Thursday, September 17, 2020

Điển tích - Y

 Y

Y BÁT 

Áo Ca sa và bình bát.

Y bát là hai vật mà các nhà tu hành sử dụng hằng ngày và cũng là hai biểu tượng cho chánh pháp để các thầy truyền lại cho đệ tử (Truyền y bát).

Y là áo quần nhà tu, không được dùng hàng lụa, màu sặc sỡ, mà phải dùng bằng gai, màu vàng, gọi là áo ca sa. Còn có loại áo do những miếng vải nhiều sắc ráp lại và may thành, gọi là áo bá nạp (Bá nạp y), ý theo Phật, mặc áo ấy là dứt được tục trần và tỏ rằng áo hành khất do nhiều nhà cho, nên có đủ thứ màu và đủ hạng lớn nhỏ.

Bát là dụng cụ nhà tu dùng để đựng vật thực của thí chủ cúng dường cho. Xưa bình bát được làm bằng võ một thứ trái cây phơi khô hoặc bằng đất, hiện nay bằng thau, đồng.

Ở trong quận, có họ Sùng,

Sẵn khuôn y bát vốn dòng cân đai.

(Quan Âm Thị Kính).



Thuộc sử kinh chứa để đầy lòng;

mang y bát chơn truyền phải mặt.

(Sãi Vãi).



Y CẨM HOÀN HƯƠNG 

Áo gấm về làng.

Ngày xưa làm việc gì thành công đều có tục mặc áo gấm về làng. Nhứt là trong khoa cử, các vị tân khoa mặc áo gấm, đội mũ của triều đình ban thưởng, cưỡi ngựa che lọng, có lính hầu, thân thích họ hàng đi đưa đón, oai nghi mà trở về làng, gọi là vinh quy bái tổ.

Nghĩa bóng: Được vinh hiển mà về thăm xứ sở.



Y CHU 

Hay “Y Châu” là Y Doãn và Chu Công.

Y Doãn, một vị khai Quốc công thần của nhà Thương, người cày ruộng ở đất Hữu Sằn, giúp vua Thành Thang diệt nhà Hạ để lập nhà Thương.

Chu (Châu) Công, tên Đán, con của vua Văn Vương đời nhà Châu, em của vua Võ Vương và chú của Thành Vương.

Xem: Y Doãn và Châu Công.

1.- Y Chu:



Kinh luân xếp một túi đầy,

Đã đêm Quản Cát lại ngày Y Chu.

(Thập Loại Chúng Sinh).

2.- Y Châu:

Trách vì Quốc Phó họ Trương,

Chánh quân khéo khéo chẳng nhường Y Châu.

(Hoài Nam Khúc).



Mãng với Tào người rằng gian ngụy,

Còn Y cùng Châu thế gọi trung lương.

(Nhạc Hoa Linh).



Y DOÃN 

Một vị khai quốc công thần của nhà Thương, tên là Chí, cày ruộng ở đất Hữu Sằn. Vua Thành Thang đem lễ vật ba lần đến rước, mới chịu theo về. Ông có công giúp vua Thang đánh đuổi vua Kiệt, diệt nhà Hạ mà lập nên nhà Thương (1767-1122 Trước Công nguyên).

Vua Thành Thang mất, cháu là Thái Giáp vô đạo, Y Doãn bèn đày đến đất Đồng Cung ba năm, sau khi Thái Giáp biết ăn năn cải hối mới tha cho về.

Đời Thương thánh biết cầu Y Doãn,

Nhà Hán ai ngờ được Tử Khanh.

(Quan Âm Thị Kính).



Hiến Thành phụ ấu sớm khuya,

Khác nào Y Doãn, kém gì Chu Công.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



Y Là

Hay “Y Lữ”.

Y Lã tức là Y Doãn và Lã (Lữ) Vọng là hai vị khai quốc công thần của nhà Thương và nhà Châu.

Xem: Y Doãn và Lữ Vọng.

1.- Y, Lã:

Đương khi gặp hội rồng mây,

Theo đòi Y Lã ra tay giúp đời.

(Lưu Nữ Tướng).

2.- Y, Lữ:

Trên ngai vàng chúa sánh Võ Thang,

Dưới bệ ngọc tôi phen Y Lữ.

(Nhạc Hoa Linh).



Y LỆ

Y: Dựa vào. Lệ: Do thói quen mà thành lề lối.

Y lệ là dựa theo lề lối cũ, hay dựa theo thói quen.



Thóc kho, của nước thiếu chi,

Xin cho chẩn thải theo y lệ thường.

(Nhị Độ Mai).



Y PHÓ 

Y: Tức là Y Doãn, một vị hiền tướng đời nhà Thương, tên Chí, cày cấy ở đất Hữu Sằn. Vua Thành Thang ba lần đem lễ vật đến mời mới theo về giúp, lập nên công lớn cho nhà Thương.

Phó: Tức là Phó Duyệt, một vị Tể tướng đời nhà Ân, sinh quán ở đất Bản Trúc. Tương truyền, thời hàn vi, ông phải đi cuốc đất ở Phó Nham để độ nhựt. Nhờ điềm mộng thấy trời ban cho vị hiền tài, vua Ân Cao Tông mới rước về đãi như bậc Thượng phụ. Từ đó, Phó Duyệt đem hết tài đức dốc lòng lo cho đất nước nhà Ân.

Ông Y, ông Phó ôm tài,

Kẻ cày, người cuốc đoái hoài chi đâu?

(Lục Vân Tiên).



Đền Thương cùng nếm vạc mai,

Cũng trong Y Phó, cũng ngoài Tôn Ngô.

(Mai Đình Mộng Ký).



Dù sinh Y Phó đời giờ,

E khi cày ruộng cuốc bờ mà thôi.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Y PHỤC 

Y phục dùng để gọi chung các thứ mặc vào trong người che thân, như quần áo.



Vì đâu y phục bất đồng,

Bỗng đem nữ sức phó cùng thủy hương.

(Nhị Độ Mai).



Y QUAN 

Y: Chỉ áo quần. Quan: Mũ.

Áo quần mặc lấy để che thân, mũ đội để bao trùm lấy tóc. Y quan là những thứ mà sĩ phu ngày xưa thường mang mặc, dùng để chỉ người đỗ đạt, làm quan.

Luận Ngữ có nói: Người quân tử y quan phải cho ngay thẳng.

Đa sa chân xuống trần hoàn,

Cônghầu cũng mặt, y quan cũng người.

(Lưu Bình Dương Lễ).



Mai sinh là bậc thiên tài,

Câu văn cẩm tú, vẻ người y quan.

(Nhị Độ Mai).



Ý HIỆP TÂM ĐẦU 

Ý hiệp: Điều mình nghĩ trong lòng hợp nhau. Tâm đầu: Lòng giống nhau.

Ý hiệp tâm đầu là tâm và ý của hai người hoàn toàn hòa hiệp với nhau.



Nào những mộng nợ chàng duyên thiếp,

Nào những mơ ý hiệp tâm đầu.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Ý MÃ TÂM VIÊN 

Tâm ý quay cuồng như ngựa và vượn.

Tâm ý con người thường hay thay đổi chạy nhảy lăng xăng như con ngựa và vượn, do đó người tu hành phải điều phục để tâm ý được định tỉnh, tập trung không bị tán loạn, được thanh tĩnh và an lạc.

Ý NHI

Ý nhi tức là chim én (Chim yến), thường đậu trong nhà người, xuân đến rồi thu lại đi. Chim én là vật có ý thân cận với người, Trang Tử nói: Điểu mạc tri ư ý nhi, nghĩa là không chim nào biết ý người bằng ý nhi.



Nay quyên đã giục, oanh già,

Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



Ỷ HOÈ 

Ỷ hoè là dựa cây hoè.

Xưa có người nằm mộng, thấy mình đứng tựa cây hoè, mới đem giấc mộng ấy hỏi Nguyễn Thục. Thục bàn rằng: Chữ “Hoè ” gồm chữ mộc và chữ quỷ . Thấy mình đứng tựa cây hoè là chết thành quỷ.

Nghĩa bóng: Chỉ sự chết.



Ỷ hoè một giấc còn chi.

Người là người cổ, thư thì thư không.

(Quan Âm Thị Kính).



Ỷ LÝ

Ỷ Lý là một trong bốn vị ở ẩn trong núi Thương Sơn, mà đời gọi là Thương Sơn tứ hạo. Ỷ Lý là người rất có nghĩa khí, không chịu ra làm quan để thọ tước phong của nhà Hán.

Xem: Thương Sơn tứ hạo.

Ỷ Lý há cầu quan tước Hán,

Hứa Do quản ở nước non Nghiêu.

(Quốc Âm Thi Tập).



Ỷ LA 

: Một loại hàng vải có nhiều màu sắc. La: Một thứ lụa thưa, tốt.

Ỷ la là thứ lụa là nhiều màu sắc và đẹp đẽ.



Sắm sanh vội mở tiệc hoa,

Quản huyền ríu rít,  la rỡ ràng.

(Hoa Tiên Truyện).



Ỷ LƯ 

: Dựa vào. : Cái cổng.

Ỷ lư là tựa cửa cổng để trông con.

Do lời nói của người mẹ Vương Tôn Giả: Con sáng sớm đã ra đi rồi chiều tối lại về thì mẹ dựa cửa mà trông, nếu con chiều tối ra đi mà không trở về thì mẹ dựa cổng nhà mà ngóng. Chỉ mẹ mong con.

Xem: Ỷ Môn.



Muốn toan chờ thỏ ấp cây,

Lại lo từ mẫu chầy ngày ỷ lư.

(Song Tinh Bất Dạ).



Ỷ MÔN 

: Dựa vào. Môn: Cái cửa.

Ỷ môn  ” là tựa cửa trông con.

Theo Chiến Quốc Sách: Vương Tôn Giả thờ vua Tề Mân Vương. Nước Tề bị nước Yên đánh phá. Vua Mân Vương chạy đến nước Cử, tướng nước Tề là Trác Xỉ làm loạn giết chết. Ông Tôn Giả chạy lạc, không tìm được tông tích của vua.

Khi về nhà, mẹ ông nói: Triêu xuất nhi vãn lai, tắc ngô ỷ môn nhi vọng, mộ xuất nhi bất hoàn, tắc ngô ỷ lư nhi vọng  , , , nghĩa là con sáng sớm ra đi rồi chiều tối lại về thì mẹ dựa cửa mà trông, nếu con chiều tối ra đi mà không trở về thì mẹ dựa cổng nhà mà ngóng.

Nghĩa bóng: Ý chỉ mẹ tha thiết trông con.

Muôn việc kíp bấy thêm dở nỗi,

Ỷ môn đoài đoạn hạt châu sa.

(Lâm Tuyền Kỳ Ngộ).



Ỷ PHONG 

: Dựa vào. Phong: Gió.

Ỷ phong có nghĩa là đứng hóng gió.



Toàn là những giống vụ danh,

Ỷ phong, hàm tiếu ra tình dâm ô.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



YẾM MANG QUẦN VẬN

Hay “Yếm vận quần mang”.

Yếm là trang phục bên trong của phụ nữ.

Người đàn bà con gái do phải mang yếm và mặc quần vận, nên thành ngữ “Yếm mang quần vận” được người ta dùng để chỉ người đàn bà, con gái.

1.- Yếm mang quần vận:

Dạy em phận yếm mang quần vận,

Phải buộc mình núp lẩn dưới tay chồng

(Phương Tu Đại Đạo).

2.- Yếm vận quần mang:

Hổ sanh yếm vận quần mang,

Dốc trừ Tạ tặc mới an tấc lòng.

(Nhạc Hoa Linh).



YỂM DỤC 

Yểm dục là đè nén lòng ham muốn.

Lòng dục hay lòng ham muốn của con người có sáu thứ gọi là lục dục: Sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục, xúc dục và ý dục.

Mắt ưa sắc đẹp, tai thích âm thanh, mũi ham ngửi mùi thơm tho, lưỡi thèm vị ngon ngọt, thân ưa cảm xúc êm ái, ý thích lòng thỏa mãn. Tất cả đều gây nên nghiệp thức rồi lôi kéo con người đắm chìm vào luân hồi sinh tử mà thọ khổ nghiệp triền miên.



Ngó chi khổ hải sóng xao,

Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.

(Kinh Tận Độ).



YÊN BA 

Yên ba là khói sóng, chỉ quang cảnh gồm mây khói và sóng nước.

Trong bài “Hoàng Hạc Lâu” của Thôi Hộ có câu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị, Yên ba giang thượng sử nhân sầu,  , 使 nghĩa là Quê hương khuất bóng hoàng hôn, Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai! (Tản Đà dịch).

Pha phôi trăng mạn gió lèo,

Rộng ngâm vân thuỷ, bơi chèo yên ba.

(Hoa Tiên Truyện).



YÊN BANG

Hay “An bang  ”.



Yên: An ổn. Bang: Nước nhà.

Yên bang là làm cho nước nhà được yên ổn.



Phạm Trương gắng sức trung cần,

Mãi bề định loạn chăm bề yên bang.

(Sơ Kính Tân Trang).

 

YÊN CẢNH 

Yên: Khói. Cảnh: Phong cảnh.

Yên cảnh tức là quang cảnh có khói có sương mù.



Màu yên cảnh bâng khuâng hôn rượu,

Khách đăng đài gác bút buổi bay ngô.

(Tụng Cảnh Tây Hồ).



YÊN ĐỊNH 

Hay “An định”.



Yên: An ổn. Định: Không loạn lạc.

Yên định tức là được bình yên, không có giặc giã, loạn lạc.



Hiệu xưng Kiến phúc kỷ nguyên,

Trong ngoài yên định, dưới trên thuận tuỳ.

(Hạnh Thục Ca).



YÊN HÀ 


Yên: Khói. : Ráng trời.

Yên hà là khói và ráng, chỗ núi non cùng tịch, chỉ thấy hơi đá như khói bốc lên và ráng trời bay lơ lửng.

Nghĩa bóng: Chỉ nơi ở ẩn.

Nghêu ngao vui thú yên hà,

Mai là bạn cũ, hạc là người quen.

(Truyện Kiều).



Thành đâu xây lấp yên hà,

Đỉnh non nền cũ, cán cờ bụi sương

(Mai Đình Mộng Ký).



Làm chi cho bạn tiên cười,

Ai vui viên hạc, ai vui yên hà.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Rắp toan tìm thú cỏ hoa,

Tang bồng gác mái yên hà cùng cao.

(Thơ Bùi Kỷ).



YÊN LANG

Bởi chữ “Lang yên  ” là khói lang, tức là khói của phân chó sói bốc lên.

Nếu có giặc giã, ở vùng biên giới thường chất củi trộn với phân chó sói đốt lên để báo tin có giặc cho triều đình biết. Khói của phân chó sói (Lang yên) có đặc điểm là khói bốc lên thẳng, không bị gió thổi bạt.

Xem: Khói yên.



Non bể yên lang, sóng ngạc đầy.

Tráp gươm ba thước tuốt ra tay.

(Hoàng Cao Khải).



YÊN NHIÊN 

Tên một ngọn núi thuộc địa phận ngọai Mông Cổ. Đời Hậu Hán, Đậu Hiếu đem binh đi đánh Hung Nô, đuổi được Thiền vu đến núi Yên Nhiên, khắc công vào vách đá núi, đoạn kéo binh về.

Xem: Non Yên.

Yên Nhiên tuyết ngất trời muôn trượng,

Câu chú sương dầm nguyệt nửa gương.

(Hồng Đức Quốc Âm).



YÊN THUỶ 


Yên: Khói mây. Thuỷ: Nước.

Yên thuỷ chỉ cảnh của những người sống giang hồ, tự do, không bị ràng buộc như khói mây muốn bay đâu thì bay, sóng nước muốn chảy đâu thì chảy.



Đem người yên thuỷ bỏ vành lao lung.

(Tự Tình Khúc).



YẾN ANH 

Còn gọi là Án Anh.

Thường gọi là Án Tử, tự là Bình Trọng, tên là Anh, người nước Tề, đời Chiến Quốc. Tánh cần kiệm và trung chánh, làm tể tướng nước Tề, thờ ba đời vua: Linh Công, Trang Công và Cảnh Công.

Ở triều đình, vua hỏi điều gì thì tâu lời rất thẳng, vua không hỏi tới thì giữ mình rất nghiêm. Nước hữu đạo thì thuận lịnh mà làm, vô đạo thì châm chước lịnh mà làm. Nhờ vậy mà làm quan ba triều, hiển danh các nước chư hầu.



YẾN ANH 

Tức chim yến, chim anh.

1.- Yến anh dùng để chỉ việc trăng hoa, chơi bời.

Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến anh.

(Truyện Kiều).



Nỗi phận vô duyên phận chẳng đành,

Trách ai mộ thói yến cùng anh.

(Đạo Sử).



Đừng học chiều rước yến mời anh,

Kìa nhục chốn lầu xanh xem những kẻ.

(Phương Tu Đại Đạo).

2.- Yến anh là hai loại chim thường bay từng đàn, nên dùng để chỉ sự đông đúc, rộn rip.

Xem: Én anh.



Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

(Truyện Kiều).



YẾN ẨM 


Yến: Tiệc rượu có nhiều thức ăn quý. Ẩm: Uống.

Yến ẩm là bày tiệc rượu để ăn uống.



Trải tuần yến ẩm lưu liên,

Yên kinh lại gióng con thuyền ruổi mau.

(Hoa Tiên Truyện).



Tiệc bày yến ẩm kim bôi,

Ve vàng chén ngọc khuyên mời cúc thông.

(Thạch Sanh Lý Thông).



YẾN CHU 


Yến: Tiệc rượu, phần nhiều do người lớn bày ra để thết đãi kẻ nhỏ. Chu: Nhà Chu (Châu).

Yến Chu là yến tiệc do thiên tử nhà Chu (Châu) đặt để tiếp đãi các vua chư hầu.

Kinh Thi, thiên Lộc Minh nói đến việc nhà Chu thết đãi quần thần để quần thần hết lòng trung thành với nước nhà.

Rồng mây một hội nghìn thu,

Gác Đường vẽ mặt, yến Chu thỏa lòng.

(Hoa Tiên Truyện).



YẾN DIÊN 


Yến: Tiệc đãi khách. Diên: Bàn tiệc.

Yến diên là bày tiệc đãi tân khách, có rượu và nhiều thức ăn quý.



Yến diên, áo mão, ban rồi,

Trần Đoàn đóng cửa rước lui hai chàng.

(Dương Từ Hà Mậu).



Yến diên thết đãi phủ phê,

Cùng nhau bàn luận mọi bề phải chăng.

(Dương Từ Hà Mậu).



YẾN MỐI OANH TIN

Yến oanh: Chỉ mối tình trai gái. Mối tin: Tin tức mối mai.

Yến mối oanh tin là chỉ tin tức mối manh của đôi lứa trai tài gái sắc.



Thảo nào yến mối oanh tin,

Thấy tình thực cũng đã nên là tình.

(Hoa Tiên Truyện).



YẾN OANH 

1.- Chim yến và chim oanh, hai loại chim thường bay theo đàn, dùng để chỉ sự đông đúc, rộn rịp.



Gần xa nô nức yến oanh (anh),

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

(Truyện Kiều).

2.- Chim yến và chim oanh là hai thứ chim con đực và con cái luôn luôn quấn quít bên nhau, dùng để chỉ tình tự trai gái, hay vợ chồng.

Nổi danh tài sắc một thì,

Xôn xao ngoài cửa thiếu gì yến oanh.

(Truyện Kiều).



Dám đâu học thói yến oanh,

Mặn tình trăng gió, nhạt tình lửa hương.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Ngày nào đông đúc yến oanh,

Kẻo còn như cuốc cầm canh mùa hè.

(Tây Sương).



YẾN NGA NHI

Tên một cung phi của vua Tề Hoàn Công.

Khi ba tên gian thần là Dịch Nha, Thụ Điêu và Khai Phương lộng quyền, bắt Tề Hoàn Công nhốt trong Tẩm thất, chung quanh có xây thêm tường bao ba trượng, rồi cấm không cho người lui tới, khiến Tề Hoàn Công phải chết đói, người ngoài không ai hay biết. Chỉ có một cung phi là Yến Nga Nhi, nửa đêm lén vô tẩm thất, leo tường vô trong nuôi nấng và chăm sóc Hoàn Công cho đến chết, rồi nàng tự tử chết theo.

Xem: Tề Hoàn Công.



YẾN TẠ 

Chim én và họ Tạ.

Xưa Tạ An và Vương Đại là hai nhà giàu có, oai quyền đời Tấn, cửa cao nhà rộng, chim én thường đến đó làm tổ để ở. Đến khi họ Vương họ Tạ gặp cảnh sa sút, chim én bay đi làm tổ các nhà bách tính tầm thường. Lưu Vũ Tích trong bài Ô Y Hạng có câu: Cựu thời Vương Tạ đình tiền yến, Phi nhập tầm thường bách tính gia  , . Dịch: Nhà Vương Tạ yến bơ vơ, Bay về lại ở những nhà nhân gian (Trần Trọng Kim dịch).

Chim Việt ngựa Hồ ngơ ngáo đó,

Hươu Tần Yến Tạ lạc loài mô?

(Hoài Nam Khúc).



YẾN TỬ HÀ

Người đời Xuân Thu, là một bề tôi trung thành của nước Hàn. Khi Hàn bị nước Tần tiêu diệt, Yến Tử Hà đi phiêu lưu khắp nơi để tìm người báo thù, rửa nhục cho nước mình. Ông đến đầu Sở Bá Vương Hạng Võ, bị chê không dùng người Hàn, vì vậy Yến Tử Hà lận đận, nghèo khổ phải mang dép rách đến Quan Trung để tìm Hán Bái Công.



Yến Tử Hà xưa lúc vận cùng,

Còn mang dép rách đến Quan Trung.

(Đạo Sử).



YẾN TƯỚC BIẾT ĐÂU CHÍ HỒNG

Câu này bởi chữ “Yến tước an tri hồng hộc chí  ” nghĩa là Chim én chim sẻ làm sao biết được chí của chim hồng và chim hộc.

Nghĩa bóng: Kẻ tiểu nhân sao biết được chí khí của người quân tử.

Lôi thôi cơm giỏ nước bầu,

Những loài yến tước biết đâu chí hồng.

(Bích Câu Kỳ ngộ).



YỂN TỨC QUA MÂU 


Yển tức: Nghỉ ngơi. Qua mâu: Hai loại binh khí.

Yển tức qua mâu tức là dẹp cất binh khí, ý nói nghỉ ngơi việc chiến tranh.



Yên Hàn đặng giao hòa hai nước,

Bốn phương đều yển tức qua mâu.

(Nhạc Hoa Linh).



YỂN VĂN TU VÕ 


Yển văn: Nghỉ việc văn chương. Tu võ: Sửa sang việc võ nghệ.

Gặp thời loan lạc, thì phải “Yển văn tu võ” tức là dẹp việc văn chương để sửa sang việc võ nghệ.



Thuở thái bình, yển võ tu văn;

Cơn bát loạn, yển văn tu võ.

(Sãi Vãi).



YỂN VÕ TU VĂN 


Yển võ: Nghỉ việc võ nghệ. Tu văn: Sửa sang việc văn chương.

Gặp đởi thái bình thịnh trị thì phải “Yển võ tu văn” tức là dẹp việc võ nghệ, sửa sang việc văn chương.



Thuở thái bình, yển võ tu văn;

Cơn bát loạn, yển văn tu võ.

(Sãi Vãi).



YẾT CỔ 

Yết cổ là loại trống lấy kiểu từ người Yết, tức người Hung Nô, nên được gọi là Yết cổ.

Sách Khai Nguyên Dị Sự chép: Vua Đường Minh lấy cái trống yết cổ, ngự vào Bình Đài, tấu lên khúc nhạc “Xuân Quang hảo” (Ánh xuân đẹp). Tấu xong thì thấy cây liễu hạnh đều nức hoa.

Xem: Trống thôi hoa.



Đêm qua mừng thấy khí dương hồi,

Nỏ chẳng chờ rằng yết cổ thôi.

(Hồng Đức Quốc Âm).



YẾT HẦU 

Yết hầu là một bộ phận trên cuống họng, trong binh pháp dùng để chỉ những địa thế hiểm yếu như yết hầu của con người.

Quốc sách có câu: Hàn thiên hạ chi yết hầu dã  , nghĩa là nước Hàn là yết hầu trong thiên hạ vậy.

Yết hầu hiểm yếu mất rồi,

Vì như nước vỡ bờ trôi bíu bè.

(Hạnh Thục Ca).



YẾT KIÊU 

Tự là Hữu Thế, bồi tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Người xã Hạ Bì, nay thuộc tỉnh Hải Dương, rất trung thành và có tài dưới nước, thường dùng dùi nhọn lặn xuống chọc thủng đáy thuyền giặc.

Cùng với Dã Tượng góp công lớn vào công cuộc đánh đuổi quân Nguyên xâm lăng vào Hậu bán Thế kỷ mười ba.

Một lần bị mắc lưới do giặc giăng dưới sông, ông bị bắt, nhưng sau cũng nhảy xuống nước trốn thoát được.

Khuyển ưng còn nghĩa đá vàng,

Yết Kiêu, Dã Tượng hai chàng cũng ghê.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Hưng Đạo nghe biết trước sau,

Yết Kiêu Dã Tượng truyền vào trong cung.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



YẾT LỄ 


Yết: Ra mắt. Lễ: Làm lễ.

Yết lễ tức là đem dâng lễ phẩm, hoặc làm lễ một người nào để xin gặp mặt.



Môn quan rằng lệ phủ đường,

Có đồ yết lễ, có vàng mấy bao.

(Nhị Độ Mai).



Tức thời thẳng đến sai nha,

Lúc vào yết lễ lúc ra khai tờ.

(Cai Vàng Tân Truyện).



YÊU ĐÀO 

Đào non.


Do câu trong Kinh Thi: Đào chi yêu yêu, chước chước kỳ hoa  , , nghĩa là cây đào non và đẹp, bông hoa sặc sỡ.

Yêu đào dùng để chỉ người con gái trẻ đẹp, đang tuổi lấy chồng.

Xem: Đào yêu.

Vẻ chi một đoá yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

(Truyện Kiều).



Ngây thơ một chút yêu đào,

Khuôn vàng cho lĩnh ít nhiều là may.

(Hoa Tiên Truyện).



Mây gió đành thân đem chứa giọt,

Ngàn năm trinh tiết phận yêu đào.

(Đạo Sử).



Cứ nâng niu trao đóa yêu đào,

Sợ rủi úa phai màu chồng chẳng ngó.

(Phương Tu Đại Đạo).



YÊU KIỀU 

Yêu kiều là tiếng dùng để nói về người đàn bà có hình vóc đẹp đẽ và mềm mại.



Phán rằng: Mới thực hiền nhân,

Nặng bề sơn hải nhẹ thân yêu kiều.

(Nhị Độ Mai).



YÊU LY

Yêu Ly là người nước Ngô, đời Xuân Thu.

Sau khi công tử Quang giết vua Ngô là Vương Liêu, rồi tự lập làm vua. Con của Vương Liêu là Khánh Kỵ mới họp binh sĩ tìm cách chống lại. Công tử Quang bèn lập mưu, sai Yêu Ly dùng khổ nhục kế để được Khánh Kỵ tin dùng, cho ở gần. Nhân khi Khánh Kỵ không phòng bị, Yêu Ly giết Khánh Kỵ rồi tự sát.

Nghĩ nay khác thuở Yêu Ly,

Phòng toan khổ nhục kế kỳ trừ hung.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



YỂU ĐIỆU 

Yểu điệu chỉ dáng người con gái đẹp, mềm mại dịu dàng và thướt tha.



Người yểu điệu, kẻ tài hoa,

Khi vào sát áo, khi ra chạm quần.

(Nhị Độ Mai).



Người yểu điệu, kẻ thư phong,

Bén hơi rơm lửa, động lòng mưa mây.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Chẳng còn yểu điệu hình mai,

Da mồi tóc đã ướm thay nửa vàng.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Thân yểu điệu chịu danh thục nữ,

Để cho ai rộng chữ hảo cừu.

(Phương Tu Đại Đạo).

 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...