Tuesday, September 22, 2020

KDVSTGCM - Chính Biên 6 Từ Bính Tuất (1226), Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2, đến Mậu Ngọ (1258), Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 8

 K h â m Đ ị n h V i ệ t S ử T h ô n g G i á m C ư ơ n g M ụ c

Chính Biên

Quyển thứ VI

Từ Bính Tuất (1226), Trần Thái Tông, năm Kiến Trung thứ 2, đến Mậu Ngọ (1258), Trần Thái Tông, năm Nguyên Phong thứ 8, gồm 33 năm.

Bính Tuất (1226), Trần Thái Tông hoàng đế năm Kiến Trung thứ 2 (Tống, năm Bảo Khánh thứ 2).

Tháng giêng, mùa xuân. Sách phong Lý Chiêu Hoàng làm Chiêu thánh hoàng hậu.

Phong Trần Thủ Độ làm Thái sư, giữ tất cả việc hành quân đánh dẹp trong nước.

Thủ Độ là chú họ nhà vua. Nhà Trần lấy được thiên hạ đều do mưu mô của Thủ Độ; khi nhà vua mới được Chiêu Hoàng truyền ngôi cho, đã phong Thủ Độ làm Quốc thượng phụ, giữ việc cai trị thiên hạ, đến đây, lại hạ lệnh phong làm thái sư.

Giáng truất Thượng hoàng nhà Lý557 làm Huệ Quang Đại sư.

Thượng hoàng nhà Lý đã truyền ngôi cho Chiêu Hoàng, ra ở chùa Chân Giáo, do đấy Thủ Độ và vợ vua Huệ Tông mới tự tiện chuyên quyền, để ngầm chuyển dời ngôi vua nhà Lý. Đến đây, truất bỏ danh hiệu Thượng hoàng đi, cho làm thầy chùa.

Lời cẩn án - Lý Huệ Tông đã truyền ngôi cho con gái, liền ra ở chùa Chân Giáo. Về việc này , Sử cũ chép rằng truất ngôi, cho ra ở chùa Chân Giáo, sau lại chép dời đến ở chùa Chân Giáo, như thế có phần sai lầm, nay cải chính lại. Tháng 2. Định ra luật lệnh.

Sai Trần Thủ Độ đi đánh Nguyễn Nộn, Đoàn Thượng, nhưng không thắng được.

Bấy giờ nhân triều Lý suy yếu, trộm giặc quần tụ, những người Mán trong núi thuộc Quảng Oai liên kết với nhau quấy nhiễu. Thủ Độ điều khiển quân đi dẹp yên được; duy còn Nguyễn Nộn giữ ở Bắc Giang, Đoàn Thượng giữ ở Hồng Châu, thế lực còn mạnh, đánh mãi chưa được. Thủ Độ mới xin phong cho Nguyễn Nộn làm Hoài Đạo vương và chia cho đất ở Bắc Giang; Thủ Độ cũng hẹn phong tước cho Đoàn Thượng, định ngày hội họp, làm lễ minh thệ, nhưng Đoàn Thượng không đến họp.

Lời chua - Quảng Oai: Xem Lý Huệ Tông, năm Kiến Gia thứ 8 (Chb. V, 38).

Bắc Giang: Tức Kinh Bắc, xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 18).

Hồng Châu: Xem thuộc Đường, Chiêu Tuyên, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb. V, 14).

Tháng 5, mùa hạ. Phong cho em là Nhật Hiệu tước Quận vương.

Nhật Hiệu bấy giờ mới 2 tuổi, vì là em cùng mẹ với nhà vua, nên được phong tước Quận vương.

Xét công trạng những người giúp sức trong khi nhà vua lên ngôi; gia phong phẩm trật cho các quan văn võ tùy tùng, có từng đẳng hạng khác nhau.

Tháng 8, mùa thu. Trần Thủ Độ giết Thượng hoàng nhà Lý ở chùa Chân Giáo.

Thượng hoàng nhà Lý ở chùa Chân Giáo, thường ngồi xổm nhổ cỏ ở trước cửa chùa. Thủ Độ đi qua trông thấy, nói: "Nhổ cỏ phải nhổ hết rễ sâu". Thượng hoàng đứng dậy, xoa tay, nói: "Lời của anh nói, ta đây biết rồi". Sau Thượng hoàng ra chơi chợ cửa Đông, nhân dân ganh nhau chạy ra xem, có người động lòng thương khóc. Thủ Độ sợ lòng người tưởng nhớ đến vua cũ, sẽ sinh ra sự biến loạn chăng, nên lại càng canh giữ dò xét nghiêm mật hơn trước. Đến nay, Thủ Độ sai người đem hương hoa đến dâng và nói rằng: " Quan Thượng phụ558 có lời trần thỉnh". Lý Thượng hoàng giận lắm, nói rằng: "Ta tụng kinh xong sẽ tự tử". Rồi vào buồng ngủ, khấn rằng: "Thiên hạ nhà ta đã bị mày cướp mất, nay lại còn hãm hại ta, mai sau con cháu nhà mày cũng phải chịu như thế". Nói rồi liền thắt cổ ở vườn sau chùa. Thủ Độ bắt các quan đến khóc viếng, đào tường phía nam thành để làm cửa, di chuyển cữu ra phường An Hoa559 , dùng phép hỏa hóa, còn hài cốt thì đem chôn cất ở tháp chùa Bảo Quang.

Truất ngôi Thái hậu nhà Lý là Trần Thị560 xuống làm Thiên Cực công chúa, rồi đem gả cho Trần Thủ Độ.

Thái hậu là con gái Trần Lý, khi Lý Huệ Tông làm Thái tử, vì tránh quốc nạn, phải chạy ra miền Hải Ấp, Thái tử trông thấy Trần Thị, tỏ ý hài lòng, rồi lấy làm vợ, sau sách phong làm Hoàng hậu. Gặp lúc ấy trong nước loạn lạc, Hoàng hậu mới cùng với Thủ Độ tư thông, rồi bàn mưu ở trong cung làm tờ chiếu để vua nhà Lý truyền ngôi cho nhà Trần, vì thế mà nhà Lý mất ngôi vua.

Lời phê - Thủ Độ là công thần nhà Trần, tức là tội nhân nhà Lý. Huống chi làm những nết xấu như chó lợn, dạ độc như hùm beo, dựng nước mà như thế thì làm thế nào mà lâu dài được? Nhưng chẳng qua cũng bởi nhà Lý tự rước lấy tai vạ, lại còn trách gì nữa! Đem bọn cung nhân và con gái tôn thất nhà Lý gả cho các tù trưởng người Mán.

Tháng 10, mùa đông. Suy tôn bố đẻ là Thừa làm Thượng hoàng; mẹ là Lê thị làm Quốc Thánh hoàng thái hậu.

Tổ phụ Trần Thừa tên là Kinh, người làng Tức Mặc, sinh con là Hấp, Hấp sinh con là Lý, Lý sinh ra Thừa, đời nào cũng chuyên nghề đánh cá; Thừa lấy vợ là Lê Thị sinh ra nhà vua. Vì Thừa là anh vợ Lý Huệ Tông, nên Huệ Tông cho làm chức Nội thị phán thủ, rồi gia phong làm Phụ quốc thái uý. Khi nhà vua được Chiêu Hoàng truyền ngôi cho, thì Trần Thừa xưng là Thượng hoàng, thay nhà vua giữ chính quyền trong nước.

Đến nay, suy tôn làm Thượng hoàng, ở cung Phụ Thiên, nếu trong nước có việc gì to lớn thì Thượng hoàng ở trong cung nghe lời tâu bày để quyết đoán.

Lời chua - Tức Mặc: Tên làng, bây giờ đổi làm xã, thuộc huyện Mỹ Lộc, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Cung Phụ Thiên: Ở phường Hạc Kiều, thành Thăng Long.

Định thể lệ tiền tệ.

Dân gian nộp tiền thượng cung, thì cứ mỗi một tiền là 70 đồng, còn như tiền ở dân gian tiêu dùng, thì mỗi một tiền chỉ có 69 đồng, gọi là tiền "tỉnh mạch" (mỗi tiền bớt đi một đồng).

Lời chua - Thượng cung: Dân cung nộp lên trên.

Tuyển con gái dân gian sung vào hậu cung.

Dùng Phùng Tá Chi Tri phủ Nghệ An.

Tá Chu trước làm quan triều Lý, vào bè đảng với họ Trần, thường được vua nhà Trần tin dùng. Đến đây, cho làm Tri phủ Nghệ An, được quyền tự ban tước cho người khác: những phẩm trật từ tá chức Xá nhân561 trở xuống, được phép trước ban cho rồi sau sẽ tâu lên cho vua biết.

Đinh Hợi, năm thứ 3 (1227). (Tống, năm Bảo Khánh thứ 3).

Tháng 4, mùa hạ. Họp các quan làm lễ tuyên thệ ở đền Đồng Cổ.

Ngày hôm ấy, nhà vua ngự ở điện Đại Minh, viên Tể tướng và trăm quan tiến triều xong rồi, đều phải sửa soạn đủ đội ngũ, nghi trượng, người cưỡi ngựa đi hộ vệ, kéo ra cửa phía Tây kinh thành, đến đền thờ thần Đồng Cổ, để uống máu ăn thề; viên Trung thư kiểm chính tuyên đọc thệ thư rằng: "Người làm tôi phải hết lòng trung với vua, người làm quan phải giữ phẩm hạnh trong trắng, nếu ai trái lời thề này, xin thần linh làm hại người ấy". Tuyên đọc xong, viên Tể tướng đóng cửa đền lại, kiểm điểm trăm quan, người nào vắng mặt phạt 5 quan tiền. Việc này theo thể lệ cũ của triều Lý. Từ năm nay trở đi, năm nào cũng cử hành lễ này. Ngày hôm ấy, con trai con gái kéo nhau ra xem kín cả hai bên đường, họ nhận đấy là việc tốt.

Lời phê - Nhà Lý, nhà Trần lấy được nước, đều không theo chính nghĩa, nên sợ lòng người không ủng hộ, mới phải dùng đến thề nguyền. Không khác gì Mạnh Tử nói: "Không đo từ dưới gốc, mà chỉ đo trên ngọn để lấy cho bằng". Việc làm như thế, cũng đã là thấp kém! Lời chua - Đền Đồng Cổ: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 19 (Chb. II, 30).

Mậu Tí, năm thứ 4 (1228). (Tống, năm Thiệu Định thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Gia phong Nhật Hiệu làm Khâm Thiên đại vương.

Tháng 2. Thi lại viên.

Thể lệ thi bằng cách thảo thiện giấy tờ về việc quan, gọi là bạ đầu; ai trúng tuyển, được sung bổ làm thuộc viên ở sảnh, ở viện.

Lời chua - Sảnh, viện: Quan chế nhà Trần có Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh, Hàn lâm viện, Thẩm hình viện và Thái y viện, Thái chúc viện.

Tháng 8, mùa thu. Phong cho anh là Liễu làm Thái uý.

Liễu, đối với nhà vua, là hàng anh cả. Triều nhà Lý trước, Liễu lấy công chúa, được phong là Phụng Kiền vương, nay phong là Thái uý.

Lời chua - Quan chế nhà Trần: Chức Thái uý đứng trên hàng thân vương họ tôn thất. Người giữ chức này kiêm cả Tể tướng giúp vua làm chính trị.

Xét trướng tịch ở Thanh Hóa.

Theo chế độ nhà Lý, hằng năm sai xã quan562 khai báo số người, gọi là đơn số, căn cứ vào trướng tịch làm chuẩn định, khai đủ các hạng sau này: cấp bậc quan văn, quan võ, quan tùy tùng, quân nhân, tạp lưu, hoàng nam, lung lão, người tàn tật bất cụ, người biên tên trong sổ phụ, người phiêu tán, v.v... Ai có quan tước mà con cháu tập ấm mới được ra làm quan; còn nếu người nào nhà giàu, khoẻ mạnh mà không có quan tước, thì cũng chỉ đời đời làm lính. Việc này, triều nhà Trần cũng thi hành theo như phép triều Lý trước.

Lời chua - Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 16).

Trướng tịch: Sổ trình bày việc kế toán. Sách Hán thư , về niên kỷ đời Vũ đế có chép rằng: "Nhận sổ kế toán của các quận quốc". Sách ấy lại chua thêm: "kế" cũng như sổ mục kế toán ở các châu bây giờ.

Xã quan: Xem năm Thiên Ứng chính bình thứ 11 (Chb. VI, 22).

Tháng 10, mùa đông. Nước Chiêm Thành sai người đến cống hiến.

Lời chua - Chiêm Thành: Tức Lâm Ấp. Xem thuộc Tấn, Mục Đế, năm Vĩnh Hòa thứ 9 (Tb. III, 20-21).

Nguyễn Nộn đánh giết được Đoàn Thượng. Nhà vua đem Ngoạn Thiềm công chúa gả cho Nộn.

Đoàn Thượng chiếm cứ huyện Đường Hào thuộc Hồng Châu, đắp lũy ở xã Yên Nhân, biên tên những quân dân ở các làng ấp bên cạnh sung vào việc phòng thủ. Nộn đem quân đến đánh, Đoàn Thượng thua, bị chết; nhân đấy, Nộn thống lĩnh cả quân của Đoàn Thượng, rồi cướp bóc con trai, con gái và của cải ở Hồng Châu. Con Đoàn Thượng tên là Văn, cũng đem gia thuộc ra hàng Nguyễn Nộn. Bấy giờ uy thanh Nguyễn Nộn lừng lẫy, Thủ Độ lấy làm lo lắm, chia quân phòng giữ các nơi, và xin nhà vua sai người đem thư đến mừng, gia phong tước là Hoài Đạo hiếu vũ vương, lại đưa Ngoạn Thiềm công chúa gả cho Nộn để ngầm thám thính sự động tĩnh của Nộn, nhưng Nộn cũng để công chúa ở riêng phòng tại doanh trại, phàm các việc của Nộn không cho công chúa được biết gì cả.

Lời chua - Đường Hào: Tên huyện563 .

Yên (An) Nhân: Tên xã, thuộc tỉnh Hải Dương bây giờ564 .

Kỷ Sửu, năm thứ 5 (1229). (Tống, năm Thiệu Định thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Nhật thực.

Nguyễn Nộn chết.

Nộn đã thống lĩnh cả quân của Đoàn Thượng, tự xưng là Đại Thắng vương, ăn chơi quá độ, tự biết mình không thể đối lập với nhà Trần được, nên dự định tháng 10 sẽ đến chầu, nhưng liền bị bệnh, nhà vua sai viên chức trong nội điện đến yên uỷ thăm hỏi, Nộn cố gắng ăn cơm và nhảy lên mình ngựa, để tỏ ra mình vẫn còn khỏe, nhưng chưa được bao lâu thì chết. Tự bấy giờ trong nước mới ổn định được cuộc thống nhất.

Sai sứ sang nhà Tống.

Nhà vua đã được nhà Lý truyền ngôi cho, nên mới sai sứ sang báo cáo với nhà Tống và xin phong tước.

Canh Dần, năm thứ 6 (1230). (Tống, năm Thiệu Định thứ 3).

Tháng 3, mùa xuân. Định thể lệ làm ra sách Thông chế và các sách chép về việc hình, việc lễ.

Khảo cứu các lệ luật đời trước, định thể lệ làm ra sách Thông chế , và sửa đổi quy định các sách hình luật, lễ nghi, tất cả 20 quyển.

Định thể lệ làm việc cho những người phải tội đồ.

Những người can tội thường phạm: ai phải đày đi làm người "hoành" ở Tảo xã, thì thích sáu chữ vào mặt, mỗi người phải cày cấy 3 mẫu ruộng công, mỗi năm nộp 300 thăng lúa. Ai phải đày làm lính

Lao thành, thì thích bốn chữ vào trán, làm việc phát bỏ cỏ rậm; hạng người này phụ thuộc vào bốn đội tương quân.

Lời chua - Tảo xã: Xã Nhật Tảo, huyện Từ Liêm bây giờ.

Hoành: Danh từ gọi người nô lệ.

Tương quân: Những người dùng để canh giữ cửa thành, hạng quân này không ví được như quân Cấm vệ.

Lao thành: Tức La Thành.

Đắp thành Thăng Long cho được kiên cố thêm.

Nhân nền thành cũ của nhà Lý mà đắp thêm cho được kiên cố. Trong thành dựng cung điện lâu các, phía đông, phía tây làm hành lang, giải vũ; bên tả là cung Thánh Từ, bên hữu là cung Quan Triều. Ngoài thành, bốn cửa có bốn đội Tương quân thay phiên nhau canh giữ; bên tả và bên hữu thành chia làm sáu mươi mốt phường, có đặt ti Bình Bạc.

Lời chua - Thành Thăng Long: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. II, 9-10).

Thánh Từ, Quan Triều: Tên hai cung. Cung Thánh Từ, chỗ Thượng hoàng ở; cung Quan Triều, chỗ Hoàng đế ở.

Ti Bình Bạc: Tức chức quan đứng đầu địa phương trong kinh thành; vì giữ việc xét đoán hình ngục, kiện tụng, nên gọi là Bình Bạc. Mục Chức quan chí trong Tấn thư chép rằng: Quan Đình úy giữ việc hình ngục, kiện tụng, viên chức phụ thuộc có chức Chánh Giám bình.

Đặt chức An phủ sứ565 ở các lộ.

Mỗi lộ đặt hai viên, Chánh và Phó, phàm việc hộ khẩu, tiền thóc, ngục tụng đều giữ hết quyền bính ở trong tay. Chức này là chức chịu mệnh lệnh vua phó thác cho trấn trị nơi biên khổn.

Tháng 9, mùa thu. Quốc Thánh Hoàng Thái hậu là Lê Thị mất, truy tôn là Thuận Từ Hoàng Thái hậu.

Tân Mão, năm thứ 7 (1231). (Tống, năm Thiệu Định thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Đào các con sông ở Thanh Hóa và Diễn Châu.

Lúc ấy, các đường sông bị úng tắc, nên nhà vua sai hoạn quan là Nguyễn Bang Cốc đem quân bản phủ đào sông Trầm, sông Hào, từ phủ Thanh Hóa đến địa giới phía nam Diễn Châu. Khi công việc đã làm xong, Bang Cốc được thăng tước Phụ quốc Thượng hầu.

Lời chua - Diễn Châu: Xem thuộc Đường, Cao Tông, năm Điều Lộ thứ 1 (Tb. IV, 20).

Trầm và Hào: Tên hai con sông thuộc huyện Ngọc Sơn, Thanh Hóa.

Tháng 8, mùa thu. Nhà vua về thăm làng Tức Mặc, ban yến và thưởng cho những người phụ lão, tùy theo đẳng cấp khác nhau.

Hạ lệnh cho các nơi dịch đình đều đắp tượng phật để thờ.

Tục nước ta khi trước, nhiều chỗ làm đình để cho người đi đường ngồi nghỉ, trát bằng vôi trắng, gọi là "dịch đình". Thượng hoàng lúc còn hàn vi, thường ngồi nghỉ ở dịch đình; một hôm, gặp một nhà sư bảo rằng: "Người thiếu niên này, mai sau có thể quý hiển to". Nói đoạn, nhà sư ấy biến mất, không thấy đâu nữa. Vì thế nên nay nhà vua hạ chiếu: phàm ở đâu có dịch đình đều đắp tượng phật để thờ.

Nhâm Thìn, năm Thiên Ứng chính bình thứ 1 (1232). (Tống, năm Thiệu Định thứ 5).

Tháng giêng, mùa xuân. Mới sắp xếp nghi lễ trong triều.

Phong cho em là Bà Liệt tước Hoài Đức vương.

Thượng hoàng lúc còn hàn vi, có lấy một người con gái ở thôn Bà Liệt, huyện Tây Chân, khi đã có thai thì bỏ, sau sinh con trai, Thượng hoàng không nhìn nhận gì đến. Người con trai ấy lúc lớn lên, mặt mũi khôi ngô, giỏi nghề võ, sung vào đội đánh vật. Một hôm, cùng với người trong đội đánh cầu, rồi lại cùng nhau đánh vật, người kia vật người con trai ấy ngã, chẹn lấy cổ, gần tắt thở. Thượng hoàng tự nhiên quát to lên rằng: "Nó là con ta đấy!". Anh kia sợ, buông ra, nhân thế gọi tên là Bà Liệt. Nay có lệnh phong tước cho.

Lời chua - Tây Chân: Từ đời Trần trở về trước là tên huyện; đến nhà Lê đổi là Nam Chân566 ; nay vẫn giữ tên ấy, thuộc phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định.

Bà Liệt: Tên thôn.

Tháng 2. Thi khoa Thái học sinh.

Trước kia, nhà Lý kén chọn học trò, chưa phân ra cấp bậc. Nay mới định người đỗ cao đỗ thấp theo cấp bậc tam giáp. Khoa ấy lấy Trương Hanh, Lưu Diễm đỗ đệ nhất giáp; Đặng Diễn, Trịnh Phẫu đỗ đệ nhị giáp; Trần Chu Phổ đỗ đệ tam giáp. Nhưng phép tuyển cử cũng chưa được tường tận.

Lời chua - Thái học sinh: Tức khoa Tiến sữ, nhưng lúc bấy giờ ai đỗ chỉ gọi là Thái học sinh, đến khoa Giáp Dần, Trần Duệ Tông năm Long Khánh thứ 2 (1374) mới gọi là Tiến sĩ.

Trương Hanh: Người ở Trường Tân thuộc Hồng Châu.

Chu Phổ: Người ở Tế Giang thuộc Bắc Giang. Còn các người khác không rõ ở đâu.

Tháng 4, mùa hạ. Ban chữ huý về tiên tổ nhà vua thờ ở các miếu cho trong kinh đô và ngoài các lộ đều biết.

Ông tổ nhà vua tên huý là Lý, vì thế đổi họ Lý làm họ Nguyễn, lại có ý dập tắt hẳng lòng dân còn tưởng nhớ đến họ Lý.

Tháng 8, mùa thu. Gió bão to. Dân gian phát sinh bệnh dịch.

Mùa đông. Giết hết tôn thất nhà Lý.

Thủ Độ đã giết vua Huệ Tông, bọn tôn thất nhà Lý nhiều người ấm ức thất vọng. Nay nhân lúc họ làm lễ tế tiên tổ ở thôn Thái Đường xã Hoa Lâm, Thủ Độ cho người ngầm đào cái hố sâu, dựng nhà lên trên, rồi giật máy cho nhà đổ, chôn sống hết tôn thất nhà Lý.

Lời phê - Thảm quá! Nhưng giết hết thế nào được? Nơi đồng ruộng cũng có anh hùng, cứ gì họ Lý? Lời chua - Hoa Lâm: Tên xã.

Thái Đường: Tên thôn, thuộc huyện Đông Ngàn, tỉnh Bắc Ninh; chỗ này là hành cung nhà Lý trước.

Quý Tị, năm thứ 2 (1233). (Tống, năm Thiệu Định thứ 6).

Sai Phùng Tá Chu xét định các hạng danh sắc ở Nghệ An.

Lời chua - Danh sắc: Các hạng người sắc mục.

Có thủy tai lớn.

Giáp Ngọ, năm thứ 3 (1234). (Tống, năm Đoan Bình thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Thượng hoàng mất.

Tháng 8, mùa thu. An táng ở Thọ Lăng.

Tôn thuỵ hiệu là Khai Vận lập cực hoằng nhân ứng đạo thuần chân chí đức thần vũ thánh văn thùy dụ chí hiếu Hoàng đế, miếu hiệu là Huy Tông, hưởng thọ 51 tuổi.

Lời chua - Thọ Lăng: Ở làng Tinh Cương, phủ Long Hưng.

Sách phong Thái uý là Liễu làm Hiển hoàng.

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Trần Thái Tông đối với anh là Liễu, có ý muốn tôn kính hơn người, nên làm sự quá đáng như vậy, sách phong làm Hiển hoàng, danh nghĩa không được chính đáng; sau này Trần Liễu manh tâm làm loạn, chả phải là do việc này gây ra đấy dư? Phong cho Phùng Tá Chu tước Hưng Nhân vương và bổ dụng Phạm Kính Ân làm Thái phó, phong tước là Bảo Trung hầu.

Triều nhà Lý, Tá Chu làm Thái phó, Kính Ân tước Quan nội hầu. Khi nhà vua được Chiêu hoàng truyền ngôi cho, hai người này có công suy tôn giúp đỡ, nên nay mới được phong tước. Sau này lại gia phong Tá Chu làm Đại vương, Kính Ân làm Thái uý và ban cho mũ áo Đại vương.

Ất Mùi, năm thứ 4 (1235). (Tống, năm Đoan Bình thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Sét đánh 30 chỗ ở trong kinh thành. Nhà vua hạ chiếu đại xá.

Bính Thân, năm thứ 5 (1236). (Tống, năm Đoan Bình thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân. Định quan hàm các bậc đại thần.

Phàm những người tôn thất vào làm quan trong chính phủ, hoặc là Thái sư, Thái phó, Thái bảo, Thái uý hoặc là Tư đồ, tả hữu Tướng quốc, đều được kiêm lĩnh hàm Kiểm hiệu Đặc tiến nghi đồng Tam ti Bình chương sự.

Lời cẩn án - Sách Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: Quan chế nhà Trần, đại yếu lấy tam công1, tam thiếu2 Thái uý, Tư mã Tư đồ và Tư không làm văn võ Đại thần; còn như Tể tướng thì gia phong tả hữu Tướng quốc Bình chương sự; Thứ tướng thì gia phong Tham tri chính sự nhập nội hành khiển, hoặc gia phong Tả phụ hữu bật tham dự triều chính. Về hàng quan văn ở kinh thì có: các viên chức sáu bộ, như: Thượng thư, Thị lang, Lang trung, Viên ngoại lang, Trung thư thị lang, Trung thư lệnh Thượng thư, Tả hữu bộc xạ hành khiển, Tả hữu ti lang trung, Tả hữu chính ngôn tham nghị, Ngự sử đài Thị ngự sử, Giám sát ngự sử, Chủ thư thị ngự sử, Ngự sử trung tán, Ngự sử trung tướng, Ngự sử đại phu, Thị kinh diên đại học sĩ, Thiên chương học sĩ, Nhập thị học sĩ, Trung thị đại phu, Trung lượng đại phu, Trừ cung giáo thụ, Thái sử lệnh, Đại tông chính, Đình uý, Tự khanh, Thiếu khanh, Kinh sư Đại doãn. Về quan chức ở ngoài thì có: An phủ sứ, Tri phủ, Thông phán, Thiêm phán, Tào vận, Lệnh uý, Chủ bạ, Tư xã và Chánh phó sứ Hà đê, Chánh phó sứ đồn điền ở các lộ. Hàng quan võ ở trong kinh thì có: Phiêu kỵ Thượng tướng quân, Cấm vệ Thượng tướng quân, Kim ngô vệ Đại tướng quân, Vũ vệ Đại tướng quân, Phó Đô tướng quân, Điện suý, Đô áp nha Quản quân tiết độ sứ, Đô thống chế. Chức quan võ ở ngoài các lộ thì có: Kinh lược sứ, Phòng ngự sứ, Thủ ngự sứ, Quan sát sứ và quan ở Phủ đô hộ, phủ Đô Thống, phủ Tổng Quản.

Nay xét: tên các quan chức triều Trần, so với triều Lý đầu có phần nhã nhặn hơn, nhưng chức việc nào theo cũ, chức việc nào đổi mới, phần nhiều không thể hiểu rõ. Nói chung, quan chức triều Trần, phức tạp không phân minh, chưa thể gọi là quan chế hoàn bị của một triều đại được. Tháng 6, mùa hạ. Nước to, chảy tràn vào cung Lệ Thiên. Hiểu hoàng Liễu bị giáng tước là Hoài vương.

Trần Liễu giữ công việc cung Thánh Từ, nhân nước to, đi thuyền vào chầu, khi thuyền qua cung Lệ Thiên, Liễu trông thấy cung phi triều Lý trước, ghé thuyền vào hãm hiếp. Triều thần hặc tấu, vì thế nên bị giáng truất.

Tháng 8, mùa thu. Tuyển nho sinh đã thi đỗ vào hầu vua.

Tháng 10, mùa đông. Bổ dụng Phạm Ứng Thần làm Thượng thư, kiêm giữ chức Đề điệu viện Quốc tử, cho con em các quan văn vào viện học.

Sứ nhà Tống sang phong vương.

Lời cẩn án - Sách Cương mục tục biên [Trung Quốc] chép: Năm ấy vua Tống sách phong nhà vua làm An Nam quốc vương, thế mà Sử cũ lại chép lầm việc này vào năm Kiến Trung thứ 5. Nay cải chính lại. Đinh Dậu, năm thứ 6 (1237). (Tống, năm Gia Hy thứ 1).

Tháng giêng, mùa xuân. Lập vợ Hoài vương là Lý thị làm Hoàng hậu, phế Chiêu Thánh hoàng hậu làm công chúa.

Lúc ấy Chiêu Thánh chưa có con, mà Lý thị đã có mang được 3 tháng. Thủ Độ cùng Thiên Cực công chúa bày mưu riêng với nhà vua nên nhận liều lấy để có lợi về sau, vì thế mới đem Lý thị vào ở cung. Trần Liễu tức giận, tụ tập nhiều người ở sông Cái, nổi loạn. Nhà vua lấy làm áy náy không yên lòng, đêm lẻn sang núi Yên Tử, vào ở nhà thờ Phật của Phù Vân Quốc sư. Ngày hôm sau, Thủ Độ đem bầy tôi đến đón xa giá về kinh. Nhà vua nói: "Trẫm hãy còn thơ ấu, chưa đảm đang được việc trọng đại, vua cha567 lại vội từ trần, thành ra trẫm sớm mất người nương tựa, không dám để nhơ nhuốc đến xã tắc568 ". Thủ Độ cố mời, nhưng vua vẫn chưa nhận lời. Thủ Độ ra bảo với mọi người rằng: "Xa giá vua ở đâu, tức là triều đình ở đấy". Nói rồi, liền cắm mốc chăng dây chia thành hàng ngũ ở trong núi, phỏng theo kích thước cung điện ở kinh thành, bắt thợ xây dựng. Quốc sư thấy thế, xin với nhà vua rằng: "Bệ hạ nên sớm quay loan giá về kinh thành, không nên để họ làm hại đến núi rừng của đệ tử này". Bấy giờ nhà vua mới trở về kinh thành. Trần Liễu ở ngoài biển được hai tuần569 , tự biết việc mình làm không thể thành công được, nhân khi nhà vua ra chơi thuyền ở ngoài sông, Liễu giả dạng làm người đánh cá, lẻn đi thuyền độc mộc đến thuyền nhà vua xin hàng, nhà vua cùng Liễu đối diện nhau mà khóc. Thủ Độ nghe tin, đến thẳng thuyền nhà vua, tuốt gươm quát lên rằng: "Giết thằng giặc là Liễu". Nhà vua thấy thế, vội vàng đẩy Trần Liễu ẩn vào trong thuyền rồi bảo Thủ Độ rằng: "Phụng Kiền vương570 đến xin đầu hàng đấy". Miệng nói, nhưng lấy mình che đỡ cho Trần Liễu. Thủ Độ giận lắm, vất gươm xuống sông, nói rằng: "Tao thật là con chó săn, biết đâu anh em mày hòa thuận với nhau hay trái ý nhau". Nhà vua đứng ra hòa giải, dụ dỗ Trần Liễu phải bãi binh, rồi lấy đất An Phụ, An Dưỡng, An Sinh và An Bang ban cho Liễu để thu lấy tô thuế làm bổng lộc, lại nhân tên đất đã phong ấy cho Trần Liễu hiệu là An Sinh vương, còn những người theo Trần Liễu khởi loạn ở sông Cái đều bị giết.

Lời phê - Phong hóa nhà Trần không nghiêm chỉnh, lại tệ hơn phong hóa nhà Đường5 ở Trung Quốc. Nhưng bấy giờ Thái Tông hãy còn thơ ấu, mà Thủ Độ là người

rất ngoan cố, phàm việc gì cũng do hắn chỉ sử, Thái Tông không theo cũng không được. Thế mà sử thần cứ chỉ trích riêng Thái Tông, như thế chưa phải là lời phê công bằng. Vả lại, lúc mới khai quốc, vua còn thơ ấu, lòng người còn nghi ngờ, Thủ Độ lại vốn là người không biết chữ, thế mà một mình kinh doanh, dựng lên được nghiệp lớn, thì thực là cương quyết, hiểm giảo, xưa nay ít có mấy người. Có lẽ vì lòng trời giúp ngầm nhà Trần mà được như thế chăng? Lời bàn của Phan Phu Tiên - Tam cương1 ngũ thường2, đó là luân lý trọng đại của loài người. Thái Tông là vua sáng nghiệp, đáng nên lập ra phép tốt để cho đời sau theo, thế mà lại nghe mưu gian tà của Thủ Độ, cướp vợ anh làm vợ mình, như thế chả phải tự mình làm trái luân thường để mở đầu cái mối dâm loạn đấy ư? Trần Liễu khởi loạn, chính là do Thái Tông gây nên. Có người nói: "Thái Tông không giết anh, thế là người có nhân". Thử hỏi cướp lấy chị dâu mà không giết anh, như thế có thể bảo là nhân được không? Suốt đời nhà Trần, quen thói dâm loạn chung chạ lẫn nhau, không phải là không do Thái Tông đã làm đầu têu từ trước. Lời chua - Núi Yên Tử: Ở huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương; trên núi có ngọn Tử Tiêu và am Ngoạ Vân, tương truyền vì trước kia ông Yên Kỳ tu luyện ở đâu, nên gọi là Yên Tử.

An Phụ, An Dưỡng, An Sinh: Ba xã này đều thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương.

An Bang: Tên trại xưa, bây giờ thuộc huyện An Hưng, tỉnh Quảng Yên.

Phù Vân Quốc sư: Bạn cũ của Thái Tông, họ tên không rõ.

Bầy tôi dâng tôn hiệu lên nhà vua.

Bầy tôi xin dâng tôn hiệu là: Thống thiên ngự cực long công hậu đức hiển hòa hựu thuận thánh văn thần vũ Hiếu nguyên hoàng đế. Lời xin ấy được vua chuẩn y.

Mậu Tuất, năm thứ 7 (1238). (Tống, năm Gia Hy thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Sai Trần Thủ Độ lại xét định trướng tịch ở Thanh Hóa.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Năm Kiến Trung thứ 4 (1228) đã xét định trướng tịch Thanh Hóa, đến nay lại giao việc ấy cho Thủ Độ đứng làm, ngoài ra chỉ có một lần sai Tá Chu duyệt các danh sắc ở Nghệ An, còn sổ dân đinh các lộ khác đến năm [Thiên Ứng Chính bình] thứ 12 (1243) mới làm. Việc làm trướng tịch, duy có Thanh Hóa là làm trước và tường tận hơn, lại giao việc ấy cho viên quan thân tín trông coi. Như thế, có lẽ vì cuối triều Lý, việc sắp xếp trướng tịch ở Thanh, Nghệ hãy còn sơ lược, đến nay mới một phen sắp xếp lại, nên không thể không làm cẩn thận như thế chăng? Tháng 7, mùa thu. Có thuỷ tai lớn.

Tháng 8. Định quy chế dùng thuyền và xe cho vương hầu tôn thất và các hàng quan văn quan võ.

Kỷ Hợi, năm thứ 8 (1239). (Tống, năm Gia Hy thứ 3).

Tháng giêng, mùa xuân. Dựng cung điện ở làng Tức Mặc.

Đường Thái Tông mất, con là Trị lên nối ngôi, tức Đường Cao Tông, lại lấy Tài Nhân của Thái Tông là Vũ Chiếu, rồi lập làm Hoàng hậu, tức là Vũ Tắc Thiên.

Dương Thái Chân là vợ Thọ vương, con trai Đường Huyền Tông, Huyền Tông đem vào trong cung rồi lập làm quý phi.

Nhà vua nghĩ Tức Mặc là nơi làng cũ của mình, nên hạ lệnh cho Phùng Tá Chu làm quan Nhập nội thái phó, dựng hành cung ở đấy để thời thường đến chơi thăm.

Tháng 3. Tuyển lính.

Tuyển dân đinh người nào khoẻ mạnh làm lính, định làm ba hạng: thượng, trung và hạ.

Canh Tý, năm thứ 9 (1240). (Tống, năm Gia Hy thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Dựng hành cung571 ở Thanh Hóa.

Việc này giao cho Phùng Tá Chu đứng làm. Xây dựng tất cả năm sở.

Tháng 7, mùa thu. Mưa to, gió lớn; nước tràn lên cao; đất động.

Tháng 9. Lập con là Hoảng lên làm Thái tử. Đại xá.

Lúc Lý thị572 có thai, nhà vua đem vào cung nhận làm vợ, sinh con là Quốc Khang, phong cho tước vương. Đến nay, lại sinh con là Hoảng, mới lập làm Hoàng thái tử.

Tháng 10, mùa đông. Sai thị thần là Bùi Khâm chỉnh lý công việc biên thùy ở mặt bắc.

Viên thủ thần ở Lạng Giang chạy trạm về triều tâu rằng: bản bộ của viên ấy bị người Thổ Mán nhà Tống sang cướp bóc của cải ở dân gian. Vì thế, nhà vua sai Bùi Khâm đi trù liệu sắp xếp việc này.

Lời chua - Lạng Giang: Tức Lạng Sơn bây giờ. Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 31).

Tân Sửu, năm thứ 10 (1241). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 1).

Tháng 3, mùa xuân. Tuyển người có sức khỏe, am hiểu võ nghệ, bổ sung vào quân túc vệ573 .

Tháng 4, mùa hạ. Đại hạn; núi sụt; đất nứt ra. Tháng 8, mùa thu. Có thủy tai lớn.

Núi ở các lộ sụt xuống; đất liền ở phường Thịnh Quang ngoài kinh thành bị rạn tách ra.

Tháng 10, mùa đông. Người Thổ, Mán nhà Tống sang cướp ở biên giới. Nhà vua hạ lệnh cho viên Đốc tướng là Phạm Kính Ân đem quân đi đánh tan được.

Nhà vua đi tuần ngoài biên thùy, nhân tiện đi luôn vào đất nhà Tống.

Nhà vua thân đem quân chèo thuyền từ trại Vĩnh Bình qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, rồi cắm thuyền lại ở trong cõi đất ấy, chỉ đi bằng mấy chiếc thuyền Kim Phụng, Nhật Quang và Nguyệt Quang. Ban đầu, người ở châu ấy không biết tình hình thế nào, đều sợ chạy cả; lúc biết ra, họ mới giăng xích sắt ở giữa sông để ngăn cản đường thuỷ. Nhà vua sai nhổ lấy vài mươi chiếc neo bằng sắt đem về.

Lời phê - Việc này là việc làm nguy hiểm cầu may, không theo đạo điển thường như cổ nhân đã nói "thánh chúa bất thừa nguy574 ". Lời chua - Vĩnh Bình: Tên trại, thuộc châu Liêm.

Khâm: Tên châu, xem Lê Đại Hành, năm Ứng Thiên thứ 10 (Chb. I, 36).

Liêm: Tên châu, tức là Thái Bình quân. Xem Lê Đại Hành, năm Hưng Thống thứ 2 (Chb. I, 25).

Nhâm Dần, năm thứ 11 (1242). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 2).

Tháng 2, mùa xuân. Chia trong nước làm mười hai lộ.

Các lộ đều đặt hai viên An phủ sứ, chánh và phó, để giữ việc cai trị. Ở xã và sách, thì đặt chức đại tiểu tư xã: ngũ phẩm trở lên làm quan đại tư xã, lục phẩm trở xuống làm quan tiểu tư xã, hoặc có người kiêm hai ba bốn xã. Lại đặt chức Xã chính, Sử giám gọi là xã quan. Làm sổ kê hết số hộ khẩu: con trai, người lớn tuổi là đại hoàng nam; người nhỏ tuổi là tiểu hoàng nam, người 60 tuổi là hạng lão; già hơn nữa là long lão575 .

Về thuế: nhân đinh, ai có ruộng đất thì phải nộp tiền, thóc: một mẫu hoặc hai mẫu nộp một quan tiền, ba mẫu hay bốn mẫu nộp 2 quan, năm mẫu trở lên nộp 3 quan. Thuế ruộng: cứ mỗi mẫu nộp 100 thăng lúa, ai không có ruộng đất thì được miễn cả.

Lời cẩn án - Sách An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng nhà Minh chép: Ruộng công điền nhà Trần có hai hạng; mỗi hạng chia ra làm ba đẳng: 1) Ruộng quốc khố: nhất đẳng, mỗi mẫu thu sáu thạch và tám mươi thăng thóc; nhị đẳng, mỗi mẫu thu bốn thạch thóc; tam đẳng, thu mỗi mẫu ba thạch thóc. 2) Ruộng thác đao: nhất đẳng, mỗi mẫu thu một thạch thóc; nhị đẳng, ba mẫu thu một thạch thóc; tam đẳng, bốn mẫu thu một thạch thóc. Còn như ruộng, ao của dân thì cứ mỗi mẫu thu ba thăng thóc. Ruộng muối thu bằng tiền. Lại tham khảo lời chua tập thơ An Nam tức sự của Trần Cương Trung nhà Nguyên: Chế độ nhà Trần, các thứ cây như cây cau và gỗ an tức chịu thuế rất nặng; vàng bạc ở dân gian dầu có từng phân, từng lạng cũng phải đem nộp vào quan, nếu người nào sử dụng riêng sẽ phải tội tử hình; đến như các loài cá, tôm, rau, quả, ... cũng phải nộp thuế. Cứ theo như lời chép trong hai sách đã dẫn ở trên, thì phép đánh thuế của nhà Trần thực là quá nặng. Nhưng đây cũng chỉ biết đại lược mà thôi, còn chi tiết rõ ràng thế nào, thì không thể khảo cứu được. Lời chua - Mười hai lộ: Sử cũ không chép rõ, nhưng căn cứ những tài liệu ghi chép từ trước, thì thấy các lộ sau này: Thiên Trường, Long Hưng, Quốc Oai, Bắc Giang, Hải Đông, Trường Yên, Kiến Xương, Hồng, Khoái, Thanh Hóa, Hoàng Giang, Diễn Châu. Lại có phủ, châu, trấn như Tân Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Lạng Giang. Có lẽ quy chế nhà Trần, những phủ, châu, trấn thì thống thuộc cả vào lộ.

Hoàng nam: 18 tuổi là tiểu hoàng nam, 20 tuổi là đại hoàng nam.

Ruộng thác đao: Đời Lý, Thái Tông đi đánh Chiêm Thành, Lê Phụng Hiểu làm tiên phong, phá tan được quân giặc, tiếng vang cả phiên quốc576 . Khi khải hoàn, nhà vua xét thưởng cho người có công đánh giặc. Phụng Hiểu nói: Không muốn thưởng quan tước, chỉ xin đứng trên núi Băng Sơn ném thanh kiếm đeo trong mình, rồi xét xem hễ thanh kiếm ấy rơi xuống địa phận nào, thì xin cho địa phận ấy để làm biệt nghiệp577 . Lý Thái Tông nhận lời. Phụng Hiểu lên núi, ném một cái, thanh kiếm đi được hơn mười dặm, rơi xuống địa phận làng Đa My. Lý Thái Tông liền đem đất làng Đa My ban cho Phụng Hiểu, tha thuế thóc ruộng thác đao. Vì thế, nên ở Ái Châu, ruộng thưởng công có tên là "thác đao".

Xã, sách: Cũng như xã, thôn.

Lời phê578 - Nói rất mơ hồ. Tháng 4, mùa hạ. Sai Thân vệ Tướng quân Trần Khuê Kính đem quân trấn giữ biên giới phía bắc.

Khi ấy, nước Mông Cổ lấy được Vân Nam, quân của Mông Cổ đi tuần hành đến châu Ung, châu Quảng nhà Tống, thành ra nơi quan ải bị nghẽn đường. Sứ bộ nhà Trần phái sang bên Tống, được đi độ bốn người, chỉ được đem giấy tờ đi theo, còn lễ cống thì niêm phong lại đưa đến biên giới, do quan địa phương chuyển đệ về triều, nhưng cũng không lần nào đệ về được đầy đủ. Vì thế, nhà vua sai Khuê Kình đem quân đi trấn ngự, đánh chiếm đất Bằng Tường, để lấy đường thông sang nhà Tống.

Lời chua - Ung Châu: Xem Đinh Đế Toàn, năm Thái Bình thứ 2 (Chb. I, 14).

Quảng Châu: Xem thuộc Lương, năm Đại Đồng thứ 7 (Tb. VI, 2).

Châu Bằng Tường: Thuộc phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây nhà Thanh.

Đại hạn từ tháng 5 đến tháng 6. Nhà vua hạ lệnh xét lại tội trạng những tù nhân đương bị giam, và đại xá cho thiên hạ. Tháng 7. Mưa. Hạ chiếu xá cho trong nước một nửa thuế ruộng.

Ngày mồng một, tháng 9. Nhật thực.

Quý Mão, năm thứ 12 (1243). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 3).

Tháng giêng, mùa xuân. Hạ lệnh cho các lộ làm sổ dân đinh.

Tháng 2. Xây thành Long Phụng; sửa lại Quốc Tử Giám.

Lời chua - Thành Long Phụng: Ở trong thành Thăng Long.

Quốc Tử Giám: Dựng đời Lý Nhân Tông.

Tháng 6, mùa hạ. Sai Viên ngoại lang là Trương Thất xét xử phán đoán các việc hình ngục ở phủ Đô Vệ.

Tháng 8, mùa thu. Nước to, chảy tràn vào kinh thành.

Giáp Thìn, năm thứ 13 (1244). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 4).

Tháng giêng, mùa xuân. Bổ quan văn đi cai trị các lộ và phủ.

Nhà vua hạ lệnh cho quan văn chia nhau đi cai trị 12 lộ. Ở lộ có chức Thông phán, ở phủ có chức Tri phủ; ở châu có chức Tào vận sứ, giữ việc vận tải.

Định hình luật.

Lời cẩn án - Sách Lịch triều hiến chương của Phan Huy Chú chép: Hình pháp nhà Trần, điều mục danh lệ thế nào nay không thể biết rõ được. Theo Trần Cương Trung nhà Nguyên, hình pháp nhà Trần rất thảm khốc, kẻ trộm và người trốn tránh đều phải chặt ngón chân hay là cho voi giày chết. Xét ra nhà Trần được nước là do cướp ngôi vua nhà Lý, về hình pháp không lập ra kỷ cương phép tắc gì, chỉ tùy ý mình mà buộc tội nặng nhẹ; hình phạt thảm khốc đến thế là cùng! Tháng 3. Ban cho Phùng Tá Thang chức Tả giai579 Đạo lục580 , được tước là Tản lang581 .

Phàm các vương hầu được vua ban cho quan hàm về tăng đạo đều gọi là Tả giai. Chức này tuy không được liệt vào hàng quan trong triều, nhưng đối với tăng đạo thì là phẩm trật cao nhất. Nếu không phải là người thông thuộc đạo giáo của tông phái mình thì không được dự. Nay nhà vua đem chức ấy ban cho Tá Thang, là đãi ngộ một cách đặc biệt.

Lời chua - Tá Thang: Là thân phụ Tá Chu.

Tháng 10, mùa đông. Định lương bổng cho các quan.

Trước đây đã định thể lệ lương bổng cho các quan văn quan võ trong kinh sư, ngoài phiên trấn và các quan coi cung điện, lăng miếu. Lương bổng ấy lấy vào tiền thuế và theo thứ tự cấp phát. Đến nay, định lại ngạch lương bổng có người hơn người kém khác nhau.

Ất Tị, năm thứ 14 (1245). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 5). Tháng 7, mùa thu. Nước lên to, vỡ đê Long Đàm.

Lời chua - Long Đàm: Tên huyện về đời nhà Trần; thuộc Minh đổi là Thanh Đàm; đời Lê đổi là Thanh Trì; rồi lại đổi chữ "thanh" (trong) làm chữ "thanh" (xanh); bây giờ cũng theo như trước, thuộc tỉnh Hà Nội582 .

Tháng 12, mùa đông. Mưa to, gió lớn luôn ba ngày; nước sông lên to.

Bính Ngọ, năm thứ 15 (1246). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 6).

Tháng 2, mùa xuân. Định danh hiệu quân đội.

Tuyển lấy những người khoẻ mạnh sung vào quân Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Lộ Thiên Trường và lộ Long Hưng, hiệu quân là Thiên Thuộc, Thiên Cương, Chương Thánh và Củng Thần; Hồng Lộ và Khoái Lộ, hiệu quân là Tả Thánh Dực và Hữu Thánh Dực; lộ Trường An và lộ Kiến Xương, hiệu quân là Thánh Dực và Thần Sách. Còn các quân lính khác thì sung vào cấm quân ở trong cấm vệ. Hạng thứ ba là đoàn đội chèo thuyền.

Lời cẩn án - Sách Lịch triều Hiến chương của Phan Huy Chú chép: Số quân triều nhà Trần lúc trước, mỗi đội quân hai ngàn bốn trăm người, quân ở trong Cấm vệ và quân ở đơn vị thuộc các lộ không đầy mười vạn người. Nay xét: về khoảng niên hiệu Thiệu Bảo đời Trần Nhân Tông (1279-1284), lúc quân nhà Nguyên sang xâm lấn, các vương đem quân hội họp đến hai mươi vạn. Có lẽ vì chế độ nhà Trần, các tước vương cũng được chiêu mộ dân tráng làm lính. Nhưng số quân điều động lúc ấy cũng chỉ mới có mấy lộ về mặt đông nam, còn từ Thanh Hóa trở vào nam chưa hề trưng triệu xuất phát. Đến năm Long Khánh thứ 2 (1374) đời Trần Duệ Tông mới biên định danh hiệu cho quân ngũ2. Như vậy thì lúc bấy giờ thế quân cường thịnh cũng có thể biết được đại khái. Đại để khi trong nước không có việc, thì cho quân lính về làm ruộng; khi có việc chinh chiến, thì hết thảy mọi người dân đều là quân lính. Danh hiệu quân lính nhà Trần sau này cũng thường có thay đổ, nhưng số quân nhiều hay ít, chế độ quân đội theo cũ hay đổi mới, không thể khảo cứu cho tường tận được. Lời chua - Tứ thiên, Tứ thánh, Tứ thần: Đều là tên quân túc vệ, tức là hiệu quân Thiên thuộc, Thánh dực và Thần sách. Nhà Trần khởi lên từ lộ Thiên Trường, cho nên lấy quân ở bản lộ của mình và những lộ phụ cận đấy làm quân cấm vệ. Chữ "tứ" (bốn) có lẽ là do sự chia mỗi hiệu quân ra làm bốn vệ, nhưng Sử cũ chép không rõ.

Thiên Trường: Nguyên là địa phận làng Tức Mặc, vì chỗ đất ấy là cố hương của nhà Trần, nên đổi làm phủ Thiên Trường, rồi lại dùng hai chữ "Thiên Trường" đứng đầu

lộ ấy gọi là Thiên Trường lộ; đến nhà Lê gọi là phủ; nay theo tên gọi của nhà Lê, thuộc tỉnh Nam Định583 .

Long Hưng: Trước là địa phận làng Đa Cương, mộ tổ nhà Trần táng ở đấy, vì thế mới đổi là phủ Long Hưng; đời nhuận Hồ584 đổi là Tân Hưng; nhà Lê đổi là Tiên Hưng; bây giờ cũng theo gọi như trước, thuộc tỉnh Hưng Yên585 .

Hồng Lộ: Tức Hồng Châu. Xem thuộc Đường, Chiêu Tuyên đế, năm Thiên Hựu thứ 3 (Tb. V, 14).

Trường An: Xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 1 (Chb. II, 11).

Kiến Xương: Chưa rõ đặt ra từ đời nào. Nhà Trần gọi là lộ; đời nhuận Hồ đổi làm phủ Kiến Ninh; nhà Lê lại gọi là phủ Kiến Xương; bây giờ cũng theo tên gọi trước; thuộc tỉnh Nam Định586 .

Khoái Lộ587 : Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long ứng thứ 4 (Chb. V, 32). Tên Khoái Lộ588 mới đặt ra từ năm Trùng Hưng thứ 5 đời Trần Nhân Tông (xem Chb. VIII, 12- 13), tên Thiên Trường mới đặt từ năm Thiệu Long thứ 5 đời Trần Thánh Tông (xem Chb. VII, 4), thế mà ở đây Sử cũ đã chép theo tên mới đặt sau, như thế là lầm.

Tháng 3. Xét lý lịch quan văn, quan võ trong triều và ngoài các lộ.

Bấy giờ trong nước thái bình vô sự, nhân dân yên vui. Người làm quan chức nào cứ giữ mãi chức ấy. Theo thể lệ, cứ mười lăm năm mới xét lý lịch một lần: ai làm việc mười năm sẽ được thăng tước một cấp; làm việc mười lăm năm sẽ được thăng chức một bậc. Chức quan nào khuyết, thì đem người chánh kiêm làm công việc người phó; nếu chánh phó đều khuyết, thì đem viên quan ở ngạch khác kiêm quản sang, đợi khi nào xét thấy đủ niên hạn mới thực bổ đúng với chức vụ của mình. Ai làm quan ở quán, ở các thì mười năm sẽ được thăng hoặc thuyên chuyển; ai làm quan ở sảnh, ở cụng thì mười lăm năm sẽ được thăng hoặc thuyên chuyển. Còn về chức tể tướng thì chọn những người trong họ tôn thất lấy người nào hiền tài, có đức hạnh, biết lục nghệ589 và thông hiểu kinh Thi, kinh Thư để bổ dụng.

Lời phê - Nói quá đáng, không đủ tin590 Vả lại, định niên hạn quá lâu591 như thế không khỏi làm cho người ta phàn nàn về việc phải chìm đắm mãi ở chức dưới. Lời chua - Quán, các: Lịch Triều hiến chương của Phan Huy Chú chua rằng "như sáu bộ và phủ tôn chính". Nhưng lời chua ấy chưa lấy gì làm chính xác.

Sảnh: Như Thượng thư môn hạ sảnh.

Cục: Như Nội thư Hỏa cục và Chi hậu cục.

Tháng 7, mùa thu. Mới định niên hạn thi đại tị583 .

Bấy giờ thi đại tị chưa định niên hạn, nay chuẩn định 7 năm một lần thi. Việc định niên hạn về khoa thi bắt đầu từ đấy.

Đinh Mùi, năm thứ 16 (1247). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 7).

Tháng 2, mùa xuân. Thi Thái học sinh.

Trước đây, thi lấy học trò đỗ, chỉ chia ra hạng giáp, hạng ất để phân biệt người đỗ cao, đỗ thấp. Nay mới đặt ra tam khôi593 , lấy Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên, Lê Văn Hưu đỗ Bảng nhỡn, Đặng Ma La đỗ Thám hoa. Còn 48 người đỗ Thái học sinh đều được xuất thân594 theo thứ tự trên dưới khác nhau.

Lời chua - Nguyễn Hiền: Người ở Thượng Hiền, lộ Thiên Trường.

Lê Văn Hưu595 : Người Đông Sơn, Thanh Hóa.

Đặng Ma La: Người ở Chương Đức596 thuộc Sơn Nam.

Tháng 4, mùa hạ. Động đất.

Tháng 8, mùa thu. Thi tam giáo.

Trước đây, những nhà theo Nho giáo, Thích giáo, Đạo giáo mà có con nối được nghiệp nhà đều cho vào thi. Nay lại thi những người thông hiểu cả các khoa về ba tôn giáo. Khoa thi này cũng định ra bậc "giáp" và bậc "ất" để phân biệt người đỗ cao, đỗ thấp. Năm ấy, lấy Ngô Tần đỗ giáp khoa; Đào Diễn, Hoàng Hoan, Vũ Vị Phủ đỗ ất khoa.

Lời chua - Ngô Tần: Người ở Trà Lộ.

Đào Diễn, Hoàng Hoan: Người ở Thanh Hóa.

Vũ Vị Phủ: Người ở Hồng Châu.

Mậu Thân, năm thứ 17 (1248). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 8).

Tháng giêng, mùa xuân. Truy tôn miếu hiệu597 Huy Tông598 làm Thái tổ, đổi Thọ Lăng làm Huy Lăng.

Lời phê - Truy tôn không xứng đáng, dầu có cũng như không. Tháng 3. Bắt đầu đắp đê Đỉnh Nhĩ599 .

Nhà vua hạ lệnh cho các lộ đắp đê tự đầu nguồn đến bãi biển, để đề phòng nước sông lên to, gọi là đê Đỉnh Nhĩ; đặt chức Hà đê chánh sứ và phó sứ để trông coi đốc thúc việc đắp đê. Nếu có chỗ nào đắp vào ruộng đất của dân, sẽ tính trả tiền lại. Việc đắp đê Đỉnh Nhĩ bắt đầu từ đây.

Lời phê - Một lần thất sách, để tai hại về sau không biết chừng nào! Tháng 4, mùa hạ. Dựng cầu Lâm Ba.

Dựng cầu ở chùa Chân Giáo. Cầu bắc qua ao Ngoạn Thiềm đến cung Cảnh Linh và quán Thái Thanh, gọi là cầu Lâm Ba.

Tháng 6. Hoàng hậu Lý thị mất, truy tôn là Hiển Từ Hoàng Thái hậu.

Lời bàn của Nguyễn Nghiễm - Hoàng hậu Lý Thị nguyên là vợ An Sinh vương Liễu, Thái Tông nhân khi Lý thị đã có thai, cướp lấy làm vợ mình, như thế đã thương luân bội lý lắm rồi, lúc mất lại tôn là Thái hậu, thì còn có nghĩa lý gì? Có lẽ sau này Thái Tông lên nối ngôi vua, mới truy tôn Lý Thị là mẹ đẻ của mình600 mà nhà làm sử đem chép lầm ở đây, cũng chưa biết chừng. Nếu không thế thì cướp chị dâu làm vợ, tôn vợ lên như mẹ, lại còn có nhân đạo gì nữa dư? Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Cả một đời nhà Trần vẫn gọi là đời không có nghi lễ. Việc truy tôn Lý hậu làm Hoàng Thái hậu dễ thường cũng có; hành động sai lầm như vậy, thật đáng chê cười! Sai thuật sĩ601 đi trấn yểm các núi sông.

Thủ Độ sai những người tinh nghề phong thủy602 xem xét núi sông khắp trong nước, hễ thấy chỗ nào có vượng khí603 , như núi Chiêu Bạc, sông Bà và sông Lễ ở Thanh Hóa đều bị đục phá, lại lấp các khê cừ, mở ra đường ngang, đường dọc không biết bao nhiêu mà kể.

Lời phê - Trần Thái Tông làm việc này, cũng một lối như Thủy Hoàng nhà Tần604 đã làm ở Trung Quốc, đều do từ chỗ không có học vấn, nên hành động không có trí thuật gì cả. Lời chua - Thanh Hóa: Xem Lê Thánh Tông, năm Quang Thuận thứ 10 (Chb. XXI, 20).

Núi Chiêu Bạc: Không rõ ở đâu, có lẽ là núi Chiếu Bạch ở huyện Nga Sơn.

Sông Bà Mã605 : Ở huyện Đông Sơn.

Sông Lễ606 : Tên riêng của sông Mã, phát nguyên từ nước Lão Qua607 , hạ lưu hợp với sông Lương, rồi chảy ra biển.

Kỷ Dậu, năm thứ 18 (1249). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 9).

Tháng giêng, mùa xuân. Sửa lại chùa Diên Hựu; nhà vua hạ chiếu đại xá.

Chùa này làm từ đời Lý Thái Tông cốt để cầu phúc, nên gọi là Diên Hựu600 , nay sửa chữa lại.

Ngày mồng một, tháng 4, mùa hạ. Nhật thực.

Tháng 7, mùa thu. Mưa đá dữ dội.

Canh Tuất, năm thứ 19 (1250). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 10).

Tháng 3, mùa xuân. Động đất.

Vì có nạn động đất, nên hạ chiếu cho thiên hạ gọi vua là "quốc gia"; đổi phủ Đô Vệ làm ba ty viện Phụng Tuyên, Thanh Túc và Hiến Chính, cho Lê Phụ Trần giữ việc trong các viện ấy. Lại hạ chiếu phàm những việc kiện tụng đã thành án rồi, thì cùng với quan trong viện Thẩm hình hội đồng với nhau để định tội.

Lời chua - Phủ Đô Vệ: Tức phủ Độ hộ triều nhà Lý, phủ này giữ việc xét đoán kiện tụng, trước đây đã uỷ cho Trương Thất giữ việc này609 .

Lê Phụ Trần: Tên cũ là Lê Tần, người ở Ái Châu.

Tân Hợi, năm Nguyên Phong thứ 1 (1251). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 11).

Tháng 2, mùa xuân. Ban bố bài minh610 cho các Hoàng tử.

Nhà vua tự tay viết bài minh ban cho các Hoàng tử, dạy những điều trung, hiếu, hòa, tốn, ôn, lương, cung, kiệm611 .

Đem Thiên Thành công chúa gả cho Trung Thành vương. Sau công chúa lại về với Quốc Tuấn.

Đã hứa gả công chúa cho Trung Thành vương, định đến ngày rằm tháng này (tức tháng 2) làm lễ "hợp kết", nhà vua nhân việc này mở hội bảy ngày đêm, bày các đồ quý báu và nhiều trò chơi vui để cho trong triều đình, ngoài dân gian được chơi xem. Trước ngày cưới, nhà vua cho công chúa sang ở nhà của Nhân Đạo vương; đương đêm, Quốc Tuấn lẻn vào tư thông với công chúa. Thụy Bà biết tin, liền gọi cửa cáo cấp; nhà vua hỏi, Thụy Bà nói rằng: "Không ngờ Quốc Tuấn là người càn dỡ, đương đêm lẻn vào chỗ ở của Thiên Thành công chúa, nên Nhân Đạo vương đã bắt được giữ lại rồi". Nhà vua sai ngay người hầu cận đến nhà tư Nhân Đạo vương, thì không nghe được tin tức gì cả; họ liền vào chỗ công chúa ở, thì thấy Quốc Tuấn ở đấy. Lúc bấy giờ Nhân Đạo vương mới biết chuyện ấy. Đến ngày hôm sau, Thụy Bà dâng mười mâm vàng sống và nói rằng: "Vội vàng không kịp sửa lễ". Nhà vua bất đắc dĩ đem Thiên Thành công chúa gả cho Quốc Tuấn, rồi cho Trung Thành vương hai ngàn khoảnh (?) ruộng.

Lời phê - Trần Quốc Tuấn là người văn võ toàn tài, đủ cả trung lẫn hiếu, duy phải một vết xấu này, nên không được là người hoàn toàn. Có lẽ cái thói chung chạ của nhà Trần đã ăn sâu vào đầu óc người ta, đến nỗi họ cho việc ấy là tự nhiên không có gì là quái lạ. Lời chua - Thiên Thành612 : Con gái Thượng hoàng613 .

Quốc Tuấn614 : Con An Sinh vương Liễu608 .

Thụy Bà616 : Chị Thiên Thành và là mẹ nuôi Quốc Tuấn.

Trung Thành: Con của Nhân Đạo là thân vương nhà Trần, nhưng không rõ danh hiệu và thế thứ như thế nào.

Hợp kết: Búi tóc. Theo sách Đông Kinh mộng hoa lục , phàm làm lễ cưới, sau khi vợ chồng đã giao bái rồi, để xoã riêng một ít tóc không búi lại, lúc ấy hai họ đều đưa ra những đồ vóc, lụa, trâm cài tóc và lược chải đầu, gọi là "hợp kết".

Ban yến cho bầy tôi ở trong nội điện.

Bầy tôi vào hầu vua ăn yến, khi uống rượu say rồi, đều đứng dậy dắt tay nhau mà hát, Ngự sử trung tướng là Trần Chu Phổ cũng theo người ta dắt tay để hát, nhưng chỉ nói câu "sử quán hát" thế thôi. Về việc yến tiệc, sau lại bày trò có người đội mo nang, cầm dùi đục, đứng chỉ huy hiệu lệnh uống rượu nữa.

Tháng 4, mùa hạ. An Sinh vương Liễu mất.

Nhâm Tí, năm thứ 2 (1252). (Tống, năm Thuần Hựu thứ 12).

Tháng giêng, mùa xuân. Nhà vua tự làm tướng đi đánh Chiêm Thành. Tháng 12, mùa đông. Chấn chỉnh đội ngũ trở về nước.

Từ khi họ Lý suy yếu, nước Chiêm Thành thường dùng những chiếc thuyền nhỏ sang cướp bóc dân ở ven biển. Khi nhà vua lên ngôi, sai sứ sang dụ, Chiêm Thành dẫu thường vào cống, nhưng vẫn đòi lại đất cũ617 , lại có ý dòm dỏ nước ta. Nhà vua giận lắm, hạ lệnh cho Khâm Thiên vương là Nhật Hiệu giữ Kinh thành, rồi thân đem quân đi đánh, bắt được vợ vua nước ấy là Bố Gia La và những thần thiếp nhân dân đem về.

Quý Sửu, năm thứ 3 (1253). (Tống, năm Bảo Hựu thứ 1).

Tháng 4, mùa hạ. Bổ dụng Khâm Thiên đại vương Nhật Hiệu làm Thái uý.

Tháng 6. Lập viện Quốc học.

Khi viện Quốc học làm xong, nhà vua bắt đắp tượng Chu Công, Khổng Tử, Mạnh Tử và vẽ tượng bảy mươi hai người hiền618 để thờ.

Tháng 8, mùa thu. Lập nhà giảng vũ.

Tháng 9. Hạ chiếu cho học trò trong nước vào viện Quốc Tử để giảng luận nghĩa lý Ngũ Kinh619 và Tứ thư620 .

Giáp Dần, năm thứ 4 (1254). (Tống, năm Bảo Hựu thứ 2).

Tháng 5, mùa hạ. Định quy chế dùng kiệu, dùng ngựa và quân hầu cho họ tôn thất và các quan văn, quan võ.

Phép nhà Trần, từ họ tôn thất đến quan ngũ phẩm đều được dùng kiệu, ngựa và võng (chỉ nha): Họ tôn thất thì kiệu hình đầu chim phượng, sơn son; quan tướng quốc thì kiệu hình chim anh vũ, sơn then, lọng dùng sắc tía hoặc sắc xanh, quân hầu nhiều nhất là ngàn người, ít nhất là trăm người.

Lời chua - Chỉ nha: Sách An nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng nhà Minh chép là "để nha" (cái võng). Cách thức chế cái võng này như sau: dùng một bức vải dài treo lên hai đầu cái đòn gỗ cong, nhưng treo cho bức vải và đòn gỗ hơi gần với nhau, trên đòn che một cái chiếu lớn; người sang trọng ngồi bên trong, hai người khiêng hai đầu võng mà đi. Cái cáng bây giờ là hình dáng cái võng ngày trước còn sót lại.

Tháng 6. Bán ruộng công cho dân.

Cứ mỗi diện ruộng, cho phép dân được bỏ ra 5 quan tiền, mua làm ruộng tư.

Lời chua - Diện: Thời sau này gọi là mẫu.

Tháng 10, mùa đông. Nhà vua bắt Phạm Ứng Mộng tự thiến mình để vào hầu trong cung cấm.

Nhà vua chiêm bao thấy mình đi chơi, gặp thần nhân trỏ vào một người mà bảo vua rằng: "Người này có thể làm hành khiển được". Lúc tỉnh dậy, nhà vua ghi lấy việc ấy. Một hôm, sau khi tan chầu rồi, vua ra chơi ngoài thành, thấy một người con trai đi từ phía nam lại, trông hệt như người mà mình đã thấy trong lúc chiêm bao. Gọi lại hỏi, người ấy đối đáp cũng như những lời đã nói trong lúc chiêm bao. Ý nhà vua muốn cho làm Hành khiển, nhưng nghĩ khó khăn không biết làm thế nào cho hợp lệ, liền ban cho bốn trăm quan tiền để tự thiến mình, đặt tên cho là Ứng Mộng, sau thăng dần lên đến chức hành khiển. Việc này có lẽ bắt chước như việc dùng Lý Thường Kiệt, Lý Thường Hiến ở triều nhà Lý.

Lời phê - Huyền hoặc! Ví thế nào được như việc Thượng đế cho người hiền thần giúp việc ở đời nhà Ân621 Lời chua - Hành khiển: Chức Tể tướng thứ hai. Theo chế độ cũ, chỉ có trung quan622 mới được sung vào chức này.

Phạm Ứng Mộng: Người huyện Thanh Miện, thuộc Hồng châu623 .

Ất Mão, năm thứ 5 (1255). (Tống, năm Bảo Hựu thứ 3).

Tháng 2, mùa xuân. Sai Lưu Miễn đi bồi đắp đê ở sông thuộc lộ Thanh Hóa.

Tháng 4, mùa hạ. Đặt chức Hà đê sứ.

Các lộ có đê điều đều đặt hai chức chánh sứ và phó sứ, lấy các quan giữ chức nhàn tản sung bổ; hằng năm cứ khi nào làm ruộng xong, các viên ấy đốc quân đắp sườn đê và khơi các khe cừ, để đề phòng khi thủy tai hoặc đại hạn.

Tháng 8, mùa thu. Nước to, nhà vua ra chơi Hồ Tây.

Lời bàn của Nguyễn Nghiễm - Nước với đất bản chất đều thuộc về phần âm, nước lớn, đất động, đều là khí âm không điều hòa. Suốt đời Thái Tông, 6 lần nước to4, 3 lần động đất5, một lần đất nứt ra6, đó là bởi cái lỗi trên dưới loạn dâm làm cho khí dương mất tiết độ mà khí âm tự phóng túng, thế mà bấy giờ không hề thấy có làm việc gì tỏ ra sợ hãi, tự sửa lấy mình. Tai biến hiện ra luôn mà vẫn coi là việc thường, vua thì

nhân khi nước to mà ra chơi Hồ Tây, bầy tôi thì nhân khi nước to mà hiếp cung nữ1. Lấy tai biến làm vui, chỉ dâm dục cho thoả thích, chưa có bao giờ quá độ đến như thế! Lời chua - Hồ Tây: Một tên nữa là hồ Lãng Bạc. Xem thuộc Hán, Quang Vũ, năm Kiến Vũ thứ 18 (Tb. II, 11).

Bính Thìn, năm thứ 6 (1256). (Tống, năm Bảo Hựu thứ 4).

Tháng 2, mùa xuân. Thi Thái học sinh.

Trước kia, thi lấy sĩ tử, chỉ lấy đỗ có một Trạng nguyên, nay mới chia ra kinh và trại: Từ Thanh Hóa trở vào trong gọi là trại; từ Thanh Hóa trở ra ngoài gọi là kinh. Khoa thi này, lấy Trần Quốc Lặc đỗ kinh Trạng nguyên; Trương Xán đỗ trại Trạng nguyên, Chu Hinh đỗ bảng nhãn, Trần Uyên đỗ thám hoa; còn 43 người đỗ thái học sinh, đều được xuất thân625 tùy theo cấp bậc cao thấp khác nhau.

Lời chua - Quốc Lặc: Người huyện Thanh Lâm thuộc Hồng Châu626 .

Trương Xán: Người ở Hoành Sơn thuộc Bố Chính.

Chu Hinh: Người ở Tế Giang thuộc Bắc Giang627 .

Trần Uyên: Người ở Đường Hào thuộc Hồng Châu628 .

Tháng 3 nhuận. Đúc 330 quả chuông bằng đồng.

Lời bàn của Ngô [Thì] Sĩ - Đúc một lúc 330 quả chuông, lãng phí đồng để ném vào việc vô dụng, xét ra nhà Trần sùng đạo Phật lại có phần hơn nhà Lý nhiều. Tháng 5, mùa hạ. Sét đánh điện Thiên An và cung Thái Thanh, tượng Thiên Tôn đổ nằm phục xuống đất.

Lời chua - Điện Thiên An: Tức điện Kiền Nguyên, là nơi để vua ra coi triều, điện này dựng lên thời nhà Lý629 , nhà Trần cũng giữ như cũ.

Cung Thái Thanh: Ở bên tả điện Thiên An, trong cung thờ tượng Thiên Tôn.

Đào sông Tô Lịch.

Lời chua - Sông Tô Lịch: Xem thuộc Đường, Mục Tông, năm Trường Khánh thứ 4 (Tb. IV, 31).

Tháng 7, mùa thu. Vũ Thành vương tên là Doãn chạy sang đất nhà Tống, bị viên quan bản thổ ở Tư Minh là Hoàng Bính bắt được đưa trả lại.

Doãn là con An Sinh vương Liễu, do Lý Thị sinh ra, từ khi nhà vua chiếm lấy Lý Thị lập làm Hoàng hậu, An Sinh vương đối với quốc gia có sự hiềm khích, đến khi Lý hậu mất, tên Doãn bị thất thế, nên đem cả gia quyến chạy sang đất nhà Tống, bị viên quan bản thổ ở Tư Minh là Hoàng Bính bắt được đưa trả lại, nhà vua ban vàng lụa thưởng cho Hoàng Bính. Từ bấy giờ việc xét hỏi quan ải ngày thêm nghiêm mật.

Lời chua - Tư Minh: Tên phủ (?), thuộc phủ Thái Bình tỉnh Quảng Tây, giáp với tỉnh Lạng Sơn nước ta.

Đinh Tị, năm thứ 7 (1257). (Tống, năm Bảo Hựu thứ 5).

Tháng 2, mùa xuân. Lấy con gái viên Thổ quan nhà Tống là Hoàng Bính sung vào hậu cung sách phong làm Huệ Túc phu nhân.

Lúc ấy nước Mông Cổ ngày càng mạnh, Hoàng Bính biết nhà Tống sắp mất, nên đem cả gia quyến đến khuyết đình và tiến con gái lên cho vua, vua cho sung vào hậu cung. Sau Hoàng Bính lại đem dâng phẩm vật ở địa phương và đem một ngày hai trăm người bộ thuộc đến nước ta xin quy phụ.

Tháng 9. Hạ mệnh lệnh cho Quốc Tuấn đem quân trấn ngự biên thùy phía bắc.

Chủ trại Quy Hóa là Hà Khuất chạy trạm về triều tâu việc quân Mông Cổ sang xâm lấn, nhà vua hạ lệnh cho Quốc Tuấn đốc suất tả hữu tướng quân đem quân đi trấn giữ.

Lời chua - Quy Hóa: Xưa thuộc bộ Tân Hưng, nhà Lý gọi là Đăng Châu; nhà Trần gọi là trại Quy Hóa; nhà Lê đổi làm phủ; bây giờ cũng theo như cũ, thuộc tỉnh Hưng Hóa630 .

Tháng 12. Quân của Mông Cổ xâm phạm đến địa phận sông Thao, nhà vua tự làm tướng đem quân đi chống cự, bị thua.

Tướng Mông Cổ là Ngột Lương Hợp Thai đã chiếm lấy được nước Đại Lý631 , liền kéo quân xâm phạm đến địa phận sông Thao nước ta. Nhà vua làm tướng ra đốc chiến, tự đi dẫn đầu xông vào mũi tên hòn đạn; quan quân cứ dần dần rút lui. Nhà vua ngoảnh trông 2 bên, chỉ thấy có Lê Phụ Trần một mình cưỡi ngựa ra vào trong trận giặc, nhan sắc bình tĩnh như thường. Bấy giờ có người khuyên nhà vua đóng quân ở đấy để chỉ huy việc đánh giặc. Lê Phụ Trần can rằng: "Nếu bây giờ bệ hạ làm như thế, thì chỉ như người dốc hết túi tiền để đánh nốt tiếng bạc mà thôi. Tôi tưởng hãy nên lánh đi, không nên khinh thường mà nghe người ta được". Nhà vua nghe lời, lui quân đóng ở sông Phú Lương, Phụ Trần đi sau cùng để vén quân. Lúc ấy quân Mông Cổ đuổi gấp, bắn tứ tung, Phụ Trần lấy cái sạp thuyền che đỡ cho nhà vua được thoát nạn.

Bấy giờ thế giặc mạnh lắm, kéo quân sát thẳng đến Đông Bộ Đầu mới đóng lại, nhà vua lại phải lui xuống giữ sông Thiên Mạc. Có lúc nhà vua ngự chiếc thuyền nhỏ, tới thuyền của Thái uý Nhật Hiệu để hỏi kế hoạch. Nhật Hiệu đương ngồi tựa vào thuyền, không thể đứng dậy được, chỉ lấy nước viết ở bên mạn thuyền hai chữ "nhập Tống"632 . Nhà vua hỏi đội quân Tinh Cương ở đâu. Nhật Hiệu thưa rằng: "Đã cho triệu tập, nhưng không thấy đến". Nhà vua lập tức dời thuyền đến hỏi Thái sư là Thủ Độ, Thủ Độ thưa rằng: "Đầu tôi chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo nghĩ đến chuyện khác cho phiền lòng".

Lời chua - Sông Thao: Xem Lý Nhân Tông, năm Hội Phong thứ 5 (Chb. IV, 2).

Sông Phú Lương: Tức sông Nhị Hà bây giờ, xem Lý Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ 2 (Chb. II, 13).

Sông Thiên Mạc: Tức hạ lưu sông Phú Lương, ở Mạn Trù Châu, huyện Đông Yên, thuộc địa giới tỉnh Hưng Yên.

Quân Tinh Cương: Tức quân tuyển trong những người ở làng Tinh Cương do Nhật Hiệu thống lĩnh.

Nhà vua đánh tan được quân Mông Cổ ở Đông Bộ Đầu. Quân Mông Cổ phải rút lui.

Nhà vua cùng Thái tử lại tiến quân đến Đông Bộ Đầu đánh quân Mông Cổ, thu được toàn thắng. Quân Mông Cổ rút lui, khi rút đến trại Quy Hóa, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Mán đánh úp, lại thắng được một trận lớn. Lúc ấy quân Mông Cổ mới lấy được Vân Nam, quân tuần tiễu mới đến, không

có ý đánh để chiếm lấy, nên lúc ấy người ta gọi toán quân ấylà "giặc bụt". Sau khi giặc đã lui rồi, nhà vua thưởng cho Hà Bổng tước hầu.

Lời cẩn án - Trận này thế giặc rất mạnh, thế mà Sử cũ chỉ chép rằng nhà vua tiến quân đánh được giặc, không chép rõ cái cớ sở dĩ đánh được như thế nào cả. Tham khảo sách Nguyên sử loại biên và sách Cương mục tục biên (Trung Quốc) đều chép rằng: Ngột Lương Hợp Thai đã bình được nước Đại Lý, kéo quân sang nước ta, ba lần sai sứ đến dụ nhà vua đầu hàng, đều không thấy sứ thần trở về, bấy giờ mới chia đường tiến quân, nhân thế thắng, kéo vào đô thành nước ta, khi vào, thấy ba người sứ sai sang trước còn bị giam ở trong ngục, người nào cũng bị những thanh tre bó chặt vào mình sát hẳn đến da, khi cởi trói ra, thì một người đã bị chết, họ liền giết hết cả dân trong thành. Đóng quân ở đây được 9 ngày, vì không chịu được nóng nực, phải rút về. Lại sai sứ giả đến chiêu an, vua Thái Tông giận họ tàn phá, nên lại sai trói hai sứ giả đưa trả lại. Việc chép ở hai sách này so với việc chép ở Sử cũ không hợp với nhau, nhưng cũng ghi cả để tiện tham khảo. Lời chua - Đông Bộ Đầu: Xem Lý Cao Tông, năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 (Chb. V, 33).

Ngột Lương Hợp Thai: Sách Cương mục tục biên (Trung Quốc) chép là Ô Lan Cáp Đạt; sách Thông giám tập lãm (Trung Quốc) chép là Ô Đặc Cáp Lý Đạt.

Tha tội cho người tiểu hiệu là Hoàng Cự Đà.

Trước kia, nhà vua ban quả muỗm cho những người hầu cận, mà không cho Cự Đà. Khi quân Mông Cổ kéo đến Đông Bộ Đầu, Cự Đà chèo thuyền đi trốn, thuyền đến sông Hoàng Giang, gặp thuyền của Thái tử đương từ hạ lưu đi ngược lên. Cự Đà trông thấy, tránh thuyền sang bờ sông bên kia, thuyền đi rất nhanh. Quan quân ở bờ bên này sông hô to lên hỏi: "Quân Mông Cổ bây giờ ở đâu?". Cự Đà trả lời: "Tôi không biết, các anh nên hỏi những người nào được ăn muỗm ấy". Đến nay, Thái tử xin luận tội Cự Đà thật nặng để răn bảo người làm tôi bất trung. Nhà vua nói: "Kể tội Cự Đà đáng lẽ phải giết cả họ, nhưng đời trước cũng có việc tên Dương Châm, vì không được ăn thịt dê, làm cho quân nhà Tống đến nỗi bị thua633 ; thế thì cái tội Cự Đà tức là lỗi ở quả nhân, nghĩ nên tha tội chết cho nó, và cho đi đánh giặc để chuộc tội".

Lời phê634 - Đây cũng chỉ là hiếu danh mà thôi, không được chính đáng bằng ý kiến của thái tử. Lời chua - Hoàng Giang: Ở địa giới huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân bây giờ, phía trên tiếp giáp sông Thiên Mạc, phía dưới thông với sông Giao Thủy.

Mậu Ngọ, năm thứ 8 (1258). (Từ tháng 3 trở về sau thuộc niên hiệu Thiệu Long thứ 1 đời Thánh Tông - Tống, năm Bảo Hựu thứ 6).

Tháng giêng, mùa xuân. Đem Hoàng hậu cũ là Lý Thị635 gả cho Ngự sử Đại phu Lê Phụ Trần.

Quân Mông Cổ đã rút lui, trăm họ lại yên nghiệp làm ăn như trước, sáng ngày mồng một tết, nhà vua ngự triều ở chính điện, định công đánh giặc để ban thưởng, phong cho Lê Phụ Trần chức Ngự sử đại phu, lại gả Chiêu Thánh công chúa cho. Nhà vua bảo Lê Phụ Trần rằng: "Nếu trẫm không có nhà ngươi giúp sức, thì làm gì được có ngày nay, nhà ngươi nên cố gắng để cùng làm tròn sự nghiệp sau này".

Sai sứ sang nhà Tống.

Nhà vua đã thu phục được kinh thành, toan truyền ngôi cho Thái tử, nên sai sứ sang báo cáo với nhà Tống và đưa dâng hai con voi.

Bấy giờ Mông Cổ cũng sai sứ sang nước ta, đòi hằng năm phải cống nạp, vì thế nhà vua mới sai Lê Phụ Trần sang sứ Mông Cổ, và cho Chu Bác Lãm làm Phó sứ, định cứ 3 năm một lần sang cống.

Tháng 2. Nhà vua truyền ngôi cho Hoàng Thái tử là Hoảng. Sau khi Thái tử lên ngôi, tôn nhà vua làm Hiển Nghiêu Thánh thọ Thái thượng hoàng đế.

Thái tử đã lên ngôi, xưng hiệu là Nhân Hoàng; bầy tôi dâng tôn hiệu là Kiến Thiên thể đạo Đại Minh, Quang Hiếu Hoàng đế (tức là Thánh Tông).

Lời bàn của Ngô Sĩ Liên - Gia pháp họ Trần, khi Thái tử đã khôn lớn thì cho nối ngôi chính thống ngay, mà vua cha thì lui về ở cung Thánh Từ, xưng là Thượng hoàng, cha con vẫn cùng nhau giữ chính quyền trong nước. Thực ra, chỉ truyền ngôi vua để phòng nếu khi vội vàng thì ngôi vua sau này đã được ổn định đó thôi, còn các công việc đều do Thượng hoàng quyết đoán. Khi Thượng hoàng còn thì ông vua nối ngôi sau này cũng không khác gì Thái tử. Việc này có lẽ theo nghĩa trong kinh Dịch là quẻ Kiền lui về tây bắc mà quẻ Chấn tiến lên phương đông vậy636 Lời phê - Phép truyền ngôi vua này của nhà Trần cũng hay, có thể bắt chước được Tháng 8, mùa thu. Gió dữ tợn quá, ngọn tháp Báo Thiên bị đổ.

Lời chua - Tháp Báo Thiên: Dựng từ năm Long thụy thái bình thứ 4 đời Lý Thánh Tông (1057). Ngọn tháp cao vài mươi trượng, xây thành 12 tầng.

Lập Trần Thị làm Hoàng hậu.

Trần Thị là con gái An Sinh vương Liễu, nhà vua lấy làm vợ, phong là Thiên cảm phu nhân, rồi lại sách lập làm Hoàng hậu.

Tháng 11, mùa đông. Phong cho em là Quang Khải làm Chiêu Minh đại vương.

Quang Khải là con thứ 3 của Thượng hoàng637 , em cùng mẹ với nhà vua.

Lời chua - Theo quy chế nhà Trần, phong các Hoàng tử, người trưởng được tước Đại vương, người thứ được tước vương, người thứ nữa được phong là Thượng vị hầu; về phần con các tước vương thì người trưởng được phong tước vương, người thứ phong Thượng vị hầu.

 

Xem mục lục Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục

No comments:

Post a Comment

Sãi Vãi - Nguyễn Cư Trinh

Điển Sử   »  Cổ văn Việt Nam  »  Thơ   SÃI VÃI Tác giả: Nguyễn Cư Trinh   Sãi vãi là một tác phẩm do Nguyễn Cư Trinh sáng tác vào n...