Friday, September 18, 2020

Điển tích - X

X

XA KHƠI

Một vị trí xa so với tầm vươn tới, độ nhìn không thấy gì rõ, như mờ đi và chìm vào khoảng mênh mông.



Lộ đồ diêu viễn xa khơi,

Thuyền tình chở một mình tôi nặng gì.

(Thanh Hoá Quan Phong).



Cõi Nam theo việc nhung đao,

Xa khơi bỡ ngỡ âm hao chưa tường.

(Cổ Tháp Linh Tích).



XA THƯ 

Hay “Xa thơ”. Xa: Xe. Thư: Sách vở.

Xa thư có nghĩa là xe cộ và sách vở, chỉ sự nhất thống thiên hạ về một triều đại, hay văn hoá của nước.

Sách Trung Dung có câu: Kim thiên hạ, xa đồng quỹ, thư đồng văn, hành đồng luân  , , , nghĩa là ngày nay trong thiên hạ xe cùng một thứ trục, sách cùng một thứ chữ, đi đường theo một thứ tự. Ý nói chế độ nhà Châu (Đời thạnh trị) đã được lưu hành trong thiên hạ.

1.- Xa thư:

Dõi truyền một mối xa thư,

Nước non đầm ấm mây mưa thái bình.

(Quốc Sử Diễn Ca).

2.- Xa thơ:

Xa thơ nay gãy giữa đàng,

Con tua giữ dạ cứu nàn giúp nguy.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Nắm mối xa thơ ra sức gánh,

Thâu giềng xã tắc sửa đầu cân.

(Đạo Sử).



Tiếc thay một gánh cơ đồ,

Xa thơ khuất dấu bóng cờ bặt tâm.

(Ngụ Đời).



XA TRẦN 

Bụi xe.


Xa trần tức xe chạy cuốn bụi mù mịt, ý muốn nói xe cộ dập dìu.

Nghĩa bóng: Chốn phồn hoa ngựa xe rộn rịp.



Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai.

(Bích Câu kỳ ngộ).



XÁ LỢI 

Hay “Xá lỵ”, tức là cốt Phật.

Khi Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn, các đệ tử của Ngài đem hoả táng, các xương cốt chết hết thành tro, còn lại một hòn như ngọc ngũ sắc, sáng và rắn chắc, gọi là hột “Xá lợi tử” hay “Xá lỵ tử”, nhân đó người ta xây tháp để cất giữ.

Câm hờn thầy Lê Đại Điên,

Thương cha xá lỵ bỏ miền Giang Tô.

(Thiên Nam Ngữ Lục).



XÁ THƯ 

: Ân xá. Thư: Bức thư.

Xá thư là bức thư ân xá, tức là chiếu xá tội của vua ban xuống cho tội phạm.



Khi ngày mong bức xá thư,

Khi đêm than bóng, khi trưa hỏi lòng.

(Tự Tình Khúc).



XÀ HUỶ 

: Con rắn. Huỷ: Cũng là loại rắn hết sức độc, loại này lớn và dài 7, 8 thước,

Kinh Thi có câu: Duy huỷ duy xà nữ tử chi tường, duy hùng duy bi nam tử chi tường  , , nghĩa là nằm mộng thấy rắn, điềm lành sinh gái, nằm mộng thấy gấu, điềm lành sinh trai.

Xem: Hùng bi.

Ứng điềm xà huỷ hùng bi,

Hai nhà chính thất một kỳ thụ thai.

(Truyện Phan Trần).



XÃ TẮC 

: Nơi tế thần đất. Tắc: Nơi tế thần nông.

Ngày xưa, các Đế hoặc Vương lo cho dân, dân cần đất, vua chia đất và dựng nền Xã để tế thần đất (Thần Hậu thổ), dân cần lúa, vua lập đền thờ Thần nông là vị thần trông coi nông nghiệp để hằng năm tế lễ.

Khi nước nhà mất, thì nền Xã và Tắc mất theo, vì vậy chữ xã tắc còn chỉ về nước nhà. Trong sách Hiếu Kinh có câu: Nhiên hậu năng bảo kỳ xã tắc nhi hoà kỳ nhân dân  , nghĩa là nhiên hậu mới có thể giữ gìn xã tắc và hoà với nhân dân.

Tiềm mưu với kẻ tôn thần,

Đem về xã tắc nhà Trần thủa xưa.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Vả chăng xã tắc làm đầu,

Miễn cho yên ổn, ai đâu mà rằng.

(Hạnh Thục Ca).



Mỏi gối nưng phò xã tắc,

Mòn lưng cúi đội vương công.

(Lục Súc Tranh Công).



Thất xã tắc, dân mình nghịch chủng,

Quen nghề tham, lại nhũng quan gian.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Nắm mối xa thơ ra sức gánh,

Thâu giềng xã tắc sửa đầu cân.

(Đạo Sử).



XÃ THỬ THÀNH HỒ 

Xã thử: Chuột ở nền xã, nơi vua tế trời đất. Thành hồ: Cáo ở bờ thành.

Xã thử thành hồ là chuột ở nền xã, cáo ở bờ thành, là nơi không ai dám đào tổ mà bắt, vì sợ làm lở nền xã hay lở bờ thành. Nói ví với những người chuyên cậy thân thế.



Ai ngờ xã thử thành hồ,

Chỉ điều cậy thế làm cho hại người.

(Truyện Trê Cóc).



XẠ TƯỚC 

Hay “Xạ bình”, tức là bắn mắt chim sẻ ở tấm bình phong.

Điển trong Đường Thư: Xạ tước bình nhi trúng mục, Đường Cao đắc thê  , , nghĩa là bắn trúng mắt chim sẻ ở bình phong, ông Đường Cao Tổ được vợ.

Ông Đậu Nghị có người con gái, ông cho rằng có tướng quý, nên chọn lựa hôn nhân cho con rất thận trọng. Do đó, ông cho vẽ một con chim sẻ trong bức bình phong, bảo người đến cầu hôn bắn hai mũi tên, người nào bắn trúng vào ngay mắt chim sẻ thì gả con gái cho.

Lý Uyên (Sau là vua Đường Cao Tổ) bắn trúng vào hai con mắt chim sẻ, nên được Đậu Nghị gả con gái cho.

Đã nên trót bắc thước kiều,

Dựng bình xạ tước sớm chiêu anh tài.

(Dương Từ Hà Mậu).



XÁCH BÚA TỚI CỬA BAN

Lấy nghĩa từ câu “Ban môn lộng phủ  ” tức là múa búa trước nhà Lỗ Ban.

Lỗ Ban là người thợ mộc giỏi thời Xuân Thu, xách búa tới vòng cửa Ban, là việc làm ngốc nghếch, ý nói khoe tài trước người giỏi hơn.

Mai Chi Hoán thấy người ta đến viếng mộ của Lý Bạch, một đại thi hào đời Đường, thường có đề thơ trước mộ, nên cười ngạo bằng bài thơ sau: Thái Thạch giang biên nhất đôi thổ, Lý Bạch chi danh cao thiên cổ. Lai lai vãng vãng nhất thủ thi, Lỗ Ban môn tiền lộng đại phủ  , . , , nghĩa là Thái Thạch bên sông một nắm mồ, Tài cao Lý Bạch nhất làng thơ. Vãng lai khách viếng đều ngâm vịnh, múa búa cửa Ban thật dại khờ.

Xem: Lỗ Ban.

Dám đâu bán nước bên sông,

So se xách búa tới vòng cửa Ban.

(Hứa Sử Tân Truyện).



XANH MÀY LỊCH SẮC

Xanh mày: Hay mày xanh, chỉ thời thanh xuân tuổi trẻ. Lịch sắc: Nhan sắc xinh lịch của người con gái.

Xanh mày lịch sắc là chỉ lúc thanh xuân khi nhan sắc còn xinh đẹp.



Còn gặp thuở xanh mày lịch sắc,

Dâng hình hoa treo mắt bướm ong.

(Nữ Trung Tùng Phận).



XẢO NGÔN 

Xảo: Khôn khéo. Ngôn: Lời nói.

Xảo ngôn là lời nói khôn khéo. Thói thường người nghe bao giờ cũng muốn câu chuyện được thích ý, nhưng chuyện mình thích ý chưa hẳn đúng sự thật.

Luận ngữ có câu: Xảo ngôn lệnh sắc tiễn hỹ nhân  , nghĩa là lời nói khôn khéo, trau dồi sắc đẹp, ít nhân đức vậy.

Nghĩa bóng: Xảo ngôn là lời nói tốt đẹp bề ngoài chứ không có lòng thật.



Rày đừng vây cánh cha con,

Gian mưu đứt nọc, xảo ngôn hết nghề.

(Nhị Độ Mai).



XẢO QUYỆT 

Xảo: Khôn khéo. Quyệt: Dối trá, gian giảo.

Xảo quyệt là người khéo léo dối trá, gian giảo.



Vì sợ trẻ mắc lừa đời xảo quyệt.

Đừng giận mẹ cằn nhằn mắng nhiếc,

(Phương Tu Đại Đạo).



Chơn thật bẻ bai ra xảo quyệt,

Trên đời kẻ dữ hóa làm lành.

(Đạo Sử).



XE CHÂU

Có hai nghĩa:

1.- Một loại xe có phủ rèm và kết hạt châu, hạt cườm dùng để chỡ quan tài đi chôn, gọi là xe tang.

Sắm xanh nếp tử xe châu,

Vùi nông một nắm mặc dầu cỏ hoa.

(Truyện Kiều).

2.- Một loại xe chỉ sơn màu đỏ, dùng cho các quan và người giàu sang quyền quý.

Xe châu dừng bánh cửa ngoài,

Rèm trong đã thấy một người bước ra.

(Truyện Kiều).



XE CHỈ

Hay “Xe dây”, “Xe tơ”, chỉ việc xe duyên cho nên vợ chồng.

Do tích Vi Cố đi chơi gặp một ông già ngồi xem sách dưới trăng, tay cầm sợi chỉ đỏ. Vi Cố hỏi, ông đáp: Sách để ghi chép tên tuổi vợ chồng, sợi chỉ để buộc duyên phận.

Xe chỉ, xe dây, xe tơ đều có ý muốn nói duyên nợ hay kết duyên vợ chồng.

Xem: Vi Cố.

1.- Xe chỉ:



Từ khi gặp gỡ họ Mai,

Khi toan xe chỉ khi đòi xuất quan.

(Nhị Độ Mai).

2.- Xe dây:

Vội vàng sắm sửa chọn ngày,

Duyên Vân sớm đã xe dây cho chàng.

(Truyện Kiều).

2.- Xe tơ:

Ông tơ thực nhé đa đoan,

Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên.

(Truyện Kiều).



XE DÊ

Xe dê còn gọi là “Dương xa  ” là một loại xe nhỏ do dê kéo.

Tấn Thư chép: Đời nhà Tấn ở hậu cung có nhiều cung tần được vua yêu vì. Vì vậy, vua Tấn Võ Đế mới ngồi trên xe dê, mặc cho dê kéo đến phòng vị cung phi nào thì ngủ lại phòng người ấy. Các cung nhân mới lấy lá tre hoặc lá dâu treo ở ngoài phòng nhử dê để được gặp mặt và hầu nhà vua.

Xem: Dương xa.



Phải duyên hương lửa cùng nhau,

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



XE HẠC

Bởi chữ “Hạc giá  ” tức là cỡi hạc.

Chim hạc là loài chim sống lâu, nên người ta thường dùng để nói về bậc già cả, như hạc linh (tuổi hạc), hạc phát (tóc bạc)… Chim hạc cũng thường được dung để các vị tiên cỡi

Tạ triều một thủ thi tiên,

Đem nhau xe hạc về miền hương quan.

(Truyện Phan Trần).



XE LOAN

Có hai nghĩa:

1.- Một loại xe có lục lạc hoặc chuông rung, mỗi khi đi, tiếng rung như tiếng chim loan, người ta gọi là “Loan xa” hay “Loan dư”. Xe của vua, và các vị tiên đi.

Kinh sư khói lửa mịt mù,

Xe loan ra cõi Bảo Châu tỵ trần.

(Quốc Sử Diễn Ca).



Xe loan gió cuốn lưng trời,

Tiên về động bích, tình rơi cõi trần.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).

2.- Một loại xe có chạm hình con chim loan, dành cho vua chúa hay các phi tần, công chúa đi.

Viện Vương ra ngự tuyển tràng,

Dạy đòi công chúa xe loan theo hầu.

(Tây Sương).



Ước sao lại cứ như lời,

Xe loan trăm cỗ đưa người nghi gia.

(Quốc Sử Diễn Ca).

XẾP BÚT NGHIÊN

Xếp bút nghiên gác bỏ viết và mực.

Do điển: Ban Siêu đời nhà Hán, nhà nghèo đi viết thuê. Một hôm phẫn chí tự nói rằng: Làm trai nên có chí lập công danh ngoài biên ải như Phó Giới Tử và Trương Khiên, lẽ nào chịu bó tay bên chốn bút nghiên. Sau bèn xếp bút nghiên theo việc binh nhung ra xứ Tây Vực lập được nhiều công to, được phong tước hầu.

Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt,

Xếp bút nghiên theo việc đao cung.

(Chinh Phụ Ngâm Khúc).



XÍCH BÍCH 

Xích Bích là tên một dãy núi ở huyện Gia Ngư, bên bờ sông Dương Tử, thuộc tỉnh Hồ Bắc. Xích Bích là nơi Châu Do và Lưu Bị dụng hoả công để đốt cháy ghe thuyền của Tào Tháo, khiến hai bên bờ sông vì lửa đốt thành sắc đỏ, nên gọi là Xích Bích.

Tô Đông Pha lúc ở Hàn Châu cũng thuộc tỉnh Hồ Bắc, nhưng không cùng huyện Gia Ngư. Ở đây cũng có một dãy núi sắc màu đỏ và cũng được gọi là Xích Bích. Hai lần Tô Đông Pha đã dạo chơi sông Xích Bích và làm thành bài phú Tiền, Hậu Xích Bích rất nổi tiếng.

1.- Xích Bích là nơi đốt thuyền Tào Tháo:



Hoả công dâng chước lạ nhường,

Gió ngàn Xích Bích thổi tàn Nguỵ binh.

(Ngọa Long Cương Vãn).



Thử thị Đà Giang phi Xích Bích,

Dã vô Gia Cát dữ Chu Lang!

(Thơ Tản Đà).

2.-Xích Bích là nơi Tô Đông Pha dạo thuyền:

Này này quế trạo lan tương,

Ví đua Xích Bích, chi nhường Đông Pha.

(Mai Đình Mộng Ký).



Sông Xích Bích buông thuyền Nhâm Tuất.

Để ông Tô riêng một thú thanh tao…

(Thơ Nguyễn Công Trứ).



XÍCH BÍCH THẮNG TÀO 

Nói tích: Trên sông Xích Bích thuộc tỉnh Hồ Bắc, Châu Do nhờ Khổng Minh cầu gió Đông, rồi dụng kế hoả công đốt cháy ghe thuyền quân Nguỵ, đánh thắng Tào Tháo.

Xem: Cầu phong.

Xích Bích thắng Tào cậy gió Ðông,

Nhà cao nghiệp lớn bởi khuôn hồng.

(Đạo Sử).



XÍCH TÙNG 

Tức là Xích Tùng Tử, một vị tiên có từ thời vua Thần Nông.

Trong Sử Ký chép lời nói của Trương Lương như sau: Nguyện khí nhân gian sự, tùng Xích Tùng Tử du hỹ  , , nghĩa là xin bỏ việc nhân gian, chỉ muốn ngao du với Xích Tùng Tử mà thôi.

Thường phú quý xem bằng mây mỏng,

Túi Xích Tùng riêng đủng đỉnh mái thanh sơn.

(Thơ-Nguyễn Công Trứ).



XÍCH TỬ 

Xích tử là đứa bé mới sinh thân hình còn đỏ.

Do câu trong Kinh Thư: Nhược bảo xích tử  , yêu thương nhân dân như bảo vệ con còn đỏ hỏn. Xích tử ý chỉ nhân dân vô tội như đứa con đỏ.

Xem: Con đỏ.



Hà nam vâng mệnh tuần hành,

Một phương xích tử triều đình trong tay.

(Nhị Độ Mai).



XÍCH THẰNG 

Sợi chỉ đỏ.

Do điển Vi Cố trong Đường Thư chép: Vi Cố thấy một ông già ngồi dưới trăng, xem sách, bên cạnh có một cái đãy đựng chỉ đỏ. Vi Cố hỏi sách gì, thì ông lão nói đó là hôn thư, là sổ để ghi những người phải lấy nhau. Hỏi để làm gì thì ông đáp chỉ hồng để cột chân vợ chồng. Vi Cố hỏi về người vợ tương lai của mình thì ông lão chỉ đứa bé gái con người ăn mày ở ngoài chợ. Vi Cố nghe nói thế, qua hôm sau định giết chết đứa bé, để khỏi phải kết duyên với con nhà ti tiện. Không ngờ Vi Cố giận chém một lát chỉ làm cô bé bi thương mà thôi.

Về sau Vi Cố lấy người con quan làm vợ. Một hôm ngồi chơi nhân thấy vết sẹo trên đầu vợ, hỏi ra mới biết do chàng chém và người vợ chàng là đứa bé con người ăn mày, được vị quan này xin làm con nuôi.



Cạn lời khách mới thưa rằng:

Buộc chân thôi cũng xích thằng nhiệm trao.

(Truyện Kiều).



Gẫm cơ ghềnh Thái gác Đằng,

Hay đâu là chặng xích thằng sẵn xe.

(Hoa Tiên Truyện).



Giục lòng hương lửa tưng bừng,

Khen thay Nguyệt lão xích thằng xe dây.

(Nữ Tú Tài).



Xích thằng đã buộc nợ xưa gầy,

Con lũ rồi sau đến cháu bầy.

(Đạo Sử).



XIÊM NGHÊ

Bởi chữ “Nghê thường  ” là một loại áo xiêm được dệt bằng lông ngũ sắc, màu ráng trời dùng để mặc nhảy múa, gọi là “Nghê thường vũ y”.

Xiêm nghê được vua Đường Huyền Tông lên chơi nguyệt điện, thấy cung nữ mặc áo màu ráng trời, lông ngũ sắc, nhảy múa giữa sân điện theo điệu nhạc Nghê thường vũ y.

Xem: Nghê thường vũ y.



Xiêm nghê nọ tả tơi trước gió,

Áo vũ kia lấp ló trong trăng.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



Xiêm nghê rạng thức tử hà,

Kim đồng Ngọc nữ xướng ca đôi hàng.

(Tư Dung Vãn).



Trong sáu viện ố đào, ủ liễu,

Xác ve gầy, lỏng lẻo xiêm nghê.

(Ai Tư Vãn).



XU VIÊM PHỤ NHIỆT 

Xu viêm: Đi đến chỗ nóng. Phụ nhiệt: Dựa vào chỗ ấm áp.

Xu viêm phụ nhiệt là chạy đến chỗ nóng, nương tựa chỗ ấm áp, tức là nói đến những người siểm nịnh.



Ở đời chẳng giữ đạo trung,

Xu viêm phụ nhiệt những mong sang hèn.

(Hạnh Thục Ca).



XUÂN BẤT TÁI LAI 

Xuân: Mùa xuân, biểu hiệu cho tuổi trẻ. Bất tái lai: Không trở lại.

Xuân bất tái lai có nghĩa là tuổi trẻ qua đi, không bao giờ trở lại nữa. Ý nói đời thanh xuân đã qua rồi, không còn trở lại với ta nữa.



Nhớ câu: Xuân bất tái lai,

Ngày nay hoa nở, e mai hoa tàn.

(Lục Vân Tiên).



Có câu: Xuân bất tái lai,

Bóng già theo gót, biết nài chi đây.

(Dương Từ Hà Mậu).



Chữ rằng: Xuân bất tái lai,

Một ngày là mấy sớm mai hỡi nàng.

(Truyện Trinh Thử).



XUÂN CỖI HUYÊN GIÀ

Hay “Thung cỗi huyên già”.

Xuân cỗi tức là cây xuân (Hay cây thung) cằn cỗi, chỉ người cha chiều tà, huyên già nghĩa là cỏ huyên già nua nói người mẹ xế bóng.

Xuân (Hay thung) cỗi huyên già ý nói cha mẹ trải nhiều năm sương gió, nay tuổi đã già rồi.



Than rằng thung cỗi huyên già,

Thiên lao biết có bao giờ biện oan.

(Nhị Độ Mai).



XUÂN ĐÌNH 椿

Hay “Thung đình”.



Xuân hay thung: Cây xuân. Đình: Sân. Xuân đình dùng để chỉ người cha.

Trang Tử có viết: Thượng cổ hữu đại xuân giả, dĩ bát thiên tuế vi xuân, bát thiên tuế vi thu  椿 , , , nghĩa là đời thượng cổ có cây xuân lớn, lấy tám nghìn năm làm một mùa xuân, tám nghìn năm làm một mùa thu. Người sau nhân đó gọi cha là “Xuân đường”, (Nhà Xuân), với ý mong cha được tuổi thọ.

Xuân đình hay Xuân đường dùng để nói về người cha, cũng như Huyên đình hay huyên đường nói về mẹ.

Tiễn đưa một chén quan hà,

Xuân đình thoắt đã dạo ra cao đình.

(Truyện Kiều).



XUÂN ĐƯỜNG 椿

Hay “Thung đường”.

Cây xuân, còn đọc thung, là loại cây sống lâu năm, trong văn chương, người ta dùng để chỉ người cha. Đồng nghĩa với chữ “Xuân đình”.

Xem: Xuân đình.

1.- Xuân đường:

Trở về thưa với xuân đường,

Kinh Sư ngàn dặm một đường thẳng ra.

(Lục Vân Tiên).



Liêu dương cách trở sơn khê,

Xuân đường kíp gọi sinh về hộ tang.

(Truyện Kiều).



Ðể thảm xuân đường như ác xế,

Gieo thương lữ khách ngóng tin mai.

(Đạo Sử).

2.- Thung đường:

Nhìn thung đường đền ơn cúc dục,

Nhớ công sanh giữ chút hình hài.

(Nữ Trung Tùng Phận).



Thế nhọc công giúp đỡ thung đường,

Để cha mẹ dựa nương như con gậy.

(Phương Tu Đại Đạo).



XUÂN GIÀ HUYÊN CỖI

Hay “Thung già huyên cỗi”.

Xuân (Hay thung) già, tức cây xuân đã già, chỉ người tuổi cha xế bóng, huyên cỗi là cỏ huyên cằn cỗi, nói thân mẹ đã già nua.

Xuân già hay thung già huyên cỗi là nói cha mẹ đã già cỗi.



Giữa đường thoát gánh khỏi tay,

Thung già, huyên cỗi sau này làm sao?

(Quan Âm Thị Kính).



XUÂN HUYÊN 椿

Hay “Thung huyên”.



Cây xuân hay cây thung là một loại cây to, sống lâu, lấy 800 năm làm một mùa xuân, 800 năm làm một mùa thu, mượn để tượng trưng cho tuổi thọ. Tục mong cha được trường thọ, nên gọi cha là Xuân đường hay Thung đường.

Huyên: Một loại cỏ ăn được, khi ăn vào có thể quên phiền muộn, nên còn được gọi là vong ưu thảo. Cỏ huyên thường được người xưa ví như người mẹ, vì lấy điển ở Kinh Thi: Yên đắc huyên thảo ngôn thụ chi bối ( ước gì được cỏ huyên mà trồng thềm bắc). Do đó người ta gọi mẹ bằng huyên đường, hay huyên đình, nhà huyên.

“Xuân huyên” hay “Thung huyên” chỉ cha mẹ.

Xem: Xuân đường, huyên đường.

1.- Xuân huyên:



Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng,

Một nhà tấp nập kẻ trong người ngoài.

(Truyện Kiều).



Phúc lành nhờ ấm xuân huyên,

So trong tài mạo kiêm tuyền kém ai.

(Bích Câu Kỳ Ngộ).



Tiên rằng: Thương cội xuân huyên,

Tuổi cao tác lớn chịu phiền lao đao.

(Lục Vân Tiên).

2.- Thung huyên:

Càng sợ hở thung huyên phiền muộn,

Thảm bao nhiêu gắng gượng làm vui.

(Nữ Trung Tùng Phận).



XUÂN HUYÊN TỊNH MẬU 

Hay “Thung huyên tịnh mậu”.

Cội xuân huyên (hay thung huyên) đều xanh tốt.

Do câu: Phụ mẫu câu tồn vi chi Xuân huyên tịnh mậu  , , nghĩa là cha mẹ đều còn, gọi đó là cội thung cội huyên đều xanh tốt.

Theo sách Trang Tử, trong núi có loại cây thung, lấy tám ngàn năm làm một xuân, tám ngàn năm làm một thu, cho nên gọi người cha là “Thung đình”.

Sách Bách Vật Chí ghi: Cỏ huyên ăn vào làm cho người ta vui vẻ, quên lo buồn, cho nên kêu là cỏ vong ưu. Vì vậy, gọi mẹ là “Huyên đường”.

Thung huyên tịnh mậu là nói cha mẹ đều còn và sống khoẻ mạnh.

XUÂN Y 


Xuân: Mùa xuân. Y: Áo.

Xuân y là áo mùa xuân, chỉ áo đẹp hoặc chỉ áo của các quan hay các Phi, Tần trong cung cấm mặc để đi chầu Thiên tử.

Thơ Đỗ Phủ có câu: Triều hồi nhật nhật điển xuân y  , tức là mỗi ngày đi chầu về đem áo chầu đi thế (để mua rượu).

Khi trướng ngọc, lúc rèm ngà,

Mảnh xuân y hãy sờ sờ dấu phong.

(Cung Oán Ngâm Khúc).



XUÂN LAN THU CÚC 

Hoa lan mùa xuân, bông cúc mùa thu là nói đến vẻ đẹp riêng của mỗi mùa. Chỉ vẻ đẹp khác nhau.

Tuỳ Sử có câu: Xuân lan thu cúc, giai nhất thời chi tú dã , , tức là hoa lan mùa xuân, hoa cúc mùa thu, mỗi thứ nở mỗi mùa, mỗi thứ đẹp mỗi vẻ.

Bóng hồng nhác thấy nẻo xa,

Xuân lan, thu cúc, mặn mà cả hai.

(Truyện Kiều).



XUÂN SƠN 

Núi mùa xuân cây cối tươi xanh, dùng để ví với lông mày ngươi con gái đẹp.

Tình Sử có câu: Nhãn như thu thuỷ, my tự xuân sơn  , , nghĩa là mắt như nước mùa thu, lông mày như núi mùa xuân.

Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,

Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.

(Truyện Kiều).



XUÂN RIÊNG

Bởi chữ “Hoài xuân  ” trong Kinh Thi, thiên Thiệu Nam: Hữu nữ hoài xuân, cát sĩ dụ chi  , nghĩa là có gái nhớ tình xuân, kẻ trai tài đến dỗ dành.

Do vậy, trai gái đến 17, 18 tuổi, có tình yêu mến nhau gọi là “Xuân riêng”, “Xuân ý”, “Xuân tình” hay “Hoài xuân”.

Trên chín bệ mặt trời gang tấc,

Chữ xuân riêng sớm chực trưa chầu.

(Cung Oán Ngâm Khúc).

 

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...