tước cho các hoàng thân một cách phân biệt hơn, bèn trao cho Duy Tường tước quận công, hàm chức tứ phẩm, và lập Duy Phường làm thái tử.

Lời cẩn án-Duy Tường con trưởng của Dụ Tông, ra ở ngôi Đông Cung hơn 10 năm, danh vị thái tử đã ấn định rồi, thì nước là nước của thái tử Duy Tường, sao Trịnh Cương lại được phép bỏ Duy Tường mà lập Duy Phường? Về việc này, Sử cũ chép: "Duy Phường do chính cung sinh ra". Chính cung tức là con gái chúa Trịnh. Như thế chẳng qua họ Trịnh lập người con của con gái mình để cho người mẹ được quý hiển, lại mượn tiếng danh vị để thỏa mãn bụng riêng đấy thôi. Trịnh Cương muốn chuyên quyền bỏ người này lập người khác, mới quanh co làm ra lời bàn phong quan, ban tước. Chưa bao lâu nữa Cương ép nhà vua truyền ngôi cho Duy Phường, bề ngoài giả thác ta tiếng truyền ngôi, mà bề trong thì làm kế kế ăn cướp ngôi vua cho cháu ngoại. Cương coi việc xếp đặt ngôi vua như người đánh cờ, cả đến bầy tôi bấy giờ cũng phụ họa với hắn, thế mà người làm sử lại chép quanh co để che tội lỗi cho hắn. Lòng người đắm đuối, nghĩa lớn diệt vong, đến thế là cùng cực, đáng than thở biết chừng nào! Tháng 10, mùa đông. Bỏ thứ thuế ngoài lệ ngạch.

Lúc ấy tô, dung và điệu đã có ngạch thuế nhất định, mà người thừa hành vẫn sách nhiễu theo thói cũ, tệ hại không thể kể xiết! Bèn hạ lệnh: các hạng thuế ngoài lệ ngạch và các thổ sản đã đánh giá chuẩn cho nộp vào tiền thuế dung rồi, nay nhất luật tha cho; duy thuế tô, dung và điệu vẫn phải nộp tiền theo như thể lệ.

Lập phép chọn lựa và mộ lính nhất đinh.

Phép lựa chọn lính: Chiếu theo số đinh hiện tại, cứ mười người giữ lại một người làm việc, còn thì thải cho về làng, định rõ lệnh cấm về việc bắt bớ đòi hỏi phiền nhiễu. Phép mộ lính: phàm người nào thân thể sức vóc khỏe mạnh, tình nguyện đi lính, thì được phép nộp đơn, đợi lệnh xét duyệt, sẽ sung bổ vào đội ngũ, cấp cho ruộng công để làm lương ăn.

Lời chua-Nhất binh: Một danh hiệu để gọi lính tứ trấn lúc bấy giờ.

Trịnh Cương phong cho con là Giang làm tiết chế, tước Uy quận công, mở phủ Điện quốc.

Sai khi tiến phong cho con là tiết chế, Cương tự soạn bài văn, tiếm xưng là "bảo huấn" để ban cho Giang.

tháng 11. Trịnh Cương tự ý dựng phủ đệ mới ở Cổ Bi.

Khi tuổi đã về già, Trịnh Cương đi tuần du không có tiết độ. Nhiều lần sai bọn hoạn quan chia nhau đi sửa dựng các chùa ở núi Độc Tôn và Tây Thiên để phòng bị khi đi du ngoạn. Cổ Bi là một địa điểm nổi tiếng ở vùng Kinh Bắc, tiếp giáp với xã Như Kinh, mà Như Kinh là quê hương Trương thái phi, mẹ đẻ Trịnh Cương, nên Cương thường tuần du đến xã ấy. Vì mê hoặc về thuyết phong thủy, Cương muốn dời phủ đệ đến ở đất này, bầy tôi hắn lại nhiều người a dua phụ họa. Hắn bèn sai xây dựng phủ đệ mới, công việc làm một tháng đã hoàn thành, đặt tên là phủ Kim Thành. Nhân đấy, bọn đại tư đồ Trịnh Quán và thiếu phó Nguyễn Công Hãng được thăng thưởng chức tước có người cao có người thấp khác nhau.

Lời chua-Phong thủy: Sách Táng Kinh của Quách Phát chép:

Chỗ đất nào được thủy khí là đất tốt nhất, chỗ nào giữ được phong khí là đất tốt thứ 2.

Cổ Bi và Như Kinh3126 : Tên 2 xã, đều thuộc huyện Gia Lâm, trấn Kinh Bắc.

Núi Độc Tôn: Ở địa phận xã Cát Nê, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Chùa Tây Thiên: Ở xã Sơn Đình, huyện Tam Dương. Cả hai nơi đều thuộc sơn phận Tam Đảo.

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...