Thursday, September 17, 2020

Điển tích - E Ê

 E - Ê

ÉN ANH

Tức là chim yến và chim anh.

1.- Dùng để chỉ việc trăng hoa, chơi bời.

Dù chàng đổi dạ én anh,

Tề mi vẹn đạo, giữ gìn phép khuôn.

(Nữ Trung Tùng Phận).

2.- Dùng để chỉ vợ chồng, như “Nghĩa én anh” là nghĩa vợ chồng.

Chừ sao bỏ nghĩa én anh,

Thêm lê bỏ lựu, phụ tình trước mai.

(Nữ Trung Tùng Phận).

3.- Dùng để chỉ người đi chơi đông đảo tấp nập, như én anh bay từng đàn lũ lượt.

Nào khi cửa then gài mấy lớp,

Cấm vườn xuân nườm nượp én anh.

(Nữ Trung Tùng Phận).



ÉN BẮC NHẠN NAM

Lấy nghĩa từ câu “Cô nhạn nam phi, hồng bắc khứ  , nghĩa là nhạn lẻ bay về nam, chim hồng bay về bắc.

Én bắc nhạn nam dùng để chỉ không dính dáng gì với nhau, xa nhau.

Những là én bắc nhạn nam,

Cánh hoa mặt nước dễ làm sao đây?

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



ÉN HỘC

Bởi chữ “Yến hộc  ” Chim én và chim hồng hộc. Én là loài chim nhỏ bay thấp, ví như người tầm thường, không có chí lớn. Hộc tức là chim hồng hộc, một loài chim bay cao, được ví với người có chí cả.

Sử Ký có câu: Ta hồ yến tước an tri hồng hộc chi chí tai  ! , , nghĩa là Than ôi! Chim én chim sao biết được chí chim hồng chim hộc.

Én hộc một bầy ý nói kẻ xấu người tốt, người giỏi kẻ bất tài lẫn lộn nhau, không có sự phân biệt gì cả.



Trực rằng: Tiên vốn cao tài,

Có đâu én hộc sánh vai một bầy.

(Lục Vân Tiên).



ÉN NHÀ VƯƠNG TẠ

Trong bài thơ “Ô Y Hạng” đời Đường của Lưu Vũ Tích được truyền tụng có câu như sau: Cựu thời Vương Tạ đường tiền yến, Phi nhập tầm thường bách tính gia  , , nghĩa là chim én nơi lâu đài họ Vương họ Tạ ngày trước, nay bay vào những nhà thường dân.

Én Vương Tạ dùng để nói cuộc đời đổi thay.

Xem: Ô Y Hạng.



Én từ nẻo lạc nhà Vương Tạ,

Quạt đã hầu thu lòng Tiệp dư.

(Quốc Âm Thi Tập)



ÉN NẰM TRÊN GÁC

Én là loài bay tự do từng đàn, “Én nằm trên gác” ý muốn nói cảnh ngộ con người đang gặp khốn đốn, phải hết sức thận trọng để giữ gìn thân mình.



Bề ở ăn như cá núp trong nò,

Thân đùm đậu như én nằm trên gác.

(Thơ Nguyến Đình Chiểu).



ÉN NHÀN RẼ NHAU

Én nhàn là chim én chim nhạn, thường được ví với đôi lứa vợ chồng.

Én nhàn rẽ nhau dùng để nói cảnh chồng vợ chia cách, mỗi người một ngả.

Mấy thu Hồ Việt đôi phương,

Cũng vì máy tạo én nhàn rẽ nhau.

(Lục Vân Tiên).



ÉN OANH

Bởi chữ “Oanh yến  ” tức là chim én, chim oanh, dùng để chỉ những cô gái, hay nói những người con gái trăng hoa.

Én oanh còn dùng để chỉ sự dập dìu, nô nức của người đi lại như đàn chim oanh yến.

1.- Chỉ gái trăng hoa:



Thành sầu mấy ả Khâm Thiên,

Én oanh dẫn lối con thuyền Tầm Dương.

(Thơ Tản Đà).

2.- Chỉ cảnh dập dìu, nô nức:

Thanh bình gặp hội du xuân,

Én oanh nô nức xa gần đua nhau.

(Hương Sơn Nhật Trình).



ÉP LIỄU NÀI HOA

Hoa liễu là ví với người đàn bà con gái.

Ép liễu nài hoa có ý nói ép buộc trai gái về những chuyện trăng hoa.

Cố tình ép liễu nài hoa,

Lối về sinh đã rẽ qua theo đoàn.

(Hoa Tiên Truyện).



ÉP TRÚC NÀI MAI

Đồng nghĩa với ép liễu nài mai, ý nói ép buộc trai gái về chuyện trăng hoa.

Trúc mai thường được dùng để chỉ tình nghĩa khắng khít, bền chặt giữa trai gái.

Ép trúc nài mai tức là ép buộc sự giữ tròn khí tiết, chung thuỷ của trai gái.



Dù chàng ép trúc nài mai,

Tìm nơi giếng cạn thấy người hồng nhan.

(Truyện Phan Trần).



ÉP UỔNG

Tức là ép buộc người ta phải làm theo một cách thật oan uổng.



Cậu, cô, ép uổng khiến theo,

Đọc kinh xem lễ giữ lèo lái xưa.

(Dương Từ Hà Mậu).



ẾCH GIẾNG

Do câu tục ngữ “Ếch ngồi đáy giếng” để chỉ những người có kiến văn hẹp hòi, như con ếch dưới đáy giếng chỉ thấy một khoảng trời nhỏ mà thôi.

Xem: Ếch nằm đáy giếng.

Mấy thằng láo xược theo chơi,

Ví như ếch giếng thấy trời bao nhiêu.

(Ngư Tiều Vấn Đáp).



Để cho giặc nọ vô danh,

Xôn xao ếch giếng khoe mình nỗi chi.

(Hoài Nam Khúc).



ẾCH NẰM ĐÁY GIẾNG

Bởi câu tục ngữ “Éch ngồi đáy giếng” dùng để chỉ những người có kiến văn hẹp hòi, nong cạn mà lại hay khoe khoan, như con ếch dưới đáy giếng chỉ thấy trời rất nhỏ bằng nắp vung.



Quán rằng:Sấm chớp mưa rào,

Ếch nằm đáy giếng thấy bao nhiêu trời.

(Lục Vân Tiên).



ÊM GIẦM

Giầm là những thanh gỗ đẽo thành mái chèo của thuyền. Sau khi chất hàng hoá và sắp xếp mọi chuyện xong, người ta sửa soạn khởi hành gọi là thuyền đã êm giầm. Ý nói thuyền đã chở đi được, tức là đã tính toán xong xuôi.



Một lời thuyền đã êm giầm,

Hãy đưa canh thiếp trước cầm làm ghi.

(Truyện Kiều).

 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...