Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 8 Từ Đinh Hợi (1287) Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 3 đến Đinh Tỵ (1307) Trần An Tông năm Hưng Long thứ 15

 K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ VIII

Từ Đinh Hợi (1287) Trần Nhân Tông, năm Trùng Hưng thứ 3 đến Đinh Tỵ (1307) Trần An Tông năm Hưng Long thứ 15 gồm 21 năm.

Đinh Hợi, năm thứ 3 (1287). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 24).

Tháng 2, mùa xuân. Nguyên Thánh Thiên cảm Hoàng Thái hậu Trần Thị mất.

Nhà Nguyên lại sai Thoát Hoan, A Bát Xích710 đem quân sang xâm lược.

Nhà Nguyên lấy quân ở ba tỉnh Giang Hoài, Hồ Quảng, Giang Tây tất cả bảy vạn người, và năm trăm chiếc thuyền; quân ở tỉnh Vân Nam sáu nghìn người, và quân giống người Lê ở bốn châu hải ngoại một vạn năm ngàn người; sai viên vạn hộ hải đạo là Trương Văn Hổ tải mười bảy vạn hộc lương (Sử cũ chép là bảy mươi vạn) để tiếp tế cho quân ăn; phong cho A Bác Xích giữ chức Hành tỉnh tả thừa; Áo Lỗ Xích làm Bình chương chính sự, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự, đều ở dưới quyền chỉ huy của Thoát Hoan ( Nguyên sử chép là Thác Hoan). Các tướng Nguyên chia đường đem quân sang xâm lấn. Tin ấy từ nơi biên giới báo về triều. Các quan trong triều xin tuyển người khỏe mạnh bổ sung làm quân, để cho quân số được nhiều. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn nói: "Quân lính cốt phải tinh nhuệ, không cần phải nhiều, cứ xem như Bồ Kiên ở Trung Quốc có quân hàng trăm vạn711 cũng có làm gì được đâu". Vì thế nên không tuyển thêm quân nữa.

Lời chua - Quân người Lê ở bốn châu: Tức là các châu Nhai, Quỳnh, Đam và Vạn, nay thuộc tỉnh Quảng Đông nhà Thanh. Địa điểm này có động Mán chủng tộc người Lê. Nhà Nguyên đặt mười hai cánh Lê Binh, có phủ Thiên Hộ quản lĩnh những cánh quân ấy.

Tháng 3. Hạ chiếu ân xá.

Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Tá Thiên đại vương là Đức Việp quyền giữ việc tướng quốc.

Ngày mồng một, tháng 10, mùa đông. Nhật thực.

Tháng 11. Mặt trời xô động.

Mặt trời xô động thành ra bốn góc.

Thoát Hoan nhà Nguyên đem quân xâm phạm vào cửa ải, nhà vua hạ chiếu cho các tướng đem quân chống cự lại.

Quân Thoát Hoan kéo đến Tư Minh, để lại đấy hai nghìn người, giao cho vạn hộ là Hạ Chỉ và Trương Ngọc thống lĩnh để coi giữ các xe thuốc đạn, lương thực và quần áo của binh sĩ, rồi sai Trình Bằng Phi, A ó Lỗ Xích mỗi người đem một vạn quân đi đường bộ, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem quân đi thuyền theo đường biển, hai đường đều tiến sang biên giới nước ta. Viên quan giữ ngoài biên giới đem việc đó tâu về triều. Nhà vua hỏi Hưng Đạo vương rằng: "Bây giờ giặc đến thì mưu tính thế nào?". Hưng Đạo vương thưa rằng: "Năm nay đánh thắng giặc có phần dễ hơn trước". Nhà vua liền hạ lệnh cho các tướng chia nhau đem quân chống cự.

Quân nhà Nguyên xâm phạm vào kinh thành. Nhà vua rước thượng hoàng chạy đến đồn Hám Nam.

Quân nhà Nguyên do hai đường thủy và bộ kéo sang, quân ta không chống giữ được. Thoát Hoan sai Trình Bằng Phi đem hai vạn quân đánh vào Vạn Kiếp, lập doanh trại ở núi Phả Lại và núi Chí Linh, chia quân ra đóng giữ; dân ở Bàng Hà và Ba Điểm đều ra hàng. Lại sai bọn Ô Mã Nhi, A Bát Xích hội họp quân tiến thẳng qua sông Phú Lương, xâm phạm vào kinh thành. Nhà vua liền rước thượng hoàng chạy đến đồn Hám Nam, rồi lại dùng chu sư712 đi theo đường ra biển để tránh nạn. Quân nhà Nguyên đuổi theo không kịp.

Lời cẩn án - Việc này Sử cũ không chép, chỉ chép: "Thái tử nhà Nguyên là A Thai dùng 30 vạn quân xâm phạm vào Vạn Kiếp". Chép như thế thì tên người (A Thai) và số quân (30 vạn) đều không đúng sự thực. Nay căn cứ vào sách Nguyên sử loại biên, chép thêm vào và cải chính lại. Lời chua - Hám Nam: Tên một đồn, chưa rõ đích xác ở chỗ nào.

Núi Phả Lại: Nay ở xã Phả Lại, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh.

Núi Chí Linh: Nay ở huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Mậu Tí, năm thứ 4 (1288). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 25).

Tháng giêng, mùa xuân. Ô Mã Nhi nhà Nguyên xâm phạm đến phủ Long Hưng.

Lời chua - Long Hưng: Tên phủ. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 15 (Chb. VI, 28).

Nhân Huệ vương Khánh Dư đón đánh tướng nhà Nguyên là Trương Văn Hổ ở Vân Đồn, được thắng trận lớn.

Khánh Dư làm phó tướng ở Vân Đồn, Hưng Đạo vương giao phó cho giữ hết công việc ngoài biên giới. Gặp lúc Ô Mã Nhi đem chu sư713 ra cửa biển Đại Bàng đón thuyền tải lương của Văn Hổ, Khánh Dư đánh nhau với quân Ô Mã Nhi bị thua, Thượng hoàng nghe tin ấy, sai trung sứ714 đến bắt Khánh Dư, đóng xiềng giải về hành tại715 . Khánh Dư nói với trung sứ rằng: "Kỷ luật quân ngũ, tôi xin cam chịu, nhưng xin thư thả cho vài hôm nữa, để tôi tìm kế lập công sau này, rồi sẽ về chịu tội búa rìu, tưởng cũng chưa muộn". Viên trung sứ nhận lời. Khánh Dư đoán chắc thuyền của giặc đã đi qua rồi, thì thuyền tải lương tất đi theo sau, liền thu thập tàn quân, sẵn sàng chờ đợi. Một lát sau, quả nhiên thuyền tải lương của Văn Hổ đến, Khánh Dư đón đánh, quân Nguyên bị thua to. Khi đi đến biển Lục Thủy, thuyền của quân Nguyên bị mắc cạn, sa lầy, không chở đi được, lương thực chìm cả xuống biển. Khánh Dư bắt được quân nhu, khí giới rất nhiều. Văn Hổ chỉ thoát được một mình, vội vàng chạy về Quỳnh Câu. Khánh Dư cho người phi báo tin về hành tại, thượng hoàng tha cho tội trước không hỏi nữa và nói: "Quân Nguyên chỉ nhờ lương thảo, khí giới, nay đã bị ta bắt được, nếu chúng chưa biết rõ việc ấy, hoặc còn hung hăng quấy nhiễu chăng?". Nói rồi bèn thả những người mà ta đã bắt được đến thẳng dinh quân Nguyên để nói rõ sự thể cho chúng biết. Quân Nguyên từ đấy thiếu lương ăn; mỗi ngày một quẫn bách thêm, quân sĩ ai cũng muốn về, không ai có lòng chiến đấu, cho nên năm bấy giờ quân Nguyên lại kéo sang mà dân ta bị hại không đến nỗi thảm khốc như năm trước, Khánh Dư thực đã dự một phần công lao.

Trước kia Khánh Dư trấn thủ Vân Đồn, tục ở đây chỉ có nghề buôn bán sinh nhai; đồ ăn thức mặc đều mua của khách buôn Trung Quốc, cho nên đồ dùng và ăn vận rập theo như phong tục Trung Quốc. Khánh Dư đi kiểm duyệt quân các trang hộ, rồi hạ lệnh rằng: Quân sĩ trấn thủ Vân Đồn là cốt để ngăn ngừa giặc phương bắc tràn sang, quân ta không nên đội nón của phương bắc, vì sợ khi vội vàng, khó lòng mà phân biệt được, cần phải đội nón "ma lôi" (Ma Lôi là tên một làng ở Hồng Lộ, làng này có tài

khéo chế nón bằng trúc thanh bì, nên lấy tên làng để gọi tên nón), ai trái lệnh sẽ bị phạt. Thế rồi, Khánh Dư trước hết cho người nhà đi mua nói ma lôi chứa đầy vào một thuyền đậu ở trong cửa sông. Sau khi đã hạ lệnh rồi, Khánh Dư sai người lẻn đi bảo nhỏ với các người ở trang hộ rằng: "Mới đây, thấy có thuyền chứa nón ma lôi đậu ở vùng biển đằng trước mặt này". Do đấy người trong các trang tranh nhau ra mua; lúc mới mỗi chiếc trị giá bằng một tấm vải, thành ra thu được số vải kể hàng nghìn tấm. Bài thơ của người phương bắc mừng Khánh Dư có câu rằng: "Vân Đồn kê khuyển diệc giai kinh" (gà, chó ở Vân Đồn cũng đều sợ). Câu thơ này thác ra giọng sợ phục uy danh Khánh Dư, mà kỳ thực mỉa mai ngấm ngầm. Khánh Dư có tính tham lam, phàm giữ chức trấn thủ ở nơi nào, người trong hạt đều oán ghét. Chỉ vì nhà vua tiếc ông ta là tướng tài, nên không nỡ bỏ mà thôi.

Lời chua - Biển Lục Thủy: Nay ở phía đông nam huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên, cách huyện 17 dặm.

Tháng 2. Quân Nguyên xâm phạm đến trại An Hưng.

Ô Mã Nhi đợi mãi không thấy thuyền tải lương của Văn Hổ đến, bèn đánh phá trại An Hưng, rồi lại đem quân về Vạn Kiếp, chia ra đóng giữ các núi Chí Linh và Phả Lại, để làm kế cố thủ.

Lời chua - An Hưng: Tên trại, nhà Lê đổi làm huyện; nay cũng theo tên ấy, thuộc tỉnh Quảng Yên.

Tháng 3. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn đánh phá tan được thủy quân nhà Nguyên ở sông Bạch Đằng, bắt được tướng Nguyên là bọn Ô Mã Nhi. Thoát Hoan phải theo đường bộ chạy trốn về nước.

Lời phê - Nhà Nguyên hai lần đem quân xâm lấn, những tướng sai sang đều không phải là tướng giỏi, đấy cũng là may cho nhà Trần. Quân Nguyên thiếu lương ăn, chia ra từng toán để đi tìm lương, các tướng đều nói: "Ở đây không có thành trì để giữ, không có kho tàng để ăn. Vả lại, đương lúc cuối xuân đầu hè, khí trời nồng nực; những chỗ hiểm trở xung yếu đã chiếm được nay đều bị mất, chi bằng đem quân về". Thoát Hoan y theo, hạ lệnh cho bọn Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đem chu sư theo đường thủy đi trước. Hưng Đạo vương Quốc Tuấn biết quân Nguyên sắp rút lui, bèn trước hết cho người đóng cọc gỗ ở sông Bạch Đằng, lấy cỏ phủ lên đầu cọc, sẵn sàng chờ đợi. Khi bọn Ô Mã Nhi về đến Bạch Đằng, Quốc Tuấn nhân lúc nước thủy trào lên, cho quân ra khiêu chiến, giả vờ thua chạy, bên Nguyên đem cả quân đuổi theo. Lúc ấy nước thủy trào xuống rất mau. Tướng Nguyễn Khoái thống lĩnh vệ quân Thánh Dực tung quân ra đánh quật lại, phá tan được quân Nguyên. Gặp lúc ấy đại quân của nhà vua kế tiếp tiến đến. Ô Mã Nhi phải thu thập những thuyền còn sót lại để chạy, không ngờ thuyền mắc trên cọc gỗ đều bị đổ nhào xuống nước, quân Nguyên chết không biết chừng nào mà kể, quân ta bắt được hơn bốn trăm chiếc thuyền. Tước nội minh tự là Đỗ Hành bắt được Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc đem dâng nộp thượng hoàng. Viên hữu thừa nhà Nguyên là Trình Bằng Phi chọn lấy những quân khỏe mạnh, theo đường bộ, bảo vệ cho Thoát Hoan trốn về nước. Khi về đến cửa ải Nội Bàng, bị quân ta hội hợp chặn đánh, chức vạn hộ nhà Nguyên là Trương Quân phải dùng ba nghìn quân liều chết để đánh, mới thoát ra được khỏi cửa ải. Lại có gián điệp nói: Quân ta phân ra giữ cửa ải Nữ Nhi và núi Kheo Cấp, rải rác hơn trăm dặm để chặn đường, quân Nguyên lại càng sợ, vừa đánh vừa chạy. Quân ta nhân ở trên cao bắn tên thuốc độc xuống, bọn Trương Ngọc, A Bát Xích đều bị chết, tướng sĩ nhà Nguyên phải buộc vết thương để chống cự, thây chết nằm chồng chất lên nhau. Thoát Hoan phải do đường huyện Đan Dĩ chạy sang Lộc Châu, rồi đi đường tắt về Tư Minh, sai Áo Lỗ Xích thu thập tàn quân trở về nước.

Lời cẩn án - Sử cũ chép: "Quân nhà Nguyên hội họp ở sông Bạch Đằng, đón thuyền lương của Văn Hổ, nhưng không gặp, bị Quốc Tuấn đánh cho bị thua. Lúc thuyền của Văn Hổ đến, lại bị thua, thuyền lương mắc trên đầu cọc gỗ, đổ nhào xuống nước gần hết. Nguyễn Khoái đánh nhau với quân Nguyên, bắt được bình chương là Áo Lỗ Xích. Còn Thoát Hoan và A Thai đem quân chạy trốn về nước, viên thổ quan ở Tư Minh là Hoàng Nghệ bắt được đem dâng nộp". Nay tra cứu sách Nguyên sử loại biên thì, sau khi thuyền lương của Trương Văn Hổ đã bị quân ta phá mất rồi, Thoát Hoan vì cớ thiếu lương ăn, nên mới nghĩ kế đem quân về nước. Thế thì Văn Hổ bị thua là trận đánh ở Vân Đồn, còn trận này (trận Bạch Đằng) là đón đánh quân Nguyên lúc rút lui về nước. Đến

như Áo Lỗ Xích là bộ tướng716 nhà Nguyên cùng với Thoát Hoan đem quân đi đường bộ trở về nước, chứ có đến sông Bạch Đằng đâu mà bị Nguyễn Khoái bắt được. Sau khi Thoát Hoan đã trở về, vua nhà Nguyên lấy cớ là Thoát Hoan không lập được công trạng gì, cho ra trấn thủ Dương Châu, không cho vào triều kiến. Thế thì viên thổ quan ở Tư Minh bắt thế nào được Thoát Hoan? Vả lại, ngày làm lễ "hiến phu"717 chỉ thấy nói đến bọn Ô Mã Nhi mà không nói đến Thoát Hoan. Vậy thì có lẽ nào bắt được nguyên soái của giặc mà lại không đem "hiến phu" hay sao? Lại một việc nữa, là năm ấy tướng nhà Nguyên được sai sang nước ta không có người nào tên là A Thai cả. Những việc tương tự như thế Sử cũ chép đều sai sự thực, nay căn cứ vào Nguyên sử và tham khảo sách Cương mục tục biên (Trung Quốc) cải chính lại. Lời chua - Sông Bạch Đằng: Xem thuộc Tấn, năm Thiên Phúc thứ 3 (Tb. V, 19- 20).

Cửa ải Nội Bàng, cửa ải Nữ Nhi: Đều thuộc Lạng Sơn.

Đan Dĩ: Tên huyện. Có chỗ chép là Đan Ba, thuộc Lạng Sơn; nay không rõ chỗ nào.

Nhà vua rước Thượng hoàng về Long Hưng, làm lễ hiến phu ở Chiêu Lăng.

Trước đây, quân Nguyên xâm phạm đến Long Hưng, đào bới ở Chiêu Lăng mà không động chạm đến tử cung718 . Nay nhà vua rước thượng hoàng về Long Hưng, đem tù binh nhà Nguyên là bọn Ô Mã Nhi và Tích Lệ Cơ Ngọc đến hiến tiệp719 . Nhà vua trông thấy ngựa đá ở trước lăng, chân đều dính bùn, có làm hai câu thơ: "Xã tắc720 lưỡng hồi lao thạch mã, san hà thiên cổ điện kim âu"721 . (Xã tắc hai lần bị xâm phạm làm cho ngựa đá cũng phải khó nhọc; từ nay giang san sẽ được ngàn đời vững bền như chiếc kim âu). Hai câu thơ này là có ý chỉ vào việc chân ngựa đá dính bùn.

Lời phê - Đã là bọn tàn bạo, thì không có lý nào như thế722 hoặc giả kiêng kỵ mà không nói rõ ra đấy thôi. Lời chua - Long Hưng: Tên phủ. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 15 (Chb. VI, 28).

Chiêu Lăng: Lăng tẩm Trần Thái Tông.

Nhà vua rước Thượng hoàng về cung điện.

Tháng 4, mùa hạ. Đại xá.

Lúc ấy, cung điện bị giặc đốt phá, nhà vua ngự ở hành lang thị vệ, hạ chiếu đại xá cho thiên hạ: phàm chỗ nào bị quân Nguyên tàn phá cướp bóc nhiều lần, thì được tha hết tô thuế và dao dịch, còn những chỗ khách thì tha cho hoặc nhiều hoặc ít tùy theo sự thiệt hại của từng nơi.

Theo chế độ cũ, mỗi khi có chiếu ân xá, thì viên trung quan [hoạn quan] giữ chức Hành khiển tuyên đọc chiếu thư, còn việc nghĩ soạn chiếu thư thì do viện Hàn Lâm phụ trách. Sau khi viện Hàn Lâm

nghĩ soạn xong rồi, đưa bản thảo cho viên trung thư học tập trước, để chuẩn bị đến lúc tuyên đọc cho đúng. Lúc bấy giờ, Lê Tòng Giáo giữ chức Hành khiển, cùng với Hàn Lâm phụng chỉ là Đinh Củng Viên vốn không hòa hợp với nhau. Gặp khi ấy có chiếu đại xá, Củng Viên cố ý không đưa bản thảo trước, đến ngày tuyên chiếu mới đưa cho; vì thế Tòng Giáo tuyên đọc không thông. Nhà vua phải bảo Củng Viên đứng bên nhắc. Tiếng nhắc của Củng Viên to, mà tiếng tuyên đọc của Tòng Giáo lại nhỏ, Tòng Giáo tỏ nét mặt hổ thẹn. Sau khi lễ tuyên chiếu xong rồi, nhà vua cho triệu Tòng Giáo đến bảo rằng: "Củng Viên là văn quan, nhà ngươi là trung quan, có việc gì mà không hòa hợp với nhau đến thế! Nhà ngươi làm lưu thủ ở Thiên Trường, rươi có, quít có, đi lại tặng biếu cho nhau thì có hại gì?". Từ bấy giờ Tòng Giáo với Củng Viên tình giao kết với nhau trở nên thân mật.

Lời phê - Ông vua này có thể gọi là "thiên tử hòa giải". Lời chua - Thiên Trường: Tên phủ. Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 15 (Chb. VI, 28). Thổ sản ở Thiên Trường có rươi và quít. Bài thơ "Thiên trường ký sự" của Phạm Sư Mạnh có câu: "Lưỡng ngạn tân sương kim quất quốc, mãn thành tế vũ thổ hà thiên": Tiết trời mới có sương, trông hai bên bãi tưởng là một nước toàn quít vàng; gặp lúc mưa nhỏ, thì khắp nơi trong thành chỉ thấy trên là trời, dưới có rươi723 .

Tháng 10, mùa đông. Sai sứ sang nhà Nguyên.

Quân Nguyên đã rút lui, nhà vua sai Đỗ Thiên Thữ sang nhà Nguyên trần tạ. Thiên Thữ là em Khắc Chung, Khắc Chung trước đây đã sang sứ bên dinh trại quân Nguyên, có công724 , nay tiến cử người em, nên nhà vua mới cho sang sứ.

Lời cẩn án - Sách Thiên nam hành kỷ của Từ Minh Thiện nhà Nguyên nói: "Đại quân mới về nước, thiên sứ chưa sang, nhà Trần đã sai bọn trung đại phu Trần Khắc Dụng và tòng nghĩa lang Nguyễn Mạnh Thông dâng lễ vật trần tạ". Đoạn văn chép ở Thiên nam hành kỷ kể trên có lẽ chỉ vào việc đi sứ này của Đỗ Thiên Thữ, nhưng họ tên hơi khác, vậy chép ra đây để tiện tham khảo. Kỷ Sửu, năm thứ 5 (1289). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 26). Tháng 2, mùa xuân. Đưa trả tù binh nhà Nguyên là Ô Mã Nhi về nước, rồi ngầm lập mưu giết đi.

Trận chiến thắng ở Bạch Đằng, quân ta bắt được tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi và bọn Tích Lệ Cơ Ngọc và Phàn Tiếp, sau nhà vua sai tòng nghĩa lang là Nguyên Thịnh đưa Cơ Ngọc về trước, còn Phàn Tiếp bị bệnh chết, dùng phép hỏa táng rồi cấp cho một đôi ngựa sai vợ con hắn chở hài cốt mang về; những đầu mục quân sĩ cũng cho về cả. Duy có Ô Mã Nhi chém giết cướp bóc dân ta một cách tàn khốc, nhà vua căm giận lắm, nên theo kế của Quốc Tuấn, sai Nội thư gia Hoàng Tá Thốn đưa trả về nước, dùng người tài lội nước sung làm phu chèo thuyền, nhân đêm dùi thủng thuyền cho đắm, Ô Mã Nhi bị chết đuối. Nhân đấy, nhà vua phúc thư với nhà Nguyên rằng: "Vì thuyền rỉ nước bị đắm, quan tham chính725 sức vóc to lớn, không sao cứu vớt được, thành ra chết đuối". Nhà Nguyên cũng không tra cứu gì đến việc này.

Lời phê726 - Bất nhân phi nghĩa! Lời cẩn án - Đoạn văn này Sử cũ chép là bọn Ô Mã Nhi đều bị chết đuối; còn về việc Cơ Ngọc và Phàn Tiếp thì không trình bày rõ ràng. Như thế có phần sai sự thực. Nay tham khảo sách Thiên nam hành kỷ của Từ Minh Thiện nhà Nguyên, cải chính lại. Ngày mồng một, tháng 3. Nhật thực. Tháng 4, mùa hạ. Xét định công trạng những người đã đánh được quân Nguyên.

Tiến phong Hưng Đạo vương Quốc Tuấn làm Đại vương; Hưng Vũ vương Nghiện làm Khai quốc công; Hưng Nhượng vương Tảng làm tiết độ sứ. Ngoài ra người nào có công lớn đều được tứ quốc tính723 ,

Khắc Chung cũng được dự ân tứ này và vẫn giữ chức Đại hành khiển; Nguyễn Khoái làm liệt hầu và được ban cho một "hương" (làng) gọi tên là Khoái lộ. Người Man trưởng ở Lạng Giang là bọn Lương Uất, Hà Tất Năng vì biết đốc suất dân đánh giặc, nên Lương Uất được phong làm chủ trại Quy Hóa; Tất Năng được phong tước quan phục hầu; Đỗ Hành vì khi bắt được Ô Mã Nhi, không đem nộp nhà vua728 , nên chỉ được phong tước quan nội hầu; Hưng Trí vương Nghiễn vì trái tướng lệnh, ngăn cản đường quân Nguyên rút về nước, nên không được thăng trật.

Sau khi tước thưởng đã ban hành rồi, còn có người thắc mắc, thượng hoàng phủ dụ rằng: "Nếu các ngươi biết chắc rằng giặc Nguyên không sang nữa, thì dầu phong đến cực phẩm, trẫm cũng không tiếc gì, nhưng nếu một mai giặc lại kéo sang, mà lúc ấy các ngươi lại có chiến công, thì trẫm biết hậu đãi các ngươi thế nào để khuyến khích thiên hạ được?". Mọi người đều bằng lòng.

Lại định những bầy tôi đã có công đánh giặc hai lần, người nào đã xung phong trước phá được trận tuyến của giặc, lập được chiến công đặc biệt, nay được chép vào tập Trùng hưng thực lục và sai thợ vẽ hình dạng vào tập sách ấy.

Mỗi khi nhà vua ra chơi đâu, trông thấy gia đồng các vương hầu ở ngoài đường tất gọi rõ tên và hỏi: "Chủ mi làm gì?". Nhà vua thường răn bảo vệ sĩ không được quát mắng gia đồng; lại bảo với các hầu cận rằng: "Ngày thường thì bao nhiêu người hầu hạ xung quanh, đến khi nước nhà gặp hoạn nạn, thì chỉ thấy có bọn ấy thôi". Câu nói ấy có ý cảm động công lao gia đồng đã theo hầu khó nhọc trong khi mình đi lánh nạn.

Lời phê729 - Như thế cũng không đúng. Lời chua - Lạng Giang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 31).

Quy Hóa: Xem Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 7 (Chb. VI, 41).

Khoái Lộ: Xem Lý Cao Tông, năm Trị bình long ứng thứ 4 (Chb. V, 32).

Tháng 5. Dùng Phùng Sĩ Chu làm Hành khiển.

Lúc quân Nguyên sang xâm lược, nhà vua sai Sĩ Chu bói, Sĩ Chu gieo quẻ rồi đoán rằng: "Chắc chắn đại thắng". Nhà vua nói: "Nếu quả như lời, sẽ có trọng thưởng". Nay quân Nguyên đã rút lui, nhà vua nói: "Thiên tử không nói bỡn", vì thế nên có lệnh này.

Lời chua - Sĩ Chu: Người Cổ Liễu, thuộc Trà Hương.

Xét xử tội những người đầu hàng quân Nguyên.

Trước đây, quân Nguyên sang xâm lấn, bọn vương, hầu và các quan có nhiều người đưa giấy tờ sang dinh quân giặc; khi quân Nguyên rút lui, quân ta bắt được một tráp đựng các biểu xin hàng, thượng hoàng sai đốt đi, để cho những kẻ phản bội được yên tâm.

Nay chỉ xét tội người nào trước đã đầu hàng giặc, thì bây giờ dầu ở đất của giặc, cũng vẫn kết án vắng mặt về tội lưu hoặc tội xử tử, tịch thu điền sản sung công. Bọn Trần Kiện và Trần Văn Lộng bắt phải đổi họ là Mai, duy Ích Tắc730 là họ thân với nhà vua, không nỡ bắt đổi họ, mà chỉ gọi là "Ả Trần", có ý mỉa mai là nhu nhược như đàn bà. Vì thế nên việc ghi chép lúc bấy giờ có tên gọi là "Ả Trần", "Mai Kiện". Đặng Long là bầy tôi hầu cận, trước nhà vua muốn cho làm Hàn lâm học sĩ, nhưng Thượng hoàng ngăn cản đi, Long oán giận, đầu hàng giặc; khi bắt được, đem xử tử. Về phần quân dân thì được miễn tội chết, duy hai làng Bàng Hà và Bà Điểm, khi giặc mới đến đã đầu hàng ngay, nay bắt dân hai làng ấy phải tội đồ làm "sai sử hoành" không được dùng làm quan.

Lời chua - Hoành: Tên riêng gọi những người nô lệ. Xem Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 6 (Chb. VI, 9).

Thượng hoàng về chơi cung điện ở phủ Thiên Trường.

Quân Nguyên đã rút lui, thượng hoàng về phủ Thiên Trường, nhân làm bài thơ cảm hoài731 để ghi sự thực.

Đại hạn từ tháng 6 đến mãi tháng 10 mùa đông.

Canh Dần, năm thứ 6 (1290). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 27).

Tháng 2, mùa xuân. Cử các quan văn chia nhau đi cai trị các lộ.

Nhà vua tự làm tướng đi đánh Ai Lao.

Bầy tôi can rằng: Giặc Nguyên mới rút lui, vết thương chưa hàn gắn được, không nên gây việc binh đao. Nhà vua nói: "Chỉ có thể nhân lúc này mà khởi binh thôi, vì sau khi giặc rút lui, các nước bên cạnh tất bảo là quân mã nước ta mỏi mệt, có ý coi thường, cho nên cần phải khởi đại binh để ra oai với nước khác". Bầy tôi đều nói: "Thánh nhân lo xa như thế, bọn chúng tôi không thể nào nghĩ thấu được".

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Bấy giờ triều thần can ngăn về việc thân chinh, không phải là trái lẽ, thế mà khi nghe lời nói của Nhân Tông đã vội tán dương là "thánh nhân lo xa" thì lời tán dương ấy hầu như bợ đỡ. Lời chua - Ai Lao: Tên nước. Xem Triệu Việt vương năm thứ 2 (Tb. IV, 9-10).

Tháng 3. Gia phong Tá Thiên đại vương là Đức Việp chức Nhập nội kiểm hiệu Thái úy.

Tháng 5, mùa hạ. Thượng hoàng mất.

Đặt tên thụy là: Huyền công thịnh đức nhân minh văn vũ tuyên hiếu hoàng đế. Miếu hiệu là Thánh Tông, làm vua 21 năm, nhường ngôi 13 năm, hưởng thọ 51 tuổi.

Bổ dụng Phạm Ngũ Lão quản lĩnh quân Thánh Dực.

Ngũ Lão là gia thần Quốc Tuấn. Quốc Tuấn nhận thấy Ngũ Lão tài năng khí độ vượt hơn mọi người, gả con gái nuôi cho, nhân đó tiến cử lên triều đình. Ngũ Lão theo Quốc Tuấn đi đánh giặc Nguyên, có công, nên có lệnh bổ dụng này.

Lời chua - Phạm Ngũ Lão: Người Đường Hào thuộc Hồng Châu732 .

Tháng 8, mùa thu. Sai sứ sang nhà Nguyên.

Sai Ngô Đình Giới sang nhà Nguyên báo tin Thượng hoàng mất và xin phong tước.

Lời chua - Đình Giới: Chưa rõ giữ quan chức gì. Sách Nguyên sử chép là Nghiêm Trọng La và Trần Tử Lương, chưa rõ sách nào chép đúng.

Dân bị đói to, nhà vua hạ chiếu xá thuế và phát chẩn.

Năm ấy dân bị đói to, một thăng gạo trị giá một quan tiền, nhiều người dân phải bán ruộng đất và con trai, con gái, để lấy lương ăn. Nhà vua hạ chiếu cho miễn thuế nhân đinh, lại phát thóc công chẩn cấp cho dân nghèo.

Tháng 12, mùa đông. An táng Thượng hoàng ở Dụ Lăng.

Lời chua - Dụ Lăng: Ở phủ Long Hưng.

Tân Mão, năm thứ 7 (1291). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 28). Dân lại bị đói to.

Tháng 10, mùa đông. Sứ thần nhà Nguyên sang.

Bọn Thoát Hoan rút về rồi, vua nhà Nguyên vẫn còn căm giận, muốn lại khởi binh sang đánh; Bác Quả Mật733 tâu với vua nhà Nguyên nên sai sứ sang dụ, thì thế nào họ cũng phải theo. Vì thế vua Nguyên mới sai thượng thư Trương Lập Đạo sang dụ nhà vua vào chầu.

Nhâm Thìn, năm thứ 8 (1292). (Nguyên, Chí Nguyên thứ 29).

Ngày mồng một, tháng 2, mùa xuân. Nhật thực.

Bổ dụng Phí Mãnh làm An phủ sứ Diễn Châu.

Phí Mãnh ở quận lỵ chưa được bao lâu, có tai tiếng là người tham ô; nhà vua triệu về bắt phạt trượng để răn bảo, rồi lại cho đi nhận chức cũ. Từ đấy, Phí Mãnh trở thành người có tiếng là công bằng thanh liêm. Vì thế người Diễn Châu có câu "Diễn Châu an phủ thanh như thủy", (quan An phủ Diễn Châu trong sạch như nước).

Lời phê - Đem so sánh với việc phong thưởng đại phu đất Mặc, mổ bụng đại phu đất A734 thì Trần Nhân Tông xử trí việc này có phần hơn nhiều. Lời chua - Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ nhất (Tb. IV, 20).

Bổ dụng Trần Kiến làm An phủ sứ lộ Yên Khang.

Trần Kiến là môn khách của Hưng Đạo vương, nên Hưng Đạo vương tiến cử, khi quân Nguyên mới sang xâm lấn, nhà vua sai Trần Kiến bói Dịch, bói được quẻ "Dự" biến ra quẻ "Chấn". Trần Kiến đoán: "Mùa hạ sang năm, quân Nguyên tất phải thua". Đến lúc quân Nguyên kéo sang lần thứ hai, nhà vua lại sai Trần Kiến bói, được quẻ "Quan" biến ra quẻ "Hoán", liền đoán rằng: "Đó là triệu chứng ly tán, quân Nguyên tất phải thua". Lời đoán của Trần Kiến trước sau đều đúng cả. Nhà vua khen là có tài, nên đặc cách bổ dùng.

Lời chua - Trần Kiến: Người ở Đông Triều, tỉnh Hải Dương.

Yên Khang: Tên lộ. Xưa là Yên Ninh; nhà Lê đổi là phủ Yên Khang; nay đổi là Yên Khánh thuộc tỉnh Ninh Bình.

Tháng 2. Lập con là Thuyên làm hoàng thái tử.

Bổ dụng Đinh Củng Viên làm Thái tử thiếu bảo, phong tước quan nội hầu.

Sai Nguyễn Đại Phạp sang sứ nhà Nguyên.

Vua Nguyên sai Trương Lập Đạo sang nói với nhà vua rằng: "Trước đây, Thoát Hoan không dùng người đưa đường, mà đem quân đi sâu mãi vào nước Nam, thành ra không đánh nhau mà tự nhiên bị tan vỡ; đấy là vì nước Nam nhờ có địa thế hiểm trở. Nay người Vân Nam và Lĩnh Nam phong tục giống nhau, mà tài nghệ sức khỏe cũng ngang nhau, nếu đem những người ấy dùng vào chiến đấu, rồi quân tinh nhuệ ở phương Bắc lại tiếp tục gửi sang, thì nước Nam có thể nào chống cự lại được không? Vả lại, việc xuất chinh năm mới rồi, không phải tự ý thiên tử, mà là do bầy tôi ở biên cương gièm pha đấy thôi.

Vậy ngài nên sang chầu thiên tử ngay". Nhà vua từ tạ vì đương có tang, rồi sai Đại Phạp cùng Hà Duy Nham sang sứ nhà Nguyên.

Đại Phạp đến Ngạc Châu, người bên Nguyên gọi là "lão lệnh công" [ông quan già]. Khi Đại Phạp vào yết kiến các viên bình chương hành tỉnh735 , thấy Ích Tắc cũng ngồi đấy, Đại Phạp không chào hỏi. Ích Tắc hỏi rằng: "Có lẽ anh là thư nhi736 nhà Chiêu Đạo vương thì phải?". Đại Phạp trả lời: "Cuộc đời thay đổi, Đại Phạp này, trước là thư nhi của Chiêu Đạo vương, nhưng nay là sư thần một nước, cũng như bình chương trước là con vua một nước, mà bây giờ lại là người đi đầu hàng địch!". Ích Tắc nghe Đại Phạp nói, tỏ nét mặt hổ thẹn. Tự đấy hễ khi nào có sứ thần nước ta đến, Ích Tắc không ngồi ở sảnh đường nữa.

Lời chua - Chiêu Đạo vương: Tên là Quang Sưởng, con vợ thứ của Trần Thái Tông, anh cùng mẹ với Ích Tắc.

Bình chương: Quan chức bên Nguyên phong cho Ích Tắc. Trước kia nhà Nguyên cho quân đưa Ích Tắc về nước ta, nhưng không được, sau cho ở Ngạc Châu, ban cho chức bình chương chính sự tỉnh Hồ Quảng, cấp cho ruộng ở Hán Dương để tự nuôi thân.

Tháng 3. Hạ chiếu: phàm những người nào đã mua dân lương thiện làm nô tì, nay cho người bán được chuộc lại.

Khi bấy giờ mấy năm đói kém luôn, nhân dân phần nhiều đem bán rẻ con giai, con gái để tự sinh sống, nên nay hạ lệnh này, duy ruộng đất đã bán rồi thì không cho chuộc lại.

Quý Tị, năm thứ 9 (1293). (Từ tháng 3 trở về sau, thuộc về Anh Tông năm Hưng Long thứ I. - Nguyeên năm Chí Nguyên thứ 30).

Tháng 3, mùa xuân. Nhà vua truyền ngôi cho Thái tử là Thuyên.

Thái tử đã lên ngôi, xưng là Anh Hoàng, bầy tôi dâng tôn hiệu là Ứng Thiên quảng vận nhân minh thánh hiếu hoàng đế (tức là Anh Tông), tôn vua cha làm Hiếu nghiêu quang thánh thái thượng hoàng đế và tôn Bảo Thánh hoàng hậu làm Khâm Từ bảo thánh hoàng thái hậu.

Tháng 9, mùa thu. Khâm Từ bảo thánh hoàng thái hậu là Trần thị mất.

Thái hậu hiền hòa, thông sáng, đối với người dưới, có lòng nhân từ. Thượng hoàng thường khi ngự ở vọng lâu để xem quân sĩ bắt hổ, thái hậu cùng các phi tần theo hầu. Bất thình lình con hổ xổng ra ngoài chuồng, chực nhảy lên lầu, mọi người đều sợ chạy; duy thái hậu vẫn ngồi tại chỗ, thượng hoàng lấy làm khen ngợi.

Sao chổi xuất hiện.

Sao chổi xuất hiện ở vị trí sao Tử vi, sang đến đẩu khôi737 , ánh sáng tỏa ra hơn một thước, một trăm ngày mới lặn.

Nhà Nguyên lại sai sứ thần sang.

Trước đây, Đại Phạp sang nhà Nguyên đính ước đến năm sau nhà vua sẽ sang chầu, nhưng nhà vua không quả quyết đi, nên nay nhà Nguyên lại sai Lại Bộ thượng thư Lương Tăng, Lễ bộ thượng thư Trần Phu sang nước ta. Khi đến nơi, nhà vua muốn cho sứ bộ đi theo cửa bên cạnh vào triều, Lương Tăng không nghe, trở đi trở lại đến ba lần, sau mới cho đi cửa giữa. Lương Tăng trách nhà vua chỉ có giấy tờ suông trang sức những lời xảo trá, và khuyên vào chầu, nhưng nhà vua không theo, rồi sai Đào Tử Kỳ đem phẩm vật địa phương sang cống. Bầy tôi nhà Nguyên lấy cớ rằng nhà vua nhất định không

chịu sang chầu, nên người nào cũng bàn đem quân sang đánh, họ bắt giam giữ Tử Kỳ ở Giang Lăng738 rồi hạ lệnh cho Lưu Quốc Kiệt cùng các tước vương là bọn Y Lặc, Cát Đại chỉnh bị binh lương, chia đường cùng tiến, lại sai Ích Tắc đi theo. Khi quân đến Trường Sa, thì gặp lúc Thế Tổ nhà Nguyên mất, Thành Tông lên làm vua, bèn bãi binh mà cho Tử Kỳ về nước.

Phong cho em là Quốc Trấn739 tước Huệ Vũ vương.

Giáp Ngọ, Anh Tông hoàng đế năm Hưng Long thứ 2 (1294). (Nguyên, năm Chí Nguyên thứ 31).

Tháng 7, mùa thu. Tước Chiêu Minh đại vương Quang Khải mất.

Quang Khải có học thức, thông hiểu tiếng nói các dân tộc người Phiên740 , mỗi khi có sứ thần Trung Quốc đến, được sung vào công việc giao tiếp. Trước kia, Thánh Tông thân đem quân đi đánh Mán Bà La, Quang Khải đi theo. Gặp khi ấy sứ thần Trung Quốc đến, Thái tông triệu Hưng Đạo vương Quốc Tuấn đến bảo rằng: "Thượng tướng741 theo quan gia742 đi đánh giặc, trẫm muốn phong cho nhà ngươi làm Tư đồ, sung vào việc ứng tiếp". Quốc Tuấn thưa rằng: "Việc ứng tiếp sứ thần Trung Quốc, tôi xin đảm nhận, còn việc phong chức tư đồ, tôi không dám nhận. Nay quan gia743 đi đánh giặc xa, Quang Khải theo hầu, mà bệ hạ tự ý tư phong chức tước, tôi e rằng đối với tình nghĩa trên dưới chưa được ổn thoả". Việc ấy mới thôi.

Quang Khải với Quốc Tuấn trước vốn không hòa hiệp với nhau, sau đó một hôm, Quốc Tuấn ở Vạn Kiếp về, Quang Khải cùng Quốc Tuấn đánh cờ chơi đùa suốt ngày. Quang Khải tính không hay gội tắm, Quốc Tuấn cởi áo và lau rửa giúp Quang Khải, rồi nói: "Hôm nay được tắm cho thượng tướng". Quang Khải cũng nói: "Hôm nay được quốc công tắm rửa cho". Tự bấy giờ hai người chơi với nhau thân mật lắm.

Quang Khải lúc làm tướng võ, lúc làm tướng văn, giúp vương nghiệp nhà Trần, uy danh ngang với Quốc Tuấn. Khi mất, hưởng thọ 54 tuổi, có sáng tác tập thơ Lạc đạo lưu hành ở đời. Con cháu Văn Túc vương Đạo Tái cũng có tiếng là người văn hay, cháu là Uy Túc hầu Văn Bích từng làm quan đến thái bảo; chắt là Chương Túc hầu Nguyên Đán danh vọng cũng lừng lẫy. Xem như thế thì phúc đức của gia đình Trần Quang Khải sâu rộng bền bỉ, từ trước đến sau lúc nào cũng gắn liền với cơ nghiệp nhà Trần.

Lời phê - Tiếp tân mà tất phải dùng đến tướng văn tướng võ, thì không phải là tôn trọng quốc thể, xem việc này cũng có thể biết được lúc bấy giờ hiếm nhân tài. Thượng hoàng tự làm tướng đi đánh nước Ai Lao.

Trung Thành vương (không rõ tên) đem quân đi tiên phong bị giặc vây hãm, gặp khi ấy Phạm Ngũ Lão chợt đem quân đến, hai bên giáp lại đánh, giải được vòng vây, liền tung quân ra đón đánh tan được quân giặc, bắt được người và súc vật rất nhiều. Khi đem quân về, nhà vua ban cho Ngũ Lão được kim phù744 .

Tháng 9. Thiếu bảo Đinh Củng Viên mất.

Củng Viên học rộng văn hay, nhà vua rất kính trọng, không bao giờ gọi thẳng tên; lúc mất, truy tặng thiếu phó.

Ất Mùi, năm thứ 3 (1295). (Nguyên, Thành tông, năm Nguyên Trinh thứ 1).

Tháng 2, mùa xuân. Sứ thần nhà Nguyên sang.

Thành Tông nhà Nguyên mới lên làm vua, sai thị lang Lý Khản và Tiêu Thái Đăng đem thư sang nước ta, đại lược nói: "Thiên tử mới lên ngôi, ra ơn đại xá, đã hạ lệnh cho các quan có trách nhiệm phải bãi binh. Vậy tự nay về sau nên nhớ kỹ đến cái đạo sợ uy trời, thờ nước lớn"745 . Nhà vua sai Viên ngoại lang là Trần Khắc Dụng và Phạm Thảo sang bên Nguyên đáp lễ.

Tháng 6, mùa hạ. Thượng hoàng từ Ai Lao về nước.

Thượng hoàng từ Ai Lao trở về, rồi xuất gia ở hành cung Vũ Lâm, sau lại trở về kinh sư. Khi bấy giờ Khâm Từ thái hậu đã mất rồi, Tuyên Từ thái hậu tính nóng nảy, ráo riết dạy bảo có phần nghiêm ngặt, nhà vua chỉ một mực kính cẩn tuân theo. Thượng hoàng khen là người có hiếu, nói rằng: "Trẫm không xứng đáng xưng là "Hiếu hoàng"746 nên đem danh hiệu ấy xưng hô quan gia mới phải".

Lời chua - Tuyên từ: Em gái Khâm từ, tức là dì ruột nhà vua.

Vũ Lâm: Ở xã Vũ Lâm, huyện An Khánh, tỉnh Ninh Bình, ở đây núi non trùng điệp, trong ruột núi có hang, chu vi núi non rộng đến vài mươi mẫu, bên ngoài có con sông nhỏ quanh co khuất khúc, thông vào trong hang núi, thuyền nhỏ có thể chở vào được.

Nhà vua biểu dương người đàn bà có tiết nghĩa là Lê Thị.

Chồng Lê Thị Ta là Phạm Mưu, sang sứ bên Nguyên, bị bệnh mất, Thị Ta nghe tin, thương khóc ba ngày không ăn uống gì rồi chết. Sự đó tâu về triều, nhà vua ban cho bạc và lụa để biểu dương tiết nghĩa.

Lời chua - Lê Thị người ở phường Tây Nhai trong kinh thành.

Tháng 8, mùa thu. Mở kỳ thi con các quan văn.

Quan văn từ hàng "miện, sam" trở xuống, các con trai đều được vào thi, ai trúng tuyển được sung bổ vào nha thuộc An Hoa.

Lời chua - Miện: Quyền miện (?), phẩm phục của người giữ chức Hiệu thư. Sam: Mạo sam (?), phẩm phục của người giữ chức Bạ thư. Những người được dùng phẩm phục này, đều vào hàng quan văn, danh vị hơi cao một chút.

Bính Thân, năm thứ 4 (1296). (Nguyên, năm Nguyên Trinh thứ 2).

Tháng 3, mùa xuân. Nguyễn Hưng, tước thượng phẩm, có tội, phạt đánh bằng trượng cho chết.

Chế độ cũ nhà Trần, các quan viên đánh bạc phải xử vào tội nặng. Nguyễn Hưng cố ý phạm pháp, nên nhà vua bắt đánh bằng trượng cho đến chết.

Lời bàn của Phan Phu Tiên - Pháp luật nhà Trần nghiêm cấm sự đánh bạc như vậy, thế mà đến đời Dụ Tông747 lại còn đánh bạc công khai, thậm chí chiêu tập người nhà giàu vào trong cung đánh bạc, rồi người trong nước cũng bắt chước, thành ra vì tệ hại đánh bạc mà đến nỗi bại vong! Tháng 10, mùa đông. Năm ấy được mùa.

Đinh Dậu, năm thứ 5 (1297). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 1). Tháng 2, mùa xuân. Định rõ lại quy chế binh lính.

Tuyển dân đinh người nào khỏe mạnh phải suốt đời làm lính, không được làm quan, theo như phép cũ. Các châu chỗ nào trước gọi là giáp , nay đổi làm hương .

Nước Ai Lao đem quân xâm phạm đến sông Chàng Long, nhà vua sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, phá tan được.

Nước Ai Lao đem quân xâm phạm, chiếm giữ sông Chàng Long, nhà vua sai Phạm Ngũ Lão kéo quân đến đánh úp, quân Ai Lao bị thua chạy. Tin thắng trận báo về triều, nhà vua ban cho Ngũ Lão được vân phù748 .

Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Trần Kiến làm Đại an phủ sứ ở kinh sư, kiêm chức quan Kiểm pháp.

Trần Kiến là người cương trực, trước làm quan An phủ ở Thiên Trường, có người đưa biếu món ăn, Trần Kiến hỏi: "Có việc gì mà biếu?". Người ấy nói: "Vì ở gần lỵ sở". Mấy hôm sau, người ấy đem việc đến thỉnh thác. Trần Kiến giận lắm, móc cổ họng cho thổ ra. Đến nay được cất nhắc lên làm quan kiểm pháp, xét xử kiện tụng một cách công bằng thỏa đáng, người ta đều nói Trần Kiến có thể quyết đoán hình ngục được.

Tháng 10, mùa đông. Hạ lệnh cho phủ tông chính khảo xét đính chính thế hệ trong gia phả họ tôn thất.

Mậu Tuất, năm thứ 6 (1298). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 2).

Tháng 9, mùa thu. Mưa gió to.

Tháng 10, mùa đông. Đặt thêm quân hiệu.

Đặt thêm các quân hiệu: Thượng chân đô, Thủy dạ thoa đô và Chân kim đô; quân sĩ đều thích chữ ở trán. Nhà vua hạ lệnh cho Phạm Ngũ Lão làm Kim ngô hữu vệ đại tướng quân để thống lĩnh.

Tháng 12. Sao chổi xuất hiện ở phương đông. Nhà vua không dám ngự ở chính điện và giảm bớt sự ăn uống749 .

Bổ dụng Trần Kiến là Nhập nội Hành khiển hữu gián nghị đại phu, Trần Khắc Chung làm Đại an phủ sứ ở kinh sư.

Nhà vua thấy Trần Kiến là người cương trực, ban cho cái hốt750 và làm bài minh vào cái hốt rằng: "Thái sơn trinh cao, tượng hốt trinh liệt, linh trĩ trãi751 giốc, vì hốt nan chiết". Núi Thái Sơn vừa kiên trinh vừa cao, hốt ngà voi vừa kiên trinh vừa sáng, ngà voi có linh tính như ngà giải trãi, dùng làm hốt, khó sức mạnh nào chiết phục được.

Kỷ Hợi, năm thứ 7 (1299). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 3).

Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Phạm Ngũ Lão làm Thân vệ tướng quân, kiêm quản lĩnh quân Thiên Thuộc.

Tháng 5. Bổ dụng Đoàn Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán752 .

Khi bấy giờ thượng hoàng từ phủ Thiên Trường về kinh, các quan trong triều đều không ai biết cả. Nhà vua uống rượu xương bồ, say, nằm ngủ, đánh thức mãi không dậy. Thượng hoàng đi thong thả, xem khắp các cung điện một hồi lâu. Lúc người hầu nội dâng cơm, Thượng hoàng không thấy nhà vua, lấy làm lạ, liền hỏi, sau khi biết chuyện, Thượng hoàng giận lắm, lập tức trở về Thiên Trường, hạ chiếu cho trăm quan đến ngày mai phải tề tập để nghe chỉ dụ. Đến quá trưa, nhà vua mới tỉnh dậy. Cung nhân đem việc đó tâu bày, nhà vua sợ quá, đi bộ ra ngoài cửa cung. Khi đi qua chùa Tư Phúc, gặp người học trò là Đoàn Nhữ Hài, nhà vua ban hỏi. Nhữ Hài vội vàng cúi rạp xuống đất thưa là "học trò đi học". Nhà vua cho theo vào cung, bảo rằng: "Mới đây trẫm say rượu, bị Thượng hoàng hỏi tội, nay muốn dâng biểu tạ tội, nhà ngươi nên thảo giúp ta tờ biểu ấy". Nhữ Hài vâng lời, thảo xong ngay. Nhà vua liền dùng chiếc thuyền nhỏ, cho Nhữ Hài đi theo, đêm đi đến Thiên Trường. Sớm hôm sau, sai Nhữ Hài đội tờ biểu dâng lên, Thượng hoàng hỏi: "Người dâng biểu là người nào?". Người hầu cận thưa rằng: "Đấy là người của quan gia753 sai dâng biểu tạ tội". Thượng hoàng không nói gì cả. Trời gần tối, gió mưa kéo đến ầm ầm, Nhữ Hài vẫn quỳ yên không di chuyển. Thượng hoàng bèn cho người lấy tờ biểu vào xem, thấy lời lẽ ý tứ trong tờ biểu thành khẩn thiết tha, mới cho triệu nhà vua vào dạy rằng: "Trẫm không còn có người con nào nữa để nối ngôi vua hay sao? Nay trẫm còn sống mà còn như thế, nếu sau này sẽ ra thế nào?". Nhà vua cúi đầu tạ tội. Thượng hoàng hỏi: "Ai soạn tờ biểu này?". Nhà vua tâu: "Tên học trò là Đoàn Nhữ Hài".

Thượng hoàng lại cho triệu Nhữ Hài vào, dụ bảo rằng: "Tờ biểu của nhà ngươi soạn, thực hợp ý trẫm". Sau đó, Thượng hoàng cho nhà vua lại được làm vua và trăm quan trở về triều như trước. Nhà vua ở phủ Thiên Trường về, cho Nhữ Hài làm Ngự sử trung tán. Khi bấy giờ Nhữ Hài mới 20 tuổi, có kẻ ghen ghét cho là ít tuổi đã làm quan, họ có câu thơ mỉa mai rằng: "Phong hiến luận đàm truyền cổ ngữ, khẩu tồn nhũ xú Đoàn trung tán". (Trong ngự sử đài người ta truyền tụng câu cổ ngữ "khẩu tồn nhũ xú"754 để đàm luận quan trung tán họ Đoàn).

Lời phê755 - Xem việc này có thể biết thời đại ấy hãy còn giữ được thói giản dị sơ lược, nên vua tôi tin tưởng với nhau một cách dễ dàng. Lời chua - Đoàn Nhữ Hài: Người ở Trường Tân, thuộc Hồng Châu.

Nhà vua đi bái yết sơn lăng.

Tháng 6. Sai các quan đi tế khắp cả thần kỳ ở núi sông.

Tháng 7, mùa thu. Thượng hoàng lên núi Yên Tử, xả thân756 ở am Ngọa Vân.

Trước kia, thượng hoàng ở Vũ Lâm, thời thường đi lại kinh sư và phủ Thiên Trường; đến nay, lại xuất gia, đến núi Yên Tử, ở am Ngọa Vân. Cung tần, thị nữ, người nào không muốn về thì cấp ruộng và nhà cho ở dưới chân núi. Thượng hoàng thỉnh thoảng có về phủ Thiên Trường, ngự ở cung Trùng Quang. Lúc nhà vua đến chầu, Thượng hoàng bảo: "Nhà ta khởi nghiệp từ bãi biển, cho nên thích hình con rồng vào vế đùi, là có ý tỏ ra rằng không bao giờ vong bản". Lúc ấy người thợ thích hình rồng đã chực ở ngoài cửa cung, nhà vua rình khi Thượng hoàng quay mặt đi chỗ khác, liền lánh sang cung Trùng Hoa. Thượng hoàng biết ý, không bắt ép nữa. Cái tục thích hình dáng loài vật vào vế đùi của nhà Trần từ đây mới bỏ đi được.

Lời chua - Yên Tử, Ngọa Vân: Xem Trần Thái Tông, năm Thiên ứng chính bình thứ 6 (Chb. VI, 18).

Thích hình dáng loài vật vào vế đùi: Tục nhà Trần khi xưa, quân dân đều thích vẽ rồng ở trước bụng, sau lưng và hai bên vế đùi, người Trung Quốc gọi là "thái long" (rồng vẽ). Sở dĩ thích hình con rồng như thế, là có ý nghĩ rằng giống thuồng luồng sợ rồng, lưng có vằn rồng, thì khi lội xuống nước, thuồng luồng không dám xâm phạm đến.

Nhà vua đi chơi ngoài thành một cách vi hành757 .

Tính nhà vua thích vi hành, đêm đến, thường ngồi trên chiếc kiệu do người khiêng, cùng đi với vài chục người, dạo chơi khắp kinh thành, đến gà gáy mới trở về cung. Lại thường ra chơi chỗ quân phường (?). Một hôm, có đứa vô lại758 ném gạch phạm phải; người theo hầu quát lên rằng: "Xa giá nhà vua đấy!". Mọi người mới sợ chạy. Sau, Thượng hoàng thấy vết thương, hỏi vì cớ gì. Nhà vua cứ thực tâu bày, Thượng hoàng chép miệng "chạch chạch" một hồi lâu.

Lời phê - Cái lỗi này lại nặng hơn cái lỗi uống rượu say nằm ngủ759 mà sao không thấy Nhân Tông quở trách gì? Ban phát khoa giáo nhà Phật cho trong kinh thành và ngoài các lộ.

Trước đây, Trần Khắc Dụng sang sứ bên nhà Nguyên, xin được kinh Đại Tạng760 . Khi đem về, bản chính để ở phủ Thiên Trường và viết ra bản khác giao khắc để lưu hành. Đến đây, nhà vua lại sai in quyển Phật giáo, pháp sự đạo tràng công văn cách thức , ban bố khắp nước.

Bổ dụng hoạn giả Trần Hùng Thao làm Tham tri chính sự, kiêm giữ việc tả ti ở cung Thánh Từ.

Hùng Thao giữ chức chưa được bao lâu, vì phê phó vào sổ tha tội người này, buộc tội người kia, nên bị bãi.

Sứ thần nhà Nguyên sang.

Trước đây, nhà vua sai Đặng Nhữ Lâm sang giao hảo với nhà Nguyên, khi Nhữ Lâm đến kinh đô nhà Nguyên, bí mật làm những việc sau này:

− Vẽ đồ bản cung điện và vườn tược.

− Đem riêng trong mình bản đồ địa dư và sách đã bị cấm.

− Ghi chép vào sổ riêng những núi rừng và tình hình quân sự ở Bắc phương.

Thừa tướng nhà Nguyên là Hoàn Trạch đem việc ấy tâu bày, vua Nguyên sai Thượng thư Mã Hợp, Thị lang Kiều Tôn Lượng sang nước ta dụ bảo nhà vua về việc Nhữ Lâm làm trái pháp, đáng lẽ tra xét kỹ để trị tội, nhưng thiên tử lấy độ lượng bao dong, nên đã hạ lệnh tha cho về nước. Vậy từ nay cử sứ thần cần phải lựa chọn cẩn thận, nếu có tâu bày thỉnh thác việc gì, phải hết lòng thành thực, chứ nếu chỉ trang sức văn từ khéo léo bề ngoài, thì không ích gì cả.

Canh Tí, năm thứ 8 (1300). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Động đất.

Động đất ba chỗ, từ giờ tí đến giờ thân757 mới yên.

Tháng 4, mùa hạ. Mặt trời dao động.

Người đàn bà ở Hồng Lộ sinh con trai hai đầu.

Tháng 6. Sao sa.

Tháng 8, mùa thu. Tiết chế thống lĩnh chư quân, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, mất.

Trước đây, Quốc Tuấn bị bệnh, nhà vua đến nhà riêng thăm và hỏi rằng: "Nếu có sự không lành xảy ra762 , mà quân nhà Nguyên lại sang xâm lấn, thì chống cự lại bằng cách gì?". Quốc Tuấn thưa: "Ngày trước Triệu Võ (Triệu Đà) dựng nước, vua nhà Hán sai quân sang đánh, lúc ấy, về phần tiểu dân thì phá hết hoa mầu ở đồng nội; về phần quân lính thì đại binh kéo sang châu Khâm, châu Liêm, đánh quận Trường Sa, dùng đoản binh763 đánh tập hậu, đấy là một thời kỳ. Đến đời nhà Đinh, nhà Lê dùng được người hiền tài, lúc ấy phương Nam đương mạnh, phương Bắc đương suy, trên dưới một lòng, dân không có lòng ly tán, đắp thành Bình Lỗ mà phá được quân nhà Tống, đấy lại là một thời kỳ. Nhà Lý dựng cơ nghiệp, người nhà Tống sang xâm lấn; lúc ấy dùng Lý Thường Kiệt đánh châu Khâm, châu Liêm, nhiều lần tiến quân đến Mai Lĩnh764 , đấy là có thế lực mạnh. Mới rồi, Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt đánh phá bao vây; lúc ấy vua tôi cùng lòng, anh em hòa thuận, cả nước góp sức chiến đấu, nên giặc phải bó tay, đấy là lòng giời xui khiến.

Đại khái quân giặc cậy vào trường trận765 , quân ta cậy vào đoản binh, đem đoản binh đánh lại trường trận, là việc thường trong binh pháp. Nhưng cần phải xét: nếu thấy quân giặc tràn sang như gió, như lửa, thì thế giặc có thể dễ chống cự được; nếu giặc dùng cách chiếm cứ dần, như tằm ăn dâu, không vơ vét của dân, không mong đánh được ngay, thì mình phải dùng tướng giỏi, phải xem xét tình thế biến chuyển như người đánh cờ, tùy theo thời cơ mà chế biến cho đúng, làm thế nào thu hút được binh lính như cha con một nhà, mới có thể dùng để chiến thắng được. Vả lại, phải bớt dùng sức dân để làm cái kế thâm căn cố đế, đó là thượng sách giữ nước không còn gì hơn". Nhà vua rất phục lời trình bày của Quốc Tuấn là đúng.

Khi Quốc Tuấn mới sinh ra, có người xem tướng trông thấy, nói: "Mai sau có thể kinh bang tế thế được". Lúc lớn lên, dung mạo khôi ngô, thông minh khác thường, xem rộng các sách, có tài văn vũ. Thân phụ Quốc Tuấn là An Sinh vương, trước đây, có hiềm riêng với Thái Tông766 , đem lòng oán giận, đi tìm khắp những người có tài nghệ giỏi để dạy bảo Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, cầm tay Quốc Tuấn trối trăng lại rằng: "Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha dầu chết cũng không nhắm mắt được!". Trong bụng Quốc Tuấn vẫn không cho câu nói ấy là đúng. Khi quân Nguyên sang xâm lấn, một mình nắm hết quyền bính trong nước trong quân, có lần Quốc Tuấn đem câu trối trăng của cha hỏi hai người gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Hai người can ngăn, nói: "Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm người nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan, chúng tôi mong học được như người mổ dê tên là Duyệt ở thời Xuân Thu ngày trước". Quốc Tuấn nghe hai người gia nô nói, vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi.

Có lần Quốc Tuấn giả vờ hỏi dò ý con là Hưng Vũ vương Quốc Nghiện rằng: "Cổ nhân giàu có cả thiên hạ, để truyền cho con cháu về sau, việc ấy con nghĩ thế nào?". Quốc Nghiện thưa rằng: "Việc ấy đối với người khác họ cũng không nên làm, huống chi là người cùng một họ". Quốc Tuấn rất lấy làm

phải; sau lại đem câu ấy hỏi con thứ là Hưng Nhượng vương Quốc Tảng, Quốc Tảng tiến thẳng đến, nói: "Tống Thái Tổ là một người làm ruộng, chỉ nhờ gặp thời vận mà lấy được thiên hạ". Quốc Tuấn liền tuốt gươm ra kể tội rằng: "Những người bầy tôi phản loạn chính là do những đứa con bất hiếu mà ra". Nói rồi có ý muốn giết đi. Quốc Nghiện vội chạy ra kêu khóc xin nhận tội thay, mãi sau mới được Quốc Tuấn tha cho. Khi Quốc Tuấn sắp mất, bảo Quốc Nghiện rằng: "Sau khi ta chết, đậy nắp áo quan đâu đấy xong rồi, sẽ cho Quốc Tảng vào viếng khóc".

Vào khoảng đầu niên hiệu Thiệu Bảo, quân Nguyên rầm rộ kéo sang, khí thế rất hung hãn. Vua Thái tông bảo rằng: "Lực lượng của giặc mạnh như thế, có lẽ ta hãy tạm xin hàng". Quốc Tuấn nói: "Trước hết hãy chặt đầu tôi đã, rồi sẽ hàng".

Xem những việc trên, thì Quốc Tuấn hết lòng với nhà Trần, trung nghĩa bộc lộ ra như thế, cho nên dẹp tan được giặc Nguyên, dựng nên công nghiệp phi thường, tiếng vang đến Trung Quốc. Người nhà Nguyên thường gọi là An Nam Hưng Đạo vương mà không dám gọi rõ tên. Thánh Tông có làm bài văn bia ở sinh từ, sánh Quốc Tuấn với Thượng Phủ767 . Vì có công lao to, nên gia phong là Thượng Quốc Công, được quyền tự ban thưởng phẩm tước cho người khác, nhưng Quốc Tuấn chưa hề tự ban thưởng cho một ai cả, ấy cẩn trọng giữ gìn như vậy. Lại còn một việc nữa là thường tiến cử người hiền tài để giúp nước, như các ông Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu đều là môn khách của Quốc Tuấn cả.

Đương lúc quân Nguyên sang xâm lấn, Quốc Tuấn thân hành soạn ra sách Binh gia diệu lý yếu lược768 và làm bài hịch769 trao cho các tì tướng. Bài hịch đại lược770 như sau:

"Kỷ Tín liều mình chết thay để giải vây cho Cao đế771 , Do Vu lấy lưng đỡ giáo để che chở cho Chiêu vương772 , Dự Nhượng nuốt than để báo thù cho chủ773 , Thân Khoái774 chặt tay để chết theo nạn nước, Kính Đức775 là một viên tướng nhỏ mà giúp đỡ Thái Tông thoát khỏi vòng vây của Thế Sung, Nhan Khanh776

là một bầy tôi ở biên viễn mà mắng chửi Lộc Sơn không chịu theo bọn nghịch tặc; xem như thế thì xưa kia những người trung thần, nghĩa sĩ, vì nước liều mình, đời nào chả có; nếu những người ấy chỉ bo bo giữ thói thường tình, thì làm gì có danh thơm ghi trong sử sách, cùng với trời đất không bao giờ mai một được?

"Các ngươi! Xuất thân là dòng dõi nhà tướng, không hiểu rõ nghĩa lý trong sách, nay đã được nghe chuyện cổ, trong bụng nửa tin nửa ngờ. Nay ta đem ngay việc nhà Tống, nhà Nguyên mới đây nói cho mà nghe: Vương Công Kiên777 là người thế nào? Tỳ tướng của ông ta là Nguyễn Văn Lập778 lại là người thế nào? Giữ thành Điếu ngư nhỏ mọn và đương đầu với trăm vạn quân oanh liệt của Mông Kha, làm cho nhân dân nhà Tống đến nay vẫn còn đội ơn. Cốt Ngại Ngột Lang779 là người thế nào? Tỳ tướng của ông ta là Cân Tu Tư780 lại là người thế nào? Xông vào nơi đường xa nước độc, mà trong khoảng vài tuần đánh bại được quân Nam Chiếu, làm cho vua quan Thát Đát, tiếng thơm mãi đến bây giờ. Huống chi, ta với các người, sinh ra trong buổi nhiễu nhương, trưởng thành trong lúc đau khổ, nay trông thấy sứ thần của giặc đi rộn rịp ở ngoài đường, uốn giọng lưỡi cú vọ mà sỉ nhục triều đình781 , đem cái thân chó dê mà khinh nhờn tể phụ782 ; dựa vào mệnh lệnh Hốt Tất Liệt783 để đòi hỏi ngọc lụa784 , sách nhiễu không biết thế nào là cùng; mượn uy quyền Vân Nam vương để bắt nộp bạc vàng, làm khánh kiệt kho tàng hữu hạn; không khác gì ném thịt cho hổ đói, làm thế nào mà thoát được tai nạn về sau!

"Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm quên ngủ, nước mắt chứa chan, ruột đau như cắt, lúc nào cũng tức bực rằng chưa sao sả thịt, lột da, ăn gan, uống máu chúng được.

"Nay ta soạn những binh pháp các nhà, làm ra một bộ sách đặt tên là Binh pháp yếu lược . Các ngươi! Nếu người nào biết chuyên tâm học tập sách này, nghe lời ta dạy bảo, thế là tình nghĩa thầy trò muôn đời; nếu người nào vứt bỏ sách này, trái lời ta dạy bảo, tức là kẻ thù muôn đời. Tại sao vậy? Bởi vì giặc Mông Thát với nước ta là cái thù không thể đội trời chung được, nếu các ngươi cứ lơ là không nghĩ đến việc rửa nhục cho nước, lại không luyện tập quân lính, như thế là quay giáo xin hàng, tay không chịu chết, để sau khi bình lỗ, xấu xa để đến muôn đời, thì còn mặt mũi nào mà đứng ở trong vòng trời che đất chở này được"

Quốc Tuấn lại tập hợp binh pháp các nhà làm ra trận đồ bát quái cửu cung785 , gọi là sách Vạn Kiếp tông bí truyền , sách ấy Nhân Huệ vương Khánh Dư có đề tựa.

Đến nay Quốc Tuấn mất, được tặng tước Thái sư thượng phụ thượng quốc công Nhân vũ Hưng Đạo đại vương. Nhân dân ở châu Lạng Giang lập đền thờ.

Lời chua - Đền thờ Hưng Đạo vương: Nay ở xã Vạn An, huyện Lục Ngạn, phủ Lạng Giang786 .

Thành Bình Lỗ: Không thấy chép trong Sử cũ , duy sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi chua rằng: "Triều nhà Lý đào sông Bình Lỗ, để tiện đường đi lại Thái Nguyên". Như thế thành Bình Lỗ có lẽ thuộc địa phận Thái Nguyên.

Người mổ dê tên là Duyệt: Thiên "Nhượng vương" trong sách Trang tử chép: Chiêu vương nước Sở phải tránh nạn, người mổ dê tên là Duyệt đi theo. Khi Chiêu vương trở về nước, định thưởng công cho những người theo mình, trong ấy có kể cả đến người mổ dê tên là Duyệt. Duyệt nói: "Trước kia đại vương mất nước, Duyệt này mất nghề nghiệp mổ dê, như thế là tước lộc của tôi đã được khôi phục lại rồi, còn việc gì lại ban thưởng nữa".

Thành Điếu ngư: Tức thành Hợp Châu, vì thành này ở núi Điếu ngư, nên nhân tên núi mà gọi tên thành, nay thuộc phủ Trùng Khánh tỉnh Tứ Xuyên nhà Thanh. Khi Mông Kha nhà Nguyên đánh nhà Tống, đem quân vây hãm thành này, viên Tri châu là Vương Kiên cố sức chống giữ trong năm tháng trời, quân nhà Nguyên không sao phá được thành, phải giải vây kéo về.

Vương Công Kiên: Trong Nguyên sử chép là Vương Kiên.

Nguyễn Văn Lập: Có bản khác chép là Nguyễn Sơn Lập.

Nam Chiếu: Xem thuộc Đường, Vũ Tông, năm Hội Xương thứ 6 (Tb. IV, 35).

Cốt Ngại Ngột Lang: Nguyên sử chép là Ngột Lương Hợp Thai; sách Thông giám tập lãm chép là Ô Đặc Lý Cáp Đạt.

Vân Nam vương: Sau khi nhà Nguyên bình định được đất Đại Lý, chia đất ấy làm quận huyện, Thế tổ nhà Nguyên phong cho con là Hốt Kha Xích làm Vân Nam vương để trấn trị.

Tháng 10, mùa đông. Định thể lệ áo mũ quan văn, quan võ.

Theo thể lệ trước, quan văn đội khăn màu thâm, kiểu chữ "đinh"; tụng quan787 đội khăn "thanh toàn hoa"788 . Đến nay, nhà vua hạ lệnh chế thứ khăn kiểu mới cho quan võ đội để có phân biệt. Về áo mặc, kích thước tay áo của quan văn quan võ từ một thước đến chín tấc. Quan văn quan võ không được mặc thứ "áo phủ phía trước"; tụng quan không được mặc xiêm. Về khăn đội, sau lại cho phép các quan đều đội khăn chữ "đinh", đội thêm cái hộ cân mầu tía pha màu biếc; tước vương, tước hầu người nào tóc dài đội khăn "triều thiên"789 , người nào tóc ngắn đội "bao cân"790 .

Lời chua - Khăn chữ đinh: Kiểu khăn này rất quê, sở dĩ gọi tên như thế, vì hình dáng khăn này giống như chữ "đinh". Cuối đời nhà Lê phần nhiều còn dùng kiểu khăn này.

Thanh toàn cân: Khăn này có hai vòng vàng đính vào hai bên khăn.

Áo phủ phía trước: Nguyên văn: (thiếm): thứ áo che ở đằng trước; lại có nghĩa là dưới nách áo.

Cái hộ cân màu tía pha màu biếc (nguyên văn: tử tu gián bích): Chữ "tu" nghĩa là cái dải bằng lụa, dùng để buộc ở chân tóc, bỏ rủ cái giọt thừa ra đằng sau. Còn các khăn khác, kiểu chế như thế nào, không rõ.

Tân Sửu, năm thứ 9 (1301). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 5).

Tháng giêng, mùa xuân. Bổ dụng Trần Kiến làm Tham tri chính sự.

Trước đây, Trần Kiến làm Gián nghị, can tội ẩn lậu dân đinh, bị bãi chức; nhà vua nghĩ việc ấy không phải cố ý phạm tội, nên đến nay lại bổ dụng.

Tháng 3. Thượng hoàng sang chơi Chiêm Thành.

Thượng hoàng xuất gia ở núi Yên Tử, thường muốn đi chơi xem khắp núi sông trong nước, nhân du lịch đến một địa phương, tiện đường sang chơi Chiêm Thành.

Nước Ai Lao đem quân sang cướp ở Đà Giang, nhà vua sai Phạm Ngũ Lão đi đánh, phá tan được.

Ngũ Lão đem quân đánh nhau với giặc ở động Mường Mai, bắt được rất nhiều tù binh. Khi Ngũ Lão đem quân về, nhà vua phong làm Thân vệ đại tướng quân và ban cho quy phù791 .

Lời chua - Đà Giang: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 30).

Mường Mai: Tên một động của người Mán xưa, nay đổi là châu Mai thuộc tỉnh Hưng Hóa792 .

Tháng 4, mùa hạ. Đại hạn. Xét tội các tù phạm. Mưa.

Tháng 11, mùa đông. Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về.

Dân bị nạn đói to.

Nhâm Dần, năm thứ 10 (1302). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 6).

Tháng giêng, mùa xuân. Gia phong Chiêu Văn vương Nhật Duật là Thái úy quốc công.

Theo chế độ cũ, người nào là thân vương mà vào triều làm tướng quốc, lại xưng là quốc công; người nào là thượng vị hầu mà vào làm quan trong nội đình, được gia phong tước quan nội hầu. Nhật Duật lấy danh nghĩa là Thái úy vào làm tướng quốc trong triều, nên được phong là Quốc công.

Nhà vua cho phép người đạo sĩ793 Trung Quốc là Hứa Tôn [Tông] Đạo đến ở phường An Hoa.

Tôn (Tông) Đạo từ Trung Quốc theo thuyền buôn đến nước ta; nhà vua cho phép cư trú ở phường An Hoa. Các khoa cúng về phù thủy794 và làm chay làm tiếu795 thịnh hành ở nước ta bắt đầu từ đây.

Lời chua - Phường An Hoa: Bây giờ là phường Yên Phụ thuộc huyện Vĩnh Xương, tỉnh Hà Nội796 .

Quý Mão, năm thứ 11 (1303). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 7).

Tháng giêng, mùa xuân. Thượng hoàng đến cung Trùng Quang, làm tiếu ở chùa Phổ Minh.

Thượng hoàng từ Chiêm Thành về đến phủ Thiên Trường, nhân mở hội vô lượng phật pháp; phát vàng, bạc, tiền, lụa chẩn cấp cho dân nghèo các nơi và trao cho kinh Giới thí.

Tháng 10, mùa đông. Bổ dụng Trần Khắc Chung làm Nhập nội Hành khiển797 .

Chức Nhập nội Hành khiển chỉ bổ dụng hoạn quan, là theo chế độ nhà Lý. Thời đại Trần Thánh Tông, Quang Khải lấy danh nghĩa là thân vương được kiêm giữ chức ấy. Quang Khải tâu rằng: tôi là quan ở ngoài vào triều làm tướng, nên thêm hai chữ "nhập nội", còn như trung quan798 giữ chức ấy thì xin bỏ chữ "nhập" đi, để có phân biệt. Thánh Tông y theo. Tự đấy chỉ gọi là nội Hành khiển, nhưng cũng chỉ có trung quan được bổ dụng. Đến nay Thượng hoàng bổ Khắc Chung làm Hành khiển, lại thêm chữ "nhập" như cũ. Từ nay chức Hành khiển mới bổ xen cả những người trong hàng sĩ phu.

Bổ Đoàn Nhữ Hài làm Tham tri chính sự.

Nhữ Hài vâng mệnh lệnh vua sang sứ Chiêm Thành. Đến yết kiến thượng hoàng ở chùa Yên Tử, thượng hoàng cùng Nhữ Hài nói chuyện, rất lấy làm hài lòng, bảo với tả hữu rằng: "Nhữ Hài là người có phẩm hạnh, nên được quan gia tin dùng là phải". Trước đây sứ thần nước ta sang sứ, đều lạy chúa Chiêm Thành trước, rồi mới mở đọc chiếu thư; lần này khi Nhữ Hài sang đến nơi, vào thẳng trước án để tờ chiếu yên ổn xong, nhân bảo chúa Chiêm Thành rằng: "Từ khi tôi vâng mệnh triều đình đem thiên chiếu799 sang đây, đã lâu không được chiêm vọng thanh quang800 nay mở chiếu thư ra, không khác gì đứng trước thiên nhan"801 . Nói xong, liền lạy thẳng vào tờ chiếu thư, dầu chúa Chiêm Thành có đứng ở bên cạnh, nhưng lấy danh nghĩa là lạy chiếu thư, để tỏ rõ ý không chịu khuất. Sau này, các sứ thần sang sứ Chiêm Thành mà không phải lạy chúa Chiêm, là từ Nhữ Hài trước. Khi Nhữ Hài trở về nước, nhà vua rất khen ngợi, nên cho giữ chức này.

Giáp Thìn, năm thứ 12 (1304). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 8).

Tháng giêng, mùa xuân. Người đàn bà ở kinh thành sinh con gái hai đầu.

Tháng 3. Bổ dụng Bùi Mộc Đạc làm Chi hậu bạ thư chính chưởng.

Mộc Đạc nguyên là họ Phí, tên là Mộc Lạc, Thượng hoàng thấy họ Phí không phải là họ có danh vọng, và tên gọi có điềm không hay802 , nhân đổi lại, để sớm hôm chầu chực; đến nay nhà vua bổ sung chức này, để hầu hạ ở cung Thánh Từ803 .

Tháng 3. Mở khoa thi Thái học sinh804 .

Phép thi: Trước hết cho ám tả truyện Mục thiên tử805 và thiên Y quốc806 để rũ bớt những kẻ học kém; thứ hai thi kinh nghi807 , kinh nghĩa808 và thơ phú797 ; thứ ba thi chiếu798 , chế799 , biểu800 ; sau cùng thi một bài

bài văn sách813 , để định thứ tự đỗ cao, đỗ thấp. Khoa này lấy đỗ thái học sinh 44 người; ba người đỗ đầu được từ cửa Phượng Thành ra đi du lịch phố xá ba ngày. Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi ban cho Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung chức Nội thư gia; bảng nhỡn Bùi Mộ ban cho mạo sam Chi hậu bạ thư và được sung chức Nội lệnh thư gia; thám hoa Trương Phóng ban cho mũ quyền miện hiệu thư và được sung chức Nhị tư. Còn từ hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn trở xuống đều được bổ quan chức, tùy theo thứ tự đỗ cao hay thấp.

Lời chua - Truyện Mục thiên tử: Sách đào được ở một ngôi mộ thuộc huyện Cấp, sách này do Tuân Húc nhà Tấn hiệu đính và Quách Phác chú thích.

Y quốc thiên: Chưa rõ lai lịch và nội dung thế nào.

Kinh nghi: Hỏi những nghĩa có nghi ngờ trong năm kinh, cách thức hành văn theo như cổ văn.

Thơ: Theo thể thơ ngũ ngôn trường thiên.

Phú: Dùng thể phú tám vần.

Mạc Đĩnh Chi: Người ở Chí Linh thuộc Sách Giang814 .

Bùi Mộ: Người ở Thanh Oai thuộc Sơn Nam815 .

Trương Phóng: Người Thanh Hóa.

Nguyễn Trung Ngạn: Người Thiên Thi thuộc Khoái Châu816 .

Tháng 11, mùa đông. Hạ chiếu dùng bảy khoa để thi học trò.

Lời chua - Bảy khoa: Không rõ cách thức thi thế nào.

Tháng 12. Sao chổi xuất hiện.

Bổ Đoàn Nhữ Hài giữ việc viện Xu Mật.

Từ năm Kiến Trung817 đến nay, người đại thần cầm quyền trong chính phủ đều dùng họ tôn thất. Nay Nhữ Hài xuất thân là học trò, được cất lên một chức quan trọng trong chính phủ, do đấy con đường dùng người không phân biệt kẻ thân, người sơ nữa.

Ất Tị, năm thứ 13 (1305). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 9).

Tháng giêng, mùa xuân. Lập con là Mạnh làm Đông cung818 thái tử.

Trước đây, những người con do phi tần hậu cung sinh ra, phần nhiều không nuôi được. Đến khi sinh con thứ tư tên là Mạnh, nhà vua nhờ Thụy Bảo công chúa nuôi giúp, Thụy Bảo lại ký thác Nhật Duật nuôi, Nhật Duật hết lòng nuôi nấng. Nay lập làm Đông cung thái tử, nhà vua thân làm bài "Dược thạch châm"819 ban cho.

Lời chua - Thụy Bảo: Là con gái Thái Tông, và là em gái Nhật Duật.

Bính Ngọ, năm thứ 14 (1306). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 10).

Tháng giêng, mùa xuân. Tá Thiên đại vương là Trần Đức Việp mất.

Tháng 6, mùa hạ. Gả Huyền Trân công chúa cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân, Chế Mân đem dâng đất châu Ô và châu Lý.

Trước đây, Thượng hoàng đi du lịch đến một địa phương, nhân tiện sang chơi Chiêm Thành, hẹn gả con gái cho chúa Chiêm. Sau Chế Mân sai bầy tôi là bọn Chế Bồ Đài đệ tờ biểu dâng vàng, bạc, kỳ hương và các phẩm vật lạ để xin cưới. Quần thần trong triều đều nói là không nên gả, chỉ có Văn Túc vương Đạo Tái chủ trương nên gả, và Trần Khắc Chung tán thành. Chế Mân lại xin đem châu Ô, châu Lý để làm lễ cưới, lúc ấy ý vua mới quả quyết cho Huyền Trân công chúa về với vua Chiêm. Về việc này, có nhiều văn nhân mượn chuyện nhà Hán gả con gái cho Hung Nô và Ô Tôn820 , làm thơ để chế giễu.

Hạ lệnh cho Thiên chương học sĩ là Nguyễn Sĩ Cố giảng dạy năm kinh821 .

Sĩ Cố khéo khôi hài, người ta thường ví với Đông Phương Sóc822 . Sĩ Cố lại tài làm thơ phú bằng quốc âm; nhiều người bắt chước.

Đinh Mùi, năm thứ 15 (1307). (Nguyên, năm Đại Đức thứ 11).

Tháng giêng, mùa xuân. Đổi tên châu Ô, châu Lý là Thuận châu, Hóa châu. Sai Hành khiển Đoàn Nhữ Hài đi phủ dụ dân hai châu ấy.

Chế Mân đã dâng đất hai châu, người các thôn La Thủy, Tác Hồng và Đà Bồng không chịu thần phục. Nhà vua sai Nhữ Hài đi tuyên dương uy đức ý chí của nhà vua, kén chọn lấy người của họ bổ cho làm quan, cấp ruộng đất cho dân như cũ và xá tô thuế cho ba năm.

Tháng 3. Mặt trời có hai ánh sáng chập chồng với nhau.

Hình dáng như hai cầu vồng giao lại với nhau.

Tháng 9, mùa thu. Nước to.

Sứ thần Chiêm Thành sang nước ta.

Chúa Chiêm là Chế Mân mất, thế tử là Chế Đa Gia sai bầy tôi là Bảo Lộc Kê sang dâng voi trắng và báo cáo tin buồn.

Tháng 10, mùa đông. Hạ lệnh cho Hành khiển Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành, đưa Huyền Trân công chúa về nước.

Theo tục Chiêm Thành, mỗi khi chúa trong nước mất, thì vợ chúa phải lên đàn thiêu để chết theo. Nhà vua được tin đó, sai Trần Khắc Chung mượn cớ sang thăm, và nói rằng: "Công chúa hỏa táng,

thì không có ai làm chủ đàn chay, chi bằng công chúa ra ngoài bãi biển chiêu hồn chúa công cùng về, lúc ấy sẽ lên đàn thiêu là tiện hơn cả". Người Chiêm Thành nhận lời. Khi đã ra ngoài biển rồi, Khắc Chung dùng chiếc thuyền nhỏ cướp lấy công chúa đưa về. Sau hai người tư thông với nhau, trùng trình ở trên mặt biển, lâu lắm mới về đến kinh sư. Hưng Nhượng vương Quốc Tảng lấy làm ghét lắm, hễ thấy Khắc Chung liềm mắng rằng: "Họ tên người này là "Trần Khắc Chung", đối với nước nhà có điều không tốt, có lẽ nhà Trần sẽ mất về người này chăng?". Khắc Chung thường phải sợ mà lánh mặt.

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...