Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 22 Từ Tân Mão, Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) đến Giáp Ngọ, Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 5 (1474)

K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ XXII

Từ Tân Mão, Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 2 (1471) đến Giáp Ngọ, Lê Thánh Tông, năm Hồng Đức thứ 5 (1474), gồm 4 năm.

Tân Mão, năm thứ 2 (1471). (Minh, năm Thánh Hòa thứ 7).

Tháng 2, mùa xuân. Nhà vua tiến quân vây thành Chà Bàn2120 , phá tan thành ấy, bắt được chúa Chiêm Thành là Trà Toàn, rồi chỉnh đốn quân sĩ trở về kinh sư.

Trước đây, đại quân tiến đến Thuận Hóa, nhà vua nhận thấy quân sĩ đã tiến vào đất giặc, càng cần phải luyện tập cho thành thuộc, mới hạ chiếu: vệ quân Thuận Hóa ra biển, thi đánh trận bằng thuyền; lại hạ lệnh: Nguyễn Vũ, người Thuận Hóa, vẽ và dâng nộp đồ bản về núi sông hiểm trở, nơi bình dị của nước Chiêm Thành. Nhà vua thân hành soạn "sách lược bình Chiêm"2121 ban phát cho tướng sĩ các doanh. Lấy thóc ở kho Thuận Hóa đem xôi cho chín, gọi là "gạo đới xác"2122 vận chở đến hành tại của vua để cung cấp cho quân sĩ. Đến đây, xa giá nhà vua đến hai cửa biển Tân Áp và Cựu Tọa. Trà Toàn sai em (không rõ tên) đem sáu viên tướng và 50000 quân kéo lẽn đến sát doanh trại nhà vua. Nhà vua bí mật sai Tả du kích tướng quân là bọn Lê Hi Cát đem châu sư2123 đi 500 chhiếc thuyền vượt ngay ra biển, lẻn vào cửa biển Sa Kỳ, lập dinh lũy, đặt đồn ải, để chặn đường về của quân Chiêm. Nhà vua thân hành đem châu sư đi hơn 1000 chiếc thuyền và hơn 70 vạn quân tinh nhuệ tiến ra biển, kéo lá cờ "thiên tử", vừa đánh trống vừa hò reo tiến thẳng về đằng trước mặt, rồi bí mật sai viên tướng giữ quân bộ là Nguyễn Đức Trung đem quân đi lẻn vào chân núi. Quân giặc trông thấy, sợ quá, phải tan vỡ, chúng tan chạy đến thành Chà Bàn. Khi đến núi Mạc Nô, gặp toán quân của Hi Cát đón đường ngăn lại, chúng sợ hãi chạy trốn. Bọn Lê Niệm và Ngô Hồng tung quân ra đánh, chém được một đại tướng, bọn quân còn lại sợ chạy tán loạn. Nhà vua đến cửa biển Thái Cân, tung quân ra đánh mạnh, chém được hơn 300 thủ cấp và bắt sống được hơn 60 người.

Trà Toàn sợ quá, dâng tờ biểu xin hàng. Nhà vua đem đại quân đánh phá thành Thi Nại, rồi tiến quân xông thẳng đến thành Chà Bàn, bao vây nhiều trùng, lại sai các doanh chế tạo phi thê2124 chuẩn bị đánh thành. Tình thế Trà Toàn càng thêm cùng quẫn, hằng ngày đệ nộp tờ cam kết đầu hàng. Nhà vua triệu bọn Lê Viết Trung bảo rằng: "Chí khí chiến đấu của giặc đã rã rời, khí cụ đánh thành của ta đã đầy đủ, ngày nay quân sĩ trèo lên thành, chỉ thúc một hồi trống cũng có thể phá thành được". Rồi nhà vua bí mật hẹn cho các doanh phải tức tốc trèo thành mà vào; lại dụ bảo các tướng sĩ: "Trong lúc thành Chà Bàn đã bị hạ, các kho tàng đều phải niêm phong, canh giữ không được thiêu hủy, bắt sống chúa Chiêm là Trà Toàn giải đến hành doanh không được giết hại". Một lúc sau, đứng xa trông thấy toán quân đi trước đã trèo lên được chỗ tường thấp trên mặt thành, bèn bắn luôn ba tiếng pháo để tiếp ứng, lại hạ lệnh cho vệ quân thần võ phá cửa đông thành tiến vào. Thành Chà Bàn liền bị vỡ, bắt được hơn ba vạn

tù binh và chém được hơn bốn vạn thủ cấp. Vệ quân Thuận Hóa bắt sống Trà Toàn dẫn đến trước mặt vua; nhà vua ban chỉ dụ hỏi han yên ủi, sai dẫn ra cho ở ngoài ti trấn điện. Bèn hạ chiếu đem quân về.

Lời phê2125 -Trước nói 26 vạn quân2126 đã sai sự thật, ở đây nói 500 chiếc thuyền đã là quá đáng huống hồ lại nói những hơn 1000 chiếc thuyền và 70 vạn quân, làm sao mà lại nói khoác không nghĩ đến như thế? Lời phê2127 -Chỉ hiếu thắng mà thôi, không phải là quân nhân. Lời phê2128 -Cũng chỉ nói hão. Lời chua-Thành Chà Bàn: Xem Trần Duệ Tông, năm Long Khánh thứ 5 (Chb. X, 41).

Thuận Hóa: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 23-24).

Vệ quân Thuận Hóa: Xem năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 34).

Tân Áp: Cửa biển, nay ở huyện Hà Đông, tỉnh Quảng Nam, có một tên nữa là cửa biển Hợp Hòa. Ở đây là nơi chứa nước của sông Bản Giang và sông Tam Kỳ, tức là cửa biển Đại Áp ngày nay.

Cựu Tọa: Cửa biển, cách xa cửa biển Tân Áp chừng bảy dặm, tức là cửa biển Tiểu Áp ngày nay.

Sa Kỳ: Cửa biển này ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa.

Núi Mạc Nô: Nay ở phía tây cửa biển Sa Kỳ.

Thái Cần: Cửa biển, nay ở phía Đông Bắc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa.

Đem nước Chiêm Thành chia làm ba nước: Chiêm Thành, Hoa Anh, và Nam Bàn, phong vương cho mỗi người giữ một nước.

Sau khi Trà Toàn đã bị bắt, Bô Trì Trì, tướng nước Chiêm, chạy đến Phan Lung, chiếm giữ đất chiêm, xưng là chúa Chiêm Thành. Trì Trì chiếm giữ được hai phần năm đất đai trong nước, sai sứ sang xưng làm tôi và xin vào cống nạp. Nhà vua bèn phong cho Trì Trì làm vương, lại phong hai tước vương nữa ở Hoa Anh và Nam Bàn, gồm ba nước, để làm kế ràng buộc họ. Còn về phần đất Đại Chiêm và Cổ Lũy, thì dùng người đầu hàng là Ba Thái làm đồng tri phủ ở Đại Chiêm và dùng Đa Thủy làm thiêm tri châu. Nhà vua dụ bảo rằng: "Đại Chiêm và Cổ Lũy trước kia là đất của nước ta, ít lâu nay bị mất về nước chiêm, nay khôi phục lại được cả, nên đặc ân sai các ngươi trấn giữ đất ấy; nếu có người không tuân lệnh, thì được phép trước giết chết rồi sau mới tâu về triều". Lại hạ lệnh Đỗ Tử Quy làm đồng tri châu giữ việc quân và dân ở Đại Chiêm; Lê Ỷ Đà làm tri châu Cổ Lũy, giữ việc quân và dân ở Cổ Lũy, để đề phòng người Chiêm Thành bội bạn.

Cấm quan và dân không ai được riêng chứa chấp người Chiêm Thành.

Lời chua-Chiêm Thành-Tức Lâm Ấp, xem Thuộc Tấn, Mục Đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20-21).

phan Lung: Đời cổ, Phan Lung là một nước ở ngoài cương vực Nhật Nam; qua các đời Đinh, [Tiền] Lê và Trần, nước này đều thuộc Chiêm Thành; nhà Lê, năm Hồng Đức thứ 2, Thánh Tông đem phong cho Bô Trì Trì. Phan Rang tức là chỗ đất Phan Lung này. Bản triều Hi Tông Hiếu Triết hoàng đế2129 đánh phá Chiêm Thành, lấy đất Phan Rang trở về phía Bắc đến núi Thạch Bi đặt làm doanh Thái Khang, còn từ Phan Rang trở về

phía nam giáp với Phan Rí vẫn là nước Chiêm Thành. Hiển tông hiếu minh hoàng đế2130 hạ tên nước Chiêm Thành xuống làm trấn Thuận Thành, đem dòng dõi chúa Chiêm Thành trước làm trấn thủ, lại đặt doanh Bình Thuận đem trấn Thuận Thành lệ thuộc vào doanh này. Thế Tông hiếu vũ hoàng đế2131 đổi doanh Thái Khang làm doanh Bình Khang. Năm Gia Long thứ 2 (1803) đổi doanh Bình Khang làm doanh Bình Hòa; năm thứ 7 (1808) lại đổi doanh Bình Hòa làm trấn Bình Hòa, doanh Bình Thuận làm trấn Bình Thuận, năm Minh Mệnh thứ 12 (1831) đổi trấn Bình Hòa làm tỉnh Khách Hòa, trấn Bình Thuận làm tỉnh Bình Thuận.

Nam Bàn: Từ triều Lê trở về trước, Nam Bàn thuộc Chiêm Thành, đến khi Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đai đến núi Thạch Bi2132 , phong dòng dõi chúa cũ Chiêm Thành là Nam Bàn quốc vương, và chia cho giữ đất đai từ núi Thạch Bi này trở về phía tây, từ phủ Hoài Nhân đi theo đường thượng đạo (?) thì phải đi 14 ngày mới đến được nước này, tức là đất của hai nước Thủy Xá và Hoài Xá bây giờ.

Đại Chiêm: Nay là tỉnh Quảng Nam.

Cổ Lũy: Xem Trần Dụ Tông, năm Thiệu Phong thứ 13 (Chb. X, 5).

Hoa Anh: Theo sách Hậu Lê dã lục thì dòng dõi Hoa Anh về sau mòn mỏi suy yếu, nay không thể khảo cứu được.

Các tù trưởng ở phương Tây đều đến triều yết cống nạp.

Sau khi nhà vua đã bình định được Chiêm Thành, uy danh vang dội đến những địa vực xa xăm, các tù trưởng ở phương Tây không ai là không phục tùng: Ai Lao sai sứ thần là Lang Lệ đem phẩm vật địa phương đến dâng; thổ quan phủ Trấn Ninh là Cầm Công, thổ quan châu Thuận Bình là Đạo Nhị, em Đạo Nhị là Đạo Đông và tri châu động Du Phác là Đạo Lự đều đem voi đực cùng phẩm vật địa phương đến cống hiến.

Lời phê-Theo sử cũ, thì các nước đến triều cống có nước đến trước, nước đến sau2133 , không phải vì việc đánh được Chiêm Thành này mà các nước mới đến triều cống. Đại để ở đây chép phần nhiều là lời khoa trương. Lời chua-Ai Lao: Tên nước, xem Triệu Việt Vương, năm thứ 2 (Tb. IV, 9-10).

Trấn Ninh: Tên phủ, xem năm Hồng Đức thứ 10 (Chb. XXIII, 30-31).

Thuận Bình: Theo phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, thì châu Thuận Bình thuộc nguyên2134 Cam Lộ, huyện Vũ Xương, phủ Triệu Phong nay là huyện Thành Hóa thuộc tỉnh Quảng Trị.

Cầm Đồng, Đạo Nhị, Đạo Đồng, Đạo Lư: Đều là danh hiệu thổ tù.

Động Du Phác: Nay không khảo cứu được.

Tháng 4, mùa hạ. Nhà vua về đến cung điện, dâng tù binh ở thái miếu.

Nhà vua thân sáng chế bức thư thắng trận, sai quan đem về kinh sư báo cáo cho trong nước biết. Khi xa giá về đến sông Phi Lai, đổi đi bằng thuyền. Lúc ấy, chúa Chiêm Thành là Trà Toàn vì lo sợ,

phát bệnh rồi chết. Nhà vua sai chém lấy thủ cấp, dựng một lá cờ trắng ở đầu thuyền, đề chữ rằng: "Chiêm Thành nguyên ác Trà Toàn chi thủ" (Thủ cấp của tên ác nghịch đầu sỏ ở Chiêm Thành là Trà Toàn(. Khi về cung điện, dâng tù binh ở thái miếu. Bầy tôi dâng biểu chúc mừng.

Lời chua-Sông Phi Lai: Ở xã Phi Lai, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 6. Đặt đạo Quảng Nam.

Nhà vua đem đất Chiêm Thành đặt làm Quảng Nam thừa tuyên, quản lãnh 3 phủ, 9 huyện, đặt ba ty: Đô ty, Thừa ty, và Hiến ty và đặt vệ quân Thanh Hoa gồm 5 sở.

Nhà vua lấy cớ rằng ở Quảng Nam không có thuyền, mỗi khi quân và dân nộp thuế, thường có sự hao hụt mất mát, nên hạ lệnh: từ nay, mỗi khi đến kỳ nộp thuế, thì Thừa ty Quảng Nam tư dy công văn đến ba ty ở Thuận Hóa giao phó các hạng thuế, để Thuận Hóa sai người chuyển nộp về Kinh.

Nhà vua ra sắc lệnh dụ bảo Phạm Bá Tôn, tham chính Quảng Nam: dân sinh nào là con trai từ 15 tuổi trở lên, tư chất thông minh chăm học, thì đến ngày khảo, hai ty Thừa ty và Hiến ty bản đạo hội đồng kén chọn, tâu bày đầy đủ, sẽ cho sung vào sinh đồ bản phủ, để dạy bảo cho biết lễ nghĩa.

Lời chua-Quảng Nam: Theo Hồng Đức thiên nam dư hạ tập, thì Quảng Nam thừa tuyên quản lĩnh ba phủ, chín huyện:

Phủ Thăng Hoa quản lĩnh ba huyện: Lê Giang, Hà Đông và Hi Giang.

Phủ Tư Nghĩa quản lĩnh ba huyện: Bình Sơn, Mộ Hoa và Nghĩa Giang;

Phủ Hoài Nhân quản lĩnh ba huyện: Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn;

Quảng Nam: Đất Việt thường xưa; nhà Tần, thuộc Tượng quận; nhà Hán, thuộc Nhật Nam; nhà Đường, là Lâm Ấp; nhà Tống, là đất Lý Châu và Chiêm Động của Chiêm Thành; nhà Trần, thuộc đất Hóa Châu; nhuận Hồ lấy cả đất Đại Chiêm và Cổ Lũy của Chiêm Thành đặt làm bốn châu: Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; thuộc Minh hợp lại làm phủ Thăng Hoa; hồi đầu triều Lê, là đất cơ mi2135 gọi tên là Nam giới, nhưng sổ sách chỉ chép tên suông, chứ thật ra thì đất đai chỗ ấy vẫn do người Chiêm Thành chiếm cứ. Đến năm Hồng Đức thứ 3 (1472) Thánh Tông thân đi đánh Chiêm Thành, lấy đất ấy đặt làm Quảng Nam thừa tuyên quản lĩnh ba phủ, chín huyện.

Bản triều, Thái tổ Gia Dụ hoàng đế năm 452136 đổi đặt làm Quảng Nam doanh, sắp đặt các phủ huyện thuộc Quảng Nam doanh như sau này:

Tách huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong xứ Thuận Hóa đổi đặt làm phủ, rồi đổi huyện Hi Giang làm huyện Duy Xuyên và đặt thêm hai huyện Hòa Vinh và Diên Phúc cho thuộc vào phủ Điện Bàn;

Đổi huyện Lê Giang làm huyện Lễ Dương cùng với huyện Hà Đông vẫn để thuộc phủ Thănh Hoa;

Đổi phủ Tư Nghĩa làm phủ Quảng Nghĩa, phủ Hoài Nhân làm phủ Quy Nhơn.

Lấy đất từ núi Cù Mông trở về phía nam đặt thêm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt hai phủ Phú Yên. Các phủ huyện trên đều lệ thuộc vào Quảng Nam;

Năm Gia Long thứ 2, trích hai phủ Thăng Hoa, và Điện Bàn đặt làm Quảng Nam doanh, phủ Quảng Nghĩa đặt làm Quảng Nghĩa doanh, phủ Quy Nhơn đặt làm Bình Định doanh, phủ Phú Yên đặt làm Phú Yên doanh; năm thứ 7, lại đổi bốn doanh Quảng Nam, Quảng Nghĩa, Bình Định và Phú Yên là trấn.

Năm Minh Mệnh thứ 12, đổi trấn làm tỉnh; năm thứ 16, tách lấy đất huyện Duy Xuyên thuộc phủ Điện Bàn tỉnh Quảng Nam đặt thêm huyện Quế Sơn cùng với hai huyện Lễ Dương và Hà Đông đều thuộc phủ Thăng Hoa; lại đổi phủ Quảng Nghĩa làm phủ Tư Nghĩa, đổi phủ Quy Nhơn thuộc Bình Định làm phủ Hoài Nhân, tách huyện Phù Ly đổi đặt làm hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát cùng với huyện Bồng Sơn cho lệ thuộc vào phủ Hoài Nhân; Tách huyện Tuy Viễn đặt thêm huyện Tuy Phúc lập làm phủ Yên Nhân; phủ Phú Yên đổi đặt làm phủ Tuy Yên và đem hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào phủ ấy. Năm Thiệu Trị nguyên niên đổi phủ Thăng Hoa thuộc Quảng Nam làm phủ Thăng Bình, huyện Mộ Hoa thuộc tỉnh Quảng Nghĩa làm huyện Mộ Đức. Năm Tự Đức thứ 5, bỏ bớt phủ Yên Nhân, đem hai huyện Tuy Viễn và Tuy Phúc cho đổi thuộc vào phủ Hoài Nhân; năm thứ 18, lại đặt phủ Yên Nhân như cũ; tỉnh Phú Yên đổi đặt làm đạo, lệ thuộc tỉnh Bình Định; năm thứ 29, lại đặt tỉnh Phú Yên như cũ.

Đô, Thừa, Hiến ba ti: Theo quan chế triều Lê, Đô tổng binh sứ ti, đặt chức tổng binh sứ, tổng binh đồng tri và tổng binh thiêm sự. Tán trị thừa chính sứ ti, đặt chức thừa chính sứ, tham chính và tham nghị. Thanh hình hiến sát sứ ti, đặt chức hiến sát sứ, hiến sát phó sứ. Theo mục Chức quan chí trong lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú, chức trách Đô tổng binh giữ về binh chính; chức trách thừa chính sứ ti giữ về sổ sách quân và dân chức trách hiến sát sứ giữ về việc tâu bày những lời nói phải, đàn hặc tội lỗi của quan lại và thẩm xét tra hỏi việc hình ngục.

Thăng Hoa vệ: Gồm 5 sở là: Trù Thắng, Hoàn Tì, Hiệp Sơn, Siêu Hải và Khống Huyền. Vệ này thuộc Đô ti Quảng Nam.

Bắt đầu đặt chức hiến sát2137 ở 12 đạo.

Trước đây chia trong nước làm 12 đạo, đều đặt Đô tổng binh sứ và Thừa chính sứ ti2138 , còn Hiến sát sứ ti vẫn chưa đặt đũ. Đến đây đã đặt ba ti: Đô, Thừa, Hiến, ở Quảng Nam, bèn đặt thêm ti Thanh Hình hiến sát ở 12 đạo. Chức Hiến sát bắt đầu đặt từ đây.

Lời chua-Mười hai đạo thừa tuyên: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 15-53).

Lập con là Tân làm Kiến Vương.

Nhà vua sai Thái bảo Lê Cảnh Huy đem kinh sách2139 phong cho con là Tân làm Kiến vương. Kiến vương, con thứ năm của nhà vua, là người có phong thái vững vàng cao cả, chăm học, hay chữ, mỗi khi nhà vua sách tác bài thơ, bài ca phần nhiều sai vương họa lại.

Tháng 8, mùa thu. Ra sắc lệnh cho viên Đề hình ngự sử kiểm tra việc hình ngục.

Nhà vua ra sắc lệnh cho viên Đề hình ngự sử: phàm viên chức trong bộ Hình, trong Đại Lý tự và quan giữ việc hình ngục, có ai tha tội người này buộc tội người khác, trái phép luật làm điều thảm khắc, hoặc làm cho người phạm tội có điều oan uổng, thì viên Đề hình ngự sử phải thân hành kiểm tra xét hỏi, tâu bày đàn hặc, để tỏ rõ nổi oan uổng cho phạm nhân.

Tháng 9. Xét định quan chế.

Quan chế ấn định như sau này:

Bắt đầu từ các tước những người trong hoàng tông2140 :

- Thân vương: Hoàng tử được phong là thân vương thì dùng tên một phủ làm tên hiệu.

- Tự thân vương: Thế tử của thân vương được phong là tự thân vương thì dùng tên một huyện làm tên hiệu.

- Tước công: Các con của hoàng thái tử và các con của thân vương đều được phong tước công.

- Tước hầu: Con trưởng của hoàng thái tôn, của tự thân vương và của tước công đều được phong tước hầu.

- Tước bá: Các con của hoàng thái tôn, của tự thân vương, của tước công và con trưởng của thân công chúa đều được phong tước bá.

- Tước tử: Các con của thân công chúa và con trưởng của tước hầu, tước bá đều được phong tước tử.

- Tước nam: Con trưởng của truy tặng thân công chúa2141 và các con2142 của tước hầu, tước bá đều được phong tước nam.

Những tước công, hầu, bá, tử, nam kể trên đều dùng những chữ đẽ làm tên hiệu.

Con các người trong hoàng tông mà được cất nhắc để trao cho phẩm trật theo thể lệ có 8 bậc: từ Tá quốc đến Tự ân sứ.

Thứ hai đến các tước của bầy tôi có công:

- Tước quốc công và quận công lấy tên một phủ hoặc một huyện làm tên hiệu, nhưng chỉ dùng một chữ.

- Tước hầu và tước bá lấy tên một xã làm tên hiệu, dùng có hai chữ.

Về cấp bậc của bầy tôi có công:

- Văn huân có 5 bậc: từ Thượng trụ quốc đến Tu thận thiếu doãn.

- Võ huân có 5 bậc: Từ Thượng trụ quốc đến Thiết kỵ úy.

mỗi bậc đều có bậc chánh và bậc tùng.

- Văn giai có 9 bậc: từ chánh nhất phẩm đến tùng cửu phẩm.

- Võ giai có 6 bậc: Từ chánh nhất phẩm đến tùng lục phẩm.

Mỗi bậc đều có bậc chánh và bậc tùng.

- Nội quan và tản quan có bảy bậc: từ chánh tam phẩm đến tùng cửu phẩm, mỗi bậc cũng có chánh và phó.

Về thông tư2143 của các tước và các cấp bậc: từ trật cao nhất đến thấp nhất cộng 24 tư.

Về những chữ để vinh phong cho công thần: từ chữ "suy trung" đến chữ "tuyên lực" cộng 24 chữ. Đại để các quan văn, quan võ có công được sơ phong hoặc gia phong từ 2 chữ đến 8 chữ, nên dùng chữ nào để phong cho người nào, đến lúc vinh phúc, nhà vua sẽ đặc cách gia ân cho.

Về chức trọng yếu: Thì thái sư, thái úy, thái phó, thái bảo và thiếu sư, thiếu úy, thiếu phó, thiếu bảo là đại thần trọng chức; lục bộ, lục khoa, lục tự và ngự sử mười ba đạo làm yếu chức.

Về hàng quan võ:

trong kinh thành: đặt Đô đốc phủ trong ngũ phủ quân vả đặt hai vệ Kim Ngô và Cẩm Y, 4 vệ Hiệu lực, 4 vệ Thần Võ, 6 vệ Điền tiền.

Ở các trấn bên ngoài cũng đặt phủ vệ Đô ti.

Ở các xứ ven sông và ven biển đều đặt chức tuần kiểm.

Về việc cai trị các trấn, thì 2 ti Thừa chính, Hiến sát và các nha môn ở phủ, huyện, châu đều đặt quan để cai trị.

Lời chua-Quan chế: Theo Hồng Đức thiên nam dư hạ tập thì điển lệ về quan chế đời Hồng Đức như sau:

Các tước trong hoàng tông:

Người được phong là thân vương dùng tên một phủ làm tên hiệu, nhưng chỉ dùng một chữ. Ví dụ: "Kiến vương" tức là dùng chữ "Kiến" của phủ Kiến Hưng.

Người được phong thân vương dùng tên một huyện làm tên hiệu, mà dùng cả hai chữ. Ví dụ: "Hải lăng vương" tức là dùng tên gọi của huyện Hải Lăng.

Các con của hoàng thái tử và của thân vương được phong tước công; con trưởng của tự thân vương và của tước công được phong tước hầu; các con của hoàng thái tôn, của tự thân vương, của tước công và con trưởng của thân công chúa được phong tước bá, phò mã đô úy được ngang hàng với tước bá. Tước công, tước hầu, tước bá đều đứng trên hàng chánh nhất phẩm. Các con của thân công chúa và con trưởng của tước hầu, tước bá được phong tước tử, ngang hàng với chánh nhất phẩm; con trưởng của truy tặng thân công chúa và các con của tước hầu tước bá được phong tước nam, ngang hàng với tòng nhất phẩm. Năm bậc về tước công, tước hầu, tước bá, tước tử và tước nam, đều dùng chữ đẹp đẽ làm tên hiệu. Ví dụ: Thiệu Khang Công, Vĩnh kiến hầu, Tĩnh Cung bá, Diên Xương tử và Quảng Trạch Nam v.v...

Những người trong hàng tông mà được cất nhắc để trao cho phẩm trật:

Con của tước tử và tước nam được phong là Tá quốc sứ, ngang hàng chánh nhị phẩm.

Con của Tá quốc sứ được phong là Phụng quốc sứ, ngang hàng tùng nhị phẩm.

Con của Phụng quốc sứ được phong là Dực quốc sứ, ngang hàng chánh tam phẩm.

Con của Dực quốc sứ được phong là Lượng quốc sứ, ngang hàng tùng tam phẩm.

Cháu của thân công chúa và các con của truy tặng thân công chúa được phong là Sùng ân sứ.

Tằng tôn (chắt) của thân công chúa, cháu của truy tặng thân công chúa và con của quận thượng chúa được phong là Dụ ân sứ. Sùng ân sứ và Dụ ân sứ đều ngang hàng với tùng tam phẩm.2144 .

Huyền tôn (chút) con của thân công chúa, tằng tôn (chắt) của truy tặng thân công chúa, cháu của quận thượng chúa và con của quận chúa được phong là Mậu ân sứ, ngang hàng tùng tứ phẩm.

Huyền tôn của truy tặng thân công chúa, cháu của quận chúa và con của quận công đều được phong là Tự ân sứ, ngang hàng tùng ngũ phẩm.

Con rễ của hoàng thái tử và của thân vương được phong là quận thượng chúa nghi tân, ngang hàng chánh tam phẩm.

Con rễ của tự thân vương và của thân công chúa được phong là quận chúa nghi tân, ngang hàng tùng tam phẩm.

Các tước của bầy tôi có công: Tước quốc công dùng tên một phủ làm tên hiệu, nhưng chỉ dùng một chữ. Ví dụ: "Tuyên quốc công" tức là dùng chữ "Tuyên" của tên gọi phủ Tuyên Quang.

Tước quận công dùng tên một huyện làm tên hiệu, cũng chỉ dùng một chữ. Ví dụ: tước "Sùng quận công" tức ra dùng chữ "Sùng" của tên gọi huyện Sùng An.

Tước hầu và tước bá dùng tên một xã làm tên hiệu, dùng 2 chữ. Ví dụ: tước "Nam xang hầu" tức là dùng tên gọi của xã Nam Xang; "Duyên hà bá" tức là dùng tên gọi của xã Duyên Hà.

Người bầy tôi có công: về hàng văn huân thì thượng trụ quốc hàm chánh nhất phẩm; trụ quốc hàm tùng nhất phẩm; chánh trị thượng khanh hàm chánh nhị phẩm, chánh trị khanh hàm tùng nhị phẩm; tư chánh thượng khanh hàm chánh tam phẩm, tư chánh khanh hàm tùng tam phẩm; khuông mĩ doãn hàm chánh tứ phẩm, khuông mĩ thiếu doãn hàm tùng tứ phẩm, tu thận doãn hàm chánh ngũ phẩm, tu thận thiếu doãn hàm tùng ngũ phẩm.

Về hàng võ huân thì: thượng trụ quốc hàm chánh nhất phẩm, trụ quốc hàm tùng nhất phẩm; thượng hộ quân hàm chánh nhị phẩm, hộ quân hàm tùng nhị phẩm; thượng khinh xa úy hàm chánh tam phẩm, khinh xa úy hàm tùng tam phẩm; kiêu kỹ úy hàm chánh tứ phẩm, phi kỵ úy hàm tùng tứ phẩm; vân kỵ úy hàm chánh ngũ phẩm, thiết kỵ úy hàm tùng ngũ phẩm.

Quan tước về văn giai và võ giai:

Thái sư+Thái úy+Thái bảo đều hàm chánh nhất phẩm.

Những người giữ chức quan này về văn giai thì thăng thụ là đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu, gia thụ là đặc tiến khai phủ kim tử vinh lộc đại phu; về võ giai thì thăng thụ là đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân, gia thụ là khai quốc thượng tướng quân.

Thái tử thái sư+thái tử thái úy+thái tử thái phó+thái tử thái bảo+Tả đô đốc+Hữu đô đốc đều hàm tùng nhất phẩm.

Những người giữ chức quan này, về văn giai thì thăng thụ là sùng tiến tuyên lộc đại phu, gia thụ là ngân thanh tuyên lộc đại phu; về võ giai thì thăng thụ là sùng tiến phụ quốc đại tướng quân, gia thụ là sùng tiến trấn quốc thượng tướng quân.

Thiếu sư+Thiếu úy+Thiếu phó+Thiếu bảo+Đô điểm kiểm đề đốc+Đô đốc đồng tri+Đề lãnh đều hàm chánh nhị phẩm.

Những người giữ chức quan này về văn giai thì sơ thụ là quang tiến đại phu, thăng thụ là quang lượng đại phu, gia thụ là quang kiêm đại phu; về võ giai thì sơ thụ là chiêu nghị tướng quân, thăng thụ là chiêu hùng tướng quân, gia thụ là chiêu dũng tướng quân.

Thái tử thiếu sư+Thái tử thiếu úy+Thái tử thiếu phó+Thái tử thiếu bảo+Thượng thư+Đô đốc+Thiêm sự+Tả hữu điểm kiểm+Tham đốc+Phó đề lĩnh đều hàm tùng nhị phẩm.

Những người giữ chức quan này, về văn giai thì sơ thụ là phụng trực đại phu, thăng thụ là phụng công đại phu, gia thụ là phụng huấn đại phu; về võ giai thì sơ thụ là võ huân tướng quân, thăng thụ là võ lược tướng quân, gai phụ là võ nghị tướng quân.

Tông nhân phủ tông nhân lệnh+Lăng chánh+Đô đài ngự sử+Tả hữu thứ tử+Đô chỉ huy sứ+Đô tổng binh sứ+Tuyên uý đại sứ đều hàm chánh tam phẩm.

Những người giữ chức quan này, về văn giai thì sơ thụ là thông chương đại phu, thăng thụ là thông lễ đại phu, gia thụ là thông nghị đại phu; về võ giai, sơ thụ là anh liệt tướng quân, thăng thụ là anh túc tướng quân, gia thụ là anh vĩ tướng quân.

Tả hữu thị lang+Tông nhân phủ tả, hữu tông chính+Lăng phó+Tả hữu dụ đức+Thừa chính sứ+Đô chỉ huy đồng tri+Các viên chỉ huy sứ ở các vệ Thần Võ, Hiệu Lực, Điện Tiền+Các viên tổng tri, tổng binh đồng tri ở các vệ thuộc ngũ phủ và Tuyên úy sứ đều hàm tùng tam phẩm.

Những người giữ chức quan này, về văn gai thì sơ thụ là gia hạnh đại phu, thăng thụ là gia ích đại phu, gia thụ là gia thăng đại phu; võ giai thì sơ thụ là minh dực tướng quân, thăng thụ là minh quyết tướng quân, gia thụ là minh ý tướng quân.

Hàn lâm viện thừa chỉ+phó đô ngự sử+lăng thừa+Tả, hữu trung doãn+Tả, hữu xuân phường+đô chỉ huy thiêm sự+Các chỉ huy sứ các ti Cẩm Y, Thiên Ngô, Thần Oai, Thần Tí, Du Nỗ+Các viên tướng đồng tổng tri, tổng binh thiêm sự ở các vệ thuộc ngũ phủ và tuyên úy đồng tri đều hàm chánh tứ phẩm.

Những người giữ chức quan này, về văn giai thì sớ thụ là trung trinh đại phu, thăng thụ là trung huệ đại phu, gia thụ là trung thuận đại phu; về võ giai thì sơ thụ là hoài viễn tướng quân, thăng thụ là đinh viễn tướng quân, gia thụ là an viễn tướng quân.

Đông các đại học sĩ+Quốc tử giám tế tửu+Thông chính sứ+Tham chính+các viên chỉ huy tả hữu tán thiện+các viên chỉ huy thiêm sự ở các vệ Hiệu Lực, Thần Võ, Điện Tiền+các viên thiêm tổng tri ở các vệ thuộc ngũ phủ và viên tuyên úy thiêm sự đều hàm tùng tứ phẩm.

Những người giữ quan chức này, về văn giai thì sơ thụ là triều liệt đại phu, thăng thụ là triều đoan đại phu, gia thụ là triều tĩnh đại phu; về võ giai thì sơ thụ là trì oai tướng quân, thăng thụ là bỉnh oai tướng quân, gia thụ là quảng oai tướng quân.

Hàn lâm viện thị độc+Thiêm đô ngự sử+Lục tự khanh+Chiêm sự viện chiêm sự+Thái y viện đại sứ+phủ doãn phủ Phụng Thiên+các viên chỉ huy thiêm sự ở các ti thuộc vệ Cẩm Y, Kim Ngô+Trấn điện tướng quân+Lực sĩ hiệu úy+các viên thiện hộ ở các ti Thần Oai Du Nỗ+các viên phó đô tri ở các vệ Tuần Tượng, Mã Nhàn+các viên đô tri ở các vệ ngoại trấn+các viên thống chế ở các vệ Thần Võ, Điện Tiền+các viên chánh đô úy ở các ti Tượng Cứu, Mã Cứu+các viên quản lĩnh ngoại vệ thuộc ngũ phủ+viên cung chính ở cung Thiên Hòa và quân dân Chiêu Thảo sứ đều hàm chánh ngũ phẩm.

Những người giữ quan chức này, về văn giai thì sơ thụ là hoằng tín đại phu, thăng thụ là hoằng tri đại phu, gia thụ là hoằng nghĩa đại phu; về võ giai thì sơ thụ là kiện trung tướng quân, thăng thụ là quán trung tướng quân, gia thụ là bảo trung tướng quân.

Hàn lâm viện thị giảng+Đông các học sĩ+Quốc tử giám tư nghiệp+Thái y viện viện sứ+Tả hữu thuyết thư+Chính truyến2145 phó thông chính+Chiêm sự viện thiếu thiêm sự+các viên đoán sự, tham nghị ở hai ti Cẩm Y, Kim Ngô+viên phó lực sĩ hiệu úy+các viên phó thiên hộ ở các ti thần oai, Du Nỗ+các viên trung úy ở vệ Thần Võ, Điện Tiền+viên lang tướng ở ti Trung thành binh mã+viên phó quản lãnh ở ngoại vệ thuộc

ngũ phủ+viên cung phó ở cung Thiên Hòa và quân dân Chiêu Thảo đồng tri đều hàm tùng ngũ phẩm.

Những người giữ quan chức này, về văn giai thì sơ thụ là hiển cung đại phu, thăng thụ là hiển lượng đại phu, gia thụ là hiển huệ đại phu; về võ giai thì sơ thụ là tráng tiết tướng quân, thăng thụ là tận tiết tướng quân, gia thụ là kính tiết tướng quân.

Lang trung các ti ở lục bộ+Hàn lâm viện thị thư+Đông các hiệu thư+Trung thư giám trung thư xá nhân+Thái y viện ngự y chính+Tư thiên giám tư thiên lệnh+lục tự thiếu khanh+Phụng thiên phủ thiếu doãn+hiến sát sứ+các viên chánh đề hạt, phó đoán sự, bá hộ ở các viện Tuần tượng, Mã nhàn+các viên phó trung úy ở các vệ Thần Võ, Điện Tiền+viên phó lang tướng ở ti Trung thành binh mã+viên đô úy ở vệ Tượng cứu, Mã Cứu+viên chánh võ úy ở ngoại vệ thuộc ngũ phủ+viên cung thừa ở cung Thiên Hòa và quân dân chiêu thảo thiêm sự, kinh lược sứ đều hàm chánh lục phẩm.

Những người giữ quan chức này, về văn giai thì sơ thụ là mậu lâm lang, thăng thụ là tuấn lâm lang, gia thụ là đức lâm lang; về võ giai thì sơ thụ là phấn lực tướng quân, thăng thụ là quả lực tướng quân, gia thụ là chấn lực tướng quân.

Viên ngoại lang+Hàn lâm viện đãi chế+Trung thư giám điển thư+Thái y viện ngự y phó+tả, hữu tư giảng+các viên đề hạt các vệ Tuần Tượng, Mã Nhàn+viên thừa ti ở ti Thông Chính+viên tri phủ+các viên phó lang tướng ở các vệ Tả, Hữu, Tiền, Hậu+viên võ úy ở ngoại vệ thuộc ngũ phủ+các viên kinh lược sứ, đồng tri, phòng ngự sứ ở vệ Thành Môn+viên chính chưởng ở cung Thiên Hòa+viên sở sứ ở sáu sở thuộc bộ Công+các viên cục sứ ở Thượng Y Giám, Ngự dụng giám và viên thự chính ở Thái Quan thự đều hàm tùng lục phẩm.

Những người giữ quan chức này, về văn giai thì sơ thụ là mậu lâm tá lang, thăng thụ là tuân lâm tá lang, gia thụ là đức lâm tá lang; về võ giai thì sơ thụ là quả cảm tướng quân, thăng thụ là hùng cảm tướng quân, gia thụ là cường cảm tướng quân.

Hàn lâm viện hiệu lý, đãi chiếu+Đề hình giám sát ngự sử+Trung thư giám chính tự+tự thừa ở sáu tự+Thái y viện biện kiểm+tư thiên giám giám phó+huyện úy ở hai huyện Vĩnh Xương, Quảng Đức+Đô cấp sự trung ở sáu khoa+trưởng sử ở ti Kinh Cục, Tẩy mã sở và các phủ+hiến sát phó sứ+đồng tri phủ+phó đề hạt ở các vệ Tuần Tượng, Mã Nhàn+phó đô úy ở Tượng Cứu, Mã Cứu+phó võ úy, phó vệ úy ở ngoại vệ thuộc ngũ phủ+Kinh Lược+Chiêm sự+Phòng ngữ đồng tri+phó chưởng cung Thiên Hòa+sở phó sứ ở sáu sở trong bộ Công và thự phó ở Thái quan thự, đều hàm chánh nhất phẩm.

Những người giữ chức này, sơ thụ là cần sự lang, thăng thụ là kính sự lang, gia thụ là thừa sự lang.

Hàn lâm viện kiêm thảo+thông phán hai huyện Vĩnh Xương, Quảng Đức+điên hàn cục Ti Kinh+giữ ngục ti Điện Tiền+tri huyện+tri châu+phòng ngữ thiêm sự+sở thừa sáu sở thuộc bộ Công và thự thừa ở thự Thái Quan, đều hàm tùng nhất phẩm.

Những người giữ chức này, sơ thụ là cân sự tá lang, thăng thụ là kinh sự tá lang, gia thụ là thừa sự tá lang.

Sử quán tu soạn+tư huấn Chiêu văn quán, Tú lâm cục+ngũ kinh giáo thụ ở Quốc tử giám+giám thừa ở Tư thiên giám cập sự trung ở sáu khoa+ngục thừa ở ti Điện Tiền+cục chính ở cục Thừa Dụ+phụ đạo chúnh ở ti Man Di phụ đạo+ti chính ở ti Giáo Phường+bào chính ở các thự Thần Trù, Thái Quan, Lam Kinh+cục chính ở các giám Tuyên Đạt, Thượng Y, Ngự Dụng và thự chính ở các thự, đều hàm chánh bát phẩm.

Những người giữ chức này, sơ thụ là tiến công lang, thăng thụ là hiệu công lang, gia thụ là địch công lang.

Lục bộ tư vụ, Sử quán biên lục, viên chiếu ma ở Ngự sử đài, viên điển nghĩa ở Sùng Văn Quán và Tú Lâm cục+viên sứ ti ở Cáp Môn và ti Lam Kinh+viên giám bạ ở Ngũ Kinh Học chính+viên bình sự ở Đại Lý tự+Khố sứ ở các kho Thiện Hội trung, Thiệu Hội đông, Thiệu Hội Tây, Thiện Hội nam, Thiện Hội bắc, và Trúc Mộc, Tang Phạt, Thiên Oai, Trừ Phong+Thông Sự chính+ngũ quan chính ở Tư Thiên giám+viên đường sứ ở Tế Sinh đường+viên trị trung ở phủ Phụng Thiên+viên điển sứ ở ti Thông Chính sứ+viên điển sứ ở viện Chiêm Sự+viên bạn độc ở các phủ thân vương công+Phủ úy, Vệ úy+Lương y chính ở các vệ Cẩm Y, Kim Ngô, Hiệu Lực, Thần Võ và Điện Tiền+lục sự ở các vệ Thần Võ, Hiệu Lực và Điện Tiền+Đô sự ở các ti Thần Oai, Du Nỗ và Trung Thành+kinh lịch trong ngũ phủ+điển bạ ở các vệ trong ngũ phủ+tri bạ ở các vệ Thần Võ, Hiệu Lực, Điện Tiền, Tượng Cứu, Mã Cứu, Tuần Tượng, Mã Nhàn+đô quan+chủ sự+suy quan+huyện thừa+đồng tri châu+cục phó trong cục thừa dụ+giữ ngục ở ngục sở Ngũ Hình+Phụ Đạo phó+Ti Phó trong ti giáo phường+Bào Phó ở các thự Thần Trù, Thái Quan, Lam Kinh+ti uấn ở ti Lương Uấn+Cục chính ở cục Ưng Sự+Sở sứ ở các sở Đồn Điền+sở sứ ở các sở Tàm Tang+Ti sứ ở ti Tinh Mễ+cục phó ở các giám, Tuyên Đạt, Thượng Y, Ngư Dụng+Tượng phó ở sáu sở trong bộ Công+Ti chính ở ti Điển Cứu+cục chính ở các cục Chưởng Liễn, Điển Tàng, Trân Tu, Công Tác, đều hàm tùng bát phẩm.

Những người giữ chức này, sơ thụ là tiến công thứ lang, thăng thụ là hiệu công thứ lang, gia thụ là địch công thứ lang.

Phó Sứ ở kho+Kiểm hiệu ở Tông Nhân phủ+Hồng Lô tự ban+Thông sự phó ở bộ phận Lão Qua, Bắc và Chiêm+khán chẩn ở Tế Sinh đường+khố sứ ở kho Sinh Dược+tư thần lang ởTư Thiên Giám+huấn đạo chủ bạ, Tư nghị ở phủ Phụng Thiên và các phủ khác+Thiện y chính giảng dụ, khổng mực lương y ở sở Thiện Y+phó sứ cáp môn+Tri sự ở sơn lăng Lam Kinh++Ngục thừa ở ngục sở trong ti ngũ hình+ngục thừa ở sở án ngục trong Ngự Sử đài+Điển Thiện trong sở Điển Thiện+tuần kiểm sứ+cục chính trong cục Thị Vệ+thự chính trong thự Đồng Văn nhã nhạc+cục phó ở cục Lương Uẩn+cục phó ở cục Ứng sự+phó sứ các sở đồn điền và tàm tang+sở sứ ở sở trồng rau+sở chính ở sở Bách Hí tả, hữu+tăng thống ở ti Tăng Lục+đạo thống ở ti Đạo Lục+sở sứ ở các sở Điền Mục+trưởng quan ở ti Man Di trưởng quan+cục phó ở các cục Chưởng Liễn, Điển Tàng, Trân Tu, Công Tác, đều hàm chánh cửu phẩm.

Những người giữ chức này, sơ thụ là tương sĩ lang, thăng thụ là đăng sĩ lang, gia thụ là lập sĩ lang.

Điên thụ+phó sứ các sở+ti sứ ở ti Thị Mãi+các viên thuê sứ+trưởng đò ở các ti bến đò+trưởng thị ở các chợ+xiển giáo giác nghĩa trong ti Tăng lục+điển pháp huy nghĩa trong ty Đạo lục+dịch thừa và phố chính ở quán sứ hội đồng+đàn sư ở các đàn+từ thừa ở các đền+huấn khoa ở y học+khuyến nông sứ ở các phủ+hà đê sứ các phủ+thự chính và tăng, đạo chính ở các chùa+quán sứ ở các quán+phó trưởng quan ở ti Man Di trưởng quan, đều hàm tùng cửu phẩm.

Các người giữ chức này, sơ thụ là tương sĩ thứ lang, thăng thụ là đăng sĩ thứ lang, gia thụ là lập sĩ thứ lang.

Chế độ về quan chức ở Nội điện:

Nội quan và tản quan:Thị trung lệnh hàm chánh tam phẩm, phó thị trung lệnh hàm tùng tam phẩm; bật trực lệnh lệnh hàm chánh tứ phẩm, phó bật trực lệnh hàm tùng tứ phẩm; hiệp vịnh lệnh hàm chánh ngũ phẩm, phó hiệp vịnh hàm tùng ngũ phẩm; sùng liêm chính hàm chánh lục phẩm, phó sùng liêm chính hàm tùng lục phẩm; thuần lương chính hàm chánh thất phẩm, phó thuần lương chính hàm tùng thất phẩm; sức tu chính hàm chánh bát phẩm, phó sức tu chính hàm tùng bát phẩm; lịch sử chính hàm chánh cửu phẩm, phó lịch sử chính hàm tùng cửu phẩm.

Về thông tư:

Các quan văn võ, người được dự phong quốc công là thượng trật 24 tư; quận công thượng giai 23 tư; hầu thượng liên 22 tư; bá thượng ban 21 tư; tử thượng tự 20 tư; nam thượng chế 19 tư; chánh nhất phẩm thượng tuyển 18 tư; tùng nhất phẩm thượng liệt 17 tư; chánh nhị phẩm trung trật 16 tư; tùng nhị phẩm trung giai 15 tư; chánh tam phẩm trung liên 14 tư, tùng tam phẩm trung ban 13 tư; chánh tứ phẩm trung tự 12 tư, tùng tứ phẩm trung chế 11 tư; chánh ngũ phẩm trung tuyển 10 tư, tùng ngũ phẩm trung liệt 9 tư; chánh lục phẩm hạ trật 8 tư, tùng lục phẩm hạ giai 7 tư; chánh thất phẩm hạ tự 4 tư, tùng bát phẩm hạ chế 3 tư; chánh cửu phẩm hạ tuyển 2 tư, tùng cửu phẩm hạ liệt 1 tư. Gồm 24 tư.

Bầy tôi có công được vinh phong, đặc ân gia phong chữ đẹp đẽ: Như những chữ: suy trung, dực vận, tá lý, cần lễ, tán trị, dương võ, kính thận, minh nghĩa, trinh ý, phụ quốc, hiệp mưu, đồng đức, khiêm cung, đoan nhã, kiệt tiết, tránh liệt, uy dũng, cương chính, bình văn, hiệu thuận, thuần tín, đôn hậu, tĩnh nạn, tuyên lực, gồm 24 bậc.

Lục Bộ, Lục Khoa: Đều xem năm Quang Thuận thứ 6 (Chb. XIX, 30-31).

Mười ba đạo giám sát ngự sử: Xem năm Hồng Đức thứ 4 (Chb. XXII, 32-33).

Ngũ phủ, Lục tự: Đều xem năm Quang Thuận thứ 7 (Chb. XX, 2, 6).

Hai vệ Cẩm Y và Kim Ngô, bốn vệ Hiệu Lực, bốn vệ Thần Võ, sáu vệ Điện Tiền: Gọi là thủ vệ tam ti.

Các vệ quân ở Đô ti các trấn: Xem năm Quang Thuận thứ 8 (Chb. XX, 33-36).

Xét-Quan chế đời Hồng Đức: chánh nhất phẩm, tùng nhất phẩm về văn giai, võ giai đều không có sơ thụ, còn từ chánh nhị phẩm đến tùng cửu phẩm về văn giai và từ chánh nhị phẩm đến tùng lục phẩm về võ giai đều có sơ thụ, lúc bấy giờ nghị định về quan chế như thế nào, nay không rõ được, vậy hãy ghi lại để đề phòng khi khảo cứu.

Sai sứ thần sang nhà Minh.

Nhà vua sai bọn Bùi Viết Lương, Nguyễn Lãm và Lê Nhân sang nhà Minh nộp lễ cống hàng năm; bọn Nguyễn Đức Trinh và Phạm Mục sang báo cáo về việc Chiêm Thành đánh úp biên giới nước ta.

Sách Bang giao bị lãm của Giáp Trưng2146 chép: Tháng 10, mùa đông, năm thứ 2, Tân Mão2147 , Lê Thánh Tông sai bọn Nguyễn Đức Trinh và Phạm Mục sang báo cáo với nhà Minh, đại lược trong lời tâu nói: "Tháng 8 năm ngoái, vua nước Chiêm Thành đem quân đánh úp đất Hóa Châu nước tôi, tôi thân hành đem người trong nước đi cứu viện Hóa Châu. Tháng 5 năm nay, vua Chiêm Thành lại bắt hơn 10 vạn quân vây hãm tôi mấy trùng; trong lúc nguy cấp, tôi phải phá vòng vây để đón đánh lại. Người nước Chiêm vẫn oán giận họ, không còn có chí chiến đấu, cùng nhau người thì phản lại, người thì bỏ trốn. Quân tuần tiễu của tôi kéo đến quốc đô nước ấy, thì dân chúng nước ấy không giúp rập vua, nên người bỏ binh khí chạy trốn, người quay giáo đầu hàng, vua Chiêm Thành đem quân đi về phương nam, tôi thấy thế, liền đem quân về nước giữ vững cảnh thổ cũ nước mình. Tôi trộm nghĩ: Chiêm Thành xưa nay vẫn thù địch với nước tôi, nay lại đem quân đến đánh úp cướp bóc, tôi bất đắc dĩ phải mạn phép tập hợp binh sĩ để ứng phó, trong lúc vội vàng chỉ muốn gỡ mối lo nhiễu nhương ở nơi biên quận. Làm như thế, cũng e rằng trái với lời ân cần răn bảo của bậc thánh minh2148 , tôi rất lấy làm lo sợ. Bây giờ việc tiến lui của tôi chỉ xin theo mệnh lệnh thiên triều định đoạt".

Định phép đánh thuế.

Nhân đinh mỗi người nộp 8 tiền, về tiền thuế trồng dâu thì liệu lượng từng mẫu chia làm 3 bậc: bậc nhất, bậc nhì và bậc ba, mỗi bậc nộp tiền khác nhau.

Đặt sào thước về ruộng đất. Nhà vua hạ lệnh: ruộng hoặc đất cứ mỗi mẫu là 10 sào 6 thước 5 tấc2149 .

Lời chua-Tiền thuế bãi trồng dâu: Nay không khảo cứu được.

Tháng 11, mùa đông. Trà Toại nước Chiêm Thành, làm phản. Nhà vua sai Lê Niệm, bình chương tướng quân, đi đánh, dẹp yên được.

Trước đây, chúa Chiêm Thành là Trà Toàn đã bị bắt, em hắn là Bàn La Trà Toại trốn vào trong núi, sai sứ đem việc trong nước bị hoạn nạn báo cáo với nhà Minh và xin nhà Minh phong vương cho, thống lĩnh ba vạn quân đi đánh, bắt Trà Toại và bộ lạc đưa về kinh sư.

Lời phê-Họ phục tùng ở chỗ nào2150 ?

Lời cẩn án-Theo truyện An Nam chép trong Minh sử, thì "nhà Minh, năm Thành Hóa thứ 72151 , Lê Vương đánh phá nước Chiêm Thành, bắt chúa nước ấy là Bàn La Trà Toàn; hơn ba năm sau, lại đến đánh phá bắt chúa nước ấy là Bàn La Trà Duyệt, rồi đổi nước ấy là Nam Châu, đặt quân đóng đồn thú thủ". Về truyện Chiêm Thành, sách ấy chép: "Năm Thành Hóa thứ 52152 , An Nam đòi Chiêm Thành phải nộp tê, tượng và của báu, bắt Chiêm Thành phải phụng sự mình như lễ nghi phụng sự thiên triều. Chiêm Thành không theo, An Nam đem đại binh đánh dẹp, đến năm thứ 72153 phá được nước Chiêm Thành, bắt vua nước ấy là Bàn La Trà Toàn, rồi chiếm cứ đất đai. Em vua nước ấy là Bàn La Trà Duyệt chạy vào trong núi, sai sứ sang [Trung Quốc] báo cáo về họa nạn trong nước. Năm thứ 102154 , An Nam lại sai quân bắt Bàn La Trà Duyệt, rồi lập người cháu của vua trước là Trai Á Phất Am làm vua, phong cho đất ở phía nam nước ấy". Việc chép ở hai truyện trên này cũng giống như việc chép ở đây. Duy về việc "Trà Duyệt chết bèn truyền ngôi cho em hắn là Trà Toàn", nay Minh sử lại chép "An Nam đã bắt Trà Toàn, hơn 3 năm sau lại bắt em nó là Trà Duyệt". Như thế thì chữ "Trà Duyệt" có lẽ là "Trà Toại" mà chép lầm đi. Vậy hãy phụ lục ở đây sẽ khảo cứu sau. Bổ dụng thái bảo Lê Cảnh Huy giữ công việc ở lục khoa.

Nhà vua dụ bảo Lê Cảnh Huy rằng: "Nay nhận được tờ tấu của viên quan ở An Bang tâu: "Người nhà Minh sai nhiều binh lính từ Quảng Tây sang, nói phao là sang hội đồng khám địa giới". Việc này cần phải sai người dò thám ngay, nếu thấy có gì khác, phải lập tức đưa công văn đi các đạo tập hợp binh lính phòng giữ. Một thước núi, một tấc sông của ta có lẽ nào tự tiện vứt bỏ đi được? phải kiên quyết tranh luận, không để cho họ lấn dần. Nếu họ không theo, còn có thể sai sứ sang tận triều đình của họ, biện bạch rõ lẽ phải trái. Nếu người nào dám đem một thước, một tấc đất đai của Thái Tổ để lại để làm mồi cho giặc, người ấy sẽ bị trừng trị nặng".

Lời chua-An Bang: Xem năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16, 15).

Nhâm Thìn, năm thứ 3 (1472). (Minh, năm Thành Hóa thứ 8).

Tháng 3, mùa xuân. Tây môn các bị hỏa tai.

Định rõ lại phép thi hội.

Phép thi hội như thế này:

- Kỳ đệ nhất: về Tứ thu, ra tám điều lệ: bốn đầu đề lấy trong sách Luận ngữ, bốn đầu đề lấy trong sách Mạnh Tử, cử tử2155 , tự chọn lấy bốn đầu đề mà làm bài; về Ngũ kinh, mỗi kinh ra ba đầu đề, cử tử2156 , tự chọn lấy một đầu đề mà làm bài, duy kinh Xuân thu ra hai đầu đề gồm vào làm một, cử tử cùng làm chung vào một bài.

- Kỳ đệ nhị: chiếu, chế và biểu mỗi thể đều ba đầu đề.

- Kỳ đệ tam: thơ và phú mỗi thể đều hai đầu đề, bài phú dùng thể phú Lý Bạch.

- Kỳ đệ tứ: Một bài văn sách hỏi về ý nghĩa dị đồng trong các sách Ngũ Kinh, Tứ Thư và chính sự hay dỡ của các triều đại.

Tháng 4, mùa hạ. Bắt đầu định tư cách2157 cho tiến sĩ.

Chế độ trước đây, tiến sĩ chia làm tam giáp, nhà vua đặc ân ban cho hạng cập đệ và hạng xuất thân, còn về tư cách thì chưa có định hạn. Đến đây thi hội2158 , các cử nhân trong nước, lấy 27 người vào hạng trúng cách: khi điện thí2159 , nhà vua cho bọn Vũ Kiệt, người đỗ vào hạng cập đệ, người đỗ vào hạng xuất thân có từng hạng khác nhau.

Bắt đầu từ khoa này mới nghị định về tư cách tiến sĩ: đệ nhất giáp, đệ nhất danh2160 được hàm chánh lục phẩm, 8 tư, đệ nhị danh2161 được hàm tùng lục phẩm, 7 tư, đệ tam danh2162 được hàm chánh thất phẩm, 6 tư,đệ nhị giáp2163 được hàm tùng thất phẩm, 5 tư, đệ tam giáp2164 được hàm chánh bát phẩm, 4 tư. Những người này lúc đầu bổ vào viện Hàn Lâm được gia một cấp, sau đó cứ lấy theo phẩm hàm của mình mà được đề bạt làm các chức giám sát ngự sử hoặc Tri huyện. Tiến Sĩ có tư cách bắt đầu từ đây.

Lời chua-Vũ Kiệt: Người làng Yên Việt, huyện Siêu Loại.

Tháng 8, mùa thu. Định lễ tế đinh ở các phủ.

Chế độ cũ, tế đinh ở Văn Miếu, thuộc các lộ chưa có thời kỳ nhất định. Đến đây, chuẩn định hàng năm các phủ làm lễ vào ngày thượng đinh trong 2 tháng trọng về mùa xuân và mùa thu2165 .

Quý Tỵ, năm thứ 4 (1473). (Minh, năm Thanh Hóa thứ 9).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua thân hành cày tịch điền2166 .

Nhà vua thân hành đem quần thần cày tịch điền, để khuyến khích nhân dân trong nước.

Tháng 3. Nhà vua đi tuần di Tây Kinh, bèn vào bái yết từ đường Thuần Mậu.

Nhà vua đi tuần du Tây Kinh, bái yết lăng miếu, bèn ngự thuyền nhỏ đến bái yết từ đường Thuần Mậu.

lời chua-Từ đường Thuần Mậu: Xem năm Hồng Đức thứ nhất (Chb. XXI, 37).

Tháng 3. Đại hạn, cầu đảo, ngày hôm sau mưa.

Lúc ấy trời đại hạn, nhà vua thân hành cầu đảo ở Thái Miếu, lại sai quan đi cầu đảo khắp các đền thờ thần. Ngày hôm sau mưa.

Tháng 4, mùa hạ. Mưa to luôn 3 ngày.

Xét định chức trách của Ngự sử đài và Hiến sát sứ ti.

Nhà vua xét định chức trách các ti Ngự sử đài trong kinh và Hiến sát sứ ngoài các đạo.

- Giám sát Ngự sử đạo Thanh Hóa-Nghệ An: giữ công việc lực sĩ các ti trong vệ Cẩm Y+ti canh ban Xá nhân+ti Ngũ Thành binh mã+ti Nghi Vệ+các quân vệ Cẩm Y+Trung quân phủ cùng việc quân và dân thuộc Thanh Hóa-Nghệ An.

- Giám sát Ngự sử đạo Hải Dương-An Bang: giữ công việc tráng sĩ ti Thần tí+các quân vệ Kim Ngô+bốn vệ Thần Sách+Đông Quân phủ cùng công việc quân và dân thuộc Hải Dương-An Bang.

- Giám sát Ngự sử đạo Sơn Nam-Thuận Hóa-Quảng Nam: giữ công việc sáu vệ ti Điện Tiền+Nam Quan phủ cùng công việc quân và dân thuộc Sơn Nam-Thuận Hóa-Quảng Nam.

- Giám sát Ngự sử đạo Sơn Tây-Hưng Hóa: giữ công việc bốn vệ Hiệu Lực+bốn vệ Tuần Tượng+bốn vệ Mã Nhàn+Tây Quân phủ cùng công việc quân và dân thuộc Sơn Tây-Hưng Hóa.

- Giám sát Ngự sử đạo Kinh Bắc-Lạng Sơn: giữ công việc ở giám Thượng Y+giám Ngự Dụng+các thợ trong bộ Công+cục Tuyên Đạt+các ti sở Đồn Điền, Tàm Tang, Tinh Mễ, Thực Thái, Điển Mục+Bắc quân phủ cùng việc quân và dân thuộc Kinh Bắc-Lạng Sơn.

- Giám sát Ngự sử đạo Thái Nguyên-Tuyên Quang: giữ công việc Tuyên Đạt trù+Thị vệ cục+Phụng Trực quân cùng việc quân và dân thuộc Thái Nguyên-Tuyên Quang.

Ngự sử đài trông coi cả công việc của Ngự sử 13 đạo.

Về chức trách Hiến sát sứ và Hiến sát phó sứ ở 13 đạo thì: chuyên giữ các việc trình bày lời nói phải trái+dò hỏi điều tra và đàn hặc những việc làm trái phép+thẩm cứu xét hỏi việc ngục tụng+xét duyệt công trạng của quan lại+đi tuần hành trong địa phương hạt mình.

Nhà vua dụ bao rằng: "Ai nấy đều phải kính cẩn công việc của mình"2167 , đấy là lời bàn canh2168 dạy bảo các quan tại chức: "Kính cẩn công việc mình hiện giữ"2169 , đây là lời Thành Vương2170 khuyên nhủ trăm quan. Những viên quan giữ về phong hóa trong nước, hiến pháp triều đình, chức trách là phải tham hặc, phải điều tra xem xét. Vậy phàm các nha môn ở trong kinh có những việc tham tang, việc trái phép cùng tất cả sự lợi hại về việc công, đều do viên quan giữ trách nhiệm xét hỏi thi hành; quan lại ba ti2171 ở ngoài các đạo, có việc tham ô, việc ngục tụng oan uổng và mọi việc công phát sinh ở phủ, huyện, châu, thì do các viên Hiến sát từng đạo chuẩn theo lý lẽ thi hành".

Tháng 9, mùa thu. Mưa to.

Giáp Ngọ, năm thứ 5 (1474). (Minh, năm Thanh Hóa thứ 10).

Tháng 4, mùa hạ. Định thể lệ về người thừa tự của con cháu các bầy tôi tử tiết.

Nhà vua hạ sắc lệnh: Những trung thần, nghĩa sĩ, như bọn Trần Khắc Chân triều trước và Đào Biểu triều này, đều do các quan thừa chính, hiến sát và phủ huyện tìm hỏi lấy con cháu họ mỗi hạng một người, tâu bày đủ chứng cứ xác đáng, triều đình sẽ ban cho chức nhàn tản; nếu người nào không có con cháu thì cho tìm lấy một người thân thuộc, triều đình sẽ miễn cho việc tuyển ra lính và phú dịch, để phụng sự hương hỏa.

Lời chua-Trần Khát Chân: Người làng Khả Lãng, huyện Vĩnh Lộc, làm đại tướng quân thời Trần Thuận Tông, bị Hồ Quý Ly giết, xem Trần Thiếu đế, năm Kiến Tân thứ 2 (Chb. XI, 34).

Đào Biểu: Xem Lê Nhân Tông, năm Diên Ninh thứ 6 (Chb. XVIII, 34, 35).

Lại Bộ thị lang Hà Nghiễm bị giao xuống ngục. Hà Nghiễm bị chết.

Lại Bộ thượng thư Hoàng Nhân Thiêm và bọn thị lang Hà Nghiễm, Trần Tuân, phần nhiều đem viên quan giữ chức nơi biên viễn chuyển bổ về nơi cận tiện, đem viên quan ở nơi lam chướng chuyển bổ đến nơi màu mỡ tốt. Nhà vua hạ lệnh cho hình quan xét hỏi. Hà Nghiễm vì lo sợ mà chết. Nhà vua dụ bảo thái bảo Lê Niệm rằng: "Hà Nghiễm chết, có ba điều không may: theo pháp luật tội chưa đáng chết, mà hắn vội phải chết uổng, đây là một điều không may; ta không có lòng muốn giết hắn, mà phải mang tiếng lạm phép giết người, đấy là hai điều không may; việc này chưa kịp xét hỏi đến Nhân Thiêm mà Nghiễm đã chết ngay, đấy là ba điều không may".

Lời chua-Hà Nghiễm: Người xã Kim Hoa, huyện Kim Hoa2172 , đỗ đồng tiến sĩ khoa Bính Tuất, năm Quang Thuận thứ 7 (1466).

Tháng 9, mùa thu. Mộ quân đi đánh Sơn Nam.

Trước đây, Sơn Nam ở châu Bằng Tường nhà Minh lấn cướp dọc biên giới Lạng Sơn, nhà vua định mệnh "chinh man" gồm 10 điều, sai quân đi đánh, đuổi ra ngoài quan ải. Đến đây, Sơn Nam lại quấy rối nơi biên cảnh, nhà vua cho chiêu mộ quân và dân, người nào tình nguyện tùng chinh, thì tháng 10 sẽ xuất phát.

Lời chua-Bằng Tường: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên Ứng Chính Bình thứ II (Chb. VI, 24).

Tháng 10, mùa đông. Sửa đắp thành ở kinh đô.

Tường thành ở kinh đô, nhiều chỗ vỡ lở sứt mẻ, cho nên sửa đắp lại.

Nước Ai Lao sang cống nạp.

Lời chua-Ai Lao: Xem Triệu Việt Vương năm thứ 2 (Tb. IV, 9, 10).

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...