Friday, September 18, 2020

Điển tích - O

 

O Ô Ơ

OAN CẦM 

Oan: Oan ức. Cầm: Loài chim.

Con chim bị oan ức.

Con gái của vua Viêm Đế bị chết đuối ở Đông Hải, hoá thành con chim Tinh vệ, thường ngậm gỗ đá ở núi phía Tây để về lấp biển Đông. Con chim ấy gọi là oan cầm.

Theo sách Bách Vật Chí, chim Tinh vệ cùng chim Hải yến (Én biển) kết đôi với nhau, sanh con. Con mái gọi là Tinh vệ (Hoặc Oan cầm), con trống gọi là chim Hải yến. Xem: Tinh vệ.



OAN GIA 

Oan: Bị uất ức, bị quy lỗi mà bản thân không phạm. Gia: Nhà.

Oan gia là nhà bị nhiều điều oan ức. hay nói cách khác là mối oan trái gây cho một gia đình.



Làm chi tội báo oan gia,

Thiệt mình mà hại đến ta hay gì?

(Truyện Kiều).



Lòng lành thấy sự oan gia,

Trở vào bạch lại sư già trước sau.

(Nhị Độ Mai).



Oan gia anh trốn nợ rồi,

Chị già, cháu dại, còn ngồi trông chi?

(Dương Từ Hà Mậu).



Dầu trọn kiếp sống không nên Đạo,

Dầu oan gia tội báo buộc ràng.

(Kinh Tận Độ).



Dầu tội Chướng ở miền địa giái,

Dầu oan gia ở ngoại Càn Khôn.

(Kinh Thế Đạo).



OAN KHÍ TƯƠNG TRIỀN 

Oan khí: Khí oan ức. Tương triền: Trói buộc, hay quấn quít.

Oan khí tương truyền là khí oan ức quấn quít nhau, nghĩa là linh cảm thấy sự oan ức.



Lạ thay oan khí tương triền!

Nàng vừa phục xuống Từ liền ngã ra.

(Truyện Kiều).



OAN KHIÊN 

Oan: Bị uất ức, bị quy lỗi mà bản thân không phạm. Khiên: Tội lỗi.

Oan khiên là bị kết tội một cách oan ức.



Cao minh xin tỏ đèn trời,

Tra người vu cáo hỏi người oan khiên.

(Cai Vàng Tân Truyện).



Mỵ Ê thảm thiết trong lòng,

Thương thân bạt đảng thương chồng oan khiên.

(Thiên Nam Ngư Lục).



Biến chuyển Trời Nam cuộc đảo huyền,

Trả vay cho sạch vết oan khiên.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Chưa lo buổi sớm lo nồi tối,

Cái kiếp oan khiên khá dứt lần.

(Đạo Sử).



OAN KHỐC 

Oan: Oan ức. Khốc: Bạo ngược, tàn ác.

Oan khốc tức là bị những mối oan tình bạo ngược rất nên khổ sở.



Khóc rằng oan khốc vì ta,

Có nghe lời trước chẳng đà lụy sau.

(Truyện Kiều).



Hỉ Đồng thưa chuyện xa gần,

Nỗi nhà oan khốc, nỗi thân lạc loài.

(Nhị Độ Mai).



OAN NGHIỆT 

Oan: Bị uất ức, bị qui lỗi mà bản thân không phạm. Nghiệt: Mầm ác do mình làm từ kiếp trước

Oan Nghiệt là những điều oan ức gây ra từ kiếp trước, nhưng mãi đến kiếp này mới gánh chịu.



Cũng là oan nghiệt chi đây,

Sa cơ mới đến thế này chẳng dưng.

(Truyện Kiều).



Nỡ đày đọa phong trần nặng kiếp,

Để tơ vương oan nghiệt lạ đời.

(Tự Tình Khúc).



Một kiếp muối dưa xong kiếp nợ,

Cuộc đời oan nghiệt thấy rồi chưa.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Có lợi cho danh thường hiếp chúng,

Vì điều oan nghiệt tổ tiên truyền.

(Đạo Sử).



OAN TRÁI 

Oan: Không phạm lỗi mà bị nghi ngờ. Trái: Nợ.

Theo thuyết luân hồi nhân quả của đạo Phật, kiếp trước nếu ta gây tạo những điều oan ức cho người khác, thì kiếp sau phải trả nợ lại điều mình đã làm, đó gọi là oan trái.



Dễ dàng là thói hồng nhan,

Càng oan nghiệt lắm càng oan trái nhiều!

(Truyện Kiều).



Ngẫm đời trước vốn không oan trái,

Sao kiếp này vướng mãi gian truân?

(Tự Tình Khúc).



Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại,

Đoạn cho rồi oan trái buổi sanh.

(Kinh Tận Độ).



Cầm gươm huệ chặt tiêu oan trái,

Dìu độ quần sanh diệt quả nhân.

(Thánh Thi Hiệp Tuyển).



Kiếp tu xưa tiếc chưa nên Ðạo,

Oan trái phủi rồi phép Phật thông.

(Đạo Sử).



Oan trái dứt, nghiệp chướng tiêu,

Cảnh vui Cực Lạc mỹ miều vẻ tâm.

(Nữ Trung Tùng Phận).



OÁN CHẠ THÙ VƠ

Oán chạ: Bạ đâu oán đó. Thù vơ: Việc gì cũng thù.

Oán chạ thù vơ là thù oán không có lý do chính đáng, thù oán một cách bừa bãi, bạ đâu thù oán đó.



Đừng tính kế độc sâu trong dạ,

Mà gổ ganh oán chạ thù vơ.

(Kinh Sám Hối).



OÁN NỮ 

Oán nữ là oán hận của người con gái, chỉ con gái lở thời chưa có chồng.

Sách Mạnh Tử có câu: Nội vô oán nữ, ngoại vô khoáng phu  , , nghĩa là trong không có con gái lớn tuổi chưa chồng, ngoài không có con trai luống tuổi không vợ.

Làm chi gan tấc một nhà

Bên là oán nữ bên là khoáng phu.

(Tây Sương).



OÁN VƯU 

Oán: Thù hận. Vưu: Lỗi, bắt lỗi.

Oán vưu tức là oán giận mà lỗi phải cùng người.



Hẳn bền lòng chớ chút oán vưu,

Thời chí hỷ ngư long biến hoá.

(Thơ Cao Bá Quát).



OANH BÉ

Tức bé Oanh, một đứa bé mới có tám tuổi mà đã tinh thông về phép làm thơ.

Trong sách Tam Tự Kinh có viết: Oanh bát tuế, năng vịnh thi  , , tức là mới có tám tuổi mà bé Oanh đã biết làm thơ.

Oanh bé nhỏ tuổi thì lên tám,

Việc đọc thơ sớm đã tinh thông.

(Gia Huấn Ca).



OANH YẾN 

Chim oanh và chim yến, hai loại chim thường tụ tập, bay theo đàn, dùng để chỉ sự đông đúc, rộn rịp.

Chim oanh và chim yến là hai thứ chim con đực và con cái luôn luôn quấn quít bên nhau, dùng để chỉ đôi lứa trai gái, hay vợ chồng.

Xem: Yến oanh.



Lọ là oanh yến hẹn hò,

Cầu Đông sẵn lối, cầu Ô đó mà!

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



OANH LIỆT 

Oanh: Mạnh mẽ. Liệt: Rực rỡ.

Oanh liệt là nói khí thế oai hùng, rực rỡ khiến cho người ta phải kiêng nể.



Đã biết rằng anh hùng thì chẳng quản,

trăm trận một trường oanh liệt,

cái sinh không cái tử cũng là không.

(Trận Vong Tướng Sĩ).



OANH VÀNG

Bởi chữ “Hoàng oanh  ” là tên môt loại chim hót hay. Tiếng hót của chim oanh vàng lảnh lót, rộn rã, vui vẻ, chỉ cảnh mùa xuân.



Thơ ngâm ríu rít oanh vàng,

Véo von rầm rĩ lại càng thêm thay.

(Hoa Điểu Tranh Năng).



ONG BƯỚM

Ong và bướm là hai loài sinh vật thích hút nhuỵ hoa, nên trong văn chương người ta thường ví hoa như người con gái, ong bướm như các chàng trai, thấy gái thường hay đến chọc ghẹo, tỏ tình.

Xem: Bướm ong.

Êm đềm trướng rủ màn che,

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

(Truyện Kiều).



Ngán cho bên cõi bồ đề,

Phải đưòng ong bướm đi về đấy sao?

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Che đậy kín tường đông ong bướm,

Giấu nhặt nghiêm nhụy tướng hương.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ONG BƯỚM CÁ NHÀN

Ong bướm tìm hoa để hút mật, nên chỉ việc mối lái để kết duyên vợ chồng. Cá nhàn chỉ tin tức.

Ong bướm cá nhàn dùng để chỉ những người làm mối lái đem tin tức đến.

Tiếng thơm lừng lẫy đâu đâu,

Kẻ siêng ong bướm, người mau cá nhàn.

(Truyện Phan Trần).



ONG TƯỜNG BƯỚM NGÕ

Ong bướm nói cái thói lẳng lơ, tình tứ.

Ong tường bướm ngõ chỉ hạng người lẳng lơ, tình tứ bừa bãi như loài ong bướm ngoài tường ngõ.

Xem: Liễu ngõ hoa tường.



Dạy tránh nết ong tường bướm ngõ,

Gái dầu lành nghèo khó cũng đành thương.

(Phương Tu Đại Đạo).



Ô ĐÀI 

Tức là đài Ngự sử. Vì ngày xưa ở dinh Ngự sử có trồng nhiều cây bách, quạ thường đến đó đậu, nên người ta mới gọi dinh Ngự sử là Ô Đài hay Ô Bách đài.



Hiểu từ phế thạch khai phong khứ,

Mộ hạng Ô Đài quải nguyệt quy.

(Thơ Cao Bá Quát).



Ô GIANG

Tức là sông Ô, một con sông mà Sở Bá Vương Hạng Võ khi thất trận ở thành Cai Hạ, muốn chạy sang phía đông trốn, phải vượt qua đó. Nơi sông Ô, trước lúc Hạng Võ tự đâm cổ chết, ông đã hứa tặng cho viên Đình trưởng Ô Giang con ngựa chiến đang cỡi rồi tự đâm vào cổ để viên kỵ binh nhà Hán là Mã Đồng được lãnh thưởng ngàn vàng và phong ấp vạn hộ.



Lại nghe đình trưởng dừng thuyền,

Chở ông Hạng Vũ qua miền Ô Giang.

(Dương Từ Hà Mậu).



Thuyền ai đỗ bên Ô Giang,

Hay thuyền Đình Trưởng đi rước Hạng Vương sang cùng.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Bạo tàn sao chẳng soi gương Hạng,

Nước thắm Ô Giang khó vớt thây.

(Hoài Nam Khúc).



Ô Y HẠNG 

Ô y: Tên đất. Hạng: Con đường.

Con đường ở Đông Nam thành Nam Kinh gần cầu Châu Tước, đời nhà Tấn có con em ông Vương Đạo, Tạ An phần nhiều ở làng Ô Y, mà làng này được coi như làng của các gia đình quyền quý gọi là “Ô y hạng” (Tức làng Áo đen).

Lưu Vũ Tích, nhà thơ đời Đường có làm bài “Ô Y Hạng” được truyền tụng như sau: Chu tước kiều biên dã thảo hoa, Ô Y hạng khẩu tịch dương tà. Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, Phi nhập tầm thường bách tính gia  , . nghĩa là bên cầu Chu Tước cỏ dại đầy hoa, trong ngõ Ô Y mặt trời xế bóng. Chim én nơi lâu đài họ Vương họ Tạ ngày trước, nay bay vào những nhà thường dân.

Ô Y Hạng dùng để chỉ gia đình danh giá.



Nguyên chàng Hữu Bạch họ Tô,

Ở Ô Y Hạng nghiệp Nho vốn nhà.

(Ngọc Kiều Lê).



Ô KIỀU 

Ô kiều tức là Cầu ô, cầu do chim ô thước bắc qua sông Ngân Hà để Chức Nữ sang gặp Ngưu Lang trong đêm thất tịch (Mồng bảy tháng bảy).

Đồng nghĩa với “Thước kiều  ”.

Xem: Cầu ô.



Riêng than chút phận tơ điều,

Hàn Giang chưa gặp, Ô kiều lại rơi!

(Lục Vân Tiên).



Ô THƯỚC 

Ô: Chim quạ. Thước: Chim khách.

Do điển Ngưu Lang và Chức Nữ bị Trời đày phải xa cách hai bên sông Ngân, mỗi năm gặp nhau một lần vào đêm thất tịch (Tức mùng 7 tháng 7). Đêm đó, chim ô thước đội đá bắc cầu cho hai vợ chồng qua với nhau.

Xem: Ngưu Lang Chức Nữ.

Ước gì sông cạn một gang,

Bắc cầu Ô thước cho nàng sang chơi.

(Ca Dao Việt Nam).



Tiếc công Ô thước bắc cầu,

Chàng Ngưu, ả Chức giã nhau từ rày.

(Quan Âm Thị Kính).



Sông Ngân chưa bắc cầu Ô thước,

Phận liễu còn e trận gió mưa.

(Thơ Chu Mạnh Trinh).



Còn con Ô thước bắc cầu,

Mất con là cửa vô lầu lãnh cung.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Ô TRỌC 

Ô: Nhơ nhớp. Trọc: Đục.

Ô trọc nghĩa là xấu xa nhơ nhớp, dùng để chỉ dục vọng thấp hèn.



Đêm đêm lặng hỏi trời già,

Thân này ô trọc hay là thanh cao?

(Tự Tình Khúc).



ỐC MƯỢN HỒN

Một loại ốc ở biển bị chết, còn cái võ ngoài, được các sinh vật nhỏ khác ở biển mượn võ ốc đó để sống. Ví với người ngơ ngơ ngẩn ngẩn, ngây dại như kẻ mất hồn.



Dại không ra dại, khôn chẳng nên khôn,

Ngất ngơ như ốc mượn hồn.

(Lục Súc Tranh Công).



Thiếp thân như ốc mượn hồn,

Sống không biết sống,chết còn ngậm đau.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Như ốc mượn hồn đời há tiếc,

Bỏ qua cho rảnh kiếp phong trần.

(Đạo Sử).



ÔM BÌNH

Bình 
: Ken nhiều bức vẽ làm một mảng gọi là bình như bình đối : Là ken mấy bức tranh lại để treo cho kín tường vách. Như vậy bình có nhiều bức vẽ treo kế nhau.

Ôm bình là ôm bức tranh vẻ hình con chim sẻ. Do điển tích như sau: Xạ tước bình nhi trúng mục, Đường Cao đắc thê 
, (Bắn mắt chim sẻ nơi bức hình trúng, Đường Cao Tổ được vợ).

Bộ Đường thư chép: Ông Đậu Nghị có người con gái rất đẹp nết và đẹp người. Ông thường nói với vợ rằng: Con nhỏ nầy có tướng tốt, lại đẹp song toàn, phải lựa người có tài cung kiếm và có đạo đức mà gả nó mới được. Ông bèn cho vẽ một con chim sẻ trên một bức bình (tranh), bảo những người gắm ghé đến cầu hôn bắn một mũi tên, người nào bắn trúng vào mắt con chim sẻ thì được gả con gái cho. Trong số những người đến dự bắn có ông Lý Uyên bắn trúng ngay mắt con chim sẻ. Đâụ Nghị bèn nhận làm rể. Hai vợ chồng bèn lưu bức hình làm kỷ vật cho duyên đôi lứa.

Về sau, Lý Uyên dựng nên cơ nghiệp nhà Đường, xưng là Cao Tổ và phong cho vợ là con gái Đậu Nghị làm Hoàng hậu, gọi là Đậu Hoàng hậu.

Dưới trăng bóng ngọc còn nguyên,

Ôm bình, bao tóc sang hèn cũng cam.

(Kinh Thế Đạo).



ÔM CÂY

Bởi câu chuyện “Bão chu đãi thố  ” tức là ôm cây đợi thỏ.

Do tích trong sách Hàn Phi Tử: Có một người nước Tống tình cờ bắt được một con thỏ va đầu vào gốc cây giữa ruộng mà chết. Ông đem về nhà làm thịt ăn. Từ đó ông không chịu làm việc chi nữa, suốt ngày chỉ đứng chờ dưới gốc cây, mong lại có con thỏ khác chết nữa.

Trông mong đã suốt giờ lâu,

Ôm cây mãi thế, ra màu cũng quê.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



ÔM CẦM THUYỀN AI

Ôm cây đàn cầm bước sang thuyền khác.

Bởi câu trong sách Thiên Hương, nàng Kiều Oanh nói: Thiếp dĩ thân hứa quân, tuy toái ngọc trầm châu, diệc bất bão tỳ bà quá biệt thuyền  , , , nghĩa là thiếp đem mình theo chàng, dẫu đến nát ngọc chìm châu, cũng không ôm đàn tỳ bà sang thuyền khác, ý nói người đàn bà quyết giữ trọn tiết nghĩa.

Xem: Ôm đàn qua thuyền.



Đã nguyền hai chữ đồng tâm,

Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai.

(Truyện Kiều).



ÔM CẦU

Có hai điển tích:

1.- Chữ cầu là cây cầu (kiều ) thì lấy điển ôm trụ cầu, do tích như sau:

Vỹ Sinh là người nước Lỗ, thời Xuân Thu, hẹn với người tình gặp nhau ở dưới cầu. Đúng giờ, Sinh ra chỗ hẹn mà chờ đợi. Nước dưới sông càng lúc càng lớn, mà người tình vẫn không tới, Vỹ Sinh cứ ở dưới cầu, ôm vào trụ cầu mà đợi. Nước ngập thì chịu chết, chớ không chịu bỏ chỗ hẹn để giữ chữ tín với người tình.



Đừng đợi đến ôm cầu mà khóc,

Nước ngập mình tơ tóc đều trôi.

(Phương Tu Đại Đạo).



Thôi đừng mộng mị trêu nhau,

Trần trần có lẽ ôm cầu mãi ru.

(Bích Câu Kỳ Ngộ)

2.- Chữ Cầu là trái cầu hay tú cầu , tức quả cầu bằng gấm thêu, dùng để các nàng công chúa hoặc con các quan kén chồng.

Vua Vũ Đế nhà Hán, có Công chúa vừa tuổi lấy chồng, vua bèn truyền lịnh các vị vương tôn công tử xa gần, hay các anh hùng hào kiệt khắp mọi nơi biết và tập trung về để Công chúa tuyển lựa phu quân. Người nào nhận được quả tú cầu do Công chúa gieo xuống thì được nhà vua gả Công chúa cho và phong làm Phò mã.

Kẻ ôm cầu chỉ người chồng.

Bước Tiên nàng đã ngao du,

Đoái tình thương kẻ ôm cầu khóc duyên.

(Kinh Thế Đạo).



ÔM ĐÀN QUA THUYỀN

Ôm đàn qua thuyền khác.

Trong Thiên Hương tập, nàng Kiều Oanh cũng có nói: Thiếp đem thân theo chàng, tuy đến độ nát ngọc chìm châu, cũng không bao giờ ôm đàn tỳ bà bước sang thuyền khác. Nói sự kiên trinh của người vợ quyết thờ chồng cho trọn đạo.

Xem: Ôm cầm thuyền ai.



Chữ trinh là phận thuyền quyên,

Ôm đàn ấy, lại qua thuyền nào ru!

(Hoa Tiên Truyện).



ÔM MỒ THỦ HIẾU

Ôm mả mẹ để giữ tròn chữ hiếu.

Do tích: Vương Thôi người đời Tây Tấn, có người mẹ già rất sợ sấm sét, nên khi mẹ qua đời, mỗi lần nghe tiếng sấm nổ thì chạy ra ôm mồ mẹ mà vái rằng: Có con ở đây, mẹ đừng sợ. Đây là một gương hiếu thảo trong Nhị Thập Tứ Hiếu.

Xem: Vương Thôi.



Giúp những kẻ ôm mồ thủ hiếu,

Dỗ những trang bận bịu khối tình.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ÔN CỐ TRI TÂN 

Ôn cố: Học tập lại cái cũ. Tri tân: Hiểu biết mới.

Ôn cố tri tân tức là phải xem phải học lại những cái cũ, thì mới có thể hiểu biết được cái mới.

Sách Luận Ngữ có câu: Ôn cố nhi tri tân, khả dĩ vi sư hỹ  , , nghĩa là ôn lại những cái cũ để biết những cái mới, có thể làm thầy cho người ta vậy.

Sách hai pho đèn một ngọn,

Bữa bữa hằng ôn cố tri tân.

(Nhạc Hoa Linh).



ÔN ĐẶT GỐI

Tức là nói về gối Ôn Công, do tích Tư Mã Ôn Công đời nhà Tống, rất chăm học, có khi đọc sách suốt đêm, trằn trọc mãi trên gối không ngủ.

Xem: Gối Ôn Công.

Ôn đặt gối, Đổng vây màn,

Sớm nhuần kinh sử, tối bàn văn chương.

(Truyện Phan Trần).



ÔN NHU 

Ôn: Hoà nhã. Nhu: Mềm mại.

Ôn nhu là nói người có lòng ôn hoà, và mềm mại.



Ngoài thì khoan dũ ôn nhu,

Trong thì tu hoà bình trung chính.

(Sãi Vãi).



Tánh đức ôn nhu tua tập tánh,

Ngừa cơn xuân mãn kế qua hè.

(Đạo Sử).



Tiệp theo thời thế tánh hiền lương,

Cứ giữ ôn nhu chịu thủ thường.

(Đạo Sử).



Kỳ tâm đã sẵn tánh ôn nhu,

Ðưa bước rừng văn đã tối mù.

(Đạo Sử).



ÔN NHU HƯƠNG 

Tức “làng Ôn Nhu”.

Do điển trong Hán Thư chép: Vua Thành Đế sủng ái nàng Triệu Phi Yến, cho rằng thân nàng Phi Yến là cái thân phụ thuộc nhà vua, không có chỗ nào là không mềm mại, đẹp đẽ. Vua gọi đó là “Làng Ôn Nhu”.

Vua nói: Ôn Nhu hương khởi ưng lão táng quân vương cốt  , , nghĩa là làng Ôn Nhu, đâu đành chôn chết cốt quân vương.



ÔN NHUẦN

Bởi chữ “Ôn nhuận  ”.



Ôn: Học lại. Nhuận: Trau dồi.

Ôn nhuận hay ôn nhuần, là học đi học lại nhiều lần cho nhuần nhuyễn, tức là học thật kỹ lưỡng.



Vân Tiên từ ấy lân la,

Ôn nhuần kinh sử chờ khoa ứng kỳ.

(Lục Vân Tiên).



Ôn nhuần Châu Diệc mấy năm,

Sáu mươi bốn quẻ, ba trăm dư hào.

(Lục Vân Tiên).



Hai con vào chốn thơ phòng,

Ôn nhuần kinh sử lo vòng thi xuân.

(Dương Từ Hà Mậu).



ÔN SẢNH THẦN HÔN 

Ôn sảnh: Ấm áp, mát mẽ. Thần hôn: Sớm tối.

Lễ Ký chép: Phàm vi nhân tử chi lễ, đông ôn nhi hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh  , , , nghĩa là phàm bổn phận của người làm con, mùa đông lo cho cha mẹ ấm, mùa hè lo cho cha mẹ mát, buổi tối lo cho cha mẹ yên tĩnh nằm, buổi sớm hỏi han cha mẹ ngủ dậy có khoẻ mạnh không?

Ôn sảnh thần hôn có nghĩa là sớm tối thăm hỏi, chăm sóc cha mẹ mùa đông lo cho ấm, mùa hè lo cho mát.

Hay khi ôn sảnh bề cung dưỡng,

Siêng thuở thần hôn việc hỏi han.

(Bạch Vân Quốc Ngữ).



ÔN THƯ 

Tức là Lộ Ôn Thư, người đời Hán, quê ở Cự Lộc, nhà rất nghèo. Thuở nhỏ đi chăn dê, lấy cỏ bồ làm sách biên chữ để học. Đến đời Hán Tuyên Đế, ông dâng thư nói về việc chính trị, khuyên vua nên chuộng việc nhơn đức, hoãn việc hình phạt. Về sau, ông được thăng đến chức Thái thú.

Xem: Cỏ bồ.

Nhặt lấy cỏ bồ biên mà đọc,

Người Ôn Thư chí học mới cao.

(Gia Huấn Ca).



ÔNG LÃ THẢ CẦN

Tức là ông Lã (Lữ) Vọng, tự là Tử Nha, một vị hiền thần đời nhà Châu, lúc còn hàn vi , ngồi bên Bàn Khê thả cần câu cá.

Xem: Lữ Vọng.

Lơ thơ đầu ông Lã thả cần,

Trần trụi mặc Chử đồng ngâm nước.

(Ngã Ba Hạc Phú).



ÔNG LỮ

Ông Lữ tức là Lữ Vọng tên hiệu của Khương Thượng, tự là Tử Nha, là người tài năng lỗi lạc, nhưng chưa gặp thời. Năm 70 tuổi, Lữ Vọng còn ngồi câu cá ở phía bắc sông Vị. Sau, Châu Văn Vương tìm đến rước ông về phong tước. Ông đã giúp Võ Vương diệt vua Trụ, lập nên cơ nghiệp nhà Châu.



Biếng theo ông Lữ câu danh lợi,

Sánh với thầy Viên bói thủy ngư.

(Dương Từ Hà Mậu).



Thuyền ai thấp thoáng bên bờ,

Hay thuyền ông Lữ đợi chơ vua Văn.

(Thanh Hoá Quan Phong).



ÔNG LƯƠNG

Ông Lương tức Lương Hạo là người có chí, tuổi đã tám mươi hai mà còn vào sân điện ứng thí, được đỗ đầu khoa.

Tam Tự Kinh: Nhược Lương Hạo, bát thập nhị, đối đại đình, khôi đa sĩ  , , , , nghĩa là như ông Lương Hạo, tám mươi hai tuổi, vào thi ở sân nhà vua, đỗ đầu các học trò.

Ông Lương đã đến tuổi già,

Tám mươi hai tuổi đỗ khoa Đại đình.

(Gia Huấn Ca).



ÔNG LƯU

Nói về Lưu Linh , tự Bá Luân, người đời Tấn, là một người trong Trúc Lâm Thất Hiền. Ông là người nổi tiếng hay uống rượu, tính tình phóng khoáng, có làm bài “Tửu đức tụng” để ca ngợi những đức tánh của rượu.

Xem: Lưu Linh.

Đem cờ vua Thích vui bè bạn,

Mượn chén ông Lưu học tỉnh say.

(Thơ Nguyễn Khuyến).



ÔNG TÁO

Ông Táo hay Táo Quân nghĩa là Vua Táo.

Theo Châu lễ, cứ đến mùa hạ thì tế Táo quân, tức là tế thần Chúc Dung. Theo sách Hoài Nam Tử, Hoàng Đế chế ra việc dùng lửa để nấu nướng, nên khi chết hoá thành Táo Quân.

Theo truyền thuyết của ta thì thần Táo quân có ba người: Hai ông một bà, nên ca dao có câu:



Thế gian một vợ một chồng,

Nào như vua bếp hai ông một bà.

Ngày xưa có hai vợ chồng nọ bị thất lạc nhau, mỗi người một nơi, người vợ mới có chồng khác. Một hôm, có người hành khất đến xin ăn, người đàn bà nọ nhận ra là chồng mình, liền đem cơm ra cho ăn. Sợ chồng sau biết được, người đàn bà nọ bèn giấu chồng cũ vào cây rơm. Không ngờ người chồng sau về, vô tình làm cháy cây rơm, thiêu chết người chồng cũ. Chị vợ nghĩ đến tình nghĩa xưa, đau đớn mà nhảy vào đống lửa để chết theo chồng. Người chồng sau thấy cảnh đó cũng thương tâm, nhảy vào lửa để chết theo. Ngọc Hoàng Thượng Đế thấy vậy, thương tình phong cho làm táo quân.

Xem: Vua bếp.

Ngày hong thiêu ba ông táo đất,

Đêm ngâm nga một tấm cà ràng.

(Nhạc Hoa Linh).

 

ÔNG TƠ

Ông tơ chỉ Nguyệt lão, tức là ông già ngồi dưới trăng lấy dây tơ đỏ xe duyên cho nên vợ chồng.

Đường thư chép: Vi Cố đời nhà Đường thấy một ông lão ngồi dưới trăng đang lật xem một quyển sách, bên cạnh có một số dây tơ đỏ. Vi Cố hỏi dây gì, thì ông lão đáp: “Dây xích thằng” (Chỉ đỏ) dùng để cột chân những người có duyên nợ vợ chồng với nhau.

Ông tơ ghét bỏ chi nhau,

Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi!

(Truyện Kiều).



ÔNG TRỌNG 

Tượng người bằng đồng hoặc bằng đá.

Tần Thuỷ Hoàng năm thứ 26, có mười hai tên rợ Trưởng Địch (Hạng rợ rất to lớn) đến đất Lâm Thao, cao hơn năm trượng. Vua cho là điềm lành, mới sai người lấy đồng đúc mười hai con người để tượng trưng cho mười hai tên rợ ấy. Mỗi người đồng nặng 24 vạn cân, đặt trước cửa cung và gọi là Kim Địch (Rợ địch bằng kim loại).

Lại còn một thuyết nữa: Có một người tên là Lý Ông Trọng mình cao một trượng ba thước. Tần Thuỷ Hoàng sai giữ đất Lâm Thao, quân Hung Nô đều khiếp sợ. Sau khi Ông Trọng chết, vua sai đúc tượng đặt tại cửa Tư Mã, cung Hàm Dương.



Tần Hoàng mới đúc tượng đồng,

Cao dư mười trượng giống Ông Trọng rày.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



Lý Ông Trọng ở Thụy hương,

Người đời vua Thục mà sang thi Tần.

(Quốc Sử Diễn Ca).



ỐNG MÉO BẦU TRÒN

Bởi câu Tục ngữ: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” có ý nói ở gần thì chịu ảnh hưởng nhau, như câu “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Ống méo bầu tròn nghĩa là ở ống thì méo ở bầu thì tròn, dùng để khuyên nên tránh gần với cái xấu.

Xem: Đen mự đỏ son.



Cho hay đen mực đỏ son,

Lại thêm ống méo, bầu tròn những xưa.

(Huấn Nữ Ca).



ƠN MƯA MÓC

Bởi chữ “Vũ lộ  ” tức là hạt mưa và hạt móc. Mưa móc lợi cho cây cỏ, nên thường được ví ơn của vua ban xuống cho thần dân.

Ơn mưa móc nói ơn huệ của nhà vua.

Đã từng tắm gội ơn mưa móc,

Cũng phải xênh xang hội gió mây.

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



ƠN SINH THÀNH

Sinh thành do sách Kinh Dịch có câu: Thiên sinh chi, địa thành chi  , , nghĩa là trời sinh ra cái hình thức, đất hoàn thành cái hình thức ấy, dùng để nói cái công đức của cha mẹ có thể ví với trời đất ấy.



Để lời thệ hải minh sơn,

Làm con trước phải đền ơn sinh thành.

(Truyện Kiều).



ƠN TẤC ĐẤT NGỌN RAU

Vào thời quân chủ, tất cả những tài nguyên sẵn có như đất đai, rừng núi, sông biển đều thuộc quyền sở hữu của nhà vua. Nhà vua mới có chế độ ban cấp đất đai cho dân để làm ăn sinh sống, như phép tỉnh điền của nhà Chu cấp ruộng đất cho dân.

Chính nhờ đất đai của nhà vua ban cho dân, mà người dân được hưởng tấc đất, ngọn rau, trên đất đai đó, nên phải biết ơn quốc vương thuỷ thổ rất sâu nặng.

Bá Di Thúc Tề vì không chịu phục và không thờ nhà Châu, nên chẳng ăn lúa nhà Châu, mà lên ở ẩn trên núi Thú Dương, hái rau vi mà sống. Có người gặp, chê rằng: Không ăn thóc nhà Châu, đi ăn rau để sống. Vậy chớ ngọn rau tấc đất không phải của nhà Châu là gì? Bá Di, Thúc Tề nghe được chuyện, bèn nhịn đói chết.



Ơn tấc đất ngọn rau nên nặng,

Đạo quân vương chữ dặn nơi lòng.

(Kinh Thế Đạo).

 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...