Friday, September 18, 2020

Điển tích - R

R

RA MỒ QUẠT DUYÊN

Ra ngoài mồ quạt mả chồng cho mau khô để đi tìm duyên mới.

Do câu chuyện Trang Tử thấy một người đàn bà chồng vừa mới chết, mặc tang phục, tay cầm quạt, quạt vào một nấm mồ mới đắp. Trang Tử hỏi, người thiếu phụ cho biết chừng nào mồ khô cỏ ráo thì nàng được đi lấy chồng khác. Xem: Ráo cỏ.

Chừ sao kẻ Hớn người Hồ,

Để cho phòng hạnh ra mồ quạt duyên.

(Nữ Trung Tùng Phận).



RÀY TẤN MAI TẦN

Tức là nay ở nước Tấn, mai ở nước Tần, ý nói nay đây mai đó, đi lại khắp mọi nơi.



Sớm Ngô tối Sở dầu vui vậy,

Rày Tấn mai Tần chẳng biết đâu.

(Sơ Kính Tân Trang).



RÁO CỎ

Tức là cỏ trên nấm mồ khô hẳn. Do tích trong Kim Cổ Kỳ Quan chép: Trang Tử một hôm đi dạo chơi, thấy một người đàn bà bận đồ tang, cầm chiếc quạt, luôn tay quạt nấm mồ đất còn mới. Trang Tử lấy làm lạ hỏi, người đàn bà trả lời: Đây là mồ của chồng tôi, lúc hấp hối ông ấy có dặn phải đợi cho mồ khô hết hẳn mới được lấy chồng khác, nay mồ còn mới, ướt, nên tôi quạt cho mau khô.

Ráo cỏ chỉ sự bội bạc, chồng chết mồ chưa ráo cỏ đã tính chuyện sang ngang.

Màng bao dày mỏng thói đời,

Đợi tuần ráo cỏ chê cười như không.

(Hoa Tiên Truyện).



RAU TẦN NAM GIẢN

Hái rau tần ở khe suối Nam giản, chỉ người con dâu hiền thảo và đảm đang, nên thường nói là: Dâu Nam giản.

Do bài “Thái tần” trong Kinh Thi khen ngợi người vợ đảm đang việc nội trợ, đi hái rau tảo rau tần mọc ở khe nước trong về cúng bái tổ tiên.

Xem: Nam giản.



Rau tần phồn ngoài Nam giản lạnh khô,

Nhà huyên thảo sau Bắc đường quạnh quẻ.

(Tử Tế Mẫu Văn).



RAU THUẦN

Rau thuần là một loại rau thường được dùng để nấu canh ăn.

Canh rau thuần được dùng để chỉ hương vị nơi quê hương, làng mạc.

Xem: Rau thuần gỏi vược.



Vạc mai chán nếm tràng danh,

Rau thuần chạnh nhớ mùi canh ngọt ngào.

(Hoa Tiên Truyện).



RAU THUẦN GỎI VƯỢC

Rau thuần: Một loại rau thường được dùng để nấu canh ăn. Gỏi vược: Một loại cá để làm gỏi.

Canh rau thuần, gỏi cá vược, dùng để chỉ hương vị nơi quê nhà.

Do tích Trương Hàn đời Tấn, đang làm quan ở Lạc Dương, nhân buổi gió thu bắt đầu thổi mà nhớ đến canh rau thuần, gỏi cá vược ở quê nhà, rồi bỏ quan trở về làng cũ.

Nghĩa bóng: Lòng nhớ quê hương.

Xem: Canh thuần gỏi vược.

Hèn nào khách ở Liêu Đông,

Rau thuần gỏi vược chốc mòng nhớ quê.

(Tứ Thời Khúc Vịnh).



RẮN HÁN

Tức con rắn của nhà Hán.

Hán Thư chép: Bái Công say rượu, đêm đi ngang qua đầm, có con rắn to chận đường, Bái Công rút gươm chém chết rắn. Con rắn đó chính là con của Bạch đế. Từ khi chém được rắn, Bái Công khởi nghĩa, chiếm được giang san thiên hạ, lên ngôi vua tức là Hán Cao Tổ.

Rắn Hán hay chém rắn chỉ việc được ngôi vua.



Phụng Thuấn, lân Nghiêu, tuồng trước nát,

Hươu Tần, rắn Hán, thói sau dời.

(Dương Từ Hà Mậu).



RĂNG CẮN LƯỠI

Miệng nhai thức ăn, răng cắn phải lưỡi, ý muốn nói tình cốt nhục bất hoà.



Do câu chuyện sau đây: Hồi xảy ra chuyện bất hòa giữa anh em Tây Sơn, Nguyễn Huệ kéo quân vào vây thành Qui Nhơn. Nguyễn Nhạc (anh Huệ) đứng vào thế nguy ngặt đến nỗi phải thân lên đứng trên thành kêu khóc, nhưng Nguyễn Huệ vẫn không chịu rút quân. Bữa đó, trong trại đang lúc ăn cơm, Nguyễn Huệ vô ý để răng cắn nhằm lưỡi, bèn bảo Trần Văn Kỷ là người nổi tiếng hay chữ, đỗ giải nguyên, đang giữ chức tham mưu, làm một bài thơ và lấy tựa là “Răng cắn lưỡi”.

Trần Văn Kỷ liền đọc luôn bốn câu sau đây: Ngã ký sanh tiền, nhữ vị sanh, Nhữ sanh chi hậu, ngã vi huynh. Lý ưng cộng hưởng trân cam vị, Hà nhẫn tương tranh cốt nhục tình 
. Nghĩa là: Ta đã ra đời, chú mới sanh, Từ sanh ra chú, ta làm anh. Lẽ nên cùng hưởng mùi ngon ngọt, Cốt nhục tranh nhau nỡ đoạn đành?

Nguyễn Huệ nghe xong bài thơ, xúc động, ăn cơm xong, liền ra lệnh rút quân về Phú Xuân.(Việt Nam Danh Nhân Tự Điển, Nguyễn Huyền Anh).

 

RÂU MÀY

Bởi chữ “Tu my 
” là râu và lông mày, dùng để chỉ người đàn ông, hoặc chỉ cương vị hay thân phận của người đàn ông con trai.

Cơm áo đền bồi ơn đất nước,



Râu mày giữ vẹn phận tôi con.

(Thơ Nguyễn Đình Chiểu).



RẼ THUÝ CHIA UYÊN

Chim thuý và chim uyên là loại chim đi đâu cũng có đôi, chỉ vợ chồng khắng khít.

Rẽ thuý chia uyên là chia rẽ đôi chim thuý uyên, ý muốn nói chia rẽ vợ chồng.

Chước đâu rẽ thúy chia uyên,

Ai ra đường nấy ai nhìn được ai.

(Truyện Kiều).



RÈM CHÂU

Bởi chữ “Châu liêm 
”.

Rèm châu tức là rèm được kết bằng hạt châu.

Ngậm ngùi rủ bước rèm châu,

Cách tường, nghe có tiếng đâu họa vần.

(Truyện Kiều).

Rỡ rỡ sen đưa đưa gót ngọc,

Dịu dàng tay hé rèm châu.

(Tuý Sơn Vân Mộng).



RÈM LÀ

Rèm: Một tấm màn bằng gấm, lụa hay kết bằng tre dùng để treo trước cửa buồng hoặc cửa sổ. Là: Lụa, nên thường nói lụa là.

Rèm là tức một tấm rèm làm bằng lụa là.



Đừng cho nhiễm lấm thân thục nữ,

Chốn phòng the cứ xủ rèm là.

(Nữ Trung Tùng Phận).



RÈM TƯƠNG

Do chữ Tương liêm , là rèm bằng tre đồi mồi.

Bởi điển: Hai bà vợ vua Thuấn là Nga Hoàng và Nữ Anh, tìm vua Thuấn đi tuần thú chết ở đất Thương Ngô, đến sông Tiêu Tương ngồi khóc, rảy nước mắt vào cây tre ở bờ sông, rồi cùng nhau trầm mình chết.

Về sau tre ở đó hoá thành tre đồi mồi, bởi giọt nước mắt có chấm lổ đổ như đồi mồi, gọi là Tương trúc, tức là tre ở sông Tiêu Tương đem làm rèm sáo, gọi “Tương liêm” (Rèm tương).



Bình mai đã lọt tin sương,

Rèm tương khác hãy mơ màng bàn mê.

(Hoa Tiên Truyện).



Phòng tiêu dìu dặt chén đồng,

Rèm tương giủ thấp, trướng hồng treo cao.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



RỂ ĐÔNG SÀNG

Đông sàng là giường phía đông.

Do tích Vương Đạo có dạy một số học trò, trong đó có Vương Hy Chi, một nhà thơ, một học trò giỏi và người viết chữ đẹp nhứt trong thiên hạ.

Quan Thái uý Khước Giám muốn tìm một người để làm rể, bèn sai người qua chọn. người nào cũng ăn mặc đẹp đẽ để giành làm rể, duy chỉ có Vương Hy Chi là không thèm để ý đến, nằm tréo chân ở giường phía đông. Khước Giám nghe chuyện, bèn nói: Người ấy mới đáng là rể của ta.

Xem chữ: Lan Đình.

Trông gặp rể đông sàng biết phải,

Bên nhạc gia cũng lạy mà dâng.

(Phương Tu Đại Đạo).



RIU RÍU

1.- Tiếng diễn tả trạng thái trôi xuôi, đám nọ tiếp đám kia, liên tục không dứt.



Gió thổi hiu hiu, lục bình trôi riu ríu,

Anh đừng bận bịu bớ điệu chung tình,

Nhạn bay cao khó bắn, cá ở ao huỳnh khó câu.

(Ca Dao Nam Bộ).

2.- Tiếng diễn tả sự chảy từng giọt nối nhau, không thể nào cầm được.

Mấy lời than của em thiết yếu,

Nước mắt anh riu ríu tuôn ra.

(Ca Dao Nam Bộ).



RÌU BÚA

Bởi chữ “Phạt kha  ” là chặt cây.

Kinh Thi có câu: Chặt cây thế nào, không búa không được. Lấy vợ thế nào, không mối không xong.

Do vậy, chữ “Rìu búa” được dùng để chỉ người mai mối. Xem: Phạt kha.



Bóng kiều mong gửi thân la,

Biết đem rìu búa để mà cậy ai?

(Hoa Tiên Truyện).



ROI BỒ

Roi bồ tức là roi bằng cỏ bồ.

Do câu “Bồ tiên thị nhục  ” nghĩa là dùng roi bồ mà đánh cho biết xấu.

Bởi tích Lưu Khoan, tự là Văn Nhiêu, người xứ Huê Âm đời Đông Hán. Làm Thái thú Nam Dương, rất thương dân, mỗi khi dân có lỗi, chỉ dùng cỏ bồ làm roi đánh cho dân biết xấu mà chừa lỗi.

Xem: Bồ tiên thị nhục.

Giữ thước mực cầm cân;

Đánh roi bồ răn chúng.

(Sãi Vãi).



RỒNG MÂY

Bởi chữ “Long vân hội  ”, tức hội rồng mây, dùng để chỉ việc gặp thời cơ tốt, công danh hiển đạt.

Kinh Dịch có câu: Vân tùng long, phong tùng hổ  , , nghĩa là mây theo rồng, gió theo cọp, có ý nói những vật cùng khí loại thường cảm ứng mà tìm nhau.

Xem: Long vân hội.



Rồng mây một hội nghìn thu,

Gác Đường vẽ mặt, yến Chu thỏa lòng.

(Hoa Tiên Truyện).



Rồng mây khi gặp hội đưa duyên,

Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



RỒNG PHỤNG KINH CHÂU

Rồng phụng ở đất Kinh Châu, tức chỉ Gia Cát Lượng và Bàng Thống. Bởi vì Gia Cát Khổng Minh lấy hiệu là Phục Long, còn Bàng Thống hiệu là Phụng Sồ, hai nhân tài thời Tam Quốc còn ở ẩn tại Kinh Châu. Sau theo giúp Lưu Bị.



Rồng phụng Kinh Châu còn mắc núp,

Chó gà Tề khách chớ nên khoe.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



RƠI TRÂM

Cây trâm cài đầu của phụ nữ, thường dùng làm vật đính hôn giữa trai gái.

Nếu bị “Rơi trâm” Hay “Gãy trâm” thì là điềm báo mối tình duyên đỗ vỡ, vợ chồng xa cách.

Phòng đào giữ rủi rơi trâm,

Sợ lơi hơi sắt, tiếng cầm lạc cung.

(Nữ Trung Tùng Phận).



RƠM BÉN LỬA GẦN

Bởi câu tục ngữ “Lửa gần rơm, không cháy cũng trèm trèm”. Rơm là vật bén lửa nên không thể để rơm gần lửa.

Cũng vậy, trai gái gần nhau, cũng như “rơm bén lửa gần” thì phải sinh ra tình tự với nhau. Vì vậy, trai gái gần nhau nên thận trọng, giữ gìn.

Lạ gì đôi lứa vừa xuân,

Ai hay rơm bén, lửa gần với nhau?

(Nhị Độ Mai).



RỦ ÁO

Bởi chữ “Thuỳ y  ”, nói đường lối chính trị hợp đạo trời, vừa lòng người, quan lại nhàn rỗi, ví như “Rủ áo” mà thiên hạ thái bình.

Do Kinh Dịch nói thời vua Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn trị dân, chỉ rũ áo mà nhân dân được thái bình.

Xem: Thuỳ y.



Trong triều rủ áo đền phong thẩm,

Ngoài cõi nghiêng tai tiếng đức vang.

(Hồng Đức Quốc Âm).



RỦ RÈM

Bởi chữ “Thuỳ liêm  ”, tức buông rèm, nói việc các bà Hoàng hậu mỗi khi tham dự việc triều chính thường bỏ sáo xuống để bàn việc nước.

Vua Cao Tông, mỗi khi ra triều, bà mẹ là Võ Hậu bỏ rèm xuống ngồi ở sau để cùng nghe bàn việc nước. Về sau các vua còn nhỏ, bà Thái hậu chấp chánh đều gọi là “Thuỳ liêm” (Rủ rèm).

Xem: Thuỳ liêm.



Vua Đường thoắt mới xe tiên,

Rủ rèm trong đã có nguyền riêng tây.

(Truyện Trinh Thử).



RŨ RIỆT

Như chữ “Rũ rượi”, ở tình trạng mệt mỏi bủn rủn tay chân, đến độ như không còn cử động được nữa.



Gió lao rao, tàu cao ngã liệt,

Anh xa em rồi rũ riệt tay chân.

(Ca Dao Nam Bộ).



RÙA LINH

Rùa là một vật trong tứ linh, nói điềm lành xuất hiện như vua Võ trị thuỷ, có con rùa thần xuất hiện trên lưng có vằn và số, nhân đó vua Võ xếp thứ tự thành cửu trù trong phép trị thiên hạ.



Thú vui thuở thú ngư hà,

Rùa linh đội sách, bạng già sinh châu.

(Tư Dung Vãn).



RỤNG CẢI RƠI KIM

Kim cải là nam châm hút cây kim, hổ phách hút hạt cải, chỉ tính hoà hợp nhau mà tìm đến nhau, để nói vợ chồng hoà thuận.

Rụng cải rơi kim, tức rụng hạt cải, rơi cây kim, ý nói không cảm ứng nhau, để chỉ duyên tình đổ vỡ.

Xem: Kim cải.



Vì ai rụng cải rơi kim,

Để con bèo nổi mây chìm vì ai.

(Truyện Kiều).



RUỒI NƯƠNG ĐUÔI KÝ

Kỳ ký là giống ngựa hay, chạy rất nhanh.

Ruồi nương đuôi ký tức là ruồi đậu đuôi ngựa ký để nhờ sức ngựa đi xa, chỉ hạng người không có thực tài, chỉ mượn sức người để làm nên việc mà còn khoe khoang tài giỏi.

Cáo đội oai hùm mà nạt chúng,

Ruồi nương đuôi ký luống khoe người.

(Bạch Vân Quốc Ngữ).



RUỒI XANH

Do chữ “Thương nhặng  ”, tức là ruồi xanh, một loại côn trùng bay nhanh, thường bu đậu ở nơi hôi thúi. Chữ “Ruồi xanh” người ta thường dùng để chỉ bọn tiểu nhân, ty tiện.

Trong Kinh Thi có câu: Thương nhăng chi thanh  , nghĩa là tiếng con ruồi xanh. Tiếng con ruồi xanh thường vang dậy nơi chúng bu đậu, nơi chỗ sình lầy hôi thúi, để ví với kẻ tiểu nhân tham lam, nhỏ mọn.

Đầy nhà vang tiếng ruồi xanh,

Rụng rời giọt liễu, tan tành gối mai.

(Truyện Kiều).



RUỘNG SẰN

Bởi chữ “Sằn dã  ”, tức cánh đồng Hữu sằn, nơi Y Doãn cày ruộng thuở còn hàn vi. Sau ông được vua Thành Thang rước về phong tước, rồi giúp vua Thang diệt nhà Hạ, lập nên nhà Thương.

Xem: Nội Sằn.

Ruộng sằn cày cấy nương mình,

Xe vời ba lượt điều canh cũng vừa!

(Thơ Học Canh).



RUỘT TẰM

Tằm là loài vật ăn lá dâu, nhả ra tơ. Tơ càng nhả ra nhiều chừng nào thì ruột của nó héo hon, nên chữ “Ruột tằm” thường được ví với lòng người bối rối, đớn đau.



Càng trông mặt càng ngẩn ngơ,

Ruột tằm đòi đoạn như tơ rối bời.

(Truyện Kiều).



Song đường thấy sự ngạc nhiên,

Ruột tằm bối rối, thêm phiền não ra.

(Quan Âm Thị Kính).



Ruột tằm chín khúc vò tơ,

Biết rằng chàng có đợi chờ ta chăng.

(Thanh Hoá Quan Phong).



RỬA MÁC

Mác là một loại binh khí hình giống cây dao có mũi nhọn, chỉ chung các loại vũ khí.

Rửa mác tức là không còn dùng đến nữa, rửa sạch đem cất, ý nói không còn giặc giã, đời thái bình.

Xem: Đòng mác.



Cá kình im lặng tăm hơi,

Duyền Ngân rửa mác non Đoài treo cung.

(Truyện Phan Trần).



Non Thiên Sơn mong thuở 
treo cung,

Sóng Giang Hán chờ ngày rửa mác.

(Thập Giới Cô Hồn).



RỪNG MẶT VÁCH TAI

Do câu tục ngữ “Tai vách mạch rừng”, ý nói cần thận trong từng lời nói, vì vách có tai, rừng có mạch, nghĩa là chuyện không thể giữ mật, dù kín đáo cở nào vẫn có người nghe biết được.



Bây giờ rừng mặt vách tai,

Việc trong mới rắp kẻ ngoài đã hay.

(Truyện Trinh Thử).



RỪNG NGHIÊU NON THUẤN

Chỉ cảnh núi rừng của đời vua Nghiêu Thuấn, ý muốn nói thời thái bình, thịnh trị, người dân được tự do sinh sống.



Ngày ngày đốn củi rừng Nghiêu,

Hái rau non Thuấn, phận nhiều lao đao.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



RỪNG NHO

Do chữ “Nho lâm  ”, tức là chữ nghĩa và kinh sách của Nho học nhiều như lá cây trong rừng.

Xem: Rừng Nho biển Thánh.

Bể thánh sâu, cố gia công lội,

Rừng nho gai, thẳng lối xông pha.

(Gia Huấn Ca).



RỪNG NHO BIỂN THÁNH

Tức là chữ Nho và kinh sách của Thánh hiền nhiều như cây lá trên rừng, sâu rộng như biển cả. Câu thành ngữ này cho thấy việc học như rừng sâu biển cả, mà người xưa gọi là “Nho lâm học hải  ”, không biết bao giờ mới học hết được.



Rừng Nho biển Thánh khôn dò,

Nhỏ mà không học lớn mò sao ra.

(Ca Dao)


Rừng nho biển Thánh mênh mông,

Dễ ai lặn lội cho cùng vậy vay.

(Lục Vân Tiên).



Rừng Nho biển Thánh 
thinh thinh,

Nữ lưu nào thấu muôn nghìn thi thơ.

(Nữ Trung Tùng Phận)



RỪNG PHẠN

Bởi chữ “Phạm lâm  ”. Phạm (hoặc đọc Phạn), nghĩa là thanh tịnh, thuộc về Phật giáo.

Rừng Phạm chỉ nơi thờ Phật, chùa Phật.

Mảng xem rừng phạm thú mầu,

Vầng kim ô đã gác đầu non tê.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



RỪNG TÍA

Tức là rừng tre tía, do nghĩa từ câu “Tử trúc lâm  ” là nơi ngự của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Rừng tía chỉ nơi tu hành: Cõi Phật hay cửa chùa.

Nàng từ lánh gót vườn hoa,

Dường gần rừng tía, dường xa bụi hồng.

(Truyện Kiều).



RỪNG THIỀN

Do chữ “Thiền lâm  ”.



Thiền: Do tiếng Phạn là Thiền na chỉ sự thanh tĩnh. Thiền còn là một pháp môn tu đốn ngộ, thuộc phái Thiền tông. Lâm: Rừng cây.

Rừng thiền dùng để chỉ nơi chùa chiền, am tự.



Rừng thuyền cõi tĩnh là nhiều,

Sạch mình chi lọ là liều đến ai.

(Hoa Tiên Truyện).



Xin người, đã bạch gót đầu,

Rừng thiền xin nhớ những màu én anh.

(Truyện Phan Trần).



Rừng thiền nhặt thúc tiếng chuông trưa,

Phước gặp về Ta buổi đã vừa.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Rừng thiền trở gót mới 
thung dung,

Nhàn hạ riêng vui cảnh bá tùng.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Dò đon hỏi bước rừng thiền cũ,

Rằng Phật còn ngụ ở Lôi Âm.

(Nữ Trung Tùng Phận).



RỪNG THUNG

Hay “Rừng tòng”.

Bởi chữ “Tùng lâm  ” là rừng thung hay rừng tòng. Ngày xưa các tu sĩ Phật giáo thường chọn rừng thung để cất chùa chiền để làm nơi tu hành.

Vì vậy, “Rừng thung”, “Rừng tòng” hay “Tùng lâm” dùng để chỉ cảnh chùa, nơi thanh tịnh để tu hành.

1.- Rừng thung:

Thuyền từ sông lệ buồm trương cánh,

Cảnh trí rừng thung khách lướt đường.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Rừng thung bóng nhựt đã hầu chinh,

Tỏ rạng gần nơi bước vẹn gìn.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).

2.- Rừng tòng:

Cội trước gió đưa hơi nhắn khách,

Rừng tòng khách giục cảnh chờ người.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Rừng tòng ngày tháng thú quen chừng,

Nhướng mắt dòm coi thế chuyển luân.

(Đạo Sử).



RỪNG TRE

Bởi chữ “Trúc lâm  ”, dùng để chỉ Trúc Lâm Thất Hiền, tức là bảy ông hiền đời nhà Tấn, không chịu ra làm quan, ở ẩn và tụ họp vui chơi nơi rừng trúc.

Xem: Trúc lâm.

Miệng chào lại nhủ mặc Tiên y,

Mời đến Rừng tre hội cuộc kỳ.

(Thiên Thai Kiến Diện).



RỪNG TRÚC

Hay “Rừng trước”.

Dịch từ chữ “Trúc lâm  ” là nơi tụ họp vui chơi của bảy người hiền đời nhà Tấn, như Kê Khang, Nguyễn Tịch, Sơn Đào, Hướng Tú, Lưu Linh, Nguyễn Hàm, và Vương Nhung. Bảy người này không chịu ra làm quan, thường tụ hội trong rừng trúc, nên người đời gọi là Trúc Lâm Thất Hiền.

Xem: Trúc Lâm.



Khe Đào, động Lý nhiều đoàn trốn,

Rừng Trúc, đình Lan lắm bạn say.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Thi Thần vui hứng ngoài rừng trước,

Rượu Thánh buồn say dưới cội tàn.

(Đạo Sử).



Thà đọc sách xưa hiền bảy Lão,

Tại nơi rừng trước hưởng khương bình.

(Đạo Sử).



RƯỚC VOI PHÁ MẢ

Bởi câu tục ngữ “Rước voi giầy mả tổ” là mượn tay bên ngoài mà phá hại trong nhà, ý nói những người mượn binh lực nước ngoài về giầy xéo đất nước. Đồng nghĩa với câu “Cõng rắn cắn gà nhà”.



Rước voi phá mả đào lăng miếu,

Thả rắn xua ong nhiểu điện tà.

(Đạo Sử).



RƯỢU QUỲNH

Bởi chữ “Quỳnh tương tửu  漿 ”.

Quỳnh là một loại ngọc quý được người xưa làm thành những chung uống rượu để các hạng vua chúa hay các nhà quyền quý dùng, rượu chứa trong ngọc quỳnh làm tăng thêm vị thơm ngon, ý nói rượu ngon, quý.

Chừ toan bứt mảnh tơ tình,

Trà ngâu chê nhớ, rượu quỳnh chối thương.

(Nữ Trung Tùng Phận).

 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...