Friday, September 18, 2020

Điển tích - U Ư

U Ư

U GIAM 

U: Tối tăm. Giam: Giam giữ trong nhà ngục.

U giam tức là bị giam giữ trong ngục tối.



Vu cho bè đảng phỉ nhân,

U giam cấm cố nghiêm răn canh giờ.

(Hạnh Thục Ca).



U HIỂN 

U: Tối tăm, chỉ cõi Âm phủ. Hiển: Sáng sủa rõ ràng, chỉ cõi Dương gian.

U hiển tức là chỉ người chết và người sống.



Hữu tình ta lại gặp ta,

Chớ nề u hiển mới là chị em.

(Truyện Kiều).



Có thiêng chăng nhẽ Mai huynh,

Chớ nề u hiển thấu tình anh em.

(Nhị Độ Mai).



Cho hay thành hẳn nên thần,

Há rằng u hiển mà phân vong tồn.

(Nhị Thập Tứ Hiếu).



U hiển không từ nhơn nghĩa cũ,

Gặp nhau xin phó bóng thiều quang.

(Đạo Sử).



U LỆ 

Tức là U Vương và Lệ Vương.

U Vương thuộc đời nhà Châu, là con của Tuyên Vương, tên là Cung Niết, vì đam mê tửu sắc, sủng ái Bao Tự, lại phế bà Khương Hoàng hậu, và Thái tử Nghi Cữu, nên Thân Hầu, là cha Khương hậu, cầu viện rợ khuyển nhung đem binh đánh giết Châu U Vương. U Vương làm vua được 11 năm.

Lệ Vương, cũng thuộc nhà Châu, cháu bốn đời của Mục Vương, tên là Hồ, tính bạo ngược, tin dùng kẻ sàm nịnh, xa lánh tôi hiền, thi hành chính sách tàn bạo, bắt giết những kẻ nói xấu nhà vua. Dân chúng oán ghét nổi lên đánh đuổi Lệ Vương vào đất Phệ và mất ở đấy, tại vị được 51 năm.



Ghét đời U, Lệ đa đoan,

Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần.

(Lục Vân Tiên).



U MINH 

U: Tối tăm. Minh: mờ tối.

U minh là cõi u tối, chỉ cõi âm phủ.

Ngoài ra “Tiếng u minh” còn dùng gọi một loại chuông lớn gọi là Đại hồng chung, vì loại chuông này miệng quay xuống đất, ý muốn nói tiếng ngân vang tận địa phủ.

1.- Chỉ cõi Âm phủ:



Những lâm công toại danh thành,

Nào hay từ mẫu u minh sớm dời.

(Lục Vân Tiên).



Môn rằng: Trong cuộc u minh,

Người cùng thần quỷ yêu tinh khác đường.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



U minh đôi ngả khơi chừng,

Một niềm sắt đá biết nàng thấu không?

(Hoa Tiên Truyện).



Nẻo u minh khéo chia đôi ngả,

Nghĩ đòi phen nông nả đòi phen.

(Ai Tư Vãn).

2.- Chỉ Hồng chung:

Tiếng u minh tía lia gợi thảm,

Giọng kình khua cửa phạm dập dồn.

(Nữ Trung Tùng Phận).



U XÙ

Chỉ sự bề bộn rối tung, nhiều việc đan xen, chưa giải quyết xong.

Chỉ hình dáng lôi thôi, lếch thết. Đồng nghĩa với chữ bù xù.

Họ Dương lại thấy dẫn tù,

Mụ bà một lũ u xù đi ra.

(Dương Từ Hà Mậu).



Ủ LIỄU PHAI ĐÀO

Liễu, đào thường được ví với dáng vẻ và gương mặt của người con gái.

Ủ liễu phai đào chỉ dáng người con gái héo rũ, khuôn mặt buồn rầu nhợt nhạt.

Nàng càng ủ liễu phai đào,

Trăm phần nào có phần nào phần tươi?

(Truyện Kiều).



UẤT TRÌ 

Tức là Uất Trì Cung, tự là Kính Đức, người đất Thiện Dương, một danh tướng đời nhà Đường. Ông giữ chức Hữu phủ Tham quân, thường một mình một ngựa xông vào chiến trận, lập nhiều công to.



Trợ nàn nhiều phút vua khen,

Khôn bằng Trương Tử, mạnh trên Uất Trì.

(Thiên Nam Minh Giám).



UY GIA 

Uy: Oai quyền. Gia: Tăng thêm.

Uy gia tức là làm tăng thêm oai quyền.



Mười năm chuyên mặt phiên ly,

Uy gia bốn cõi, ân thùy một châu.

(Quốc Sử Diễn Ca).



UY LINH 

Uy: Oai lực có vẻ tôn nghiêm, khiến người phải nể sợ. Linh: Linh thiêng.

Uy linh là cái oai đức có vẻ tôn nghiêm, khiến người phải sợ như kiêng thần thánh linh thiêng.



Bỗng đâu lại gặp một người,

Hơn đời trí dũng, nghiêng trời uy linh.

(Truyện Kiều).



Ai ai khóa miệng bịt hơi,

Ngang vua phú quý, nghiêng trời uy linh.

(Nhị Độ Mai).



Quốc bộ gặp đương cơn binh cách,

Phép nhung bào từng lắm trận uy linh.

(Văn Tế Tướng Sĩ).



UY NGHI 

Uy: Oai quyền. Nghi: Hình dáng bên ngoài.

Uy nghi là hình dáng bên ngoài có vẻ trang nghiêm, lẩm liệt.



Sẵn sàng tề chỉnh uy nghi,

Bác đồng chật đất, tinh kỳ rợp sân.

(Truyện Kiều).



UY PHONG 

Hay “Oai phong”.



Uy: Oai, vẻ tôn nghiêm khiến người ta phải sợ. Phong: Bộ dạng bên ngoài.

Uy phong chỉ người có bộ dạng oai nghiêm, khiến người ta phải kinh sợ.



Uy phong lừng lẫy tam quân,

Cõi Hồ bụi đục ải Tần quấy tanh.

(Cai Vàng Tân Truyện).



Khí võ hùng hào mang mảo giáp,

Oai phong lẫm liệt xách qua mâu.

(Thiên Thai Kiến Diện).



UY PHONG LẪM LIỆT 

Hay “
Oai phong lẫm liệt”.

Oai phong (Uy phong): Bộ dạng oai nghiêm. Lẫm kiệt: Dáng bộ làm cho kẻ khác trông thấy vừa run sợ, vừa kính trọng.

Oai phong lẫm liệt tức là người có dáng bộ oai nghiêm, khiến người khác sợ sệt mà kính trọng.

Xem: Lẫm liệt oai phong.

Khí võ hùng hào mang mảo giáp,

Oai phong lẫm liệt xách qua mâu.

(Thiên Thai Kiến Diện).



UY PHÚC 

Uy: Oai quyền. Phúc: Những điều tốt lành như sang giàu, sống lâu…

Uy phúc do chữ “Tác uy tác phúc  ”, tức là vừa có thể ra oai, vừa có thể ra phúc.



Lại đòi bảo hộ mới kỳ,

Dám làm uy phúc, khinh khi quá chừng.

(Hạnh Thục Ca).



UY QUYỀN 

Uy: Oai, có thế lực khiến người ta phải sợ. Quyền: Được phép làm.

Uy quyền là người vừa có quyền hành lại vừa có oai làm cho người khác phải sợ.



Làm cho rõ mặt uy quyền,

Hẳn tình hiếp chế không kiêng đã rồi.

(Hạnh Thục Ca).



UY THANH 

Uy: Oai, có thế lực khiến người ta phải sợ. Thanh: Tiếng tăm.

Uy thanh là tiếng tăm vang khắp, khiến người khác phải kinh sợ.



Uy thanh động đến Bắc phương.

Hán sai Mã Viện lên đường tiến công.

(Quốc Sử Diễn Ca).



UÝ TỬ THAM SANH 

Uý tử: Sợ chết. Tham sanh: Ham sống.

Uý tử tham sanh là sợ chết tham sống.



Chẳng như ai mà úy tử tham sanh,

Chẳng giống kẻ cố quyền thực lộc.

(Nhạc Hoa Linh).



UYÊN MINH 

Uyên Minh tức là Đào Tiềm người đời Tấn, tự là Nguyên Lượng, quê ở Tầm Dương, tính người thanh cao, học thức rộng, thơ văn lỗi lạc.

Lúc làm tri huyện Bành Trạch, không vì mấy đấu gạo mà khom lưng cúi đầu với viên Đốc Bưu, nên ông bỏ quan về nhà để sống cảnh an nhàn. Ông có bài “Quy khứ lai từ” rất nổi tiếng, được người đời truyền tụng.

Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ,

Tay còn lựa hái cúc Uyên Minh.

(Quốc Âm Thi Tập).



UYÊN ƯƠNG 

Còn đọc là “Oan ương”.

Tên một loài chim sống ở dưới nước, con trống gọi là Uyên, con mái gọi là ương, lúc nào cũng đi thành đôi, không hề rời nhau. Tương truyền, cặp uyên ương nếu có một con chết thì con kia cũng chết theo.

Uyên ương dùng để ví vợ chồng thương yêu, hoà hợp nhau.



Nặng nề hai chữ uyên ương,

Chuỗi sâu ai khéo vấn vương vào lòng.

(Lục Vân Tiên).



Nửa chăn để bụi đã dày,

Uyên ương ước lại sum vầy hơn duyên.

(Quan Âm Thị Kính).



Đẹp duyên cầm sắt kính yêu,

Uyên ương phu phụ dập dìu đoàn viên.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



Trông chim càng dễ đoạn trường,

Uyên ương chiếc bóng, phượng hoàng lẻ đôi.

(Ai Tư Vãn).



Kìa oan ương ấp nhau chẳng hở,

Nọ én anh rỉ rả kêu thương.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Tiếng oan ương bên tai dan díu,

Gió đẩy đưa bờ liễu lao xao.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ỦNG LẬP 

Ủng: Giúp đỡ. Lập: Đưa lên làm vua.

Ủng lập mọi người đồng giúp đỡ trong việc đặt lên ngôi vua, tức ủng hộ việc lập ngôi vua.



Đồng lòng ủng lập ấu quân,

Toan mưu phế trí, sớ văn tâu bày.

(Hạnh Thục Ca).



ỦNG PHÙ 

Ủng: Vây quanh giúp. Phù: Nâng đỡ.

Ủng phù tức là cùng vây quanh giúp đỡ.



Gia hưng tác lớn đức hiền,

Chưng nay sửa trị lý nên ủng phù.

(Hạnh thục Ca).



Êm tay Tây mới lấp ngơ,

Ủng phù triều yết như xưa vỗ về.

(Hạnh Thục Ca).



UỐN LƯỠI VẠY GHÉT NGƯỜI NƯỚC SỞ

Ý nói Lục Thông, tên là Tiếp Dư, người nước Sở, theo thuyết vô vi của đạo Lão, chủ trương xuất thế, thấy Đức Khổng Tử bôn ba khắp các nước chư hầu du thuyết, mong vua quan thi hành vương đạo, ông buông lời tà vạy chỉ trích Đức Khổng Tử.

Khi Đức Khổng Tử sang nước Sở, Tiếp Dư làm bài “Phụng Hoàng” để kích bát Ngài không biết cái lẽ lánh đời: “Phượng hề! Phượng hề! Hà kỳ đức tuy suy? Vãng giả bất khả gián, Lai giả bất khả huy!  ! ! . , , nghĩa là phượng ôi! Phượng ôi! Sao đức suy đến thế? Cái gì đã qua rồi thì không thể ngăn được nữa, cái gì sẽ tới thì chẳng đuổi được nào.

Người đời sau vì tôn sùng Đức Khổng Tử cho Lục Thông là kẻ nói bậy và đặt cho hắn một cái tên hiệu là “Sở Cuồng  ”, tức là thằng điên nước Sở.



Uốn lưỡi vạy, ghét người nước Sở;

Dạ tham sang, ghét kẻ nước Tề.

(Sãi Vãi).



UỐNG NƯỚC ĂN RAU

Uống nước, ăn rau: Do chữ: “Phạn xơ tự ẩm thủy  ” tức là ăn cơm rau, uống nước lã, ý nói vì nghèo hèn, cam chịu đạm bạc.



Tiếng thanh bạch để về sau,

Dẫu rằng uống nước, ăn rau chớ nài.

(Nhị Độ Mai).



UỔNG LÂM HOÀNH TỬ 

Uổng: Tốn công vô ích. Lâm: Gặp phải. Hoành tử: Cái chết không ngờ trước.

Uổng lâm hoành tử tức là cái chết không ngờ trước, hay cái chết bất đắc kỳ tử. Đây cũng có nghĩa là cái chết do đánh trận.



Bởi vì ứng tiếp không ai,

Uổng lâm hoành tử thương người oan thay.

(Hạnh Thục Ca).

 

UỔNG SÁT 

Uổng: Bị oan khuất. Sát: Giết.

Không đáng chết mà chết, chết một cách oan uổng, gọi là uổng sát.



Ký danh chẳng khứng hợp đoàn,

Phải chưng uổng sát hoạ mang vào mình.

(Hạnh Thục Ca).



ỨNG CƠ 

Ứng: Đáp lại, trả lại. : Căn cơ.

Ứng cơ là tùy theo căn cơ của mỗi chúng sinh có thể tiếp nhận được mà mình làm.

Ý muốn nói tuỳ căn cơ chúng sinh mà thuyết minh hay giải thích, vì không phải ai cũng có căn cơ như nhau, tâm đạo tùy theo duyên phận mỗi người với căn duyên về tri thức, về trình độ giác ngộ.

Chơn Tông Tam Tạng truyền ghi,

Dự phần giải thuyết tùy thì ứng cơ

(Hứa Sử Tân Truyện).



ỨNG KỲ 

Ứng: Đáp lại. Kỳ: Thời hạn ấn định, ở đây như chữ “Thí kỳ”, tức là thời kỳ thi cử.

Ứng kỳ là thời kỳ ứng thí, tức thời kỳ thi cử.



Vân Tiên từ ấy lân la,

Ôn nhuần kinh sử chờ khoa ứng kỳ.

(Lục Vân Tiên).



ỨNG TIẾP 

Ứng: Đáp lại. Tiếp: giúp sức thêm vào.

Đáp lại lời cầu cứu, đến tiếp sức, gọi là ứng tiếp.



Bởi vì ứng tiếp không ai,

Uổng lâm hoành tử thương người oan thay.

(Hạnh Thục Ca).



ƯU ÁI 

Ưu: Lo lắng. Ái: Yêu mến.

Bởi chữ “Ưu quốc ái dân  ”, tức là lo lắng việc nước, thương yêu nhân dân.

Trong bài Nhạc Dương Lâu ký của Phạm Trọng Yêm có câu: Cư miếu đường chi cao tắc ưu kỳ dân, xử giang hồ chi viễn, tắc ưu kỳ quân  , , nghĩa là khi ở ngôi cao chốn triều đình thì lo về nhân dân, khi ở chốn giang hồ xa xôi thì lo cho vua.

Bui một tấc lòng ưu ái cũ,

Đêm ngày cuồn cuộn nước triều đông.

(Quốc Âm Thi Tập).



ƯU QUÂN ÁI QUỐC 

Ưu quân: Lo cho vua. Ái quốc: Yêu nước.

Ưu quân ái quốc tức là vì lòng yêu nước mà lo cho vua và lo cho đất nước.



Học cho đúng bậc tài thần,

Ưu quân ái quốc vua cần dân nghinh.

(Nữ Trung Tùng Phận).

 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...